Bồ tát hay Thinh văn?
Nguyễn Tối Thiện
Chúng ta không thể nào phủ nhận kinh điển để cho rằng khái niệm Bồ Tát chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ I trước Công Nguyên, tức là xuất hiện cùng lúc với phong trào Đại Thừa, trừ trường hợp không biết rõ kinh điển. Thật vậy, danh từ này đã được chính Đức Phật Thích Ca đề cập tới rãi rác trong Tạng kinh (Sutta Pitaka). Trong Trung Bộ kinh, Đức Phật đã dùng danh từ này để nói về Ngài trước khi thành Phật: "... khi Bồ Tát nhập mẫu thai (nhập vào thai bào của bà mẹ), này Ananda, mẹ Bồ Tát không bị một tật bệnh gì, Bà sống với tâm hoan hỉ, với thân khoan khoái. Bà thấy trong thai bào của mình, vị Bồ Tát đầy đủ mọi bộ phận và chân tay …" (kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp, Acchayriyabbhuta Dhamma Sutta, Trung Bộ III, bài 123).
Trong bài kinh Đại Bổn (Trường Bộ kinh I, bài 13), Đức Phật thuật lại cuộc đời của các vị Phật quá khứ, Ngài cũng dùng danh từ Bồ Tát để chỉ định các vị này lúc chưa thành Phật: "Này các Tỳ Kheo, trong khi yên lặng tịnh cư chỗ thanh vắng, Bồ Tát Vipassi (Tỳ Bà Thi) suy nghĩ: "Thế giới này thật rơi vào cảnh khổ não, phải sinh rồi già, rồi chết, rồi từ bỏ thế giới này để tái sinh trong thế giới khác! Không ai biết một con đường giải thoát khỏi sự đau khổ này, thoát khỏi già và chết".
Trong Tương Ưng Bộ kinh, ta đọc thấy rãi rác: "Này các tỳ kheo, trước khi Ta chưa giác ngộ, chưa thành Chánh Đẳng Chánh Giác, còn là Bồ Tát, Ta khởi lên ý nghĩ sau ‘...’ ".
Chính trong Tiểu Bộ kinh (Khuddaka Nikāya), quyển thứ 14: Phật Sử (Buddhavamsa), quyển thứ 15: Sở Hành Tạng (Cariyapitaka) và quyển thứ 10: Bổn Sanh (Jātaka), chúng ta tìm thấy những điểm giáo lý phong phú và chính xác nhất về ý niệm Bồ Tát và các pháp ba-la-mật thực hành bởi chư vị Bồ Tát để thành đạt Phật Quả Chánh Đẳng Chánh Giác. Căn cứ theo những kinh sách này, chúng ta có thể hình dung thế nào là một vị Bồ Tát. Bồ Tát là "một chúng sinh hướng tới sự giác ngộ" (être qui aspire à l’Éveil). Vị này chưa giác ngộ gì cả và vẫn còn luân lưu trong Tam Giới, nghĩa là vẫn có thể tái sinh vào cảnh khổ vì nghiệp quả của mình; nhưng khác với một chúng sinh khác là vị này có một hạnh nguyện cao quí là giải thoát cho chính mình và hóa độ chúng sinh khác. Vị này biết rõ mục đích cuộc sống của mình là cải thiện tâm linh, phát triển phạm hạnh cho đến mức cùng tột, vì nếu không biết rõ mục đích của cuộc sống thì làm sao thực hiện được ý nguyện. Có thể trong những kiếp đọa đày trong cảnh khổ thì không còn nhớ lý tưởng thật, nhưng trong kiếp người hay kiếp trời thì có những hoàn cảnh nhắc nhở cho vị này phải nhớ tới hạnh nguyện của mình. Cũng như Bồ Tát Sĩ Đạt Ta đang sống trong nhung lụa ngọc ngà, với sự bưng bít sự thật của vua cha, nhưng khi du hành ra khỏi hoàng cung, 4 thực tại của cuộc sống làm cho Ngài bàng hoàng thức tỉnh.
Có 3 loại Bồ Tát:
1. Bồ Tát Thinh Văn Giác,
2. Bồ Tát Độc Giác,
3. Bồ Tát Chánh Đẳng Chánh Giác (Māha-bodhisatta:
Đại Bồ Tát hay
Bồ Tát Ma ha tát).
Loại thứ ba này lại chia ra 3 loại:
a) Đại Bồ Tát tu theo hạnh Trí Tuệ (như Bồ Tát Sĩ Đạt Ta),
b) Đại Bồ Tát tu theo hạnh Đức Tin,
c) Đại Bồ Tát tu theo hạnh Tinh Tấn (như Bồ Tát Di Lạc).
Theo truyền thống của chư Phật, các vị Bồ Tát sẽ tu tập theo Thập Độ Ba-la-mật, gồm có: 1) bố thí, 2) trì giới, 3) từ bỏ, 4) trí tuệ, 5) tinh tấn, 6) nhẫn nại, 7) chân thật, 8) quyết định, 9) tâm từ và 10) tâm xả. Mỗi Ba-la-mật lại chia làm ba mức độ: bậc thấp, bậc trung và bậc cao. Thí dụ như Bố thí Ba-la-mật bậc thấp là bố thí tài sản, sự nghiệp hoặc vợ con; bậc trung: một phần của thân thể, như cho một lá phổi, một trái thận ...; bậc cao: hy sinh mạng sống (hay cả cuộc đời) của mình để cứu kẻ khác (như Bồ Tát Thích Quảng Đức đã hy sinh mạng sống để bảo vệ Phật Pháp), không phải hy sinh làm kamikaze giết hại người khác với hy vọng được lên thiên đàng. Cũng không phải hy sinh cả cuộc đời để được về nước Chúa. Đại Thừa thì quan niệm chỉ có lục độ: 1) bố thí, 2) trì giới, 3) tham thiền, 4) tinh tấn, 5) nhẫn nại và 6) trí tuệ. Không biết từ lúc nào chư vị Bồ Tát Đại Thừa lại bỏ mất 5 pháp: từ bỏ, chân thật, quyết định, tâm từ và tâm xả; nhưng lại thêm thiền định. Tới đây làm cho tôi nảy ra 3 câu hỏi:
1. Tu theo hạnh Bồ Tát của Nguyên Thủy thì không cần phải thiền hay sao?
2. Những người chỉ tụng niệm danh hiệu một vị Phật hoặc Bồ Tát nào đó để mong mõi được những vị đó cứu độ thì có phải là Đại Thừa chăng? Vì Đại Thừa là phải tự giác và giác tha, nghĩa là tự mình phải nổ lực tự giải cứu và cứu giúp người khác, không phải chờ đợi một tha lực nào cả.
3. Hai đức hạnh từ bi và xả rất cần thiết cho một vị Bồ Tát, không có hai đức hạnh này liệu những vị Bồ Tát "cải cách" có thể làm tròn sứ mệnh cứu nhân độ thế hay không?
Suy nghĩ để giải đáp vấn nạn thứ nhất, ta mới thấy điểm khác biệt tế nhị giữa Thinh Văn và Bồ Tát. Thinh Văn là một vị sinh ra trong thời đại giáo huấn của một vị Phật Chánh Giác, chẳng hạn như thời đại của chúng ta mà giáo pháp của Đức Phật Thích Ca vẫn còn tồn tại và lưu truyền. Vị này không phải mất công tìm tòi phương pháp tu học mà cứ áp dụng lời giảng dạy trực tiếp của vị Phật Chánh Giác. Phật Thích Ca đưa ra con đường Tám Nhánh:
* Tuệ:
1- Chánh kiến
2- Chánh tư duy
* Giới:
3- Chánh ngữ
4- Chánh nghiệp
5- Chánh mạng
* Định:
6- Chánh tinh tấn
7- Chánh niệm
8- Chánh định
Trong đó, phần thiền định được nhấn mạnh đặc biệt. Đức Thích Ca lại đưa ra phương pháp thiền đặc biệt của Ngài, là Thiền Tứ Niệm Xứ và còn nhắn nhủ: đây là con đường "duy nhất để thanh lọc tâm, để diệt trừ đau khổ, để thành đạt trí tuệ và chứng ngộ Niết Bàn" (kinh Niệm Xứ - Satipatthāna Sutta).
Nếu áp dụng đúng như vậy với chí nguyện giải thoát và hội tụ đầy đủ công đức, chúng ta sẽ dần dần tiến lên các tầng thánh Tu Đà Hoàn (Dự lưu, Nhập lưu, Thất lai), Tư Đà Hàm (Nhất lai), A Na Hàm (Bất lai), A La Hán (Ứng Cúng, Thinh Văn Phật).
Cho đến A La Hán, vị này được hoàn toàn giác ngộ cũng giống như Phật Chánh Đẳng Chánh Giác hay Phật Độc Giác. Sự giác ngộ trong Phật giáo bao hàm 4 ý nghĩa:
- Giải thoát khỏi những quan kiến sai lầm (vô minh và tà kiến),
- Giải thoát khỏi những ràng buộc chấp thủ (tham ái),
- Giải thoát khỏi những phiền não khổ đau (sân ưu),
- Giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi (đạt Niết Bàn).
Một vị Bồ Tát do hạnh nguyện cứu độ chúng sinh và do năng lực tu tập lâu đời nhiều kiếp, Ngài không trải qua các tầng thánh này; vì nếu đắc Tu Đà Hoàn, vị này chỉ còn lại 7 kiếp để tu tập sẽ không hoàn thành được ước nguyện “chúng sinh vô lượng độ” (vì thế mới gọi là bậc Thất lai: trở lại 7 lần). Nếu đọc tiểu sử Phật Thích Ca lúc chứng ngộ, chúng ta thấy trong 3 canh liên tiếp Ngài chứng ngộ Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh. Vị A La Hán cũng chứng ngộ Lậu Tận Minh, là tuệ giác cuối cùng đưa một chúng sinh vượt thoát luân hồi. Hai Minh kia chỉ là 2 loại Thần Thông đặc biệt của vị Toàn Giác.
Nếu so sánh giữa Thinh Văn Phật và Chánh Giác Phật thì dĩ nhiên vị thứ hai có nhiều khả năng cứu độ hơn. Cũng giống như một vị bác sĩ học 7 năm, khi ra trường chỉ cứu giúp được một số bệnh nhân giới hạn, còn vị giáo sư y khoa luyện tập trên mười mấy năm có thể vừa chữa trị bệnh nhân, vừa đào luyện bao nhiêu thế hệ bác sĩ, mỗi thế hệ 200, 300 bác sĩ sẽ ra trường lại cứu giúp hàng chục ngàn bệnh nhân khác. Tuy nhiên, khả năng cứu độ của vị Chánh Giác Phật cũng có giới hạn. Trong bài kinh Đại Bổn (Trường Bộ kinh I, bài 13), Đức Phật có kể lại về số đệ tử của các vị Phật quá khứ và của chính Ngài: "... Này các tỳ kheo, trong thời Thế Tôn Kassapa, bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác, có một tăng hội hai vạn tỳ kheo, ... tất cả đều là bậc A La Hán. Này các tỳ kheo, nay trong thời của ta có một tăng hội một ngàn hai trăm năm mươi tỳ kheo, tất cả đều là bậc Lậu Tận". Nếu so sánh với dân số Ấn Độ vào thời đó thì con số 1.250 đâu có nghĩa lý gì! Vã lại, Đức Phật còn không cứu độ được cha vợ mình, là vua Thiện Giác, và người em vợ, là Đề Bà Đạt Đa, vì lòng ganh ghét và thù hận Đức Phật của họ. Đức Phật cũng không cứu độ được hai vị thầy tâm linh sau cùng của Ngài lúc Ngài còn là Bồ Tát vì hai vị này đã tái sinh lên cõi Trời Vô Sắc. Đức Phật chỉ cứu độ được những người có thiện duyên với chánh pháp, nghĩa là những người tự mình đã có những cố gắng tự giải cứu. Phật không thay đổi được nghiệp của chúng sinh. “Bồ Tát từ chối nhập Niết Bàn khi vẫn còn chúng sinh đau khổ”. Đây chỉ là lời nói cường điệu của một vị “Bồ Tát” nào đó trong một lúc ngẫu hứng. Chúng ta nên thực tế và sáng suốt, không nên có ảo kiến là "Bồ Tát có Phật năng hơn cả Đức Phật” (plus bouddhiste que le Bouddha), cho dù đó chỉ là một vị Thinh Văn Giác hay Độc Giác.
Nếu nói Bồ Tát hơn Thinh Văn hay Độc Giác thì Bồ Tát phải là người đã chứng ngộ, mà đã chứng ngộ thì đâu còn luân hồi lại nữa. Nếu nói vị Bồ Tát vẫn có khả năng luân hồi trở lại do lời ước nguyện cứu độ tất cả chúng sinh thì như vậy vị "Bồ Tát" này có khả năng hơn cả Đức Phật và Đức Phật đã nói sai. Phật đã nói rằng: "Ta đã được giải thoát, tái sinh đã chấm dứt, đời sống Phạm hạnh đã được viên mãn. Ta đã làm xong những việc cần phải làm, không còn trở lại trạng thái này nữa" ("Đức Phật và Phật Pháp", Narada, Kỳ Viên Tự, Washington DC 1999, trang 53).
Chúng ta có thể so sánh vị Chánh Đẳng Giác và Thinh Văn Giác trên nhiều khía cạnh:
1. Mức độ chứng đắc: Hai vị đều ngang nhau, đều đạt đạo quả Niết Bàn. Trong Tương Ưng Bộ kinh II, chương 5, Kassapa, Đức Phật xác nhận sự chứng đắc của ngài Kassapa (Ca Diếp) như sau: "Này các tỳ kheo, Ta với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, ta chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đạt và an trú. Này các tỳ kheo, Kassapa cũng với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đạt và an trú". Trung Bộ kinh III, bài 111 (Bất Đoạn kinh) cũng xác nhận sự chứng đắc tương tợ của Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta): "Sariputta biết không có sự giải thoát nào vô thượng hơn thế nữa. Đối với Sariputta, không có việc phải làm hơn thế nữa ... Sariputta được tự tại, được cứu cánh trong Thánh Giới; được tự tại, được cứu cánh trong Thánh Định; được tự tại, được cứu cánh trong Thánh Tuệ; được tự tại, được cứu cánh trong Thánh Giải Thoát”.
Trong sự chứng đắc, sự khác biệt giữa Phật Thích Ca và các Thánh Đệ Tử A La Hán chỉ là sự khác biệt trước sau: Phật Thích Ca là người đã chứng đắc Con Đường và mục tiêu trước tiên, đã hướng dẫn cho các đệ tử phương pháp để chứng đắc Con Đường và mục tiêu sau đó.
2. Danh hiệu: Vị Thinh Văn Giác chỉ có một danh hiệu là A La Hán (Tàu dịch là Ứng Cúng). Vị Chánh Đẳng Giác, ngoài danh hiệu A La Hán, còn có thêm 9 danh hiệu nữa, mỗi danh hiệu tượng trưng cho một khả năng, một đức tính: Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
3. Minh: Vị Chánh Đẳng Giác có đầy đủ Tam Minh. Vị Thinh Văn Giác chắc chắn có Lậu Tận Minh là tuệ giác diệt tận mọi phiền não, nhưng có khả năng giới hạn về Túc Mạng Minh là tuệ giác biết rõ các tiền kiếp của mình và của chúng sinh, Thiên Nhãn Minh là tuệ giác biết rõ sự chết và tái sanh của chúng sinh tùy theo nghiệp quả nào.
Ngài A La Hán Anuradha (A Nậu Đà La) có Thiên Nhãn Minh tương đương với Đức Phật. Ngài Mahā Kassapa (Đại Ca Diếp) có đầy đủ tam minh như Đức Phật.
4. Tướng tốt: Vị Chánh Đẳng Giác có đầy đủ 32 tướng tốt, còn vị Thinh Văn Giác không đầy đủ, như ngài Maha Ca Diếp chỉ có 7 tướng tốt.
5. Tứ Vô Ngại Trí: Vị Chánh Đẳng Giác có đầy đủ cả 4: Pháp Vô Ngại Giải, Từ Vô Ngại Giải, Nghĩa Vô Ngại Giải, Biện Vô Ngại Giải. Thinh Văn Giác có vị có đầy đủ cả 4 Trí, như ngài Xá Lợi Phất, ngài A Nan, ngài Ca Diếp, ngài Mahākaccāna (Đại Ca Chiên Diên)... Đức Phật khen ngài Mahākaccāna có tài thuyết giảng và biện giải giáo pháp không thua gì Ngài.
6. Thiền: Theo tôi được hiểu biết thì tất cả chư vị Toàn Giác đều có thiền. Phật Thích Ca đắc được Bát Thiền (Phi Tưởng Phi Phi Tưởng lúc còn là Bồ Tát Sĩ Đạt Ta). Những vị Thinh Văn đắc đạo bằng đốn ngộ không có thiền (hoặc đã có tu thiền từ những kiếp trước); những vị đắc đạo bằng tiệm ngộ chắc chắn có thiền.
Tuy nhiên, năng lực tâm của vị Tu Đà Huờn ngang hàng với bậc Sơ Thiền và năng lực tâm của vị Tư Đà Hàm ngang hàng với bậc Tứ Thiền, cho nên khi chết ngài tái sanh vào cõi Vô Phiên Thiên là cảnh giới hoàn toàn tinh khiết của những vị đã đắc Tứ Thiền; ở tại cảnh giới này các ngài tiếp tục tu tập và sẽ đắc quả A La Hán, cho đến khi hết tuổi thọ sẽ nhập Đại Niết Bàn (do đó, A Na Hàm còn được gọi là Bất Lai, không còn trở lại cõi người nữa). Có những vị Thinh Văn Giác đắc Thiền rất cao, như ngài A Nậu Đà La (Anurudha) đắc tới Bát Thiền, do đó ngài có thể theo dõi được tâm của Đức Phật trong lúc Phật sắp nhập diệt.
7. Thần Thông: Đây không phải là mục tiêu tiến đạt của Phật Giáo. Ngoại đạo cũng thành tựu được; miễn là đắc Tứ Thiền thì có thể luyện tập được Thần Thông. Những vị A La Hán đệ tử Phật nổi tiếng về Thần Thông, như các ngài Mục Kiền Liên, A Nậu Đà La, Đại Ca Diếp, Kim Ba La ... Có cả ni sư Uppalavannā cũng nổi tiếng về những năng lực siêu nhiên. Đề Bà Đạt Đa cũng đắc nhiều Thần Thông, cho nên ngài trở thành cống cao ngã mạn và sanh tâm ganh ghét Đức Phật. Về sau ông bị hoại thiền và mất tất cả Thần Thông. Ngài A Nậu Đà La đắc Thiên Nhãn Thông trước khi đắc A La Hán. Điều này là một trở ngại khiến nhiều lần ông phải cầu cứu với Đức Phật và ngài Xá Lợi Phất làm sao để giải thoát tâm (Trung Bộ kinh, bài 128). Những vị kể trên đều đắc Lục Thông như Đức Phật, gồm có: Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông, Tha TâmThông, Thần Thông, Túc Mạng Thông và Lậu Tận Thông.
8. Tiền Khiên Tật: Vị Chánh Đẳng Giác không còn một tiền khiên tật nào cả (tare héréditaire). Vị Thinh Văn Giác có thể còn những tật bệnh hay thói quen lưu truyền từ các kiếp trước. Chẳng hạn ngài Xá Lợi Phất có tướng đi không được tốt vì trong nhiều tiền kiếp ngài là con khỉ.
9. Thời gian tu tập: Do sự nương nhờ giáo pháp của một đấng Toàn Giác, nên thời gian tu tập của những vị Thinh Văn Giác ngắn cụt hơn, từ 10 ngàn cho đến 100 ngàn đại kiếp cho những vi A La Hán thường; cho những vị Đại Đệ Tử phải cần 1 A tăng kỳ + 100 ngàn đại kiếp. Đại Bồ Tát theo hạnh Trí Tuệ phải tu 4 A tăng kỳ + 100 ngàn đại kiếp. Đại Bồ Tát theo hạnh Đức Tin phải tu 8 A tăng kỳ + 100 ngàn đại kiếp. Đai Bồ Tát theo hạnh Tinh Tấn phải tu 16 A tăng kỳ + 100 ngàn đại kiếp (đó là kể từ khi được thọ ký bởi một vị Phật Toàn Giác trong quá khứ cho đến khi được hoàn toàn giải thoát).
10. Trí tuệ đặc biệt: Có hai loại trí tuệ đặc biệt mà chỉ có vị Toàn Giác mới có, còn các vị Thinh Văn Giác không có, là:
- Indriyaparopariyattiñāna: trí tuệ thấy rõ, biết rõ căn duyên cao
thấp của mỗi chúng sinh.
- Āsayānusayañāna: trí tuệ thấy rõ, biết rõ phiền não ngấm ngầm và thiện
nghiệp, ác nghiệp của mỗi chúng sinh.
Những khả năng trí tuệ này khiến các ngài biết người nào không thể được hóa độ và người nào có thể được hóa độ, và hóa độ bằng cách nào.
Những sử tích sau đây minh chứng điều này:
- Sử tích thứ nhất: Đại Đức Cūlāpanthaka (Châu Lợi Bàn Đặc) có một người anh là Mahāpanthaka đã xuất gia tỳ khưu trước mình và đã chứng đắc A La Hán. Ngài Mahāpanthaka dạy dỗ em mình một bài kệ mà suốt 4 tháng vẫn không học thuộc lòng được. Người anh bảo : “Này sư đệ, chỉ một bài kệ ngắn mà sư đệ học 4 tháng trời vẫn chưa thuộc, vậy sư đệ chắc không có duyên lành trong chánh pháp, sư đệ nên rời khỏi chùa đi về nhà". Người em không muốn hoàn tục vì tâm còn tha thiết với phạm hạnh xuất gia. Vào canh chót đêm hôm ấy, Đức Phật quán xét chúng sinh nào có duyên lành có thể tế độ được, Ngài thấy có tỳ khưu Cūlāpanthaka ở trong mạng lưới đại bi tế độ của Ngài. Sáng hôm sau, Đức Phật ngự ra trước cổng chùa, đi kinh hành để chờ Đại Đức Cūlāpanthaka. Lúc ấy, Đại Đức Cūlāpanthaka từ giả ngôi chùa để trở về nhà; khi ra đến cổng nhìn thấy Đức Phật, ông đến đảnh lễ Ngài. Đức Thế Tôn bèn hỏi: "Này Cūlāpanthaka, con đi đâu mà sớm vậy?" – "Kính bạch Thế Tôn, sư huynh của con bảo con nên về nhà tu hạnh cư sĩ bố thí, trì giới ... vì con không có duyên lành xuất gia" – "Này Cūlāpanthaka, con hãy đến chùa của Như Lai". Tại đây, Ngài trao cho ông một miếng vải còn mới tinh, sạch sẽ: "Con hãy vò miếng vải này và niệm tưởng rằng ‘vải lau bụi dơ ..., vải lau bụi dơ ..., vải lau bụi dơ ... (rajoharanaṃ). Đại Đức quan sát thấy rõ sau một thời gian miếng vải trở thành dơ bẩn "Tất cả pháp hữu vi đều vô thường”. Đức Thế Tôn biết rõ tâm của Đại Đức Cūlāpanthaka đang tiến hành thiền Minh Sát, Ngài hiện ra ngồi trước mặt Đại Đức rồi bảo: “Này Cūlāpanthaka, con không chỉ thấy bụi dơ dính ở trong miếng vải, mà con nên thấy rõ, biết rõ bụi dơ đó là tham, sân, si ở trong tâm của con, làm cho tâm con bị ô nhiễm. Con phải tiêu diệt tận cùng bụi dơ tham, sân, si ấy". Rồi Đức Thế Tôn thuyết dạy ba bài kệ. Đại Đức Cūlāpanthaka lắng nghe, đồng thời tiến hành thiền tuệ song song. Khi dứt ba bài kệ ấy, ông liền chứng đắc từ quả Nhập Lưu cho đến Thánh quả A La Hán cùng với Trí Tuệ Phân Tích, chứng đắc Thần Thông và thông suốt giáo pháp ngay lúc ấy (Bộ Chú Giải Dhammapada, chuyện Cūlāpanthaka Thera).
- Sử tích thứ hai: Có một lần, Đức Phật hiền từ trách cứ ngài Xá Lợi Phất đã không hướng dẫn vị Bà La Môn Dhānañjani đến chỗ giải thoát tận cùng, mà chỉ hướng dẫn ông con đường đưa đến cõi Phạm Thiên bằng cách niệm Tứ Vô Lượng Tâm (từ, bi, hỉ, xả): "Này Xá Lợi Phất! Trong khi có nhiều pháp để chứng đạt những quả vị cao hơn, sao ông không dạy mà chỉ gieo vào tư tưởng của người hấp hối phương cách đi tới cõi Phạm Thiên thôi, rồi ông ra về?" – "Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử nghĩ rằng ‘những người Bà La Môn này luôn luôn ngưỡng mộ cõi trời Phạm Thiên’, nên đệ tử đã hướng dẫn ông Dhānañjani con đường để đạt tới cảnh Phạm Thiên". Đức Phật bảo: “Nếu nghe được Pháp Bảo cao hơn thì ông ấy đã có thể đắc thánh quả! Nhưng bây giờ thì quá muộn, ông Dhānañjani đã chết và đã tái sanh vào cõi Phạm Thiên rồi! (Trung Bộ kinh II, bài 97).
Qua 2 tích truyện dẫn giải, chúng ta thấy rằng: không ai biết được ba-la-mật của mình có tròn đủ hay chưa. Không một ai có khả năng biết rõ được căn duyên cao hay thấp của mỗi chúng sinh, ngoại trừ bậc Chánh Giác.
Như vậy, chúng ta thấy rằng một vị Thinh Văn Giác, do mức độ tu tập ít hơn, nên chưa được toàn hảo như vị Chánh Đẳng Giác, các ngài không có được 2 loại trí tuệ đặc biệt trên và vẫn còn ít nhiều các tiền khiên tật. Mỗi vị tùy theo ba-la-mật của mình (công đức tu tập) mà có được một khả năng đặc biệt nào đó có thể sánh bằng Đức Phật. Chẳng hạn:
- Ngài Mục Kiền Liên có Thần Thông tuyệt đỉnh; mỗi lần Đức Phật muốn hóa độ một nhân vật nào đó có Thần Thông biến hóa (như rồng chúa Nandopananda, vị Phạm Thiên Tissa ...), nhiều vị đệ tử tình nguyện đi thay, nhưng Phật vẫn tin cậy ngài Mục Kiền Liên hơn.
- Ngài Xá Lợi Phất, ngài Mahā Kaccāna ... thì có trí tuệ tuyệt đỉnh. Trong Trung Bộ kinh III, bài Anupada-Sutta, Kinh Bất Đoạn, Đức Phật xác nhận: “Này chư Tỳ Khưu, ngoài Như Lai ra, Xá Lợi Phất sẽ là người có thể lăn được bánh xe tối thượng Pháp Bảo một cách chân chính, giống như Như Lai đã lăn”.
- Ngài Sīvāli có phước báo hữu lậu (tài lộc) tuyệt đỉnh do sự bố thí của ngài trong các tiền kiếp. Mỗi lần Đức Phật dẫn một tăng đoàn có đông người đi hoằng pháp, Ngài rất an tâm khi có ngài Sīvāli trong phái đoàn, vì không bao giờ sợ chúng tăng đói khát cho dù đi qua các làng mạc vắng vẻ (Anguttara-nikāya, phần Etadagga).
Muốn được như vậy, các ngài không thể nào ích kỷ, chỉ muốn tu cho riêng mình mà có được những quả phước như trên. Trong vô lượng kiếp quá khứ cho đến khi gặp đấng Toàn Giác, các ngài cũng phải tu Thập Độ Ba-la-mật một cách kiên trì (mười pháp đã dẫn ở trên), có nghĩa là các ngài tu như những vị Bồ Tát Chánh Giác, các ngài là Bồ Tát, nhưng có điều may mắn là trong một kiếp nhân sinh các ngài gặp được một đấng Toàn Giác, từ đó tùy theo ý nguyện: hoặc các ngài tiếp tục cuộc hành trình đơn độc cho đến quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác cho riêng mình, hoặc các ngài chấm dứt cuộc hành trình tu tập với sự trợ giúp của vị Toàn Giác và duyên nghiệp của chính mình. Trong bước du hành đơn độc để tiến tới quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác, các ngài cũng phải tu tập thiền định, nhưng khi tâm thức tiến đến trạng thái Hành Xả thì tự động dừng lại ở đó, không thể tiến xa hơn được do hạnh nguyện Đại Bồ Tát, vì nếu tiến xa hơn nữa các ngài sẽ vào quả Nhập Lưu (Hành Xả - Sankhārupekkhāñāna: tuệ thứ 11 trong thiền Minh Sát, là trạng thái tâm thản nhiên đối với thân hành và ý hành, khiến tâm không còn chấp thủ hay luyến ái đối với Danh Sắc mà từ lâu chúng ta vẫn nghĩ nó như là "ta", là "của ta", là "tự ngã của ta"). Các ngài cũng có thể đạt đến Tứ Thiền Sắc Giới và đạt được Thần Thông, nhưng cũng tự động dừng ở đây để tiếp tục tu nữa, vì nếu vào cõi Vô Sắc Giới kiếp sống quá dài không thể tu tập được. Có như thế tâm của các ngài mới vững mạnh, không rung động, lay chuyển trải qua bao nhiêu đổi thay thăng trầm của các kiếp sinh tồn trong vòng luân hồi. Các ngài không nương tựa nơi tha lực của một vị Bồ Tát hay thần linh nào khác, bởi chính các ngài là Bồ Tát. Bởi thế, khi một người đã mang một hạnh nguyện Đại Thừa thì không thể vớ vẩn tin theo những biểu tượng thần linh tạo dựng bởi người thế tục sau này, cho dù biết rằng đó chỉ là phương tiện cho những kẻ thiếu chánh kiến và chánh tín.
Đến đây, chúng ta đã thấy tất cả những sở trường sở đoản của vị Thinh Văn Giác đối với bậc Chánh Đẳng Giác. Hai vị đều phải tu mười pháp Ba-la-mật như nhau, nghĩa là phải tu hạnh Bồ Tát giống nhau. Nhưng vị Thinh Văn hữu học khi gặp vị Chánh Đẳng Giác hoặc giáo pháp của ngài thì tùy theo năng lực và chí nguyện có thể chọn lựa một trong hai con đường:
- hoặc tiếp tục cuộc hành trình cho tới quả vị toàn giác, như Đại Đức Ajita được Phật Thích Ca thọ ký và quyết đoán sẽ trở thành Phật Di Lạc trong tương lai, lúc đó vị này trở thành Đại Bồ Tát (Bồ Tát Ma Ha Tát) (như vậy trong lịch sử chúng ta biết được 2 vị Đại Bồ Tát chính thức, là Ngài Sĩ Đạt Ta và Ajita),
- hoặc chấm dứt cuộc hành trình và tu tập theo giáo pháp của vị Toàn Giác, như các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, A Nan ... và hàng ngàn các thánh đệ tử khác; lúc đó các ngài trở thành Thinh Văn Giác, bậc A La Hán, bậc Thánh Vô Học, nghĩa là các ngài không còn phải tu học nữa và sau khi chết sẽ không còn luân hồi lại nữa, như bậc Chánh Đẳng Chánh Giác vậy.
Đức Phật Thích Ca đã nhiều lần xác nhận mình là bậc A La Hán và xác nhận A La Hán là bậc Lậu Tận, không còn luân hồi lại nữa. Trong Tương Ưng Bộ kinh, phẩm A La Hán (Tương Ưng III, Thích Minh Châu, trang 137), Đức Phật nói: “Vị tỳ kheo trở thành A La Hán vị ấy chứng tri ‘sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa’".
Có những bản kinh xuất hiện 600-700 năm sau khi Phật nhập diệt, viết ra bởi những kẻ ẩn danh, không được kết tập bởi Cộng Đồng Phật Giáo chánh thức, "gắn vào miệng Phật những điều Ngài không bao giờ nói" (theo lời Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh). Những bản kinh này phỉ báng quả vị A La Hán và những vị Thánh Đệ Tử Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, A Nan ..., cho rằng các ngài chỉ mới chứng đạt một loại “Niết Bàn phương tiện" (lại một ý niệm mới chế tạo!) và còn phải trau giồi tâm linh cho đến lúc chứng đạt quả Phật!
Chúng ta nên tin theo lời Phật được ghi chép trong Thánh Điển Tam Tạng hay nên tin theo lời những kẻ hậu thế được ghi chép trong những bản kinh không được kết tập? Đó là tùy theo trí tuệ suy xét của người học Phật vậy.
Nguyễn Tối-Thiện
01-01-2004
Sách tham khảo:
- Le Bouddha et ses disciples - Mōhanwijayaratna, Cerf, 1990.
- Les grands disciples du Bouddha - Nyanaponika Thera et Hellmuth Hecker, Claire Lumière, 1999.
- Introduction du Bouddhisme - Jacques Martin, Cerf, 1989.
- Tìm Hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ - Tỳ kheo Hộ Pháp, NXB Tôn Giáo, 2002.
- Cuộc đời Đức Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ananda, A Nậu Đà La, Đại Ca Diếp - Nguyễn Điều, NXB Hồ Chí Minh.
- Trường Bộ kinh, Trung Bộ kinh, Tương Ưng Bộ kinh, Tiểu Bộ kinh.
- Dẫn lối Về Nguồn - Trà Giang Tử, Linh Sơn Tự Anh Quốc tái bản, 1971.
- Minh Sát Tu Tập - Achaan Naeb, dịch giả: Pháp Thông, Viên Thông, 2003.
- Quả vị giác ngộ: sự giải thích của Thượng Tọa Bộ và Đại Thừa - Thích Duy Tân (http://www.daophatngaynay.com/viet/phatphap/093-tnt-qua.htm) .
- Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.
- Duy Ma Cật Kinh.
- The Bodhisattva Concept - A.G.S. Kariyawasam, Buddhist Publication Society, Bodhi Leaves Publication No. 157 (http://www.beyondthenet.net/bps/bps_main.htm ).
- The Bodhisattva Ideal in Theravāda - Jeffrey Samuels, Center for Buddhist Studies, National Taiwan University .
- The Coming Buddha, Ariya Metteyya - Sayagyi U Chit Tin, Buddhist Publication Society, 1992 (http://www.beyondthenet.net/bps/books1.htm - The Wheels Series).
-ooOoo-
Chân thành cám ơn Bác sĩ Nguyễn Tối Thiện đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 03-2004)
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 13-03-2004