BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Con Ðường Siêu Thế

Thích Nữ Hương Nhũ


Gia tài siêu thế mà Ðức Thế Tôn đã trao lại cho La-hầu-la và tất cả những người con mang dòng họ Thích. Ðó là cuộc sống thoát ly thế gian đầy phiền não, giữ hạnh chơn thật, giữ thân khẩu ý hằng thanh tịnh, thu thúc lục căn, xa lánh dục tình, tu tập thiền quán và quán pháp vô ngã.

* * *

Thời thơ ấu tưởng chừng như thoáng mây trôi trong kiếp người nhưng có một lúc nào hồi tưởng lại, mỗi chúng ta đều có những kỷ niệm thật trong trẻo, đáng yêu. Trong quãng đời êm ả ấy, làm sao quên được lời ru của mẹ, những câu chuyện cổ tích của bà, những tiếng chuông chùa cuối hạ, nhẹ ngân nga qua đồng lúa mù sương, những bài học vỡ lòng hay bài hát về chú chim non nho nhỏ... Có gì đâu nhỉ, vậy mà rất nhẹ nhàng thấm dần vào tâm hồn bé thơ hương hoa của tình người và những hạt mầm đạo đức... Ðể rồi một ngày đẹp trời kia, chú bé nghịch ngợm vui lòng để cho thầy cạo đi mái tóc tơ non mềm mại, chừa lại một chỏm tóc bằng chiếc vá múc canh chỉ vì một lý do cỏn con nào đó: có lẽ vì chú bé thích cái mõ gia trì có khắc hình cá hóa long với tiếng mõ trầm hùng, dặt dìu mà siêu thoát theo lời kinh tiếng kệ, hay chú chẳng thể nào quên những mâm hoa quả chưng cúng rất cân đối đẹp đẽ đặt hai bên bàn Phật ngạt ngào trầm hương, những chén chè ngọt lịm mà sư ông thưởng cho chú mỗi lúc theo bà đi lễ Phật, chú cũng thích cả những chú cá lia thia bơi lội tung tăng trong hồ sen trước chùa bên tượng Ðức Quan Thế Âm với bình tịnh thủy... Lý do nào đưa chú về với cảnh Thiền để từ nay chú sẽ không còn sống bên mẹ,bên cha,bên những người thân yêu nữa...Ðại sự xuất thế ư? Làm sao chú bé hiểu được một con đường mới đang bắt đầu và sẽ làm thay đổi cả kiếp nhân sinh trước khi chú đủ lớn khôn để có thể hiểu được điều vi diệu ấy. Có chăng là nhân lành từ muôn kiếp đã đủ duyên, sớm đưa chú về sống cạnh đức ân sư từ ái.

Nhớ lại ngày xưa, thái tử Tất-đạt-đa từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp, con xinh với quyền uy cao cả để dấn thân vào một cuộc hành trình vô tiền khoáng hậu quyết tìm ra phương thuốc cứu khổ cho nhân loại. Sự thoát ly của ngài vì thế là một đại sự xuất thế vẻ vang. Rồi Ngài lại khổ công tham kiến, tầm tu để tìm cho ra sự thật cuộc đời. Nhưng Chân lý đã không được tìm thấy trong thánh điển của Bà-la-môn cũng không tìm thấy trong các lễ nghi dâng hiến ở các đền thờ, và cũng không có trong những pháp tu hành hạ xác thân... Cuối cùng, Ngài nhìn vào nội tâm của chính mình để tìm ra Sự thật bằng con đường Thiền quán. Ngài đã tận diệt mọi uế nhiễm, vô minh và chứng ngộ thực tướng của vạn pháp, trở thành một vị Phật, một đấng Chánh Biến Tri, bậc Toàn Giác duy nhất trên đời.

Cuộc viễn ly vĩ đại của Ngài đã không hoài công vô ích. Trong khi nhiều tôn giáo khác của thời Ấn Ðộ cổ đại lần lượt quên lãng với thời gian thì lời dạy của Ngài vẫn là niềm tin bất diệt của nhân lọai. Giờ đây, Những ai muốn chấm dứt sự khổ đau đè nặng kiếp người ... đều tìm đến giác lộ của Ðức Thế Tôn vì chỉ có Ngài mới thực sự chứng nghiệm hạnh phúc của sự giải thoát tối thượng.

Thế hệ Tăng Ni trẻ ngày nay, nếu không có được "đại sự xuất thế" vẻ vang như Ngài thì chúng ta cũng được xuất gia trong tinh thần trí- dũng cầu giải thoát, hoặc từ một duyên lành của những kiếp xa xưa... đưa ta về chốn thiền môn. Nhưng còn sự chứng ngộ tự thân? Ðiều ấy có thể xảy ra đối với một tỳ-kheo trẻ tuổi hay chí đến một chú sa-di không, khi con đường đi đến chân lý tối thượng không phải khổ công tìm kiếm nữa, vì con đuờng siêu thế đã được hiển bày từ hơn 2500 năm trước bởi Ðấng Ðại hùng Ðại lực của chúng ta?

Ðể trả lời câu hỏi này, hãy cùng nhau nhớ đến La-hầu-la, người con duy nhất của thái tử Sĩ-đạt-đa và công chúa Da-du-đà-la, sinh ra vào đúng ngày thái tử Sĩ-đạt-đa quyết định thoát ly thế tục. La-hầu-la trưởng thành trong sự bảo dưỡng của vua Tịnh Phạn và công chúa Da-du-đà-la. Ngày Ðức Phật trở về Ca-tỳ-la-vệ lần đầu tiên lúc La-hầu-la tròn 7 tuổi. Khi Ðức Phật vào đến hoàng cung, công chúa Da-du-đà-la ăn mặc chỉnh tề cho con rồi chỉ Ðức Phật và nói: "Này con, nhìn xem kìa, vị sa môn đắp y vàng trông như một vị Phạm thiên kia là cha của con và Ngài là một kho tàng vô cùng vĩ đại. Này La-hầu-la, hãy đến bên người và xin Ngài trao lại cho con phần di sản của con." Hoàng tử La-hầu-la làm theo lời mẹ dạy,đến gần đức Phật và kính cẩn bạch rằng: "Qủa thật cái bóng của Ngài làm cho con mát mẻ, an vui." Khi độ ngọ xong, Ðức Phật rời hoàng cung; La-hầu-la theo chân Ngài và bạch: "Xin Ngài trao lại gia tài cho con." Ðức Phật nghĩ: "Nó muốn gia tài của cha nhưng tài sản trong thế gian quả thật đầy phiền não. Như Lai sẽ ban cho nó gia tài cao thượng gồm 7 phần mà Như Lai đã thâu đạt được dưới cội bồ đề. Như Lai sẽ giúp La-hầu-la trở thành sở hữu của một gia tài siêu thế."

Ðức Phật gọi ngài Xá-lợi-Phất dạy làm lễ xuất gia cho La-hầu-la. Dù chưa có một khái niệm gì về sự tu tập giác ngộ, nhưng cậu bé La-hầu-la đã ngoan ngoãn vâng lời Ðức Thế Tôn và bắt đầu cuộc sống cao thượng của bậc xuất gia. Hình ảnh La-hầu-la phải chăng là hình ảnh của các chú điệu hồn nhiên trong chiếc áo lam theo thầy tụng kinh, niệm Phật và quét lá đa trước sân chùa? Tuy còn bé nhưng sa-di La-hầu-la vừa thông minh, vừa tôn trọng giới luật và rất chuyên cần tu học. Mỗi sáng chú dậy thật sớm, ra ngoài bốc lên tay một nắm cát, tung ra và cầu nguyện: "Mong rằng ngày hôm nay ta học được như bao nhiêu cát đây."

Một trong những bài pháp đầu tiên mà La-hầu-la được nghe là hạnh chơn thật. Ðức Phật đã dạy La-hầu-la bằng hình ảnh chậu nước sau khi Ngài đã rửa chân. Chừa lại một ít nước trong thau, Ngài hỏi: "La-hầu-la, con thấy còn lại một chút nước dơ trong thau không?"

- Bạch Ðức Thế Tôn, có.

- Cũng thế,La-hầu-la, đời sa môn quả thật không có nghĩa lý gì nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn. Rồi Ðức Thế Tôn đổ hết nước trong thau ra và dạy: "Ðời sa môn quả thật như bỏ đi nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn." Rồi Ðức Thế Tôn lật úp cái thau xuống và dạy: "Ðời sa môn quả thật bị đảo lộn nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn." Rồi Ðức Thế Tôn lật ngửa cái thau ấy và bảo rằng: "Ðời sa môn quả thật trống không và vô vị nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn."

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hạnh chơn thật, Ðức Thế Tôn còn dùng hình tượng con voi của nhà vua, có ngà dài như một cán cày, to lớn, khéo luyện, thường có mặt ở chiến trường. Khi lâm trận, con voi này dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi nhưng nó luôn bảo vệ caiù vòi. Con voi này không quăng bỏ mạng sống của nó. Nhưng nếu con voi ấy khi lâm trận dùng hết các chi phần trong thân thể nóvà dùng cả vòi thì coi như nó đã quăng bỏ mạng sống của mình.

Ðức Thế Tôn dùng hình ảnh con voi - một con vật to lớn, đẹp đẽ, hiên ngang với đầy sức mạnh nhưng khi lâm trận không biết bảo vệ cái vòi thì cũng chỉ là một con vật không có trí tuệ. Cũng như một vị sa môn đường đường tăng tướng,họat bát, thông minh, nhưng vị ấy cứ tiếp tục nói dối không biết hổ thẹn thì đời sa môn quả thật không có giá trị gì nữa. Rồi Ðức Thế Tôn kết luận:

-"Cũng vậy này La-hầu-la, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không dám làm. Do vậy, này La-hầu-la, Ta quyết không nói láo, dù nói để mà chơi."

Như vậy hạnh chơn thật là một trong những đức tính căn bản nhất để hình thành nhân cách xứng đáng của một Sa-di hay một Tỳ-kheo trẻ tuổi trên lộ trình giải thóat.Chính các nhà giáo dục thời đại cũng khẳng định rằng: "Dối trá lẫn nhau lòai người làm mất hết lòng tin lẫn nhau và làm hư hỏng một phương tiện trao đổi rất quý giá của nhân loại"

Sau khi dạy La-hầu-la về hạnh chơn thật, Ðức Thế Tôn tiếp tục giải thích cho Sa-di La-hầu-la giá trị của đức hạnh trong sạch bằng hình ảnh chiếc gương. Nếu chiếc gương là vật để phản chiếu hình ảnh thì đời Sa môn cũng phải tự phản tỉnh nhiều lần. Trong khi hành thân nghiệp,khẩu nghiệp và ý nghiệp cần tự phản tỉnh xem thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp có thể đưa đến tự hại, có thể đưa đến hại người, có thể đưa đến hại cả hai, thời thân, khẩu, ý nghiệp ấy là bất thiện, đưa đến đau khổ, đem lại quả báo đau khổ và những hành động như thế nhất định phải tránh xa và không nên làm.

Nếu trong khi phản tỉnh, ta biết được thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp của ta không thể đưa đến tự hại, không thể đưa đến hại người, không thể đưa đến hại cả hai, thời thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc và đem lại quả báo an lạc. Với những thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp như thế ta nên làm và tiếp tục làm.

Nếu trong khi phản tỉnh ta biết được những thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp ta đã làm là bất thiện, đem lại quả báo phiền não và đau khổ thời ta cần phải thưa lên, phải tỏ lộ, phải trình bày trước các vị Ðạo sư, hay các vị đồng phạm hạnh có trí. Sau khi đã sám hối, cần phải chừa bỏ và phòng hộ trong tương lai, không còn tái phạm nữa. Ðức Thế Tôn giảng giải rất kỹ lưỡng rằng, muốn giữ tâm trong sạch, điều chánh yếu là phải luôn suy nghĩ và quán chiếu về những hành động đã làm, đang làm và sẽ làm rồi Ngài kết thúc bài pháp như sau:

"Như thế ấy, La-hầu-la, con phải cố gắng luyện tập, luôn luôn suy luận để giữ trong sạch mọi hành động bằng thân, khẩu, ý."

Ðức Phật thường nhắc nhiều lần sa-di La-hầu-la bài kệ chánh yếu, cần thiết cho đời sống người xuất gia:

Hãy từ bỏ năm thành phần của lạc thú - vừa êm dịu vừa khắn khít. Và với niềm tin vững chắc, hãy từ bỏ nhà cửa để chấm dứt mọi phiền não. Chọn bạn hữu xứng đáng; tìm nơi thanh vắng, xa xôi và yên tịnh; tri túc trong vật thực, y, bát, bốn vật cần thiết và giường ngủ.

Không nên luyến ái những vật ấy, hãy để nó trở về với cát bụi. Nghiêm trì Giới luật thu thúc lục căn. Hãy thận trọng căn chừng nhục dục - hãy nhàm chán thế gian. Hãy rời bỏ cái hào nhóang bề ngòai của sự vật. Hãy rời bỏ nơi nào mà dục tình ngự trị. Hãy luyện tâm, chăm chú vững chắc và vắng lặng. Phát triển những gì không nuôi dưỡng bề ngòai (Sutta Nipàta).

Ðể dẹp đi tư tưởng luyến ái phát sanh Ðức Phật đã dạy La-hầu-la một bài pháp thâm diệu như sau: "Này La Hầu La, bất cứ sắc pháp nào, quá khứ, vị lai, hiện tại nội hay ngọai, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả sắc pháp phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta." Và Ðức Phật da� rằng không chỉ riêng sắc mà thôi mà cả thọ, tưởng, hành và thức.

Vâng lời dạy khuyên của đức Phật và Ngài Xá-lợi-phất, La-hầu-la cần chuyên tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra, làm cho sung mãn, được quả lớn được lợi ích lớn theo các đề mục thuộc nội thân, thuộc hư không giới, lòng từ. . để trừ diệt mọi xan tham cấu uế...

Ðến khi La-hầu-la đã thuần thục những pháp đưa đến giải thoát, Ðức Phật lại huấn luyện cho La-hầu-la hơn nữa trong sự đoạn tận các lậu hoặc. Quán vạn pháp là vô thường vị đa văn Thánh đệ tử yếm ly các pháp được khởi lên. Do yểm ly vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thóat. Trong sự giải thoát là sự hiểu biết: "Ta đã được giải thoát." Và vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui lại trạng thái này nữa." Ngay sau khi nghe bài Kinh này Tôn giả La-hầu-la được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ. Không bao lâu, Ngài đắc quả -la-hán.

Mười bốn năm sau khi Ðức Phật thành đạo, sa-di La-hầu-la thọ cụ túc giới. Ngài viên tịch trước Ðức Phật và Ðức Xá-lợi-phất. Tôn giả La-hầu-la là một trong thập đại đệ tử của Phật nổi tiếng về mật hạnh đệ nhất.

Từ câu chuyện cuộc đời tu hành của Tôn giả La-hầu-la, chúng ta có thể nhận được gia tài siêu thế mà Ðức Thế Tôn đã trao lại cho La-hầu-la và tất cả những người con mang dòng họ Thích. Ðó là cuộc sống thoát ly thế gian đầy phiền não, giữ hạnh chơn thật, giữ thân khẩu ý hằng thanh tịnh, thu thúc lục căn, xa lánh dục tình, tu tập thiền quán và quán pháp vô ngã.

Tuổi thơ của La-hầu-la sớm được huân tập trong giới pháp, công phu và thiền định, Diễm phúc được làm con Ðức Phật, người đã chứng ngộ chân lý, La-hầu-la đã không ngừng cần chuyên tu tập để cuối cùng cắt đứt và phá vỡ mọi thằng thức, tận diệt mọi tham ái và đạt được mục đích cao thượng. La-hầu-la thực sự trở thành người chủ của gia tài siêu thế và cũng là tấm gương sáng cho các thê hệ Tăng Ni trẻ.

...Nếu ngày xưa, La-hầu-la là vị sa-di trẻ tuổi nhất được Ðức Phật và Tăng Ðòan dìu dắt từng bước tu tập giác ngộ thì ngày nay các vị sa-di và chư vị Tỳ-kheo cũng được chư vị tôn đức và giáo hội quan tâm, tạo mọi điều kiện để được học tập về cả hai phương diện đạo học và thế học. Tăng Ni trẻ cũng rất thông minh, nhạy bén với các kiến thức mới, thành thạo trong các kỹ năng xử dụng khoa học kỹ thuật... Nhưng giữa rừng kiến thức mênh mông Ðông, Tây, kim, cổ...tất cả chúng ta đều không thể quên con đường siêu thế của Ðức Thế Tôn. Còn những gì đang giữ chân ta chậm bước trên Ðạo lộ giải thóat? Phải chăng là chút danh tiếng, lợi dưỡng, chút vị kỷ, tham ái... vẫn còn rơi rớt trong từng chiều sâu tâm thức?

Kỷ niệm ngày Phật Thành Ðạo được tổ chức trang nghiêm và ý nghĩa tại Bồ-đề Ðạo Tràng trong năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, phải chăng là một dấu ấn mới mà chư vị Tôn đức muốn khắc sâu vào tâm khảm chúng ta về con đường chứng Ðạo của Ðức Bổn Sư Thích-ca-mâu-ni - con đường siêu thế Ngài đã vạch rõ cho cho tất cả chúng ta với tình thương giải thóat. Ðó là một đạo lộ vững chắc trong cuộc chiến đấu chống lại cái ta, cái tham ái, cái dục vọng, si mê...để cuối cùng là sự chiến thắng và sự chứng ngộ vẻ vang. Những người con mang dòng họ Thích vẫn sẽ không ngừng thẳng tiến trên Ðạo lộ Giải thoát với tinh thần Bi Trí Dũng. Một điều chắc chắn rằng: Không chỉ Bodhgaya mới có Bồ-đề Ðạo Tràng mà trong mỗi chúng ta Ðạo Tràng Bổn Tâm kỳ diệu đang được thiết lập trở lại trong khúc khải hòan ca của bản nhạc vô sanh bất diệt./.

Thích Nữ Hương Nhũ

-oOo-

Source: Ðạo Phật Ngày Nay, http://www.buddhismtoday.com


[Trở về trang Thư Mục]