Mặt trời chân lý

Thích Phước Đạt


Không phải ngẫu nhiên mà con người được sinh ra trong hoàn cảnh giàu sang, quyền cao chức trọng hay nghèo đói bần cùng hạ liệt. Tùy theo hạnh nghiệp của mỗi chúng sinh khác nhau mà tự thân thọ hưởng đời sống nghiệp quả riêng biệt của chính mình. Sống khổ đau hay hạnh phúc đều do mỗi cá nhân con người quyết định. Trong ý nghĩa đó, Đức Phật đã khái quát hóa từ thực tại cuộc đời có bốn hạng người khi ngài giảng pháp cho vua Pasenadi nước Kosala để chỉ dạy cho thần dân, ngõ hầu khai mở tâm thức con người hướng đến một đời sống an lạc giải thoát. Kinh Tương Ưng Bộ [1] đã ghi lại nội dung lời Đức Phật dạy như sau:

"Thưa Đại vương, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời - Thế nào là bốn? Sống trong bóng tối hướng đến bóng tối, sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng, sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối, sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng".

Rõ ràng cuộc sống không đơn giản chút nào khi tâm thức mỗi người vận hành theo nhiều chiều hướng khác nhau để rồi tự thân phải thọ nhận hay an trú trong những môi trường sống khác nhau riêng biệt cho chính mình. Điều đáng lưu ý nhất là dù trong môi trường sống, hoàn cảnh nào mà bạn đang sống dẫu bi đát hay tuyệt vời, bạn phải luôn hướng tâm thức về mặt trời chân lý. Ánh sáng huyền diệu cuộc đời sẽ soi rọi mọi nẻo đường bạn hướng đến những miền đất an lạc. Trời vẫn xanh, đất vẫn nở hoa, khúc nhạc lòng vẫn vang vọng đâu đây...

Không thực thi sự chuyển hóa tâm thức như thế ắt hẳn bạn sẽ rơi vào hệ lụy khổ đau.

1. Người sống trong bóng tối hướng đến bóng tối

Thế Tôn dạy rằng: "Thưa Đại vương, thế nào là người sống trong bóng tối hướng đến bóng tối? Ở đây, thưa Đại vương, có một số người sinh trong gia đình hạ tiện, gia đình kẻ Chiên đà la hay gia đình người đan rổ, hay gia đình người làm bẫy sập, hay gia đình người làm xe, hay gia đình người đổ rác, nghèo đói, ăn uống thiếu thốn, sinh kế khó khăn, khó kiếm đồ ăn mặc và người ấy xấu xí khó nhìn, còm lưng nhiều bệnh, mù lòa, quẹo tay, bại chân, hay nửa thân tê liệt. Người ấy không nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, không nhận trọn chỗ nằm chỗ ở, đèn đuốc. Người ấy thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sinh vào cõi dữ ác thú, đọa xứ địa ngục. Thưa Đại vương, ví như một người đi từ tối tăm này đến tối tăm khác hay đi từ hắc ám này đến hắc ám khác, hay từ vết máu đỏ này đến vết máu đỏ khác. Thưa Đại vương, ta nói người ấy, với ví như vậy - Thưa Đại vương, như vậy là người sống trong bóng tối hướng đến bóng tối".

Tại đây, Đức Phật đã khái quát hóa về mẫu người sống trong bóng tối. Họ được sinh trưởng vào trong những gia đình hết sức cùng khổ, có một đời sống hết sức khó khăn, sự thu nhập không ổn định, dẫn đến nghèo đói, bệnh tật, bất an, dao động. Như vậy, những người đang sống trong bóng tối là những người được sinh ra và lớn lên trong một môi trường sống không đầy đủ thiện duyên, với hoàn cảnh sống hết sức khắc nghiệt. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là do nguyên nhân gì dẫn đến cho tự thân mỗi người có một đời sống khổ đau hay hạnh phúc, hay nói khác đi, do căn nguyên gì mà có người sống trong bóng tối hay có người sống trong ánh sáng?

Trong kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt [2], Đức Thế Tôn lý giải: "Các loài hữu tình là chủ nhân ông của nghiệp, là thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp là phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt có ưu".

Người sống trong bóng tối là những người đã tạo nghiệp nhân không tốt lành nên phải hứng chịu đời sống với nghiệp quả khổ đau. Trái lại, mẫu người sống trong ánh sáng là những người đã tạo ra nghiệp nhân tốt lành nên được thọ hưởng một đời sống nghiệp quả hạnh phúc.

Điều đáng nói ở đây, là những người được Đức Phật khái quát sống trong bóng tối là những người không biết chuyển hóa tâm thức để tạo ra nghiệp mới chứa đựng những hạt giống thiện lành từ thân khẩu ý, nhằm đẩy lùi và xóa dần các kết quả các nghiệp cũ có hạt nhân khổ đau. Do đó, những người này ngay trong đời này phải chịu nhiều thống khổ, đời sau vẫn còn chịu nhiều hệ lụy. Hay nói khác đi, những người sống trong bóng tối không thực thi hạnh lành nên vẫn hướng về bóng tối.

2. Người sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng

"Ở đây, thưa Đại vương, có một số người sinh trong gia đình hạ tiện, gia đình kẻ Chiên đà la hay gia đình người đan rổ, hay gia đình người làm bẫy sậy, hay gia đình người làm xe, hay gia đình người đổ rác, nghèo đói, thiếu thốn, sinh kế khó khăn, khó kiếm đồ mặc. Và người ấy xấu xi, khó nhìn, còm lưng nhiều bệnh, mù lòa, quẹo tay, bại chân hay nửa thân tê liệt. Người ấy không nhận được đồ ăn đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu phấn sáp, không nhận được chỗ nằm, chỗ ở, đèn đuốc. Người ấy thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Do thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, sau khi thân hoại mạng chung người ấy sinh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Thưa Đại vương, ví như một người từ đất lên kiệu, hay từ kiệu leo lên thân voi, hay từ thân voi leo lên lầu. Thưa Đại vương, ta nói người ấy với ví dụ như vậy. Thưa Đại vương, như vậy là người sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng".

Điểm nổi bật hạng người này mặc dù được sinh ra và lớn lên trong một môi trường sống khổ đau, nhưng tâm thức biết hướng về ánh sáng. Điều đó có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khởi tập, tẩy rửa gạn lọc tâm thức, để tâm trở nên trong sáng. Người đó thực thi các pháp thiện bằng cách thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Cần phải hiểu khái niệm thiện trong Phật giáo, theo Đức Phật dạy là những việc làm, lời nói, ý nghĩ của thân khẩu ý đem lại lợi ích cho chính mình, cho người khác và cho cả hai. Nhờ thực thi công đức các thiện pháp tốt lành như vậy nên những người này từng bước an lạc ngay trong hiện tại, đời sau được an trú cõi thiện thú an lành.

3. Người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối

"Ở đây, thưa Đại vương, có số người sinh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát đế lỵ đại phú, hay trong gia đình Bà la môn đại phú, hay trong gia đình gia chủ đại phú, phú hào có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng bạc, có nhiều tài sản vật dụng, nhiều tiền của, ngũ cốc. Người ấy đẹp trai dễ nhìn, dễ thương, với màu da tuyệt đẹp, mỹ miều. Người ấy lại nhận được đồ ăn, đồ uống, áo mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục. Ví như, thưa Đại vương, một người từ lầu leo xuống thân voi, hay từ thân voi leo xuống lưng ngựa, hay từ lưng ngựa leo xuống chiếc kiệu, hay từ chiếc kiệu leo xuống lòng đất, hay từ đất leo xuống lòng đất tối tăm. Ta nói người ấy với ví dụ như vậy. Thưa Đại vương, như vậy là người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối".

Đây là mẫu người thứ ba được Đức Phật đề cập. Căn cứ theo kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt lý giải thì mẫu người này nhờ gieo trồng các nghiệp nhân thiện lành nên đã gặt hái các nghiệp quả tốt đẹp. Chính sự thành tựu công đức này nên họ là những người được sinh ra, lớn lên trưởng thành trong những gia đình có môi trường sống tốt đẹp. Đời sống kinh tế thì giàu có, thân tướng thì đẹp đẽ, vị trí xã hội thì tương xứng thích hợp. Đức Phật gọi là mẫu người sống trong ánh sáng. Với một đời sống đầy đủ thiện duyên tốt đẹp như thế, thay vì hướng tâm phát triển các hạnh lành từ thân khẩu ý, họ lại hướng tâm vận hành theo chiều hướng đi xuống, dẫn đến tha hóa đời sống đạo đức. Tâm thức bị vẩn đục do thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Kết quả sau cùng là sau khi thân hoại mạng chung, họ được sinh vào một môi trường sống hệ lụy, đọa lạc. Đức Phật gọi là mẫu người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối.

4. Người sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng

"Ở đây, thưa Đại Vương, có người sinh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát đế lỵ đại phú, trong gia đình Bà la môn đại phú, hay trong gia chủ đại phú, phú hào, có tiền của lớn, có tài sản lớn, có nhiều vàng bạc, có nhiều tài sản vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc. Và người ấy đẹp trai dễ nhìn, dễ thương, với màu da tuyệt đẹp, mỹ miều. Người ấy lại nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện. Do thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, người ấy khi thân hoại mạng chung được sinh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Ví như, thưa Đại vương, một người từ chiếc kiệu này bước qua chiếc kiệu khác, hay từ lưng ngựa này bước qua lưng ngựa khác, hay từ thân voi này bước qua thân voi khác, hay từ lầu này bước qua lầu khác. Như vậy là người sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng".

Thiết nghĩ, hạng người tối ưu nhất là hạng người được sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng. Với sự thành tựu phước đức, trí tuệ đầy đủ, những người này tiếp tục sống và an trú trong chánh pháp, thực thi các hạnh lành. Đây là nếp sống hướng thượng khởi đầu cho cuộc hành trình bước vào miền đất an lạc, tịnh hóa thân tâm. Lòng tịnh tín đối với Tam bảo khởi lên, với tâm từ bi hỷ xả có mặt, họ chính là những người không chỉ biết đem lại niềm hạnh phúc cho chính mình mà biết hướng tâm đem lại sự an lạc cho người khác. Rõ ràng một người được sinh trưởng trong một môi trường tốt đẹp, biết suy tư về các pháp thiện, hành trì các pháp thiện, dĩ nhiên ngay đời này được an lạc, đời sau được sinh thiên giới, trú xứ tốt lành.

* * *

Trên đây là bốn hạng người có mặt hiện hữu ở đời mà Đức Phật khái quát hóa, điển hình hóa. Suy cho cùng đó là những mẫu người cụ thể sống trong những môi trường hoàn cảnh cụ thể. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là cần ý thức và phân biệt mẫu người nào cần tiếp cận, thực tập hành trì, mẫu người nào cần phải né tránh hủy diệt ngay từ trong tư tươọng, hay phải chuyển hóa từ thực tế đời thường. Tất nhiên mẫu người sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng, người sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng là những hạng người cần lưu tâm hơn cả. Mặc dù hai hạng người có sự khác nhau về môi trường sống, hoàn cảnh, đời sống kinh tế vật chất hay tinh thần khởi đầu từ nền tảng, nhưng trên hết hoố có điểm chung là biết tỉnh thức, biết khát vọng vươn đến ánh sáng mặt trời chân lý. Đó là nếp sống an tịnh khởi đầu bằng sự thanh tịnh hóa thân tâm trong dòng sống lương tục. Cụ thể hóa là thực thi đời sống vô tham vô sân vô si, hành trì giới định tuệ bằng các việc làm, lời nói, ý nghĩ chứa đựng các nghiệp nhân tốt lành. Nhìn lại thực tế cuộc đời, nếu ai biết hướng tâm tu tập như thế, dù được sống trong môi trường, hoàn cảnh như thế nào đi nữa, với khát vọng vươn đến hạnh phúc, sự diệu kỳ của cuộc sống sẽ đón chào. Thế Tôn, các Thánh đệ tử của chúng ta hay những người đang thực thi đời sống giải thoát từng sống và hành đạo như vậy.

-ooOoo-

Tài liệu tham khảo

[1] Kinh Tương Ưng Bộ, tập I, phẩm thứ 3, trang 209-216, HT. Thích Minh Châu dịch, Đại tạng kinh Việt Nam, 1993.

[2] Kinh Trung Bộ, tập III, Tiểu Nghiệp Phân Biệt kinh. tr.360-366, HT. Thích Minh Châu dịch, Trường Cao cấp Phật học VN ấn hạnh, 1986.

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-05-2003