Một trong những giáo lý căn bản nền tảng của đạo Phật là giáo lý Vô ngã. Một vấn đề đã gây nên không ít những dư luận, bàn cãi và đi đến kết luận cho rằng Thế Tôn là người chủ trương chủ thuyết hư vô, đưa loài người đến chỗ huỷ diệt, mặc dù vấn đề đó là sự thật của cuộc đời, chứ không phải là một học thuyết do đức Phật sáng lập. Khi đức Thế Tôn tuyên thuyết giáo pháp mà Ngài chứng ngộ, thể nghiệm, Ngài đã cân nhắc nhiều lắm, vì Ngài sợ rằng những điều Ngài nói không ai có thể kham nhận được, dù đó là sự thật. Một sự thật phủ phàng đánh đổ tất cả những gì là chân lý mà loài người đang theo đuổi: chân lý về một cái Ngã (Atman) hay linh hồn tồn tại trong mọi người (tiểu ngã), và một "Tối thượng ngã" hay "đại ngã" (Brahman) là Thượng đế, đấng đã sáng tạo ra thế giới và những ảo hoá của nó. Trong khi đó, chân lý mà đức Phật chứng ngộ là Duyên sinh vô ngã: tất cả mọi sự mọi vật đều nương vào nhau mà có mặt, tồn tại và hoại diệt. Cái này có vì cái kia có, cái này sanh vì cái kia sanh, cái này diệt vì cái kia diệt; vạn vật trong vũ trụ vạn hữu đều nắm tay nhau mà ra đời.
Trong bản chất của nó, không có vật gì giữ được tính cách đồng nhất (ngã), bất biến. Mọi vật đều theo quy luật vận hành và biến đổi trong từng phút từng giây, cho nên gọi là vô thường, tên gọi khác của vô ngã, và cũng gọi là không. YÙ niệm về không trong đạo Phật được triển khai từ giáo lý vô ngã. Và đây là vấn đề dễ bị ngộ nhận nhiều nhất. Không (sunyata) có nghĩa là sự trống rỗng, sự vắng mặt của tính cách đồng nhất trong lòng sự vật, chứ không phải là sự vắng mặt sự vật như người ta vẫn hiểu một cách sai lầm. Không là không một sự một vật nào có ngã tính, có tính cách tồn tại biệt lập ngoài sự vật khác. Đây là chân lý của cuộc đời. Nhưng con người không thể, không dám tin rằng đó là sự thật. Hoặc họ phủ nhận đức Phật, hoặc họ hoang mang không quyết đoán được. Làm sao có thể chấp nhận được rằng mọi sự vật hiện tượng kể cả con người đều là vô ngã, trong khi mà mọi thứ vẫn hiện hữu ra đó, mắt thấy, tai nghe và xúc chạm được! Làm sao có thể nghe và chấp nhận được lời Thế Tôn tuyên thuyết rằng "cái này không phải là ta, không phải của ta, không phải tự ngã của ta" khi mà nhà cửa, vợ con và hình hài ta đây đang hiện hữu bằng xương bằng thịt ?
Người ta đâm ra hoang mang, lo sợ giáo lý của đức Phật. Chối bỏ, hoang mang là điều tất yếu! Sự nghi ngờ của đại đa số quần chúng về vấn đề vô ngã do đức Phật diễn thuyết bắt nguồn từ những kiến chấp về ngã và ngã thể. Trong tư tưởng của mọi người luôn tồn lại một ý niệm về ta và của ta. Họ cho rằng, con người ta phải có một cái "ngã tối thượng" (Đại ngã, Brahman), tức linh hồn, đằng sau cái thân thể huyễn hoá này. Nhưng Thế Tôn nói rằng, không có ngã, không có ngã tối thượng nào cả. Thế thì, con người đang hiện hữu đây bằng xương bằng thịt với tất cả các tâm sinh lý vui cười, buồn giận… là cái gì?
Nương vào đâu mà hiện hữu? Nếu phủ nhận tất cả tức là chủ trương hư vô? Nói chính xác đây là cuộc đấu tranh giữa hai phạm trù tư tưởng có và không. Một mặt đấu tranh với chính mình, với những tư tưởng đan xen chồng chéo lên nhau giữa cái "ta" và "của ta", giữa "ngã" và "ngã thể"; mặt khác là với giáo lý Vô ngã của đạo Phật, giữa cái "làm thế nào để hiện hữu và tồn tại" trong khi mọi cái đều không? Không phải chỉ riêng xã hội thời đức Phật hoang mang và nghi ngờ vấn đề này, mà ngàn năm trước đó, và cho đến hôm nay, vẫn không ra khỏi vòng luẩn quẩn của tư duy về thế giới và con người. Con người và thế giới hiện hữu như thế nào? Con người sinh ra từ đâu và có còn tồn tại sau khi chết?… Đó là những phạm trù siêu hình mà nó đã giày xéo tư duy của con người để rồi bao nhà ham thích nó đã sản sinh ra các trường phái triết học, tôn giáo. Vấn đề này, đức Phật không đề cập đến, nhưng nếu có ai hỏi, Ngài trả lời "Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ", những vấn đề khác không liên quan đến giác ngộ và giải thoát, không chấm dứt được khổ đau, không liên quan đến phạm hạnh, Ngài không nói. Ví như một người bị tên độc bắn trúng, nhiệm vụ của người bị tên cũng như những người có thể giúp đỡ anh ta là làm thế nào để lấy mũi tên độc ra và tìm thuốc chữa trị, mà không phải là đi tìm nguồn gốc của mũi tên, ai bắn, tên làm bằng vật liệu gì…
Bởi vì, nếu có tìm cũng không được, giả dụ có được, thì người bị trúng tên cũng đã chết trước khi tìm thấy. Hơn nữa, đó là việc làm không cần thiết, nếu không muốn nói là dại khờ. Cũng vậy "Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ", vấn đề thiết yếu của con người là làm thế nào để cuộc sống có an lạc, hạnh phúc, cho nên đức Phật dù biết cũng không nói đến nguồn gốc của vũ trụ vạn hữu. Có nói, có biết cũng đâu hết được khổ đau?! Tuy nhiên trong khi tuyên giảng giáo lý đem đến an lạc, hạnh phúc cho con người đức Phật cũng đã phần nào giải thích nguyên nhân của sự hiện hữu con người và thế giới.
Đó là DUYÊN SINH, VÔ NGÃ. Chúng ta làm sao có thể nói là có hay không được khi mà vũ trụ vạn hữu kể cả con người đều từ nhân duyên mà sanh ra, tồn tại, và hoại diệt. Vì từ nhân duyên mà sanh cho nên bản chất của mọi sự hiện hữu đều là không, không tự tính, không có trong lòng nó một tự ngã đồng nhất bất biến. Không là không như thế, chứ không phải là sự phủ định những hiện tượng hiện hữu trong thế giới này. Vì vậy, không hề có chủ thuyết hư vô, và không bao giờ phủ nhận sự hiện hữu của con người, nhưng nó hiện hữu VÔ NGÃ, bởi vì chúng hiện hữu theo nguyên lý DUYÊN SINH. Bằng chân lý ấy, cái nhìn của bậc trí giả đối với cuộc đời tất cả đều hiện hữu lung linh mầu nhiệm trong chu kỳ tiếp nối có và không.
-ooOoo-
[Trở về trang Thư Mục]
updated: 21-09-2001