Ðạo Phật

Thích Viên Giác


I. Lời mở đầu

Ðạo Phật là một tôn giáo lớn của nhân loại; ảnh hưởng của đạo Phật đối với con người và xã hội, mang ý nghĩa rất lớn trong quá trình tiến bộ của con người, và đã tạo nên nền văn hóa nhân bản theo tinh thần của xã hội Á Ðông hơn 2.000 năm qua. Ðạo Phật đã và đang chinh phục phương Tây một cách nhẹ nhàng đầy tính cảm hóa. Rhys Davids, giáo sư sử học, phát biểu: "Là Phật tử hay không là Phật tử, tôi đã quan sát mọi hệ thống của các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra rằng không một tôn giáo nào có thể vượt qua được về phương diện vẻ đẹp và sự quán triệt của Bát chánh đạo và Tứ diệu đế của Ðức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó".

Không dừng ở đây, người phương Tây còn hy vọng đạo Phật sẽ làm nền tảng cho tôn giáo của tương lai; nhân loại cần phải có một tôn giáo đáp ứng được nhu cầu sống còn và sự phát triển phù hợp với điều kiện mới của xã hội. Sự tiến bộ quá nhanh của khoa học kỹ thuật đã tạo ra những khủng hoảng xã hội, mất thăng bằng về sinh thái, về văn hóa, tâm lý, đạo đức... Albert Einstein, nhà vật lý học, cho rằng: "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi phương diện trên, trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Chỉ có đạo Phật đáp ứng đủ các điều kiện ấy".

Ðạo Phật có gì đặc biệt mà được sự thiện cảm và ca ngợi của con người thời đại? Có lẽ điều nổi bật là đạo Phật là một tôn giáo không có Thượng đế, một nền giáo lý không có giáo điều.

Ðức Phật, tiếng Phạn gọi là Buddha, nghĩa là người Giác Ngộ, người Tỉnh thức, người đã tận diệt tham sân si, đã đạt được giải thoát viên mãn. Ðạo Phật là con đường do Ðức Phật tuyên bố, truyền đạt; con đường ấy đã được thực nghiệm, thực chứng. Vậy có thể nói rằng đạo Phật là phương thức sống, lẽ sống, lối sống để có được hạnh phúc chân thật, như Giám mục Milman nhận xét: "Tôi càng ngày càng cảm thấy Ðức Thích Ca Mâu Ni gần gũi nhất trong tính cách và ảnh hưởng của Ngài; Ngài là đường lối, là chân lý, là lẽ sống".

Tính cách của Ðức Phật được thể hiện qua các kinh điển còn lưu lại, cho thấy Ngài chỉ dạy những gì Ngài đã thực nghiệm, cần thiết cho đời sống thoát khổ. Do vậy, nội dung của đạo Phật không ở nghi lễ, triết học hay thần thoại, mà chính là ở trong lối sống, cách ứng xử đối với bản thân, giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên vũ trụ.

II. Mục đích của đạo Phật

Người Phật tử quy y theo Phật, thực tập hành trì tụng kinh, niệm Phật, nghiên cứu kinh điển, tọa thiền, hành đạo... có mục đích rất rõ rệt. Kinh Trung A Hàm, Ðức Phật dạy 3 mục đích chính:

1. Muốn tự điều phục mình: Tự điều phục tất là làm chủ được bản thân mình, là chế ngự được tham dục, sân hận, ác ý. Như vậy, tự điều phục mình có nghĩa là đạt được sự tự do. Tự do là khát vọng muôn đời của nhân loại, là nhu cầu thiết yếu sau nhu cầu ăn uống, nhưng bản chất của tự do là gì thì không giống nhau. Con người càng tìm kiếm tự do ở bên ngoài thì càng mất tự do, đến nỗi có người nói: "Con người chỉ có tự do lựa chọn sự mất tự do". Khái niệm về mất tự do trong đạo Phật là sự bị trói buộc, bị vướng mắc vào dục vọng, sân hận, hãm hại. Cho nên tự điều phục mình, chế ngự bản năng dục vọng của mình, tự chiến thắng mình là sự tự vươn tới tự do.

Ðức Phật dạy thêm rằng, người Phật tử có khả năng tự điều phục mình thì dù mưu cầu lợi lộc, công danh, sự nghiệp, xây dựng tình yêu... khi những cái ấy bị thất bại, bị thay đổi, bị phản bội... người ấy vẫn an ổn, vững chãi, không bị ưu sầu phiền muộn, khóc than, phát cuồng, tự tử... Ðó là mục đích thứ nhất của đạo Phật.

2. Muốn đạt được sự thanh tịnh, an lạc: Sự an lạc tùy thuộc vào tư duy, cảm xúc của con người. Nếu tâm tư của một người bị chi phối, bị chế ngự bởi sự lo lắng, buồn rầu, sợ hãi thì họ không thể có an lạc. An lạc và hạnh phúc đi đội với nhau; hạnh phúc có hay không tùy thuộc vào thái độ tâm lý ổn định hay không. Một người mạnh khỏe và giàu có, nhưng trong lòng sôi sục dục vọng hay hận thù thì người ấy không thể có sự an lạc và hạnh phúc; một người đầy danh vọng và sự thành đạt mà trong lòng sự lo lắng bất an, sợ hãi chế ngự thì không thể có hạnh phúc được.

Ðức Phật dạy rằng, một người đạt được sự thanh tịnh, an lạc là người khi có điều không vui đến, những điều lo âu, sợ hãi đến thì không bị chúng làm chi phối, vướng bận; rằng một người không bị chi phối, vướng bận với cái tư duy tham dục, sân hận và ác ý; rằng một người đạt được các trạng thái thanh tịnh như sơ thiền cho đến tứ thiền, như theo lời kinh Pháp Cú dạy: "Không có hạnh phúc nào lớn bằng sự yên tĩnh của tâm trí". Ðây là mục tiêu thứ hai của đạo Phật.

3. Muốn đạt được giải thoát - Niết bàn: Ðây là mục đích tối hậu của mọi người Phật tử: chấm dứt mọi đau khổ, thoát ly sanh tử, luân hồi, thành tựu trí tuệ viên mãn. Nỗi khổ thật sự và lâu dài chính là vô minh; niềm hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu là sự chấm dứt vô minh, đó là đáo bỉ ngạn, là "vô minh diệt minh sanh".

Mục đích đó có thể chia làm 2 phần: mục đích gần và mục đích xa. Gần là sư vươn tới đời sống tự do và hạnh phúc, xa là đạt đến an lạc vĩnh cửu Niết bàn. Giáo pháp của Phật giúp con người kềm chế, làm chủ bản thân. Ðây là bước đầu, là nền tảng của mọi đức hạnh, mọi tiến bộ, từ đó thực hiện sự thanh tịnh và an lạc của tâm linh, chuyển hóa toàn bộ đời sống đã từng mang bất an ổn và hạnh phúc. Nói mục đích gần và xa là để dễ hiểu, thực ra cả hai là một. Thực hiện được tự do tự chủ là đưa đến an lạc, hạnh phúc. Có được an lạc, hạnh phúc dẫn đến giải thoát Niết bàn. Niết bàn được thực hiện ngay cõi đời này.

III. Những đặc tính tiêu biểu của đạo Phật:

1. Tự do tư tưởng: Ðạo Phật không có hệ thống tín điều, không lấy tín điều làm căn bản như hầu hết các tôn giáo. Ðức tin của đạo Phật luôn đi đôi với cái "thấy", một trong những định nghĩa về giáo pháp là "đến để mà thấy", chứ không phải "đến để mà tin". Vì vậy, chánh kiến luôn đứng đầu trong các đức tính.

Lời Phật dạy cho dân Kàlama được các nhà học giả phương Tây coi là bản tuyên ngôn về tự do tư tưởng của nhân loại: "Này các Kàlama, đừng để bị dẫn dắt bởi những báo cáo, hay bởi truyền thống, hay bởi tin đồn. Ðừng để bị dẫn dắt bởi thẩm quyền kinh điển, hay bởi lý luận suông, hay bởi suy lý, hay bởi sự xét đoán bề ngoài, hay bởi vì thích thú trong những lý luận, hay bởi những điều dường như có thể xảy ra, hay bởi ý nghĩ đây là bậc Ðạo sư của chúng ta. Nhưng này các Kàlama, khi nào các ông biết chắc rằng những điều ấy là thiện, là tốt, hãy chấp nhận và theo chúng" (Tăng Chi I).

Bác bỏ các tín điều và đức tin mù quáng, khuyến khích tự do phân tích, khảo sát, đó là một đặc điểm của Phật giáo.

2. Tinh thần tự lực: Ðấng Thượng đế hoặc tạo hóa hay các thần linh được con người tin tưởng thở phụng, vì các đấng ấy có thể ban phúc hay giáng họa. Ấy là quan điểm của tâm lý sợ hãi, yếu đuối, mất tự tín đã sản sinh ra thần thánh (hoặc đa thần hoặc nhất thần).

Ðạo Phật với chủ trương luật nhân quả, nghiệp báo đã nói lên tinh thần trách nhiệm cá nhân và cộng đồng trước sự đau khổ và hạnh phúc của chính mình. Ðức Phật dạy: "Chính ta là kẻ thừa kế của hành động của ta, là người mang theo với mình hành động của mình" (Tạp A Hàm, 135).

Ðức Phật không phải là đấng thần linh ban cho ta sự thay đổi hoàn cảnh hay tình trạng khốn đốn của mình. Ðức Phật tuyên bố: "Như Lai chỉ là người chỉ đường, mỗi người phải tự đi đến, không ai đi thế cho ai được". Công trình khơi mở kho tàng tri kiến Phật là công trình của mỗi cá nhân. Con đường tự lực ấy được Ðức Phật dạy như sau: "Này các Tỳ kheo, hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc của chính mình, thắp lên với chánh pháp, đừng thắp lên vơ1i một pháp nào khác. Hãy tự mình làm chỗ nương tựa của chính mình, nương tựa với chánh pháp, đừng nương tựa với một pháp nào khác" (Trường A Hàm I).

Tinh thần tự lực mang tính triệt để nhân bản này là một đặc tính của đạo Phật.

3. Tinh thần từ, bi, hỷ, xả: Chúng sanh còn khổ thì đạo Phật còn vai trò và vị trí ở cuộc đời; đạo Phật thường được gọi là đạo từ bi, đạo cứu khổ. Ở đâu có đạo Phật, ở đó có tình thương, ở đó hận thù được hóa giải. Bởi lẽ phương châm tu tập của Phật giáo là từ, bi, hỷ, xả, còn gọi là Tứ vô lượng tâm. Người Phật tử lấy từ, bi, hỷ, xả làm nền tảng cho sự phát triển thánh hạnh; tâm từ bi được coi là tâm Phật.

Trong quá trình truyền giáo, đạo Phật chưa bao giờ gây chiến tranh hay đổ máu, thông điệp tình thương cứu khổ, giúp đời đã được Ðức Phật tuyên thuyết ngay từ thời kỳ sơ khai thành lập Giáo đoàn: "Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người".

Tâm từ là khả năng hiến tặng niềm vui cho tha nhân. Tâm bi là khả năng làm vơi đi nỗi khổ đang có mặt. Tâm hỷ là niềm vui, lòng thanh thản do từ bi đem tới. Tâm xả là thư thái nhẹ nhàng, tự do, không kỳ thị. Ðức Phật dạy người Phật tử tu tập Tứ vô lượng tâm: "Vị ấy tâm an trú biến mãn một phương cho đến mười phương với tâm từ, bi, hỷ, xả quảng đại vô biên, không hận, không sân... đối với mọi hình thức của sự sống, không bỏ qua và bỏ sót một ai mà không biến mãn với tâm giải thoát cùng với từ, bi, hỷ, xả (Trường Bộ I)". Thương yêu đồng loại và vạn loại chúng sanh là chất liệu sống của đạo Phật.

4. Tinh thần thực tiễn: Một trong những định nghĩa về pháp là "thiết thực hiện tại", nghĩa là giáo lý đạo Phật là thiết thực, không mơ hồ, mang tính thực tiễn, có tác dụng cụ thể, không phải lý thuyết suông. "Hiện tại" có nghĩa là không chờ đợi kết quả của tương lai, có tu tập là có hướng thượng, có giải thoát ngay hiện tại, đời này. Vì vậy, giáo lý đạo Phật là giáo lý thực nghiệm, không chờ đợi một ân sủng hay một mặc khải nào. Ðức Phật thường từ chối trả lời những câu hỏi về những vấn đề siêu hình. Ngài chỉ dạy những gì cần thiết cho cuộc đời, cho con đường thoát khổ. Có lần ở Kosambi, Ðức Phật dạy: "Những gì Như Lai biết ví như lá trong rừng, còn những gì Như Lai giảng dạy như nắm là ở trong tay, nhưng đây là những phương pháp diệt khổ" (Tương Ưng V).

Ðạo Phật cho rằng phần lớn những nỗi khổ của con người do họ không sống thật với hiện tại, họ thường nuối tiếc quá khứ, mơ tưởng tương lai; do đó, ý nghĩa của cuộc đời bị đánh mất:

"Do mong việc sắp tới
Do than việc đã qua
Nên kẻ nghi héo mòn
Như lau xanh lìa cành" (Tương Ưng I)

Hoặc:

"Ðừng tìm về quá khứ
Ðừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại..." (Kinh Trung Bộ)

Tính thực tiễn, thiết thực hiện tại là một đặc tính của đạo Phật.

5. Tinh thần không chấp thủ: Ðạo Phật là giải thoát và tự do; vướng mắc vào bất cứ điều gì cũng đều đưa đến đau khổ. Ðức Phật dạy: "Cuộc đời là vô thường, nên nó đem đến đau khổ (vì chấp là thường). Cái vô thường mà ta cho là của ta, là ta thì hoàn toàn không hợp lý". Giải thoát là vượt thoát mọi ràng buộc, bám víu vào cuộc đời.

Nhờ tinh thần không chấp thủ nên thái độ củ đạo Phật rộng rãi, bao dung, tinh thần tu tập của người Phật tử rất thoáng. Kinh Ví dụ con rắn (Trung Bộ), Ðức Phật ví dụ giáo pháp như chiếc bè để qua sông, không phải để nắm giữ; chánh pháp như chiếc bè, chánh pháp cũng phải xả huống là phi pháp. Tương tự, kinh Kim Cang cũng nói: "Giáo lý như phiệt dụ giả chánh pháp thương ưng xả hà huống phi pháp", hoặc nói: "Cái gọi là Phật pháp tức chẳng phải là Phật pháp nên gọi là Phật pháp".

Tinh thần không chấp thủ là nội dung trí tuệ của đạo Phật; tác dụng của tinh thần ấy ngoài, sự đem đến giải thoát, còn đem đến sự giải tỏa tất cả mọi áp lực, ức chế của đời sống lên trên tâm lý của con người. Ðây là một đặc tính của Phật.

IV. Kết luận

Sự có mặt của đạo Phật đã đem lại nguồn khí mới cho xã hội Ấn Ðộ thời ấy, đã mở ra một lối thoát cho con người trước những bế tắc, những khủng hoảng về xã hội, về tư tưởng triết học và đạo học. Lời tán dương Ðức Phật của người đương thời còn ghi chép lại đã chứng minh diều đó: "Thưa Ngài Cồ Ðàm, thật vi diệu, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để cho ai có mặt có thể thấy" (Nikàya).

Trải qua hơn 2.500 năm, đạo Phật đã được thử thách, cọ xát với thời gian và không gian; giá trị, tác dụng của đạo Phật vẫn như xưa. Ngày nay, trước tiến bộ văn minh vật chất quá độ đã xô đẩy con người vào trong hố thẳm của tham vọng, hận thù. Chiến tranh vẫn diễn ra khốc liệt trên thế giới, nghèo đói, bệnh tật, thiên tai vẫn đe dọa đời sống của nhân loại. Càng văn minh, con người càng có nhiều nỗi lo lắng, sợ hãi mới: nạn nhân mãn, ô nhiễm mo6i trường, hủy diệt sinh thái, áp lực kinh tế xã hội đè nặng lên trên tâm trí của con người tạo nên ức chế tâm lý. băng hoại về đạo đức làm mất thăng bằng giữa đạo đức và hưởng thụ. Ðạo Phật với con đường thoát khổ thiết thực, nhân bản, với phương châm từ bi hỷ xả xóa bỏ chấp thủ, hận thù sẽ tiếp tục sứ mệnh hóa giải khổ đau cho nhân loại.

Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng giác ngộ, có khả năng thực hiện niềm hạnh phúc chân thật trên cõi đời này. Ðó là lời dạy của Ðức Phật.

Thích Viên Giác


Source: Nhóm Phật tử Vạn Hạnh sưu tập, LotusNet Production, http://www.lotuspro.net


[Trở về trang Thư Mục]