BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with
Unicode
Times font
Ðạo Phật xuất hiện trên thế giới có chiều dài lịch sử nhiều ngàn năm và phát triển ở Việt Nam cũng gần hai mươi thế kỷ.
Từ trước đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu để lý giải, tìm hiểu sâu sắc về đạo Phật được công bố và xuất bản. Song, tìm hiểu về đời sống và giáo huấn của Ðức Phật vẫn là những vấn đề còn nhiều điều mới mẻ. Với ý nghĩa đó, người viết bài này xin được trình bày: 1. Duyên khởi; 2. Tứ diệu đế.
1. Duyên Khởi
Duyên khởi nghĩa là sự nương tựa lẫn nhau mà sinh thành và tồn tại. Tất cả các sự kiện, những hiện tượng thuộc thế giới này đều theo luật duyên khởi mà sinh thành, tồn tại và tiêu hoại.
Duyên (Pratyaya) là những điều kiện. Sự sinh thành của một cái nhà chẳng hạn, tùy thuộc ở những điều kiện như gạch, xi măng, sắt thép, các vật liệu cần thiết, người thi công, người thiết kế v.v... Vậy gạch, xi măng, sắt, thép, thợ thiết kế, người thi công Ẩ là những duyên, cần thiết cho sự phát sinh của cái nhà. Sự sinh thành của một con người cũng tùy thuộc ở những duyên như tinh huyết của cha mẹ, các chất nuôi dưỡng, thời gian v.v... Sự sinh thành của một nền dân chủ cũng tùy thuộc ở những Duyên như ý thức về quyền lợi và bổn phận của người dân, sự tranh thủ chính trị, sự bảo vệ hiến pháp v.v... Bất cứ một hiện tượng nào trong vũ trụ, tinh thần hay vật chất đều do tập hợp của các Duyên mà thành. Sự vật nương vào nhau mà sinh thành và tồn tại: Không có sự vật nào có thể tự mình sinh ra mình và tự mình tồn tại độc lập với những sự vật khác. Ðó là yếu lý duyên khởi của đạo Phật.
Duyên, theo đạo Phật có 4 loại:
Thứ nhất, Nhân Duyên có thể gọi là điều kiện gần gũi nhất, ví như hạt lúa là nhân duyên của cây lúa, xi măng, sắt, thép là nhân duyên của cái nhàẨ
Thứ hai, Tặng thượng Duyên tức là những điều kiện trợ lực cho nhân duyên, ví như người thiết kế, người thi công là tăng thượng duyên cho gạch, xi măng, sắt, thép trở thành cái nhà, nước và phân bón là tăng thượng duyên cho hạt lúa trở thành cây lúa.
Thứ ba, Sở duyên duyên tức là những điều kiện làm đối tượng cho nhận thức, như hình sắc phát sinh ra cái thấy, âm thanh phát sinh ra cái nghe và tư tưởng phát sinh ra ý thức.
Thứ tư, Ðẳng vô gián duyên tức là sự liên tục, không gián đoạn cần thiết cho mọi sự phát sinh, trưởng thành và tồn tại.
Các loại nhân duyên trên tương tác nhau lai tạo nên mọi vạn vật trong vũ trụ. Theo đạo lý duyên sinh, vạn vật trong vũ trụ nương nhau mà phát sinh. Trong kinh A Hàm, Phật dạy: "vì cái này có cho nên cái kia có, vì cái này không cho nên cái kia không, vì cái này sinh cho nên cái kia sinh, vì cái này diệt cho nên cái kia diệt" (Trung Bộ Kinh, Bản của hội văn học Pali, T3, tr. 63)
Theo nguyên tắc duyên sinh này mà đạo Phật quan niệm một nhân đơn độc không bao giờ có khả năng sinh ra quả, và một nhân bao giờ cũng đóng vai trò quả cho một nhân khác. Trên thực tế, không có một nhân đơn độc nào có thể sinh ra quả, và cũng chưa bao giờ có một nhân mà không phải là một quả cho một nhân khác.
Ðạo lý duyên khởi của đạo Phật là một cái nhìn khoa học và khách quan về thế giới thực tại. Ðạo lý này nói rõ bộ mặt của thực hữu, tránh được những ngộ nhận sai lầm về thế giới, giúp cho những người tu Phật thành đạt trong phạm vi trí tuệ tu dưỡng cũng như trong phạm vi hành động thực tiễn. Ðạo lý duyên khởi là đạo lý căn bản phá trừ vô minh, cố chấp, đồng thời cũng là một đạo lý căn bản cho hành động nhập thế.
Theo đạo lý duyên khởi, vạn vật nương vào nhau mà sinh khởi, tồn tại, và tiêu hoại. Như thế vạn vật phải là vô thường, bởi vì nếu không vô thường thì vạn vật sẽ bất sinh, bất diệt.
Vô thường là tính cách thay đổi của vạn sự, vạn vật. Không có sự vật nào nằm yên bất biến, tất cả các hiện tượng trên đời này không có cái gì hiện hữu trong một hiụnh thái cố định.
Khoa học hiện đạĩi đã chứng minh rằng tất cả mọi sự vật, hiện tượng đang biến đổi vào mọi lúc. Thân thể con người cũng không nằm ngoài qui luật đó. Tế bào con người đang sinh ra và chết đi thay thế theo từng chu kỳ cứ bảy năm một lần. Mọi tế bào của thân thể con người đang thay đổi liên tục . Và mọi người đều từ kinh nghiệm mà biết rằng khổ đau, sầu bi, hoan hỷ, hay khoái lạc mà chúng ta cảm thọ có thể thay đổi như thế nào trong chốc lát. Qui luật tất cả các sự vật là vô thường duy những người Phật tử cần phải chú ý đến bản chất đổi thay của tất cả các sự vật và do đó đừng để bị ngạc nhiên hay dao động vì những đổi thay, trong các hiện tượng hay hoàn cảnh.
Khi người Phật tử hiểu qui luật tất cả các sự vật đều vô thường thì họ sẽ nhận ra rằng cái năng lực là con người thật là lớn lao, và cuối cùng sẽ hiểu rõ tại sao con người phải sống theo cách như thế để lớn mạnh và để cải tiến một cách vững vàng. Con người cũng sẽ trở nên sắc bén trong việc lưu tâm đến sự cần thiết bày tỏ lòng biết ơn đối với nhau và cần thiết sống với nhau một cách hài hòa với tình yêu bình đẳng đối với kẻ khác và bằng một cảm nhận đoàn kết.
Hàng tỉ năm trước, trái đất chưa có đời sống; núi lửa tuôn ra những dòng thác dung nham, hơi nước và khí chiếm đầy bầu không khí. Khi trái đất đủ mát, sinh vật xuất hiện. Những sinh vật đầu tiên này là những sinh thể vi mô đơn bào giản dị. Dù những hình thái sống nhỏ bé này phải đặt mình trong những cơn lũ ào ạt, những trận động đất dữ dội, những trận phun của núi lửa cực nóng, chúng vẫn không bị tiêu diệt, mà gia tăng thật nhiều và dần phát sinh thành những hình thức sống phức tạp hơn. Trong quá trình tiến hóa đó con người đã xuất hiện rồi đã vượt thắng nhiều thử thách và khó khăn, từng bước tiến lên. Tiến lên là con đường sống thích hợp nhất của con người. Ðời sống chính là sự liên tục, không ngừng nghỉ, tiến đến trạng thái lý tưởng của con người.
Ðịnh lý vô thường hàm chứa ý nghĩa một sự thay đổi từ trạng thái này qua trạng thái khác. Như vậy, vô thường ngự trị và chi phối toàn thể thế giới , không có sự vật cá nhân gì có thể thường còn bất biến. Thời gian di động tất cả, di động cả con người, dù muốn hay không. Con người sống trong một thế giới vô thường, biến dịch và chính dao mạng căn và sắc mạng căn của con người thay đổi biên dịch từng sát na, từng giây phút. Sabbe sankhara aricca: Tất cả pháp hữu vi là vô thường.
Sự vật là vô thường, biến dịch, thay đổi từ trạng thái này qua trạng thái khác. Chất cứng có thể trở thành chất lỏng, chất lỏng có thể trở thành chất hơi nhưng không một chất nào mất hẳn. Các năng lực mà những chất này là những hình thức hiện hữu, vẫn tiếp tục dầu hình thức của những chất này có thay đổi. Như vậy, năng lực là liên tục. Chính vì có sự liên tục, nên khó mà nêu rõ giữa một trạng thái này qua một trạng thái khác. Và như vậy, con người cũng bị chi phối bởi luật này. Ðời sống là một quá trình liên tục không ngừng nghỉ. Sự chết không có nghĩa là mất hẳn mà chỉ là mở đầu cho một đời sống mới. Vô thường là tính cách thay đổi không ngừng của vạn sự, vạn vật. Không có sự vật nào nằm yên bất biến, do đó không có sự vật nào giữ được tính cách đồng nhất tuyệt đối của nó: đó là vô ngã.
Theo lý duyên khởi, trên thế gian này không có một sự vật nào mang tính tuyệt đối. Mỗi một sự vật đều do nhân duyên hòa hợp (điều kiện cấu thành), cùng dựa vào nhau mà tồn tại.
Tất cả sinh vật, thực vật, đất, đá, mây, không khí v.v... đều cần thiết cho sự sống của con người. Nếu không có chúng thì con người không thể sống được. Con người có liên hệ mật thiết với các sự vật trong thế giới. Các sự vật hiện hữu trong quan hệ lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau. Hiển nhiên rằng mối liên hệ giữa con người với nhau càng mạnh mẽ hơn nhiều. Kinh tế học đã chứng minh mối liên hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất vật chất là hết sức sâu đậm. Thuế mà chúng ta trả, tiền bảo hiểm v.v.. thể hiện những mối liên hệ ràng buộc với nhau, và tất cả con người được thấm nhuần bởi cùng một năng lực sống.
Theo lời Phật dạy, trong vũ trụ không bao giờ tồn tại cái gọi là cá nhân ta với tư cách tuyệt đối. Trong Kinh Pháp cú, Phật dạy: "Hết thảy các pháp đều không có "Ta" [Kinh Pháp Cú (nguyên văn tiếng Pali), câu 279].
Quan niệm tạo thành cái "ta" là một thứ cảm giác mơ hồ về "sự tồn tại của ta". Giáo huấn "vô ngã" của Phật đã xua tan bóng tối của sự tin tưởủng "sự tồn tại của cái ta". Ðây là lý do quan trọng khiến các Phật tử phải thể nghiệm cái sự thật rằng không có cái gì có một ngã. Khi có một cái thấy sâu xa hơn về các sự vật, Phật tử hiểu ra rằng cuộc sống của con người có liên hệ với đời sống mọi người khác. Hành vi tốt, xấu của một người nhất định sẽ ảnh hưởng đến những người khác.
Bất cứ sắc pháp nào, thọ pháp nào, quá khứ tương lai hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả các pháp ấy là "cái này không phải của tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi". Cần phải như thật quán với trí tuệ. Nhờ quán như vậy, thấy như vậy, vị Thanh văn nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát có trí khởi lên biết được "ta đã giải thoát". Vị ấy biết "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa".
Theo đạo lý duyên khởi, vạn vật nương vào nhau mà sinh khởi, tồn tại và tiêu hoại. Như thế vạn vật phải vô thường, bởi vì nếu không vô thường thì vạn vật sẽ bất sinh, bất diệt. Vạn vật cũng vô ngã, bởi vì mỗi vật là do sự tập hợp của nhiều vật (duyên) mà thành. Vạn vật cũng là không, bởi vì đã do các duyên mà thành, thì trong tự thân vạn vật không có một thực thể thường còn và đồng nhất.
2. Tứ Diệu Ðế
Tứ Diệu đế theo tiếng Pali là Ariya Saccani (Thánh đế). Ariya có nghĩa là cao quí hay thánh. Saccani có nghĩa là cái gì thật sự có. Gọi như vậy vì đây là những chân lý mà bực hoàn toàn trong sạch, bực thánh vĩ đại nhất là Ðức Phật đã tìm ra.
Thánh đế đầu tiên (khổ đế) đề cập đến dukkha - một danh từ khó có thể phiên dịch chính xác ra một ngôn ngữ nào khác - mà ta thường gọi là đau khổ hay phiền não. Ðứng về phương diện cảm giác, dukkha là cái gì làm cho ta khó chịu đựng ("du" là khó, "kha" là chịu đựng). Hiểu như một chân lý trừu tượng "du" là cái gì đáng khinh miệt, không đáng bám víu. "Kha" là hư vô, trống rỗng. Thế gian nằm trong sự đau khổ và như vậy là không đáng cho ta bám víu. Dukkha là sự vô thường không bám víu được.
Những người bình thường chỉ thấy lớp ngoài của sự vật. Bậc thánh nhân nhận ra chân tường của sự vật. Ðối với các Ngài, tất cả đời sống đều là khổ não và các Ngài nhận thấy rằng không thể có hạnh phúc thật sự, hoàn toàn bền vững, trong một thế gian vô thường. Không thể có hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu trong một thế gian luôn luôn biến đổi. Hạnh phúc vật chất chỉ là sự thỏa mãn của một vài ước vọng. Nhưng "khi ta vừa đạt được thì nó đã "vội lìa ta". Dục vọng không khi nào được thỏa mãn trọn vẹn, không bao giờ ta cho là đủ.
Mọi người đều phải trải qua giai đoạn (jàti) sanh và do nơi sanh, có già (jarà), bệnh (vyàdhi) và cuối cùng là chết (marana). Không ai tránh được bốn nguyên nhân ấy của sự đau khổ.
Ðiều mong ước không được toại nguyện làm cho ta đau khổ. Chúng ta không muốn sống chung với người ta không ưa thích mà cũng không muốn xa lìa những người thân yêu. Những điều thiết tha mong mỏi không phải lúc nào cũng được thành tựu như ý muốn. Trái lại những hoàn cảnh nghịch lòng lắm lúc xảy đến đột ngột làm cho ta vô cùng khốn khổ. Ðôi khi một vài trường hợp khó khăn trở thành không thể chịu đựng nổi, và đau khổ đến mức có người suy nhược và kém hiểu biết phải nghĩ đến cái chết, tưởng chừng như sẽ giải quyết được mọi vấn đề.
Hạnh phúc thật sự nằm bên trong chúng ta và không thể định nghĩa bằng những danh từ như tài sản, quyền thế, danh vọng, hay chinh phục, chiếm đoạt. Nếu sự nghiệp vật chất ấy được chiếm đoạt bằng bạo lực hay bằng một phương tiện bất công nào khác, hoặc giả, nếu sự nghiệp vật chất ấy hướng theo một chiều lầm lạc, hay nếu ta đem lòng luyến ái , thì đó là một nguồn đau khổ và phiền não cho người làm chủ nó.
Ðối với những người bình thường, thọ hưởng dục lạc là hạnh phúc tốt đẹp nhất. Chắc chắn rằng có hạnh phúc nhất thời trong khi mơ ước, lúc thọ hưởng và khi hồi nhớ lại những khoái lạc vật chất tương tự, nhưng quả thật là mong manh. Theo Ðức Phật, không luyến ái (viràgatà), tức vượt lên trên mọi dục lạc, là hạnh phúc cao thượng hơn.
Tóm lại, Dukkha trong đạo Phật có một nghĩa rất rộng,vừa mang ý nghĩa của từ khổ thông thường, nhưng nó còn bao gồm cả những gì bất toàn, những gì không như ý, những gì đổi thay v.vẨ. Trong kinh pháp luân, Phật dạy: " Sự chấp lấy thân này là khổ ".
Dukkha không có gì khác ngoài việc không thỏa mãn những gì trong cuộc sống và tình cảm của chúng ta.
Thánh đế thứ hai đề cập đến nguyên nhân của đau khổ. Theo đạo lý duyên khởi thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Nhưng nguyên nhân trực tiếp nhất, dễ nhận biết nhất là ái dục hay luyến ái, bám víu là cội nguồn của khổ đau.
Kinh Pháp Cú ghi nhận:" Do ái dục phát sinh lo âu, do ái dục phát sinh sợ sệt. Người đã trọn vẹn thoát khỏi ái dục không còn lo âu, càng ít sợ sệt (câu 216).
Aùi dục là một năng lực tinh thần hết sức hùng mạnh, luôn ngủ ngầm trong tất cả mọi người, mọi chúng sinh và cội nguồn của bao điều khổ đau trong đời. Chính ái dục dưới mọi hình thức là tự nhiên và không do bất cứ ai hay bất cứ một thế lực nào tạo ra cả. Trong mọi thành phần và hình thức của năng lượng, sự va chạm, mâu thuẫn, mất cân đối hay sự thay đổi đều liên tục xảy ra, như khoa học đã khẳng định tất cả mọi vật thể hữu hình đều tồn tại do sự vận động va chạm và điều đó sẽ đưa đến sự thay đổi, vậy nên, thay đổi là đặc trưng của cuộc sống. Khi tình trạng thay đổi liên tục này mà chúng ta trải nghiệm về mặt thể chất và tinh thần trong từng giây phút, có liên quan đến tình cảm và lòng khát khao của con ngừơi, thì chúng ta trải nghiệm sự không thỏa mãn hay sự khổ.
Nguyên nhân của sự khổ không phải là tội lỗi từ căn nguyên hay là do lời nguyền hay ảnh hưởng của bất cứ vị thần, quỷ hay ma nào như một vài tôn giáo đã tin như vậy, mà là do lòng khát khao muốn tồn tại và các thú vui về giác quan (lục dục) của chúng ta. Con người thấy khổ khi họ không hiểu biết (vô minh) và cố gắng thỏa mãn các đòi hỏi tham lam, vô hạn độ của ngũ quan, những điều chỉ đưa đến lo lắng, sợ hãi và thất vọng.
Thánh đế thứ ba - Dút khổ (diệt đế): Diệt khổ chính là mục tiêu mà con người hướng đến. Ta phải biết là ta muốn gì. Từ lúc mới sinh ra, mọi người đều muốn được hạnh phúc và không muốn khổ đau, Chúng ta là những sinh vật có ý thức đang hiệu hữu trên quả địa cầu này, phải đương đầu với việc tạo ra một cuộc sống hạnh phúc cho chính mình. Nhưng ta không nên lầm hạnh phúc chân thực với những hình thái mới nhìn qua thì trông như hạnh phúc mà kỳ thực chỉ là những nguyên nhân của khổ đau. Hạnh phúc chân thật được diễn tả trong đạo Phật như là sự vắng mặt của những khổ đau, là sự giải phóng con người ra khỏi tham dục, hận thù và tối tăm, là sự đạt tới các đức vô úy, trầm tĩnh, đại hùng, khiến cho ta không còn là nạn nhân của sự sợ hãi, của những thành bại đắc thất tầm thường. Trên căn bản của sự giải phóng đó, hạnh phúc phải là chân thực và bền vững. Sức khỏe, tài năng, sản nghiệp, tự do, dân chủ v.v... chỉ có thể trở nên những hình thái hạnh phúc thật sự trên nền tảng giải phóng đó. Hạnh phúc thật sự chỉ có thể có được khi vật chất và tinh thần của con người phát triển hài hòa, làm cho đời sống đạt tới trạng thái hoàn mỹ thống nhất giữa tinh thần và thể xác. Con người có thể giải thoát khỏi khổ đau, đạt được sự an bình và hạnh phúc.
Hầu hết các tôn giáo, cảnh giới chí thiện (hết sức tốt đẹp hoàn thiện) chỉ có thể đạt tới sau khi người ta đã chết. Trái lại, theo đạo Phật con người có thể đạt được hạnh phúc thật sự ngay trong cuộc đời này. Những người đã chứng ngộ chân lý đạo Phật là những người thật hạnh phúc. Họ không còn bị trói buộc của bất cứ trạng thái tâm lý lo, buồn, khổ não đã gây biết bao đau khổ cho con người. Sự khoẻ mạnh về tâm lý của họ là hoàn mỹ. Họ sống một cuộc đời hiện tại một cách hồn nhiên phác thực (Tạp bộ Kinh, Bản Hội Văn học Pali, T1, tr.5). Vì vậy họ có thể thưởng thức và hưởng thụ một đời sống vật chất không chút phiền muộn ưu tư, tâm linh thanh thản yên tĩnh (Trung Bộ kinh, Bản Hội Văn học Pali, T2, tr.121). Nguời Phật tử phải nhận thức rằng theo đuổi sự nghiệp giải thoát không phải là từ bỏ mọi hạnh phúc của cuộc đời, trái lại chính là để xây dựng một nền tảng vững chắc cho hạnh phúc. Nếu không đạt tới căn bản giải thoát thì dù có mắt cũng không biết nhìn, có tai cũng không biết nghe, có cuộc đời cũng không biết sống, có những điều kiện hạnh phúc cũng không biết hạnh phúc.
Phải nhận thức rằng diệt khổ là một thực tế có thể đạt được. Sự an lạc hạnh phúc mà chúng ta đạt được do thực hiện những phương pháp Phật giáo là điều có thể kiểm chứng được. Bất cứ một nhân nào gieo xuống đều có thể đưa đến kết quả; Không một nỗ lực nào của ta có thể gọi là vô ích. Nếu chúng ta kiểm điểm để nhận thấy kết quả và tính cách hữu hiệu của những nỗ lực hành đạo hàng ngày của chúng ta, chúng ta sẽ có thêm đức tin về Diệt khổ.
Thánh đế thứ tư - Ðạo đế: Ðạo đế là con đường, là phương pháp hành động. Ðể đạt tới một đời sống an lạc hạnh phúc cho bản thân và cho xã hội, ta phải biết tỉm đường, ta phải biết phương pháp hành đạo. Ðạo đế không phải là một số giáo điều hoặc giáo luật để có thể học thuộc lòng, trái lại là kết quả của những chiêm nghiệm sâu sắc về khổ đế, tập đế, diệt đế cùng những kinh nghiệm sống của chúng ta và các thánh đế.
Tam học, thất bồ đề, bát chính đạo v.v... là những giáo lý thuộc về con đường, phương pháp có thể đem áp dụng vào đời sống để tiêu diệt khổ đau, kiến tạo an lạc hạnh phúc. Những giáo lý này chỉ có giá trị và hiệu lực khi đem chúng áp dụng một cách thông minh vào sự sống. Trái lại nếu chỉ đọc tụng niệm hoặc chiêm nghiệm mà không đem chúng áp dụng vào đời sống hàng ngày thì sự bổ ích sẽ không có được bao nhiêu.
Con đường dẫn đến dứt khổ đau, theo đạo Phật là Trung đạo. Trung đạo "có khả năng sản sinh tri kiến, dẫn đến yên tĩnh, chứng ngộ bên trong, Chính giác, Niết bàn". Trung đạo này, thường gọi là Bát chính đạo. Bát chính đạo là con đường của tám nguyên tắc hành động chân chính (astamaga). Tám nguyên tắc hành động ấy có liên hệ nhân quả rất mật thiết với nhau như sau: 1. Chính kiến: thấy đúng; 2. Chính tư duy: nghĩ đúng; 3. Chính ngữ: nói đúng; 4. Chính nghiệp: hành động đúng; 5. Chính mệnh: phương tiện mưu sinh chân chính; 6. Chính tinh tiến: cần mẫn và nỗ lực chân chính; 7. Chính niệm: ý thức chân chính; 8. Chính định: Thiền định chân chính.
Tất cả các nguyên tắc trên đều liên hệ với nhau, bồi đắp cho nhau một cách thân thiết đến nỗi trong tám chi của Bát chính đạo, mỗi chi đều bao gồm tám chi. Chi nào cũng làm nhân và đồng thời làm quả cho bảy chi khác. Chính kiến không phải là bước đầu cũng như chính định không phải là bước cuối v.vẨ
Theo đạo Phật, một con người hoàn thiện cần phải có đủ hai phẩm tính: Bi và Tuệ. Bi đại diện cho ái, từ, thiện và những tình cảm cao thượng khác, cũng tức là phẩm chất của tâm. Còn Tuệ đại diện cho lý trí hoặc những phẩm chất về tư tưởng. Chỉ phát triển tình cảm mà coi nhẹ lý trí thì sẽ trở thành kẻ ngu ngốc mà có lòng tốt. Nếu phát triển lý trí mà coi nhẹ tình cảm thì sẽ biến thành nhà tư tưởng lòng dạ sắt đá, không có chút tình cảm nào đối với con người. Do đó muốn trở thành con người hoàn thiện tất phải vun đắp cả hai phẩm tính đó. Ðó chính là mục đích phương thức sống của Phật giáo. Bi và Tuệ làm cơ sở bao quát tám chi của Bát chính đạo.
Nội dung của Bát chính đạo là:
(1) Chính kiến
Chính kiến là cái thấy về sự thực, sự thực bản thân cũng như sự thực xã hội, sự thực tâm lý cũng như sự thực về vũ trụ. Chính kiến cuối cùng sẽ trở thành tri kiến đối với thực tướng cuối cùng của hết thảy sự vật. Theo lời Phật dạy, tri kiến có hai loại: Loại tri thức hiểu, biết được tích lũy do lý tính đạt được gọi là sự kiến; Những tri kiến chân chính thâm nhập sâu sắc vào bản chất sự vật gọi là lý kiến. Loại kiến thức đạt được này chỉ có thể đạt được nhờ quá trình tu tập Thiền định liên tục trong đời sống. Ðối với người tu Phật, chính kiến cần phải được khai mở và phát triển mãi mãi bằng học tập và thực hành. Quán sát đạo lý duyên khởi và áp dụng đạo lý ấy trong mọi lĩnh vực của sự sống, ta sẽ nâng cao dần dần tâm chính kiến của ta.
(2) Chính tư duy
Chính tư duy là nghĩ đúng, và nghĩ đúng ở đây có nghĩa là suy tư phù hợp với đạo lý duyên khởi.
Trong bát chính đạo, chính tư duy còn bao hàm một nghĩa là tạo những tâm sở thiện. Tâm làm cho con người có thể dơ bẩn hay trong sạch. Tâm hình thành nên bản chất của con người. Tư tưởng thấp hèn làm cho con người trở nên bần tiện. Trái lại, tư tưởng trong sạch nâng đỡ con người đến chỗ thanh cao siêu thoát.
Trong Kinh "chuyển pháp luân", Phật dạy: "tư tưởng không tham lam, không hiểm độc, không tàn bạo được gọi là Thánh tư duy (Nyanatiloka Maha Thera, Chuyển Pháp Luân, Huỳnh Văn Niệm soạn dịch, Nxb, TP HCM 1995, tr.193)
Trong thế gian này , tham, sân, si, là nguồn cội của tất cả tội lỗi. Kẻ thù hiểm độc nhất của con người là lòng tham tức sự luyến ái, bám víu bào cái được gọi là "ta" hay là "của ta". Tất cả nghiệp dữ đều có thể xảy ra do lòng tham gây nên. Khi bị trở ngại,lòng tham tức giận, thù hằn.
Xu hướng của con người là vui thích với những gì vừa ý, ghét bỏ cái gì phật lòng. Vừa ý thì luyến ái, bám víu. Trái lòng bất mãn, xua đuổi, sân hận, chán ghét. Lòng tham thường thúc dục con người bám víu vào dục lạc và tìm mọi phương cách để thỏa mãn nó.
Chỉ khi nào diệt được tự ngã, không còn chấp cái "ta" nữa thì tham và sân tự tiêu tan. Phật dạy: "Trên thế gian này, không luyến ái là hạnh phúc. Và vượt hẳn lên khỏi mọi hình thức dục lạc là hạnh phúc".
Hòa đồng với tất cả, con người tự chan hoà trong toàn thể, thấy vạn vật và mình là một. Trong tâm không còn một điểm vị kỷ, vượt lên mọi hình thức của sự chia rẽ, riêng tư, con người đồng thể hoá với tất cả chúng sinh, rãi tâm từ đến tất cả. Ðó chính là những yếu tố của chính tư duy.
Tư duy đúng còn bao hàm nghĩa tâm bi. Tâm bi hay lòng bác ái là một đức độ êm dịu có đặc tính là làm rung động những tâm hồn trắc ẩn cao thượng trước cảnh khổ của người khác.
Người có tâm bi mềm dịu, nhưng lắm khi muốn giúp người khác thoát ra khỏi cảnh khổ, thì tâm bi cũng có thể cứng rắn như một tảng đá. Ngày nào chưa cứu giúp được người đau khổ, tâm bi cũng không thể thỏa mãn. Lắm khi, để làm êm dịu sự đau khổ của kẻ khác người có tâm bi không ngần ngại hy sinh đến cả sinh mạng của mình, Người có tâm bi thường tìm mọi phương thức làm cho con người đỡ đau khổ. Họ không bao giờ hành hung và làm hại ai. Hành tâm bi đúng mức con người có thể diệt mọi hình thức hung bạo tàn ác.
Kẻ thù trực tiếp của tâm bi là lòng độc ác, hung tợn, tàn bạo. Kẻ thù gián tiếp của tâm bi là âu sầu, ủ dột, phiền muộn. Tâm bi trong Phật giáo không phải là những giọt nước mắt chảy suông trước sự đau khổ của kẻ khác.
Tâm từ thì bao trùm tất cả, tựa hồ như ánh sáng mặt trời bao trùm vạn vật, tâm từ có cội làm cho mọi người được yên vui. Người có tâm từ luôn cố gắng tạo an lành cho tất cả chúng sinh, chỉ thấy những gì tốt đẹp nơi mọi người. Ðức Phật khuyên các đệ tử như sau: "Này hỡi các Tỳ Khưu dầu có người bình phẩm các con như thế nào, đúng hay sai, hợp thời hay ở ngoài lề, lễ độ hay thô bỉ, hợp lý hay điên rồ, ngay thẳng hay gian xảo, các con hãy cố gắng tu luyện tâm tánh, phải giữ tâm luôn luôn trong sạch, không khi nào thốt ra một lời xấu: luôn luôn niềm nở và bi mẩn đối với những người ấy. Các con nên rãi tâm từ bao trùm cả càn khôn vạn vật, dồi dào phong phú, vô lượng vô biên. Không bao giờ thù oán, không sân hận. Các con hãy cố gắng tự trau dồi" (Narada Maha Thera, Ðức Phật và Phật pháp, Sđđ, tr. 292).
Người có tư duy đúng là đã thanh lọc mọi tham vọng ích kỷ, mọi thù hận, mọi tư tưởng hung ác, tàn bạo và đượm nhuần tinh thần vị tha từ ái và ôn hòa sẽ thấy đời sống mình được an lành hạnh phúc.
(3) Chính ngữ
Chính ngữ là nói đúng và nói đúng ở đây có nghĩa là phát biểu thật sự căn cứ trên nguyên lý duyên sinh. Bất kỳ một lời nói nào mà không phù hợp với nguyên lý duyên sinh đều không phải là chính ngữ. Lời nói là một hình thức của hành động, gọi là khẩu nghiệp. Lời nói là diễn tả điều thấy và nghĩ: nếu thấy sai và nghĩ sai, thì nói cũng sai. Mà khi nói sai ta gây tác động lầm lạc cho chính ta và cho người khác. Lời nói không những cần phải diễn tả thực sự mà còn nhằm đến sự xây dựng: ta phải thấy tất cả hậu quả của lời ta nói; chỉ khi nào ta thấu được lý duyên sinh ta mới biết nói những lời có thể khai thi sự thực, tạo nên hòa khí, làm tiêu tan không khí nghi k�, oán thù và sợ hãi quanh ta.
Trong kinh "Chuyển pháp luân" Phật dạy: "Chánh ngữ là không nói dối; không nói lời đâm thọc; không nói lời cọc cằn, thô lỗ; không nói lời vô ích".
Không nói dối, theo đạo Phật là cố tránh xa sự nói dối và ráng tự chế, chỉ nói lời chân thật, trau dồi phẩm hạnh trung thực.
Không nói lời đâm thọc là tránh xa sự nói xấu kẻ khác và ráng tự chế. Không được nói lời chia rẽ, gây hiện tượng mất đoàn kết. Trái lại, biết nói lời hòa hợp để đoàn kết lại những người vốn bị chia rẽ, và tăng cường đoàn kết hơn nữa đối với những người vốn đã hòa hợp.
Không nói lời cộc cằn thô lỗ làm đau lòng người khác. Kích bác người khác với lời chua cay, chửi rủa, mắng nhiếc người hay chế nhạo người với lời thâm độc đều là những điều ác. Chỉ dùng ngôn ngữ dịu dàng, nghe êm tai, dễ thương, nhã nhặn duyên dáng hữu ích để gây thông cảm với phần đông.
Không nói lời vô ích nghĩa là chỉ nên nói chuyện nào cần thiết, có lợi lạc, đối với người nghe. Mỗi lần nói, lời nói phải đúng thời, đúng lúc, với lý luận ôn hoà mang đầy ý nghĩa. Phật dạy: "Hiện tâm chí ta rất vững vàng. Chẳng có lời bất nhã nào vượt ra khỏi miệng ta, Ta hãy ráng giữ thái độ thân hữu, thấm nhuần từ bi bác ái, không có ý nghĩa sâu độc bí ẩn nào trong tâm. Và ta cố rãi tâm từ bi rộng lớn vô lượng vô biên chẳng lẫn lộn điều chi sân hận " (Nyanatiloka Maha Thera, Chuyển Pháp luân, - Huỳnh Văn Niệm dịch, Nxb TP HCM 1995, tr.200).
(4) Chính nghiệp
Chính nghiệp là hành động đúng, ở đây cũng có nghiõa là hành động phù hợp nguyên lý duyên sinh. Một hành động thuận theo lý duyên sinh là một hành động chắc chắn đem lại kết quả tốt.
Hành động đúng là những hành vi hợp với đạo nghĩa có danh dự mà hoà bình. Trong kinh "Chuyển pháp luân", Phật dạy: Chánh nghiệp là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm".
Bảo vệ, tôn trọng , nâng cao giá trị của sự sống, đó là khái niệm trung tâm của đạo đức Phật giáo: Sự sống theo đạo Phật là có ở mọi dạng sống, chứ không phải chỉ riêng dạng sống loài người. Ðó là sự thể hiện lòng từ bi bao quát tất cả mọi dạng sống trên trái đất này.
Không sát sinh còn bao hàm quí trọng, bảo vệ, làm phong phú thêm, nâng cao chất lượng của sự sống ở mọi cấp, trong tất cả các hình thức.
Không sát sinh là một phẩm chất của từ bi. Hành động đúng tinh thần ấy, con người có thể đạt tới an vui và hạnh phúc.
Hành động đúng còn với nghĩa tuyệt đối không xâm phạm tới tài sản, của cải của người khác. Những gì không thuộc của mình thì không được chiếm đoạt.
Không tà dâm có nghĩ a là tuyệt đối tránh quan hệ tình dục bất chính. Ðạo Phật đã vạch ra cho con người một lối thoát ra khỏi cuộc sống đau khổ, là lối sống đạo đức, hướng thượng tránh xa khỏi đam mê dục vọng tầm thường.
(5) Chính mệnh
Chính mệnh là phương tiện sinh sống chân chính. Một nghề nghiệp lương thiện, đó là chính mệnh. Nghề nghiệp lương thiện chính là những phương tiện sinh sống không gây tai họa và khổ đau cho kẻ khác trong hiện tại cũng như trong tương lai. Những phương tiện sinh sống thẳng thắn, không lừa đảo, không gieo rắc lầm lạc, không bóc lột kẻ khác, không vi phạm quyền tự do và bình đẳng kẻ khác, không phá hoại môi trường sinh hoạt của con người v.v... đó là chính mệnh. Ðức Phật dạy: "Khi người Phật tử cố tránh xa tội lỗi, tìm nuôi thân bằng phương thức chính đáng, hành động đó đem lại quả vui nơi cõi trần. Ðó gọi là ‘chánh mạng thế gian" (Nyanatiloka Maha Thera, Sđd, tr.205)
(6) Chính tinh tiến
Chính tinh tiến là nỗ lực chân chính, tức là sự cố gắng không ngừng trên mọi lĩnh vực tu tập. Ðây cũng là một phương diện của sự tu tập theo nguyên lý duyên sinh. Có khi nỗ lực của ta không được gọi là chính tinh tiến, chỉ vì những nỗ lực ấy không phải là chính nghiệp, được hướng dẫn bởi chính kiến. Những nỗ lực trên hướng vụ lợi, tham lam hay căm thù đều không được gọi là chính tinh tiến, bởi vì những kết quả của những nỗ lực này có thể là khổ đau cho những người khác và do đó là cho chính bản thân mình.
Trong mỗi con người đều có một kho tàng đức hạnh cao thượng và một hầm tật xấu đê hèn. Chính tinh tiến là đè nén, tuyệt trừ tật xấu và cố gắng vun xới đắp bồi những tính tốt. Phật dạy: "Tinh tấn tránh xa (tội lỗi), tinh tấn lướt khỏi (tội lỗi). Tinh tấn làm cho phát triển (các điều lành), tinh tấn bảo tồn (những pháp cao thượng) là bốn giai đoạn về tinh tấn mà bậc đại hiền đã chứng minh. Kẻ nào cố bám dính vào các đức tánh đó sẽ kết liễu được những điều thống khổ" (Sđđ, tr.212)
(7) Chính niệm
Chính niệm là sự nhớ nghĩ chân chính. Không nên lầm chính niệm với chính tư duy. Tư duy là sự suy tưởng trong khi đó niệm là nhớ nghĩ, trái với sự quên lãng. Chính niệm là một phương pháp tu luyện rất mầu nhiệm. Ðó là ý thức sáng tỏ về sự sống của chính bản thân mình. Người Phật tử chân chính là người biết tập, sống thường xuyên trong chính niệm, nghĩa là sống có ý thức, biết mình đanglàm gì, nói gì, và do đó có thể soi sáng mọi tư tưởng, ngôn ngữ, và hành động mình bằng nguyên lý duyên sinh. Sống trong sự quên lãng tự để cho mình bị kéo theo ngày tháng và hoàn cảnh mà không tự chủ được, không thấy được mình đang sống, không thấy được sự sống là mầu nhiệm, đó không phải là sống nữa mà là trôi lặn trong sinh tử.
Chánh niệm là một phương pháp tiến tới tư cách hoàn toàn trong sạch, để vượt qua khỏi mối ưu phiền, chấm dứt niềm đau khổ và mở đường chân chính đi đến đạo quả Niết bàn.
Sống trong chính niệm, người Phật tử luôn trong tình trạng "Minh sát" về thân thể, trắc nghiệm những tình cảm và tinh tấn phân tích các hiện tượng (pháp) phát sinh. Người thường xuyên dũng mãnh, chăm chú biết mình, gạt bỏ một bên tất cả sự khát vọng và phiền muộn của thế gian (sống với hiện tại).
(8) Chính định
Chính định là một phương pháp thiền định chân chính. Chính định là sự tập trung tâm ý để đạt tới chính kiến tức là cái thấy chân chính. Ðịnh ở đây không có nghĩa là tư duy hay suy tưởng mà là những phương pháp tập trung tâm ý và thiền quán nhằm phát khởi trí tuệ. Những phương pháp này không nhắm đến sự tu luyện thôi miên, pháp thuật và trường sinh, mà nhắm đến sự phát hiện tuệ giác giác ngộ nên gọi là chính định.
Người Phật tử muốn đắc được quả trong bốn thánh thì phải thực hành bằng pháp "Minh Sát" (Vipassana) hay là minh tâm kiến tánh. Nghĩa là dùng trí tuệ soi sáng nội tâm để thấy rỗ đúng theo chân lý những trạng thái vô thường (Aniccata), khổ não (Dukkhata) và vô ngã (Anattata) của tất cả các pháp tạo ra đời sống.
Trên đây là đại cương các đạo lý duyên sinh, tứ diệu đế và bát chính đạo. Học hỏi và thực tập đạo lý này, người Phật tử xây dựng bản thân mình về ba mặt trí tuệ, tình thương và ý chí.
Cố công hành đạo, người Phật tử thêm hoàn hảo. Các tật xấu được thanh lọc tẩy trừ, giờ đây người đã sẵn sàng bước lên đường Thánh vức, như nén vàng ròng được người thợ khéo làm ra nhiều món nữ trang. Người Phật tử tự do thong thả lướt gió tung mây, không gì ngăn cản như chim hạc bay thẳng cánh tận trời cao. Người Phật tử trở nên bình thản, an tịnh, lạnh lùng trước những pháp thế gian huyền ảo. Người Phật tử đã diệt trừ được điều trở ngại sẽ rất toại nguyện vừa lòng, tâm tư tràn ngập nguồn hạnh phúc.
(Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 4/2000)
-oOo-
Source: LotusNet production, http://www.lotuspro.net