BuddhaSasana
Home Page
This document is written in Vietnamese, with
Unicode
Times font
Nói về Tăng già Việt Nam là một vấn đề lớn và khó thực hiện. Luật tạng đã quy định rất rõ về tuổi tác, căn thân, tâm thần của một Tỳ kheo. Nhưng nhìn chung, chúng ta chưa thực hiện một cách đầy đủ. Trong thời Ðức Phật, Giáo hội chưa thành lập trường học Phật giáo, nên không có một quy điều buộc một Tỳ kheo phải học một chương trình theo trường lớp cụ thể. Hơn nữa giáo lý giải thoát của Ðức Phật không câu chấp vào một hình thức cố định nào, và một Tỳ kheo thời đó đúng là một lữ khách không nhà .
Nhưng về sau, Phật giáo các nước đều có tổ chức trường học, và ở mỗi nước, tùy theo sự lãnh đạo của Giáo hội và hoàn cảnh đặc thù của mình mà có quy chế giáo dục Tăng Ni khác nhau. Phật giáo Việt nam từ trước đến nay chưa quy định một cách cụ thể chương trình học có tính bắt buộc đối với một Tỳ kheo. Gần đây, Giáo hội PGVN đã thấy được những nhược điểm về trình độ yếu kém của một Sa môn, nên bắt buộc khi thọ giới Cụ túc phải tốt nghiệp lớp 12, nhưng trình độ Phật học thì chưa thấy đề cập đến, mà học Phật mới là điều quan trọng. Thiết nghĩ, Tỳ kheo là một bậc Sư tượng, thay mặt Phật truyền trì chánh pháp, là bậc thầy tiêu biểu cho trí tuệ và đạo đức, vì vậy việc học Phật là điều thiết yếu đầu tiên. Thấy được điều đó, Giáo hội nên có quy chế về học trình cụ thể, buộc một tu sĩ Phật giáo phải vượt qua mới được công nhận .
Ngày nay Phật giáo Việt Nam đang mở các trường cơ bản Phật học ở các tỉnh, thành, nhưng chưa có tính bắt buộc Tăng Ni sinh phải theo học; mà còn hạn chế về độ tuổi, nên có Tăng Ni sinh dù muốn vẫn chưa được đi học, hay có Tăng Ni sinh không muốn đi học. Như thế trong tương lai chưa biết bao giờ trình độ học Phật của Tăng Ni mới được tiêu chuẩn hoá. Xét rằng về mặt giáo dục cũng như bất cứ lãnh vực chuyên môn nào, muốn trở thành vị thầy, xã hội buộc đương sự phải được đào tạo qua một chương trình cố định : một giáo viên cấp 1 phải tốt nghiệp lớp 12 và học 2 năm sư phạm, một giáo viên cấp 2 phải học 3 năm sư phạm; tương tự các ngành đều phải như thế. Những việc thông thường trong xã hội đều có nề nếp căn bản như thế, thì việc hoằng dương chánh pháp lại phải được đào tạo nghiêm túc hơn. Thế mà Phật giáo Việt Nam không đề ra một tiêu chuẩn học Phật nào cho một Tỳ kheo. Hiện tại chưa đủ điều kiện chăng? Hay Phật giáo thấy rằng việc tiêu chuẩn hoá Tăng già như Phật giáo Nhật Bản là không cần thiết? Phật tử chúng ta đều thừa nhận rằng giáo lý đạo Phật là sâu rộng, là siêu việt; mà Tăng sĩ là người có trách nhiệm truyền bá lại không phải học hỏi thì truyền bá cái gì? Một vị Sa môn là bậc thầy của các thầy trong xã hội thế mà thiếu học thì không ai có thể chấp nhận được .
Do thiếu một chương trình đào tạo bắt buộc, ai ai cũng có thể làm Sa môn, cho nên tình trạng Tăng già Việt Nam chúng ta rất phức tạp. Giáo hội lại thiếu tính chất giáo quyền, tổ chức không chặt chẽ, trình độ văn hoá thấp kém là những nguyên nhân phát sinh hạng tu sĩ lệch lạc, chạm giới. Chúng ta than phiền về những việc làm phi pháp của một số Tăng như khất thực phi thời, đi dự trai tăng mà không cần mời thỉnh, làm ăn trái luật, cư trú tự doẨ nói chung là vi phạm nhiều giới cấm, là vì Giáo hội chúng ta chưa có một hệ thống tổ chức chặt chẽ để đưa họ vào khuôn khổ, chưa có kế hoạch đào tạo Tăng Ni bắt buộc để xây dựng hàng ngũ Tăng già chuyên chính. Việc nhận người xuất gia còn tuỳ tiện, như những người có bệnh tâm thần, lục căn khiếm khuyết đôi khi vẫn trở thành Sa môn. Giáo hội lại không cứng rắn xử phạt những tu sĩ biến chất phạm luật để làm trong sáng giới đức của một Tỳ kheo, thậm chí có người đã hoàn tục hay chưa có quá trình xuất gia mà vẫn đắp y và hành pháp sự. Những thành phần này còn nằm ngoài Giáo hội. Tất cả những biểu hiện phi luật trái phép nói trên là hậu quả của những thời kỳ Phật giáo suy vi mà ngày nay với đà phát triển của thời đại. Giáo hội chúng ta phải có trách nhiệm chấn chỉnh lại. Nếu Giáo hội chưa có tổ chức tu viện tập trung, chưa có chương trình giáo dục bắt buộc thì hiện tượng mạnh ai lo chùa nấy vẫn còn rất phổ biến .
Tăng hay Tăng già là dịch âm chữ Sangha của Ấn độ, có nghĩa là một tập thể sống hoà hợp, có 4 thứ Tăng: Tăng 4 người, Tăng 5 người, Tăng 10 người, và Tăng 20 người, sống chung trong những tổ như thế theo pháp chế Luật hoà để giúp đỡ, nương tựa, kiểm soát lẫn nhau trên đường tu học. Chính môi trường tập thể có tổ chức, có kỷ luật sẽ hun đúc những đức tính cần thiết cho một người đang đi trên đường giải thoát .
Hôm nay Phật giáo Việt Nam đã chuyển mình vươn lên, bằng chứng là các trường Phật học đang được khai giảng khắp nơi trong nước. Ðây là cơ hội để chúng ta chấn chỉnh nề nếp sinh hoạt của Tăng già, bằng cách tổ chức nếp sống và sinh hoạt tập thể, cũng như ra sức giáo dục đào tạo Tăng tài để dần dần đi đến tiêu chuẩn hoá hàng ngũ xuất gia. Có như thế một vị Tỳ kheo mới đủ sức và có uy tín đóng vai trò lãnh đạo tinh thần của một sứ giả Như Lai ./.
(Tuần báo Giác Ngộ số 29 / 2000)
Chân thành cám ơn cô Quỳnh Hoa đã phát tâm đánh máy lại bài viết này. (Lotus Productions, 20 tháng 8-2000)
-ooOoo-
Source: LotusNet Productions, http://www.lotuspro.net/