Tịnh Ðộ nhân gian

Hòa Thượng Thích Thiện Châu


Phần đông Phật tử Việt Nam tu dưỡng theo pháp môn Tịnh độ Di Ðà nên thường nhất tâm niệm Phật cầu sanh về Tây phương Cực lạc. Tín ngưỡng phổ thông nầy tuy không phát xuất từ kinh điển căn bản song rất thích hợp với những người hằng mong cầu một đời sống an lành ở kiếp sau.

Tuy nhiên nếu Phật tử chỉ lo cho được sanh về thế giới Cực lạc sau khi chết mà lãng quên hay chán ngán thế giới mình đang sống vì cho là ô uế, đau khổ, không đáng quan tâm thì đó là quan niệm không hợp với Phật lý.

Thế giới này quả thật là ô uế và đau khổ; điều ấy không ai có thể phủ nhận. Nhưng câu hỏi mà bất cứ người nào có ý thức xã hội cũng đặt ra là tại sao Phật tử không áp dụng Phật lý để cải tạo, thanh tịnh hóa, và biến nó thành thế giới thanh tịnh an lành? Ðây cũng là vấn đề mà nhiều nhà Phật học đã đề cập: Tịnh độ nhân gian mà đại biểu là tịnh độ Di Lặc.

Trong khi văn chương Tịnh độ Di Ðà, Dược Sư, ca ngợi những thế giới an lành xa xôi ngoài trái đất thì văn chương Tịnh độ Di Lặc khuyến khích xây dựng thế giới an lành ngay trong môi trường mà loài người đang sinh sống.

Theo kinh điển thì trong tương lai, Bồ tát Di Lặc (Maitreya) sẽ xuất hiện trên trái đất nầy tu hành thành Phật và cộng tác với Chuyển-luân-vương (Cakravartin) để cải tạo thế giới nầy thành tịnh độ về phương diện vật chất cũng như tinh thần. Về vật chất thì đất sẽ sạch gai góc và cỏ mềm như nhung, trải khắp nơi, cây cối xanh tươi, hoa quả thạnh mậu, đường sá phẳng phiu, bóng lộn, phố phường đông đúc, nhà cửa thành quách được xây dựng bằng nhiều loại đá quí, âm nhạc hòa vang khắp nơi; về tinh thần thì dân chúng sống lâu, hòa hài, an lành, không có chiến tranh, áo cơm đầy đủ, của cải dư dả, nhà cửa khang trang, nơi đại tiểu tiện đều thanh khiết, mọi người thông hiểu nhau bằng một thứ ngôn ngữ, thương yêu nhau như anh em, đời sống đạo đức rất cao, không có giết chóc, trộm cướp nên không có tù tội và nhà lao v.v. (Xem Tăng-nhất A-hàm, 44, Taishô, II, 787; Kinh Di Lặc Hạ Sanh, Diệu Không dịch; Trường Bộ Kinh, III, 74-76, Minh-Châu dịch).

Ðọc qua những sự mô tả về cảnh sống lý tưởng trên chúng ta liên tưởng đến một phần nào tiến bộ vật chất nhờ khoa học kỹ thuật mang lại của thế giới hiện đại. Nhưng về phương diện tinh thần thì có lẽ phải đợi một thời gian lâu nữa, thế giới nầy, nếu có thay đổi về phương diện văn hóa, đạo đức, mới mong có thể theo kịp Tịnh độ Di Lặc.

Ðiều cần lưu ý là tư tưởng Tịnh độ Di Lặc nầy được ghi chép trong kinh điển nguyên thủy và có vẻ chất phác hơn những tư tưởng Tịnh độ khác được phát triển về sau như tư tưởng Tịnh độ Di Ðà, Tịnh độ Dược Sư. Cũng vì vậy mà nó có vẻ thực tế, chất phác, và gần gũi với thế giới mà chúng ta đang sống. Do đó nó cũng thiết thân với những người có lý tưởng muốn cải tạo và xây dựng xã hội ngày nay, nhất là về phương diện văn hóa, đạo đức.

Có một điều làm cho chúng ta thắc mắc là vấn đề thời gian: bao lâu nữa thì Tịnh độ Di Lặc mới xuất hiện? Theo kinh điển thì còn lâu, có thể là cả triệu năm nữa. Con số thời gian ở đây phải được hiểu như là con số tượng trưng mà chúng ta thường thấy trong kinh điển được chép ở Ấn Ðộ. Vì thế không nên câu nệ vào con số mà nên nắm lấy ý nghĩa: cảnh sống lý tưởng sẽ xuất hiện trong tương lai khi mọi người trên trái đất nầy đều giác ngộ chân lý, có tinh thần lợi tha và nhất là quyết tâm cùng nhau thực hiện cuộc sống đáng yêu đáng sống của loài người.

Ðiểm mâu thuẫn khác cũng cần được giải quyết là làm sao chúng ta có thể đợi chờ một cảnh sống lý tưởng trong khi mục đích của đạo Phật là giải thoát sanh tử? Theo thiển ý: đối với người có đại nguyện lớn muốn kiến tạo Tịnh độ nhân gian thì số thời gian sống chết, lăn lộn để thực hành đạo Bồ tát -- trên cầu giác ngộ, dưới phục vụ chúng sanh -- chẳng có gì là quan trọng. Bởi chúng ta không thể xa lìa chúng sanh mà độ được chúng sanh. Và dầu cho có chứng Niết bàn rồi cũng phải trở lại độ chúng sanh trong luân hồi. Hơn nữa vì nguyện mà ở trong luân hồi thì không bao giờ khổ (Khổ chăng là vì nghiệp mà luân hồi). Lý "Niết bàn : Luân hồi" giúp chúng ta nhẫn nhục, hoan hỉ, tự tại trong công cuộc kiến tạo Tịnh độ nhân gian. Ðạo lý nầy cũng giúp chúng ta phá bỏ những tư tưởng sợ sệt chán ghét, và bi quan đối với cuộc đời.

Nói đến Tịnh độ Nhân gian hay Tịnh độ Di Lặc tức là nói đến niềm hy vọng lớn về sự xuất hiện một mùa Xuân An lành mà mỗi chúng ta sẽ là một Di Lặc kiến tạo cảnh sống lý tưởng bằng cách liên tục, tích cực tham gia các công tác kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa v.v. để thực hiện một ước mơ cộng đồng cao đẹp của loài người: Biến thế giới ô uế khổ đau này thành thế giới thanh tịnh an lành./.

Hòa thượng Thích Thiện Châu


Chân thành cám ơn chị Hải Hạnh đã có thiện tâm giúp đánh máy vi tính (B. Anson, tháng 3-2000)


[Trở về trang Thư Mục]