(Liễu Pháp dịch)
Sơ lược tiểu sử Tỳ Kheo Bodhi:
Tỳ kheo Bodhi gốc người Hoa kỳ, sinh năm 1944 tại New York City. Sau
khi hoàn tất bằng tiến sĩ tại trường Ðại học Claremont, Ngài đến nước Tích Lan
(Sri Lanka) để xuất gia. Ngài thọ giới Sa di năm 1972 và đại giới Tỳ kheo năm
1973 với Ngài Balangoda Ananda Maitreya là một tu sĩ học giả nỗi tiếng. Ngài đã
được học hỏi Phật Pháp và tiếng Pali với Sư phụ. Tỳ kheo Bodhi là tác giả nhiều
tác phẩm Phật giáo Nam tông, kể cả công trình dịch thuật bốn Tạng Kinh Pali với
phần Chú giải. Gần đây, năm 1993 Ngài đã soạn và cho xuất bản cuốn "A
Comprehensive Manual of Abhidhamma" là một công trình nghiên cứu quí giá về
Vi Diệu Pháp phân tích cặn kẽ Danh và Sắc. Từ năm 1984, Ngài là Chủ biên của
Buddhist Publication Society và từ năm 1988 Ngài là Chủ nhiệm của cơ sở xuất bản
nỗi tiếng này.
oOo
Hơn ba thập niên qua thế giới đã bị biến đổi nhiều cách mà không mấy ai có thể tiên đoán được cho dù chỉ một trăm năm trước đây. Từ một số quốc gia hay liên bang liên hệ với nhau lõng lẽo, thế giới đã mau lẹ trở thành một cộng đồng toàn cầu liên kết chặt chẻ với nhau bằng các phương tiện giao thông và thông tin rất là nhanh chóng. Những hàng rào cản của không gian và thời gian đã rơi rớt đi, mở lộ cho ta thấy được chính mình và bắt ta phải nhận biết sự thật phũ phàng là tất cả chúng ta đều cùng đối diện với một thân phận chung của nhân loại. Những lý do rêu rao ân huệ đặc biệt cho một hạng người, một quốc gia, nòi giống hay tôn giáo, ngày nay sao mà thấy rỗng tuếch. Như là những kẻ cùng ở trên một hành tinh -- một viên ngọc xanh sáng chói treo giữa không gian vô tận và đen tối lạnh lẽo -- chúng ta hoặc là cùng lớn dậy hoặc là tiêu hoại đi, chứ khả dĩ chẳng có cách nào khác.
Trong khi nền kỹ thuật đáng hãnh diện của ta đã giúp ta phân tích được nguyên tử và cả các quy luật di truyền rõ rệt thì báo chí hằng ngày nhắc nhở rằng sự hiểu biết của ta về thế giới bên ngoài đã không dẫn ta đến một nơi toàn hảo như ta hằng dự đoán. Ngược lại, những ngăn cách biên giới trên hoàn cầu đã được thâu ngắn lại và đã làm nổi lên nhiều vấn đề trọng đại -- những vấn đề xã hội, chính trị và tâm lý trầm trọng đến độ tạo nên câu hỏi về sự sống còn của quả đất và giống người. Những vấn đề thách thức cộng đồng toàn cầu hiện nay thật là nhiều. Những vấn đề này gồm có sự hao mòn tài nguyên thiên nhiên và sự cưỡng đoạt môi sinh; vấn đề căng thẳng từng vùng vì khác biệt chủng tộc hay tôn giáo; vấn đề vũ khí nguyên tử lan tràn; vấn đề vi phạm nhân quyền; vấn đề chênh lệch khác biệt giàu nghèo. Trong khi những vấn đề này đã được bàn cải nhiều từ các quan điểm xã hội, chính trị và kinh tế, chúng cũng cần được khảo sát cặn kẻ từ quan điểm tôn giáo nữa.
Một tâm nhạy cảm sẽ không nhìn các vấn đề trên như là một hiện tượng riêng rẽ để được giải quyết bằng các giải pháp vụn vặt, ngược lại cần phải được soi xét tận cùng đến mọi khía cạnh chưa được khám phá để tìm ra những nguyên nhân bị che dấu và các liên hệ khó thấy. Với hướng nhìn như vậy, khi suy nghĩ về căn bệnh toàn cầu của chúng ta, chúng ta thấy ngay cái triệu chứng thiết yếu của căn bệnh. Bên dưới cái vẻ khác biệt hướng ngoại có rất nhiều điều biểu lộ cái nguyên nhân chung, cái ung nhọt tâm thần sâu kín và làm ảnh hưởng tới cái cơ chế xã hội của chúng ta. Cái nguyên nhân chung này được tạm biểu tượng như là một sự ngang bướng đòi hỏi đặt để những quyền lợi tư hữu ngắn hạn (kể cả các quyền lợi của các tầng lớp phe nhóm xã hội mà chúng ta thuộc vào) trên sự tốt đẹp thiết yếu và dài hạn của cộng đồng nhân loại. Những căn bệnh xã hội đã lèo lái con người nhiều không kể hết được nếu ta không xét đến những động cơ mạnh mẽ thúc đẩy con người đang nằm sau những căn bệnh đó. Và cái đặc biệt về các động cơ này là chúng phát nguồn từ sự sai lệch tai hại của tâm con người không được vận hành đúng, làm cho con người mù quáng chạy theo những mục đích phân tán, chia rẽ và cùng quẫn cho dù chạy theo như vậy có cơ nguy sẽ tự hủy diệt.
Có hai phương diện Phật Pháp có thể đóng góp đáng kể nhất trong việc giúp chúng ta đương đầu với những mâu thuẫn hiện đại: thứ nhất là Phật Pháp có sự phân tích trung thực những nguyên nhân tạo nên đau khổ; thứ hai là Phật Pháp đề nghị phương thức cao thượng để giải quyết đau khổ. Ðức Phật giảng giải rằng những nguyên nhân tạo nên đau khổ cho con người, về cả hai mặt cá nhân và xã hội, là do ba tâm sở gọi là ba nguyên nhân bất thiện. Ba nguyên nhân này -- kể như là ba chân của cái tâm tự ngã -- là Tham, Sân và Si. Mục đích của đạo Phật là từ từ chế ngự ba nguyên nhân bất thiện này bằng cách tu tập các tâm sở ngược lại các tâm bất thiện này. Ðó là các tâm thiện: Vô Tham, biểu lộ như tánh độ lượng, không dính mắc và an mãn; Vô Sân, biểu lộ như tâm từ, tâm bi, nhẫn nhục và tha thứ; và Vô Si, được hiển lộ như là trí tuệ, giác ngộ và hiểu biết.
Với ánh sáng của Phật Pháp, nếu ta suy ngẫm về những hiểm họa đang đe dọa cả thế giới toàn cầu thì chúng ta sẽ thấy rõ những hiểm họa này là do sự gia tăng vô hạn của Tham, Sân và con người hành xử trên căn bản Si Mê. Những năng lực đen tối này của tâm con người không phải xuất khởi với cuộc Cách Mạng Kỷ Nghệ; thực ra chúng đã hẳn là những nguyên nhân sâu xa của đau khổ và hủy hoại từ thuở xa xưa lắm. Nhưng sự phát triễn phiến diện của nhân loại ngày nay -- sự phát triễn hướng ngoại để chế ngự thiên nhiên, cộng thêm sự xao lãng hầu như hoàn toàn trong việc tìm hiểu nội tâm - đã làm cho các nguyên nhân bất thiện càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, do đó càng đưa nhân loại đến gần hơn bờ tai họa.
Với sự tham lam hiển hiện cùng khắp, thế giới đã biến thành một thị trường toàn cầu trong đó con người bị coi như là những món hàng tiêu thụ và những khao khát tham muốn vật chất được khêu gợi ở cường độ nguy hiểm. Với sự sân hận cùng khắp, thường được sinh ra do tranh dành quyền lợi mà quyền lợi thì điều động bởi tham lam, những sự khác biệt về quốc gia, chủng tộc trở thành căn nguyên cho nghi ngờ, đố kỵ và các thứ này làm bùng nổ lên sự hung bạo và hủy hoại, sự độc ác và tàn nhẫn, trong những đợt trả thù nhau không ngừng. Sự Si mê lại nuôi dưỡng Tham và Sân bằng cách tạo nên những tin tưởng, ý thức hệ sai lầm và những triết thuyết nhằm đề cao hoặc biện minh cho những hành xử do tham lam và sân hận thúc đẩy.
Trong thời đại mới đánh dấu sự thắng thế của nền kinh tế thị trường, sự si mê tàn hại nhất trong con người là sự tin tưởng rằng con đường chúng ta muốn đạt tới nằm trong sự thỏa mãn những ham muốn do con người gợi ra. Một đồ án như vậy chỉ có thể khơi dậy càng nhiều hơn mức độ tự kỷ liều lĩnh, và từ sự va chạm với các phần tử tự kỷ khác sẽ đưa đến sự đấu tranh và bạo lực. Nếu Phật Pháp quả đã chẩn đúng căn bệnh của nhân loại thì con người ngày nay phải thấy rõ mình cần phải làm gì. Nền văn minh hiện đại đã hoàn toàn thúc đẩy con người hướng ngoại, đi chế ngự thế giới bên ngoài. Khoa học đã tìm tòi sâu các bí mật vật chất và đời sống, trong khi kỹ thuật và kỹ nghệ đã cùng gặt hái các khám phá của khoa học cho những áp dụng thực tiễn. Ai cũng biết rằng khoa học và kỹ thuật đã đóng góp đáng kể vào việc giảm thiểu đau thương nhân loại và đã nâng cao đời sống chúng ta. Tuy nhiên vì tâm con người, cái đứng sau mọi thành quả vĩ đại của khoa học, đã thật quên mình một cách đáng thương, những khuôn mẫu cảm nhận và động cơ thúc đẩy con người vẫn theo cùng những con đường đen tối như ở các thế kỷ trước -- những nguyên nhân tham, sân và si -- chỉ khác trước chăng là nay những nguyên nhân này được trang bị với các dụng cụ mạnh mẽ hơn.
Chừng nào mà chúng ta còn tiếp tục lẫn tránh việc quay vào nội tâm, hướng về việc hiểu biết thấu đáo tâm của chính mình, thì những thành quả về thế giới bên ngoài sẽ còn chưa đến được kết quả đúng đắng. Trong khi một mặt thì những thành quả này có lẽ làm cho đời sống an toàn và nhiều tiện nghi hơn, nhưng mặt khác thì chúng sẽ sinh ra những hậu quả tàn hại ngoài ý muốn của mình. Ðể cho nhân loại lớn dậy trong thời đại toàn cầu và có thể sống chung hòa bình và hạnh phúc trong thế giới đang thâu hẹp này, thì thử thách không tránh được của chúng ta là phải tiến đến việc tự tìm hiểu và chuyển hóa chính mình.
Ở đây Phật Pháp đã trở thành hợp thời, đúng lúc ngay cả cho những người không hẳn đã theo Phật giáo và tin tưởng vào triết thuyết nhà Phật. Phật Pháp đã chẩn bệnh con người, tìm ra nguyên nhân tham, sân, si tạo nên đau khổ của con người. Phật Pháp đã cho ta thấy được gốc rễ bị dấu kín của các phiền não của con người, như một cá nhân hay tập thể. Bằng cách chỉ rõ con đường tu tập giúp ta rủ bỏ những gì tai hại và bồi đắp những gì lợi ích, Phật Pháp cho ta phương thuốc chữa trị những vấn đề toàn cầu tại một nơi trực tiếp cho ta đi vào: đó là tâm của chúng ta. Bởi vì Phật Pháp đặt gánh nặng trách nhiệm việc cứu rỗi mình ngay trên mỗi chúng ta, kêu gọi sự tinh tấn cá nhân và vận động năng lực cho việc thanh lọc tâm, chúng ta không khỏi cảm thấy cái khía cạnh cay đắng của Phật Pháp. Tuy nhiên, bằng cách chẩn bệnh chính xác và chỉ rõ một con đường giải thoát, Phật Pháp còn cho ta trong thời đại toàn cầu này một thông điệp hy vọng đầy phấn khởi.
Bhikkhu
Bodhi,
"Message for a Globalized World", Cover Essay,
BPS Newsletter No. 34, Sri Lanka, 1996
Liễu Pháp chuyển dịch.
Source: Phat- Hoc Magazine, June 1998, Kentucky,
USA
http://www.win.net/phathoc/