Vài Lời Cảnh Tỉnh

Sư Cô Chứng Nghiêm

(Trích "Bồ Ðề Hải", www.saigon.com/~fopusa/)


Sư Cô Chứng Nghiêm quê quán ở tỉnh Ðài Trung, Ðài Loan. Năm 23 tuổi cô xuất gia, sống đời thanh đạm tu hành. Vào thời ấy vì hoàn cảnh khó khăn, cô đã phải làm nhang, đèn cầy, đậu hủ, bán để giúp chùa và duy trì sinh hoạt cá nhân. Thấy sự khổ sở của đồng bào, cô đã phát đại nguyện hành đạo bồ tát để cứu tế chúng sinh. Với đại nguyện và tinh thần vì người quên mình, nhiều nhân duyên bất khả tư nghì đã cảm ứng, để đến năm 1966, cô thành lập Từ Tế Công Ðức Hội. Thế rồi trãi qua hơn ba mươi năm cần khổ phục vụ, hội đã giúp không biết bao nhiêu người nghèo khổ bịnh tật và vì vậy hội đã trở thành một trong những tổ chức từ thiện cung ứng nhu cầu về y tế, phục vụ, giáo dục, văn hóa tích cực nhất ở Ðài Loan. Những lời khuyên sau đây là lời cô bản thân kinh nghiệm, nói lại cho quý vị tại gia cư sĩ, để đối diện với hoàn cảnh thực tế mỗi ngày.

1. Danh lợi ở đời cũng hệt như xiềng xích, cột trói thân tâm ta. Ai chẳng bị danh lợi buộc ràng, người ấy mới thật là tự tại.

2. Tu hành phải khế (hợp) duyên để tu tâm, dựa vào sự việc để luyện tâm, tùy hoàn cảnh mà dưỡng tâm.

3. Ở trên đời ở trong mọi thời mọi nơi, mọi sự việc xung quanh ta đều thuyết pháp cho mình. Pháp ấy thông thường không có âm thanh tiếng nói; song lời pháp vô thanh ấy, nhiều khi làm người nghe có ấn tượng sâu sắc hơn cả pháp thốt ra lời nữa.

4. Chớ nên hễ mở mắt nhìn là chỉ thấy lỗi lầm của kẻ khác, mà chẳng tự thấy lỗi lầm của chính mình.

5. Trong Kinh có dạy rằng: Sắc dục là gông cùm trong cõi thế, là tai họa của cõi đời. Song kẻ phàm phu trọng sắc, cam thân làm nô lệ cho nó, suốt đời đeo đuổi vì nó mà khổ sở. Suy nghĩ cho kỷ thì thân người bẩn thỉu, thường thải ra đồ dơ dáy, có gì đẹp đẻ đáng nói đâu!

6. Tình thương cần phải không ích kỷ; phải có lòng thương rộng lớn trùm phủ hư không khắp cùng pháp giới thì mới là rốt ráo được. Không nên để tình thương giống như bùn lầy: ướt át dính rít, bôi vào mặt ai thì dính rít vào đó.

7. Có được thì phải có mất. Phàm phu thì truy cầu tài vật, song thánh nhân thì theo đuổi chân lý.

8. Cái đẹp của ngoại vật qua mắt ta rồi thì hết. Vẽ đẹp của tâm địa thì cả đời ta khó quên.

9. Nghiệp thật ra chỉ là nghiệp chướng; hễ giàu sang có tiền thì sẽ có phiền não.

10. Tiến bộ của xã hội là thành quả của mọi người cùng chung sức nổ lực đóng góp. Nếu toàn thiên hạ chỉ có một mình bạn thì bạn chẳng (tạo được hoàn cảnh như bây giờ và do đó chẳng) có phước đức gì để hưởng thụ nó. Vì thế phải nên xem mình là kẻ tầm thường, chẳng thể đơn độc hưởng thụ; đối với kẻ khác phải có lòng cung kính. Phải biết tôn trọng người, cảm ơn người.

11. Tiền tài của cải không được khéo dùng thì chúng cũng như lửa đốt thân. Con cái không được khéo dạy thì chúng sẽ thành loài cọp beo hại người.

12. Phải có những kẻ có lòng thương, từ bi giúp đỡ chúng sinh chịu khổ nạn thì nhân sinh mới không biến thành quá tàn nhẫn.

13. Lúc mê chấp chẳng ngộ thì phiền não theo đó hiện khởi, như mây giăng, phủ khuất. Lúc chuyển mê thành ngộ thì bồ đề theo đó lộ bày, như mây tan, trăng hiện.

14. Cha mẹ trong nhà là Phật sống. Không hiếu thảo săn sóc cha mẹ thì không thể có phước đức đặng.

15. Nghịch cảnh giống như viên đá mài ngọc, có thể làm cho viên ngọc chưa chuốt biến thành sáng rực óng ánh.

16. Bởi vì có chúng sinh khổ nạn nên mới có bồ tát cứu khổ cứu nạn. Bồ tát có mắt hiền từ nhìn chúng sinh; Ngài luôn tâm niệm rằng: "Nếu mình không đi cứu giúp chúng sinh thì ai cứu giúp họ?" Ðó là tinh thần đại từ đại bi, bạt khổ ban vui của bồ tát.

17. Bịnh của tâm thì sâu hơn bịnh của thân. Tâm có thể làm sinh bịnh mà cũng có thể làm bịnh đừng khởi.

18. Trách nhiệm của thầy là chỉ dạy hướng dẫn. Nhưng đường đạo tu hành chắc chắn cần mình tự bước.

19. Cái muỗng canh suốt ngày múc canh nhưng chẳng biết đặng mùi vị gì cả. Cũng vậy, người ngu suốt ngày phụng sự kẻ trí huệ nhưng chẳng thấy đặng chân pháp.

20. Ðừng khinh thường việc thiện nhỏ, cho rằng nó chẳng có phước báu gì. Nước chảy tuy rỉ rả từng giọt, song từ từ có thể tràn đầy cả hồ. Phước báu mà được sung mãn cũng là do tích lũy từng ly từng tý mà thành.

21. Những ai xem việc mình hy sinh (cho kẻ khác) là một hình thức vui sướng, rồi từ đó phát sinh lòng thương xót (muốn giúp người), thì sẽ vĩnh viễn lúc nào cũng sung sướng.

22. Ðem so sánh: xuất gia thì dễ, tu hành mới khó; cạo tóc thì dễ, cạo (làm sạch) tâm mới khó.

23. Khi mình thấy kẻ khác thành tựu, mình cần phải vui vẻ hoan hỷ, lập chí học theo gương ấy. Khi thấy kẻ khác gặp khổ nạn, mình phải cần sinh lòng thương xót bi mẫn, tìm cách giúp đỡ.

24. Ðức tin cần phải có trí huệ. Chẳng nên ai nói gì cũng gật đầu làm theo, khiến tâm trí bị mê loạn. Rồi do mê mờ nên mới sinh ra ưu lo, sợ hãi. Một khi hiểu rõ chân lý, thì mình sẽ không có gì quái ngại.

25. Chỉ có thật sự dụng công chân thật tu hành, nổ lực từ từ tiến bước thì mới đạt được kết quả. Chớ nên vọng tưởng rằng cất một bước chân mà mình vọt lên tới trời được.

26. Nếu như thân xuất gia mà tâm chẳng xuất gia thì chẳng thà tâm xuất gia nhưng thân không xuất gia.

27. Cứ luôn than khổ, thì chẳng bỏ được khổ. Càng than vãn khổ sở thì khổ càng dồn dập thêm, càng bức bách hơn.

28. Chỉ cần trưởng dưỡng khí chất cho tốt, chẳng cần phải tranh thể diện. Thứ gì do tranh mà được đều là giả, những gì do trưởng dưỡng mà thành mới là thật.

29. Có giúp được người hay không chẳng phải do mình có hay chẳng có năng lực mà do mình có hay chẳng có tâm giúp người.

30. Phải luôn đoan chính đàng hoàng, chớ đùa giởn bởn cợt. Nên thường nghiêm cẩn thận trọng, chớ bê bối cẩu thả.

31. Pháp mà Phật thuyết ra thì ít như nắm đất trong tay, còn pháp Phật chưa thuyết thì nhiều như đất trên địa cầu vậy. Những pháp ấy phải được thể nghiệm từ kinh nghiệm sống và từ quá trình tôi luyện thật tu mà thành. Ðó gọi là trí huệ chân chính.

32. Khi thương ai, bạn phải làm cho tinh thần cao thượng của kẻ ấy sống mãi, và truyền đến kẻ khác.

33. Tiết kiệm đương nhiên là một mỹ đức, song nếu tiết kiệm quá mức thì biến thành nô lệ cho tài vật, rằng chỉ biết tích tụ tài sản mà không biết xử dụng.

34. Nếu khéo dùng đời mình thì dù có chết, mình cũng là "người sống." Không biết khéo léo dùng đời mình thì dù có sống, mình cũng chỉ là "người chết."

35. Dùng tâm Phật để nhìn người, thì ai cũng là Phật. Dùng tâm quỷ để nhìn người thì ai ai cũng đều là quỷ.

36. Người có lòng tin, có nghị lực, có dũng khí mới là người kiện toàn.

37. Nhận chịu ân huệ của người dù nhỏ như giọt nước, mình phải biết đền đáp bằng suối bằng thác. Bố thí rộng rãi cho người mà muốn trọn vẹn, thì chớ hối tiếc những thứ nhỏ bé lẻ tẻ.

38. Sửa đổi cách nhìn về thế giới thì thế giới thật bao la vô cùng. Thay đổi lập trường để đối đãi với người với việc thì người việc không chuyện gì chẳng yên ổn thoải mái.

39. Thiên tai bắt nguồn từ nhân họa. Khi việc lành tích tụ thì sẽ phá trừ được mọi thứ tai nạn.

40. Mĩm cười là biểu hiện nơi mặt; cau mày cũng là biểu hiện ngoài mặt. Song mĩm cười thì có thể giải quyết rắc rối, còn cau mày thì chỉ thắt chặt thêm rắc rối.

41. Ðức Phật thường giảng rằng: "Cha mẹ còn sống gọi là giàu; cha mẹ mất đi gọi là nghèo. Khi cha mẹ còn sống gọi là mặt trời lên cao; khi cha mẹ khuất bóng gọi là mặt trời sụp lặn. . . . Bởi thế các con phải siêng năng tu tập, hiếu thảo với cha mẹ." Ai làm được vậy thì sẽ hoạch phước nhiều như phước đức do cúng dường Phật vậy.

42. Nhẫn chịu bịnh của thân thì làm cho nghiệp tiêu hết. Buông lung bịnh của tâm thì quyết gây thêm tội nghiệp.

43. Khi bị kẻ khác xúc phạm, rồi mình bực bội ôm hận trong lòng, thì đó chỉ là ngu si. Nếu trong sinh hoạt hàng ngày mà mình lúc nào cũng có thể quan sát đặng nhân duyên mọi chuyện thì sẽ có trí huệ.

44. Không bị bịnh làm khổ tâm mình thì tức là mình chẳng có bịnh khổ.

45. Tu đạo trong khi sống trong cõi trần đầy nhiễm ô thì thường phải giữ tâm sao cho tuy nhìn mà chẳng thấy, nghe mà chẳng nhiễm, như đui như điếc.

46. Mỗi ngày ngủ dậy, bước chân xuống giường, bắt đầu ngày mới, hãy sinh ý nghĩ cảm ân (cha mẹ, trời đất, tam bảo, thầy bạn...). Càng có thái độ biết cảm ân thì sẽ càng bớt đi thái độ bất mãn, thù hằn.

47. Cái khổ của nhân gian là một tấm gương tốt để mình nhờ đó mà thấy được khổ trạng của trần thế. Do vậy mới khởi được lòng cảnh tỉnh, thái độ biết cảm ân, và sự tinh tấn tu đạo.

48. Chớ nên để trong lòng những tư tưởng, tình cảm đen tối. Hãy để cõi lòng trong sáng chiếu soi, thì cuộc sống đời mình mới đầy ý nghĩa.

49. Kinh dạy rằng: "Dù cho ngàn vạn kiếp, nghiệp tạo chẳng hề mất, nhân duyên tới đủ rồi, mình vẫn chịu quả báo." Nếu mình có thể không có tâm thì mới có thể không tạo nghiệp; không tạo nghiệp thì mới không có quả báo.

50. Kẻ phàm phu chỉ có thể thấy được cái xấu của kẻ khác chớ không nhìn thấy rõ rác rưỡi trong đáy lòng mình.

51. Cha mẹ là gốc rễ của con cái. Gốc rễ mà lộ ra thì cành nhánh phải khô lạnh.

52. Cái họa hoạn lớn của người ta là cứ cho rằng mình đúng, mình phải, mình hay giỏi nhất, thậm chí khoe khoan tự đại. Làm người cho phải đạo thì mình phải biết khiêm tốn, lễ mạo, biết nhường nhịn, biết thu nhỏ tự ngã, tôn trọng kẻ khác, thì mới thành công được.

53. Người quân tử bên trong tâm lượng rộng rãi, kẻ tiểu nhân thì tình khí hào nhoáng bề ngoài. Tình khí hào nhoáng thì gặp nghịch cảnh, lòng sinh bức bách mâu thuẫn, rồi cuối cùng khí tận thân tàn. Tâm lượng rộng rãi thì gặp nghịch cảnh, vẫn an nhiên nhận chịu, mà chung cuộc thì khí lực đầy đủ sung túc.

54. Nơi mỗi trang giấy trắng của cuốn sách đời mình, mỗi ngày chư thánh hiền đều đặt ra một đề tài thật hay về nhân sinh, song kẻ phàm phu chúng ta cứ gấp gấp lật qua mấy trang giấy trắng ấy.

55. Phật dạy: Kẻ biết ân thầy mình khi gặp thầy thì phụng sự, không gần thầy thì tư duy về điều thầy dạy bảo; phải có tấm lòng như người con hiếu nhớ nghĩ cha mẹ, như kẻ đói khát nghĩ tới chuyện ăn uống.

56. Học Phật thì phải học thứ Phật sống động. Tu thiền cũng phải tu thứ thiền sống động. Mỗi ngày trong sinh hoạt bình thường đi đứng nằm ngồi, mình phải học thiền. Thiền ấy mới chính là thiền sống động.

57. Hãy tự kiểm thảo hành vi chính mình, đừng ỷ lại, dựa vào thế lực bên ngoài như phong thủy.

58. Muốn được đời an bình, trước phải có lòng an tịnh.

59. Coi nhẹ chính mình thì tức là trí huệ; có trí huệ thì sẽ tự tại. Coi trọng chính mình thì tức là chấp trước; hễ chấp trước thì sinh phiền não.

60. Khi xả bỏ được lợi lạc cá nhân, thì sẽ thành đạt được công ích.

61. Bảo vật không dùng thì sẽ thành phế vật. Kẻ trí huệ không những biết dùng nó, mà còn biết dùng nó để tạo phước đức.

62. Kinh có kể chuyện: Có người bị con voi điên rượt chạy trong rừng. Trong lúc sợ hãi chạy trốn, anh chợt thấy một cái giếng hoang, với rễ cây đan thành giây, thòng xuống giếng. Anh liền thuận tay leo xuống. Tới gần tới đáy, anh chợt phát hiện có một con rồng độc nằm cuộn dưới đáy. Rồng ta giương vuốt, há mồm chờ anh xuống gần. Bốn bên tường giếng là bốn con rắn độc, cũng phồng mang muốn cắn. Sợ quá, anh ta lập tức trèo ngược trở lên. Nào ngờ bên trên một cặp chuột, con trắng con đen, đang cắn đứt dần giây leo. Lúc ấy anh ta thật chẳng biết phải làm sao cho ổn. Ngay lúc nguy cấp vô cùng như thế, từ trên tàng cây bên trên miệng giếng, hốt nhiên một giọt mật từ nơi hoa rớt xuống miệng anh ta. Mùi vị của giọt mật thật ngọt ngào làm sao! Anh ta trong phút chốc, mê mẩn với mùi vị, bỗng quên bẵng mọi chuyện xung quanh, quên cả việc mau mau tìm cách thoát hiểm.

Chúng sinh sống trong sự nguy hiểm của cái giếng Tam Giới, bị vô thường (con voi điên) bức bách, ngày đêm (hai con chuột) mạng sống giảm lần. Thân thể do đất nước gió lửa tạm bợ hợp thành này cũng giống như bốn con rắn độc, sẽ có lúc làm thân thể này tan rã, mất mạng. Nếu chẳng chịu tìm cách xuất ly, cứ bị khoái lạc tạm thời (giọt mật ngọt) của cõi đời làm mê hoặc, lấy cái giả làm thật, cho cái khổ là sướng, thì sẽ khó thoát đọa lạc địa ngục (con rồng độc).

63. Người sống trong hạnh phúc, chẳng hề có việc gì phải rên rỉ than vãn, là vì họ không hiểu thấu bịnh hoạn thống khổ chân chính là gì.

64. Giúp người chính là giúp mình, bởi vì không ai có thể sống một mình, tách rời đoàn thể.

65. Con cái vui cười: đối với cha mẹ cũng ấm áp như là mặt trời mùa đông.

66. Nếu có thể mượn cảnh để luyện tâm thì mới có thể tiết chế được sự khao khát không ngằn mé của tâm linh, đồng thời sẽ thể nghiệm được sự sung sướng và đầy đủ.

67. "Tôi có một hạt ngọc, đã lâu bụi bám đầy, ngày kia bụi hết; quang sinh, sáng soi non sông vạn cảnh." Chẳng biết kho châu báu trí huệ của tự tâm, chỉ biết cầu pháp bên ngoài tâm, đó chính là chẳng có trí huệ.

68. Trước không vun trồng lòng từ bi và lòng nhẫn nại, sau học Phật khó thành.

69. Khi người ta đau khổ thường thốt lên rên siết. Rên siết là một âm thanh, mà cười cũng là một âm thanh. Rên siết thì khiến người buồn bả ưu sầu, còn cười thì đem lại niềm vui hoan hỉ.

70. Vẻ tươi cười trong lúc bịnh thì giống hệt như ánh dương quang sau khi mây đen tản tận. Sự tươi mát ấy làm người ta cởi mở vui vẻ.

71. Kẻ ngu si thì thường xây trong lòng mình một bức tường kiên cố ngăn rào chính mình lại. Người trí huệ thì chắc chắn phá bỏ bức tường ấy, giải phóng người ở trong ấy ra.

72. Lúc khổ mà có thể buông bỏ cái khổ ấy, lúc đau mà cũng có thể buông bỏ cái đau ấy thì tự nhiên không còn đau khổ nữa.

73. Tha thứ cho người là mỹ đức, tha thứ cho mình là tổn đức. Càng tha thứ cho người thì càng có phước.

74. Ðừng xem bịnh hoạn đau đớn quá quan trọng, khi xem chúng quá quan trọng, ta sẽ xem nhẹ chính mình. Khi xem nhẹ chính mình, ta sẽ không thể siêu việt được bịnh khổ.

75. Ðức tin, nghị lực và dũng khí: khi bạn có đủ ba đức tính này thì thiên hạ chẳng chuyện gì khó nữa.

76. Mỗi giây mỗi phút đều là khởi đầu và cũng là sự kết thúc của sinh mạng. Chết đi cái cũ, sinh ra cái mới. Quan trọng là phải tạo ra cái mới.

77. Kẻ có sức mạnh lớn lao là kẻ có khả năng nhẫn nại mọi sự lăng nhục. Có thể nhẫn nhục là có thể không khởi ác ý, không nuôi lòng ác, nên được người tôn kính, và thành tựu mọi sự.

78. Người ngu thì luôn cho mình là đúng. Người trí thì khéo biết xoay chuyển cái ý niệm đúng đó.

79. Lời dối trá thì như một đóa hoa tươi đẹp, bên ngoài tuy xinh xắn nhưng sinh mệnh thì ngắn ngủi.

80. Người trí huệ thì vui với thiên nhiên non nước. Người chẳng có trí huệ thì thường bỏ gốc theo ngọn, truy cầu theo những việc hư huyễn (giả dối, dường như thật có).

81. Một bà cụ 74 tuổi hàng ngày sáng sớm tinh sương là ra đường quét tước, dọn sạch nơi công cộng. Ai thấy bà, họ cũng vui vẻ thích thú. Bửa nọ mấy chú thanh niên lân la hỏi bà năm nay bao nhiêu tuổi. Bà đáp rằng chỉ mới bốn tuổi. Nghĩ rằng nghe lầm, họ hỏi lại, song bà vẫn đáp rằng bốn tuổi. Họ hỏi: "Cụ nay tuổi bảy bốn hay là tám bốn?" Bà đáp rằng: "Nói về tuổi tác thì tôi bảy bốn. Nói về làm người thì tôi chỉ mới bốn tuổi. Ðó là bởi: "Bảy mươi năm đầu tôi sống trong mê mờ, chẳng biết đạo lý. Từ khi hiểu đạo, tới nay chỉ mới bốn năm, tôi mới cảm nhận sâu xa đạo lý chân chính làm người, biết rằng mình phải phục vụ nhân quần, lợi ích chúng sinh. Do đó tôi mới nói rằng mình chỉ mới bốn tuổi." Ngày nào mình biết thể hội đạo lý làm người, phục vụ nhân quần, thì ngày đó mới chính là ngày sinh nhật của mình.

82. Nhẫn chịu đau khổ, thì khổ hết vui sướng tới. Hưởng thụ phước báo, thì phước hết bi thương tìm.

83. Có một cô tới chùa nói với tôi rằng: "Thưa sư cô, hễ con tới chùa tu hành là chồng con phản đối, khiến con vạn phần khổ sở." Tôi nói với cô rằng: "Nếu cô cứ ngày ngày bận rộn chuyện chùa, hết lạy Phật, nghe kinh; bỏ bê chẳng lo lắng việc nhà cho vẹn tròn, thì sao chẳng khiến chồng cô bực dọc, không vui. Chẳng làm tròn trách nhiệm với gia đình trước, lại bỏ đi lo giúp đở việc ngoài, hay người ngoài thì tức là trước sau đảo lộn, chẳng hợp tình lý. Vì thiếu trí huệ, giúp bên ngoài trước khi tròn bổn phận bên trong, nên chồng cô mới phản đối. Bây giờ cô hãy về nhà, sửa đổi tánh tình, đối xử ôn hoà nhu thuận với chồng cô. Ðàn bà đẹp là ở tánh tình ôn nhu, thành công cũng do ôn nhu hiền lành, làm tròn bổn phận người vợ người mẹ." Mình chớ nên yêu cầu người khác cho (làm theo) mình điều gì, phải nghĩ mình phải làm gì giúp người khác.

84. Một nơi nọ, có anh nọ chuyên môn bẫy chim để bán. Khi chim mắc bẫy, bị thộp cổ, chúng thường vùng vẫy cố tìm lối thoát. Nếu có ai muốn ăn chim, thì anh liền bắt chim ra khỏi lồng, cạo lông, cắt cổ, nấu ngay tại chỗ để khách thưởng thức. Thật là bất nhẫn lắm thay. Thường nếu đi ngang qua chỗ ấy, tôi nhất định sẽ mua hết mấy chú chim đó. Lúc đầu anh ta bán bảy đồng một con, sau anh ta tăng giá thành 15 đồng một con, nhưng tôi cũng mua hết chẳng để sót con chim nào. Chờ khi xe chạy rồi thì tôi thả hết mấy chú chim đó đi. Cứ như vậy, hễ có đủ năng lực là có bao nhiêu chim tôi cũng mua hết để phóng sinh. Có người thấy nhiều động vật khác bị bắt, thì hỏi rằng: Thưa sư cô! Chúng con có thể mua những động vật ấy về phóng sinh chứ? Tôi đáp rằng: Ðương nhiên! Song, khi mua, các con phải mua hết, không được chừa một con nào cả. Ðồng thời phải xem, những thứ mình mua về phóng sinh, chúng có đủ sức sống hay không. Ðó mới là điều quan trọng nhất.

85. Hiện tại có nhiều người hiểu rằng phóng sinh là việc tạo công đức lớn lao, do đó cứ mồng một và rằm là họ phóng sinh. Họ nói với những người bán cá rằng, vào rằm và mồng một, hãy đem cá tới bán cho tụi tôi làm lễ phóng sinh. Người bán cá mỗi ngày chỉ bán 50 cân cá, song vì có người đặt cá như vậy, nên họ bắt thêm 50 cân cá nữa để bán! Khi cá ra khỏi nước thì chúng đau đớn vô cùng. Dù biết rằng mình sẽ đem cá phóng sinh, song bạn có biết khi cá ra khỏi nước trong khoảnh khắc thôi, chúng đã đau khổ đến dường nào. Chỉ cần nhìn cá vùng vẫy là ta đã biết chúng khổ, hà huống sau khi bị câu lên, chúng lại bị đưa đi chỗ khác phóng sinh, thử hỏi mạng sống của chúng mỏng manh đến dường nào.

Phóng sinh phải chăng biến thành phóng tử. Cứ mỗi năm, khắp tỉnh không biết ta phải hao phí bao nhiêu tiền mua cá phóng sinh? Mỗi vị ngư phủ, không biết đã tạo bao nhiêu sát nghiệp? Nếu các bạn muốn phóng sinh, tuyệt đối không nên "đặt hàng", vì làm vậy là gieo nhân duyên, cơ hội khiến người buôn tạo nghiệp. Khi bạn thấy (động vật), sức của bạn có bao nhiêu thì giúp bấy nhiêu; (nếu đủ sức để mua hết các động vật), bạn nhất định phải mua hết để phóng sinh. Ngoài chuyện phóng sinh các động vật, chim cua rùa cá... mình phải nghĩ tới những người bịnh khổ, đang vùng vẫy trong vòng sinh tử. Nếu bạn có thể giúp họ trị lành bịnh, hết thống khổ, sống vui vẻ, thì chẳng phải đây mới thật là phù hợp với ý nghĩa phóng sinh?

86. Bảo vệ môi sinh (ecology) khiến cho không bị ô nhiễm, cần kiệm phước duyên thì mới thật là phóng sinh.

87. Thời gian có thể dùng để tích lũy đạo nghiệp, thành tựu sự nghiệp, hoàn thành học nghiệp cũng như vun bồi công đức.

88. Lúc xã hội cần đến ta, mình phải mau mau hiến mình ra sức. Ngày nay mà mình còn bước đi được thì mình phải mau mau dấn bước.

Sư Cô Chứng Nghiêm
(Trích: "Lời Cảnh Tỉnh",
Nguyệt san Bồ Ðề Hải, California, USA
www.saigon.com/~fopusa/)


[Trở về trang Thư Mục]