Ngôi tự viện nằm phía Ðông thành Savatthi là do bà Visakha, vị nữ thí chủ nhiệt thành của Ðức Phật, dâng cúng.
Bà được Ðức Phật ngợi khen là đứng hàng đầu các bà tín nữ. Nhưng hơn nữa, câu chuyện sau đây của bà Visakha và những lời dạy bảo của ông cha bà cho thấy rằng vào thời bấy giờ người ta đối xử rất nghiêm khắc đối với hàng phụ nữ. Mặc dầu thái độ gắt gao đối với nữ giới và mặc dầu cuộc sống của người phụ nữ có rất nhiều giới hạn, nhờ đức tin dũng mãnh nơi Giáo Huấn của Ðức Phật, bà Visakha đã có khả năng vượt lên trên những giới hạn ấy.
Bà Visakha sanh trưởng tại thành Bhaddiya, trong vương quốc Anga. Cha bà là Dhananjaya, quan giữ kho của nhà vua và mẹ bà là Sumanadevi. Lúc vừa lên bảy, bà nhiệt thành lắng nghe những lời giảng giải rõ ràng và trong sáng của Ðức Bổn Sư và chứng đắc tầng thánh thứ nhất (nhập lưu). Theo tập tục thời bấy giờ, vào năm lên mười sáu tuổi bà được gả cho Punnavaddhana, con của quan giữ kho tên Migara.
Sau đây là câu chuyện được ghi nhận. Khi cha mẹ Punna khuyên bảo chàng nên chọn một người xứng đáng để làm bạn trăm năm thì chàng nói, "Chỉ khi nào có thể tìm được một cô gái có đủ 'Năm Vẻ Ðẹp', con sẽ làm y như lời cha mẹ dạy". Ông bà nói, "Nhưng Năm Vẻ Ðẹp ấy là gì, hỡi con yêu dấu?" "Vẻ đẹp của tóc, vẻ đẹp của thịt, vẻ đẹp của xương, vẻ đẹp của da và vẻ đẹp của thời niên thiếu," Punna nói.
"Người phụ nữ quý giá phải có tóc như đuôi công, khi tháo xả buông xuống thì đụng chí mắt cá rồi cuộn trở lên. Ðó là điểm đầu tiên, Vẻ Ðẹp Của Tóc."
"Cặp môi của nàng màu đỏ hồng, tươi như bí rợ, đều đặn xinh xắn và mềm dịu. Ðó là điểm thứ nhì, Vẻ Ðẹp Của Thịt."
"Ðiểm thứ ba, Vẻ Ðẹp Của Xương, răng của nàng trắng trẻo và khít khao đều đặn, sáng chói như một xâu chuỗi ngọc sắp đứng ngay hàng thẳng lối, hoặc như xa cừ bằng phẳng bóng láng."
"Da của nàng, không dùng đến gỗ trầm, son, hoặc trang sức nào khác mà bóng láng mịn màng như tràng hoa súng và trắng trong như tràng hoa Kanikara. Ðó là Vẻ Ðẹp Của Da, cái đẹp thứ tư."
"Thứ năm và cuối cùng, Vẻ Ðẹp Của Thời Son Trẻ, là dầu có sanh đẻ mười lần, nét xuân xanh của nàng cũng giống như người vừa có một con." [1]
Tức thì bà mẹ của Punnavaddhana cho thỉnh một trăm lẻ tám vị Bà- la-môn, dâng cúng nồng hậu và nhờ họ tuôn ra đi khắp nơi tìm một thiếu nữ có "Năm Vẻ Ðẹp". Trước khi chư vị Bà- la-môn lên đường bà tặng tiền bạc rất hậu và trao cho mỗi vị một tràng hoa bằng vàng đắt giá, và nói: "Nếu ông tìm ra một thiếu nữ với "Năm Vẻ Ðẹp" ấy, xin hãy đeo cho nàng cái tràng hoa bằng vàng này."
Nghệ Thuật Chọn Một Cô Gái
Theo lời dặn, các vị Bà- la-môn tủa đi khắp nơi trong các thành phố lớn, nhưng tìm không ra một thiếu nữ như được mô tả. Có một vài vị đến Saketa nhằm một ngày hội, và dân chúng đang vui vẻ dự lễ. Ðược biết rằng vào ngày ấy tất cả dân chúng - dầu là những người mà bình thường không bao giờ ra khỏi nhà - đều ra ngoài với đàn tỳ nữ, đi dài trên bãi cát dọc theo sông. Và được biết rằng vào ngày ấy những thanh niên thuộc giai cấp chiến sĩ, giàu sang và có địa vị, đứng dài theo bên đường. Khi thấy một phụ nữ trẻ đẹp và cùng giai cấp đi ngang qua thì đến tặng tràng hoa.
Visakha lúc ấy khoảng mười sáu tuổi, trang sức đẹp đẽ, khoan thai từng bước trên bãi cát theo ven sông cùng với rất đông tỳ nữ. Nhưng rồi một cơn mưa thình lình kéo đến, và các thị nữ vội vã chạy nhanh vào núp mưa trong một gian nhà trống bên đường. Nhưng Visakha thì không, mặc dầu mưa to, vẫn giữ dáng đi nghiêm trang bình thường.
Các vị Bà- la-môn thấy vậy hỏi cô: "Này công nương, những người tùy tùng của công nương đã bươn bả chạy vào để đụt mưa để giữ cho y phục và đồ trang sức khỏi bị ướt át; nhưng công nương thì chậm rãi như thường, ắt phải mắc mưa." Ðể trả lời Visakha nói: "Này thưa ông, không nên nói vậy. Tôi mạnh khoẻ hơn những cô ấy nữa, nhưng có những lý do chánh đáng để không hấp tấp."
"Có bốn hạng người sẽ mất phẩm cách khi chạy rong ngoài đường; và ngoài ra còn một lý do khác."
"Một vì vua áo mão chỉnh tề, cân đai sáng chói mà bỏ chạy quanh quẩn trong triều đình, ắt sẽ mất phẩm cách. Làm như vậy vua chắc chắn sẽ bị phê bình bất lợi, và người ta sẽ chỉ trích. "Tại sao vị vua ấy cũng chạy nhảy giống như thường dân?"
"Cùng thế ấy, thớt ngự tượng nai nịch đầy đủ, đàng bệ oai nghiêm, sẽ mất phẩm cách nếu đâm đầu bỏ chạy ngoài đường; nhưng nếu khoan thai dõng dạc tiến bước thì ắt là nghiêm chỉnh thích nghi."
"Một nhà sư cũng mất phẩm cách trong khi chạy. Hấp tấp vội vã, xốc xết y bát, mất vẻ khả kính của một tu sĩ, vị ấy sẽ bị dân chúng chỉ trích, "Tại sao vị sư ấy chạy rong như người cư sĩ thường?". Nhưng nếu trầm tĩnh và trang nghiêm bước từng bước, nhà sư ắt giữ được phẩm cách của mình.
"Một phụ nữ cũng mất phẩm cách trong khi chạy. Bỏ chạy ngoài đường như vậy người ta sẽ khiển trách, "Tại sao thiếu phụ ấy kém thận trọng, chạy ngoài đường như đàn ông để mất hết nề nếp đoan trang phong nhã như vậy?"
"Ðó là bốn hạng người mất phẩm cách trong khi chạy."
"Nhưng, còn một lý do khác là gì?" các vị Bà-la-môn hỏi.
"Này quý ông, khi sanh con gái, cha mẹ hết lòng dưỡng nuôi chăm sóc, gìn giữ cho con nguyên vẹn tay chân và các bộ phận lớn nhỏ trong thân; bởi vì phụ nữ chúng tôi là những món hàng để bán, chỉ là hàng hóa để đấu giá, và cha mẹ nuôi dưỡng với chủ ý sẽ trao đổi với một gia đình khác trong cuộc hôn nhân. Vì lẽ ấy trong khi chạy, nếu chúng tôi vấp phải lai quần hay vật gì khác dưới đất và té gãy tay hay gãy chân, chúng tôi sẽ là gánh nặng cho gia đình. Còn quần áo mà chúng tôi đang mặc, dầu sao đi nữa nó sẽ khô. Vì có những ý nghĩ tương tợ trong tâm, thưa các ông, nên tôi không chạy." [2]
Các vị Bà- la-môn xem xét và nhận thức rằng thiếu nữ này có đủ "Năm Vẻ Ðẹp", hoan hô nàng và trao tặng tất cả những tràng hoa bằng vàng rồi đem tin mừng về cho Migara, quan giữ kho.
Mười Ðiều Khuyên Dạy
Lễ thành hôn được cả hai bên, nhà trai và nhà gái, chuẩn bị rất trọng thể. Dhananjaya, quan giữ kho, cho con mình nhiều của hồi môn quý giá, trâu bò, tôi trai tớ gái và cung cấp tất cả nhu cầu cần thiết cho Visakha, và sau cùng khuyên dạy con: "Này con yêu dấu, có những điều làm cho phẩm hạnh được đoan trang và lối xử thế được tốt đẹp mà con phải thận trọng gìn giữ, ngày nào còn sống chung với chồng con:
1. Ngày nào sống chung trong nhà với cha mẹ chồng, không nên đem lửa trong
nhà ra ngoài.
2. Không nên đem lửa ở ngoài vào nhà.
3. Chỉ cho những người cho.
4. Không cho những người không cho.
5. Cho cả hai, những người cho và những người không cho.
6. Ngồi một cách an vui.
7. Ăn một cách an vui.
8. Ngủ một cách an vui.
9. Trông nom gìn giữ lửa.
10. Tôn trọng các vị trời trong nhà.
Và ý nghĩa thật sự của mười điều khuyên dạy là:
1. Nếu con nhận thấy cha mẹ chồng hay chồng có chi lỗi lầm, không nên đem chuyện xấu trong nhà thuật lại cho láng giềng, đầu này hay đầu kia; bởi vì không có lửa nào có thể tệ hại như lửa ấy.
2. Nếu có người láng giềng, đàn ông hay đàn bà, nói xấu cha mẹ chồng hay chồng, không nên đem những lời phỉ báng ấy về nhà lặp lại vào nói rằng, "Người nọ, người kia nói xấu điều này hay điều khác về ta"; bởi vì không có lửa nào tệ hại như lửa ấy.
3. Chỉ nên cho mượn những người mượn rồi trả lại.
4. Không nên cho mượn, những người mượn rồi giữ luôn không trả lại.
5. Những thân bằng quyến thuộc nghèo khó cần con giúp đỡ, con phải giúp đỡ họ, dầu họ có ở trong vị thế có thể hoặc không thể trả lại được.
6. "Ngồi một cách an vui" có nghĩa là khi thấy cha chồng, mẹ chồng hay chồng đến gần, con phải đùng dậy để tỏ ra mình tôn trọng chớ không nên ngồi yên.
7. "Ăn một cách an vui" có nghĩa là con không nên ăn trước khi cha chồng, mẹ chồng hay chồng bắt đầu ăn. Phải coi dọn đầy đủ cho cha mẹ chồng và chồng rồi chừng đó, và chỉ đến chừng đó, con mới ăn.
8. "Ngủ một cách an vui" có nghĩa là con không nên đi ngủ trước khi cha chồng, mẹ chồng và chồng đi ngủ. Con phải lo làm đủ bổn phận lớn nhỏ của người vợ và chừng đó, khi đã làm xong, mới nằm xuống ngủ.
9. "Trông nom gìn giữ lửa" có nghĩa là con phải xem cha chồng, mẹ chồng và chồng như lửa. Mỗi khi có việc với cha mẹ chồng và chồng phải hết sức thận trọng, như khi làm việc với lửa.
10. "Tôn trọng các vị trời trong nhà" có nghĩa là con phải coi cha chồng, mẹ chồng và chồng như chư thiên và kính trọng như chư thiên trong nhà.
Cô Visakha rất giàu lòng quảng đại. Trong ngày cưới của cô rất đông người tới gởi tặng phẩm. Tất cả những quà cưới ấy, cô đem ra phân phối cho nhiều gia đình khác nhau trong thành phố.
Cô Visakha cũng rất hảo tâm và thận trọng ân cần. Ðược biết rằng ngay lúc nửa đêm vào ngày cưới của cô, một trong những con ngựa cái của cô sắp đẻ, cô lập tức cùng tỳ nữ đốt đuốc ra sau chuồng, nấu nước tắm và xoa bóp dầu, hết lòng chăm sóc ngựa.
Ta cũng được biết rằng cha chồng cô, quan giữ kho Migara, vào lúc ấy là tín đồ nhiệt thành của giáo phái Nigantha (Ni-kiền-tử, Jaina). Tuy nhiên, do sự nhận thức sáng suốt và bản năng thấy xa hiểu rộng của cô, cô cung thỉnh Ðức Thế Tôn về biệt thự sang trọng của cha chồng. Nhờ cô mà toàn thể gia quyến đều theo về với Ðức Phật và Giáo Huấn của Ngài, và ông cha chồng chứng đắc Tu Ðà Hườn, tầng thánh thứ nhất. Vì lẽ ấy mà Visakha được tôn vinh là "Mẹ của Migara", mặc dầu nàng chỉ là con dâu.
Bà Visakha nổi danh là vị nữ thí chủ (dayika) quan trọng nhất của Ðức Phật. Niềm tin và lòng thỏa thích phục vụ đạo pháp (Buddhasasana) của bà thật vô bờ bến. Bà cho xây dựng một ngôi chùa rộng lớn (Pubharama) và dâng đến Ðức Phật và chư Tăng.
Vào ngày ngôi chùa đã hoàn tất và lễ khánh thành đang được cử hành, bà Visakha cùng các con và các cháu đi nhiễu vòng quanh ngôi tự viện, long trọng hát lên năm câu kệ với giọng điệu lảnh lót và thâm trầm khác thường, vì lời nguyện sâu kín của bà trong quá khứ xa xưa nay đã hoàn mãn viên thành.
Khi nghe tiếng hát của bà chư tăng bạch với Ðức Phật: "Bạch Ðức Thế Tôn, chúng con không bao giờ nghe bà Visakha ca hát. Vậy mà hôm nay, bà cùng với các con và các cháu đi vòng quanh chùa ca hát. Có phải bà mê sảng vì quá hoan hỷ không, Bạch Ðức Thế Tôn?" Nhân cơ hội này, Ðức Phật giải thích:
"Này chư tỳ khưu, không phải bà đang vui đùa ca hát. Vì một lời nguyện từ xa xưa nay đã viên thành tốt đẹp nên bà đi vòng quanh chùa để bày tỏ niềm hoan hỷ," và Ngài thuật lại câu chuyện trong quá khứ đã đưa đến lời nguyện của bà. Rồi Ðức Phật dạy:
"Cũng như từ đống hoa
người ta nhặt từng cành để làm thành tràng hoa,
cùng thế ấy được làm người
chúng sanh phải thâu nhặt nhiều lần những hành động tốt." [3]
Chú thích:
[1] Buddhist Legends, Burlinghame, Quyển ii, trang 61.
[2] Buddhist Legends, Burlinghame, trang 61 (có sửa đổi chút ít).
[3] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 53.
Trích theo quyển "Phật Giáo, Nhìn Toàn Diện", do Phạm Kim Khánh dịch, Seattle, Hoa Kỳ (Nguyên tác: "The Spectrum of Buddhism" của tác giả Piyadassi Mahathera).
(Computer Typesetting: Diệu Anh Quỳnh-Trâm)