Nhập Hạ - Vassà
Trong thể lệ trong Phật Giáo, khi đến mùa mưa các vị Tỳ-Khưu, Sa-Di phải nhập Hạ trong 3 tháng là an-cư trong một nơi.
Trước khi an-cư nhập Hạ, phải chọn một chùa, một tịnh thất, một hang núi nào không có nạn khủng bố vì độc-trùng, ác thú, không có tiếng ồn ào. Lại cũng phải chọn nơi thuận tiện trong sự học hỏi kinh luật hoặc hành thiền-định, khi có điều chi nghi ngờ, chưa thông, dễ dàng cầu học, hoặc rủi có phạm lỗi muốn được sám hối dứt trừ, có vị Tỳ-Khưu để sám hối.
Nhứt là trong chúng, tức chư Tăng sống chung không có vị ưa gây phá, không khỏi nhơn duyên phạm giới, bị thương-tổn phạm-hạnh, mạng nạn, làm trở ngại việc an-cư. Ðiều cần yếu là phải chọn chỗ có đủ điều kiện thuận lợi, gọi là chỗ "không có năm lỗi" mới đặng ở nơi đó mà an-cư.
Chỗ không có 5 lỗi là:
1. Chỗ không quá xa xóm làng, tiện việc đi trì-bình khất-thực.
2. Chỗ không gần thành-thị, ồn ào huyên náo.
3. Chỗ không có kiến, ruồi, muỗi nhiều mình và chúng sanh khó tránh điều có hại.
4. Chỗ có vị Tỳ-Khưu đủ 5 đức để mình nương nhờ.
5. Chỗ có thí-chủ thuốc thang, cơm cháo.
Vị Tỳ-Khưu có đủ 5 đức là:
1. Chỗ mình chưa nghe, ông dạy cho mình nghe
2. Chỗ mình nghe rồi, ông làm cho đặng thanh-tịnh.
3. Hay giải quyết dùm những chỗ nghỉ của mình.
4. Thông suốt kinh luật, sẵn lòng dạy bảo.
5. Có chánh kiến.
Nếu không được cùng an-cư chung một chỗ, cần được ở gần để tiện bề lui tới trong ban ngày khi hữu sự. Như thế có nghĩa là không ở quá xa, mỗi khi đi, về phải gặp đều trở ngại không kịp trong ngày trở về nơi cư ngụ.
Theo Phật-Giáo Nam-Tông tức là Phật-Giáo Nguyên-Thủy - Theravada, chư tăng làm lễ nhập Hạ ngày 16 tháng 6 âm lịch.
Nhập Hạ tiếng Pali gọi là Vassà. Chữ Vassà dịch là Hạ hay nhập Hạ, có nghĩa là Chư Tăng phải đình trú trong một nơi không ra khỏi chỗ ngụ trước khi mặt trời mọc, trong 3 tháng mưa, trừ ra khi hữu sự cần thiết.
Lúc Ðức Phật còn tại thế, mấy năm đầu các vị Tỳ-Khưu trọn năm đi từ làng này qua xã khác, sang thành nọ, đến quận kia, đi mãi không ngừng nghỉ. Chẳng quản gì nắng mưa cực nhọc, chỉ mong đem pháp lành gieo rắc cùng nơi khắp chốn cho nhơn sanh hưởng nhớ.
Ðến lúc mưa dầm, cỏ cây đậm chồi nảy lộc, côn trùng sinh nở nhiều nơi, khắp cùng mặt đất. Sự đi lại tránh sao khỏi dậm đạp phải các sinh vật và mầm non cây cỏ. Những kẻ ngoại đạo có cơ hội chê trách, nói rằng: Ðến mùa mưa loài chim, loài kiến còn biết làm ổ để ở, còn các nhà Sư trong đạo Phật cứ đi mãi, dậm nát cỏ non và côn trùng. Nhân cớ ấy, Ðức Phật mới dạy Chư Tăng phải nhập Hạ, là cư ngụ trong một nơi cho đến hết mùa mưa.
Xứ Ấn Ðộ một năm chia ra có 3 mùa: mùa nắng, mùa mưa và mùa lạnh. Mùa nắng kể từ ngày 16 tháng 2 đến Rằm tháng 6. Mùa mưa kể từ ngày 16 tháng 6 đến Rằm tháng 10. Mùa lạnh kể từ 16 tháng 10 đến Rằm tháng 2.
Mùa mưa, kể từ là 4 tháng, nhưng Chư Tăng chỉ nhập Hạ, là cư trú một nơi, trong ba tháng thôi, tức là ba tháng mưa dầm nhiều nước.
Cũng nên nói rõ là, không khi nào Ðức Phật tự ý chế định một thể lệ nào, hay một giới cấm nào, thậm chí đến những cảnh tượng mà người đời chưa gặp gỡ. Ngài cũng ít nói ra. Vì Ðức Phật không muốn bắt buộc ai ai đều phải tin Ngài. Ðến khi có cơ hội hay có vị Sư nào có phong-độ không đẹp, làm cho người đời chê trách, Ðức Phật mới nhân cớ ấy mà dạy bảo làm điều răn cấm; hoặc có vị nào gặp gỡ những hiện tượng lạ lùng, như thấy ngạ quỷ chẳng hạn, đến bạch hỏi. Ðức Phật nhân đó nói ra và giảng giải. Ðó là tinh thần tự do và dân chủ của Ðạo Phật. Và cũng với ý đó mà kẻ ngoại đạo, hoặc người đời sau không thể nói Ðức Phật độc tài tự ý đặt ra luật lệ để trói buộc tín đồ.
Nhập Hạ có 2 cách:
1. Nhập Hạ kỳ trước, gọi là Tiền-An-Cư - Purimikavassà, là nhập Hạ kể từ ngày 16 tháng 6 đến ngày Rằm tháng 9 âm lịch.
2. Nhập hạ kỳ sau gọi là Hậu An-Cư - Pacchimikàvassà, là nhập hạ kể từ ngày 16 tháng 7 đến ngày Rằm tháng 10 âm lịch.
Nếu không có điều chi trở ngại, nên kiết Hạ Tiền An-Cư tức là nhập Hạ kỳ trước.
Trong thời gian 3 tháng an cư kiết hạ, Chư Tăng cũng vẫn đi trì-bình khất thực như thường lệ. Ví đó là lề lối sống của Chư tăng hằng ngày.
Trong các xứ Phật-Giáo thạnh hành từ xưa, Chư Tăng đều được Thiện-Tín để bát đủ sống hằng ngày. Cho nên các chùa không có nấu nướng món ăn, chỉ được nấu nước mà thôi.
Trong lúc an-cư kiết-hạ, chư tăng hội hiệp, có thì giờ trau đổi sự hiểu biết về Kinh luật, nghiên cứu Tam-Tạng Pháp Bảo, hoặc tham thiền nhập định. Cũng trong dịp này, Chư Tăng sống tập thể với tinh thần hòa đồng mà các ngoại đạo không có. Ðó là sống đúng theo tinh thần Pháp Lục Hòa của Ðức Phật đã giáo truyền.
Chư Sư sống chung từ 4 vị trở nên gọi là Tăng, tiếng Pali là Sanghà, có nghĩa là Hòa-Hiệp-Chúng. Pháp Lục-Hòa là:
1. Thân hòa đồng trụ, là giúp đỡ lẫn nhau chung sống.
2. Khẩu hòa vô tranh, là dùng lời nói ôn hòa không tranh cãi.
3. Ý hòa đồng duyệt, là tâm-từ-hòa khuyên bảo lẫn nhau
4. Kiến hòa đồng giải, là sự hiểu biết trao đổi cùng nhau.
5. Giới hòa đồng tu, là cùng nhau nghiêm trì giới luật.
6. Lợi hòa đồng quân, là lợi lộc đồng chia đều nhau.
Như đã nói, nhập Hạ thí phải cư ngụ đúng 3 tháng, nhưng khi hữu sự cần-thiết được phép đi khỏi nơi ấy trong khoảng 7 ngày không phạm lỗi.
Trong trường hợp có bảy hạng người là: Cha, Mẹ, Tỳ-Khưu, Tỳ-khưu-Ni, Sikkhamana, Sa-Di, Sa-Di-Ni đau yếu, bịnh hoạn tai nạn, có cho hay hoặc không cho hay, khi được biết thầy Tỳ-Khưu được phép đi ra khỏi chỗ nhập Hạ trong khoảng 7 ngày. Nếu đi qua ngày thứ 8, mặt trời mọc lên, phạm tội Tác Ác.
Ngoài 7 hạng kể trên, trong Thiện Tín có tin đau chết, tai nạn, dù cho hay không mà nhà Sư biết được, cũng được phép ra đi thăm viếng, hoặc trong hàng Cư sĩ tại gia đến thỉnh đi Trai Tăng, thuyết Pháp, cũng được phép ra đi trong khoảng 7 ngày.
Cách thức đi trong khoản 7 ngày, Pali gọi là: Sattàhakicca, là Tỳ-Khưu hay Sa-Di trong Hạ trước khi ra đi đường xa phải nguyện trước 1, 2 hay 3 Tỳ-khưu, hoặc trước Tăng hay trước Kim Thân hay ngọc Xá Lợi Phật, như vầy:
"Sace me antarayo natthi, sattahabbhantare aham puna
nivattisami"
Dutiyamapi...
Tatiyampi...
Nghĩa là:
"Nếu không có sự rủi ro đến tôi, tôi sẽ trở về trong khoảng 7
ngày".
Lần thứ nhì...
Lần thứ ba...
Cách đi trong khoảng 7 ngày, Sattàhakicca, có 2 cách là:
1. Nhập Hạ được 1, 2 ngày, hoặc trong ngày mới nhập Hạ, từ buổi chiều cho đến rạng đông trước khi mặt trời mọc, nếu hữu sự thì phải nguyện trước Tam-Bảo rồi ra đi trong khoảng 7 ngày. Phải kể ngày ra đi là ngày thứ nhứt, sau khi hoàn tất công việc, đến ngày thứ sáu thì phải trở về cho kịp trước khi mặt trời mọc ngày thứ 7. Nếu mới nhập Hạ trong buổi chiều rồi nguyện đi liền thì không nên, phải chờ đến gần sáng mới đi được như thế gọi là: "Việc phải làm trong khoảng 7 ngày thứ nhứt".
2.- Khi còn 7 ngày nữa ra Hạ, là ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch, nếu nhập Hạ kỳ-trước, Tiền An Cư; hoặc mùng 9 tháng 10 âm lịch, nếu nhập Hạ Kỳ sau, Hậu An-Cư, khi hữu sự thì cũng được phép đi trong 7 ngày. Nhưng phải nguyện trở lại cho kịp trong khoảng 7 ngày. Nếu chẳng may công việc không thể xong trong 7 ngày thì phải làm lễ Tự Tử Pavaranà chung với chư Tỳ-Khưu nơi chùa nào gần đó cũng được.
Như thế thì không dứt Hạ. Ðó là trường hợp bất đắc dĩ. Còn như khi ra đi mà trong tâm đã nghĩ: "Ta sẽ không trở về", như thế dứt Hạ, và phạm tội từ khi đi ra khỏi chùa đến bước thứ hai. Như thế gọi là "Việc phải làm trong khoảng 7 ngày cuối cùng".
Ðức Phật sẵn lòng từ bi cho những vị Sư cố tâm tuân hành giới luật mà gặp phải trường hợp không giữ đúng tinh thần giới luật được. Nếu chỉ còn 7 ngày nữa ra Hạ, nhưng có việc cần phải đi và cố ý nguyện đi trong khoản 7 ngày, song vì tình thế bắt buộc, trở ngại, không thể nào trở về kịp cũng không sao, là không phạm tội Tác ác.
Lại có những nguyên nhân dứt Hạ, nhưng không phạm tội:
1. Trong Hạ bị thú dữ, ma quỷ khuấy phá, hoặc có kẻ trộm cướp ở gần, có thể bỏ chỗ ấy đ nơi khác được.
2. Xóm nhà mà vị Tỳ-Khưu thường đi trì bình khất thực, nhưng vì hoàn cảnh nào đó mà thiện tín dời đi hết. Vị Tỳ-Khưu không còn nhờ nơi nào khác được nên phải bỏ chỗ đó mà đi nơi khác.
3. Chỗ ở hư sập, lửa cháy, nước lụt hoặc không người để hại, thì phải đi tìm nơi khác.
4. Bị phụ nữ lân cận trêu ghẹo, cám dỗ, thì phải bỏ đi nơi khác.
5. Thấy có vàng bạc, ngọc ngà, châu báu chôn dấu gần nơi cư ngụ, sợ ở lâu tâm đầy tham lam mà lấy của ấy, nên phải bỏ đi nơi khác.
6. Nghe thấy chư Tỳ-Khưu muốn chia rẽ Tăng.
7. Và Tăng đã chia rẽ nhau, được phép đến nơi ấy cố gắng giải hòa, thì không phạm tội, nhưng bị đứt Hạ.
Như vậy nhập Hạ không có nghĩa là giam hãm một nơi tuyệt đối không được tiếp xúc với người ngoài hay cấm không được đi đâu hết.
Mãn Hạ - Lễ Tự Tứ, Pavàranà
Chư Tỳ-Khưu Tăng an-cư mãn Hạ rồi phải hành lễ Tự-Tứ cùng nhau. Ðức Phật có dạy: "Như Lai cho phép Chư Tỳ-Khưu đã nhập Hạ đến mãn mùa mưa rồi phải hành lễ Tự-Tứ Pavaranà theo 3 điều:
1. Vì được thấy
2. Vì được nghe
3. Vì được nghi.
Nếu An-cư nhập Hạ kỳ trước là ngày 16 tháng 6 âm-lịch thì phải hành lễ Tự Tứ Pavàranà trong ngày Rằm tháng 9 âm-lịch. Nhập Hạ kỳ sau, là ngày 16 tháng 7 âm-lịch, thì phải hành lễ Tứ Tự Pavàranà trong ngày Rằm tháng 10 âm-lịch.
Tự-Tứ Pavàranà là việc chỉ lỗi giùm, thức tỉnh cho nhau bằng 3 cách: thấy, nghe và nghi, chư Tăng tùy ý, tự-do chỉ tội để sám trừ tội ấy. Ðây là một việc phê-bình kiểm thảo một cách hài hòa xây dựng chung cho chư Tỳ-Khưu Tăng cùng chung kiết-hạ an-cư trong một chùa.
Khi Chư Tỳ-Khưu Tăng hội họp đông đủ vị Tỳ-Khưu thông hiểu tuyên bố rằng: "Bạch Ðại Ðức Tăng, xin Tăng nghe tôi trình, này là ngày Tự-Tứ Pavaranà đúng kỳ, xin Chư Tăng nên hành lễ Tự-Tứ Pavaranà".
Vị Tỳ-Khưu cao hạ nhứt, chấp tay nói lên: "Này Chư Tăng, tôi xin Tự-Tứ Pavaranà với Tăng, nếu Chư Tăng có thấy, nghe hoặc nghi, xin Chư Tăng vui lòng tiếp độ, thức tỉnh tôi, tôi được biết tội, tôi xin thi hành đúng như pháp mà sám hối". Nói như thế 3 lần. Kế tiếp vị Tỳ-Khưu thấp hạ hơn vị trước cũng xin Tự-Tứ, lần đến vị Tỳ-Khưu thấp hạ hơn hết. Nếu có vị Tỳ-Khưu già, bịnh thì được phép cho vị ấy ngồi yên tại chỗ ở mà Tự-Tứ. Nếu vị ấy nói lầm lộn, thì phải mỗi mỗi nhắc lời hoặc viết ra giấy cho vị ấy đọc lên 3 lần.
Nếu chỗ ở có 5 vị Tỳ-Khưu hoặc 5 vị trở lên, phải cử một vị thông hiểu bạch tuyên ngôn Tự Tứ, rồi từ vị cao hạ Tự-Tứ lần đến vị thấp hạ. Nếu trong chùa đông Tỳ-Khưu, theo thứ lớp làm lễ Tự-Tứ. Nơi chỉ có 2 vị Tỳ-Khưu thì khỏi phải đọc tuyên ngôn. Vị Tỳ-Khưu cao hạ Tự-Tứ trước, vị thấp hạ Tự-Tứ sau. Còn như nơi nhập Hạ chỉ có vị Tỳ-Khưu thì tự mình đọc lên 3 lần mà Tự-Tứ bằng cách tự xét mình: "Ngày nay chư Tăng Tự-Tứ, tôi Tỳ-Khưu ... cũng Tự Tứ".
Trong lễ Tự-Tứ Pavàranà có đông Tỳ-Khưu, không nên đọc lời Tự-Tứ Pavaranà chung một lượt, phải đọc mỗi vị 3 lần. Trừ ra có duyên cớ như: thí chủ đương bố thí, Tỳ-Khưu đương nghe pháp, đêm gần tàn, hành lễ Tự-Tứ Pavàranà mỗi vị đọc 3 lần không kịp, hoặc có xảy ra 8 nạn như: nạn vua quan, nạn nước lụt, nạn lửa cháy, nạn bịnh, nạn thú dữ độc trùng, nạn người, nạn phi nhơn hay có việc nguy hiểm khác xảy ra làm lễ Tự-Tứ không kịp đầy đủ; đã làm được phần nào rồi lo đi lánh nạn. Nếu nạn sự còn xa có thể nói lên đủ 3 lần mỗi vị, thì phải nói cho đủ. Nếu nạn sự tới gần, nói lên 3 lần không kịp thì được nói lên 1 lần mỗi vị. Nếu nạn sự cận quá, không thể mỗi vị nói lên 1 lần kịp, thì chư Tăng đồng nói chung với nhau 3 lần mà Tự-Tứ.
Những vị Tỳ-Khưu nhập Hạ kỳ sau, Hậu An-Cư, được phép cùng các Tỳ-Khưu nhập Hạ trước, Tiền An-Cư làm lễ Tự-Tứ, Tự-Tứ xong phải ở đợi cho đủ ngày, tức là ngày Rằm tháng 10 âm lịch mãn Hạ.
Nếu có vị Tỳ-Khưu phạm tội Bất-Cộng-Trụ, phải trục xuất rồi mới Tự-Tứ. Nếu phạm tội Tăng-Tàn, phải chịu phạt cấm phòng, sửa lỗi xong rồi cho chư Tăng giao thiệp lại, mới Tự-Tứ. Nếu phạm các tội khác, phải sám-hối rồi mới làm lễ Tự-Tứ - Pavarana.
Một năm chia ra 3 mùa như trên đã nói, thì mỗi mùa phải là 4 tháng nhưng vì sao kiết-hạ an-cư chỉ có 3 tháng? Ðáp: "Thân sanh sống tạm này, phải nhờ món nuôi dưỡng nó, cho nên kiết-hạ an-cư 3 tháng trước, mở thêm 1 tháng sau, vì đợi có y phục, thuốc men để hộ thân. Sau đó mỗi vị lại cất bước lên đường, từ phương thi hành bổn phận. Rày đây, mai đó, tùy nơi giảng đạo, dạy kinh hoặc hành thiền định. Rồi mãi cho đến kỳ Hạ năm sau mới chọn an-cư kiết Hạ.
Cứ thể mãi, nối nghiệp Ðức Như-Lai, đem giáo pháp hoằng khai cùng nơi khắp chốn, tế độ nhơn sanh cho những người hữu duyên tế-độ. Gieo duyên lành cho tất cả mọi người không phân biệt màu da chủng tộc, mong tạo cõi đời hòa-bình an-lạc.
Ý Nghĩa Lễ Dâng Y Kathina
Lễ Kathina thường gọi là lễ Dâng Y. Sở dĩ gọi là lễ Dâng Y là vì căn cứ vào sự việc của cuộc lễ đem Y Ca-sa dâng đến chư Tăng rồi đặt lên cuộc lễ. Gọi lễ Dâng Y như thế chưa đúng nghĩa; vì lễ Kathina có nghĩa cao quý hơn.
Chữ Kathina có nghĩa là Bền vững, chắc chắn. Ý nghĩa khi thầy Tỳ-Khưu thọ lãnh lễ Kathina xong thì được 5 phước-báo vững chắc. Chữ Kathina chia ra làm 2 phần: Ka và Thina. Chữ Ka do chữ Karanasamatthaya nghĩa là làm cho có 5 phước-báo. Chữ Thina do chữ Thiram nghĩa là chắc chắn. Hai chữ ấy ráp lại: Kathina có nghĩa là có năng lực phát sanh 5 phước báo được chắc chắn.
Vậy nên dung hòa mà gọi cho đúng nghĩa là "Lễ Dâng Y Kathina" để phân biệt việc dâng y thông thường.
Chữ Kathina người Tàu dịch là Y Công-Ðức có nghĩa là thọ lễ này được 5 công-đức trong 5 tháng, là kể từ ngày ra Hạ Rằm tháng 9 đến Rằm tháng 2 âm-lịch. Cũng gọi là Y thưởng thiện, phạt ác, nghĩa là thầy Tỳ-Khưu an-cư nhập Hạ đúng theo luật của Ðức Phật thì có công-đức lành nên thưởng y này. Còn những thầy Tỳ-Khưu phi-pháp, phá an-cư, đứt Hạ thì phạt bằng cách không được y nầy.
Lễ Dâng Y Kathina long trọng hơn các lễ dâng cúng khác vì khi chư Tăng được thọ lãnh lễ Dâng Y Kathina rồi, thì chư Tăng ấy được hưởng 5 phước-báo hay 5 công đức chắc chắn.
Các cuộc lễ bố thí khác cũng cao thượng như là:
1. Bố thí cho chư Tăng phương xa mới đến.
2. Bố thí cho chư Tăng sắp đi xa.
3. Bố thí trong khi thất mùa.
4. Bố thí những vật đầu mùa, như hoa, quả.
5. Bố thí cho thầy Tỳ-Khưu bịnh.
Những việc bố thí này thí chủ được làm nhiều lần trong một năm và bố thí lúc nào cũng được. Còn lễ Dâng Y Kathina, trong một chùa chỉ được tổ chức một lần, trong một năm và cũng chỉ trong thời hạn 1 tháng là từ ngày 16 tháng 9 đến ngày Rằm tháng 10 âm lịch mà thôi.
Ðiều kiện căn-bản lễ Dâng Y Kathina.
Lễ Dâng Y Kathina được tổ-chức bởi những điều kiện đặc-biệt mới thành tựu đầy đủ phước báo:
1. Phải có đủ từ 5 vị Tỳ-Khưu trở lên dự lễ và khi hành lễ phải tụng tuyên ngôn.
2. Tỳ-khưu nhập Hạ kỳ trước, gọi là Tiền-An-Cư, Purimikàvassa, kể từ ngày 16 tháng 6 đến ngày Rằm tháng 9 âm lịch.
3. Trong 3 tháng nhập Hạ không bỏ đi khỏi chỗ đã nguyện an-cư quá 7 ngày và khi đi phải có lý do chánh đáng theo giới luật.
4. Vị Tỳ-Khưu thọ lễ Dâng Y Kathina phải giới-hạnh tinh-nghiêm, nhứt là không phạm giới Bất Cộng Trụ và Tăng-Tàn.
5. Vị Tỳ-Khưu thọ lễ Dâng Y Kathina phải thông thuộc 8 pháp của sư thọ Y Kathina mới đáng thọ lãnh lễ Dâng Y Kathina.
Ngoài ra những Tỳ-Khưu nhập Hạ kỳ sau, gọi là Hậu An-Cư, là kể từ ngày 16 tháng 7 đến ngày Rằm tháng 10 âm lịch cũng có thể được tham dự .
Không được tham dự là những vị:
- Tỳ-Khưu đã phạm giới Bất Cộng Trụ, Tăng Tàn, đương bị phạt biệt-trú là cấm phòng ở riêng.
- Tỳ-Khưu phá Hạ, lẽ bỏ nơi an cư không lý do chánh-đáng theo giới luật.
- Tỳ-Khưu dầu đi có lý do chánh-đáng theo giới-luật, nhưng quá kỳ hạn 7 ngày mới trở về nơi an-cư Kiết-hạ.
- Tỳ-Khưu nhập Hạ chùa khác, nơi khác đều không được thọ lễ Dâng Y Kathina.
Bởi thế cho nên lễ Dâng Y Kathina là lễ đặc biệt của mỗi chùa trong một năm, có nhiều phước báo cho người thí lẫn kẻ thọ.
Phước Báo của người chủ lễ
Người chủ lễ Dâng Y Kathina được phước báo cao-thượng là tái sanh trong kiếp nào cũng không thiếu vật dụng trang điểm tốt đẹp, quý giá và điều cao-quý hơn là hết là trong kiếp nào gặp Phật thì được xuất gia bằng cách Thiện-Lai Tỳ-Khưu - Ehi Bhikkhu, nghĩa là khi Ðức Phật cho xuất gia, Ngài chỉ bảo rằng: "Ngươi hãy trở nên Tỳ-Khưu" thì liền theo đó y phục của người giới-tử trở thành Y Ca-sa và có quả bát, râu, tóc đều sạch hết.
Ðây là phước báo của thí-chủ lễ Dâng Y Kathina.
Pháp cần yếu của vị Tỳ-Khưu thọ lễ Dâng Y Kathina.
Vị Tỳ-Khư thọ lễ Dâng Y Kathina phải thông thuộc 8 pháp là:
1. Pubbakarana: việc phải làm cho hoàn thành y ca-sa.
2. Paccudhà: Xả y cũ.
3. Adhitthàna: nguyện đặt tên mới.
4. Atthara; cách thọ y đúng phép.
5. Matika: nguyên nhân xả Kathina.
6. Palibodha: sự ràng buộc Kathina.
7. Uddhara: cách xả Kathina.
8. Anisansas: phước báo Kathina.
Xin giải sơ lược 8 chi pháp trên:
1. Pubbakarana. Việc phải làm hoàn thành y ca-sa: giặt, dò, đo, cắt may lược, may xong, nhuộm, làm dấu y.
2. Paccuddhàra. Xả y cũ. Vị Tỳ-Khưu có 3 Y là:
a. Y Tăng Già-Lê, Sanghati, gọi là Trùng Phục Y.
b. Y Uất-Ðà-La-Tăng, Uttarasangha, gọi là Thượng Trước Y.
c. Y An-Ðà-Hội, Antaravasaka, gọi là Hạ Trước Y.
Vị Tỳ-Khưu muốn thọ y mới, là y nào thì phải nguyện xả y cũ theo là y hạng đó. Nếu sẽ thọ Y Tăng-Già-Lê mới, thì phải nguyện xả Y Tăng-Già-Lê cũ.
3. Addhitthàna. Nguyện đặt tên Y mới.
4.- Atthàra. Cách thọ Y: Vị Tỳ-Khưu thọ Y mới, phải tuyên bố ra tiếng rõ ràng có mấy vị khác đồng nghe thì mới có kết-quả Kathina. Nếu nói nhỏ chư Tăng không nghe được thì Kathina không được kết quả.
5. Matikà. Nguyên nhân xả Kathina.
6. Palibodha. Ðiều ràng buộc Kathina không hư hại tức là không cho xả.
7. Uddhàra. Cách xả Kathina.
8. Anisansa. Phước báo của Lễ thọ Kathina.
Vị Tỳ-Khưu thọ Kathina rồi được hưởng 5 phước báo là:
1. Nếu Kathina chưa xả, Tỳ-Khưu không từ giả vị trong nhóm, rồi đi cũng được, nghĩa là không phạm tội trong điều học Caritta.
2. Tỳ-Khưu không đem tam y theo mình, rồi đi cũng được, không phạm tội trong điều học Asamadanacàro.
3. Tỳ-Khưu thọ thực chung nhiều vị cũng được. Không phạm tội trong điều học Ganabhojana.
4. Cất giữ Y, dù không "Nguyện đặt tên Y" Addhitthana, không gởi cũng được, không phạm tội trong điều học Pathamakathina.
5. Y của Tỳ-Khưu hoặc Sa-Di tịch, hoặc Y dâng đến Tăng, hay Y phát-sanh do tài sản của Tăng, thì vị Tỳ-Khưu đã thọ Kathina được phép lãnh dùng.
Tóm tắt 5 phần phước báo mà chư Tỳ-Khưu Tăng thọ hưởng do nơi lễ Dâng Y Kathina.
Lễ Dâng Y Kathina có từ bao giờ?
Theo lịch-sử Phật-Giáo, từ khi Ðức Phật thành đạo dưới cội Bồ Ðề đến ngày nhập Niết Bàn là 45 năm. Chia ra làm 3 thời-kỳ:
1. Từ năm thứ Nhứt đến năm thứ 15, là thời kỳ thứ Nhứt.
2. Từ năm thứ 16 đến năm thứ 30, là thời kỳ thứ Nhì.
3. Từ năm thứ 31 đến năm thứ 45, là thời kỳ thứ ba.
Trong 3 thời kỳ ấy, Ðức Phật cho phép các thầy Tỳ-Khưu thọ lãnh lễ Dâng Y Kathina trong thời kỳ thứ Nhì.
Do nơi đâu có lễ Dâng Y Kathina?
Lúc Ðức Thế Tôn ngự tại Kỳ-Viên Tịnh-Xá của ông Trưởng-giả Cấp Cô-Ðộc gần thành Xá-Vệ, có 30 vị Tỳ-Khưu tu tại thành Patheya, 30 vị này là anh em cùng cha khác mẹ, con của vua Kosala, xuất gia trong thời kỳ thứ Nhứt của lịch sử Phật Giáo. 30 vị này đều đắc quả từ Tu-Ðà-Hườn đến quả A-Na-Hàm. Các ngài đều muốn về thành Xá-Vệ để hầu Ðức Thế Tôn. Nhưng vì đường xa, đi về không kịp, vì đã đến ngày nhập Hạ, nên các ngài phải nhập Hạ tại xứ Saketa. Khi trong Hạ, các ngài hằng nghĩ rằng: chỉ còn có 6 do-tuần nữa đến nơi Ðức Thế Tôn nhập Hạ, mà chúng ta phải ở nơi này thật là khó chịu.
Ðến ngày làm lễ ra Hạ xong, các ngài đồng cùng nhau lên đường liền về hầu Ðức Thế Tôn. Trong khi ấy, vẫn còn mưa dầm lầy lội, nên các ngài phải bị ướt hết vật dụng và Y cũng rách. Khi đến nơi vào hầu Ðức Thế Tôn, Ðức Phật hỏi thăm sự hành đạo và sức khoẻ của các ngài. Các ngài đáp vẫn được an vui. Rồi các ngài mới tường thuật sự đi đường rất là vất vả cực nhọc cho Ðức Phật nghe. Ðức Thế Tôn nhân việc ấy mới thuyết về "Luân Hồi Khổ" cho các ngài nghe. Sau khi dứt thời Pháp tất cả đều đắc A-La-Hán quả.
Khi ấy Ðức Thế Tôn mới nghĩ rằng: Nếu trước kia Như Lai cho phép các thầy Tỳ-Khưu thọ lãnh lễ Dâng Y Kathina, thì các thầy khỏi phải đem Y Tăng-Già-Lê theo, thì đâu có sự cực nhọc như vầy. Chư Phật trong quá khứ đều cho phép đệ tử thọ lãnh lễ Dâng Y Kathina.
Liền khi ấy, Ðức Thế Tôn mới hội chư Tăng lại và truyền rằng: "Nầy các Thầy Tỳ-Khưu, Như Lai cho phép các thầy đã nhập Hạ thọ lãnh để Dâng Y Kathina. Này các thầy Tỳ-Khưu, khi các thầy thọ lễ Dâng Y Kathina xong, thì được 5 điều phước báo". Ðây là nguyên nhân mà chư Tăng được phép thọ lãnh để Dâng Y Kathina.
Xin nói thêm cho rõ. Ðức Phật không khi nào vô cớ tự ý chế ra một điều gì, một việc gì mà không có nguyên nhân, dù rằng Ngài là bậc toàn tri diệu giác.
Ai là người đầu tiên dâng Y Kathina?
Người đứng ra tổ chức lễ Dâng Y Kathina trước nhứt trong Phật Giáo là bà tín nữ Visakha. Cuộc lễ cử hành tại Kỳ-Viên Tịnh-Xá của ông Trưởng-Giả Cấp-Cô-Ðộc, nhơn khi bà hay tin Ðức Thế Tôn cho phép chư Tỳ-Khưu Tăng được thọ lãnh lễ Kathina.
Bà là một tín-nữ và cũng là một đại-thí-chủ trong Phật Giáo.
Kết luận
Tóm lại lễ Dâng Y Kathina là dễ đặc-biệt hơn hết trong các lễ thí tài-vật dâng cúng đến chư Tăng. Chẳng những có đủ tài-vật do thí chủ hoan-hỷ đứng ra tổ-chức mà còn phải chọn đúng thời gian, vì mỗi chùa chỉ được hành lễ này có một lần trong một năm mà thôi.
Hơn nữa, cuộc lễ không phải dâng cúng riêng một cá nhân nào mà là chung cho chư Tỳ-Khưu Tăng đã Kiết hạ an cư thi-hành đúng theo tinh-thần giới luật của Ðức Phật đã chuẩn hành.
Trong 3 tháng nhập hạ, chư Tăng phải thúc liễm thân-tâm hơn nữa, chuyên chú tâm học Kinh học luật và hành thiền-định. Ngoài ra, nhờ sự tụ họp sống chung một nơi, chư Tăng dễ bề kiểm-thảo, nhắc nhở, khuyên dạy lẫn nhau, làm cho nết-hạnh và nhân cách được dồi mài thêm cho tinh nghiêm, để cho xứng đáng là phước điền của chư Thiên và nhơn loại.
Vì thế, lễ Dâng Y Kathina gọi là lễ Ðại-Thi có đầy đủ cả vật-chất lẫn tinh-thần, phát sanh phước báo cao quý cho người thí chủ mà chư Tăng thọ-thí cũng được công đức trọng-đại.
Mùa Kiết-hạ
An cư 2515-1971
Nhóm Thiện Tín Thị-Nghè, Sài-Gòn, ấn tống.