(Dương Vĩnh Hùng dịch)
Tất cả chúng ta ít nhiều đều có khuynh hướng đổ lỗi lên những người khác cho những thiếu sót và rủi ro của chính mình. Bạn có bao giờ nghĩ rằng chính bạn đã có thể có trách nhiệm về những vấn đề của mình chưa? Nỗi đau buồn của bạn không liên quan gì đến lời nguyền rủa trên gia tộc hoặc tội lỗi của tổ tiên. Nó cũng không do thần thánh hoặc ma quỷ nào gây ra. Nỗi đau buồn của bạn là do chính bạn tạo ra. Vì thế cho nên bạn là người cầm giữ và giải thoát của chính bạn. Cùng một lúc, bạn tạo ra địa ngục và thiên đàng của chính bạn. Bạn có tiềm năng trở thành một vị thánh hoặc một kẻ có tội. Không người nào khác có thể tạo dựng bạn thành một vị thánh hoặc một kẻ có tội.
Bạn phải tập gánh vác trách nhiệm của chính cuộc đời bạn. Bạn phải tập thừa nhận khuyết điểm của chính mình mà không quấy rầy hoặc đổ lỗi lên những người khác. Hãy nhớ câu ngạn ngữ xưa : "Người ngu si luôn đổ lỗi cho người khác, người biết khôn chỉ đổ lỗi cho chính họ và người thiện tri thức không đổ lỗi cho bất cứ ai".
Khi bất cứ vấn đề nào nảy sinh, là người có hiểu biết, chúng ta phải cố gắng tự phát hiện lỗi lầm mà không đổ lỗi cho bất cứ ai. Nếu ai cũng cố gắng sửa mình, sẽ không có bất cứ phiền toái hoặc xung đột nào trong thế giới này. Nhưng con người thường không cố gắng trau giồi sự hiểu biết bằng cách hành xử một cách khách quan. Họ thích tìm những sự bào chữa. Họ tìm kiếm cho được nguồn gốc của những phiền toái bởi vì họ còn lưỡng lự trong việc thừa nhận khuyết điểm của chính họ.
Trí khôn của con người thường được phối hợp với sự tự dối mình tệ hại đến nỗi họ sẽ cố gắng kiếm cớ để biện minh hành động của mình nhằm tạo ra một sự lừa dối rằng họ vô tội. Ðức Phật nói: "Rất dễ thấy lỗi của người khác; thấy lỗi của chính mình thật là quá khó".
Ðể che giấu những khuyết điểm của mình bằng cách không nhận lỗi, nhiều người tỏ thái độ hung hăng đối với người khác cho rằng như thế họ có thể tránh được sự ô nhục và nguyên nhân của những phàn nàn về họ. Họ không nhận thức rằng một thái độ như vậy chỉ tạo thêm nhiều phiền phức cho chính họ bên cạnh sự khơi động mối bất hoà.
Bạn phải thừa nhận mỗi khi bạn sai. Ðừng luôn luôn đổ lỗi cho người khác theo cách của người "ngu". Ðức Phật nói thêm rằng: "Người ngu không chấp nhận mình ngu, là người thực sự ngu si. Và người ngu chấp nhận mình ngu là biết khôn ngay trong tình huống đó".
Ðau buồn đến với bạn là do trách nhiệm ở bạn. Khi bạn để những sự kiện nhỏ quấy rầy và chao đảo tâm trí của bạn, chính điều đó sẽ sinh ra sự đau buồn cho bạn. Bạn phải hiểu rằng nó không phải là cái gì sai với thế giới, mà là cái gì sai với tất cả chúng ta.
Phải Có Trách Nhiệm Thông Cảm Lẫn Nhau
Hãy nhớ rằng bất luận điều gì xảy ra, bạn sẽ không bị tổn thương nếu bạn biết duy trì sự cân bằng về cảm xúc. Chỉ có những nhận thức của bạn về bạn và những người khác mới có thể làm bạn tổn thương. Nếu bạn biểu lộ lòng thương người, bạn sẽ nhận được tình thương. Nếu bạn biểu lộ sự căm thù, bạn chắc chắn sẽ chuốc lấy căm thù. Người sân thở ra chất độc, và họ làm tổn hại đến chính họ nhiều hơn đến chính người khác.
Một người sân hay la lối, quát tháo người khác sẽ không thể thấy được sự việc trong một cái nhìn thích hợp tựa như khói che trước mắt họ. Bất luận ai biết khôn, không sân sẽ không bị tổn thương. Hãy luôn luôn nhớ rằng chỉ có bạn là người duy nhấy trải đường cho người khác đi đến chỗ làm bạn tổn thương. Nếu bạn tuân theo Pháp (phương cách sống ngay thẳng chính trực), Pháp sẽ bảo vệ bạn. Ðức Phật có nói: "Bất luận ai hãm hại người hiền, tội ác sẽ tác hại trở lại kẻ ác đó như bụi tung ngược gió".
Nếu bạn khơi động cái sân của người khác, bạn phải chịu lấy cái phản ứng nó tạo ra. Bằng sự biểu lộ cái thái độ hung hăng, bạn sẽ chỉ thỏa mãn ước vọng của kẻ thù.
Ðừng Ðổ Lỗi Cho Người Khác
Nếu bạn tập cách che chở cái tâm đúng mức, ngoại cảnh sẽ không thể ảnh hưởng đến bạn. Bạn không được đổ thừa vào tình huống khi những bất ổn xảy ra. Bạn không được cho là bạn kém may mắn, rằng bạn là nạn nhân của số mệnh, hoặc người nào đó đã nguyền rủa bạn hoặc "thư ếm" bạn. Bất luận lý do nào bạn có, bạn không được trốn tránh trách nhiệm cho những hành động của mình. Hãy cố gắng giải quyết vấn đề của bạn mà không phải hờn dỗi sưng sỉa. Hãy cố gắng hòa giải vui vẻ trong bất cứ mọi trường hợp có thể cố gắng được
Hãy can đảm đối diện với tất cả sự thay đổi nào tự nhiên và cần thiết; từ đó có đủ quả cảm để chấp nhận những gì bạn không thể tránh khỏi. Hãy có đủ khôn khéo để hiểu rằng sự đời không chắc chắn, và nó luôn ảnh hưởng đến mọi người. Vì thế cho nên, bạn phải phát huy lòng can đảm để đối phó với những thất vọng và phiền phức mà không cảm thấy nản lòng. Khó khăn đầy dẫy trong cuộc đời. Chúng ta phải dũng cảm đối diện nó. Nếu bạn biết cách khắc phục nó mà không tạo thêm vấn đề khác, bạn đã thật sự khôn khéo.
Những ai cố gắng phục vụ người khác đều có vấn đề để đối phó. Họ ngay cả gặp phải nhiều chê trách hơn những người không cần phải phục vụ người khác. Bạn không nên nản chí; thay vì thế, hãy ghi nhận rằng sự phục vụ vị tha cuối cùng chính nó sẽ mang lại cái phần thưởng hạnh phúc. Trong sự giúp đở người khác, phải có sự hiểu biết. Bertrand Russell, một triết gia người Anh nói, "Tình yêu không có sự hiểu biết và sự hiểu biết không có tình yêu không thể tạo lập một đời sống tốt".
Trách Nhiệm Về Sự An Lạc Nội Tại Là Tuỳ Nơi Bạn
Bạn phải học cách bảo vệ sự an lạc và thanh thản trong tâm. Ðể giữ sự an lạc nội tâm, bạn phải biết giảm thiểu mặc cảm tự tôn, lờ đi sự tự phụ, chế ngự cái bản ngã lầm tưởng của mình, bạn biết lúc nào phải bỏ tính ương bướng và lúc nào phải thực tập sự nhẫn nại. Ðừng cho phép bất luận ai tước đoạt sự an lạc nội tâm của mình. Bạn có thể bảo toàn sự an lạc nội tâm nếu bạn biết hành xử khôn khéo.
Trí tuệ đến qua sự nhận thức. "Con người không phải là một thiên thần bị sa đọa, mà là một sinh vật hướng thượng biết vươn lên". Hãy dùng toàn vẹn nổ lực của mình với niềm tin vững chắc để thực hiện những phương châm của bạn một cách cương quyết và từ tốn. Ðồng thời, hãy khiêm tốn cho sự an lạc và khoan dung để tránh những xung đột và hung bạo. Làm như vậy bạn sẽ chẳng mất mát điều gì. Thay vì thế, bạn lại được cuộc.
Làm Thế Nào Ðể Ðối Phó Với Những Chỉ Trích
Bạn phải học cách bảo vệ chính mình chống lại những chỉ trích bất công và vận dụng những ý kiến xây dựng một cách hợp lý. Bạn phải luôn nhìn vào những chỉ trích một cách khách quan. Nếu lời chỉ trích nhắm vào bạn một cách bất công, vô căn cứ, với nhiều ý xấu, bạn không nên nhút nhát đầu hàng lòng tự trọng của bạn. Nếu bạn thấy không có sự áy náy trong tâm, thái độ của bạn là đúng và được ghi nhận bởi mọi người, thì bạn không cần phải lo về lời chỉ trích vô căn cứ đó. Sự nhận thức của bạn về những lời chỉ trích thiếu xây dựng và cả lời phê bình có tính cách xây dựng rất là quan trọng để chỉnh đốn lại đời sống của bạn trong bất cứ xã hội nào. Ðức Phật nói: "Không có ai không bị chê trách trong thế giới này".
Ðừng Hy Vọng ở Ðiều Gì Cả Và Bạn Sẽ Không Thất Vọng
Bạn có thể tránh được những thất vọng bằng cách không giữ lấy bất cứ hy vọng nào cho việc làm của mình. Nếu bạn không mong đợi gì cả, thì không gì có thể làm bạn thất vọng. Hãy làm một điều gì đó vì lợi ích của những người khác để giảm bớt đau khổ. Nếu bạn có thể làm điều đó mà không mong đợi bất cứ một phần thưởng nào, bạn sẽ không có lý do nào cho sự thất vọng cả. Bạn sẽ được vừa lòng! Hạnh phúc chính nó là một phần thưởng lớn phát sinh trong tâm ta ngay sau khi ta làm một điều lành. Hạnh phúc đó tạo ra sự toại nguyện lạ thường trong cuộc đời bạn. Khi trông chờ vào sự đền bù, bạn không những chỉ đánh mất hạnh phúc, mà thường bạn còn chịu đựng những thất vọng cay đắng.
Có lẽ, bẩm sinh bạn có thể là một người hiền lương. Tuy vậy bạn vẫn bị chê trách dù cho làm việc thiện. Rồi bạn có thể hỏi, "Nếu những điều tốt mang lại tốt, xấu mang lại xấu, thì tại sao tôi phải chịu đau khổ trong khi tôi hoàn toàn lương thiện? Tại sao tôi phải chịu đựng quá nhiều khó khăn? Tại sao tôi phải chịu rắc rối lôi thôi với quá nhiều phiền toái? Tại sao tôi phải chịu chê trách mặc dù đã làm những việc tốt?".
Câu trả lời đơn giản là khi bạn làm những điều lành bạn có thể vô tình chống lại những thế lực ác độc của vũ trụ này. Những quyền năng ác độc này thường gây cản trở những công quả tốt. Hoặc hiện tại bạn đang gặt hái cái nghiệp quả của những điều xấu (kamma) đang chín muồi. Bằng cách tiếp tục làm điều lành với thiện tâm của mình, cuối cùng bạn sẽ thoát được những phiền trược đó. Từ chỗ bạn là người khởi sự tạo ra những thất vọng, điều đó rất hợp lý rằng chỉ có bạn là người có thể khắc phục được chúng - bằng cách nhận thức được cái chân thực tại của đời sống trần tục.
"Bằng sự bảo vệ người, bạn bảo vệ mình. Bằng sự bảo vệ chính mình, bạn bảo vệ người".
Nhiều sự đời vượt quá sự kiểm soát của chúng ta. Những thay đổi bất ngờ, những ảnh hưởng đa dạng và những điều không chắc chắn xảy ra làm chúng ta thất vọng. Ðó là lý do tại sao rất khó làm được việc tốt trong những trường hợp luôn biến động. Nếu con người chú ý đến lời khuyên này của Ðức Phật, mọi người đã có thể đóng góp một phần nào đó cho sự bảo vệ lẫn nhau.
Lòng Tri Ân Là Một Ðức Hạnh Hiếm Có
Ðức Phật đã dạy sự biết ơn là một đức tính cao cả. Ðúng, điều đó rất thực và đức tính này rất là hiếm có trong bất luận xã hội nào. Không phải lúc nào bạn cũng có thể hy vọng người khác phải biết ơn cho những gì bạn đã làm.
Con người có khuynh hướng hay quên nhất là lúc phải nhớ lại những ân phước mình đã nhận trong quá khứ. Nếu họ quên bày tỏ lòng biết ơn, bạn phải học cách chấp nhận như vậy - có như thế bạn mới có thể tránh được sự thất vọng. Cho dù họ có tỏ lòng biết ơn đối với những giúp đở và sự tử tế của bạn hay không, bạn vẫn có thể vui; bạn chỉ cần nghĩ và cảm thấy toại nguyện rằng bạn đã làm bổn phận thanh cao của một con người đối với đồng loại.
Ðừng So Sánh Mình Với Người Khác
Bạn có thể tẩy trừ những phiền trược vô cớ đơn giãn bằng cách không so sánh mình với người khác. Chừng nào bạn còn cho người khác "bằng","hơn" hoặc "thua" bạn, thì bạn vẫn còn bồn chồn và chưa có được sự khoan dung. Nếu bạn không có một thái độ như thế, bạn không phải lo ngại gì cả. Nếu bạn nghĩ bạn hơn người ta, bạn có thể trở thành tự mãn. Nếu bạn nghĩ bạn không thua ai cả, người khác có lúc sẽ công kích bạn. Nếu bạn nghĩ bạn thua kém họ, bạn có thể mất sự tự tin.
Rất khó mà chế ngự được lòng tự hào đối với đa số chúng ta. Chúng ta nên tập giảm bớt lòng tự hào. Nếu bạn bỏ được lòng tự hào, bạn sẽ có được sự an lạc nội tại. Bạn có thể hòa giải giữa bạn và mọi người để có được an lạc và hạnh phúc. Cái nào quan trọng hơn - duy trì sự tự hào hay sự an lạc trong tâm?
Hãy cố gắng nhận thức rằng sự bằng nhau, hơn và thua tất cả đều là những trạng thái tương đối: bây giờ bạn có thể nghèo nhưng rồi có lúc bạn cũng có thể giàu. Hôm nay bạn có thể ngu si, sau này bạn có thể trở nên khôn. Hôm nay bạn có thể đau và buồn nhưng một lúc nào đó bạn sẽ chắc chắn khỏe mạnh trở lại. Tuy vậy, có nhiều nhân phẩm mơ hồ đã được cho là di sản kế thừa của nhân loại như - nhân quyền, phẩm hạnh, địa vị con người, vân vân... Không ai khác có quyền tước đoạt lấy của bạn.
"Nếu bạn tốt với chính mình, bạn tốt với người khác. Nếu bạn tốt với người khác, bạn tốt với chính mình."
Làm Thế Nào Ðể Xử Lý Những Gì Gây Phiền Nhiễu
Bạn phải nhận thức được rằng bạn có thể đã góp phần, dù cho cố ý hay vô tình, vào việc đem lại những phiền phức và khó khăn cho chính bạn. Biết được bạn phải làm gì để khắc phục những khó khăn đến với bạn từ mọi nơi cũng rất là quan trọng. Nếu sự nhận thức của bạn đủ sâu sắc để lý tưởng hóa sự tự chịu trách nhiệm về việc gây ra vấn đề hiện tại, bạn chắc chắn sẽ có được ý niệm về cách tốt nhất để giải quyết nó.
Rồi bạn sẽ biết cách xử lý những gì gây ra phiền nhiễu và cả đối phương. Những người chống đối bạn, ai cũng có nhân tâm. Vì thế hòa giải với họ chẳng có gì là khó cả; hãy phát huy tình bạn thay vì cô lập họ. Nếu bạn có đủ nghị lực để đối kháng cái quan điểm sai của họ, thì không có lý do nào phải tránh né giao tiếp với họ. Qua sự giao tiếp với những người như thế, bạn có thể phát huy ảnh hưởng của bạn trên sự cải thiện của họ. Hãy nhớ rằng chính sự nhận thức của bạn bảo vệ bạn từ kẻ thù và cho phép bạn hướng dẫn họ trở nên tốt.
Nếu người khác vì hiểu lầm hoặc vì vô minh làm điều gì sai đối với bạn, đó là lúc thuận tiện nhất để bạn biểu lộ sự am hiểu về đạo lý, sự rèn luyện và sự khôn ngoan của bạn. Vốn học hỏi và kiến thức về đạo lý của bạn để làm gì nếu bạn chưa chịu học tập cách hành xử như một người hòa nhã nhất là những lúc phải phán xét, phân xử? Khi người khác có lỗi với bạn, bạn phải ghi nhận hành động của họ là một cơ hội để phát huy lòng kiên nhẫn và sự thông cảm của bạn.
Sự nhẫn nại là một trong những nhân cách tiêu biểu mà mọi người cần phải trau dồi. Bạn càng thực hành đức hạnh đó nhiều, bạn càng có khả năng duy trì phẩm hạnh của bạn. Bạn phải biết cách vận dụng kiến thức và những phương châm của bạn để đương đầu với những người có khuynh hướng căm ghét bạn. Không sớm thì muộn, họ sẽ nhận thức được sự ngu xuẩn và từ đó sẽ thay đổi luôn thái độ thù nghịch đó. Ðôi khi, có người lại lợi dụng lòng kiên nhẫn và sự khoan dung của bạn làm những chỗ sơ hở. Ðó là lúc bạn phải hành động khôn khéo để không biến thành nạn nhân của những con người xảo quyệt đó. "Ðức hạnh phải được thực hành một cách khôn khéo".
Sự tử tế, thành thật và lòng kiên nhẫn là những nền tảng thuận lợi cho những con người xảo quyệt có hành vi ác độc đối với những nạn nhân nào có được những đức hạnh đó.
Nên Tha Thứ Và Quên Ði
Trả thù những người gây sự chỉ tạo thêm những rối loạn và phiền phức. Bạn phải nhận thức rằng những cảm tính tiêu cực và những hành động thù hằn chỉ có thể đem lại sự thiệt hại và khổ đau cho cả bạn và người gây sự. Ðể hành động trả đũa, bạn phải ấp ủ mối thù hằn mãnh liệt trong lòng. Mối thù hằn này tựa như thuốc độc. Từ chỗ thuốc độc ở bên trong bạn, chắc chắn nó sẽ làm hại bạn trước khi nó có thể làm hại người khác. Trước khi bạn có thể ném thanh sắt nung vào người khác, bạn phải bị đốt trước. Hành động của bạn chỉ chứng minh được rằng không có sự khác nhau căn bản nào giữa bạn và kẻ chống đối.
Bằng cách căm ghét người khác, bạn chỉ cho họ thêm sức mạnh. Bạn không giải quyết được vấn đề của bạn. Nếu bạn giận dữ với một người chỉ mỉm cười lại với bạn, thì bạn sẽ cảm thấy thua cuộc và khổ sở. Từ chỗ họ không cộng tác với bạn trong việc làm thỏa mãn ước muốn của bạn, họ chính là người chiến thắng. Ðức Phật dạy chúng ta sống một cách vui vẻ khi trực diện với những quấy rầy. "Cứ vui vẻ sống không hận thù giữa những kẻ hay thù hận. Rồi trong thế giới thù hận, chúng ta sẽ sống như không có hận thù" (Pháp cú).
Chúng ta có thể sống hạnh phúc mà không phải thổi bùng những đám lửa hận thù. Bạn có thể không đủ nghị lực để nới rộng lòng từ bi đến kẻ thù; nhưng vì hạnh phúc, sức khỏe và lợi ích của bạn cũng như của mọi người khác, ít nhất bạn phải học cách tha thứ và bỏ qua.
Bằng cách không thù ghét và chà đạp người gây sự, bạn hành động như một người hòa nhã. Hành động trong cách cư xử này, bạn phải hiểu rằng người kia đã bị mê muội bởi sự tức giận, ganh ghét và vô minh. Vì thế mà họ như bao nhiêu người khác đã có lần bị lầm đường lạc lối vì những tâm trạng tiêu cực. Ðức Phật nói : "Người ác không phải ác độc vì bản chất. Họ gây ra tội lỗi là vì còn vô minh". Vì thế cho nên họ cần sự hướng dẫn.
Chúng ta không nên nguyền rủa họ. Nói rằng họ đáng bị kết tội phải chịu đựng đau khổ muôn đời là không chánh đáng vì chúng ta vẫn còn sửa chữa họ kịp thời. Chúng ta cần cố gắng giải thích và thuyết phục để họ thấy được cái sai. Với sự thông cảm này, bạn có thể xử lý kẻ ác như bạn chữa trị một bệnh nhân đau khổ vì một căn bệnh đang cần được điều trị. Khi căn bệnh đã được chữa lành cả bệnh nhân và mọi người khác đều cảm thấy an vui và lành mạnh. Người khôn ngoan phải biết dẫn dắt kẻ ngu si.
"Ðời sống tốt nảy sinh từ lòng thương và được dẫn dắt bởi sự hiểu biết.
Nếu một người lầm lỗi với bạn do vô minh hoặc hiểu lầm, thì đó chính là lúc bạn nên bộc lộ lòng từ bi của mình với kẻ làm điều ác. Một ngày kia, họ sẽ nhận thức được những ngu xuẩn của chính họ và sẽ thuyên giảm những tật xấu. Như vậy tốt hơn nên cho họ một cơ hội để cải thiện. Sự ăn năn về những lầm lỡ trong quá khứ sẽ chuyển hoá họ thành những con người tốt hơn và cuối cùng họ sẽ thực sự hiểu được thiện tâm của bạn. Ðức Từ Phụ đã có lần khuyên : "Hận thù không xoá bỏ được hận thù; chỉ có tình thương mới xoá bỏ được hận thù. Ðây là một định luật muôn đời"
Nếu bạn có thể bộc lộ lòng từ bi, sẽ không có sự thiệt hại nào đến với bạn. Ðiều này sẽ giúp bạn có được sự lành mạnh về thể xác và tinh thần. Ðời sống có sự nhịp nhàng của chính nó. Khi bạn mất cái này, bạn lại được cái kia. Những ai không hiểu nguyên tắc này thường gặp phải những rắc rối và khó khăn trong cuộc sống.
Nếu một người cứ lầm lỗi với bạn nhiều lần, bạn phải hành xử thật khôn khéo trong việc sửa chữa họ mỗi lần họ lầm lỗi. Bạn nên cố gắng hết khả năng của mình để noi theo gương sáng của Ðức Phật, ngay cả đó không phải là một điều dễ thực hiện. Rồi có lúc bạn sẽ biết rằng cuối cùng điều đó có thể thực hiện được. Phương châm của Ðức Phật trong trường hợp như thế có thể được tóm tắt là : "Càng gặp phải nhiều điều oan trái, Ta càng bộc lộ nhiều điều lành".
Nhiều người nghĩ rằng lấy ân trả oán là một điều không thực tế. Hãy thử nó và thấy cho chính bạn. Nếu bạn thấy khó mà lấy ân trả oán, thì bạn vẫn có thể giúp đở chính bạn và những người khác bằng cách đừng bao giờ lấy oán trả oán.
"Khi lầm lỗi, những người kém hiểu biết cần sự quan tâm từ ái"
Chúng Ta Ðều Là Người
Mọi người đều có những khuyết điểm và vì thế rất dễ lầm lỗi. Ai cũng đều có tham, sân và si. Những yếu điểm này rất phổ biến trong tất cả chúng ta với những mức độ khác nhau. Trừ khi bạn hoàn thiện hoặc là A-La-Hán, không có trường hợp ngoại lệ. Bản chất tri thức của con người được gói gém và biểu lộ trong câu ngạn ngữ sau đây :
"Con người không thoả mãn với chính đời sống của họ và sẽ không bao giờ tìm thấy mục đích của đời sống ngay cả sau khi có được cả thế giới này"
Chúng ta hãy nhìn kỷ hơn vào một người đang bị bao trùm trong vô minh. Tâm trí của họ bi che mờ bởi những rối loạn, hỗn độn và sự u tối. Vì vô minh, con người tạo ra những rủi ro cho chính mình và cả những người xung quanh. Hầu hết những lo âu và khổ sở đều do sự đời luôn biến động và do chính con người luôn thèm khát những lạc thú trần tục, những gì theo tính ích kỷ của họ, phải tiếp diễn mãi mãi. Sự thất vọng và những dục vọng không thể thỏa mãn được, phát sinh từ những sự thay đổi không ngờ được, tạo ra mối lo âu. Vì thế cho nên bạn phải có trách nhiệm cho sự lo âu.
Không ai thực sự hoàn thiện trong thế giới này; mọi người ai cũng có lúc lầm lỗi hoặc vi phạm những điều ác. Như vậy làm sao bạn có thể tránh được những lỗi lầm và những điều oan trái? Vô minh là nguyên nhân chính đã nuôi dưỡng sự thôi thúc của nhục dục phát sinh mối lo âu.
"Khi vô minh bị đẩy lùi bởi sự hiểu biết, sợ hãi và lo âu sẽ tan biến.
Nếu bạn có thể ghi nhận được những yếu điểm hiện diện trong tâm trí của con người theo cách này, không có lý do gì bạn phải cáu kỉnh với những vấn đề của chính bạn. Bạn phải có sự can đảm để đối diện với chúng. Tâm trí của con người chịu trách nhiệm cho sự hạnh phúc lẫn niềm đau. Carl Jung, một tâm lý gia nổi tiếng có nói : "Không có gì xảy ra cho con người mà không được tiềm ẩn bên trong họ"
Trách Nhiệm Của Bậc Cha Mẹ.
Bạn cần có trách nhiệm cho sự nuôi nấng và hạnh phúc của con cái. Nếu con của bạn trở thành một người công dân lành mạnh và hữu dụng, đó là cái kết quả của sự cố gắng của bạn. Nếu con của bạn trở thành một kẻ phạm pháp, bạn chính là người phải chịu trách nhiệm. Ðừng bao giờ đổ lỗi lên những người khác. Làm cha mẹ, nghĩa vụ của lương tâm là hướng dẫn dìu dắt con cái theo một hướng đi thích hợp. Mặc dầu có một vài thiếu niên phạm pháp trong những trường hợp không thể sửa chữa được, song là bậc cha mẹ, bạn phải chịu trách nhiệm về hành vi của con cái.
Trẻ con đang ở tuổi dễ bị ảnh hưởng cần tình thương, sự chăm sóc, âu yếm và những chú ý của bậc cha mẹ. Không có sự hướng dẫn và tình thương của cha mẹ, trẻ con sẽ bị thiệt thòi nghiêm trọng về mặt cảm xúc và sẽ thấy mình như đang sống trong một thế giới rắc rối đầy hoang mang. Cha mẹ ban trao tình thương không có nghĩa là cố thỏa mãn tất cả những yêu cầu của con, dù cho có lý hay không. Sự nuông chìu quá mức thật ra sẽ làm trẻ con hư hỏng. Trong sự thể hiện tình thương và sự đùm bọc, người mẹ cần nghiêm khắc và cứng rắn nhưng không được quá khắc nghiệt qua cách xử lý sự giận dữ, cáu kỉnh của trẻ con. Hãy biểu lộ tình thương của bạn trong khuôn khổ của kỷ luật - rồi trẻ con sẽ hiểu.
Tiếc thay, tất cả tình thương cha mẹ thường bị thiếu hụt trầm trọng trong xã hội ngày nay. Sự hối hả chạy theo nhu cầu vật chất và nguyện vọng có được sự bình đẳng về giới tính, khiến nhiều bà mẹ đã cùng với chồng mình tham gia vào cuộc đấu tranh sinh tồn. Những bà mẹ phấn đấu duy trì sĩ diện gia đình và địa vị của họ trong xã hội bằng cách làm việc trong các văn phòng hoặc cửa hiệu, thay vì ở nhà trông nôm nhu cầu của con cái.
Những trẻ thơ gửi nhờ vào sự chăm sóc của những người thân hoặc những người giúp việc, cũng như những đứa bé bị "bỏ ngỏ" mặc cho chúng tự xoay xở, thường bị tước đoạt mất sự chăm sóc và tình mẫu tử. Người mẹ, vì cảm thấy áy náy về sự thiếu chú ý của mình, sẽ cố gắng nuông chìu con bằng cách thỏa mãn tất cả những yêu cầu của chúng. Những hành động như thế chỉ làm con mình đâm ra hư hỏng.
Cung cấp cho con mình những đồ chơi cao cấp hiện đại như xe tăng, đại liên, súng lục, đao kiếm và những thứ tương tự là một điều không lành mạnh về mặt tâm lý và chỉ có tác hại đến sự hình thành bản tính của chúng. Trẻ con vô tình được dạy để tha thứ sự hủy hoại thay vì được dạy phải tử tế, biết giúp đở và thương người. Một đứa trẻ như thế sẽ phát triển khuynh hướng hung ác khi lớn lên. Cho con những đồ chơi như thế không thay thế được sự âu yếm của tình mẫu tử.
Bậc cha mẹ thường bị đặt trong trường hợp khó xử. Hối hả về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, cha mẹ còn có những công việc nội trợ đang chờ họ. Khi công việc trong ngày đã được làm xong, đó là lúc ăn chiều, xem TV và hầu như thì giờ còn lại không đủ để chăm lo con cái theo đúng bổn phận của tình thương và sự âu yếm của cha mẹ.
Ðáp lại sự kêu gọi của phong trào giải phóng phụ nữ, nhiều phụ nữ có khuynh hướng nghĩ rằng giải pháp của vấn đề là thi đua với đàn ông bên ngoài phạm vi gia đình. Những người phụ nữ như thế cần phải cân nhắc kỷ lưởng việc nên có con hay không. Mang một đời sống vào thế giới này rồi "bỏ rơi" nó là một sự vô trách nhiệm. Bạn phải chịu trách nhiệm cho những gì bạn tạo ra.
Trẻ con có quyền được thỏa mãn về vật chất, nhưng quan trọng hơn hết là về mặt tâm lý và tinh thần. Sự cung cấp những tiện nghi vật chất chỉ là thứ yếu so với sự ban trao tình thương và sự chú ý của cha mẹ. Chúng ta biết nhiều người nghèo với một lợi tức khiêm tốn vẫn có thể nuôi nấng con cái tốt với tất cả tình thương. Ngược lại, nhiều người giàu có đã cung cấp mọi tiện nghi về vật chất cho con mình, nhưng vì thiếu tình thương cha mẹ, những đứa trẻ này khi lớn lên sẽ có những khuyết tật về phương diện đạo đức và tâm lý.
Một số phụ nữ cho rằng sự khuyên bảo họ tập trung vào sự chăm sóc gia đình là một điều thoái biến và điều đó phản ánh sự suy nghĩ của những người già và bảo thủ. Ðúng rằng trong quá khứ phụ nữ đã từng bị ngược đãi, nhưng điều này là do vô minh của người nam nhân hơn là nhược điểm vốn có của người phụ nữ. "Gruhini" là tiếng Phạn dành cho người nội trợ, một cách chính xác có nghĩa là "gia trưởng". Rõ ràng là nó không ám chỉ rằng phụ nữ là thấp kém. Hơn thế nữa nó còn có nghĩa là một sự phân công, chia xẻ trách nhiệm giữa nam giới và nữ giới.
Trong một số quốc gia, nhiều ông chồng giao tất cả tiền kiếm được cho vợ mình để lo liệu công việc trong gia đình. Ðiều này để họ được rảnh trí tập trung vào làm những việc khác tốt hơn. Từ chỗ họ biết rõ ràng bổn phận của người kia là gì, không có sự xung đột giữa họ với nhau. Không khí gia đình được vui vẻ và an nhiên và nhờ vậy trẻ con có điều kiện phát triển tốt.
Cố nhiên, người chồng phải thấy rằng người bạn đời của mình cần được săn sóc chu đáo, rằng người vợ luôn luôn được hỏi ý kiến cho mỗi quyết định trong gia đình, rằng vợ mình có đủ tự do để rèn luyện nhân cách, có đủ thì giờ rảnh để theo đuổi những sở thích riêng. Trong cái nghĩa này, vợ chồng đều có trách nhiệm như nhau cho sự phúc lợi của gia đình. Họ không tranh đua với nhau.
Người mẹ cần cân nhắc kỷ lưởng xem họ có nên tiếp tục đi làm và chấp nhận mọi khó khăn kèm theo hoặc như một người nội trợ hết lòng chăm lo nuôi nấng con cái. Một điều khá kỳ lạ là một số phụ nữ ngày nay, nhất là trong những quốc gia với chế độ quân dịch đang đương đầu với sự thiếu hụt về nhân lực, đang được huấn luyện cách xử dụng súng ống và những vũ khí giết người trong lúc đáng lý họ phải đang vuốt ve, âu yếm con cái và dạy dỗ chúng thành công dân tốt.
Quan điểm ngày nay của các bà mẹ phải đi làm có khuynh hướng đánh mất dần lòng hiếu thảo truyền thống mà con cái của họ có bổn phận phải duy trì. Sự thay thế sửa mẹ bằng sửa chai trong việc cho con bú là một nguyên nhân khác. Cho đến nay, các bà mẹ khi cho con bú bằng sửa mẹ và ôm ấp chúng trong vòng tay của mình, tình mẫu tử âu yếm dịu dàng càng trở nên gắn bó hơn. Một người mẹ như thế qua bản năng làm mẹ thường có được một sự hài lòng lớn, từ sự nhận biết mình đang chu cấp cho con, theo quy luật của tự nhiên, một phần nào đó của chính mình mà không ai khác có thể cho. ảnh hưởng người mẹ có được đối với con như vậy nảy nở và trở thành rõ rệt hơn. Dưới những trường hợp như thế, sự hiếu thảo, giường mối gia đình và sự vâng lời luôn luôn hiện diện.
Những cá tính thuộc về truyền thống này tốt cho hạnh phúc của trẻ con. Nó tùy vào bậc cha mẹ, nhất là người mẹ chu cấp cho con mình tình thương, sự săn sóc và sự âu yếm như những bổn phận thích đáng. Người mẹ phải có trách nhiệm dù cho con mình có trở nên tốt hoặc ương bướng. Người mẹ như vậy có thể làm giảm bớt những trường hợp phạm pháp của thiếu nhi! Từ chỗ có một suy nghĩ bao quát, bạn có thể thấy mọi việc không phải theo bạn mà nhìn nhận mọi việc như nó đang là (như thực tri kiến). Rồi bạn biết bạn có trách nhiệm đối với mọi việc.
"Những ai sống ngược với quy luật của tạo hoá, nếu không chuốc lấy hậu quả về thể xác thì cũng chuốc lấy hậu quả về tinh thần".
Làm Thế Nào Ðể Giảm Bớt Những Thống Khổ Về Tinh Thần
Khi những khó khăn và trở ngại phát sinh, bạn phải quyết tâm giảm bớt những thống khổ về tinh thần. Ðầu tiên, bạn phải cố gắng hiểu rõ bản chất của cuộc đời. Bạn không nên hy vọng mọi thứ trên đời được hoàn hảo và suông sẻ. Trường đời không phải lúc nào cũng thuận tiện cho bạn. Không có thế giới và đời sống nào không có vấn đề. Những hiện tượng tự nhiên như ánh sáng mặt trời, mưa, gió và ánh trăng có thể được ưa thích và có ích đối với nhiều người, tuy vậy cũng có lúc lại gây ra phiền toái cho những người khác. Thực ra không có cái gì hoàn toàn xấu hoặc hoàn toàn tốt trong thế giới này bởi vì ngay những thứ được ủng hộ bởi một nhóm người có thể bị ghét bỏ bởi một nhóm người khác. Vì thế cho nên, chúng ta định nghĩa tốt hay xấu tùy theo nhu cầu của chúng ta. Bản chất của sự thể không tốt cũng không xấu. Theo Phật Giáo, bạn là một phần của thế giới tồn tại dựa trên những sự chung đụng.
Nếu bạn có những khát vọng ích kỷ mãnh liệt về sự hiện hữu và những giác quan, bạn sẽ phải trả một giá rất đắt - nỗi khổ tinh thần phải sinh tồn với một quan điểm lộn xộn về thế giới. Niềm tin dựa vào ước muốn, nỗi khát khao cho sự vĩnh cửu và sự bám víu vào những cảm tính ví dụ như cái "Tôi" khó kiểm soát chỉ làm méo mó cái tâm thái và ý nghĩa của nó về thời gian. Những dục vọng không thể thỏa mãn được tạo ra kết quả của những tranh chấp, cọ sát, những thất bại về giao tiếp, sợ hãi, lo âu, sự cô đơn và nỗi băn khoăn. Không có sự thỏa mãn nào mà không phải trả một giá đắt hoặc không phải gánh chịu tất cả những hậu quả.
Nếu bạn ước vọng tẩy trừ được nỗi khổ tinh thần, bạn phải chinh phục được những khát vọng ích kỷ. Hành trình của cuộc đời đang ở ngả ba đường. Bạn phải lựa chọn con đường đúng và phát triển tâm linh của bạn để tháo gở những căng thẳng của đời sống trần tục, hoặc bạn tiếp tục mua vui trong những nhục dục được đi kèm bởi những chống đối của chúng.
Một cách làm giảm bớt nỗi khổ tinh thần của bạn là hiểu được và so sánh mức độ của những nỗi khổ và những khó khăn của chính bạn và của những người khác. Khi bạn không vui, bạn thường cảm thấy thế giới như đang chống lại bạn. Bạn nghĩ mọi vật quanh bạn gần như sắp sửa sụp đổ. Bạn cảm thấy rằng đường cùng đã gần kề. Tuy vậy, nếu bạn lưu tâm đến mọi thứ xung quanh bạn và nhận ra những phúc lành của bạn, một cách ngạc nhiên, bạn sẽ thấy rằng bạn thực sự may mắn hơn rất nhiều người khác.
Chắc bạn đã nghe ai đó nói, "Tôi đã phàn nàn kêu ca rằng tôi không có giày đến khi tôi gặp một người không có được bàn chân nào". Một cách tóm tắt, bạn đã luôn phóng đại những khó khăn và vấn đề của bạn một cách quá đáng. Có vấn đề thật. Nhưng bạn cần cố gắng giải quyết nó thay vì chỉ lo âu và tạo ra sự thống khổ về tinh thần cho mình. Người Trung Hoa có câu ngạn ngữ rất thiết thực về giải quyết những vấn đề như sau -:
"Nếu bạn có một vấn đề lớn, hãy giảm nó xuống thành một vấn đề nhỏ. Nếu bạn có một vấn đề nhỏ, hãy tiêu giảm nó thành không còn vấn đề gì cả"
Một cách làm giảm vấn đề của bạn là tóm tắt lại những gì bạn đã trải qua trước đây, dưới những trường hợp tương tự hoặc ngay cả tệ hại hơn; và qua sự kiên nhẫn, chủ động và cố gắng của chính bạn, làm thế nào bạn có thể khắc phục được những khó khăn dường như đã không thể vượt qua lúc đầu. Chỉ bằng cách đó, bạn sẽ không cho phép những vấn đề hiện tại "nhận chìm bạn". Ngược lại, bằng cách nhìn đời từ một góc độ khác, bạn sẽ có thể giải quyết bất luận những vấn đề gì bạn có thể đối diện trong hiện tại.
Bạn phải nhận thức rằng bạn đã trải qua nhiều tình huống tệ hại hơn trước đây và bạn chuẩn bị để trực diện bất cứ điều gì đến một cách trung thực. Với sự nhận thức này, bạn sẽ nhanh chóng lấy lại sự tự tin từ một cương vị tốt hơn để giải quyết bất cứ vấn đề gì bạn đang có.
Nếu bạn đang đối diện với một vấn đề, chắc chắn phải có phương thức để vượt qua nó. Như vậy tại sao phải lo âu? Mặt khác, ngay cả nếu không có giải pháp cho vấn đề của bạn, bạn cũng không cần phải lo âu buồn phiền bởi vì cái phiền trược của bạn không thể góp phần vào việc giải quyết vấn đề của bạn.
Không Phải Tất Cả Ai Cũng Tốt Như Nhau
Ðôi khi, có những phàn nàn từ những người chưa bao giờ gây phiền phức cho người khác và tuy vậy họ trở thành những nạn nhân vô tội của những thủ đoạn và mưu đồ của những người khác. Họ cảm thấy nản lòng mặc dầu họ đã sống một cuộc đời lương thiện. Họ cảm thấy mình bị hãm hại một cách vô tội vạ. Trong những trường hợp như thế, những nạn nhân vô tội phải nhận thức được rằng có tất cả những loại người trong thế giới này - người tốt và người không tốt, người xấu và người không xấu, với tất cả những tính cách khác thường đã làm nên thế giới của chúng ta. Nạn nhân vô tội có thể an ủi chính mình bằng cách cho rằng họ thuộc vào nhóm người tốt trong khi những người hay gây ra xáo trộn tới sự an lành thuộc vào nhóm người xấu, và trong những trường hợp nào đó, họ sẽ vẫn phải chịu đựng một cách kiên nhẫn những điều ác của những người xấu.
Chúng ta lấy ví dụ, trường hợp của một "người lái xe giỏi và cẩn thận" và một "người lái xe liều lĩnh thiếu kinh nghiệm". Người lái xe giỏi và cẩn thận luôn đề phòng và chú ý lái xe một cách thận trọng nhưng tuy vậy ông ta đã gặp phải một tai nạn, không phải lỗi của ông ta - mà do lỗi của một người tài xế thiếu kinh nghiệm và sự thận trọng. Như vậy chúng ta có thể thấy, người tốt có thể phải chịu đau khổ bất kể sự hiền lương của họ, bởi vì có kẻ xấu và bất cẩn xung quanh ta. Thế giới không tốt cũng không xấu. Nó sản sinh những kẻ tội phạm và cả những vị thánh, những kẻ ngu si và cả những người giác ngộ. Cũng như từ một cục đất sét giống nhau, những vật thể đẹp và xấu, hữu dụng và vô dụng có thể được làm ra. Chất lượng của đồ gốm tốt phụ thuộc vào người thợ gốm chứ không phải đất sét. Người thợ gốm chính là bạn. Sự uốn nắn của hạnh phúc hoặc buồn rầu là do bàn tay của bạn.
Bạn Có Ðược Những Gì Bạn Tìm Kiếm
Nếu bạn cố gắng với hết khả năng của mình để khắc phục những khó khăn bằng cách thực hành những lời khuyên trong quyển sách này, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy sự an lạc, hạnh phúc và sự hài hoà bạn đang tìm kiếm. Hãy làm theo những phương châm đã được thử nghiệm và chứng minh như đã đề ra trong quyển sách này để bảo vệ lấy bạn.
Dương
Vĩnh Hùng dịch Việt
("You are responsible",
Venerable K. Sri Dhammananda Mahathera)