BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with
Unicode
Times font
Lời Giới Thiệu: Ðây là bài viết đã được điểm cao nhất trong lớp Phật Học Hàm Thụ do Sinh Thức, Hoa Kỳ, tổ chức về chủ đề "Giữ Giới". Xin giới thiệu đến các bạn. -- (Sinh Thức).
-oOo-
Làm người thì ai cũng yêu chuộng tự do. Xứ Mỹ là nơi mà sự tự do được tôn trọng nhất, nhưng xứ nầy cũng chính là nơi mà luật pháp phức tạp nhất. Tôi muốn nói tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Tự do chỉ có nghĩa là mình được chọn lựa những hành động thích hợp để bảo vệ và xây dựng hạnh phúc cho chính mình và người chung quanh. Luật pháp bảo vệ và hướng dẫn mình. Giới luật trong Phật giáo còn hay hơn nữa. Người đời sống trong vòng luật pháp, đa số vì sợ. Người tu giữ giới hoàn toàn do sự tự nguyện, phát sinh từ tình thương và sự hiểu biết sâu sắc về cuộc đời. Mình giữ giới để được tự do! Ðược vượt thoát mọi lo âu, sợ hãi, ân hận. Ðược thật sự thảnh thơi an lạc trên bước đường xây dựng sự nghiệp thương và hiểu.
Giới luật đứng đầu trong Phật giáo. Trong Tam Tạng kinh điển: Kinh, Luật và Luận, trọn bộ Luật Tạng được dành riêng để giảng dạy về giới luật. Toàn bộ giới luật rất rộng lớn có thể hướng dẫn mình từ lúc mới phát tâm cho đến lúc viên mãn.
Một người Phật tử tại gia cần giữ năm giới căn bản: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Ba giới đầu bảo vệ thân, giới thứ tư bảo vệ khẩu, giới thứ năm bảo vệ ý. Một người dù không chính thức thọ giới, nhưng chỉ cần sống trong vòng luật pháp, thì ít nhiều gì cũng đã hành trì bốn giới đầu. Giới thứ năm thì ít được để ý tới. Ðối với người không uống rượu, ngay cả đến bia, thì đâu còn gì để bàn? Thật ra nếu ta nhìn sâu về lĩnh vực bảo hộ tâm ý, phần quan trọng nhất của một người, thì giới nầy khó hành trì nhất. Tôi nghĩ, nếu Bụt có mặt ngày hôm nay thì ngài đã mở rộng giới thứ năm thành: "không thu nhận những thức có hại cho tinh thần. "Giới luật cuả Bụt đặt ra thì bao giờ cũng khế cơ nên so với thời đại của mình, sự mở rộng giới thứ năm nầy rất thích hợp. Mấy ngàn năm trước chỉ có rượu, đôi khi chỉ vì một vài chén giúp vui mà tâm thức thiền sinh bị mê mờ, ngồi thiền thiếu hiệu quả.
Mình bây giờ có đủ thứ: sách báo, chuyện trò, phim ảnh, phone, internet, vv... Chỉ cần với tay một tí là cặp mắt và đôi tai của mình tha hồ thu nhận. Chuyện tốt cũng như chuyện xấu, vui buồn lẫn lộn. Ít người có thể ý thức và tiêu hóa được tất cả những gì mình thu vô mỗi ngày. Những gì thu vào mà không tiêu hóa được chắc chắn sẽ sinh bệnh. Tôi thấy đây là một trong những trở ngại lớn cho sự an lạc, sáng suốt của mình.
Giới thứ năm quan trọng và khó hành trì không có nghĩa là mình sẽ xao lãng về bốn giới kia. Mỗi giới luật có một công dụng khác nhau. Có giới đặt nặng về thân, có giới đặt nặng về tâm. Thân và tâm phải được bảo vệ và chăm sóc như nhau. Cả hai được lành mạnh thì hạnh phúc của mình mới vững bền. Tôi nghĩ nếu mình hiểu rõ ràng giới tướng và mục đích của một giới nào, mình sẽ có thể hiểu những giới khác một cách dễ dàng hơn. Sự hiểu biết nầy sẽ giúp sự hành trì được thoải mái và có hiệu quả hơn.
Vì giới luật là nền tảng, nên bước đầu của mỗi ai muốn theo học Phật là Quy Y Tam Bảo và thọ Năm Giới. Sau đó thì tùy theo căn cơ và môi trường của mình mà mỗi người được học một hay nhiều pháp môn khác nhau. Chung quy vẫn là để giúp mình thực hiện giới luật. Ví dụ trong Thiền tông, thiền sinh được rèn luyện để phát huy Chánh Niệm, khả năng ý thức rõ ràng mọi hành động của mình. Một thiền sinh giỏi lúc nào cũng phải "biết" mình đang làm gì! Ăn gì, nói gì, nghĩ gì, vv... Nhưng "biết" gì bạn nhĩ? Không lẽ chỉ "biết" suông. Theo tôi thì người ấy đang "biết" mình đang "giừ" giới hay đang "phạm" giới thôi. Cái biết rõ ràng nầy sẽ giúp thiền sinh nhận diện được những thói quen máy móc lâu đời của mình. Nhờ đó thiền sinh sẽ có nhiều cơ hội được tự chủ và sáng suốt hơn khi chọn lựa những hành động tới. Tôi thấy vì vậy mà giới luật là nền tảng của chánh niệm. Nếu giới luật là cái đe thì chánh niệm như cây búa của người thợ rèn. Thiền sinh nào may mắn có được một cặp búa và đe thiệt tốt, tôi tin người ấy sẽ thành công trong việc rèn luyện lưỡi gươm trí tuệ của mình.
Nhưng mình phải hành trì giới luật bao lâu thì có thể coi là thành công? Tôi thấy trong kinh có một câu rất hay, "Giữ giới cho đến khi thấy không có giới để giữ, cũng không có người giữ giới, mới thật là giữ giới." Lúc mới bắt đầu khởi tu, mình thấy giới luật là một đối tượng bên ngoài. Mình phải vất vã để đạt được nó vì một vài lý do nào đó. Sau nhiều năm tháng tu tập thì giới luật và sự ích lợi của nó đã bắt đầu thấm nhuần vào thân tâm hành giả. Ranh giới giữa giới luật và hành giả bắt đầu phai dần, những thói quen xưa lần hồi được chuyển hóa. Ðến giai đoạn chín mùi thì giới luật không còn là một cái gì phải thực tập nữa, nó đã trở thành nếp sống tự nhiên của mình. Trong kinh gọi đây là nếp sống cao quý nhất của những bậc đã chứng được hạnh phúc thật sự./.
Minh Nguyên
-oOo-
Source: Sinh Thức, http://www.sinhthuc.org/