Nghĩ rằng muốn sống theo những điều Phật dạy, người ta phải xa lìa thế tục là sai lầm. Nhiều chứng cứ trong các kinh điển Phật giáo cho thấy các cư sĩ nam, nữ tại gia vẫn sống đời sống gia đình bình thường, mà vẫn có thể tu theo những điều Phật dạy và đã đạt được giải thoát. Vacchogatta, kẻ cùng tử lang thang đã có lần hỏi ngay đức Phật rằng có nam cư sĩ (Ưu bà tắc), nữ cư sĩ (Ưu bà di) nào vẫn sống cuộc đời thế tục mà có thể tu theo lời dạy của đức Phật và đã đạt được những quả vị tâm linh. Phật đã nói rằng không chỉ có một hay hai, không chỉ có một trăm hay hai trăm hay năm trăm, mà rất nhiều cư sĩ tại gia vẫn có thể tu theo lời dạy của đức Phật và vẫn chứng quả được.
Có người nghĩ rằng Phật giáo chỉ thuyết về những lý tưởng xa vời, những đạo hạnh tuyệt đối và các tư tưởng triết học cao siêu, mà bỏ qua những vấn đề xã hội, kinh tế của con người, là sai lầm. Ðức Phật rất quan tâm đến hạnh phúc của con người. Ðối với đức Phật, hạnh phúc không thể có được nếu không dựa vào một cuộc sống trong sạch, có đạo đức và giới luật. Nhưng đức Phật cũng hiểu rằng sống một cuộc đời như thế rất khó trong những điều kiện vật chất và xã hội không ổn định.
Phật giáo không cho rằng của cải vật chất là cứu cánh của cuộc đời, nhưng Phật giáo công nhận rằng con người cần phải có các điều kiện vật chất tối thiểu để có thể thành công trong đời sống tâm linh. Ðức Phật không tách rời cuộc sống ra khỏi những khía cạnh về xã hội, kinh tế, chính trị. Các pháp của đức Phật về các vấn đề đạo đức, tâm linh và triết học được nhiều người biết đến. Nhưng ít người biết đến, nhất là ở phương Tây, các pháp của đức Phật về những vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị. Tuy nhiên, có rất nhiều bài giảng về các đề tài này rải rác trong các kinh điển của Phật. Hãy lấy vài thí dụ. Trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương (Cakkavattishihanada, Trường Bộ, 26) có nói rõ rằng cái nghèo (daliddiya) là nguồn gốc của thói vô đạo đức và tội lỗi như trộm cắp, dối trá, bạo động, hằn thù, độc ác, vân vân. Vua chúa thời xa xưa, cũng như chính quyền ngày nay, cố gắng dẹp trừ các tội ác bằng hình phạt. Kinh Kutadanta (Trường Bộ, 5) nói rằng phương pháp này sẽ không bao giờ thành công. Thay vào đó, đức Phật dạy rằng, muốn xóa bỏ các tệ nạn xã hội, thì các điều kiện kinh tế của người dân cần phải được cải thiện.
Một người tên là Dighajanu có lần đến thưa với Phật: "Bạch Thế Tôn, chúng con là những người cư sĩ bình thường, sống đời sống gia đình với vợ con. Xin Thế Tôn dạy cho chúng con sống như thế nào để được hạnh phúc trong hiện tại và cả sau này". Ðức Phật dạy rằng có bốn điều có thể giúp hành giả được sống hạnh phúc trên thế gian này:
1. Ðức tin (Saddha): Hành giả cần phải có đức tin, tin vào
các giá trị đạo đức, tâm linh và trí tuệ.
2. Giới (Sila): Hành giả phải tránh giết hại các sinh vật,
không trộm cắp, dối gạt, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.
3.
Bố thí (Caga): Hành giả cần thực hành bố thí rộng rãi,
không bám víu và tham muốn của cải.
4. Trí tuệ (Panna): Hành giả cần phát triển trí tuệ đưa đến giải
thoát khỏi khổ đau, để đạt được Niết bàn.
Ðôi khi đức Phật còn đi vào chi tiết về vấn đề tiết kiệm và chi tiêu tiền bạc, thí dụ, đức Phật dạy chàng thanh niên Sigala rằng anh ta nên tiêu khoảng 1/4 số tiền kiếm được vào các chi phí hằng ngày, kinh doanh 1/2 và để dành 1/4 còn lại phòng khi cần thiết.
Một lần đức Phật nói trưởng giả Cấp Cô Ðộc (Anathapindika) -- người rất ngưỡng mộ đức Phật, và đã lập ra tu viện nổi tiếng Kỳ Viên (Jetavana) cho đức Phật -- rằng một cư sĩ sống đời gia đình có bốn loại hạnh phúc:
- hạnh phúc thứ nhất là được có kinh tế vững vàng hay đủ của cải, kiếm được
do những phương tiện lương thiện, ngay thẳng (atthi-sukha);
- hạnh phúc thứ hai là được sử dụng của cải đó cho chính bản thân người ấy, gia
đình, bạn bè, thân quyến và các nhu cầu cần thiết khác (bhoga-sukha);
- hạnh phúc thứ ba là không có nợ nần (anana-sukha);
- hạnh phúc thứ tư là được sống một cuộc đời trong sạch, không có các ác nhiệp
về thân, khẩu, ý (anavajja-sukha).
Ðiều đáng lưu ý là mặc dầu là ba loại hạnh phúc đầu tiêu đều liên quan đến điều kiện kinh tế, đức Phật nhắc nhở trưởng giả rằng hạnh phúc về của cải, kinh tế chỉ bằng một phần mười sáu của hạnh phúc tinh thần, do sống một cuộc đời trong sạch, không tội lỗi.
Từ một số thí dụ này, ta có thể thấy rằng đức Phật coi việc ổn định tài chánh là một điều kiện để tạo ra hạnh phúc cho con người, nhưng đức Phật không coi việc làm ra của cải là cần và đúng nếu chỉ nói về vật chất mà thiếu một nền móng đạo đức và tâm linh. Tóm lại, dầu khuyến khích sự phát triển về vật chất, Phật giáo luôn nhấn mạnh về sự phát triển đạo đức và tâm linh để tạo nên một xã hội hạnh phúc, hòa bình và tự tại. Ðức Phật dạy: "Sân hận không thể được dập tắt bằng sân hận, mà phải bằng lòng từ bi. Ðó là một sự thật tuyệt đối"; "Con người cần chiến thắng sân hận bằng lòng từ bi, sự ác độc bằng lòng tốt, ích kỷ bằng bố thí, và giả dối bằng sự chân thật".
Phật giáo nhằm tạo nên một xã hội nơi đó mọi sự tranh chấp quyền lợi nguy hiểm bị lên án; nơi sự yên lành, hòa bình chế ngự sự hơn, thua; nơi sự vu cáo, kết án người vô tội bị phản đối kịch liệt; nơi người tự chiến thắng chính mình được tôn vinh nhiều hơn kẻ đã thắng triệu người khác bằng chiến tranh vũ khí hay kinh tế; nơi tình thương chế ngự hằn thù, sự tử tế chế ngự ác độc; nơi hận thù, ghen ghét, ác ý và lòng tham không ô uế lòng người; nơi mọi hành động xuất phát từ lòng từ bi; nơi mọi chúng sinh, kể cả những loại nhỏ mọn nhất, đều được đối xử công bằng, tế nhị và thương yêu; nơi cuộc sống an bình, hòa thuận, trong một thế giới đầy đủ vật chất, được hướng đến mục đích cao thượng nhất: sự giác ngộ Niết bàn, chân lý.
(Lược dịch theo "Buddhism in the Real World", NXB Parallax Press)
Chân thành cám ơn anh Nguyễn Quang Trung đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài viết nầy. (09/98)