Thượng tọa (TT) Tiến Sĩ Wijayarapura Seelawansa, 43 tuổi, người Tích Lan. Hiện là Viện trưởng Trung tâm Thiền Dhamma Zentrum tại thủ đô Vienna, Áo quốc. TT Seelawansa xuất gia năm 11 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học Kelaniya ở Tích Lan, TT được một số Phật tử tại Áo thỉnh đến quốc gia này để hoằng pháp vào năm 1982. Năm 1992, TT đã tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Triết tại Ðại học Vienna và đã được đại học này mời ở lại giảng dạy khoa Tôn giáo tỷ giảo và Tâm lý học cho đến ngày nay. Vừa qua, TT cùng với 3 đệ tử người Áo viếng thăm VN. Trong dịp này, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với TT để tìm hiểu về sinh hoạt của Phật giáo trên đất Áo.
* Xin TT cho độc giả Báo Giác Ngộ biết mục đích của chuyến viếng thăm VN lần này ?
- Ðây là lần thứ hai tôi đến thăm VN, như lần trước (cuối năm 1995) tôi muốn nghiên cứu và tìm hiểu nhiều hơn về các tôn giáo ở VN. Qua những lần đến thăm các nơi như ở TP. HCM, các tỉnh ở miền Tây, Ðà Nẵng, Huế và Hà Nội, tôi nhận ra rằng Phật giáo VN có một nét đặc thù là có thể dung hòan được những tông phái khác nhau. Các quốc gia PG láng giềng nên thừa nhận và học hỏi cái độc đáo này của PGVN. Tôi có đến thăm đạo Cao Ðài ở Tây Ninh và có tiếp xúc với một số tín đồ thuộc đạo Hòa Hảo. Vì tôi đang phụ trách giảng dạy khoa "Tôn giáo tỷ giảo" tại Ðại học Vienna, nên chuyến viếng thăm VN lần này giúp tôi rất nhiều trong việc thu nhập tư liệu. Mặt khác, mục đích của tôi đến VN là muốn tìm hiểu và giúp đỡ cho một số vị Tăng Ni có định hướng đi du học ở nước ngoài. Hiện nay tôi đang lo thủ tục để bảo lãnh hai vị Tăng Theravada đi du học ở Tích Lan. Tôi dự kiến sẽ giúp khoảng 10 Tăng hoặc Ni đến du học ở Tích Lan, Thái hay Áo quốc vào những năm tới.
* Xin TT cho biết đôi nét về sinh hoạt của Phật giáo hiện nay ở Áo ?
- Áo (Austria) là một quốc gia ở Trung Âu, nằm ở sườn bán đảo dãy Anpơ, diện tích 838.000 km2, dân số 8,2 triệu người. PG được truyền vào Áo từ những năm 1930 của thế kỷ này do công của một số Phật tử trí thức người Ðức. Từ đó đến nay PG được duy trì trong những nhóm nhỏ trí thức người bản xứ và các sắc tộc người Á châu, cho đến hai thập niên gần đây, PG tại Áo có dấu hiệu phát triển rộng trong xã hội Áo. Sự phát triển này đã được Hiến pháp nước Áo thừa nhận vào năm 1983 PG như là một trong bốn tôn giáo chính ở Áo, đứng sau Ky-tô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo. Trước đó, nhằm củng cố và thống nhất các nhóm Phật tử ở Áo, Hội Phật giáo Áo quốc (Austria Buddhist Association) đã ra đời vào năm 1972, Hội này hiện nay đang hoạt động mạnh do Hòa thượng người Áo Geuro Koudela làm chủ tịch. Năm 1989, Hội này đã cho xuất bản tờ nguyệt san "Ursache Und Wirkung" (Nhân và Quả) do bác sĩ người Áo Peter Riedl làm chủ bút. Riêng bản thân, tôi là thành viên của Hội PG Áo quốc, tôi đang giữ chức vụ Trưởng Hệ phái Theravada và là chủ tịch tờ nguyệt san Bodhi Blatt (Lá Bồ đề). Tôi đã dịch nhiều kinh ra tiếng Ðức do người Áo tụng và gần đây tôi cho xuất bản quyển "Phật pháp dành cho thiếu nhi" (bằng tiếng Ðức) để cung cấp cho trẻ em ở quốc gia này đọc.
* Phật học có được đưa vào học đường không ? Hiện có bao nhiêu Tăn Ni và tự viện Phật giáo ở Áo ?
- Phật giáo đã có mặt ở các đại học Áo (có tất cả 10 trường) từ 20 năm nay, nó được đề cập đến rất kỹ trong phân khoa Tôn giáo tỷ giảo. Khoảng 10 năm trở lại đây, Ðại học Vienna đã tách môn Phật học ra khỏi khoa Tôn giáo tỷ giảo và đã hình thành một Phân khoa Phật học chính thức. Sự thành tựu này phải kể đến công đề bạt của giáo sư người Áo Stein Kellner. Niên khóa 1997-2001 vừa thi tuyển xong và đã có 50 thí sinh đậu vào phân khoa Phật học này.
Về số lượng Tăng Ni, Phật tử và tự viện ở Áo, theo thống kê mới đây, hiện có 20 ngôi chùa và trung tâm PG ở Áo và có 11 vị Tăng Ni, trong đó có 10 vị Tăng và một sư cô người Việt và có khoảng 20.000 Phật tử trên khắp nước Áo.
* TT có dự án nào cho công cuộc hoằng truyền chánh pháp tại Áo không ?
- Hiện tại tôi đang có dự án xây dựng một thiền viện ở thủ đô Vienna. Khi hoàn tất tôi sẽ thỉnh 3 vị Tăng người Áo từ Thái Lan về trụ trì và làm Phật sự. Hiện nay có khoảng 10 vị Tăng người Áo đang xuất gia tu học tại Tích Lan, Miến Ðiện và Thái Lan. Trong số những người này, tôi từng dạy giáo lý, hướng dẫn họ tu học và sau đó giới thiệu họ đến xuất gia và theo học tại các đại học PG như đã nói. Tôi luôn nhắm vào việc độ cho người bản xứ xuất gia tu học, rồi về sau chính những người này bung ra làm công tác truyền giáo thì có hiệu quả hơn những nhà truyền giáo ngoại quốc.
* Câu hỏi cuối cùng, xin TT cho biết bối cảnh của PG ở châu Âu hiện nay thế nào ?
- Có thể trả lời ngay rằng tình hình PG hiện nay ở châu Âu đang phát triển rất mạnh, nhất là Pháp, Anh, Ý, Ðức, Tây Ban Nha... Ðặc biệt là ở Nga, một quốc gia vừa thoát khỏi thời kỳ chiến tranh lạnh và người dân trong xứ sở này đang hướng về PG, họ cần sự giúp đỡ của các Hội đoàn PG thế giới để xây dựng lại chùa chiền để có nơi tu học. Nhìn chung, PG đang trên đà chinh phục và phát triển mạnh trên toàn cõi châu Âu nói riêng và các quốc gia Tây phương nói chung. Và đây là một tin mừng nhưng cũng là nỗi lo của các nhà truyền bá PG ở ngưỡng cửa của thế kỷ 21.
* Xin chân thành cảm ơn TT.
Thích
Nguyên Tạng,
Chùa Quảng Ðức
Melbourne, Australia