Các vấn đề thường được bàn đến trong một nền văn hóa là nhân sinh quan, vũ trụ quan, các vấn đề cá nhân, môi sinh và giá trị. Các vấn đề này giữ vai trò quyết định hướng phát triển của văn hóa, sẽ được soát xét lại dưới áng sáng Duyên khởi.
Nhân sinh quan và vũ trụ quan
Khảo sát nguồn gốc hay bản chất của nhân sinh và vũ trụ là công việc chính của siêu hình học. Nó giữ một vị trí quan trọng trong triết học. Vấn đề nhân sinh và vũ trụ đã được khảo sát từ buổi bình minh của tư tưởng Hy Lạp, Ấn Ðộ và Trung Hoa. Ðây là sự tìm hiểu bản chất của vạn hữu liên quan đến vấn đề "thường" và "đoạn", "ngã" và "vô ngã", "thực tại" và "hư vô", "sáng tạo chủ" và "sáng tạo vật", v.v...
Ðức Phật Thích Ca, đấng đã tự mình chứng đạt chân lý tối hậu, xem các vấn đề siêu hình là trống rỗng. Ngài thường im lặng và không trả lời các câu hỏi siêu hình như thế, bởi vì theo Ngài, các vấn đề siêu hình không thiết thực liên hệ đến mục tiêu giải thoát sau cùng mà một tu sĩ Phật giáo nhắm đến. Thái độ tâm lý thực nghiệm này của Ngài đã được đề cập trong nhiều kinh thuộc kinh tạng Pali. Tuy thế, trên đường tìm hiểu con người và vũ trụ, tác giả thấy cần đề cập đến vài vấn đề triết học về tâm lý (hay tâm linh) và vật chất.
Khi con người khảo sát vũ trụ, thì con người đang cùng vũ trụ hiện hữu trong hiện tại và tại đây. Làm sao con người có thể biết sự thật của vũ trụ khi con người không thể biết được sự thật của chính mình? Thế nên, điều thực tiễn cho con người là quay trở về chính mình để biết mình là ai, đang ở đâu để có thể loại trừ hết thảy các thứ ngăn che mình khỏi sự thật của vạn hữu. Muốn làm thế, con người phải đi theo phương pháp thực tiễn của hiện tượng luận và phương pháp chứng nghiệm tâm lý của đức Phật.
Về vật chất, đức Phật tuyên bố thế giới vật chất do Tứ đại hình thành như nhiều nhà tư tưởng Ấn trước Ngài đã tuyên bố: đó là yếu tố đất, nước, gió, lửa. Các yếu tố này là vận động vô thường, nên vạn hữu do chúng làm nên cũng vô thường. Câu hỏi về nguồn gốc của Tứ đại đối với sự thật Duyên khởi do đức Phật phát hiện thì trở nên vô nghĩa và không được chấp thuận.
Theo Duyên khởi, thế giới hiện tượng là do duyên mà sinh, là vô ngã và rỗng không; con người chỉ là tập hợp của năm thủ uẩn, là vô ngã và rỗng không; con người và thế giới cùng hiện hữu mà không thể tách rời nhau. Sự thật này đã được đức Phật chứng tỏ trong kinh Mahàpunnama (Trung bộ, kinh109) và trong Giới Phân biệt (Dhàtuvibhanga, Trung bộ, kinh 140) rằng: Sắc uẩn gồm có nội sắc là cơ thể vật lý của mỗi cá nhân, ngoại sắc là thế giới vật lý; điều này có nghĩa là vũ trụ tự nó là một phần của cơ thể con người.
Do vì tư tưởng của con người bị hạn chế bởi tư duy hữu ngã và bởi sự giới hạn của các giác quan, nó không thể đặt chân đến thế giới chân thật của vạn hữu, nên nêu ra câu hỏi: có phải vũ trụ đang hiện hữu như con người nhận thức không? Hay là vũ trụ hiện hữu độc lập với nhận thức của con người?
Trả lời cho câu hỏi ấy, các nhà thực tại luận cho rằng vũ trụ hiện hữu đúng như những gì con người nhận thức nó; các nhà duy tâm luận phương Tây cho rằng con người chỉ có thể biết được thế giới được nhận thức qua các giác quan, mà không bao giờ có thể biết được thế giới tự thân, như Platon đã bảo; Immanuel Kant là một nhà duy lý nhưng lại chấp nhận quan điểm của các nhà duy tâm luận. Dù có cái nhìn sự vật khác nhau, các nhà giáo dục và triết học phương Tây đều tin rằng có một thế giới khách quan độc lập với con người mà con người không bao giờ có thể biết được. Ðây là điểm khác biệt căn góc, theo tác giả, giữa giáo lý của đức Phật và các trường phái tư tưởng khác cho tác giả một niềm hy vọng tìm thấy các giải đáp cho các cuộc khủng hoảng do tư duy hữu ngã gây ra. Một lần, trong kinh Pàtigamiya (Tiểu bộ kinh), đức Phật Thích Ca nói đến thế giới vô vi (asankhàra) là thế giới hiện hữu ngoài các phạm trù "đi" và "đến", "sanh" và "diệt", v.v... và Ngài tuyên bố đó là thế giới của đoạn tận khổ đau, đoạn tận chấp thủ. Ðiều này nói lên rằng thế giới mà con người đang thấy và biết là thế giới của chấp thủ, của điên đảo tâm, điên đảo tưởng, điên đảo tình và điên đảo kiến, phát sinh do vô minh (avijjà).
Như thế, thế giới như thật là thế giới hiện tượng này mà vắng bóng chấp thủ, tham ái của con người. Ðức Phật đã xác định:
"Và, này Bhaggava, điều này được giảng dạy, được tuyên bố sai lầm, là trống rỗng, là dối trá, đều đã được các sa môn, bà la môn lên án sai lầm cho rằng: "Sa môn Gotama và các đệ tử của Sa môn Gotama đi lầm đường. Sa môn Gotama tuyên bố rằng bất cứ ai khi đạt được cảnh giới giải thoát "thanh tịnh" thì thế giới là "bất tịnh". Nhưng Như Lai không tuyên bố như thế. Ðiều mà Như Lai tuyên bố là bất cứ khi nào một người chứng đắc cảnh giới "giải thoát", "thanh tịnh", người ấy thấy rằng thế giới là "thanh tịnh".
Lời dạy trên hiển lộ rằng quan điểm giáo dục của đức Phật là: giáo dục con người là giúp con người tu tập tâm mình để giải thoát khỏi các phiền não, lậu hoặc. Khi tâm thanh tịnh, con người sẽ thấy cái thanh tịnh của thế giới, hay thế giới chân thật: đối với người thanh tịnh ấy, hạnh phúc và chân lý ấy xuất hiện cùng lúc. Không phải là vấn đề giáo dục con người theo một lý thuyết nhân tính hay một mẫu người giáo dục nào. Cũng không phải là vấn đề đi tìm kiếm nguồn gốc của con người hay vũ trụ.
Như đã được đề cập, tư duy con người vận hành trên cơ sở khái niệm hữu ngã. Ngoài khái niệm hữu ngã, tư duy không thể hoạt động. Chính khái niệm hữu ngã đã tạo ra khái niệm trật tự của sự vật, khái niệm "trước", "sau" và "nguyên nhân đầu tiên" (trước nhất). Thực tại tự nó không liên hệ gì với khái niệm hữu ngã. Thực tại luôn luôn nói rằng tinh thần hay vật chất là do duyên mà sinh, như sự thật Duyên khởi đã nói. Nếu sắc uẩn không thể tách rời khỏi bốn uẩn kia, thì vật chất cũng không thể tách rời khỏi tinh thần: Cả hai cùng hiện hữu. Tuy thế, để đặt nặng vấn đề tu tập tâm, đức Phật dạy:
- "Hết thảy các pháp là do tâm tạo: tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu ta nói hay làm với ác tâm, khổ đau sẽ theo ta như bánh xe lăn theo chân con bò kéo". (Pháp cú, 3)
- "Hết thảy các pháp là do tâm tạo: tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu ta nói hay làm với tâm thanh tịnh, thì hạnh phúc sẽ theo ta như bóng không rời hình". (Pháp cú, 2)
Tâm được nói đến trong hai lời dạy trên cần được hiểu rõ là do duyên mà sinh, cả đến Tam hữu (tibhava) - vũ trụ (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) - cũng do duyên mà sinh; hết thảy mọi hiện hữu, tinh thần và vật chất, là vô ngã, nên rỗng không. Chỉ có vấn đề khổ đau và chấm dứt khổ đau, mà không phải là các vấn đề lý luận, là được đức Phật chú trọng trên đường giáo dục của Ngài.
Kiến thức, hay tri thức, là một vấn đề quan trọng khác cần được xét đến. Nó liên hệ đến các hiện hữu và gần gũi với con người đến độ con người xem nó như là cái gì thuộc tự ngã của mình. Tri thức ấy là gì? Một sự hiểu biết thế giới bên ngoài chỉ là một sự tổng hợp các nguồn thông tin do các giác quan đem lại. Nhưng các giác quan không phải là các nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy. Giả như khi một người nhúng bàn tay trái trong một chậu nước lạnh, bàn tay phải trong một chậu nước nóng; rồi nhúng cả hai bàn tay vào một chậu nước hẩm; hai bàn tay ấy sẽ không cho cùng một cảm giác. Ðấy là sai lầm. Tương tự đối với các giác quan khác. Tổng hợp trên lại do tư duy hữu ngã thực hiện, nên nó là thuộc Vô minh. Vì thế, tri thức không thuộc về thực ngã của con người, không thuộc về thế giới chân thật. Dưới ánh sáng của Duyên khởi, tri thức hiện rõ là nhân tố chỉ dẫn dắt con người đến đau khổ; nó không phải là những gì con người mong đợi.
Một hệ thống giáo dục, như hầu hết các hệ thống giáo dục của thế giới ngày nay, chỉ cung cấp kiến thức sẽ không đem lại hạnh phúc cho con người. Hệ thống giáo dục như thế cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt.
Ngoài sự soi tỏ trên, giáo lý Duyên khởi, với tác giả, có thể đề bạt nhiều cái nhìn mới mẻ về các vấn đề cá nhân, xã hội và môi sinh, sẽ được bàn tiếp.
Duyên khởi và các vấn đề cá nhân
Các vấn đề lớn của xã hội hiện đại mà các nhà tư tưởng, giáo dục, lãnh đạo hằng quan tâm là các vấn đề cá nhân, và liên hệ giữa cá nhân với xã hội, lịch sử, môi sinh, bởi vì các vấn đề này liên hệ mật thiết với hạnh phúc và sự tồn tại của cá nhân, hiện hữu như là một phần đời sống của con người, thế nên các vấn đề ấy cần được khảo sát dưới ánh sáng của Duyên khởi.
Thật hiển nhiên rằng mọi người sinh ra là để hạnh phúc mà không phải để khổ đau, để phục vụ cho mục tiêu hạnh phúc thực tiễn mà không phải phục vụ các mục tiêu nào khác không có gắn liền thiết thân với hạnh phúc. Cũng hiển nhiên rằng con người tìm kiếm sự thật cuộc đời vì sự an lạc của tâm hồn trong hiện tại và tại đây. Vậy nên đối tượng chính của giáo dục và văn hóa phải là các cá nhân, và mục đích cơ bản của giáo dục phải là hạnh phúc của cá nhân.
Từ xa xưa, con người đã quần tụ nhau lại thành các bộ lạc để sinh tồn, để cải thiện đời sống, và để thích ứng với thời tiết, môi sinh và thiên nhiên. Chính vì lý do đó mà xã hội, văn hóa và văn minh được hình thành. Do vì dòng đời trôi chảy mãi, nên nỗ lực của con người để xây dựng xã hội và hạnh phúc phải thay đổi từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bấy giờ các cá nhân phải hoạt động để phục vụ hai mục tiêu riêng lẻ: một cho cá nhân, và một vì xã hội. Khi hai mục tiêu ấy không được đáp ứng hữu hiệu, thì các vấn đề cá nhân dấy khởi và đòi hỏi có giải đáp. Dù thế, cái nhìn của con người về cá nhân, xã hội và hạnh phúc thì khác nhau. Sự việc này khiến cho các vấn đề ấy trở nên càng phức tạp, và khiến cho sự tìm kiếm giải đáp trở thành lý do để các tôn giáo và các trường phái tư tưởng ra đời và phát triển. Hãy theo dõi những cái nhìn tiêu biểu về các vấn đề vừa nói từ các vùng văn hóa lớn của nhân loại.
P.T.Raju, trong tác phẩm nhan đề "Khái niệm về con người" do Raju và S.Radhakrishnan ấn hành, đã nhận định:
* Về tư tưởng Hy Lạp:
"Các triết lý trước thời ngụy biện không đề cập nhiều đến liên hệ con người và xã hội... Các nhà ngụy biện thì thiên về cá nhân hơn, đã nhiệt thành với việc giáo dục các nhà lãnh đạo, những người sẽ gây ảnh hưởng xã hội và xử dụng xã hội như là phương tiện để đạt các mục đích riêng của mình... Mỗi con người là thước đo sự vật cho mình, không phải chỉ sự vật được nhận thức, mà cả sự vật thuộc thiện, ác trong xã hội. Plato và Socrates chống lại "chủ nghĩa cá nhân" và "chủ nghĩa tương đối" cực đoan này của các nhà ngụy biện. Con người, thước đo sự vật, không phải là cá nhân riêng biệt mà là phổ quát. Cấu trúc xã hội và cấu trúc linh hồn (hay tự ngã) của con người phản ảnh lẫn nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Bản chất của con người là lý trí và được tìm thấy trong một xã hội được xếp đặt theo trật tự duy lý. Cái tư tưởng hiện đại cho rằng cá nhân không thể tách khỏi xã hội và "nhân tính" là hình thành do xã hội và phát triển trong xã hội, tư tưởng đó không lớn mạnh trong tư tưởng Hy Lạp... Socrates và Plato thì chỉ rõ xã hội là sự phóng rọi của bản chất con người trên tấm vải thô lớn, hay là sự phản ánh được khuếch đại của bản chất con người. Con người chỉ thực sự sống trong xã hội, không thể sống ngoài xã hội.... Aristotle, một nhà duy lý, chấp nhận các nguyên lý chính yếu của Plato. Con người không thể là con người nếu không có xã hội..."
* Với tư tưởng Trung Hoa thì:
"Ðối với con người, mối quan tâm của con người là mạnh mẽ nhất, là làm sao con người tự lo liệu đủ cho chính mình... làm thế nào để có một hình thức quốc gia, xã hội tốt nhất, ở đó con người có thể sống đạo đức, là vấn đề mãi được đạt ra trong lịch sử triết học Trung Hoa. "Nghiên cứu liên hệ con người để tổ chức một xứ sở tốt đẹp" là lời khuyên của Khổng Tử... Khi Mạnh Tử nói rằng vũ trụ, vũ trụ của các liên hệ với con người, là vũ trụ được tìm thấy trong tâm con người, Mạnh Tử muốn nói rằng vũ trụ có thể tìm thấy nơi con người mà không phải là vũ trụ sinh ra từ một thực tại nào ở bên ngoài con người. Tuân Tử thì khác hẳn Mạnh Tử, ông cho rằng bản chất của con người là xấu xa, vị kỷ, do đó con người cần đến văn hóa và giáo dục để thành người tốt... Bản chất con người là con người xã hội, con người chỉ có thể sống đạo đức trong xã hội loài người, dù Thượng Ðế có mặt hay không có mặt cũng thế".
* Với tư tưởng Ấn Ðộ, hầu như là tư tưởng sâu sắc nhất thế giới như đã đề cập ở trên.
* Về tư tưởng Marx, P.T.Raju đánh giá:
"Triết lý Marx bắt nguồn từ tiền đề cho rằng cá nhân là một sinh vật xã hội... Marx và Engels xem cá nhân và đời sống xã hội của cá nhân không phải là điều khác biệt, dù hai cá thể ấy có những hình thức biểu hiện khác nhau... 'Con người chỉ có thể ổn cố trong xã hội', Marx viết, "chỉ trong xã hội, cá tính của cá nhân mới có thể hiển lộ tùy theo các điều kiện xã hội".
Với tác giả của tác phẩm này, tư tưởng Hy Lạp, và cả tư tưởng Marx, là thuộc tư tưởng "nhị nguyên" (dualism) cho rằng mỗi hiện hữu có bản chất riêng của nó, dù là quan điểm cho rằng cá nhân và xã hội tùy thuộc lẫn nhau hay không. Vì thế nên các tư tưởng hệ ấy thuộc về sự vận hành của vô minh chắc hẳn dẫn đến khổ đau.
Các tư tưởng Trung Hoa vốn nhấn mạnh đến con người đức hạnh sống trong trật tự của xã hội được khéo tổ chức. Các tư tưởng ấy cũng chỉ là sản phẩm của tư duy hữu ngã, mà không phải là sản phẩm của chính thực tại. Hẳn chúng đem lại phiền não, khổ đau cho các cá nhân như chúng ta có thể thấy trong lịch sử Trung Hoa: nhiều mâu thuẫn đầy bi kịch của tương hệ con người đã xảy ra.
Ðức Phật Thích Ca đã đánh giá về các quan điểm tư tưởng của nhân loại rằng:
"Khi các Sa môn, Bà la môn ấy, những người tư duy về quá khứ (hiện tại hay tương lai), có các định kiến về quá khứ (hiện tại hay tương lai), đã có sáu mươi hai quan điểm khác nhau, đó chỉ là cảm thọ của những người không biết, không thấy, đó là sự lo nghĩ giao động của những người bị nhận chìm trong tham ái".
Ðức Phật với trí tuệ toàn giác đã thấy và biết sự thật của vũ trụ và đã giải thích sự hình thành của trái đất và xã hội loài người, có thể tóm tắt như sau:
-- Vào thời kỳ hoại diệt của thế giới này, các chúng sinh được sanh về Quang Âm Thiên. Ở đó, chúng sinh sống, do tâm tạo, nuôi sống bằng tự hỷ, chói sáng, du hành giữa hư không, rực rỡ...
-- Vào thời kỳ hình thành thế giới này, các chúng sinh ở Quang Âm Thiên sau khi qua đời thì sanh vào thế giới này. Ỏ đây, các chúng sinh ấy sống, do tâm tạo, nuôi sống bằng hỷ lạc, thân chói sáng, du hành giữa hư không, rực rỡ...
-- Vào thời kỳ thế giới này hình thành, chỉ có nước, tất cả đen ngòm..., chưa có sự biện biệt đêm và ngày, chúng sinh được xem là chúng sinh, chưa có sự phân biệt nam, nữ...
-- Rồi đất xuất hiện là một lớp mỏng phủ trên mặt nước với sắc màu của bơ và vị ngọt của mật.
-- Rồi một số ít chúng sinh có lòng tham lam nếm vị của đất, đắm trước vào vị của đất; lòng tham ái bắt đầu dấy khởi trong tâm các chúng sinh ấy. Lòng tham lam càng nhiều thì đất trở nên càng thô xảm; các chúng sinh ấy trở nên thô xấu hơn đi.
-- Trong các chúng sinh đó, những ai có ít lòng tham thì dung sắc trở nên đẹp đẽ hơn, những người khác thì xấu đi. Những người có dung sắc đẹp thì khinh khi các người có dung sắc xấu (kém); sự việc này khiến hương vị của đất biến mất. Rồi mọc lên một thứ nấm màu sắc đẹp, hương vị lành và vị ngon.
-- Rồi lòng tham ái của các chúng sinh gia tăng, đất trở nên càng xấu đi, các chúng sinh trở nên ngày càng thô xấu ra.
-- Rồi tiếp đến lúa tự mọc giữa các khoảng đất trống, không có vỏ, không có cám, hạt tinh và thơm. Những phần lúc nào con người lấy dùng cho bữa ăn tối sẽ mọc trở lại và chín vào buổi sáng hôm sau, và những phần lúa nào con người dùng cho bữa ăn sáng thì sẽ mọc và chín trở lại vào buổi tối hôm ấy. Bấy giờ con người trở nên thô xấu hơn; các nữ nhân phát triển bộ phận sinh dục nữ, và nam nhân phát triển bộ phận sinh dục nam; các ham muốn khởi dậy và có thể con người bốc cháy nhục dục; giao cấu giữa nam nữ xuất hiện.
-- Vào buổi đầu, những kẻ nam nữ ân ái bị nguyền rủa, bị ném vào đất và tro, và không được phép sống chung với những người (không ân ái) khác trong ngôi làng, thị trấn trong vòng hai tháng.
-- Con người dần trở nên lười biếng, muốn gặt lúa càng nhiều càng tốt để giữ làm của riêng và dùng riêng cho mình..., các ruộng lúa biến mất..., đời sống dục tính của nam nữ được công khai chấp nhận. Con người bắt đầu xây dựng nhà cửa để che kín các sinh hoạt dục tính.
-- Rồi xảy ra chuyện người này đánh trộm lúa của người kia: trộm cấp và nói dối xuất hiện.
-- Bấy giờ con người chọn người có dung sắc đẹp đẽ nhất (nghĩa là ít lòng tham nhất) làm người "luật sư" hay "trọng tài" để phân xử các vụ trộm cắp lúa. Người "luật sư" hay "trọng tài" này được nhận phần lúa phụ cấp của các thôn dân mà không phải canh tác ruộng lúa. Ðây là sự khởi đầu của giai cấp lãnh đạo (Khattiya).
-- Một số ít người tránh xa đời sống dục ái, sống trong các chòi lá ở những nơi cô tịch trong các cánh rừng và thực tập thiền định. Họ được gọi là các Bà la môn (Brahmins). Một số Bà la môn không thể hành thiền định ở những nơi xa vắng, đã trở về sống trong các làng mạc, thị trấn để trước tác các kinh sách; họ cũng được gọi là các Bà la môn.
-- Các người khác làm nghề buôn thì được gọi là thương nhân (vessas). Các người đi săn bắn để sống thì được gọi là các thủ- đà- la (suddas).
Như thế, lúc trái đất này hình thành, các chúng sinh xuất hiện đầu tiên từ Quang Âm Thiên, không cần thực phẩm. Rồi vị ngọt của trái đất và lúa cám dỗ họ khiến lòng tham muốn các hiện hữu khởi lên và phát triển trong tâm họ. Sau đó các bộ phận sinh dục cùng xuất hiện với các ham muốn dục tính. Khi dục vọng con người phát triển, các nhu cầu xã hội phát triển và yêu cầu có tổ chức xã hội: xã hội con người được hình thành từ đó và các giai cấp xã hội xuất hiện: xã hội chỉ là sự đáp ứng các yêu cầu cá nhân. Ðây là vai trò đầu tiên và cuối cùng của xã hội. Ðây là lý do tại sao đức Phật chỉ quan tâm đến khổ đau của những cá nhân trong đời này, và quan tâm đến các hành động vì hạnh phúc cho họ. Ðức Phật vì thế đã dạy:
"Con người không trở nên người thuộc giai cấp hạ đẳng do sinh, họ cũng không trở thành Bà la môn do sinh. Chính do hành động mà một người trở nên người thuộc giai cấp hạ đẳng hay Bà la môn".
Xã hội không phải làm gì khác hơn giúp đỡ các cá nhân giải quyết các vấn đề cá nhân do các việc làm của họ gây ra. Văn hóa và truyền thống vốn là thuộc tính của xã hội cũng phải làm tương tự. Ðây là ý nghĩa truyền thống nhất của vai trò xã hội, văn hóa và truyền thống. Và ý nghĩa nguyên thủy và truyền thống nhất về mục đích đó ở đời của các cá nhân là có một tâm hồn an tịnh của sự tự hỷ, ít ra là như đã xuất hiện vào buổi ban đầu của trái đất này.
Thế giới hôm nay như là một xã hội rất lớn có nhiều vấn đề cần được giải quyết như ngôn ngữ, các hệ thống chính trị, phong tục tập quán, nếp sống, tôn giáo, tín ngưỡng, phái tính,..., và môi sinh. Tất cả những vấn đề này, vốn ảnh hưởng rất mạnh đến con người, đang hiện diện như một đại dương dậy sóng đánh đắm các con thuyền cá nhân. Giữa điều kiện sống ấy, các cá nhân cảm thấy mình trở nên xa lạ với chính mình đến nỗi kinh ngạc thắc mắc về nguồn gốc của chính mình giữa khi mình đang hiện hữu rõ ràng thế, và sự thật của cuộc đời đang hiện diện trước mắt. Vì lý do đó, đức Phật đã thấy và biết rõ quá khứ và tương lai của vũ trụ này đã tuyên bố:
"Này Ananda, đừng nói thế, đừng nói thế! Giáo lý Duyên khởi này là sâu xa, và có vẻ sâu xa. Chính vì không hiểu rõ, không thâm nhập giáo lý này mà nhân loại trở nên như một cuộn chỉ rối rắm, như một ổ kén, rối như cỏ babaja, không thể thoát ly khỏi khổ xứ, ác thú, địa ngục và sinh tử".
Quả thực, khi nền văn hóa này không thể giúp cá nhân trở về chính mình, và không thể đem lại hạnh phúc cho cá nhân, thì nhân loại sẽ không có chọn lựa nào khác hơn là chấp nhận nỗi khổ đau định mệnh như đang là, nếu hướng vận hành của văn hóa không thay đổi. Một bằng chứng hiển nhiên về hậu quả của nền văn hóa này là hiện tượng ô nhiễm môi sinh trầm trọng đang xảy ra có thể hủy diệt sự sống trên trái đất này.
Hẳn là có cái gì sai lầm trong hướng tư duy và hành động của con người cần được điều chỉnh để bảo vệ môi sinh thoát khỏi tình trạng ô nhiễm này. Ðây là đề tài thảo luận nóng bỏng của thời đại chúng ta. Tác giả nghĩ rằng nếu không thể hiểu được sự thật của chính mình; không bảo vệ môi sinh thoát khỏi ô nhiễm như là bảo vệ con người đi ra khỏi khổ đau, thì nhân loại sẽ đi đến sự hủy diệt!
(trích "Lý thuyết nhân tính được hiển lộ qua kinh tạng Nikaya").
Source: LotusNet Production, http://www.lotuspro.net