Có những đêm dưới ánh trăng dọi, trong một phút bàng hoàng ta đã từng nhìn lầm tàu lá chuối rung rinh ra một bóng áo trắng đang lay động ; có những lúc nửa tỉnh nửa mê ta từng nghe tiếng chó sủa xa xa như tiếng người cãi lộn, và nhiều lúc mơ ngủ ta đã lầm nhận bàn tay mình đè lên ngực thành một quái vật nặng nề. Trong những lúc ấy, vì sao cảnh lại biến đổi như thế ?
"Vì tâm mình mê hoảng". Ðó là câu trả lời của lý duy tâm thông thường. Lý ấy cho rằng giá trị, tánh cách một vật một cảnh không nhất định thế nào, nó chỉ tùy theo tâm hồn mình mà biến hóa ra thế này thế kia, cho nên lắm lúc người buồn, cảnh buồn, người vui, cảnh vui ; biết bao phen, cùng trong một cảnh mà "người ngoài cười nụ người trong khóc thầm".
Lại như thì giờ nào có khi mau khi chậm, thế mà "ngày vui ngắn chẳng tày gang, ngày sầu dài tưởng đến hàng mấy thu".
Nhưng ta cũng nên tự hỏi, lúc mơ hoảng thấy lá chuối ra bóng áo, tiếng chó tựa tiếng cười, bàn tay ra quái vật, trong những lúc ấy cảnh thiệt là chi ? Là lá chuối nhuộm ánh trăng hay bóng người, là tiếng chó hay tiếng người, là bàn tay hay hình quái ? Cảnh thiệt là lá chuối, tiếng chó, bàn tay ư ? Không, đó chỉ là cảnh của người thức, cảnh đó chỉ thiệt với người thức, chứ với người đang mơ, chính là bóng áo, tiếng người và hình quái kia !
Thế thì biết cảnh nào là thiệt ? Cho nên ta cũng không lạ cho lòng ngờ của Trang Tử lúc nằm mộng thấy mình hóa bướm "Ta là người nằm mộng hóa bướm, hay ta là bướm nằm mộng hóa người ?" .
Ai mà giải quyết được !
Lý Duy tâm thông thường phân biệt thiệt giả chỉ là thiên chấp, vì lý ấy nhận có cảnh thiệt nhưng tâm hồn người đã tô màu cho các cảnh đó, như lớp vỏ trùm lên gỗ, gia vị hòa vào thức ăn. Nhưng lý ấy nào có biết thiệt giả đó chỉ là đối đãi mà có, chứ cảnh trong mê đối với lúc mê vẫn thiệt.
Lý Duy tâm của Phật giáo không công nhận có cảnh nào là cảnh thiệt, nhứt thiết các cảnh đều do tâm hiện, lá chuối cũng tâm hiện, bóng người cũng tâm hiện, như hoa đốm giữa hư không.
Ðó cũng là một phép quán Duy tâm để nhận rõ chân tánh pháp giới.
Chân tánh tuyệt đối của vũ trụ (tức pháp giới) không thể tả được, không thể tưởng tượng được, vì muôn hình vạn tượng của pháp giới đều là đối đãi mà có. Thoát khỏi các phương diện đối đãi thì không thể nghĩ nghì cảnh ấy thế nào được.
Pháp giới như số trăm (100). Số trăm không thể nghĩ nghì được, vì thiết thiệt nó không nhất định có một tánh cách chi. Số 100 chỉ có tánh cách đối đãi mà thôi, nghĩa là một trăm người, 100 xu hay 100 sông v.v...
Chính nhờ những tính cách : người, xu, sông đó làm cho số 100 thành có tánh cách rõ rệt : 100 người, 100 xu, 100 sông.
Pháp giới như số 100 ấy, tánh cách không thể nghĩ nghì, nó chỉ tùy tâm niệm mà hóa ra có tánh cách cùng tướng này tướng kia. Chính những tánh cách những tướng ấy mà ta gọi là sự vật. Nó hoàn toàn là cảnh đối đãi với tâm niệm vậy.
Thí như sông, núi, trăng, sao, chỉ là pháp đối đãi với tâm người mà hiện ra, chứ đối với tâm loài khác, nghiệp khác vị tất đã có. Nước chỉ theo tâm người mà có, với tâm cá, nước chắc đâu đã là nước (Tình hữu lý vô).
Vì thế Phật đã từng nói : "Sự sự vật vật như hoa đốm giữa hư không".
Hư không nào có hoa đốm, thế mà trừng mắt nhìn lâu cũng thấy giữa hư không có hoa đốm lăn xăn. Pháp giới ví như hư không, hoa đốm như muôn tướng, sự mõi mắt như nghiệp các loài.
Sự sự, vật vật đây không phải chỉ các tướng hình như cảnh vật cùng thân mình, mà cho đến thấy, nghe, suy nghĩ, tư tưởng cùng các tâm pháp như vui, buồn, phiền não, thiện, ác v.v... nữa.
Nhưng đã biết rằng tâm cảnh chỉ là đối đãi mà có thì có thể hoặc :
1) Ðổi tâm niệm để đổi cảnh, nhơn đó biết quả "Ngoài tâm không cảnh". Ðó là phép quán pháp tánh.
2) Xét nơi cảnh mà nhận rõ cảnh tức tâm. Ðó là phép quán pháp tướng.
Thường ta nhận thấy có tâm đối với cảnh, tâm là năng tri, cảnh là sở tri, nhưng xét kỹ thì giữa năng tri và sở tri không có chi là giới hạn. Không năng tri thì sở tri cũng diệt, không sở tri thì năng tri cũng tiêu ; vì thế biết rằng tâm và cảnh chỉ là hai phần đối đãi của chơn tâm. Theo Duy thức học thì cảnh là tướng phần, tâm là kiến phần của căn bản thức (hay đệ bát thức) mà thôi. Rõ như bản đồ sau :
Kiến phần
Tự chứng phần ——>> Chứng tự chứng
Tướng phần <<—— phần : Thức
ÐỆ BÁT THỨC
Như tay sờ đầu, tay là kiến phần, đầu bị sờ là tướng phần, cái thân cảm nhận sự sờ đó là tự chứng phần và mình biết rằng cái thân có nhận cảm sự sờ đó, sự biết ấy là chứng tự chứng phần.
Tâm cũng như tay, cảnh cũng như đầu, chỉ là hai phần của một thể, vì do sự động chạm mà phát ra có kiến và tướng thôi. Như thế thì biết kiến phần (tâm) tướng phần (cảnh) cùng tự chứng phần và chứng tự chứng phần đều là tác dụng của tâm thức mà thôi.
DUY CẢNH
Quán Duy tâm xong cần quán Duy cảnh để phá trừ cho rốt ráo ngã chấp pháp chấp. Quán Duy cảnh là đem tâm mình đặt vào một cảnh, thâu tâm cho đúng với tâm cảnh ấy để nhận pháp giới đối đãi với cảnh. Như đặt tâm mình vào người khác thời phải quán cảnh xung quanh người ấy, đúng như người ấy thấy ; hoặc xa hơn như đặt tâm mình vào con cá, thời phải quán nước thành vô hình, mà không khí đối với mình hóa ra nghẹt thở, những thức ăn ngon lành là rêu cỏ v.v... Lúc nào rốt ráo quán pháp giới được đúng với pháp giới người khác, hoặc với pháp giới con cá, thì sẽ hiểu được tất cả tâm trạng và đời sống của người khác và của con cá và có thể cảm hóa người và cá một cách dễ dàng.
Pháp quán này rất cao, Phật đã giảng trong kinh Hoa Nghiêm là một Kinh tối cao của Ðạo Phật.
*
* *
Năm xưa Hòa thượng Phúc Hậu chùa Báo Quốc, trong một dịp Tết Nguyên Ðán, ngài đã ung dung viết dán lên vách những câu đối, bài thơ để đón mừng xuân mới. Tôi may mắn được đọc những vần thơ siêu thoát của Ngài ngay khi nó vừa được viết ra còn chưa ráo mực. Có những câu thơ đã in đậm vào trí óc non dại của tôi lúc bấy giờ mà ngày nay vẫn còn hiện rõ. Mừng Xuân, Ngài đã mở đầu hai câu : "Giàu sang lễ nghĩa mấy cho cùng, đạm bạc ngày xuân cúng tấm lòng..." Thật là giản dị mà đầy đủ. Giàu sang lễ nghĩa ít nhiều thiếu đủ chỉ được phô bày tùy người tùy cảnh, chẳng có chi nhất định, nên cũng chẳng biết mấy cho cùng. Kẻ giàu sang mà chẳng có lễ nghĩa hay kẻ có lễ nghĩa mà không giàu sang đã đành là thiếu, dẫu ngay đến kẻ vừa giàu sang vừa lễ nghĩa, nhưng thiếu "tấm lòng" thì giàu sang lễ nghĩa ấy cũng hóa ra hời hợt, mong manh chưa đủ cúng "tấm lòng" thật là đạm bạc ! Nhưng thiếu tấm lòng là thiếu tất cả. Có tấm lòng mới rực rỡ hoa đăng, tràn đầy hoan lạc, mới dựng nỗi cảnh sắc huy hoàng thanh thoát.
Nghĩ vậy, nên trong ngày Phật Ðản sinh tôi bắt chước Hòa thượng, trước hết dâng lên đức Phật tấm lòng thành kính tưởng niệm những giáo lý cao siêu mà Ngài đã đinh ninh dạy bảo. Vì nếu không như vậy thì làm sao khỏi phụ bản hoài xuất thế của Phật là cốt vì "khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật."
Ðó là lý do khiến tôi trịnh trọng ghi ra những dòng đạo lý trên đây vậy.
Thích Thiện Siêu
Lễ Phật Ðản 2537 (1993)
Sài Gòn
-ooOoo-