Thông điệp Kinh Trái Tim
(Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm Kinh)

Thích Tâm Thiện


Thưa các Phật tử thân mến.

Hôm nay, tôi sẽ trình bày đại ý về kinh Trái Tim (Tâm kinh), một bản kinh rất ngắn mà các Phật tử trì tụng mỗi ngày. Hầu hết chúng ta đều thuộc lòng bản Tâm kinh ngay khi còn theo mẹ lên chùa lễ Phật. Không riêng gì ở Việt Nam, mà các nước Phật giáo trong vùng Viễn Ðông, châu Á, và ngày nay thì cả các nước Âu-Mỹ đều rất quan tâm đến bản kinh vắn này (Heart Sùtra). Tuy nhiên, đối với chúng ta, rất ít người hiểu được Tâm kinh, và phần đông cho rằng đó là bản kinh "bổ khuyết". Thật ra Tâm kinh chính là "Cứu cánh Niết bàn" - mục tiêu tối hậu của lịch trình tâm linh chứ không phải là "bổ khuyết", như một số quan niệm. Do đó, Pháp thoại hôm nay sẽ được trình bày đại cương về thông điệp của Tâm kinh.

I/ Thông điệp của Tâm kinh

Trước hết, nói về hai chữ: Tâm kinh (Heart Sùtra). Tâm kinh là tựa đề gọi tắt của bản kinh mà người Trung Hoa dịch từ tiếng Phạn (Sanskrit) là: Prajnàpàramità-Hrdaya Sutra; Hoa dịch trọn vẹn là Bát-Nhã Ba-La-Mật-Ða Tâm Kinh. Chúng ta có thể hiểu đại khái như sau: Bát-nhã là trí tuệ (Prajnà), Ba-la-mật-đa là bên kia bờ (Pàramità), Tâm là phần tinh yếu nhất của con người, hay còn gọi là "trái tim" (Hrdaya) - hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và Kinh là những điều do Ðức Phật dạy (Sùtra). Như vậy có thể nói Tâm kinh là "bản kinh nói về tinh hoa Trí tuệ của Ðấng Giác ngộ ở bên kia bờ sinh tử", hay là "Kinh trái tim tuệ giác vô thượng". Ðây là thông điệp của Tâm kinh.

II/ Nội dung thông điệp của Tâm kinh

Từ thông điệp này, nội dung chính của kinh được trình bày cụ thể qua câu luận đề mở đầu kinh như sau: "Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa, thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách". Nghĩa là:

"Khi tiến sâu vào nguồn mạch của Tuệ giác Vô thượng, Người Tỉnh Thức - Bình Yên (Bồ Tát Quán Tự Tại) soi sáng như thực rằng tự tính của năm hợp thể đều là Không, liền thoát ly mọi khổ ách".

Ở đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về nội dung thông điệp của Tâm kinh qua một số điểm cơ bản như sau:

1- Năm uẩn:

Mở đầu, chủ thể quan sát ở đây là Bồ Tát Quán Tự Tại - người đang đi vào hiện quán (thiền định) một cách sâu xa (hành thâm). Ðối tượng được quan sát trong hiện quán là năm hợp thể (uẩn). Kết quả của sự quán sát trong hiện quán là Không (giai không) và giải thoát (độ nhất thiết khổ ách).

Ðây là nội dung chính trong thông điệp của Tâm kinh. Có thể nói rằng đó không những là "Trái tim" của Tâm kinh mà còn là "Trái tim" của toàn bộ các hệ thống giáo lý của Ðức Phật. Nói khác hơn, đó là điểm then chốt trong toàn bộ cơ cấu tư tưởng triết học Phật giáo.

Ðức Phật dạy rằng: "Con người là một hợp thể của năm uẩn". Năm uẩn là con người và năm uẩn cũng là thế giới. Và, "nếu không biết rõ về năm uẩn thì không thể giải thoát sinh tử khổ đau" (Kinh Samyuttanikàya, Tương ưng bộ). Cũng như con người nếu không biết rõ về trạng thái tâm lý và cơ thể của mình thì sẽ không điều hòa bệnh tật được và không có sự an lành. Do đó, biết rõ (liễu tri) về năm uẩn và thường xuyên quán sát, thiền định về năm uẩn là con đường tu tập duy nhất khả dĩ đưa chúng ta đi vào thực tại giải thoát - cứu cánh Niết bàn. Ðó chính là con đường mà Ðức Phật đã đi qua và được Ngài dạy rõ trong kinh Tứ Niệm Xứ Quán (Satipatthana sutra).

Bây giờ xin trình bày tóm lược về năm uẩn (hợp thể). Năm uẩn là năm hợp thể (Skandhas) hình thành nên con người; bao gồm:

a) Sắc uẩn: là những cấu trúc thuộc về vật chất hay vật lý, một trong những yếu tố hình thành nên con người và thế giới sự vật hiện tượng. Ðối với con người, sắc uẩn chính là thân thể (tứ đại) bằng xương bằng thịt này. Các yếu tố như: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, cốt, tủy, tim, gan, phổi, thận, bao tử, hoành cách mô v.v... cho đến các tạp chất nuôi dưỡng cơ thể... hay các nguồn năng lượng tiềm ẩn (vô biểu sắc) trong cơ thể... đều được gọi là sắc uẩn.

b) Thọ uẩn: là cảm thọ hay cảm giác của con người bao gồm ba loại: cảm thọ khổ đau, cảm thọ an lạc, và cảm thọ không khổ không lạc.

c) Tưởng uẩn: là các tư tưởng, ấn tượng của tri giác.

d) Hành uẩn: là sự tạo tác của tâm thức như: tư duy, khát vọng, chấp thủ v.v...

e) Thức uẩn: là sự tri giác, nhận thức, hay là chức năng hoạt động của ý thức. Tỉ dụ như khi chúng ta nhìn, nghĩa là con mắt nhìn, nhưng sự thấy biết là do thức năng của mắt (nhãn thức) chứ không phải là do con mắt. Nếu con mắt tự thấy mà không cần đến thức của nó thì khi móc con mắt ra ngoài, ta có thấy hay không?

Tương tự như vậy đối với các uẩn còn lại. Như thế ở đây, ý thức hay tâm thức là nguyên động lực chi phối toàn bộ năm uẩn. Ðây là lý do Ðức Phật dạy "Ý (tâm) dẫn đầu các pháp, ý làm chủ tạo tác, đối với ý nhiễm ô, nói năng hay hành động, khổ não bước theo sau, như bánh xe đi theo chân con vật kéo... Ðối với ý (tâm) thanh tịnh, an lạc bước theo sau, như bóng không rời hình" (Pháp Cú). Do đó "hành thâm Bát nhã" chính là sự nỗ lực vận dụng tâm thức của mình để thiền định (hiện quán) ngay tâm thức và thân thể này. Ðây là ý nghĩa của quán tâm trên tâm và thân trên thân (trong Tứ niệm xứ quán).

2- Năm uẩn là Không

Trên đây, vừa trình bày về thành phần của năm uẩn. Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của "năm uẩn là Không".

Trước hết, về Sắc uẩn - tức thân thể con người (nội sắc) và các đối tượng tương duyên của nó (ngoại sắc) đều là Không.

Vì sao nói Sắc uẩn là Không?

Ở đây, các anh chị em thử lấy con người làm đối tượng quán sát. Chúng ta sẽ thấy rằng, nếu nhìn từ tổng thể phổ quát (universal), thì con người bao gồm hai thể chất: vật lý (thuộc về sắc) và tâm lý (thuộc về thọ, tưởng, hành và thức). Như thế, một con người bao giờ cũng phải đầy đủ hai thành tố cơ bản, vật lý (thể xác) và tâm lý (tinh thần) - tức con người là một hợp thể tổng hòa của năm uẩn. Và con người (năm uẩn) đó chỉ tồn tại theo một chu kỳ (có thể là trăm năm) và được giới hạn bởi hai đầu sinh và tử; vì có sinh nên có tử. Do đó cho thấy rằng con người vốn không có một ngã thể (self) trường tồn bất diệt - nên gọi "năm uẩn là Không".

Ngược lại, nếu nhìn con người qua góc độ của mỗi đơn vị đặc thù (particular), thì cái mà gọi là con người sẽ không còn nữa. Bởi lẽ, từ thể chất nguyên thủy, mỗi thai nhi do tinh của cha, huyết của mẹ và Kiết sanh thức (Gandhabha) hay ý niệm tối sơ - tức tập khí nghiệp thức của con người từ nhiều kiếp sống trong quá khứ - hình thành. Và bản thể của những khí chất đầu tiên đó cũng chỉ là của tương duyên, nó không hề có một ngã tính. Hơn thế nữa, dưới lăng kính của đơn vị đặc thù (particular), cái chân không thể gọi là con người, cái tay không thể gọi là con người, cái ý thức cũng không thể gọi là con người. Mà con người chỉ có thể hiện hữu khi nó tổng hòa đầy đủ giữa các yếu tố của tâm lý và vật lý. Vả lại, bản thân của cơ thể vật lý như: tay, chân, cơ bắp v.v... cho đến ý thức nó luôn luôn thay đổi sinh diệt trong từng khoảnh khắc, như sự sinh diệt của mỗi tế bào nhỏ nhiệm trên làn da tay hay trong từng dòng máu. Ðiều đó cho thấy rằng năm uẩn hoàn toàn không có tự tính hay ngã tính nào. Năm uẩn là tiến trình hiện hữu (process of becoming) chứ không phải là thực thể (entity) hiện hữu. Do đó chúng được gọi là Không.

Tương tự như vậy đối với cảm xúc, niệm lự, tư duy và ý thức của mỗi con người.

3- Tiến trình hiện hữu của năm uẩn

Như chúng ta thấy, thực chất năm uẩn là chân không. Nhưng tại sao lại xuất hiện khái niệm tự tính để rồi phải phủ nhận cái tự tính đó?

Nếu đi vào hiện quán, các Phật tử sẽ thấy rằng ý thức về tự ngã thật ra nó chỉ là một quá trình tích tụ của những ấn tượng (tưởng) và kinh nghiệm (nghiệp) của tri giác (thức) từ quá khứ vô tận. Dòng quá khứ đó, tất nhiên, là mộng tưởng hão huyền, vì trong sinh thức của thực tại nó không hề có và không hiện hữu; nó chỉ là cái bóng mờ của thực tại, vậy thôi. Tuy nhiên, chúng ta nên biết cái ý thức tự ngã đó từ đâu sinh?

Tâm kinh nói rằng, ý thức tự ngã sai lầm đó được sinh ra từ mối tương duyên, tương tác của 18 sinh cứ (Dhàtus) - thuật ngữ Phật học là các xứ (Ayatanas) và giới (Dhàtus) - trên năm uẩn (Skandhas). Chúng bao gồm: 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp); sự giao tiếp giữa 6 căn và 6 trần sẽ hình thành 6 thức (lĩnh vực tri giác của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). Cộng chung 6 căn, 6 trần, và 6 thức nên gọi là 18 giới (sinh cứ). Tỉ dụ, con mắt là nhãn căn, khi nó nhìn vào một cành hoa là trần, rồi thông qua sự giao tiếp giữa con mắt và đối tượng của nó là cành hoa (tức là của căn và trần) sẽ sinh ra một sự tri giác về hoa, tức là thấy và thấy như thế nào đó v.v... thì gọi là thức. Như thế, "con mắt nhìn và thấy một cành hoa" là quá trình tương tác của các uẩn (Skandhas), Xứ (Ayatanas), và Giới (Dhàtus).

Và nữa, năm uẩn là hiện thân vòng tròn sinh hóa của 12 nhân duyên được trình bày như sau:

1. Vô minh (Ignorance): sự mê muội và cuồng si của tâm thức.

2. Hành (Karma - formations): Các cấu trúc trong hoạt động của tâm lý.

3. Thức (Consciousness): Tri giác - hiện hữu (vì thức không thể có trong quá khứ hoặc tương lai).

4. Danh sắc (Corporeality and mentality): danh thuộc về tâm lý, sắc thuộc về vật lý.

5. Lục nhập (Six bases): 6 quan năng (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) tiếp xúc với 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp).

6. Xúc (Impression): sự giao thoa giữa căn, trần, và thức.

7. Thọ (Feeling): sự cảm thọ.

8. Ái (Craving): sự yêu thích, khát vọng...

9. Thủ (Clinging):sự cố chấp, bám víu...

10. Hữu (Process of becoming): tiến trình hiện hữu.

11. Sinh (Birth): sự sinh ra, hình thành...

12. Lão - tử (Old age - and - death): sự già nua và tử biệt.

Mười hai nhân duyên, nếu phân tích theo thời gian vật lý, là một tiến trình luân lưu theo chiều dọc; nếu phân tích theo thời gian tâm lý, là tiến trình của một vòng tròn sinh hóa. Do đó, trong một sát na (khoảnh khắc giữa hai ý niệm), tâm thức của con người đều có đầy đủ 12 nhân duyên. Sự lưu chuyển của 12 nhân duyên được diễn ra theo hai thể cách của Bốn chân lý (khổ, tập, diệt, đạo), đó là con đường lưu chuyển và hoàn diệt.

Trên con đường lưu chuyển, 12 nhân duyên sẽ đi từ nhân (tập) đến quả (khổ). Trên con đường hoàn diệt, 12 nhân duyên sẽ đi từ nhân (đạo) đến thoát ly nhân quả (diệt), tức đã đến bờ bên kia, cứu cánh Niết bàn.

Từ đây, ta thấy rằng cội nguồn của tự ngã là không thật có. Chúng là hiện hữu của tương duyên nên chúng là vô thường, vô ngã. Vì thế kinh nói rằng "ngũ uẩn giai không".

4- Tính Không của Tâm kinh

Ở trên chúng ta vừa khảo sát về bản chất của con người qua các uẩn, xứ, giới, 12 nhân duyên và 4 chân lý. Ðể hiểu rõ về giáo lý này, mỗi Phật tử cần phải dừng lại mọi vọng tưởng để đi vào trầm tư, hiện quán. Nếu chỉ đọc qua, e rằng chúng ta không thể hiểu rõ được; vì những gì được nói ra chỉ là khái niệm, nhưng giữa sự thật và khái niệm là một khoảng cách; do đó, cần có sự kiểm chứng của tự thân mỗi con người, đó là phải tự mình "chiếu kiến ngũ uẩn giai không".

Bây giờ, xin trình bày về ý nghĩa của chữ "Không" (Sunyata) trong Tâm kinh.

Trước hết, "Không" ở đây không có nghĩa là đối lập với có, mà "Không" là thực tính Duyên sinh của hiện hữu (dharmas). Do đó, Không chính là "Bản tính không" hay "Tất cánh không", nó ở bên kia bờ của khái niệm luận lý. Chúng ta chỉ có thể đi vào Tính Không khi nào đã thoát ly mọi khái niệm luận lý của tư duy hữu ngã. Nghĩa là đi ra khỏi mọi đối lập của các phạm trù hữu-vô, sinh-diệt, thường-đoạn, khứ-lai v.v...; thoát ly ngoài thế giới nhị nguyên phân biệt (dualism) giữa chủ thể và khách thể. Ðó là lý do tại sao Tâm kinh phủ nhận tất cả uẩn, xứ, giới, phủ nhận luôn cả 4 chân lý và 12 nhân duyên; cho đến cả trí giác và sự chứng đắc của trí giác đều bị phủ nhận. Ðiều này đơn giản chỉ vì các uẩn, xứ, giới, 12 nhân duyên và 4 chân lý... đều là khái niệm của các hiện tượng tâm lý và vật lý, nó chỉ có ý nghĩa đối với người còn vô minh. Với những tâm thức chưa giác ngộ thì thế giới này và con người này là có sinh, có diệt, có nhân-quả, có phàm-thánh v.v... Vì thế, nếu dùng Tuệ giác Vô thượng để soi sáng vũ trụ vạn hữu này thì bản chất của nó là chân không, cho đến cái ý niệm về chân không cũng không có, nên gọi là "Tất cánh không". Do đó, không thể nói là có quả vị nào đó để chứng đắc; vì nếu còn có quả vị để chứng đắc nghĩa là còn đối lập với cái không quả vị được chứng đắc. Sự có và không này rơi vào nhị nguyên luận. Cho nên, mọi khái niệm về có và không đều mang tính chất công ước và được nói cho ý thức của người chưa giác ngộ, chứ không phải nói cho bậc thánh trí tự chứng. Cũng vậy, Tính Không ở đây vượt ngoài tương đối tính; nó đồng nghĩa với Diệt đế, Niết bàn Tối thượng. Chúng ta không thể hiểu biết toàn diện (toàn tri) về Tính Không, trừ phi đã qua đến bờ bên kia.

5- Biện chứng Sắc-Không

Chúng ta vừa tìm hiểu về ý nghĩa của chữ Không trong Tâm kinh, giờ đây đi vào khảo sát tính biện chứng Sắc-Không.

Kinh bảo rằng: "Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc, Sắc tức Không, Không tức là Sắc..." Ðây là một trong những vấn đề rất khó hiểu của Tâm kinh nói riêng và tư tưởng Phật giáo nói chung. Vì rằng, theo nguyên tắc logic của tư duy như được trình bày bởi Aristotle thì tư duy của con người dù phức tạp như thế nào đi chăng nữa cũng phải diễn ra trong ba qui luật như sau:

a) Qui luật đồng nhất: Qui luật này bảo rằng, một vật thể khi được gọi là A, thì nó phải luôn luôn là A.

- Công thức: A = A

b) Qui luật cấm mâu thuẫn: Qui luật này bảo rằng, một vật thể hoặc được gọi là A, hoặc là B, chứ không thể vừa là A lại vừa B.

- Công thức: A = A hoặc B = B

c) Qui luật triệt tam: Qui luật này bảo rằng, một vật thể chỉ được gọi hoặc là A, hoặc là B chứ không có trường hợp thứ ba xảy ra.

- Công thức: A =/= B

Trong khi đó, theo nguyên lý Duyên sinh (Paticcasamupàda), thì tất cả thế giới sự vật hiện tượng này là Vô thường (impermanent), chúng luôn luôn thay đổi và không ngừng trôi chảy như chính lời phát biểu nổi tiếng của Héraclite rằng: "Không ai có thể đặt chân hai lần trên cùng một dòng nước". Như thế, hiện hữu là Vô thường, nghĩa là A khác A. Ðây là cơ sở để chúng ta đi vào biện chứng Sắc-Không.

Trước hết, Tâm kinh nói: "Sắc chẳng khác Không, không chẳng khác Sắc". Ở đây, trên mặt hiện tượng, Tâm kinh thừa nhận hai bản sắc cá biệt khác nhau đó là Sắc và Không. Nhưng mệnh đề phát biểu của Tâm kinh là: "Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc". Như thế là Không và Sắc là hiện tượng khác nhau; nhưng giữa chúng có sự giống nhau, không khác. Tuy nhiên trên mặt bản chất thì, Tâm kinh bảo: "Sắc tức là Không, Không tức là Sắc"; nghĩa là Không và Sắc có cùng một tự thể (bản chất). Do đó, ta có thể kết luận rằng, Sắc chẳng khác Không ở mặt tự thể và Không chẳng khác Sắc ở mặt hiện tượng. Và như thế, Sắc là Không, Không là Sắc.

Có thể lấy hình ảnh của sóng và nước để tỉ dụ. Sóng không khác với nước, nước không khác với sóng. Sóng không khác nước ở mặt tự thể, vì sóng do nước mà sinh ra. Nước không khác sóng ở mặt hiện tượng, vì nước chuyển động mạnh tạo thành sóng. Do đó sóng là nước và nước là sóng. Tương tự như vậy đối với sinh tử và Niết bàn, mộng tưởng và chân tâm, đây là biện chứng Sắc-Không. Thông điệp của biện chứng sắc không dạy cho chúng ta biết rằng, đừng bao giờ hoang tưởng khát vọng tìm hiểu một cảnh giới Niết bàn Vô thượng nào ngoài con người này và thế giới này. Ðồng thời, thông qua biện chứng Sắc-Không ta nhận được chân lý Bất nhị (không hai) hay Trung đạo ở cả hai mặt tu tập và giải thoát.

Ðể kết luận biện chứng Sắc-Không, tôi xin dẫn một đoạn kinh vắn trong Tiểu phẩm Bát Nhã, phẩm Thích Ðề Hoàn Nhân như sau:

"Lúc bấy giờ, các vị thiên tử suy nghĩ như vầy: Những ai là người có thể tùy thuận nghe những điều mà Tu Bồ Ðề nói? Tu Bồ Ðề biết rõ ý nghĩ này của các vị thiên tử, nói với họ rằng: Người huyễn có thể tùy thuộc nghe những điều tôi nói; sự nghe cũng không, và sự chứng cũng không. Các vị thiên tử suy nghĩ như thế này: "Nếu người nghe mà như huyễn thì chúng sanh cũng như huyễn; Tu Ðà Hoàn quả cho đến Bích Chi Phật đạo cũng như huyễn". Tu Bồ Ðề biết rõ những ý nghĩ này của các vị thiên tử, nói với họ rằng: "Tôi nói chúng sanh như huyễn, như mộng, Tu Ðà Hoàn quả cũng như huyễn, như mộng; Tư Ðà Hàm quả, A Na Hàm quả, A La Hán quả, Bích Chi Phật đạo cũng như huyễn, như mộng". Các vị thiên tử nói: "Thưa ngài Tu Bồ Ðề, phải chăng Ngài nói Phật pháp cũng như huyễn, như mộng?" - "Tôi nói Niết bàn cũng như huyễn, như mộng". Các vị thiên tử nói: "Ðại đức Tu Bồ Ðề, phải chăng Ngài nói Niết bàn cũng như huyễn, như mộng?" Tu Bồ Ðề nói: "Này các thiên tử, giả tỉ có pháp nào cao hơn Niết bàn tôi cũng nói là như huyễn, như mộng. Các vị thiên tử, huyễn mộng và Niết bàn không hai, không khác". (Tuệ Sĩ dịch)

6- Thành tựu giác ngộ giải thoát

Vì sao Tâm kinh nói: "Vô trí diệc vô đắc" nghĩa là "Không có trí giác và không có sự thành tựu trí giác", mà ở đây lại đề cập đến sự thành tựu giác ngộ - giải thoát? Vì rằng, sự thành tựu giác ngộ - giải thoát, theo tư tưởng Phật giáo nói chung, là sự trở về với Thể tánh uyên nguyên - vĩnh hằng, vốn có trong mỗi con người, chứ không phải là sự nắm bắt được một cái gì mới mẻ, xa lạ. Và sự thành tựu này là đạt đến trí tuệ Vô ngã hay thể nhập thực tại Tính Không - Niết bàn tối thượng. Như đào ao, không cần đi mời trăng đến, khi nào có ao và nước trong đó được bình lặng thì mặt trăng tự nhiên hiện. Ðây là ý nghĩa của vô đắc (không có chứng đắc) của Tâm kinh. Và trí tuệ vô đắc hay Tuệ giác Vô thượng này là mẹ của ba đời chư Phật. Tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều nương vào Trí tuệ này mà thành tựu Vô thượng Chánh giác. Tất nhiên, sự thành tựu Vô thượng Chánh giác được khởi đầu bằng con đường "chiếu kiến ngũ uẩn", tức là đi vào hiện quán về năm uẩn. Thực hành như vậy cho đến khi nào "năm uẩn" trở thành "giai không", nghĩa là thành tựu giác ngộ. Và kết quả của sự giác ngộ này là "độ nhất thiết khổ ách" (giải thoát toàn triệt). Quá trình tu tập như thế được gọi là hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật. Trên đây là tất cả những gì được chứa trọn trong câu luận đề mở đầu của Tâm kinh.

7- Bên kia bờ

Kết luận, Tâm kinh tuyên nói câu linh ngữ rằng: "Gate, gate; paragate, parasamgate, Bodhi Svàha!" Tiếng Việt là: "Ði qua, đi qua; đi qua bờ bên kia, đã đi qua đến bờ bên kia, reo vui!".

Các Phật tử thân mến, khi được nạn vấn về những gì bên kia bờ, Ðức Phật im lặng!

"Sóng về xóa dấu chân không
Bỗng dưng thuyền đã bên dòng Chân như".

Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát

Thích Tâm Thiện
Sài Gòn, 1999
http://members.xoom.com/khaithien/


[Trở về trang Thư Mục]