Mỗi con người cuộc sống không thể tách rời xã hội bởi những bổn phận, trách nhiệm. Xã hội ngày càng phải đối mặt với nhiều vấn nạn, mà con người sống trong xã hội thì có nhiều khát vọng. Khát vọng không bao giờ chỉ thuần là khát vọng hướng đến cuộc sống tươi đẹp. Ðiều đó luôn buộc người ta phải làm mà đôi khi phạm sai lầm. Cho nên môi trường xã hội trở nên phức tạp muôn màu. Ở mỗi cá nhân nếu không có bản lĩnh, không biết tự miễn nhiễm trước cái xấu thì khó lòng tạo được niềm vui trong tâm hồn. Hơn nữa, ở mỗi thành viên đều phải biết sống cho người chung quanh. Nghĩ đến người khác thì mới có thể làm những việc tốt cho người khác, mới có thể lành mạnh được môi trường sống và gạn lọc cho tâm hồn trở nên sáng trong không tham vọng. Ðiều này cắt nghĩa: chúng ta phải nên sống trong môi trường lành mạnh. Ðây là một pháp hành tạo niềm vui an lạc trong tâm hồn. Vậy phải hành theo pháp này như thế nào?
Trước hết, để đến với môi trường này cần thiết là tâm hồn được thanh lọc. Như vậy, chỉ có thể được ở gần người có trí tuệ, biết sáng suốt trước mọi chuyện để hướng đạo cho ta
Trong dân gian có câu "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Ý nghĩa này ít nhiều đã tồn tại trong tâm hồn hầu hết mọi người Việt Nam. Thực tế với ai hiểu được ý nghĩa câu tục ngữ trên, nghĩa là nghe cao thượng, biết hướng đến khả năng tinh tấn cho mình sẽ tự biết lánh xa kẻ ác, tìm đến bên người hiền đức. Ai hạ mình, kề cận bậc trí thức là chư Tăng ni hay hàng Phật tử sống theo đạo pháp, người đó hiểu được lẽ phải ở bậc trí thức và hành sự theo Chánh pháp.
Hơn nữa, đã được kề cận, được sống trong môi trường lành mạnh sẽ tự biết nhận ra cái xấu quanh mình. Giác ngộ được điều này hẳn sẽ dễ dàng biết được bản thân nên làm như thế này mà không nên làm như thế kia. Ðó là người ấy biết tránh được phiền não, âu lo, có điều kiện thuận tiện để bản thân làm được mười điều phước thiện mà đạo Phật đã dạy cho như bố thí, trì giới ...
Trong những buổi giảng pháp của chư tôn đức, Phật tử được hướng đạo hành theo chánh pháp. Lúc đó trong mỗi con người được tiếp cận với môi trường đạo pháp, khả năng vươn đến sự tinh tấn của bản thân được nâng lên. Như vậy sẽ dễ dàng để nhận ra lẽ phải ở đời những việc gì tiêu cực, những việc gì thanh cao. Lúc này người ta biết mình nên làm gì. Ví như có cảnh va quẹt trên lưu lộ. Nếu một người trong cuộc là bậc có trí tuệ, biết mỉm cười dung hòa với nhau thì người kia cũng sẽ phải chấp nhận bỏ qua không câu nệ chuyện bực mình. Còn ngược lại cả hai đều chấp ngã, lời qua tiếng lại với nhau thì khó tránh khỏi phiền nhiễu, gây mất trật tự ở nơi công cộng. Ðó là điều không nên.
Như đã trình bày, ngày nay xã hội gặp phải nhiều vấn nạn không chỉ làm đau đầu các nhà chức trách mà còn gây phiền não đến mọi thành viên xã hội có trách nhiệm. Nhất là hiện nay, nạn ma túy, mê tín dị đoan luôn đe dọa cuộc sống làm lung lạc, hư hỏng cả một thế hệ trẻ của chúng ta. Gia đình nào đang sinh sống trong khu dân cư có quá nhiều thành phần xã hội phức tạp, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề thì bậc cha mẹ sẽ phải phiền não nhiều vì con cái họ. Một đứa trẻ ngây thơ lớn lên bên cạnh nhà hàng xóm không tốt lại có con cái nghiện ngập, giật dọc ngoài đường thì nếu không bị bọn bọn trẻ lêu lỏng này rủ rê, tiêm nhiễm thói xấu thì trong suy nghĩ cũng bị tác động lung lay. Trẻ dễ hình thành trong lòng những ngờ vực về đạo đức xã hội. Mà lòng tin khi đã không vững mạnh để nuôi dưỡng khát vọng thì chỉ cần một biến cố nhỏ, như chuyện hục hặc của cha mẹ chẳng hạn, thì cái xấu dễ dàng lôi kéo chúng vào con đường hư hỏng, phạm pháp. Bởi ngoài chuyện học hành, vui chơi, thêu dệt ước mơ thì tâm hồn tuổi trẻ bao giờ cũng thích khám phá bí mật cuộc sống. Không được hướng dẫn, dìu dắt của người lớn có trí đức thì dễ bị sai lệch là điều khó tránh khỏi. Cho nên cần thiết ở người lớn là phải biết cách làm chiếc gương soi xứng đáng để trẻ noi theo. Như chúng ta vẫn thường nghe "Cha mẹ tốt con trẻ ngoan", là vậy.
Thế thì khi đã hành theo chánh pháp của bậc trí tuệ, giác ngộ được điều cao thượng tránh điều mê muội ở đời, người ta tìm thấy được lẽ vô thường của cuộc sống. Nghĩa là khi đó trong lòng đã hiểu được lẽ vô thường, vô ngã ở đời, biết dừng trước những tham vọng, tránh chấp ngã để hướng đến việc tu hành. Lúc này những sân, si, phiền não không trì kéo bản thân theo ngã trược, người ta biết làm những điều thiện, phát tâm tích đức tránh phạm vào ngũ giới thập ác.
Ðến được bến bờ giác ngộ, người ta sẽ tìm thấy niềm an lạc cho mình. Có được điều này rồi, bản thân mỗi người sẽ được nương nhờ vào cao quí cho bản thân. Như một người có lòng tự tin yêu chuộng cái đẹp, người đó biết khát khao tìm đến những điều cao quí, biết nghĩ và biết sống vì người khác. Ðây chính là yếu tố quan trọng nhất đang thiếu trong xã hội chúng ta. Vì thực tế ngày nay còn quá nhiều tham vọng khiến loài người trở nên điên cuồng tham chấp cho bản thân. Như thế thì không thể phân biệt lẽ phải, không nhìn thấy cái thiếu ở người khác để chia sớt, gánh vác mà đối xử tốt với nhau cho cuộc sống được thái hòa. Vậy thì làm sao thấy được niềm vui trong chánh pháp và bản thân cũng không thể có niềm vui an lạc được.
Tỳ kheo Thiện Minh