Hiếu Thảo: Bổn phận của những đứa con nam nữ

Tỳ kheo Thiện Minh


Có con Kên Kên hiếu thảo với cha mẹ ngày ngày đi kiếm mồi về nuôi dưỡng cha mẹ già yếu của mình, có một lần nó mắc chân vào bẩy của người thợ săn. Ðược hỏi: "Người đời thường bảo rằng kên kên có mắt rất sáng, thấy rõ tử thi ở rất xa, vậy tại sao ngươi lại mắc vào bẩy của ta?" Kên kên thưa rằng: "Nầy anh thợ săn, có hai điều mà ai ai không thể trông thấy được: Một là tai nạn và hai là cái chết, nó đến bên ta, ta cũng không hay biết được, mặc dù ta có mắt thấy ngàn dặm. Vì vậy tôi mắc bẩy của anh". Nghe đáp người thợ săn cho rằng kên kên biết nói và có trí tuệ, chắc là có hiếu thảo với cha mẹ, bèn thả kên kên ra. Kên kên ấy là tiền thân của Phật Thích Ca.

Sau khi thành đạo, ngài càng hiểu công ơn vô bờ bến của cha mẹ. Ðể đáp đền công ơn đó, ngài phải nhập một hạ tại cung trời Ðạo lợi để thuyết pháp độ Phật mẫu đắc được đạo quả Tu đà huờn. Còn đối với phụ vương, ngài cũng thuyết một ngàn câu kệ ròng rã bảy ngày đêm cho đến khi vua cha đắc đạo quả A La Hán rồisau đó ngài cũng phụ bá quan trào thần văn võ liệm thi hài và khiên quan tài của phụ vương đến đài hỏa táng. Chừng đó chúng ta cũng đủ thấy lòng yêu kính của Ðức Phật đối với song thân - những người đã sinh thành ra một nhân cách tuyệt thế.

Trong Brahmasutta, Ðức Thế tôn dạy cha mẹ là hai đấng có công ơn vô lượng vô biên đối với con cái. Nếu người con nào có hiếu, ra sức thâu phục năm châu bốn biển cho cha mẹ cai trị, hưởng sự an lạc đột đỉnh của trần gian nhưng vẫn chưa đáp đền công ơn sinh dưỡng trong muôn một. Vì người ấy chỉ lo phần vật chất của cha mẹ trong kiếp hiện tại. Phàm người con có hiếu phải cố gắng làm sao cho cha mẹ biết tu hành để giải thoát.

Nghĩa là phải làm sao cho cha mẹ thực hành tu tập để hiểu được thế nào là nghiệp và tin tưởng ở nơi Tam bảo. Hiểu điều đó để biết bố thí cho người đời, dẹp bỏ lòng tham lam, giúp người nghèo khó hằng tạo duyên lành cho mai sau. Hơn nữa phải biết bố thí, trì giới và tham thiền, giữ cho thân khẩu ý đuợc thanh tịnh và trong sạch. Giúp cho cha mẹ hiểu được cuộc đời là vô thường, khổ não và vô ngã. Còn khi cha mẹ đã quá vãng, phận làm con phải biết làm việc lành để hồi hướng cho cha mẹ.

Câu kệ ngôn Sonananda trong bộ Túc Sanh Truyện, đức Phật dạy rằng: "Cha mẹ hy sinh tất cả hạnh phúc cho con". Khi bà mẹ biết rằng trong mình thọ thai, chưa biết mặt con ra sao, trai hay gái, nhưng trong lòng băn khoăn lo sợ, hằng van vái bào thai được bình an . Như vậy cũng chưa vừa lòng, bà còn đi coi bói cho biết con trai hay gái, rồi xem năm tháng ngày sanh có tốt không. Lại còn tìm hỏi các bậc lão thành coi khi có thai phải kiêng cữ những gì, ước mong và cầu khẩn xin cho sanh quý tử.

Theo truyền thống Phật giáo Nam Tông không có lễ Vu Lan, nhưng hòa mình trong không khí của ngày lễ hội và đồng thời để tạo điều kiện cho người Phật tử hướng đến việc thiện , thường, ngày rằm tháng bảy mỗi chùa đều có tổ chức lễ đặt bát hội và cúng dường lễ phẩm tứ sự đến chư Tăng để hồi hướng phước báo cho cha mẹ đã quá vãng. Việc làm trên để nhắc nhở người Phật tử nhớ tưởng đến cha mẹ đã quá vãng và cũng nhắc người Phật tử tu tập hạnh bố thí.

Ngày nay cuộc sống hối hả bận rộn, làm thế nào để thực hành những điều đức Phật đã dạy cho xứng đáng là bậc chí nhân chí hiếu. Mỗi ngày là chúng ta phải bận bịu với vô số công việc. Hơn nữa mỗi người ngoài công việc ra ta còn phải có thật nhiều trách nhiệm với mọi người. Bản thân nhỏ bé với một sức lực có hạng như chúng ta làm sao để chu toàn mọi việc mà không phải khỏi phụ lòng sinh dưỡng của cha mẹ.

Buổi sáng chúng ta đi ngoài đường thấy trên phố có những cụ già ngồi quấn mình trong tấm nilon bên gốc cây. Ta tự hỏi những người ấy vì sao phải ra nông nổi thế này? Chẳng lẽ họ chưa từng có gia đình, con cái hay sao? Ta nên nghĩ rằng có cha có mẹ trong nhà giống như có chư thánh hiền tăng để phụng dưỡng, cúng dường cho cha mẹ là công đức vô lượng vô biên của chúng ta vì cha mẹ cũng như các bậc thánh tăng đãsinh thành cho ta một cuộc đời , dưỡng nuôi ta nên hình nên vốc. Vậy thì một lời nói lớn tiếng kém lễ độ trong khi ta bực bội không cố ý cũng đã làm xúc phạm nặng nề đến công ơn trời bể của cha mẹ. Huống hồ quanh tavẫn còn có những hạng người đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, chửi mắng cha mẹ thậm tệ, ngày nay thậm chí có những bậc cha mẹ ngồi ăn cơm với nàng dâu hoặc chàng rễ mà nước mắt cứ nghẹn ngào. Chẳng những không quạt nồng ấm lạnh mà còn tiếc cả chiếc bánh, chung trà khi người đến thăm vì sợ người ở lâu, sợ phải cho cái này cái nọ trong khi đó cha mẹ cho mình cả gia tài không tiếc. Hạng người như vậy ắc sẽ không hưởng được hạnh phúc gia đình, ắc không tránh được những điều kinh khủng nhất trong cuộc sống. Mà đã là kẻ hạ nhân như thế làm sao có thể có được quyền cao chức trọng ở trên đời, làm sao có được lòng thương tưởng của đại chúng. Người mà bất hiếu với cha mẹ thật không thể sánh bằng loài thú. Họ sẽ chẳng thể nào được làm người tiến hóa trên bậc thượng nhân, sống trong cõi thanh cao mà có thể còn bị giáng xuống bậc nhân loại thấp kém để gội rửa tội lỗi, ác nghiệp mà mình đã gây ra .

Cho nên phận sự làm con ta phải biết công ơn cha mẹ và lo đền đáp, đó là con đường của bậc thánh nhân. Bây giờ trời đất chuyển mùa mưa sa, gió lạnh ta phải yêu thương phụng thờ cha mẹ, lo cho người miếng ăn, giấc ngủ, chăm sóc người khi trái gió trở trời để cơn mưa không buồn như tiếng ai khóc mẹ, để không như lá vàng rơi lặng lẽ cuối thu. Chẳng những thế ta còn phải biết chia sớt tình thương yêu lòng hiếu thảo của mình đến những người già neo đơn côi cút, đó mới là đạo nghĩa ở đời và đồng thời còn giúp ta có dịp làm việc thiện để hồi hướng cho cha mẹ ta.

Tỳ kheo Thiện Minh,
Sài Gòn, tháng 7-2000


[Trở về trang Thư Mục]