Sir Edwin Arnold và thi phẩm "Ánh sáng Á châu"

Thích Nguyên Tạng


Tác phẩm này được viết trong một văn phong thuộc trường phái lãng mạn của thời nữ hoàng Victoria; tuy vậy, tác phẩm vẫn giữ được phẩm chất đạo đức rốt ráo của một người anh hùng theo cái nhìn của người Anh: tính ly dục, kết hợp với từ bi, trí tuệ, chân thật và nhẫn nại.

Có thể nói ngay rằng đại đa số giới trí thức ở phương Tây tìm đến với Phật giáo là nhờ đọc qua thi phẩm bất hủ "Ánh sáng Á châu" (The Light of Asia, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1879) của đại thi hào người Anh-Sir Edwin Arnold. Ðây là một bản trường ca gần năm nghìn câu phô diễn về cuộc đời tu tập và hành đạo của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngay sau khi xuất hiện trên thi đàn Âu châu, tác phẩm đã lập tức chinh phục người đọc và đã được các nhà phê bình văn học Tây phương hết lời khen ngợi đây là một tác phẩm văn chương tuyệt tác của Anh quốc vào cuối thế kỷ thứ 19. Tác phẩm đã lập tức thịnh hành tại Anh quốc và được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng trên thế giới (bản dịch Việt ngữ có tựa đề là "Ánh sáng Á châu", dịch từ bản tiếng Pháp, do nhà Phật học - cư sĩ Ðoàn Trung Còn phiên dịch và Phật học Tùng Thư xuất bản lần đầu tiên năm 1965).

Sir Edwin Arnold, sinh ngày 10 tháng 06 năm 1832 tại làng Grevessend, Anh quốc. Ông trải qua thời tiểu và trung học ở các trường dành cho con cháu giới hoàng tộc và theo học Ðại học Oxford, nơi đó ông đã được trao giải thưởng Newdigate cho tập thơ đầu tay của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được cử đến làm hiệu trưởng trường Cao đẳng Sanskrit thuộc chính quyền thực dân Anh ở Poona, Ấn Ðộ. Sau 5 năm phục vụ về lĩnh vực giáo dục tại Ấn Ðộ, ông trở về Luân Ðôn và trở thành phái viên cho tờ Daily Telegraph vào năm 1861, và kể từ đó ông làm việc cho tờ báo này đến cuối đời mình. Nhân danh tờ báo này, ông Arnold đã kết hợp với tờ Newyork Herald, sắp xếp chuyến viếng thăm của ông H. M. Stanley đến châu Phi. Trong chuyến viếng thăm này, ông Stanley đã đặt tên cho một hòn núi ở phía Ðông Bắc nước Congo. Ông Arnold cũng được công nhận là người đầu tiên có ý tưởng về việc phóng một con đường xe lửa trên toàn lục địa châu Phi.

Những năm sau này, ông sống một vài năm ở Nhật Bản, nơi ông đã cưới người vợ thứ ba, một phụ nữ người Nhật. Giống như các bạn nhà báo cùng thời ông, Lafcadio Hearne và Rudyard Kipling, ông Arnold rất quan tâm sâu sắc đến con người và nền văn hóa của họ ở nước ngoài, những nơi mà ông có được một đặc quyền sống và viết với sự đồng cảm và nhạy cảm của ông đối với vùng đất ấy. Trong cuộc đời làm công tác giáo dục và văn hóa của mình, ông đã được hoàng gia Anh và nước Ấn Ðộ trao tặng nhiều huy chương cao quí. Ông cũng được các hoàng đế ở Nhật Bản, Ba Tư, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ trao tặng nhiều huy chương vì có công trong việc khôi phục lại nền văn hóa cổ đại.

Trong thời gian làm việc tại Ấn Ðộ, ông đã để tâm nghiên cứu và học hỏi những tôn giáo lớn ở châu Á, đặc biệt trong đó có đạo Phật. Ông đã nghiên cứu rất kỹ về cuộc đời và sự nghiệp truyền bá chánh pháp của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, và cuối cùng ông đã chuyển những ý tưởng đó trở thành thơ ca. Kết quả, thi phẩm "Ánh sáng Á châu" đã ra đời. Ngoài tác phẩm độc đáo này, những cuốn sách chính của ông là "Ánh sáng thế giới", in năm 1891 ; "Những bài hát của người Ấn Ðộ", in năm 1875 ; "Biển và đất liền", in năm 1891 ; và hai cuốn sách cuối cùng của ông là nghiên cứu về đời sống và văn hóa của người Nhật Bản. Ông Edwin Arnold đã cống hiến sức lực của mình cho sự nghiệp văn hóa của thế giới cho đến ngày qua đời, ông mất vào ngày 24 tháng 3 năm 1904 tại Anh quốc.

Tầm ảnh hưởng của "Ánh Sáng Á Châu" trong đời sống tinh thần của người phương Tây:

Nếu Phật tử ở nước Pháp thích đạo Phật qua giáo lý nguyên thủy, thì ngược lại tín đồ tại Anh thích đạo Phật qua tầm vóc anh hùng của chính Ðức Phật Thích Ca, người khai sáng ra đạo Phật. Sự khâm phục này được tìm thấy qua sự biểu lộ tột độ của họ khi tác phẩm "Ánh sáng Á châu" (ASAC) ra đời. Ðây là một bản trường ca về Ðức Phật, nó nói lên tiếng nói chung của Phật tử Anh về đấng Cha lành. Tác phẩm này được viết trong một văn phong thuộc trường phái lãng mạn của thời nữ hoàng Victoria ; tuy vậy tác phẩm vẫn giữ được phẩm chất đạo đức rốt ráo của một người anh hùng theo cái nhìn của người Anh : tính ly dục, kết hợp với từ bi, trí tuệ, chân thật và nhẫn nại. Phẩm chất đặc thù tuyệt đối của Ðức Phật đã làm tăng thêm sự cảm nhận rằng Ngài giống như là một đối thủ của Ấn Ðộ giáo, vì một người đã dám đi ngược lại với mọi tục lệ, tập quán lâu đời của Ấn Ðộ giáo. Hơn thế nữa, sự xuất hiện của Ðức Phật qua tác phẩm của Arnold lại trùng khớp với thời kỳ chống đạo Ky-tô tại Anh, đây là một nguyên nhân tạo ra sự quyết định trở về với Phật Giáo của người Anh và Phật Giáo đã có một chỗ đứng vững chắc trong nền văn hóa của dân tộc Anh.

Vào năm 1890, ông Allan Bennet (1872-1923) nhờ đọc tác phẩm ASAC mà lập tức quy y theo Phật Giáo. Sau đó (1902), ông đã đến Tích Lan để xuất gia tu học. Ông là một trong những người có công lớn trong việc phát triển Phật Giáo tại Anh trong giai đoạn đầu. Năm 1905, ông R. T. Jackson cũng giác ngộ nhờ đọc qua tác phẩm độc đáo này, và ông này đã kết hợp với một người bạn mở một nhà phát hành sách Phật Giáo ở gần công viên Regent-Luân Ðôn, để phổ biến giáo lý ; và hai cư sĩ này cũng thường xuyên tổ chức các buổi thuyết giảng về giáo lý đạo Phật tại nhà sách của mình. Năm 1910, ông Frederic Fletcher cũng trở về với Phật Giáo cũng qua tác phẩm này. Vị này đã đến Tích Lan xuất gia tu học và về sau có nhiều đóng góp đáng kể đối với Phật Giáo tại nước nhà.

Trong khi đó tại Hoa Kỳ, đại tá Henry Olcott nhận được quyển ASAC do bà Fannie Marie Adelaide (vợ của tác giả) gởi tặng. Ông Olcott sau khi đọc xong tác phẩm và đã quyết định cho tái bản ngay tại Boston (đến nay tại Mỹ đã có hơn tám mươi lần tái bản cuốn sách này và có hơn một triệu bản được phát hành rộng rãi trên khắp nước Mỹ) với một lời dự đoán về tác phẩm có một không hai này : "Quyển sách sẽ tạo ra một sự kinh ngạc lớn lao cho mọi giới và những câu hỏi tò mò sẽ nảy sinh trong tâm trí của các Ky-tô hữu nói chung". Sau khi quyển sách xuất bản, ông F. B. Sanborn đã viết trong phần điểm sách trên tờ Republican như sau : "Tính giá trị thơ ca của tác phẩm rất lớn, nhưng nó có một giá trị khác lớn hơn là nó đã được phô bày trong một tinh thần cảm thông của chân lý, hầu truyền cảm hứng lòng nhân từ của Á châu cho thế giới..." Ngay cả Oliver W. Holmes đã hăng hái một cách điên cuồng đến nỗi viết một mạch hai mươi sáu trang trên tờ International Review để nói lên cảm nghĩ của ông về tập thơ này, ông viết : "Tác phẩm cao quí đến nỗi nó không có cái khác để có thể so sánh".

Với số lượng phát hành khổng lồ như thế, tác phẩm ASAC được phổ biến khắp Hoa Kỳ đã minh chứng tài nghệ thơ ca của Arnold. Sự khởi đầu của Arnold cũng giống như các học giả Phật Giáo khác như Spencer Hardy, Samuel Beal và Max Muller, như ông ta đã thành công, bởi vì ông ta đã viết một câu chuyện chứ không phải là một luận án hay một bản chú giải. Ðức Phật trong tác phẩm của ông là một sự tổng hòa của một phần người anh hùng lãng mạn, một phần của con người bình thường và một phần khác là một bậc thánh siêu phàm.

Cùng lúc viết cuốn ASAC, ông Arnold còn cho phát hành một tập sách về tư tưởng Phật giáo mà ngày nay các học giả phương Tây rất ưa thích. Ông đã chuyển thành thơ các giáo lý cơ bản về nghiệp, về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo... ; đồng thời, ông cùng với học giả Max Muller và nhiều học giả khác nghiên cứu và truyền bá về giáo lý Niết Bàn.

Ngoài việc viết sách báo và diễn thuyết, ông Arnold trước sau vẫn là một người quan tâm đến sự phát triển của chánh pháp ở phương Tây, ông từng khẳng định rằng : "Tôi thường nói và sẽ nói lại một lần nữa và một lần nữa, rằng Phật Giáo và nền khoa học tri thức vĩ đại". Giống như Pháp sư Dharmapala và đại tá Olcott, ông Arnold rất đau lòng khi thấy những thánh tích Phật Giáo tại Ấn Ðộ bị lãng quên và bị sử dụng sai mục đích. Ông đã viết nhiều bài báo đăng trên tờ Daily Telegraph để kêu gọi thế giới quan tâm đến sự hủy diệt này.

Ánh sáng Á châu xưa nay vẫn được xem là một tác phẩm hàng đầu có công trong việc truyền bá Phật Giáo ở thế giới phương Tây, và nó sẽ tiếp tục tỏa sáng như một ngọn hải đăng soi đường cho chúng sanh trên khắp thế giới, ngõ hầu giúp họ tìm đến được bến bờ yên vui, và đây cũng là mục đích chính khi ông Arnold bắt tay thực hiện tác phẩm này. Ðiều này đã được ông đề cập trong phần kết luận của thi phẩm Ánh sáng Á châu như sau:

Kể từ thành đạo Bồ đề
Bốn mươi chín tuế chợ quê giảng truyền
Thuyết bằng ngôn ngữ các miền
Chỉ cho mọi lối dứt phiền đắc an
Ánh minh Ấn Ðộ rọi lan
Á châu rồi lại khắp tràn năm châu
Gió lành bủa cả hoàn cầu
Sức linh phước huệ đổi sầu hóa vui.
(theo bản dịch của Ðoàn Trung Còn, Sđd)

Thích Nguyên Tạng,
Chùa Quảng Ðức
Melbourne, Australia
(Theo tài liệu "Biographical Sketch of Sir Edwin Arnold",
Buddhist Society, May, 1997)


[Trở về trang Thư Mục]