Ðức Phật và vấn đề tế lễ

Nhựt Chiếu


Tế lễ là thực hiện những nghi thức cúng tế theo lòng tin của con người, chữ Tàu còn gọi là "trở đậu". Trở là cái mâm, đậu là cái thố, tức những dụng cụ đựng đồ cúng tế. Như vậy, trở đậu được dùng ở đây với nghĩa bóng.

Mọi dân tộc trên thế giới đều có nghi thức cúng tế của mình. Riêng đạo Bà La Môn trong thời Ðức Phật rất quan trọng việc tế lễ. Hàng năm họ thường lập những đại tế đàn, trong đó hàng ngàn súc vật bị giết để cúng tế, với mục đích cầu được ơn trên ban phúc lành cho họ.

Kinh Kutadanta (Cứu-la-đàn-đầu), Trường Bộ I-5, cho biết: Khi Ðức Thế Tôn đang lưu trú tại khu vườn Ambalatthika cùng với 500 vị Tỳ kheo tăng, thì có một người Bà La Môn tên là Kutadanta chuẩn bị tổ chức một đại tế đàn. Vì muốn tìm hiểu thêm những nghi thức tế lễ, nên đã không ngại tìm đến tham vấn Ðức Thế Tôn:

-- Tôn giả Gotama, tôi được nghe như sau: "Sa môn am hiểu ba cách thức tế tự và mười sáu tế vật". Tôi không biết đến ba tế tự và mười sáu tế vật, và tôi muốn cử hành đại tế tự. Tốt đẹp thay nếu Tôn giả Gotama giảng cho tôi ba cách thức tế tự và mười sáu tế vật.

Ðức Phật đã không trực tiếp trả lời câu hỏi của Bà La Môn Kutadanta mà Ngài chỉ kể một câu chuyện như sau:

Thuở xưa có một vị vua tên là Mahavijita rất giàu có. Ông ta muốn tổ chức một đại tế đàn để cầu phúc, nên hỏi ý kiến của một vị Bà La Môn cố vấn về tế lễ. Vị này khuyên nhà vua nên thực hành một chính sách nhằm ổn định trật tự trị an, khiến quốc gia được hưng thịnh thái bình: Ðối với nông dân nỗ lực về nông nghiệp và chăn nuôi, thì cấp cho họ hột giống và thực vật; đối với người nỗ lực về thương nghiệp, thì cấp cho họ vốn đầu tư; đối với người nỗ lực về quan chức, thì cấp cho họ vật thực và lương bổng. Khi nhà vua thực hiện theo kế hoạch nói trên, mọi người có công ăn việc làm, các ngành nghề trong nước đều phát triển, ngân quỹ quốc gia càng dồi dào, tình hình chính trị được ổn định và nhân dân được an cư lập nghiệp.

Nhờ áp dụng chính sách sáng suốt và thông minh như vậy, đã đem lại lợi ích thiết thực và hạnh phúc cho mọi người, nhưng nhà vua lại còn muốn tổ chức một tế đàn như trước đây đã nói. Lần này vị Bà La Môn chủ tế khuyên nhà vua: trước khi tổ chức tế lễ, nên trưng cầu ý kiến với bốn đại chúng: sát đế lợi, đại thần, Bà La Môn và gia chủ phú hào. Sau khi bốn đại chúng tán thành, vị Bà La Môn chủ tế nêu những yếu kiện cần thiết cho một lễ tế đàn:

-- Tám đức tánh của vua Mahavijita: huyết thống thanh tịnh, tướng mạo khôi ngô, đại phú, có đầy đủ uy lực, có tâm từ bi bố thí, bác học đa văn, thông hiểu ý nghĩa lời nói, và thông minh sáng suốt biết được quá khứ vị lai.

-- Bốn đức tính của Bà La Môn chủ tế: huyết thống thanh tịnh, thông hiểu 3 tập Vệ đà, có đức độ cao dày và bác học.

-- Ba pháp nên biết trước khi thực hiện một tế đàn: trước khi tế không nên hối tiếc về sự tiêu hao tài sản (tư tiền); trong khi tế, không nên hối tiếc về sự tiêu hao tài sản (tư hiện); sau khi tế, không nên hối tiếc về sự tiêu hao tài sản (tư hậu).

Ðiểm đặc biệt nhất của tế đàn này là không giết hại sanh linh, không chặt phá cây cối, không cắt cỏ cát đường để rải xung quanh tế đàn, không có hiện tượng đánh đập, bắt buộc, đàn áp những người lao công phục vụ, mà mọi người làm việc vì sự tự nguyện, vì sự hoan hỷ. Trong lễ tế đàn chỉ dùng dầu, sanh tô, thục tô, mật và đường miếng.

Như vậy tế đàn này thành tựu gồm:

-- Ba tế pháp: Tư tiền, tư hiện và tư hậu.

-- Mười sáu tế vật: tám đức tính của vua, bốn đức tính của vị Bà La Môn chủ tế và bốn sự tán thành ủng hộ của bốn đại chúng.

Ðến đây Ðức Phật bảo:

-- Này Bà La Môn, như vậy gọi là ba tế pháp và mười sáu tế vật.

Những vị Bà La Môn có mặt lúc đó đều lớn tiếng thưa rằng: "Cao quí thay lễ tế đàn! Vẻ vang thay sự thành tựu của lễ tế đàn!". Riêng Bà La Môn Kutadanta vẫn giữ yên lặng. Sau khi biết vị Bà La Môn chủ tế trong câu chuyện kia là tiền thân của Ðức Phật, Kutadanta xin Ðức Thế Tôn cho biết những tế đàn khác ít phức tạp hơn, ít nhiễu hại hơn nhưng có quả báo và ích lợi hơn tế đàn với ba tế pháp và mười sáu tế vật.

Bấy giờ Ðức Phật thẳng thắn đem quan niệm của Ngài về vấn đề an lạc, phúc báo và giải thoát do chính bản thân mỗi người tự thực hiện mà có, chứ không quan niệm như đa số các tôn giáo đương thời cho rằng chỉ có tế lễ mới đạt được những kết quả nói trên.

Những "tế đàn" có nhiều phúc báo theo Ðức Phật là sự bố thí cúng dường thường xuyên cho người xuất gia có giới đức, xây dựng tịnh xá cho Tăng bốn phương, thành tâm qui y tam bảo thọ trì ngũ giới, thực hành đức hạnh của bậc Sa môn cho đến viên mãn, tức chứng và trú vào tứ thiền. Ðó là một "tế đàn" cao thượng, thù thắng hơn mọi lễ tế đàn.

Ðến đây Bà La Môn Kutadanta thực sự được thuyết phục, và ông ta thưa với Ðức Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc đường, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng phương tiện trình bày giải thích (rất rõ ràng chính xác). Vậy nay con xin qui y Tôn giả Gotama, qui y Pháp và qui y Tỳ Kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng Tôn giả Gotama. Con xin trả tự do và sự sống cho bảy trăm con bò đực, bảy trăm con bò cái, bảy trăm con dê, và bảy trăm con cừu. Mong chúng được ăn cỏ xanh và uống nước mát, mong chúng được hưởng gió mát.

Vấn đề tế lễ đối với các Bà La Môn hết sức thiết yếu. Nó được xem như một phương tiện giải thoát. Song Bà La Môn Kutadanta sau khi nghe Ðức Phật giải thích về quan điểm tế lễ của Ngài, thì hoàn toàn cắt đứt cái quan niệm truyền thống cố hữu của quá khứ. Thật là một điều hết sức hy hữu! Sở dĩ Ðức Phật thành công trong việc chuyển biến tâm thức của các Bà La Môn, vốn đã mang nặng thành kiến tế lễ ngàn đời và cho đó là chân lý bất cải, là nhờ phương pháp đối thoại linh hoạt và trí tuệ, hiểu biết bao quát siêu việt của Ngài. Ðức Phật rất tế nhị và khéo léo. Ngài không vội bác bỏ quan niệm của đối phương, mà từ lập trường của người đối thoại dần dần hướng đến lập trường của mình. Tế đàn dứt khoát không phải là phương tiện để đạt đến hạnh phúc và giải thoát, mà đó chỉ là sự cuồng tín của loài người, do đó mọi hình thức tế đàn vấy máu đều cần được loại bỏ.

Phật giáo, không chủ trương những nghi lễ tế tự phiền hà tốn kém, nhất là sát hại sanh linh để cúng tế. Thế nhưng do sự thiếu hiểu biết mà có một số người dù đã qui y Tam bảo, thọ trì ngũ giới, lại tham gia các cuộc tế lễ ở đình, miếu, lăng, trong đó heo bò được giết làm tế vật chính.

Theo quan niệm của các nhà hiền triết thì hạnh phúc hay bất hạnh chính do con người tạo ra và chịu trách nhiệm - Ðức Phật thường bảo con người là chủ tế của nghiệp là thừa tự của nghiệp - mà không có một đấng thần linh nào ban phúc hay giáng họa cho mình căn cứ vào tế lễ. Do đó muốn hưởng hạnh phúc lâu dài phải tự mình bồi đắp nhân lành, giống thiện mà thôi.

Nhựt Chiếu


Source: LotusNet Production, http://www.lotuspro.net


[Trở về trang Thư Mục]