BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with
Unicode
Times font
thấy
"đúng như thực",
gọi là chánh kiến,
tin "đúng như thực",
gọi là chánh tín.
-oOo-
Trong các kinh sách, Chư Tổ luôn luôn, nhắc nhở chúng ta:
"Cốt tủy Ðạo Phật
giúp đỡ con người
đạt được giác ngộ
và được giải thoát".
Hiện nay con người, tìm đến đạo Phật, thường bằng lý trí, trí tuệ bát nhã, hiểu biết chân chánh, tức là "chánh kiến", mới mong đạt được, mục tiêu "giác ngộ". Con người cũng đến, với đạo Phật bằng, niềm tin chân chánh, lý trí sáng suốt, tức là "chánh tín", mới mong đạt được, mục tiêu "giải thoát". Con người không tìm, đến với đạo Phật, chỉ bằng đức tin, niềm tin mù quáng. Con người không tìm, đến với đạo Phật, qua các nghi lễ, hình thức cúng kiến, nhứt là không phải, qua các hình thức, mê tín dị đoan.
Trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ học hiểu, những giáo pháp Phật dạy, trong tam tạng kinh điển, để có được chánh kiến, và đạt được chánh tín, nhằm mục đích tạo dựng, cuộc sống của mọi người, an lạc và hạnh phúc, ngay trên hiện đời này, đồng thời nhằm mục đích, giác ngộ và giải thoát. Là Phật Tử chân chánh, tại gia hay xuất gia, chúng ta phải tuyệt đối, hiểu thực rõ ràng rằng: Thế nào là chánh kiến? Thế nào là chánh tín?
Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy:
"Không nên tin ngay
tất cả những gì
người xưa đã nói,
tất cả những gì
người có thế lực
đạo cũng như đời
tất cả những gì
người bề trên nói,
tất cả những gì
nhiều người tin theo,
có ghi trong sách.
Chỉ nên tin theo
những gì có thể
kiểm nghiệm lại được,
đúng với chân lý,
đúng với lẽ thực,
thông qua trí tuệ
sáng suốt thông minh,
thấy có ích lợi
cho bản thân mình
và cho mọi người".
Trước khi Ðức Phật, đản sanh ra đời, ở xứ Ấn Ðộ, có hằng trăm thứ, đạo giáo khác nhau. Chẳng hạn như là: đạo thờ thần lửa, thờ thần sấm sét, có đạo thờ rắn, có đạo thờ bò. Có đạo chủ trương, hành hạ xác thân, cực kỳ đau đớn, như là lấy roi, tự đánh vào thân, chân đi trên lửa, đứng ngoài nắng cháy, như thiêu như đốt, nằm trên bàn chông, ngủ ngồi quanh năm, treo ngược hai chân, ăn uống đồ hẩm. Họ quan niệm rằng, thân xác con người, chính là nguyên nhân, gây nên tất cả, tội lỗi trên đời, thời phải hình phạt, để đạt thiên đàng.
Trong các thư viện, tại Toronto, xứ Canada, có rất nhiều sách, nghiên cứu chuyên môn, tôn giáo Ấn Ðộ, nhiều bộ đầy đủ, những hình ảnh trên. Những người quyền thế, đạo cũng như đời, vào thời bấy giờ, thời nào cũng vậy, trên trái đất này, cố tình tạo ra, những sự linh thiêng, huyền bí mơ hồ, dễ bề mê hoặc, lòng người dễ tin, chỉ nhằm mục đích, củng cố địa vị, ăn trên ngồi trước, vinh thân phì gia, không làm có ăn, khoác lên bên ngoài, lớp vỏ tín ngưỡng, tôn giáo thần quyền, không cần giải thích, người nào chỉ trích, dọa sa địa ngục.
Ðến khi Ðức Phật, đi khắp bốn phương, giảng giải chân lý, truyền bá Chánh Pháp, nhằm mục đích đem, ánh sáng trí tuệ, khai mở tâm trí, mù mờ tối tăm, của người thế gian. Số người ngưỡng mộ, quay về qui y, từ bỏ con đường, mê tín sai lầm, tầm về chánh đạo. Ðiều này làm cho, các đạo thêm lo, mất dần tín đồ, niềm tin suy sụp, không còn uy tín, đem lòng căm giận, lấy làm tức tối, gây nhiều rắc rối, tạo lắm chướng nạn, trở ngại bước đường, hoằng pháp độ sanh, của Ðức Thế Tôn, qua các hình thức, phỉ báng mạ lị, vu khống xuyên tạc, vu oan giá họa.
Bởi vì vô minh, cho nên con người, rất dễ tin theo, những gì có vẻ, linh thiêng huyền bí, những gì có vẻ, khó hiểu mơ màng, cứ nghe nhiều người, loan truyền rao giảng, là tin theo ngay, không cần suy nghĩ, không cần tìm hiểu, hư thực ra sao? Có khi con người, tin theo những gì, người đời trước tin, làm theo những gì, người đời trước làm, nhắm mắt tin theo, những gì rao truyền, một cách ngây thơ, thực tơ lơ mơ, không cần suy xét, không cần chiêm nghiệm, không dùng lý trí, không biết điều đó, là đúng hay sai, không thể kiểm chứng, sự thực như thế nào, miễn là được các, tổ chức tín ngưỡng, xác nhận là thực! Ngày xưa bên Tàu, có một thiền sư, trước khi ngồi thiền, bảo người đệ tử, bắt nhốt con mèo, hay chạy tứ tung, ngao ngao om sòm. Người thuộc đời sau, không hiểu lý do, tưởng rằng việc đó, không thể nghĩ bàn, ích lợi thiêng liêng, cho việc ngồi thiền, bèn kiếm cho được, vài ba con mèo, càng nhiều càng tốt, bắt nhốt xong rồi, mới ngồi ngay ngắn, ở trên bồ đoàn, lim dim tọa thiền!
Vì không chịu học, tìm hiểu giáo lý, biết bao nhiêu người, gọi là Phật Tử, tại gia xuất gia, tin theo đạo Phật, khác gì ngoại đạo. Ngoại đạo ở đây, nghĩa là vẫn thờ, tượng Phật tại gia, hay là tại chùa, nhưng vẫn thường ngày, "ngoài tâm cầu đạo", chỉ biết lo chuyện, cúng kiến lễ nghi, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, tai qua nạn khỏi, cầu khẩn van xin, thần linh phù hộ, cầu nguyện khấn vái, đủ thứ mọi điều, không hiểu không biết, Phật ở nơi đâu. Tại sao lạ vậy?
Chúng ta nên nhớ, chư Tổ có dạy: "Phật Tức Là Tâm, Tâm Tức Là Phật". Ngoài Tâm không Phật, cầu đạo ngoài Tâm, là nghĩa lý gì? Phật không ở chùa, không ở trong tượng, bằng đồng hay cây, không ở trên mây, trên non trên núi, không ở dưới suối, dưới sông dưới biển. Chúng ta không cần, phải đi đến xứ, Ấn Ðộ xa xôi, bất cứ nơi đâu, mới thấy được Phật. Vậy chúng ta đi, tìm Phật ở đâu? Làm sao gặp Phật?
Xin được trả lời: Phật đang ở ngay, trong tâm chúng ta. Hay nói cách khác: Phật chính là Tâm, của chúng ta vậy. Chúng ta hành động, nói năng suy nghĩ, lợi mình hại người, Tâm Phật ẩn mất. Chúng hành động, nói năng suy nghĩ, lợi mình lợi người, Tâm Phật hiển hiện. Thực là đơn giản!
Trong kinh sách Phật, có ba môn học, giúp cho con người, phát sinh trí tuệ, là "Tam Tuệ Học", gồm "Văn, Tư, Tu". Ai muốn công phu, phát triển trí tuệ, thông minh sáng suốt, trên đường tu học, cần phải lắng nghe, thuyết pháp giảng kinh, cần phải học hỏi, thiện hữu tri thức, rồi phải tư duy, quán tưởng suy nghĩ, một cách chín chắn, một cách tường tận. Khi nào nhận thấy, ích lợi bản thân, ích lợi mọi người, mới đem ứng dụng, thực tập tu hành, mới đem áp dụng, cuộc sống hằng ngày. Không phải tin ngay, bất cứ điều gì, không cần nghĩ suy, ai bảo cũng làm, không cần kiểm chứng, ai nói cũng nghe, không cần tìm hiểu, mặc dù điều đó, được ghi là lời, Phật dạy cũng vậy, mặc dù được chép, ở trong các sách, gọi là kinh điển, cũng vậy mà thôi!
* * *
Trước hết chúng ta, cần biết định nghĩa, chánh kiến chánh tín. Chánh kiến đó là: kiến thức chân chánh, hiểu biết sáng suốt, đúng theo lẽ thực, đúng theo chân lý. Chánh tín đó là: niềm tin chân chánh, tin có căn cứ, thông qua trí tuệ, lý trí sáng suốt.
Nói tóm gọn là:
thấy "đúng như thực",
gọi là chánh kiến,
tin "đúng như thực",
gọi là chánh tín.
Chánh kiến đó là, bước đường thứ nhứt, trong "bát chánh đạo", gồm có: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chánh kiến đó là, điều kiện thiết yếu, quan trọng hàng đầu, để giúp con người, có được chánh tín, để giúp con người, phán đoán nhận xét, nhìn thấy rõ ràng, vạn pháp thế gian, đúng với bản chất, đúng với thực tướng, không qua hiện tướng, hình thức bên ngoài, không hề trốn tránh, sự thực cuộc đời.
Ðạo Phật chính là, đạo xuất thế gian, vượt qua thế gian, nhưng không xa rời, thế gian hiện tại. Ðạo Phật vào đời, để giúp con người, cư trần lạc đạo, giác ngộ chân lý, giải thoát phiền não, sanh tử khổ đau, luân hồi nhiều kiếp, nhưng không hề bị, vẩn đục vì đời, ví như hoa sen, mọc từ bùn nhơ, không nhơ vì bùn, vẫn tỏa hương thơm, khắp nơi khắp chốn.
Phật giáo chánh truyền,
cứu độ nhân loại,
đang ở thế gian,
cư trần lạc đạo,
an lạc hạnh phúc,
giác ngộ giải thoát,
chứ không phải đợi,
con người chết rồi,
làm lễ cầu siêu,
tiêu diêu cực lạc.
Chúng ta tìm hiểu, bốn thứ chánh kiến, quan trọng sau đây:
Một: "Lý Nhân Quả", hay: "Lý Nhân
Duyên".
Hai: "Lý Vô Thường".
Ba: "Lý Duyên Khởi".
Bốn: Thập Như Thị".
* * *
Lý nhân quả:
Ngày nay nhờ có, kiến thức khoa học, chúng ta hiểu rõ, nếu gieo hạt cam, cộng thêm "trợ duyên", như là nước tưới, ánh sáng phân bón, công sức chăm sóc, một thời gian sau, chúng ta có thể, gặt được quả cam. Nói tóm gọn là: "Nhân nào quả nấy". Ðôi khi có nhân, nhưng thiếu trợ duyên, cũng không được quả. Cho nên được gọi, là lý nhân quả, hay lý nhân duyên, chính nghĩa đó vậy. Lý nhân quả được, ứng dụng ba thời: quá khứ hiện tại, và cả vị lai. Nghĩa là: Có những nghiệp nhân, tạo tác trước đây, ở trong quá khứ, chúng ta nhận được, nghiệp quả tương ứng, ở trong hiện tại. Có những nghiệp nhân, ngày nay tạo tác, ở trong hiện tại, chúng ta sẽ nhận, nghiệp quả tương ứng, ở trong vị lai. Cũng ví như là, tùy theo hạt giống, trồng được quả sớm, có những hạt giống, trồng được quả muộn, sau một thời gian, ngắn dài nào đó.
Cho nên chúng ta, cũng đừng ngạc nhiên, khi thấy những kẻ, đang gây nghiệp nhân, xấu xa gian ác, tức là những người, đang làm các việc, bất thiện bất lương, vẫn được giàu sang, sung sướng bình yên. Tại sao như vậy? Bởi vì họ đang, hưởng nghiệp quả tốt, từ nghiệp nhân lành, tạo tác kiếp trước, trong kinh sách gọi, đó là "phước báo". Tức là họ đang, hưởng được phước báo, đã gieo đã làm, từ nhiều kiếp trước. Ðến khi hưởng hết, phước báo đó rồi, họ sẽ bắt đầu, gặt hái "quả báo", từ việc xấu ác, bất thiện bất lương, họ đang gây ra. Cho đến khi đó, nhẹ thì họ bị, tán gia bại sản, tiêu tan sự nghiệp, nặng thì họ bị, vong mạng thảm tử, chết chẳng toàn thây.
Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy:
"Con người đang hưởng
phước báo đời trước,
ví như mủi tên
bắn lên không trung.
Mủi tên bay lên
rất nhanh rất mạnh,
ví như con người
gặp sự may mắn,
tốt đẹp như ý.
Khi phước báo hết,
con người bắt đầu
đền trả nghiệp báo,
ví như mủi tên
hết trớn bay lên
thì rơi xuống đất
cũng nhanh như vậy".
Do đó chúng ta, cũng đừng ngạc nhiên, đã làm đang làm, bao nhiêu việc lành, việc thiện việc tốt, giúp người giúp đời, bố thí cúng dường, đi chùa tụng kinh, niệm Phật ngồi thiền, nhưng vẫn gặp nạn, khổ sở điêu đứng, kiện thưa làm tiền, nạn tai liên miên. Tại sao như vậy? Bởi vì, nghiệp nhân thiện lành, chúng ta đã làm, đang làm hiện đời, chưa có kết quả. Trái lại, chúng ta đang thọ, lãnh nghiệp báo xấu, đó là hậu quả, còn gọi quả báo, từ những nghiệp nhân, chẳng lành đời trước, do chính chúng ta, đã tạo tác ra, ở trong quá khứ. Hiểu được như vậy, chúng ta vẫn cứ, tinh tấn tiếp tục, việc thiện việc tốt, làm không ngừng nghỉ, không hề mệt mỏi, tạo thêm phước báu, trong khi vẫn chịu, nghịch cảnh khổ nạn. Ðiều đó đạo Phật, gọi chánh tinh tấn, trong bát chánh đạo, vừa kể trên đây.
Chúng ta đừng vội, cho là ở đời, "hiền không gặp lành", đừng vội nghĩ rằng, làm ác sướng hơn, đừng vội tin rằng, thủ đoạn càng nhiều, được lợi lộc nhiều. Tại sao như vậy? Bởi vì, không thể có chuyện, gieo hạt nhân cam, lại gặt quả chanh, hoặc là ngược lại. Nhân nào thì quả nấy, có lửa thì có khói, gieo gió thì gặt bão, sinh sự thì sự sinh, làm thiện thì gặp lành, làm ác thì gặp dữ, chạy trời sao khỏi nắng! Cũng có trường hợp, quả báo nhãn tiền. Quả báo nghĩa là, nghiệp quả nghiệp báo, phải nhận phải chịu, từ các nghiệp nhân, thiện ác đã tạo. Quả báo nhãn tiền, tức là gieo nhân, thì gặt quả ngay, là "kết quả tốt", hay "hậu quả xấu", ngay trên hiện đời.
Thí dụ như: chăm chỉ thì học giỏi, cần mẫn thì sung túc, tiết kiệm thì có dư, điều độ thì sống lâu, có ăn thì no bụng, thể dục thì khỏe thân. Thí dụ như: ngậm máu phun người, liền dơ miệng mình, nghiện ngập khổ thân, lười biếng nghèo nàn, cờ bạc nợ nần, hoang phí đói rách, trộm cướp tù đày, hại người người hại, gậy ông đập ông, viết thư nặc danh, xanh xao hao sức, chẳng ích lợi gì, cho thân và tâm, của chính tác giả.
Tuy nhiên, dù nghiệp nhân đã, lỡ tạo tác rồi, từ nhiều kiếp trước, hay ngay kiếp này, nhưng nếu chúng ta, "biết dừng nghiệp, biết chuyển nghiệp", tức là mình biết, ăn năn sám hối, quày đầu hướng thiện, tu tâm dưỡng tánh, tu nhơn tích đức, thì khi nghiệp quả, hay là nghiệp báo, nói chung "quả báo", dù có xảy đến, cũng nhẹ bớt đi, nhờ có "phước báo", do mình tạo được, che chở cho mình. Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Bằng như không biết, dừng nghiệp chuyển nghiệp, thì khi nghiệp quả, hay là nghiệp báo, nói chung quả báo, đến lúc xảy ra, chúng ta lãnh đủ. Thí dụ như là: mình biết tiết kiệm, cần kiệm dành dụm, sẽ có khả năng, trả bớt trả dứt, nợ nần xưa vậy. Tiền bạc tiết kiệm, ví như phước báo, còn nợ nần xưa, dụ cho quả báo.
Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy, thí dụ như sau: Một người bị buộc, phải nuốt nắm muối, quả thực khổ sở, vô cùng vô tận. Nếu như người đó, bỏ nắm muối vào, trong một tô nước, rồi uống thì sẽ, đỡ khổ một chút. Nếu như người đó, bỏ nắm muối vào, trong một lu nước, rồi uống thì sẽ, đỡ khổ nhiều hơn. Nếu như người đó, bỏ nắm muối vào, trong một hồ nước, rồi uống thì sẽ, không khổ bao nhiêu, hoặc là không có, thấy khổ gì cả. Nắm muối tượng trưng, cho cái "quả báo", phải chịu thọ nhận, từ nghiệp xấu ác, tạo tác bất thiện. Tô nước lu nước, hay là hồ nước, tượng trưng "phước báo", ít hay là nhiều, từ nghiệp nhân thiện, tích lũy có được, từ nhiều kiếp trước, cho đến ngày nay.
Hiểu lý nhân quả, một cách tường tận, không sai như vậy, chúng ta sẽ bớt, phiền não khổ đau, rất nhiều không ít. Chẳng hạn như là, mới gặp người nào, nhưng họ thù ghét, không ưa không thích, chúng ta phải quán: chuyện đó không phải, là chuyện tự nhiên, không phải tự dưng, họ lại ghét mình. Nhứt định chúng ta, đã gây oán hờn, với họ đời trước, hoặc ngay đời này, tại mình không biết, không để ý thôi. Hiểu được như vậy, chúng ta không bực, không sanh phiền não, không trách cứ người, chỉ biết trách mình, càng thận trọng hơn, trong cách cư xử, trong các hành động, hay trong lời nói, ngay trong tư tưởng, để không tạo thêm, các nghiệp nhân mới, giảm bớt oán xưa. Chẳng hạn như có, người đem bụi dơ, ném vào chúng ta. Chúng ta hiểu ngay, đó là nghiệp quả, hay là nghiệp báo, nói chung quả báo, đang đến với mình. Chúng ta chỉ nên, tự lo trong sạch, thân và tâm mình, không ném trả lại, bụi dơ người đó. Bằng không như vậy, cả hai đều dơ, lem luốc toàn thây!
Sách có câu:
"Trách người một trách ta mười,
Bởi ta tệ trước nên người bạc sau".
Nghĩa là chúng ta, có bị người đời, đối xử bạc bẽo, cũng do chúng ta, đối xử tàn tệ, với họ trước kia. Chúng ta can đảm, nhận lỗi về mình, đừng đổ cho người, cũng đừng than phiền, đừng trách móc ai. Chúng ta cũng cần, nên biết rõ rằng: "Chẳng thể có quả, mà không có nhân". Nghĩa là: không bao giờ có, chuyện gì xảy ra, mà lại không có, những nguyên nhân xa, và nguyên nhân gần, chỉ tại chúng ta, không chịu quán chiếu, không chịu hiểu thôi.
Hiểu lý nhân quả, một cách tường tận, không sai như vậy, chúng ta sẽ thấy, phiền não khổ đau, an lạc hạnh phúc, đều do chính ta, chủ động tạo tác, không do thượng đế, hay thần linh nào, ban phước giáng họa. Chúng ta có làm, bất cứ điều gì, phải can đảm chịu, phải can đảm nhận. Nói cho gọn là: "Dám làm thì dám chịu". Sách cũng có câu: "Tự tác hoàn tự thọ", chính là nghĩa đó vậy.
Chẳng hạn như khi, có chuyện bất hòa, tranh chấp trong nhà, chúng ta phải ráng, cố gắng tìm hiểu, nguyên nhân gây ra, do tâm ích kỷ, do lòng tham lam, do sự cố chấp, những người trong nhà, chấp chặt ý kiến, tư tưởng cá nhân. Tìm được nguyên nhân, chúng ta tích cực, sửa đổi chuyển hóa, tâm tánh của ta, chứ đừng có la, là tại người khác. Như vậy, chúng ta mới có, khả năng xây dựng, mái ấm gia đình, an lạc hạnh phúc, vui vẻ bình yên.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy:
"Vũ trụ vạn vật
tùy nhân duyên sinh".
Nghĩa là: vũ trụ vạn vật, đều do nguyên nhân, tùy duyên sanh ra, chứ không phải do, một vị thượng đế, một đấng tạo hóa, toàn năng toàn quyền, sinh ra tạo ra. Có người thắc mắc: Nói nhân duyên sinh, là nghĩa thế nào? Câu trả lời là: "Thử hữu cố bỉ hữu. Thử sinh cố bỉ sinh".
Nói một cách khác:
"Do cái này có,
nên cái kia có,
do cái này sanh,
nên cái kia sanh".
Chẳng hạn như là: có chọc con chó, mới bị chó cắn. Muốn không bị cắn, thì đừng chọc chó, tránh xa nó đi! Thực vậy thời nay, chúng ta hiễu rõ: có lửa mới có khói, có ăn mới có no, có tu mới có chứng, có học mới có hiểu, có mây mới có mưa, có gieo trồng hạt nhân, mới có gặt hái quả. Không có trời nào, làm ra mưa cả, mặc dù chúng ta, quen gọi trời mưa, hay là trời nắng! Không có thiên lôi, làm ra sấm sét, hù dọa con người. Chỉ tại con người, lạc hậu kém cỏi, ít học giáo lý, mê tín dị đoan, tưởng tượng có trời, tin có thượng đế, quyền năng tuyệt đối, có thể ban phước, có thể giáng họa, rồi tự hoảng sợ, giống như con nít, hay sợ bóng ma, sợ luôn ông kẹ, chỉ vậy mà thôi, không có gì khác.
Khi trong gia đình, có chuyện bất hòa, chúng ta hiểu ngay, là chính mình đã, "làm việc gì đó", mới khiến người khác, phản ứng như vậy. Chúng ta phải tự, xét lại chính mình, trước khi mở lời, trách móc người khác. Chắc chắn là do, mình làm "chuyện đó", cho nên mới có, "chuyện này" xảy ra, cho nên người ta, mới làm "chuyện kia", đáp ứng đó thôi.
Nói một cách khác:
"Do cái chuyện kia,
xảy ra trước đây,
nên cái chuyện này,
tương ứng xảy ra".
Chẳng hạn như là: mình có kỳ cục, người khác mới bực. Chẳng hạn như là: mình nói khó nghe, mới bị chúng chửi! Nếu như chúng ta, dễ tính dễ thương, thì được yêu mến, mọi người quí trọng. Khi thấy người khác, tỏ vẻ bực bội, nếu như chúng ta, chỉ biết trách cứ, chỉ biết đối đáp, chỉ biết trả đủa, càng làm lớn chuyện, thêm ra mà thôi. Tây phương có câu: "Do not sweat the small stuff, it is all small stuff". Chuyện nhỏ bỏ đi, đừng thêm to chuyện. Chiêm nghiệm suy xét, kỹ lưỡng như vậy, chúng ta tạo được, hạnh phúc gia đình, không khó khăn gì.
Chúng ta cũng cần, nên biết rõ rằng: "Không có việc gì, ở trên đời này, tự nhiên sinh ra". Không thể tự nhiên, cái cây mọc lên, mà lại không có, hạt giống trong đất. Không thể tự nhiên, có người đến mắng, chửi mình khơi khơi, không thể tự nhiên, có người ghen ghét, mà lại không do, chính chúng ta làm, các điều sái quấy, dù là vô tình, hay là cố ý. Không thể tự nhiên, mình gặp tai nạn, thương tích chết người, mà lại không có, quả báo từ trước, do chính mình tạo. Không thể tự nhiên, con cái ngỗ nghịch, trong khi chúng ta, không có lỗi gì. Trong sách có câu: "Nhân chi sơ tánh bổn thiện". Con cái mất dạy, là do chúng ta, không biết cách dạy, đừng trách tuổi trẻ, hãy trách chính mình. Hiểu được như vậy, còn gì ngạc nhiên, đáng bực nữa đâu?
Muốn trị thân bệnh, tức là trị dứt, bệnh tật thân thể, chúng ta cần phải, đi khám bác sĩ, phải chịu uống thuốc, ăn uống điều độ, giữ vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân, phải tập thể dục, đều đặn thường xuyên. Chứ không phải là, chỉ biết cầu xin, thượng đế thánh thần, Trời Phật ông bà, hay là tìm uống, nước sông nước suối, ngu si tưởng là, nước tiên nước thánh, chữa hết bệnh được. Nếu có thực vậy, các vị giáo chủ, đã đi đến đó, lấy nước về uống, trị đủ thứ bệnh, không cần bác sĩ, không cần bệnh viện, không cần thuốc men! Càng tệ hơn nữa, đi gặp mấy ông, mấy bà thầy bói, thầy bùa đồng cốt, để thỉnh bùa chú, thỉnh kính chiếu yêu, dán đầy nhà cửa, trừ tà trừ ma, hay đem đốt uống!
Muốn trị tâm bệnh, tức muốn giảm bớt, phiền não khổ đau, mau mau biết rõ, nguyên nhân gây ra, những hậu quả đó, để rồi tích cực, tu sửa bản thân, chứ không u mê, than trời trách đất, chẳng ích lợi gì. Cảnh giới thiên đàng, hay là địa ngục, tất cả tùy thuộc, ở nơi chúng ta, tạo tác mà ra, không từ đâu tới, không do chúa trời, thánh thần quỉ vật, quyết định ban cho. Ðó chính thực là, chánh kiến quan trọng, tất cả chúng ta, cần phải nên có, phải hiểu phải biết, để chuyển hóa được, cuộc sống tốt hơn.
* * *
Lý vô thường:
Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy:
"Phàm sở hữu tướng
giai thị hư vọng".
Nghĩa là: bất cứ thứ gì, có hình có tướng, trên phàm trần này, đều là hư vọng, giả dối không thực, không tồn tại mãi, cũng phải biến hoại, trở lại thành không, giai thị hư vọng, chính nghĩa như vậy. Mọi sự mọi vật, trong thế giới này, đều phải trải qua, đủ bốn giai đoạn: "sinh, trụ, dị, diệt", hoặc bốn giai đoạn: "thành, trụ, hoại, không". Từ những vật nhỏ, cái bàn cái ghế, cái nhà cái cửa, kể luôn cả cái, xác thân tứ đại, tất cả chúng ta, đến những thứ to, núi non địa cầu, thảy đều sinh ra, và được hình thành, tồn tại trụ thế, thời gian nào đó, rồi cũng biến dị, hủy hoại hư hao, cho đến ngày nào, thành ra cát bụi, không có còn nữa. Chúng ta ai ai, cũng đều biết rằng: "Có sinh ắt có diệt".
Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy:
"Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điển
Ưng quán như thị tác".
Nghĩa là: tất cả mọi pháp, sự sự vật vật, trên cõi đời này, đều như giấc mộng, huyễn hóa không thực, như là ảo thuật, giả tạo tạm thời, như là bào bọt, bóng nước mong manh, ảo ảnh mơ màng, giọt sương dễ tan, như là điện chớp, thấy đó mất đó, không có thứ gì, tồn tại vĩnh viễn. Hiểu lý vô thường, một cách tường tận, một cách sâu sắc, một cách thấm nhuần, chúng ta sẽ không, phiền não khổ đau, chẳng hạn như khi, chiếc xe hư hoại, một vật hiếm quí, mất mát rớt bể, thậm chí đến khi, người thân đau bệnh, có mệnh hệ nào, hoặc chính chúng ta, đến ngày bỏ lại, xác thân tứ đại, và phải ra đi, bên kia thế giới. Hoặc khi con cái, lỡ tay đập bể, đồ đạc thứ gì, dù quí đến đâu, nhưng nhờ thấu hiểu, được lý vô thường, một cách thấu đáo, chúng ta sẽ không, vì thương tiếc của, la rầy mắng nhiếc, con cái trong nhà. Gia đình nhờ đó, an lạc hạnh phúc, bình yên vui vẻ.
Hiểu lý vô thường, một cách mạnh mẽ, chúng ta sẽ không, ngạc nhiên khi thấy, một người thân thiết, biến thành kẻ thù, không đội trời chung, một người tốt bụng, biến thành kẻ xấu, hay là ngược lại, một người ơn nghĩa, thành kẻ oán thù, một kẻ si mê, thành người giác ngộ. Tại sao như vậy? Bởi vì:
Tâm của con người,
cũng như thân người,
không phải bất biến,
không phải vĩnh cửu,
không phải thường hằng,
không phải cố định,
mà đó chỉ là,
một dòng năng lực,
chuyển biến không ngừng,
tùy duyên mà có,
tùy duyên mà thành,
và cũng tùy duyên,
mà diệt mất đi.
Cũng vậy con người, tùy theo lợi lộc, tâng bốc tán dương, khen ngợi ca tụng, bốc thơm xum xoe. Con người cũng vậy, tùy theo lợi lộc, hạ nhục phỉ báng, chỉ trích bới móc, bôi tro trét trấu, ném đá giấu tay, viết thư nặc danh, hăm he hù dọa, vu oan giá họa, lôi nhau ra tòa, kiện cho te tua, tán gia sạt nghiệp! Thực chẳng có gì, đáng ngạc nhiên cả! Mọi sự thăng trầm, thể chất tâm linh, giống như dòng nước, luôn luôn trôi chảy, luôn luôn biến đổi, không bao giờ ngừng, không bao giờ nghỉ, dù trong giây phút. Một thành phố có, nhà cửa cầu cống, đường xá xa lộ, đồ sộ nguy nga, vĩ đại huy hoàng, chỉ qua một đêm, có trận động đất, chỉ còn lại là, một đống gạch vụn, khổng lồ mà thôi. Một người mạnh khỏe, sinh lực dồi dào, sau một cơn đau, thập tử nhứt sinh, trở nên tàn phế! Thường xuyên quán chiếu, lý lẽ vô thường , chúng ta giảm bớt, phiền não khổ đau, không sao tránh khỏi.
* * *
Lý duyên khởi:
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật giảng dạy, rõ lý duyên khởi. Chúng ta biết rằng, trên cuộc đời này, mọi sự mọi vật, không có bao giờ, bình yên trôi chảy, không có bao giờ, an ổn như ý, chúng ta mong muốn. Việc này vừa xong, việc khác xảy đến. Chuyện này chưa dứt, chuyện khác đã tới, liên miên tiếp tục, không bao giờ ngừng, cũng như gió thổi, ngoài biển khơi vậy.
Tây phương có câu: "Que sera sera! ", hay: "What will be will be! ". Nghĩa là: "Chuyện gì phải đến, thì nó sẽ đến!". Không sao tránh được, chuyện đời như vậy, chúng ta chấp nhận, một cách bình tĩnh, một cách thản nhiên, bình yên tự tại. Không thể cầu được, bình yên an ổn, trong khi chúng ta, không có phước báo, nên nhớ cho kỹ.
Trong sách có câu: "Có phước hưởng phước". Chúng ta không thể, an nhiên hưởng phước, trong khi không chịu, làm việc phước thiện, tạo thêm phước báu, chỉ biết van xin, cầu nguyện thần linh, làm sao có phước, để mà hưởng được? Như muốn xài tiền, thì phải làm việc, để kiếm ra tiền, hoặc phải có tiền, chứ đi xin tiền, thì ai mà cho? Ðó là sự thực, hiển nhiên rõ ràng. Nếu như chúng ta, nhận thức được vậy, sẽ không ngạc nhiên, không bị đau khổ, khi phải đối đầu, cảnh ngộ phiền não, liên tiếp xảy ra, trên cuộc đời này, trong đời chúng ta. Người nào chịu nổi, qua được bát phong, tức là có tám, ngọn gió thế gian, luôn luôn thổi tới, người đó được gọi là: "bát phong xuy bất động", chính là bậc đại nhân. Bát phong đó là: "lợi suy, hủy dự, xưng cơ, khổ lạc", tức là bốn cặp: lợi lộc suy sụp, hủy báng khen tặng, tán thán chỉ trích, khổ nạn sung sướng.
Sách cũng có câu: "Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí". Nghĩa là: các điều phước báu, các việc may mắn, không đến hai lần, trái lại tai họa, liên miên xảy tới, mới hết chuyện này, chuyện khác xảy ra, dồn dập ngất ngư, tâm tư khủng hoảng.
* * *
Thập như thị:
Trong Kinh Pháp Hoa, còn được gọi là: Diệu Pháp Liên Hoa, Ðức Phật có dạy, mười điều đương nhiên, đúng thực như thế, là "thập như thị". Ðó là: như thị tánh, như thị tướng, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhơn, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh. Nghĩa là: Bởi do tâm tánh, con người như vậy, cho nên hình tướng, con người như vậy. Bởi do bản thể, con người như vậy, cho nên nghiệp lực, con người như vậy. Bởi do tạo tác, con người như vậy, cho nên gây ra, nghiệp nhơn như vậy, nghiệp duyên như vậy, cho nên nghiệp quả, con người như vậy. Bởi do nghiệp báo, con người như vậy, từ xưa đến giờ, cứu cánh con người, cũng chỉ như vậy.
Thí dụ như khi, người ta ghen ghét, đưa lửa tới đốt, nếu như chúng ta, đưa bổi ra đón, ngọn lửa sẽ có, điều kiện cháy lớn. Nếu như chúng ta, không đón ngọn lửa, do người đem tới, nên ngọn lửa đó, chỉ đốt hư không. Không ai có thể, đốt hư không được. Một lát ngọn lửa, cũng sẽ tắt queo, không gây hại gì! Cũng y như vậy, khi bị người khác, công kích chỉ trích, mạ lị miệt thị, chúng ta "không chấp", chỉ coi chuyện đó, như là những chuyện, "đương nhiên phải có", ở trên thế gian, đầy dẫy tranh chấp, ganh tị đố kỵ, ta sẽ an ổn, không ai phạm được, không ai đốt được, khi tâm chúng ta, bình thản an nhiên, trống rỗng như không.
Thí dụ như là: các giới chủ nhân, muốn giới công nhân, làm việc phải nhiều, năng suất phải cao, nghiệp vụ phải tốt, nhưng phát lương thấp. Trái lại, các giới công nhân, an hưởng tấm thân, làm việc lè phè, chọn việc làm nhẹ, nghỉ nhiều làm ít, nhưng lãnh lương cao! Cuộc đời như thế, gọi là "như thị". Thí dụ như là: có hai con gà, ghét nhau tiếng gáy, có hai con người, ghét nhau tiếng nói, hai cô ca sĩ, bao giờ thương nhau. Cuộc đời như thế, gọi là "như thị". Thí dụ như là: chúng ta đem lợi, đem tài lộc đến, người ta yêu mến, nếu như chúng ta, đem phiền toái tới, người ta chửi bới. Ðem quà cáp tới, thì được hoan nghênh, đem tai họa tới, thì không được đâu. Khi chúng ta đến, các nơi công cộng, có tiền hậu đãi, không tiền bạc đãi, là lẽ thường tình. Cuộc đời như thế, gọi là "như thị".
Thí dụ như là: con người tánh tham, lại thêm lười biếng, tu thì không tiến , chỉ hành ít ít, chút chút vậy thôi, nhưng lại thích được, lên cõi thiên đàng, vãng sinh tây phương, hưởng sự sung sướng, hoặc đợi khi chết, bà con đăng báo, cầu chúc tiêu diêu, nơi miền cực lạc! Tên người quá vãng, thì nhỏ tí xíu, tên vợ tên chồng, tên người đăng báo, nhân vật tiếng tăm, thì thực to lớn, khiến cho mọi người, tưởng lầm người chết! Cuộc đời như thế, gọi là "như thị".
Hiểu đủ mười điều, đương nhiên như thế, gọi "thập như thị", như thế như vậy, tức là chúng ta, thấy tột chơn tướng, mọi pháp thế gian. Hiểu được như vậy, như thế như thị, tức là chúng ta, đã qua cơn mê, toàn chuyện trên mây, chúng ta sống đời, an lạc hạnh phúc. Tại sao như vậy? Bởi vì, chúng ta đã được, giác ngộ giải thoát. Giác ngộ tức là, qua được cơn mê, hết chuyện nằm mơ. Giải thoát tức là, an lành tự tại, thong dong thanh thản.
* * *
Tóm lại, chúng ta đang sống, trong thế kỷ mới, niên kỷ hai ngàn, tâm linh sung mãn, mạnh mẽ vững vàng, để có cuộc sống, an lạc hạnh phúc, ngay trên hiện đời, chúng ta phát tâm, cầu học Chánh Pháp, áp dụng ngay trong, cuộc sống hằng ngày, một cách tích cực, một cách mãnh liệt, một cách tinh tấn, không hề thoái chuyển. Trong các kinh sách, Ðức Phật có dạy: nhân thân nan đắc, được thân làm người, thực rất là khó. Tại sao như vậy? Bởi do nghiệp lực, dắt dẫn chúng ta, trôi lăn sanh tử, nhiều đời nhiều kiếp, sáu nẽo luân hồi. Ðó là: thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Chúng ta từng chịu, khổ đau khốn nạn, không biết cơ man, kể sao cho xiết, qua các cảnh giới, trong ba đường khổ, tam đồ ác đạo. Bây giờ chúng ta, lắng lòng thanh tịnh, cương quyết phát nguyện, tu tâm dưỡng tánh, phát triển trí tuệ, sáng suốt vi diệu, phá tan vô minh, che phủ tâm trí, tự bấy lâu nay. Cho đến một ngày, gần hay là xa, tùy theo chúng ta, công phu tu tập, nhứt định sẽ được, giác ngộ giải thoát, sẽ được thoát ly, sanh tử luân hồi, nhứt định được hưởng, cảnh giới cực lạc, cảnh giới niết bàn, cư trần lạc đạo.
Cái màn vô minh, u tối che lấp, trí tuệ sáng suốt, tất cả chúng ta, biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp rồi, như những đám mây, dầy đặc che khuất, ánh sáng mặt trăng, cũng như bóng tối, bao phủ căn phòng, đã ngàn năm qua. Nhưng chỉ cần hiểu, thực hành giáo lý, ngay trong cuộc sống, có ngày chúng ta, bổng dưng bừng sáng, giác ngộ chân lý, thấu hiểu lẽ thực, ngay trong phút giây. Cũng như chỉ cần, một cơn gió mạnh, thổi sạch đám mây, mặt trăng lại sáng, cũng như chỉ cần, bật ngọn đèn lên, căn phòng lại sáng, không cần phải đợi, cả ngàn năm sau, mới sáng tỏ được.
Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy:
"Người có chánh tín,
là người gieo trồng
các căn thiện lành
từ nơi vô lượng
ngàn muôn Ðức Phật.
Người có chánh tín,
vô lượng phước đức.
Người có chánh tín
không hề cố chấp
tướng ngã,tướng nhân,
và tướng chúng sanh,
cùng tướng thọ giả,
tức không chấp ngã,
cũng không chấp pháp".
Chư Tổ có dạy:
"Tu mà không học,
đúng là tu mù.
Học mà không tu,
Chỉ là tủ sách".
Dù là Phật Tử, tại gia xuất gia, phát tâm thệ nguyện, tu theo đạo Phật, phải học giáo lý, để có đầy đủ, chánh kiến chánh tín, bằng không chỉ là, những kẻ tu mù, lầm đường lạc lối, mê tín dị đoan, làm bướng chỉ càn, lọt sang ngoại đạo. Trái lại những người, chỉ đọc kinh sách, tìm hiểu cho biết, không chịu thực hành, tu tâm dưỡng tánh, ví như cái đãy, cái bị cái tủ, dùng để đựng sách, ví như những cách, đếm tiền nhà băng, đếm trâu cho chủ.
Vừa học đạo lý, vừa tu tâm tánh, vừa tu tâm tánh, vừa học đạo lý, nhứt định có ngày, hoát nhiên đại ngộ, tâm trí bừng sáng. Như vậy, cuộc đời chúng ta, bước sang kiếp mới, bước ra khỏi vòng, u mê tăm tối, muôn năm ngàn kiếp, kể từ phút giây, giác ngộ đó vậy. Khi qua cơn mê, xa kiếp trầm luân, hết mơ huyễn hoặc, ta sẽ ươm nhiều, trái thương ngọt ngào, hái cho mọi người. Rồi đây sau cơn mê, trí tuệ được khai thông, sông cạn lại thành ròng, đến bến bờ bên kia, phiền não thành an lạc, khổ đau thành hạnh phúc, đấu tranh thành hòa bình, hận thù thành yêu thương, cay đắng thành ngọt ngào, nghi ngờ thành cảm thông, ta bà khổ thành cực lạc quốc, thế gian thành thiên đàng, mọi người thành nhất thể.
Thực hạnh phúc thay! Thực vi diệu thay! Thực nhiệm mầu thay!
Cư-sĩ
Chính-Trực (Toronto-Canada)
302 - 2 DORADO COURT,
TORONTO, ONTARIO M3M 2E8,
CANADA