Pháp Nhẫn nại
Tỳ kheo Chánh Minh
Chùa Bồ Ðề, Vũng Tàu
DÀN-BÀI.
I- Nhập-đề:
Tài sắc lợi danh khiến người ganh tỵ người, khiến con người tạo ra oán thù với
nhau.
Pháp Nhẫn-nại giúp con người tiến đến gần nhau, xoá bỏ mọi oan trái.
II- Nội-dung:
Nhẫn-nại với ngoại cảnh.
Nhẫn-nại với nội tâm
Nhẫn-nại với sự tham.
Nhẫn-nại với sự sân.
Nhẫn-nại với sự si mê.
* Chi pháp: Nhẫn-nại chính là sự vô-sân trong mọi hoàn cảnh.
* Quả báu của pháp nhẫn-nại.
* Câu chuyện Đạo-sĩ Khantivàdì.
III- Kết-luận: - Người Phật-tử nên giữ tâm luôn trầm tịnh, ngăn không cho có sự khó chịu hay bất bình sanh khởi.
-ooOoo-
Bài giảng
I- NHẬP ĐỀ
Xuất phát từ lòng ganh tỵ, từ sự đam mê tài sắc lợi danh con người làm khổ lẫn hau. Nhẫn-nại đưa con người đến gần nhau, lau sạch mọi oan trái oán thù, xoá bỏ hàng rào phân biệt mở rộng vùng đất tình người và nhìn nhau với ánh mắt tương thân. Pháp nhẫn-nại có lợi ích lớn như vậy nên Đức Phật dạy:
Nhẫn-nại là một hạnh phúc cao quý. (khantì etam mangalamuttamam).
Nhẫn-nại là sự nhiệt tâm cao nhất (khantì paramam tapotitikkhà...)
Lời vàng Đức Phật xưa ban
Hành pháp nhẫn-nại Níp Bàn tối cao
Xuất gia chẳng hại người nào
Sa môn chẳng giọt máu đào dính tay.
(Pháp-cú 184 – Sư Tâm Cao thi hoá)
II- NỘI DUNG
Nhẫn-nại là sự chịu đựng với tâm không khó chịu.
Nhẫn-nại có hai phần:
1) Nhẫn-nại với ngoại cảnh.
Khi tiếp xúc với những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên như nóng quá, lạnh quá, hoặc những cảnh trái ý nghịch lòng, cố gắng chịu đựng không để cho tâm có trạng thái khó chịu sanh lên.
Khi đi đâu về thấy quang cảnh ngổn ngang do người nhà bày ra, cố gắng chịu đựng không cho tâm khó chịu sanh lên. Trong khi thiền tập bị muỗi đốt, bị những âm thanh quấy nhiễu, cố gắng chịu đựng với tâm không khó chịu.
Những điều trên là những ví dụ về sự nhẫn-nại với ngoại cảnh. Chính sự nhẫn-nại đối với ngoại cảnh là nền tảng ban sơ của thiền định.
Trước thời Đức Phật, có những đạo sĩ đã thành tựu thiền định nhờ vào sự chịu đựng với thiên nhiên khắc nghiệt, mùa lạnh rét buốt xương mùa nóng thì oi bức khốc liệt, một cái nóng làm nứt nẻ da lại ngứa ngáy vô cùng. Và các Đạo sĩ ở rừng ngồi yên lặng chịu đựng, đưa tâm dán chặc vào một cái gì đó để quên đi ngoại cảnh.
Khi ngồi yên lặng hơi thở trở nên rõ rệt, thế là vị ấy đưa tâm gắn vào hơi thở, dần dần chìm sâu vào nội tại quên mất ngoại cảnh khó chịu bên ngoài, giống như những nhà khoa học mãi đắm chìm vào những công trình nghiên cứu, những định luật khoa học đến nỗi quên cả "ăn cơm".....
Bài kinh Giáo giới Phú-lâu-na trong Trung Bộ Kinh nêu lên ích lợi của sự nhẫn-nại đối với ngoại cảnh: Tôn giả Phú-lâu-na (Punna) là một lái buôn ở vùng Tây Ấn xứ Sunàparanta. Khi được nghe Pháp của Đức Thế-tôn Tôn giả Phú-lâu-na xin xuất gia trong Pháp-luật này. Thời gian sau Tôn giả đi đến xin Phật chỉ giáo vắn tắt, Phật dạy: "Không nắm giữ hân hoan trong sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp".
Sau đó, Đức Phật hỏi Ngài Phú-lâu-na (Punna) đi về đâu?
- Bạch Thế Tôn! Con về xứ Sunàparanta.
- Này Phú-lâu-na, người xứ Sunàparanta có tiếng là thô ác hung bạo, nếu bị họ mắng nhiếc thầy sẽ làm sao?
- Khi bị họ mắng nhiếc hung bạo, con nghĩ họ còn tốt vì chưa đánh con.
- Khi bị họ đánh thì thầy sẽ làm sao?
- Khi bị họ đánh, con nghĩ họ vẫn còn tốt vì chưa giết con.
- Khi bị họ giết chết thầy nghĩ thế nào?
- Nếu bị họ giết, con nghĩ: "Có những đệ tử Thế-tôn nhàm chán thân ô trược này đến nỗi phải tự sát, nay con không tìm mà lại được. Người xứ Sunàparanta rất tốt".
- Lành thay! Lành thay này Phú-lâu-Na.
Và Ngài đã cảm hoá được dân xứ Sunàparanta đồng thời chứng đắc A-la-hán.
Nhẫn-nại đối với ngoại cảnh có hai mô hình: Người ngoài và người trong nhà.
Đối với người ngoài có thể áp dụng được, riêng ở trong nhà thì quả thật rất khó khăn (do nghiệp oan trái quá khứ). Như người anh đã cố ý kiếm chuyện với người em, người em im lặng thì cho là: "em khinh dễ", nếu đối đáp thì cho là "hổn láo". thật là khó xử, biện pháp duy nhất là tìm ra nguyên nhân để rồi trừ diệt nhân ấy.
Đức Phật có dạy trong Kinh Nhất thiết lậu-hoặc: "Có những lậu hoặc do trừ diệt được đoạn trừ".
Có lần Đức Phật bị nhóm côn đồ do bà Hoàng Magandiyà thuê mắng chưỡi Ngài, Ngài im lặng chịu đựng Đức Ànanda bạch rằng:
- Bạch Thế-tôn, ở đây dân chúng chưỡi mắng quá, xin Thế-tôn ngự sang xứ khác.
- Này Ànanda, đến xứ khác họ cũng mắng chưỡi thì sao?
- Bạch Thế-tôn sẽ đi đến xứ khác nữa.
- Này Ànanda đó không phải là biện pháp tốt, nhân sanh nơi nào hãy diệt tại nơi ấy.
2- Nhẫn-nại đối với nội tâm.
a) Nhẫn-nại với cái tham.
Khi lòng tham sanh lên do đắm nhiễm vào sắc, thinh, hương, vị, xúc, không thụ hưởng được những điều này tâm sẽ khổ sầu, nếu không nhẫn-nại sẽ tạo ra tội ác rồi dẫn đến khổ.
Biết bao nhiêu người do không chịu đựng được sự tham đắm trong sắc, thinh, hương, vị, xúc, nên lường gạt người khác, cướp của, giết người ... để rồi bị truy tố, bị ngồi tù lại còn gây bao oan trái với nhau .
Chỉ vì tham cái mâm vàng một cách phi pháp mà sự oan trái giữa Devadatta (Đề bà đạt đa) và Đức Phật kéo dài vô lượng kiếp. Trong hiện kiếp cũng chỉ vì ham muốn lợi đắc, ham muốn lãnh đạo Tăng chúng mà Devadatta đã tạo cho mình những ác nghiệp, cuối cùng phải rơi vào địa ngục Vô-gián .
Người tu Phật hãy "hãy nhẫn-nại trước sự tham", như câu chuyện sau:
Có đoàn hát đến cung đình giúp vui cho Hoàng-tộc cùng các Đại thần nhân ngày lễ hội. Trong vở hát có một cảnh người cha dẫn con đi quanh vườn xoài, xoài khi ấy chưa chín hãy còn chua. Người con đòi ăn, người cha không cho, người con hỏi:
- Cha quý trái xoài hơn con ư?
- Này con, cha quý con hơn xoài chứ.
- Vậy sao con xin cha, cha lại không cho.
- Này con vì xoài còn chua, không có hương vị ngon ngọt.
- Con muốn hưởng hương vị ngon ngọt của trái xoài, con phải làm sao?
- Này con "hãy nhẫn-nại đợi đã".
Nghe xong câu này mọi người đều vỗ tay tán thưởng, riêng Hoàng-tử và Công-chúa còn ban thưởng vật trang sức quý đang đeo trong người cho anh kép hát. Ngạc nhiên đức vua hỏi nguyên nhân ban thưởng ấy .
Thái tử thưa rằng:
- Tâu Phụ-vương! Con nay khôn lớn rồi, thấy cha chưa truyền ngôi cho con, vì tham đắm ngai vàng nên đêm nay con định hành thích cha để cướp ngôi. Nhờ câu nói đáng giá ngàn vàng này nên con từ bỏ ý định, con sẽ "nhẫn-nại đã".
Công chúa khi được hỏi thì thưa rằng:
- Thưa Phụ-vương! Con và người yêu đã nhiều lần xin cha cho chúng con được thành hôn, nhưng Phụ-vương vẫn từ khước. Chúng con quyết định đêm nay sẽ trốn khỏi kinh thành, nhưng nghe được câu nói vừa rồi con hồi tâm lại, con sẽ "nhẫn-nại đợi" để khỏi trở thành người con gái bất hiếu.
Đức vua rất hài lòng trước sự can đảm của Hoàng-tử và Công- chúa, hôm sau nhường ngôi cho Hoàng-tử, rồi gã Công-chúa theo nguyện vọng của nàng.
b) Nhẫn-nại với cái sân.
Thông thường nghe tiếng thô tục, tiếng chỉ trích hay gặp những cảnh nghịch ý tâm rất khó chịu, chịu đựng được những điều này mà tâm không cảm thấy khó chịu. Đó là điều phi thường.
Sự chịu đựng này không phải do sợ tổn hại đến thân thể mạng sống, cũng không phải vì lợi lộc quyền tước. Chịu đựng do những nguyên nhân trên không được xếp vào nhẫn-nại.
Khi nghe những lời chưỡi mắng, người tu Phật suy nghĩ rằng: "người này đang bị khổ vì sân nên nói ra những lời khó nghe, lỗ tai của người này ở gần miệng nên đã nghe trước ta. Người này chịu hai sự khổ, ta chỉ có một. Ta không nên để tâm bị khổ vì sân như người này". Thế là yên chuyện.
Trong trường hợp này, các bậc Thượng-trí thường dạy rằng: "hãy có mắt như mù, có tai như điếc, có thân như bị tê liệt".
Chính không nhẫn-nại được với sự sân nên oan trái được tạo ra, hận thù lại nối tiếp hận thù.
c) Nhẫn-nại với si.
Có trường hợp người nói châm biếm mình, lúc ấy không biết nên tâm vô tư, khi nghĩ lại biết bị châm biếm, tâm cảm thấy khó chịu tìm cách ăn miếng trả miếng, châm chích lại mới hài lòng. Đây không gọi là nhẫn-nại với cái si.
Gọi là nhẫn-nại với si khi biết bị châm biếm nghĩ rằng: "người si mê thiếu trí khi nãy đã mât rồi, họ châm biếm người ấy, ta không phải là kẽ si mê ấy". Khi nghĩ được như thế tâm sẽ mĩm cười.
* Chi-pháp
Nhẫn-nại chính là tâm sở vô-sân, nhưng vô-sân chưa phải là nhẫn-nại. Vì có người không sân khi gặp cảnh đáng hài lòng, đáng yêu thích, trái lại, khi gặp cảnh nghịch ý thì tâm "nổi lửa" lên ngay.
Nhẫn-nại là vô-sân trong mọi hoàn cảnh: thuận lợi lẫn nghịch ý. Trong Trung-bộ kinh có ghi câu chuyện của nữ gia chủ Vedehikà tóm lược như sau.
Nữ gia chủ Vedehikà có một nữ tỳ là Kàlì, nữ gia chủ này được nhiều người khen ngợi là người trầm tỉnh, hiền thục khiêm tốn. Nữ tỳ Kàlì suy nghĩ:
- Bà chủ ta được tiếng khen ngợi là trầm tỉnh hiền thục, phải chăng là do ta phục vụ trong nhà thật chu đáo, không có điều gì nghịch ý bà. Ta thử thí nghiệm xem bà chủ là người thế nào.
Sáng hôm ấy, cô cố tình ngũ dậy trể bỏ phế những công việc thường làm, nữ gia chủ Vedehikà hỏi;
- Này Kàlì, co phải hôm nay nàng bịnh không?
- Thưa chủ con không có bệnh gì cả.
- Thế tại sao thức dậy trể thế?
- Vì con thích như thế.
Nữ gia chủ Vedehikà không nói gì. Liên tiếp ba ngày như thế nàng Kàlì vẫn ngủ dậy trể. Và đến ngày thứ ba nữ gia chủ Vedehikà không dằn được cơn giận nên đánh vào đầu nàng nàng nữ tỳ Kàlì chảy máu, nàng Kàlì chạy ra ngoài la lên rằng; "Thưa quý ông quý bà hãy xem hành động của nữ gia chủ Vedehikà là người hiền thục trầm tỉnh đây".
Đoạn kinh trên cho thấy không sân chưa hẳn là nhẫn-nại, trái lại nhẫn-nại là vô sân trong mọi hoàn cảnh.
* Quả báu của sự nhẫn-nại
- Khi sanh lại làm người sẽ là người có dung mạo xinh đẹp, do nhân vô-sân.
Bà Hoàng Mallikà vợ của Đức vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) có hỏi Đức Phật vì sao trong đời có người xinh đẹp có người xấu xí? Đức Phật đáp rằng:
"Người nào thường hay sân hận, khi sanh trở lại làm người sẽ là người có dung mạo xấu xí, người nào giữ tâm không sân hận khi sanh lại làm người sẽ là người xinh đẹp ..."
- Được nhiều người thương mến.
- Không tạo nghiệp oan trái.
- Không có nhiều kẻ thù nghịch.
- Có tâm trầm tỉnh trước mọi hoàn cảnh nên không loạn tâm khi sắp lâm chung.
- Do không loạn tâm khi sắp lâm chung nên sau khi chết sẽ sanh về cõi Trời.
Nhẫn-nại khi phát triển sẽ trở thành một pháp Ba-la-mật. Nhẫn Ba-la-mật có ba hạng: Nhẫn đến bờ kia, nhẫn đến bờ trên và nhẫn đến bờ cao tột.
- Nhẫn đến bờ kia: Là sự nhẫn-nại trước những điều nghịch ý không liên quan đến thân thể, như vẫn trầm tỉnh trước sự mất mát tài sản, thân tộc, danh tiếng (bị người khác xuyên tạc, vu khống...) ...
- Nhẫn-nại đến bờ trên: Là dù cho có tổn hại đến thân thể cũng giữ được tâm trầm tỉnh không sân hận.
- Nhẫn-nại đến bờ cao tột: Là cho dù có tổn hại đến mạng sống cũng không hề có tâm sân hận đối với người sát hại mình.
Bồ-tát Thinh-văn hành pháp nhẫn-nại đến bờ kia. Bồ-tát Độc giác hành đủ hai cách: đến bờ kia và đến bờ trên, riêng Bồ-tát Chánh-giác phải hành trọn vẹn đủ ba bờ.
Có lần Đức Thế-tôn ngự tại chùa Kỳ-viên (Jetavanavihàra), thuyết giảng về tiền thân của Ngài là Đạo-sĩ Khantivàdì hành Nhẫn ba-la-mật như sau:
Trong quá khứ, Bồ-tát tái sanh vào một gia đình Bà-la-môn trong xứ Bàrànasì (Ba-la-nại), có tên là Kundala, khi trưởng thành ngài được gởi đến kinh thành Takkasilà để theo học những nghiệp nghệ rồi trở về Bàrànasì sinh sống. Khi cha mẹ qua đời Ngài thừa hưởng gia sản lớn.
Một hôm Ngài suy nghĩ: "Ông bà, cha mẹ ta tích lũy gia sản lớn như vầy, nhưng khi mệnh chung chẳng hề mang theo được chút chi cả, cả đến ta cũng vậy thôi. Vậy ta hãy bố thí tài sản này cho người nghèo, ta sẽ xuất gia làm Đạo sĩ để tu tập, đó chính là những tài sản mà ta mang theo khi mệnh chung."
Ngài thực hiện ý nghĩ của mình, xuất gia làm Đạo sĩ trong rừng Tuyết-lãnh (Himavanta). Thời gian sau, để tìm muối và dấm Ngài đi về kinh thành Ba-la-nại trú trong vườn Ngự-uyển của vua Kalàbu, hằng ngày Ngài đi bát khất thực để sống và được vị Đại thần của Đức vua Kalàbu hoan hỷ hộ độ.
Một hôm, vua Kalàbu cùng đoàn cung phi đi vào vườn Thượng-uyển thưởng ngoạn. Khi Đức vua say rượu nằm ngũ, gối đầu lên đùi của một cung nữ xinh đẹp, nhóm cung nữ khác rủ nhau đi hái hoa, tình cờ gặp Đạo sĩ Khantivàdì , cùng nhau ngồi xuống thỉnh Ngài nói đạo và chăm chú lắng nghe Pháp thoại của Ngài.
Đức vua thức giấc tuy vẫn còn say, thấy quanh mình vắng nhiều cung nữ, nên hỏi:
- Các cung nữ đâu cả rồi?
Nàng cung nữ ngồi ở đó dáp:
- Tâu Ðại-vương, những nàng ấy đang đi hái hoa.
- Ta và nàng hãy đi tìm các nàng ấy.
- Tâu vâng! Thưa Đại vương.
Khi tìm gặp, thấy các cung nữ mãi nghe Pháp không chú ý đến mình, Đức vua nổi cơn thịnh nộ khi cảm thấy uy quyền của mình bị Đạo-sĩ xâm phạm, rút gươm ra định giết chết Đạo-sĩ, một cung nữ nhanh tay giữ chặt tay Đức-vua, tìm cách làm cho Đức vua giảm cơn thịnh nộ. Đức vua hỏi Bồ-tát:
- Nầy Đạo-sĩ, ngươi đang giảng pháp gì thế?
- Tâu Đại vương, tôi đang giảng về pháp Nhẫn-nại.
- Thế nào là pháp Nhẫn-nại?
- Là không tức giận khi gặp phải những việc nghịch ý, cho dù có bị người khác chửi rủa, đánh đập mình.
Nghe xong, Đức vua càng nổi giận, quát lên:
- Được, ta sẽ thấy được pháp nhẫn-nại của ngươi .
Đức vua sai lính đánh Bồ-tát bằng roi gai khắp cả người Bồ-tát rách da, nát thịt, máu tươm ra dầm dề, tổng cộng Bồ-tát chịu đựng tất cả 2.000 roi mà tâm chẳng có chút gì với sân hận với Đức vua. Ngài đã dạy tâm rằng:" Ngươi không nên sân hận với Đức vua, ngươi cần phải chiến thắng sân hận bằng sự vô sân".
Đức vua lại hỏi:
- Này Đạo sĩ, ngươi giảng pháp chi?
- Tâu đại vương, tôi giảng pháp nhẫn-nại. Đại vương tưởng pháp nhẫn-nại ở trên da thịt sao, pháp nhẫn-nại không ở trên da thịt, Đại vương không thể tìm thấy nhẫn-nại trên da thịt.
Đức vua lại nổi cơn thịnh nộ, sai quân chặt cả hai tay hai chân Bồ-tát, Ngài ngất xỉu vì quá đau đớn, khi thấy Ngài tỉnh dậy, Đức vua quát tháo rằng:
- Nầy Đạo sĩ, ngươi giảng pháp chi?
- Tâu Đại vương, tôi giảng pháp nhẫn-nại. Pháp nhẫn-nại không có ở tay hay chân đâu, Đại vương không thể tìm thấy pháp nhẫn-nại ơ tay hay chân.
Quá bực tức, Đức vua dẫm vào ngực Bồ-tát và quát lớn:
- Tên Đạo sĩ ương ngạnh kia, ngươi hãy nằm đây với pháp nhẫn-nại của ngươi đi. Rồi Đức vua bỏ đi sau khi truyền cho đoàn mỹ-nữ cùng ra về.
Quan Đại-thần ở lại săn sóc Bồ-tát nói rằng:
- Thưa Đạo-sĩ cao thương, xin Ngài đừng giận đức vua hung ác để rồi làm khổ dân chúng trong xứ Bàrànasì này, vì dân chúng vô tội trong sự việc vừa qua.
- Này đại quan, tôi không hề giận Đức vua, cầu mong Đức vua được sống lâu, người có trí không hề sân hận.
Đức vua vừa ra đến cổng vườn Thượng-uyển khi khuất tầm nhìn của Bồ-tát, đất nứt ra và Đức vua rơi vào địa-ngục A-tỳ (Avìci). Riêng Bồ-tát cũng mệnh chung trong hôm ấy và tái sanh về thiên giới.
Rồi Đức thế-tôn nhận diện Bổn-sanh: Đức vua hung ác nay là tỷ-kheo Đề-bà-đạt-đa (Devadatta), quan Đại-thần nay là Xá-lợi-phất (Sàrìputta), Đạo-sĩ Khantivàdì nay chính là Như-lai vậy.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy Đức Bồ-tát đã hành pháp nhẫn-nại tròn đủ cả ba bậc; bờ kia, ờ trên và bờ cao thượng.
Tóm lại: Người có tâm tầm cầu pháp giải thoát, uôn luôn giữ tâm điềm tỉnh trước mọi diễn biến cả bên ngoài lẫn bên trong, luôn gìn giữ tâm không cho sự khó chịu hay sân hận sanh khởi.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
-ooOoo-
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 14-03-2003