Nam và Bắc Tạng có một số điểm nhìn khác nhau về Thế Tôn. Chính điểm nhìn khác nhau này mở lối cho sự phát triển của Phật Giáo về sau và làm phong phú thêm kho tàng văn học Phật Giáo.
Nguyên thủy, Thượng tọa bộ và Ðại chúng bộ ghi nhận rằng Thế Tôn và các Thánh đệ tử A La Hán đều giải thoát khỏi sanh tử, nhưng vẫn có một số điểm phân biệt giữa Ngài và các Thánh đệ tử ấy. Ngài là Giáo chủ duy nhất, là một Thế Tôn duy nhất trong hiện kiếp, còn đệ tử của Ngài chỉ có thể chứng A La Hán, thực hiện con đường giải thoát. Nguyên thủy và Thượng tọa bộ ghi sự biểu hiện của Thế Tôn như một nhân vật lịch sử rất người. Kiếp này là kiếp sau cùng Ngài thành Phật với sự nỗ lực khám phá của riêng Ngài. Ngài sống một cuộc sống gần gũi con người và đầy tình người, ngoại trừ lòng từ bi vô hạn và trí tuệ ngời sáng vô biên của Ngài.
Hình ảnh Thế Tôn trong Nikàya và Agama là hình ảnh của một khất sĩ đi chân không trong suốt bốn mươi lăm năm giáo hóa, rất dung dị. Có lần Ngài đi hoằng hóa một mình và trú mưa một đêm trong chòi lá của người thợ làm đồ gốm. Tại đây, Ngài đã chuyện trò thân mật với một thanh niên cũng vào trú mưa, du sĩ Pukkusati, đã nói pháp, khích lệ giúp chàng chứng đắc quả Bất lai ngay tại chỗ (Trung Bộ Kinh III, Kinh Giới Phân Biệt).
Một lần khác, Ngài cũng lâm bệnh nặng như các đệ tử của Ngài. Bấy giờ, Ngài yêu cầu Tôn giả Cunda nói lại pháp Thất giác chi cho Ngài nghe. Pháp hỷ sanh khởi và Ngài lành bệnh ngay (Tăng Chi Bộ kinh IV và Tương Ưng IV).
Những lúc không có thị giả theo Ngài, Ngài tự mình nhặt lá khô làm thảo tọa để ngồi. Lúc trọng tuổi, có nhiều khi nhức mỏi thân thể, Ngài ngưng nói giữa thời thuyết pháp và nhờ Tôn giả Xá Lợi Phất nói tiếp. Ðoạn, Ngài ngả lưng xuống nghỉ tại chỗ.
Có nhiều lần Ngài ngồi trong thế nhập định uy nghi đến nỗi vua trời Ðế Thích không dám đến yết kiến Ngài để thọ pháp. Nhưng chính lúc bấy giờ, một thanh niên Càn Thát Bà đã ôm đàn tỳ bà ngồi gảy tại một gốc cây gần Ngài và hát lên tiếng hát của tình yêu. Ngài đã bật cười, trò chuyện với thanh niên và hỏi chàng do đâu mà chàng có những lời lẽ nối kết được tình yêu và chân lý (Trường Bộ Kinh III, Phẩm Ðế Thích Sơ Vấn).
Ngài đã từng tự mình đi đến nói chuyện với nông dân và chí hướng sống tốt đẹp cho họ, Ngài không chỉ giảng dạy giáo lý giải thoát, mà còn rất quan tâm đến đời sống gia đình, xã hội của các cư sĩ và hạnh phúc tương đối của họ. Ngài đã dạy thanh niên Singala về sáu mối tương hệ xã hội: tương hệ giữa cha mẹ và con cái, thầy và trò, vợ và chồng, chủ và thợ (người giúp việc), cá nhân với bà con láng giềng, tu sĩ và cư sĩ (Trường Bộ Kinh, Kinh số 31).
Ngài đã dạy cư sĩ Kokiya Dighajànu (Tăng Chi Bộ Kinh, tập IV), người muốn sống với vợ con, trang điểm và tiền của, thế nào để sống có hạnh phúc gia đình bằng những lời lẽ rất là thực tiễn như là phải giỏi nghề, siêng năng, giỏi điều hành công việc, biết chi thu hợp lý, biết đầu tư, điều hòa sức khỏe và tâm lý, làm bạn với người thiện. Về hạnh phúc tương lai, Ngài dạy về Tín, Thí, Giới và Tuệ.
Ngài cũng dạy vua chúa, cấp lãnh đạo về biện pháp cải thiện kinh tế xã hội, bảy điều kiện cho một xã hội cường thịnh và mười pháp để trở thành một nhà lãnh đạo nhân dân tốt (Tăng Chi IV, Chương 7 và 10 Pháp). Ngài đã tự thân ba lần cản ngăn một cuộc chiến xảy ra giữa hai dân tộc Sakyas và Koliyas (Tăng Chi IV, Chương 7 Pháp).
Ngài đã giáo dục đem lại lợi ích vì hạnh phúc của chư Thiên và loài người. Ngài luôn luôn trung thành với "giáo hóa thần thông" (bằng thân giáo và khẩu giáo) và tránh vận dụng đến "Thần túc thông" hay "Tha tâm thông". Chỉ có Tiểu Bộ kinh đề cập đến những trường hợp Ngài sử dụng đến thần thông và nói đến các tiền thân Bồ Tát của Ngài. Có lẽ đây là cái mầm của Bồ Tát Ðạo trong Bắc tạng về sau nầy.
Thái độ giáo dục thực tiễn và đầy tính người một lần khác được biểu hiện qua một mẫu chuyện kể ở Nikàya và Agama, rất phổ biến trong giới Phật tử: Một lần, một tu sĩ ngoại đạo biểu diễn thần thông đi nổi trên mặt nước và thách Thế Tôn làm như thế. Thế Tôn ôn tồn hỏi: "Ông tu luyện bao lâu mới có thể vượt qua sông với thần thông ấy?" --"Mất ba mươi năm", tu sĩ ngoại đạo trả lời. --"Ta chỉ mất có ba xu đi đò là qua được bên kia bờ", Thế Tôn nói.
Ở Ðại chúng bộ, hình ảnh của Thế Tôn được thánh hóa, siêu nhân hóa, từ khi nhập thai cho đến khi thị tịch. Ngài đã là vị Phật của cung trời Ðâu Suất, còn tất cả những gì xảy ra ở trần thế chỉ là "thị hiện". Vì vậy mà mọi chuyện ở Ngài đều mang ý nghĩa tuyệt đối, thanh tịnh, vô lậu. Cho đến khi những lời nói thông thường của Ngài cũng là những lời pháp có diệu lực khiến các cảnh giới khác nhau đều có thể nghe và hiểu được theo cách của mình. Ðiều này, Kiruma Taiken có bàn đến trong cuốn "Ðại thừa tư tưởng luận" (bản dịch của TT Thích Quảng Ðộ, Tu thư Vạn Hạnh, 1969, Sài Gòn). Như thế, Ðức Thế Tôn trong Nguyên thủy và Thượng tọa bộ được trình bày như là "�ng thân", trong Ðại chúng bộ được trình bày như là vừa "Pháp thân", vừa "Báo thân".
Bắc tạng, như ở Hoa Nghiêm, Pháp Hoa v.v... Ðức Thế Tôn xuất hiện giữa vùng hào quang kỳ diệu, giữa thần thông biến hóa vô cùng. Bắc tạng không cho rằng chỉ có một Ðức Thế Tôn trong hiện kiếp, mà bằng nỗ lực của riêng mình, mọi đệ tử của Ngài có thể thành Phật trong hiện tại. Ðức Phật không phải thành Phật, mà đã thành Phật từ vô lượng kiếp trước lâu xa lắm. Ở trên đời này, Ngài chỉ thị hiện Ðản sanh và Niết bàn. Ngài không chỉ thuyết pháp ở vùng Trung Ấn, mà còn thuyết pháp ở các cung trời, cõi Phật. Thính chúng của Ngài gồm cả mười phương chư Bồ Tát.
Dù hình ảnh Thế Tôn xuất hiện khác nhau dưới ngòi bút của các nhà Bắc truyền và Nam truyền, điểm gặp gỡ quan trọng nhất giữa các bộ phái Phật Giáo và giữa các thời kỳ phát triển Phật Giáo là: Thế Tôn ra đời chỉ vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người và mọi loài chúng sanh, chỉ dạy con đường ra khỏi sanh tử, khổ đau, cứu cánh Niết bàn, giải thoát. Ngài thuyết pháp giáo hóa ở đời trong bốn mươi lăm năm và giảng dạy những giáo lý nền tảng: Duyên khởi, Vô ngã, Tứ đế, Bát thánh đạo, Ngũ uẩn, Nhân quả và giáo lý của Ngài luôn được xây dựng trên Giới, Ðịnh và Tuệ.
Thích Chơn Thiện
Trích: Thích Chơn Thiện (1997), "Phật Học Khái Luận", Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Sài Gòn.