BuddhaSasana Home
Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode
Times font
Thế là mùa xuân lại trở về trên quê hương đất nước của chúng ta. Nói đến mùa xuân là nói đến niềm vui và sự hy vọng, mùa mà cây cối đâm chồi nẩy lộc. Ðặc biệt mùa xuân năm nay là mùa xuân khởi đầu cho một thiên niên kỷ mới, thiên niên kỷ mà toàn nhân loại đang hướng tâm đến để phát huy và xây dựng nền hòa bình cho nhân loại. Thiên niên kỷ mới cũng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ qua các lãnh vực như khoa học, kinh tế, xã hội... Tuy nhiên, một số người vì mê tín dị đoan cho rằng thiên niên kỷ mới là báo hiệu sự tối tăm cho nhân loại, những tư tưởng này chúng ta cần phải ngăn chận, nếu không xã hội sẽ rối loạn và con người sẽ sống bê tha không cầu tiến. Xã hội Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực nhằm phát huy văn hóa, đạo đức của dân tộc và hòa nhập chung vào trào lưu tiến hóa của nhân loại. Hòa chung niềm vui của đất nước đã có những bước chuyển mình tốt đẹp và để đón mừng một thiên niên kỷ mới, người con Phật phải phát huy và thực hành "Bốn điềm lành" để tô điểm cho xã hội tiến hóa mà Ðức Phật đã dạy trong "Hạnh phúc kinh" (Mangalasutta). Ðó là:
Nói lời chân thật
Kính lễ và hạ mình
Nhẫn nại và tinh tiến
Hành theo chánh pháp
Nói lời chân thật: Một xã hội văn minh là con người sống với nhau phải tin tưởng. Ðức Phật dạy lời nói chân thật là quan trọng vì nó biểu lộ hành vi đạo đức và nhân phẩm con người. Con người không chân thật thời người đời không tin tưởng và xã hội không sử dụng. Người xưa có nói: Học ăn học nói, học gói học mở, hay Chim khôn ca tiếng rảnh rang, người khôn ăn nói dịu dàng dễ nghe. Thật vậy, xã hội loài người căn cứ vào ngôn từ mà định giá trị con người vậy. Nếu lời nói chân thật mà nói lúc phi thời hoặc nói không có dịu dàng thì lợi ích không có. Một thế kỷ mới con người cần phải nói những ngôn từ lịch sự và hiền dịu, lời nói toát ra vẻ từ bi bác ái ; bỏ đi những ngôn từ thô lỗ và những lời nói thiếu văn hóa. Ðức Phật dạy lời nói chân thật sẽ có được những hạnh phúc như: Nói lời chân thật là nguyên nhân sanh phước, an vui trong kiếp này và vị lai, sẽ có lợi lộc, quyền chức, giàu sang và nhiều bạn lành. Lời nói chân thật làm cho đối phương dễ tin tưởng nơi ta, đồng thời cũng là một cách sống lành mạnh theo gương của chư Phật.
Kính lễ và hạ mình: Theo truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta thường khi giao thừa xong là nam nữ rủ nhau đi chùa lễ Phật xin lộc đầu năm. Có những gia đình thậm chí họ đến chùa đón giao thừa, nghe kinh đầu năm hoặc đi thập tự (viếng 10 chùa để cầu nguyện, cầu an) để cầu tài, cầu lộc. Tất cả đều nhằm mục đích cho việc gia đạo làm ăn trong năm mới phát tài phát lộc. Sau đó họ mới viếng thăm ông bà cha mẹ, những bậc trưởng thượng trong gia tộc để làm tuổi chúc mừng năm mới.
Kính lễ và hạ mình là hai pháp không thể thiếu đối với bất cứ người nào trong xã hội, thiếu nó chúng ta đánh mất giá trị đạo đức và nhân phẩm đạo lý làm người. Ðức Phật dạy kính lễ và hạ mình thì được người đời ngợi khen và là nhân lành cho mình trường thọ, đồng thời diệt đi tánh kiêu căng ngã mạn. Người đời có nói "kính lão đắc thọ". Tâm kiêu căng ngã mạn là bản chất của con người. Nếu chúng ta kính lễ và hạ mình đối với bậc trưởng thượng chính là nhân tốt để chúng ta bớt đi tánh kiêu căng. Người tu mà tâm còn kiêu căng thì đường sinh tử còn xa xôi diệu vợi. Cho nên truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta vào ngày đầu xuân đã biểu hiện lời Phật dạy. Chúng ta cần phải duy trì và phát huy nhiều hơn nữa.
Nhẫn nại và tinh tiến: Ðức Phật dạy sức mạnh của Sa môn là sự nhẫn nại và tinh tiến. Ðây là bài học quí báu mà Ngài đã học trong vô lượng kiếp, quả vị Phật của Ngài phần lớn là nhờ tinh tiến và nhẫn nại, nhờ nó nên Ngài mới khắc phục được những khó khăn, phiền muộn, ác nghiệp, tham, sân, si.
Ðất nước ta mặc dù đã phát triển nhiều về văn hóa, kinh tế, xã hội... nhưng còn gặp vô vàn khó khăn về thiên tai bão lụt gây ra những tỉnh miền Trung và miền Tây. Tinh thần dân tộc chúng ta cần phải nỗ lực và chịu khó đùm bọc chia sẻ những mất mát do thiên tai gây ra. Hy vọng là người Việt ta sẽ dễ dàng khắc phục những khó khăn đó, vì tinh hthần dân tộc của chúng ta rất cao đã có dòng máu con Lạc cháu Hồng, từng chịu khó và nỗ lực chống giặc Tàu và giặc Pháp trong nhiều thiên niên kỷ qua. Xa hơn nữa, mùa xuân trong Phật giáo là người Phật tử rèn luyện thêm hai pháp này để cầu tài cầu lộc. Người Phật tử phải tin có tài có lộc là phải liên tục nỗ lực suốt 365 ngày. Nỗ lực như vậy để thăng hoa cuộc sống và nâng cao tài năng của mình để cập nhật với thời đại. Thế kỷ mới là chúng ta phải nỗ lực liên tục chớ không nênn cầu nguyện ở tha lực.
Hành theo Chánh pháp: Pháp là lời dạy của đức Phật, có khả năng làm cho gia đình hạnh phúc và xã hội an lạc. Pháp Phật chính là đạo đức xã hội, giúp con người có nhân phẩm, lịch thiệp, vui vẻ, hiền hoà. Một xã hội văn minh thì phải có những con người đạo đức. Ðức Phật dạy con người đạo đức là có gìn giữ 5 giới, tin lý nghiệp báo, tin tội tin phước. Người không tin tội phước, lý nghiệp báo dễ sa chân vào con đường tội lỗi hay sống bê tha không có lý tưởng lành mạnh trong tương lai. Và từ đó dễ đi vào con đường nghiện ngập ma túy. Ðây là một tệ nạn xã hội mà nhiều gia đình gặp phải để rồi dẫn đến táng gia bại sản. Phật giáo chúng ta cần phải truyền bá 5 giới, lý nghiệp báo cho từng nhà, từng người nam nữ để thấy lợi ích và nguy hại khi không hành trì chánh pháp.
Ðể mừng đón một thiên niên kỷ mới, người con Phật chúng ta phải áp dụng lời Phật dạy để tu tập. Thực hành "Bốn điềm lành" trên cũng là một tín hiệu may mắn, vui vẻ, hạnh phúc và thịnh vượng trong dịp đầu năm 2000 và đồng thời cũng đóng góp tích cực cho kỷ nguyên mới này./.
Tỳ
kheo Thiện Minh
Sài gòn, Mùa Xuân 2000