BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Hành trình vào đạo Phật

Elizabeth J. Harris
Nguyên Tâm và Tâm Ðăng trích dịch


Giới Thiệu

Vào giữa thập niên 1980, Elizabeth Harris, một Ky Tô hữu người Anh, cảm thấy sự thúc giục phải buông bỏ đức tin tôn giáo cố hữu của mình để bước vào thế giới một đức tin khác. Sự thúc giục này là do sự tin tưởng rằng con người với niềm tin tôn giáo không thể bị trói buộc vào một niềm tin duy nhứt mà cần phải tìm hiểu những niềm tin khác nữa. Bà đã chọn đạo Phật vì đạo Phật đã đề cao thiền quán và sự bất bạo động. Bà đã ở Tích Lan hơn 7 năm - từ 1986 đến 1993 - để tu học và thực hành đạo Phật. Bà muốn đến với đạo Phật như là một con người hơn là một Ky Tô hữu. Bà vẫn là một Ky Tô hữu, một ngưòi theo đuổi con đường tự hy sinh của Jesus ở Nazareth, nhưng bà rất tôn kính đức Phật và đã quy y Tam bảo, và cảm thấy an lạc, hạnh phúc được thực tập thiền quán.

Năm 1992, bà đã được Chương trình Phát Thanh Tôn Giáo của đài BBC mời cộng tác. Trong hai năm 1993 và 1994, bà đã viết nhiều bài ngắn cho chương trình này, gồm nhiều chủ đề như: sự liên quan giữa tinh thần vô chấp và những hoạt động từ bi thiết thực; ý nghĩa thực tin của "vô ngã" và những quan hệ mật thiết của nó; ích lợi của "chánh niệm" trong đời sống cá nhân và xã hội; những phương thức mà đạo Phật có thể giúp được cho những người hoạt động cho công bằng xã hội hay hòa hợp tôn giáo; vai trò của người phụ nữ trong xã hội... Chúng tôi xin lược dịch một số trích đoạn các bài viết này, đã được đăng trên tập san Lá Bồ Ðề (Bodhi Leaf) số 134, Sri Lanka.

Chánh Niệm

Có lần tôi nói với một học giả ở Tích Lan rằng tôi đã tập thiền theo đạo Phật. Một cách đùa giỡn, ông hỏi tôi là đã bay lên trời được chưa. Ðiều này là một phản ứng rất phổ biến. Người ta thường lẫn lộn giữa thiền định và những trạng thái mê đắm tự kỷ ám thị hay là trạng thái làm cho tâm trí trống rỗng, những cái gì xa vời, không liên hệ gì đến đời sống hàng ngày. Ðó là một lầm lẫn đáng tiếc. Thiền định đích thực là một cách thức luyện tập tâm trí và có thể chuyển hóa cả tư tưởng và hành động.

Trong truyền thống đạo Phật nguyên thủy, thực tập chánh niệm rất quan trọng. Khi ngồi thiền, theo dõi hơi thở, nhiều ý nghĩ đã đến với tâm ta. Chúng thường liên hệ đến quá khứ hay tương lai. Những cuộc đối thoại gần đây cũng được nhớ lại. Những quyết định chưa dứt khoát cứ xoáy vào tâm ta. Cảm giác khó chịu của thân thể hiện đến. Và thỉnh thoảng, những hình ảnh chìm sâu trong tiềm thức cũng dần dần trồi lên. Khi tư tưởng và cảm giác hiện ra trong lúc thiền định, chúng được quan sát một cách đơn giản. Chúng không được đè nén, đẩy qua một bên, nhưng chúng cũng không được hoàn toàn tự do nảy nở. Sự hiện hữu và mất đi của chúng được ghi nhận mà không chỉ trích hay đề cao.

Khi tôi mới bắt đầu tập thiền, tôi khám phá ra rằng tư tưởng và cảm giác rất lưu hoạt, luôn thay đổi, thường khó kiểm soát, nhiều khi không hợp lý. Ðó là một nhận thức đau đớn, bởi vì tôi cho rằng tâm tôi được sự kiểm soát trực tiếp của tôi. Thế nhưng, chính đó cũng là bước khởi đầu cho tự thức, sự bắt đầu để tìm hiểu tâm ta hoạt động như thế nào và là cánh cửa dẫn tới sự điều chỉnh những khuôn mẫu tiêu cực, cố định trong chính đời sống của tôi.

Thiền định như thế là một thực tập chăm chỉ. Nó không phải là việc làm cho tâm ta trống rỗng, mặc dù nó có thể dẫn tới sự an bình và yên tĩnh khi mà cái tâm lăng xăng của ta yên lắng lại và chỉ có giây phút hiện tại nầy thôi. Một tăng sĩ, thầy tôi, đã nói như vầy: "Thiền định là sự thực tập tối cao của tinh thần bất bạo động. Buồn khổ, đau đớn, và giận dữ không được dồn nén mà phải được nhìn rõ, đương đầu và chuyển hóa."

Không Thù Hận

Trong Trung Bộ Kinh, đức Phật đã dạy các môn đệ:

"Này các Tỳ kheo, ví như có một tên cướp hạ tiện dùng cưa để cắt tứ chi của các ông ra, cho dù như vậy, nếu ai trong các ông khởi lòng thù oán, thì người đó không thực hành đúng giáo pháp của ta. Ðây là cách mà các ông nên theo để tự rèn luyện mình: tâm ý ta không bao giờ nghĩ xấu, cũng như không nói những lời hung ác, mà phải luôn an trú trong thân thiện và từ bi, với lòng lân mẫn và không oán hận."

Hình ảnh sống động đó luôn kích động tôi - một tên cướp đang cưa chân và tay của tôi ra. Và đó không phải là điều hoang tưởng. Chiến tranh đã giết hại như thế. Sự chà đạp nhân quyền trong các thể chế chuyên chế cũng đưa đến sự ghê rợn tương tự. Nỗi sợ hãi, khiếp đảm, hoặc sự trả thù bằng bạo động để tự bảo vệ mình dường như là phản ứng tự nhiên với sự tấn công như thế.

Thế nhưng ở đây sự thách đố của đạo Phật là: đừng trả thù, đừng oán hận; hãy yêu thương mọi người cho dù họ sắp giết mình. Và sự thách đố này cũng có trong những tôn giáo khác. Jesus ở Palestine, quằn quại đau đớn vì bị đóng đinh trên thập giá, nhưng vẫn tha thứ cho những người giết ông, và vẫn thương mến họ vì sự mù quáng của họ.

Thế nhưng có phải điều này ngầm hiểu rằng đạo Phật chủ trương rằng chúng ta sẽ không bao giờ tự bảo vệ cho chúng ta và cho người khác khỏi sự bạo động, rằng chúng ta phải cam chịu sự bóc lột, rằng khi phải đối đầu với những thế lực tàn bạo chúng ta phải thụ động, tiêu cực? Nếu trả lời "vâng" là chúng ta đã hiểu sai đạo Phật. Ðạo Phật không bao giờ ủng hộ sự thụ động khi phải đương đầu với bạo động và sự tàn ác. Ðúng ra, đạo Phật khuyến khích một thái độ tâm thức can đảm giúp chúng ta có thể đương đầu và phản đối bạo lực mà không sợ hãi và oán hận.

Không có nơi nào trong kinh sách đạo Phật đề nghị là chúng ta nên tiêu cực trước sự đau khổ của người khác. Không có nơi nào đạo Phật cho rằng chúng ta nên nhịn nhục mà không chống trả khi một người định giết người thân, láng giềng, hay bạn bè của chúng ta ngay trước mắt ta. Trong tình huống như thế, đau khổ phải được giải tỏa, bạo lực phải bị lên án, có khi đòi hỏi cả sự tự hi sinh, mặc dù đạo Phật cũng luôn cảnh giác rằng lấy oán để báo oán thì oán thù sẽ chồng chất. Ðiều mà kinh sách đạo Phật đều nói rõ là nếu lấy oán thù, giận dữ đối với người gây ra bạo động là chúng ta đã tự bại hủy. Người mang lòng thù oán sẽ chịu nhiều đau khổ hơn người bị thù oán.

Trong kinh sách Phật giáo, chúng ta thấy có nhiều câu chuyện về những người không có lòng sân hận đã làm thay đổi được sự tàn ác và biến nó thành vô hiệu. Một người đàn bà, vì bà không mang lòng oán hận, nên đã không bị thương tích gì khi người vợ cùng chồng với bà đã ghen tuông đổ dầu sôi lên người bà. Và khi một vị tăng sĩ chết vì bị rắn cắn, đức Phật đã nói rằng ông ấy không chết nếu như ông rãi tâm từ của ông vào thế giới rắn. Ðiều này có vẻ không tưởng trong thế giới đầy bạo động hôm nay. Những người hoài nghi sẽ viện đến cái chết của Gandhi ở Ấn Ðộ, Oscar Romeo ở El Salvador, của Michael Rodrigo ở Tích Lan để cho thấy rằng những người làm việc hăng say với đầy thiện tâm vẫn không tránh khỏi cái chết gây ra bởi lòng tham và oán hận của kẻ khác.

Thế nhưng sức mạnh của giáo huấn này vẫn còn đó. Bạo lực không thể được khắc phục bởi bạo lực. Oán hận không thể được giải trừ bởi oán hận. Ðời sống của chúng ta sẽ không an toàn hơn nếu chỉ có ước vọng bảo vệ chúng. Ðể đương đầu với cái chết mà không oán thù và sợ hãi, ngay cả với những tên sát nhân, là con đường thiêng liêng, thánh thiện. Ðó là những sự thật vĩnh cửu.

Tứ Vô Lượng Tâm

Có lần một vị giáo sư về Phật giáo nguyên thủy đã hỏi tôi: "Trong hầu hết các cuộc hội nghị về tôn giáo mà tôi dự, tại sao người ta cho rằng Thượng Ðế là điểm hội tụ giữa các tôn giáo? Lẽ ra, chúng ta nên tập trung về các vấn đề của con người hơn là của thần linh."

Khi nói về những tín hữu cầu nguyện một đấng Sáng Thế Tối Cao hay một Thượng Ðế Toàn Năng thì Phật tử và các tín đồ đạo Kỳ Na (Jains) không có trong đó. Tuy Phật tử tin rằng có những vị thần sống trong những thế giới tốt đẹp khác, nhưng họ không cho rằng các vị thần đó có quyền năng sáng tạo, cũng như họ không tin rằng các vị thần đó có ảnh hưởng gì đến việc giải thoát của con người.

Vì thế, niềm tin vào Thượng Ðế không thể là nền tảng chung giữa Phật tử và tín hữu các đạo khác như Ky Tô giáo, Hồi giáo, hay Do Thái giáo. Thế nhưng có thể có một nền tảng chung nào giữa các tôn giáo khi nói về con người và về các hoạt động phục vụ xã hội loài người? Tôi tin rằng câu trả lời là "Có". Ðạo Phật nói về "Tứ Vô Lượng Tâm" mà phẩm tính tốt đẹp của nó đã thấm nhập vào toàn thể giáo pháp. Ðó là Từ, Bi, Hỉ và Xả.

Từ là lòng thương yêu vô hạn tỏa đến mọi loài - bạn hữu và kẻ thù, những người quen biết và những người chưa quen biết, những gì ta yêu thích và những gì không yêu thích. Ðó là một khuynh hướng tâm lý nhằm chuyển đổi hành động. Bi được thể hiện khi người ta xúc động trước những đau khổ của kẻ khác và làm việc không ngừng nghỉ để giải trừ những đau khổ đó. - một mức độ cao hơn, Bi đòi hỏi phải hành động. Hỉ là một đức tính mà tôi gặp nhiều thách thức nhất. Ðể biểu tỏ tâm Hỉ là biểu tỏ niềm vui trước sự thành công của kẻ khác, hoàn toàn tự tại trước sự ganh ghét và tị hiềm, chia xẻ niềm vui và sự thành công của kẻ khác ngay cả khi mình gặp cảnh đau buồn.

Về Xả, thường bị hiểu lầm là sự lãnh đạm, thờ ơ, hờ hững trước sự đau khổ của con người, một điều hoàn toàn tương phản với lòng từ bi. Nhưng Xả chính là sự tự do đích thực vượt khỏi tự ngã ích kỷ đã che mờ sự hiểu biết và hủy diệt sự sáng suốt. Người với tâm Xả không bị lôi kéo theo hướng này hay hướng khác bằng những phản ứng đầy cảm tính - những phản ứng đầy vị kỷ hơn là quan tâm đến kẻ khác. Họ hành động với sự hiểu biết.

Tứ Vô Lượng Tâm đã chỉ cho tôi những lý tưởng có thể hướng dẫn cuộc đời chúng ta - những lý tưởng có thể kiến tạo một xã hội mà những người có lòng tín ngưỡng luôn mong mỏi. Một xã hội như thế là một xã hội mà lòng từ bi chiến thắng lòng tham ái, một xã hội mà sự thành công của một người không phải do sự bóc lột và chèn ép người khác, một xã hội mà những người cai trị được hướng dẫn bằng những nguyên tắc rõ ràng, công chính hơn là sự theo đuổi quyền lực và danh vọng. Tứ Vô Lượng Tâm là một hình ảnh toàn thiện, là niềm hi vọng của mọi tôn giáo và có thể mang đến một mục đích chung, độc lập với quan niệm về Thượng Ðế.

Vậy thì hãy đặt lòng từ bi nhằm cải thiện xã hội làm điểm quan trọng hàng đầu trong mọi đối thoại tôn giáo. Mong rằng những ai xuất thân từ những truyền thống độc thần nhận thấy rằng họ có thể chia sẻ nhhững hi vọng của họ cho một xã hội công chính với những người bạn Phật tử. Mong rằng những người Phật tử thấy rằng họ có thể kết hợp với những người bạn Do Thái giáo, Ky Tô giáo, Hồi giáo trong việc xây dựng một thế giới mà lòng từ bi, bác ái thay chỗ của lòng tham và sân hận.

Cái "Tôi" Trong Ðạo Phật Và Ðạo Ky Tô

Sri Pada, ở Tích Lan, cao hơm 7,000 bộ và là một nơi hành hương trong nhiều thế kỷ qua. - trên đỉnh có một dấu chân lớn, mà tùy theo tôn giáo khác nhau, có người cho là của đức Phật, của Adam, hay của thần Shiva. Từ tháng Chạp đến tháng Năm là mùa hành hương. Mỗi đêm, hàng ngàn người mộ đạo leo lên những bậc thang của một con dốc dài, chiếu sáng. Nhìn từ xa, ngọn núi như có một xâu chuỗi kim cương lấp lánh bên sườn. Ðôi khi, nhóm người hành hương quá đông nên người ta phải dừng lại ở mỗi bậc thang. Sức nặng đè lên bắp chân thật là khủng khiếp. Một người bạn Phật tử của tôi đã hành hương vào một đêm như thế. Bà bảo tôi rằng chỉ có một cách duy nhứt để giúp đôi chân của bà vượt qua cơn thử thách là bà nói với sự đau đớn: "Nỗi đau này không phải của tôi, nó không phải là tôi."

Bà đã lặp lại như vậy trong buổi thiền quán, và tôi cũng học làm như thế. Trong khi ngồi thiền bất động, sự kích thích hiện đến, muỗi cắn, hai đầu gối tê cứng, nhột ngứa khắp nơi. Thế nhưng ta có thể chiến thắng ước muốn nhúc nhích hay gãi ngứa bằng cách nhìn rõ một cách đơn giản rằng sự khó chịu chỉ là sự khó chịu và nó không tùy thuộc vào cái "tôi". Sự khó chịu trở thành một đề tài thiền quán. Nó có thể được quan sát. Nó không giống với sự phản ứng thông thường của chúng ta đối với sự kích thích, mà chúng ta thường cho là "của mình" và tìm cách dẹp bỏ nó.

Tất cả những điều này liên quan đến "vô thường", một quan niệm của Phật giáo về sự không có bản ngã hay là không có một linh hồn bất tử. Vô thường được các nhà truyền giáo đạo Ky Tô vào thế kỷ 19 ở Tích Lan coi như là điều đã chứng minh rằng đạo Phật là một hư vô luận tuyệt đối. Thí dụ như, Linh mục Thomas Moscrop, một nhà truyền giáo Methodist, vào năm 1889, đã cho rằng đạo Phật "quá bi quan, quá lãnh đạm, quá tương phản với thể chất của nhân tính để có thể chinh phục thế giới (The Ceylon Friend, 16 October 1889). Nhưng tôi không tìm thấy chủ nghĩa hư vô trong những điều mà đức Phật dạy về "vô ngã".

Ðạo Phật và đạo Ky Tô không có đối kháng nhau ở đây. Cơ cấu nền tảng thì khác nhưng con đường thực tin nhằm giải thoát con người thì cả hai đều đề cập đến. Cả hai tôn giáo đều nói đến ý niệm sai lầm về cái tôi. Ðạo Phật cho rằng: Ðừng nghĩ rằng bạn luôn cố định, không bao giờ thay đổi. Bạn luôn trôi chảy, xê dịch, dính liền với toàn vũ trụ. Ðừng bao giờ nghĩ rằng bạn là một cá thể biệt lập và cố gắng tranh đấu với thế giới để có một bản ngã riêng. Ky Tô giáo cũng có những điều tương tự. Methodist, một tông phái của Ky Tô giáo được thành lập vào thế kỷ 18 ở Anh, trong buổi l vào chủ nhật đầu tiên của tân niên trong đó họ cam kết vâng lời Thượng Ðế, trong đó họ nói: "Tôi không còn là chính tôi mà là các bạn." Thánh Paul, trong nhiều bức thư gởi cho giáo hội cũng đã nói đến việc đánh mất cái tôi xưa cũ của mình. Tất cả những lời nói đó đều nhằm tiêu diệt cái tôi tự cao tự đại của con người.

Cả đạo Phật và Ky Tô giáo đều cho rằng cái tôi biệt lập với mọi cái khác là cái đáng bị kết án. Ðạo Phật cho rằng một cái tôi như thế không có một hiện hữu khách quan như là một bản vị không thay đổi. Ky Tô giáo cho rằng cái tôi phải chết để dọn đường cho một tình yêu đầy quyền năng hơn. Tôi tin chắc rằng nếu chúng ta không coi sự đau khổ, sự khó chịu, và sự sợ hãi như là "của chúng ta" nhưng chúng ta chấp nhận chúng như một phần của dòng hiện hữu, nếu chúng ta không cố tìm cách để bảo vệ cá tính và sự an toàn bằng mọi giá thì chúng ta có thể leo cao hơn đỉnh Sri Pada.

Vô Chấp Và Từ Bi

Có lần một nhà truyền giáo Ky Tô giáo đã hỏi tôi một cách chân thành rằng: "Hình ảnh của đức Phật cho tôi thấy sự lạnh lùng, thờ ơ, quay lưng lại cuộc đời. Tôi thích hình ảnh của Jesus Christ với chiếc áo dơ bẩn dính đầy mồ hôi của kẻ nghèo."

Có một ấn tượng về đạo Phật là tôn giáo nầy đề cao sự rút lui khỏi thế giới đầy đau khổ, sự từ bỏ mọi hoạt động tích cực về xã hội. Tôi vẫn còn nhớ mãi một hội nghị liên tôn mà tôi tham dự cách đây vài năm bởi vì có một tham dự viên Tây phương đã nhấn mạnh rằng lòng từ bi hướng về những hoạt động bên ngoài không phải là điều quan trọng trong đạo Phật. Sự tiếp xúc của tôi với đạo Phật đã thúc đẩy tôi phải thách đố với ấn tượng này. Tôi đã làm điều này ngay tại hội nghị đó và tôi sẽ tiếp tục làm việc này. Chính là những người bên ngoài - những nhà quan sát người Âu và những người tìm kiếm sự chạy trốn khỏi thế giới này - đã nghĩ rằng đạo Phật khuyến khích sự lãnh đạm, hờ hững trước những đau đớn, quằn quại của đời người. Ðiều này không đúng với đạo Phật. Dĩ nhiên, đạo Phật có nói đến sự xuất gia, từ bỏ, và buông bỏ, nhưng đó là sự buông bỏ khỏi những gì có tác dụng ngăn chận lòng từ bi phát khởi - như sự sở hữu, sự ganh đua, và sự ích kỷ. "Viraga", một từ Pali được dịch là buông bỏ, vô chấp, thực ra có nghĩa là "không có raga" - không có luyến ái, không có tham ái - chứ không phải là không có quan tâm đến thế giới.

Khi tôi kể cho một tăng sĩ Phật giáo ở Tích Lan nghe về hội nghị liên tôn, ngài đã nói rằng: "Không có lòng từ bi thì không thể có đạo Phật". Và lòng từ bi đó là một đức tính tích cực. Buddhaghosa, một luận sư vĩ đại ở thế kỷ thứ năm, người đã từ Ấn Ðộ sang giáo hóa ở Tích Lan, đã đưa ra nhiều định nghĩa về từ bi. Ngài viết: "Khi có sự đau khổ ở kẻ khác thì tâm từ bi sẽ làm cho những người thiện tâm xúc động. Một cách khác, tâm từ bi chiến đấu chống lại sự đau khổ của kẻ khác và nhằm chấm dứt sự đau khổ đó. Hay một cách khác nữa, tâm từ bi chan hòa đến những ai đau khổ, đến với họ với đầy tình thương." (Thanh Tịnh Ðạo). Chan rãi tâm từ đến với người khác là một phần quan trọng trong thiền tập, nhưng nó cũng quan trọng như thế trong cố gắng tranh đấu nhằm chấm dứt sự đau khổ. Chiến đấu để chấm dứt sự đau khổ không phải chỉ có việc giảm thiểu sự gây đau khổ cho người khác mà còn đòi hỏi hành động nhằm giải thoát người khác khỏi những lực lượng xã hội vô nhân đạo và khỏi những khuôn mẫu tư tưởng tù túng nữa. Hành động như thế có thể thấy được trong chính đời sống của đức Phật và những người thực sự giác ngộ.

Ðối với tôi, hình ảnh của Jesus Christ với bộ áo dính đầy nỗi đau khổ của người nghèo và hình ảnh của đức Phật không có gì chống chọi nhau. Họ không xung đột hay cạnh tranh nhau. Lòng từ bi đã kết hợp họ lại. Jesus đã chìa đôi tay của ngài ra đến với những người nghèo và những người bị khinh miệt trong xã hội của ngài, và tự mình gánh chịu mọi tội lỗi của loài người. Ðức Phật, với lòng từ bi đối với chúng sinh đầy đau khổ, đã lìa bỏ vợ đẹp con thơ để lên đường tìm đường giải thoát cho tất cả chúng sinh.

- Polonaruwa, một thành phố cổ nay đã bị tàn hủy, đã từng là thủ đô của Tích Lan. có một ngôi đền đá (the Gal Vihara), nơi có ba bức tượng lớn bằng đá. Trong đó có hai bức tượng Phật. Niềm an lạc đã tỏa ra từ đó và trải dài hơn 800 năm nay. Tuy nhiên đó không phải là niềm an lạc của sự lãnh đạm và thờ ơ. Ðó là niềm an lạc của trí tuệ và từ bi. Niềm an lạc có được khi bản chất đau khổ của sân hận và tham ái đã được nhận thức toàn vẹn. Ðó không phải là sự thống khổ, tiếng thét quằn quại của nỗi giày vò và bản tính của thế giới vô nhân đạo, nhưng đó là một biểu hiện bằng đá một cách tài tình, im lặng về sự thông cảm, lòng từ bi và dũng lực. Ngay trước những bức tượng này, Thomas Merton, một linh mục Ky Tô người Mỹ trong thế kỷ này mà hành trình tôn giáo của ông đã đưa ông đến rất gần với đạo Phật, đã viết: "Tượng đá, mọi hình sắc, đều chan hòa với pháp thân (dharmakaya)... tất cả là không và tất cả là từ bi."

Vì thế, hình ảnh của đức Phật đã chỉ cho tôi, trước hết là trí tuệ để nhìn thấy rõ mọi nguyên nhân đã gây đau khổ cho con người, và lòng từ bi đã nằm ngay nơi trái tim của sự giác ngộ chân chính. Và nó đã thúc giục tôi phải cố gắng làm những điều nhằm chấm dứt sự đau khổ trong thế giới của chúng ta./.

-ooOoo-


Source: Buddhism Today, http://www.buddhismtoday.com


[Trở về trang Thư Mục]