Một trong những bài học lớn của khoa phân tích kinh tế (économétrie) là thừa nhận sự bất lực của mình trong việc giải thích sự phát triển kinh tế bằng những yếu tố đơn thuần kinh tế. Một trong những ông tổ của môn học này là Edward Denison tuyên bố rằng, về cơ bản, ông không hiểu vì sao tỉ lệ phát triển trong các năm 50 và 60 lại khác nhau. Ông cũng thú nhận như vậy sự bất lực của mình khi tìm hiểu sự giảm sút của năng suất lao động trong những năm 70.
Hiện nay, một số nước châu Á đang dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển kinh tế. Đó là các nước Nhật, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hương Cảng, Sin-ga-po, và sau đó có thể là Thái Lan và Sri Lanka (nếu kể riêng các vùng đô thị). Nghĩa là một nhóm nước công nghiệp, có trọng lượng không kém gì 9 nước Tây Âu, và với tốc độ phát triển nhanh hơn.
Các nước này có thể cho chúng ta những bài học gì? Những cái gì là nổi bật trong những nước đó? Có nét gì chung giữa các nước đó, có thể giải thích tốc độ phát triển thần kỳ của chúng?
I. ĐIỂM QUA NHỮNG YẾU TỐ, KHẢ DĨ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở CÁC NƯỚC "CON RỒNG CHÂU Á"
Tài nguyên tự nhiên ư? Các nước ấy nói chung là nghèo tài nguyên tự nhiên.
Lương công nhân ở đấy rẻ mạt chăng? Không phải, đó chính là những nước có mức lương công nhân trung bình cao nhất ở Á Phi (hơn hẳn Ấn Độ và các nước Phi Châu).
Phải chăng họ thực hiện chủ nghĩa tự do về kinh tế, và hạn chế sự can thiệp của Nhà nước? Cũng không phải, ở Nhật, các công ty lớn tư nhân đều quan hệ mật thiết với khu vực quốc doanh, nhưng Hương Cảng lại theo con đường tự do kinh tế rất triệt để. Ở đây, tỉ lệ thuế trên mọi doanh thu là 15%, và Nhà nước chỉ can thiệp mạnh vào khu vực nhà ở của dân chúng nghèo mà thôi, và như vậy để tránh không để cho người nghèo bị bóc lột quá đáng về mặt nhà ở.
Phải chăng những nước đó được trang bị kỹ thuật hiện đại? Đó là trường hợp của nước Nhật mà hầu như mọi trang bị kỹ thuật cũ kỹ đều bị phá hoại trong chiến tranh. Nhưng còn các nước khác? Phải tìm hiểu động cơ gì đã thúc đẩy họ tân trang lại kỹ thuật một cách thường xuyên như vậy? Phải chăng đó là do sự du nhập của kỹ thuật Phương Tây? Nhưng các nước khác ở Á Phi đều có thể du nhập kỹ thuật của phương Tây, nếu họ muốn!
Phải chăng đó là do chính sách bán phá giá để chiếm lĩnh thị trường nước ngoài?
Nhưng chính sách bán phá giá (dumping) chỉ có ý nghĩa, nếu giá cả được nâng lên sau khi đã chiếm lĩnh thị trường. Nhưng chúng ta lại không thấy quá trình đó xảy ra.
Phải chăng đó là do viện trợ của nước ngoài? Thí dụ, Mỹ đã giúp đỡ nhiều cho sự phát triển nông nghiệp và hạ tầng cơ sở giao thông và thông tin liên lạc ở Đài Loan, Mỹ cũng viện trợ nhiều cho Nhật Bản và Nam Triều Tiên. Các công ty Anh đã đẩy mạnh sự phát triển kinh tế của Hương Cảng và Sin-ga-po. Thế nhưng vì sao có những nước được viện trợ nước ngoài nhiều, nhưng lại dậm chân tại chỗ?
Phải chăng, những nước ấy đông dân, tạo ra nhu cầu lớn của thị trường?
Nhưng trong số các nước ấy, có nước đông dân như Nhật Bản với 105 triệu, có nước không đông dân lắm như Nam Triều Tiên với 35 triệu, Đài Loan với 16 triệu, lại có những nước ít dân như Hương Cảng với 4 triệu 5 (4,5 triệu), Sin-ga-po với 2,5 triệu.
Phải chăng có sự nhập cư hàng loạt của nhân công nông thôn vào các thành thị công nghiệp?
Ở các nước khác cũng xảy ra quá trình đó. Vấn đề là tại sao có sự thu hút nhân công như vậy từ nông thôn?
Phải chăng đó là do chế độ chính trị ở những nước đó, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế?
Nhưng chế độ chính trị ở các nước đó khác biệt nhau rất nhiều. Từ nền quân chủ lập hiến khuynh hữu ở Nhật đến chế độ độc đoán, lập hiến và khuynh tả ở Sin-ga-po, các chế độ dân chủ, nhưng khá độc đoán ở Nam Triều Tiên và Đài Loan (do hai nước này có nguy cơ bị xâm lăng), và chế độ thuộc địa khá tự do, nhưng không dân chủ của Hương Cảng.
Phải chăng các nước đó có vị trí gần biển? Nhưng nhiều nước cũng có vị trí gần biển như thế.
Như vậy là chúng ta đã duyệt qua tất cả những yếu tố tự nhiên và kinh tế. Chúng ta hãy kiểm điểm những yếu tố văn hóa, với những hệ quả tâm lý và xã hội của chúng. Có thể nói, nét chung của nền văn hóa của các nước này là Phật giáo, là thành phần Phật giáo trong nền văn hóa của các nước này. Tất nhiên là còn có những thành phần khác của nền văn hóa, như đạo Khổng ở Trung Hoa, Thần đạo ở Nhật, thế nhưng nét chung xưa nhất cho nền văn hóa các nước hữu quan là Phật giáo.
II. PHẬT GIÁO VÀ KINH TẾ:
Ban đầu, nếu nhìn hời hợt, chúng ta thấy hình như Phật giáo chống đối trực tiếp lại mọi thành tựu kinh tế và kỹ thuật. Thí dụ, cái tâm linh của Phật giáo trái ngược với cái vật chất, nội tâm trái ngược với kỹ thuật, nội quán trái ngược với hành động, hướng nội trái ngược với hướng ngoại, sự tìm hiểu bản thân trái ngược với sự tìm hiểu kỹ thuật và thị trường, với sự tìm hiểu kiến thức về thế giới, sự cải tạo bản thân trái ngược với sự cải tạo bối cảnh và môi trường, tinh thần xả trái ngược với động cơ hành động, lý tưởng cuộc sống xuất gia trái ngược với sự dấn thân nhập thế, sự đoạn trừ dục vọng trái ngược với lòng ham muốn cuộc sống tiện nghi lợi nhuận, quyền lực, thành công, sự phát triển; sự an tịnh nội tâm trái ngược với nhiệt tình hành động; ý thức Phật giáo về sự vĩnh hằng trái ngược với phương châm thời gian là vàng ngọc v.v...
Nhưng chúng ta không nên quên là Tin Lành giáo đã sản sinh ra chủ nghĩa tư bản, mặc dù tín đồ Tin Lành sống rất đạm bạc, chỉ hướng tới Chúa, chỉ mong được Chúa cứu rỗi. Và ở châu Âu phong kiến, các tu viện Thiên Chúa thật sự là những mô hình khai thác và phát triển kinh tế tốt nhất, thời bấy giờ, chúng đã thật sự sáng tạo ra châu Âu kinh tế và kỹ thuật phồn thịnh ngày nay.
Phật giáo trước hết là một thể tổng hợp văn hóa, quyết định thái độ của con người đối với thế giới, đối với những người khác và đối với bản thân mình Phật giáo đề cao cuộc sống đạm bạc, tri túc, tinh thần tập thể của mọi quyết định quan trọng, tinh thần vô ngã, sự hy sinh cho lợi ích chung, tính duy lý, sự phân tích tâm lý với thái độ bình thản, đối với mình cũng như mọi người, ý thức sâu sắc về thời gian, về cuộc đời vô thường, niềm tin ở sự tiến bộ không có giới hạn, ý thức sẵn sàng trao truyền kinh nghiệm và kiến thức cho mọi người, ý thức không xem người đồng sự là phương tiện vật chất (nhằm đạt mục đích của mình).
Những nước có một tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao nhất.
Muốn phát triển, phải tăng cường đầu tư. Muốn đầu tư, phải tiết kiệm vốn. Tỷ lệ tiết kiệm vốn tùy thuộc thái độ đối với sự hưởng thụ. Người Phật tử, cũng như người tín đồ Tin Lành giáo, đã tạo ra chủ nghĩa tư bản châu Âu, có một nếp sống đạm bạc, tri túc, và rất siêng năng lao động. Hơn nữa, ý niệm sâu sắc về cuộc đời vô thường cũng thúc đẩy người Phật tử sống đạm bạc và hướng về tương lai.
Ý thức sâu sắc của người Phật tử đối với tầm quan trọng thực tiễn của hiện tại khiến cho họ năng động hơn, tỉnh táo hơn, làm việc hết mình trong hiện tại. Người Phật tử chú trọng đến hành động hiện tại hơn là kết quả của lao động hiện tại, một sự hành động không có chấp thủ, nếu dùng một khái niệm Phật giáo quen thuộcä. Trong cuốn "Đạo đức Tin Lành giáo và tinh thần của chủ nghĩa Tư bản", Max Weber đã phân tích rõ các nhà tư bản Tin Lành giáo thấy hoạt động kinh tế không phải là phương tiện mà là cứu kính, là mục đích. Và Mác trong cuốn "Góp phần phê phán chính trị kinh tế học" cũng viết:
"Một dân tộc sẽ vẫn đạt tới đỉnh cao của phát triển công nghiệp, chừng nào mà điều chủ yếu đối với nó không phải là lợi nhuận, mà là quá trình thu hoạch lợi nhuận"
Cuối cùng là ý thức về khả năng tiến bộ không giới hạn của con người, khiến người Phật tử làm việc khẩn trương tối đa, và luôn luôn học hỏi ở người khác giỏi hơn mình. Học hỏi rất chăm chỉ. Người Phật tử thấy không cần phải phát hiện lại những điều mà người khác đã tìm ra được, qua một quá trình lao động khó nhọc.
Khi người Phật tử là Giám đốc xí nghiệp, không xem công nhân như là phương tiện, mà là mục đích của xí nghiệp mình phụ trách, thì điều đó không có nghĩa là hy sinh mục đích cho phương tiện, mà là xem mục đích như là nội hàm (immanent), trong tất cả mọi phương tiện được sử dụng để đạt tới mục đích đó. Điều này giải thích một vài đặc điểm của các xí nghiệp Nhật, mà người Tây phương với đầu óc thực dụng rất khó hiểu:
Công nhân rất mực trung thành và tự hào với xí nghiệp của mình, thậm chí sẵn sàng tự nguyện chịu giảm lương để xí nghiệp có thể khởi động lên và làm ăn có lãi, ít nhất 1/3 số công nhân đảm bảo có việc làm suốt đời (tỷ lệ này còn cao hơn đối với số công nhân ở thành thị), xí nghiệp săn sóc mọi mặt đời tư của công nhân, săn sóc sự giải trí của công nhân, và để đền đáp lại, công nhân làm việc thêm giờ tự nguyện, sáng kiến đến từ mọi cấp, chứ không phải từ cấp lãnh đạo xí nghiệp mà thôi...
Các quyết định quan trọng của xí nghiệp ở Nhật thường được bàn bạc, thông qua tập thể, và được toàn thể công nhân xí nghiệp tán thành. Các quyết định trong Tăng già Phật giáo cũng vậy, cũng phải được tất cả mọi thành viên Tăng già tán đồng thì mới có hiệu lực. Có người hỏi, nếu vẫn có một thiểu số phản đối thì làm thế nào? Phương pháp làm cho đến nay vẫn là mở rộng thành phần tham dự, thí dụ mời Tăng sĩ của các tu viện ở gần tham gia thảo luận, làm rõ vấn đề rồi bỏ phiếu, cho đến khi nào đạt được sự nhất trí hoàn toàn mới thôi. Sự nhất trí tương đối không khó lắm trong các hội nghị Tăng chúng là do Tăng già vốn có truyền thống cởi mở, vô ngã, không cố chấp.
Hình như càng mở rộng thành phần tham dự, thì càng có thêm nhiều dữ kiện hơn, nhiều thông tin hơn để đạt sự nhất trí.
Kết quả, là giữa các thành viên của cộng đồng, không có tinh thần cạnh tranh, ganh đua mà là tinh thần hợp tác, đoàn kết vì lợi ích chung của cộng đồng. Kết quả là có nhiều sáng kiến hay, xuất phát từ cấp dưới. Richard Tanner Pascale, trong cuốn "Zen and the art of management" viết rằng trong một xí nghiệp Nhật Bản, số sáng kiến xuất phát từ cấp dưới nhiều gấp ba lần so với số sáng kiến của cấp trên.
Giám đốc xí nghiệp Nhật Bản không chỉ huy và ra lệnh. Ông ta nghe, gợi ý, cho phương hướng, đánh giá. Kết quả là so với xí nghiệp công nghiệp ở các nươc tư bản Âu Mỹ, quan hệ trong các xí nghiệp Nhật Bản bình đẳng hơn, hài hòa hơn. Các công trình nghiên cứu của Liên Hợp Quốc và của Ngân hàng thế giới chỉ rõ, cánh kéo giữa lớp người giàu nhất và lớp người nghèo nhất ở Nhật Bản là 4,3 so với 7,1 ở Mỹ, năm 1970.
Những tư tưởng Phật giáo cơ bản giúp cho sự phát triển kinh tế
Thứ nhất là tư tưởng vô thường giúp cho người Nhật dễ thích ứng với hoàn cảnh mới, yêu cầu mới, công nghệ và kỹ thuật mới.
Tư tưởng đó của đạo Phật tương tự như và thậm chí còn tiến xa hơn tư tưởng của Héraclite, là sự vật không những thay đổi liên tục mà còn phải thay đổi. Và điều này không có nghĩa là phủ định truyền thống mà duy trì những cái gì vẫn còn có giá trị sống và tiến bộ trong truyền thống. Truyền thống không phải là một sự áp đặt của quá khứ, mà là một nguồn biện pháp và phương tiện đã được thử thách, có tác dụng thật sự đối với hiện tại và tương lai. Theo quan điểm này, đổi mới kỹ thuật là tất nhiên và tất yếu. Phải tán thành và phải tham gia vào đổi mới kỹ thuật. Nếu cần phải đổi nghề và đổi mới cả lối sống, nó cũng hoan nghênh. Nó giải thích và cho thấy trong những xã hội đó và cả những xí nghiệp ở trong đó đều có khả năng tiếp thu những chuyển hướng căn bản, khi cần thiết.
Một tư tưởng Phật giáo khác có liên quan là sự thay đổi từ trong bản thân khi cần thiết, để thích ứng với hoàn cảnh đổi mới. Đó là tư tưởng Phật giáo nổ lực tối đa, cải thiện tối đa, đối với cá nhân cũng như đối với toàn xí nghiệp.
Đấy là lí do của hiện tượng: sản phẩm tốt và rẻ của các xí nghiệp Nhật Bản. Những người lãnh đạo xí nghiệp Nhật Bản không thắc mắc quá đáng về vấn đề thị trường, vì họ tin rằng một sản phẩm tốt và rẻ nhất định sẽ có thị trường.
Một đặc sắc nữa của tư tưởng Phật giáo là chủ thể hòa nhập vào khách thể, là một hệ quả của thuyết vô ngã Phật giáo. Người công nhân hay kỹ sư hòa nhập vào xí nghiệp, và công việc chuyên môn của họ. Do đó, năng suất làm việc của họ tăng lên rất nhiều. Ngay khi người công nhân Nhật Bản tổ chức bãi công để bày tỏ nguyện vọng của mình, họ cũng tổ chức bãi công như thế nào để đừng gây thiệt hại lớn cho xí nghiệp.
Tầm quan trọng của giáo dục và học tập
Đạo Phật là đạo của sự giác ngộ, của trí tuệ. Kẻ thù số một của nó là vô minh nghĩa là không sáng suốt, không hiểu hay hiểu sai. Người công nhân và kỹ sư của xí nghiệp Nhật Bản cũng vậy, họ xem học tập, nâng cao trình độ kiến thức và nghề nghiệp của mình là mối quan tâm số một của họ. Người công nhân và kỹ sư Nhật Bản học suốt đời, bằng một chương trình bồi dưỡng có tổ chức. Còn người công nhân và kỹ sư phương Tây, khi xuất phát có thể có một trình độ kiến thức và nghề nghiệp cao hơn so với công nhân và kỹ sư Nhật Bản, nhưng đó là ở điểm xuất phát. Sau đó, người công nhân và kỹ sư phương Tây ì ra để hưởng thụ suốt đời. Điều này đúng cả với giai đoạn ngồi dưới mái học đường. Ở Mỹ, con cái các gia đình Nhật Bản, Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam nhập cư thường học giỏi hơn nhiều so với sinh viên Mỹ và các nước phương Tây khác.
Khoa học và kỹ thuật là mẹ đẻ của phát triển kinh tế. Nếu trong lịch sử phong kiến châu Âu, đạo Gia Tô nhiều lần chống đối lại tiến bộ kỹ thuật thì trái lại, đạo Phật cởi mở hơn, duy lý hơn, nó lấy thuyết nhân quả làm một chủ thuyết nền tảng của nó, mà thuyết nhân quả chính là cơ sở của tư tưởng khoa học hiện đại. Theo các nhà Sử học, thì chính các triết gia thuộc phái Khắc Kỷ (stoiciens) ở Cận Đông đã du nhập thuyết Phật giáo đó vào Hy Lạp và châu Âu. Nói cách khác, Phật giáo dễ dàng tiếp thu mọi tư tưởng và phương pháp khoa học kỹ thuật hiện đại.
Đạo Phật là tôn giáo điển hình không giáo điều và chống giáo điều. Phật tuyên bố: Ta không phải là kẻ giáo điều mà là một người phân tích (analyste) (Kinh Soubha số 99|)
Tư tưởng chống giáo điều là một tư tưởng tiến bộ và thúc đẩy tiến bộ trong tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và kinh tế.
Một đặc điểm nữa của tư tưởng Phật giáo là không bày tỏ lập trường đối với những vấn đề siêu hình, do đó đã tiết kiệm bao nhiêu là thời giờ và sức lực, dành cho tư duy và hành động sáng tạo. Tính thực tiễn đó của Phật giáo tiến xa tới chỗ biết và làm hợp nhất. (Tri hành hợp nhất). Đó cũng là một khía cạnh của tư tưởng phi nhị nguyên (non-dualiste) của Phật giáo. Nó làm cho công tác lý thuyết có hiệu quả hơn, và công tác thực tiễn đúng đắn hơn.
Một đặc điểm của công tác giáo dục Phật giáo là vai trò lớn của ông thầy, của minh sư tức là ông thầy sáng suốt, hướng dẫn một hay là một số đệ tử, trong học tập cũng như trong mọi mặt khác của đời sống. Trong xí nghiệp công nghiệp Nhật Bản cũng vậy, một thợ cả hay kỹ sư tài giỏi hướng dẫn một số công nhân và học nghề, tạo thành một tập thể sản xuất nhỏ rất đoàn kết và rất có hiệu năng.
Nói tóm lại, nề nếp tư duy và công tác của đạo Phật có dấu ấn rõ nét trong tổ chức và lối tư duy, lối làm việc của các xí nghiệp Nhật Bản, và luôn luôn phát huy tác dụng như là những yếu tố phát triển kinh tế và sản xuất.
Tất nhiên, đạo Khổng cũng có vai trò của nó, nhưng không có tầm cỡ như là đạo Phật. Đạo Khổng có thể cung cấp mô hình của mối quan hệ cha con và thầy trò trong phạm vi xí nghiệp, hay là tạo ra ý thức trung thành và thủy chung của công nhân viên đối với xí nghiệp. Nhưng chỉ có chừng ấy mà thôi.
Hiện nay, ở phương Tây, kinh tế đang dậm chân tại chỗ. Cuộc khủng hoảng kinh tế đang kéo dài. Nên học ở các nước phát triển của châu Á một số bài học về tăng năng suất lao động có quan hệ tới các lĩnh vực tổ chức, tâm lý và liên hệ cá nhân.
Người ta thường nói là tiến bộ vật chất có hại tới tiến bộ tinh thần và tâm linh. Đúng như vậy, nếu tiến bộ kinh tế đó chuyển hướng sai, và nếu tinh thần và tâm linh quá lạc hậu đối với tiến bộ vật chất và kinh tế. Còn trong trường hợp các con rồng kinh tế của châu Á, thì như chúng ta thấy trong bài này, chính tiến bộ tâm linh và tinh thần hướng dẫn và khởi động cho tiến bộ vật chất và kinh tế.
Kết luận
Tuy đức Phật không bàn chuyên vấn đề kinh tế, thế nhưng những ý kiến của Ngài phát biểu trong một số trường hợp cá biệt về vấn đề kinh tế, rất đáng được chúng ta lưu tâm, suy ngẫm. Đức Phật hết sức quan tâm đến động cơ và nội dung đạo đức của mọi chính sách và thực tiễn phát triển kinh tế, trong khi các nhà kinh tế học hiện đại lại rất coi nhẹ các vấn đề này. Đối với họ, mối quan tâm hàng đầu là lợi nhuận, là mức tăng trưởng kinh tế. Còn số lợi nhuận và mức tăng trưởng kinh tế đó đòi hỏi một trả giá như thế nào về mặt đạo đức và xã hội, thì họ không quan tâm hay là ít quan tâm.
Đức Phật khẳng định rằng mọi hoạt động của con người - kể cả hoạt động kinh tế cũng vậy, đều phải có nội dung đạo đức, nhằm tới hạnh phúc của bản thân cũng như của đồng loại.
Bởi vì đồng tiền, không phải thâu góp bằng bàn tay đạo đức, sẽ là con dao hai lưỡi, sẽ giết chết người chủ của nó. Tôi muốn dẫn chứng lời của một nhà tỷ phú Mỹ, J. Lynn, sau này đổi tên mình là Rajarsi Janakananda, khi trở thành một đồ đệ trung thành của môn học Yoga Ấn Độ: Ông nói: "Khi tôi đã đạt tới điểm đó (trở thành tỷ phú), thì tôi trở thành một người tha hóa và thất vọng hoàn toàn. Tôi tưởng rằng đồng tiền sẽ đem lại cho tôi hạnh phúc, nhưng không có gì làm tôi thỏa mãn được. Tôi sống thường xuyên trong tâm trạng thần kinh khẩn trương, tình trạng căng thẳng, nội tâm lo âu, không ổn định".. Cho tới khi tôi được gặp Paramahansa Yogananda và bắt đầu tập Yoga với ngài Paramahansa Yogananda. Và với sự chỉ dẫn của Ngài tôi đã đạt được sự bình thản, an tịnh, hỷ lạc và một ý thức an toàn không có người nào đạt được, nếu chưa có được sự hòa hài nội tâm".
Đồng tiền không thể là cứu cánh của nhân sinh, nếu xem đồng tiền là cứu kính, nó sẽ làm cho con người tha hóa và thất vọng. Giá trị của đồng tiền là ở chỗ nó là phương tiện tạo ra môi trường thuận lợi cho sự tiến bộ đạo đức và tâm linh của con người.
Phật không bao giờ ca ngợi sự nghèo khổ. Trái lại, trong Kinh Kutadanta (Trường bộ Kinh) và Kinh "Chuyển luân thánh vương tu hành" (Trường A Hàm), Phật giải thích là muốn trừ nạn giặc cướp và trộm cắp thì dùng hình phạt hay là bố thí đơn thuần đều không thể giải quyết triệt để vấn đề. Qua vị Bà la môn chủ tế, ở triều vua Mahavijita, Phật giải thích là muốn loại trừ triệt để bọn giặc cướp ở trong nước thì:
"Những người nào trong quốc độ nhà vua, nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, thì nhà vua hãy cấp cho những người ấy hạt giống và thực vật. Những người nào trong quốc độ của nhà vua mà nỗ lực về thương nghiệp, thì nhà vua hãy cấp cho họ vốn đầu tư, những người nào trong quốc độ nhà vua, nỗ lực về mặt quan chức, thì nhà vua hãy cấp cho họ thực phẩm và lương bổng. Và những người này sẽ chuyên tâm vào nghề nghiệp riêng của mình và sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua nữa. Và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho trẻ con nhảy đùa ở trong lòng, và sống với nhà cửa mở rộng". (Trường bộ Kinh. trg 241 - 242)
Nói theo ngôn ngữ hiện đại, thì muốn cho nước nhà được yên, ngân sách nhà nước dồi dào, mọi người đều an cư lạc nghiệp, thì phải có một kế hoạch phát triển kinh tế toàn diện hợp lý, đảm bảo cho nghề nông, nghề buôn bán đều có điều kiện phát triển, đảm bảo cho công nhân viên chức có ăn uống đầy đủ, và đồng lương sống tốt.
Nói chung lại, đạo Phật không ca ngợi sự nghèo khổ, cũng như không phê phán sự giàu có. Bởi vì, giàu nghèo chỉ là phương tiện, chứ không phải là cứu kính. Cứu kính là sự an lạc thật sự của thân tâm, chỉ có thể đạt tới được bằng đạo đức và trí tuệ. Không những kinh tế dồi dào, mà những điều quý báu nhất của nhân sinh như là sức khỏe dồi dào, thọ mạng lâu dài, dung nhan sáng đẹp v.v... tất cả đều phụ thuộc vào cuộc sống đạo đức và trí tuệ. Trong kinh "Chuyển luân thánh vương tu hành, có đoạn dẫn chứng lời Phật giảng cho các Tỷ kheo:
"Các ngươi phải siêng năng tu các điều thiện, nhờ tu điều thiện mà mạng sống lâu dài, nhan sắc thắm tươi và được an ổn, khoái lạc, của báu dồi dào, uy lực đầy đủ..." (Trường A Hàm - trg 327. Kinh Chuyển luân Thánh vương tu hành).
* * *
Đúng như vậy, chúng ta không phải phát triển kinh tế, vì kinh tế, vì muốn thành con rồng mới của châu Á. Mà chúng ta phát triển kinh tế là vì để cho tất cả người Việt Nam đều được sống hạnh phúc trong một nước Việt Nam giàu và mạnh, không bị ô nhiễm môi sinh, một nước Việt Nam có thể sống ngưỡng mặt với thế giới, không bao giờ cam tâm chịu làm cái bãi rác cho một Tây phương công nghiệp và ích kỷ.
Chúng ta thu hút vốn đầu tư để phát triển kinh tế là vì hạnh phúc thật sự của con người Việt Nam, vì sự giàu mạnh và độc lập thật sự của đất nước chúng ta, với một môi trường sống được bảo vệ tốt, những kho tàng tài nguyên thiên nhiên được khai thác và sử dụng hợp lý, vì lợi ích không những của thế hệ hiện nay, mà còn của các thế hệ mai sau nữa, với những giá trị văn hóa truyền thống, thắm màu bản sắc dân tộc mà tất cả người Việt Nam chúng ta đều tự hào và phát huy, đổi mới một cách sáng tạo, qua giao lưu tiếp xúc với các nền văn hóa nước ngoài.
Chúng ta phản đối một sự tăng trưởng kinh tế, theo quan điểm kinh tế hẹp hòi, một sự tăng trưởng kinh tế phải trả giá bằng môi trường sống bị ô nhiễm quá mức chịu đựng của con người, bằng những giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống bị xói mòn và hủy hoại, bằng những tệ nạn xã hội cho lưu hành không hạn chế, bằng sự suy thoái đạo đức, sự giải thể của gia đình, sự mất niềm tin của lứa tuổi trẻ, thanh và thiếu niên, vì đây quả là những mất mát vô giá, không thể bù đắp được bằng bất cứ một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nào.
Đó là điều tất cả chúng ta - đặc biệt là những người lãnh đạo đương chức ở cấp Trung Ương và địa phương, cần phải suy ngẫm và tìm cách giải quyết theo những phương án tốt nhất trong thời đại mở cửa và đổi mới hiện nay.
-ooOoo-
[Trở
về trang Thư Mục]
updated: 21-09-2001