Tìm hiểu Như lý tác ý và Phi như lý tác ý

Tỳ kheo Giác Lộc


Ngoài ba mươi bảy phẩm trợ đạo, như lý tác ý (yoniso-manasikāra) và phi như lý tác ý (ayoniso-manasikāra) là hai hợp từ rất quan trọng. Khi đầy đủ như lý tác ý thì bát chánh đạo sanh khởi. Trái lại khi đầy đủ phi như lý tác ý thì bát tà đạo sanh khởi. Trong Trung bộ kinh Đức Phật dạy:

Này các tỷ kheo,do phi như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các tỷ kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt (Kinh nhất thiết lậu hoặc - Majjhimanikāya I ).

Trong Tương ưng bộ kinh Đức Phật dạy:

Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, năm triền cái y cứ món ăn, duyên món ăn được an trú; không có món ăn thì không an trú.

Ví như, này các Tỷ-kheo, cái thân này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bảy giác chi này y cứ món ăn, duyên món ăn mà được an trú; không có món ăn thì không an trú ( Saṃyutta Nikāya V).

Đoạn trích dẫn trên xác định món ăn cho năm triền cái là phi như lý tác ý đối với các pháp tương ứng và món ăn cho thất giác chi là như lý tác ý đối với các pháp tương ứng.

Từ yoniso nghĩa là sáng suốt, đúng đắn. Manasikāra nghĩa là sự chú ý. Khi nào chú ý đúng đắn hợp với chánh đạo, đó là như lý tác ý; khi nào chú ý không đúng đắn, hợp với tà đạo, đó là phi như lý tác ý.

Khi chú ý đến các pháp khiến cho năm triền cái phát sanh là phi như lý tác ý, trái lại khi chú ý đến các pháp mà làm hiện khởi thất giác chi là như lý tác ý.

Như lý tác ý và phi như lý tác ý phát sanh ở nhiều mức độ. Một người nghe pháp chú ý chăm chú vì một quyền lợi nào đó là phi như lý tác ý; trái lại chú ý nghe vì ý hướng ly tham, an tịnh, giải thoát là như lý tác ý. Khi gặp may mắn hoặc bất hạnh trong đời sống, nếu chú ý đến những sự kiện đó như là ngẫu nhiên, định mệnh, vô nhân sanh. Đó là phi như lý tác ý vì hướng dẫn tâm sai lạc trái với lý nhân quả. Do phi như lý tác ý như vậy nên có dục tham (chanda-rāga) với những đối tượng khả ái và sân hận (dosa - paṭigha) với những đối tượng không khả ái. Khi gặp may mắn hoặc bất hạnh trong đời sống nếu ta hướng dẫn tâm đến những sự kiện đó dựa vào lý nhân quả thì dục tham không sanh với những đối tượng khả ái vì biết đây là quả lành của quá khứ, thay vì tham đắm vào quả, ta nên tiếp tục tạo thêm công đức. Khi gặp bất hạnh ta hướng dẫn tâm đến lý nhân quả rằng ‘nghiệp là tài sản riêng của mỗi chúng sanh ’, ta biết được đây là quả của quá khứ nên thay vì sân hận hoặc than thân trách phận với nghịch cảnh ta cố gắng làm những việc lành để không gặp quả xấu nữa. Như vậy phi như lý tác ý dẫn đến tâm tham ưu với các pháp, như lý tác ý dẫn đến tâm xả với các pháp.

Khi thực hành thiền chỉ nếu tầm nhìn của hành giả hướng về những đối tượng bên ngoài thì năm triền cái sẽ phát sanh. Đây là phi như lý tác ý. Nếu hành giả tập trung sự chú ý vào đề mục thiền định, lúc đó gọi là như lý tác ý. Khi thủ tướng (uggahanimitta) hoặc quang tướng (paṭibhāganimitta) hiện khởi, hành giả tập trung vào các tướng đó, lúc đó chú ý ấy gọi là như lý tác ý. Do như lý tác ý hành giả tiếp tục tiến triển từ cận hành định đến an chỉ định. Khi thực hành thiền quán nếu hành giả thấy ‘đây là nam, nữ, người thú, nhà cửa, xe cộ, tiền bạc..., lúc đó chú ý của vị ấy là phi như lý tác ý. Trái lại nếu hành giả thấy ‘đây là sắc, danh, nhân, quả, vô thường, khổ, vô ngã’, lúc đó chú ý của vị ấy là như lý tác ý.

Như lý tác ý trong thiền quán là hoàn hảo nhất vì đưa đến đạo, quả, Niết bàn. Khi có như lý tác ý thì có chánh niệm. Khi có phi như lý tác ý thì tà niệm sẽ sanh khởi. Hành giả có như lý tác ý như người tài xế điều khiển bánh lái và thắng xe an toàn. Cũng vậy với như lý tác ý, hành giả hướng đến các thiện pháp và từ bỏ các bất thiện pháp. Hành giả tinh tấn chú ý đến bản chất vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi qua sự học hỏi, hiểu biết. Đây là như lý tác ý nhưng là loại như lý tác ý thô sơ. Chỉ khi nào hành giả chú ý đến bản chất vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vi qua thiền quán. Đây là như lý tác ý tinh vi, có khả năng đưa đến đạo quả, Niết bàn. Khi gặp một đối tượng khả ái, ta muốn nắm lấy và cố gắng để nắm chặt đối tượng đó. Do vậy có lời rằng ‘ái làm duyên cho thủ’. Vô minh, ái và thủ sẽ tiếp tục bất cứ khi nào ta thấy, nghe, ngửi, nếm, đựng, suy nghĩ. Nếu ta không có như lý tác ý thì không thể ứng dụng được chánh niệm để vượt qua tiến trình phiền não này.

Thiền sư Pa-Auk giải thích như lý tác ý và phi như lý tác ý theo vi diệu pháp (abhidhamma) giúp cho đề tài sáng tỏ hơn.

Có ba loại tác ý :

- Tác ý làm nhân căn bản cho đối tượng, còn gọi là tác ý thành cảnh (ārammaṇapaṭipāda-manasikāra)

- Tác ý làm nhân căn bản cho lộ tâm, còn gọi là tác ý thành lộ (vīthipaṭipādaka-manasikāra)

- Tác ý làm nhân căn bản cho javana, còn gọi là tác ý thành thực (javanapaṭipādaka-manasikāra)

Loại một nghĩa là tâm sở tác ý. Chức năng của nó là khiến cho đối tượng đến với tâm dễ dàng.

Loại hai là ngũ môn hướng tâm (pañcadvārāvajjana) trong lộ tâm ngũ môn (pañcadvāravīthi. Do sự tác ý này tất cả tâm trong lộ ngũ môn có thể bắt lấy đối tượng của chúng.

Loại ba là ý môn hướng tâm (manodrārāvajjana) và quyết định tâm (voṭṭhapana) trong lộ ngũ môn. Tác ý ở đây hoặc là như lý tác ý, hoặc là phi như lý tác ý. Dựa vào tác ý này javana ( dịch là tâm thực, tốc hành tâm ) xảy ra. Nếu nó là như lý tác ý, javana là thiện cho phàm phu và bậc hữu học, nhưng chỉ là duy tác (kriyā) cho A-la-hán. Khi nó là phi như lý tác ý, javana luôn luôn là bất thiện và A-la-hán không được kể trong tiến trình này.

Phần trích dẫn cuối này giúp cho độc giả nắm vững lời giải thích cùa thiền sư Pa-au.

18 VÔ NHÂN TÂM: 7 BẤT THIỆN DỊ THỤC TÂM

I. PÀLI VĂN.

- 7) Upekkhāsahagatam cakkhuvinnānam, tathà sotavinnānam, ghànavinnānam, jivhāvinnānam, dukkhasahagatam kāyavinnānam, upekkhāsahagatam sampaticchanacittam, upekkhāsahagatam santìranacittanceti. Imàni satta pi akusalavipàkàhetukacittàni nāma.

II. THÍCH VĂN.

- Cakkhuvinnānam: Nhãn thức. Tathà: Cũng như vậy. Sotavinnānam: Nhĩ thức. Ghānavinnānam: Tỷ thức. Jivhāvinnānam: Thiệt thức. Dukkhasahagatam: Câu hữu với khổ. Kāyāvinnānam: Thân thức. Sampaticchanacittam: Tiếp thọ tâm. Santìranacitam: Suy đạc tâm. Imāni satta: Bảy (tâm) này. Akusalavipāka: Bất thiện dị thục. Ahetuka: Vô nhân.

III. VIỆT VĂN.

- 7) Nhãn thức câu hữu với xả, cũng vậy nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức câu hữu với khổ, tiếp thọ tâm câu hữu với xả, suy đạc tâm câu hữu với xả. Bảy tâm này gọi là Bất thiện dị thục vô nhân tâm.

IV. THÍCH NGHĨA.

- Một tâm yếu ớt không thể có một trong 6 nhân sau đây: Tham, Sân, si, vô tham, vô sân, vô si. Nên những tâm ấy gọi là Ahetukacitta (vô nhân tâm). Có tất cả là 18 vô nhân tâm: 15 dị thục tâm và 3 duy tác tâm. 15 dị thục tâm lại chia làm hai: 7 Bất thiện dị thục tâm và 8 Thiện dị thục tâm.

Nay nói đến 7 Bất thiện dị thục tâm. Khi chúng ta thọ lãnh một sự kích thích, một cảm giác sẽ khởi ra trong nội tâm. Nếu thuộc về sự thấy, thời giảm giác ấy là nhãn thức (cakkhuvinnāna). Nếu thuộc về sự nghe thì cảm giác ấy gọi là nhĩ thức (Sotavinnāna). Nếu thuộc về ngửi thì gọi là tỷ thức (Ghānavinnāna). Nếu thuộc về nếm thì gọi là thiệt thức (Jivhāvinnāna). Nếu thuộc về cảm xúc thì gọi là thân thức (Kāyavinnāna). Sau khi cảm giác khởi lên, tâm thọ lãnh vật kích thích ở ngoài như là một đối tượng. Tâm ấy gọi là Tiếp thọ tâm (Sampaticchana); sau khi lãnh thọ, tâm ấy bắt đầu tìm hiểu, điều tra đối tượng nên gọi là Suy đạc tâm (Santīrana). Những hành động thiện ác trong đời trước đem đến kết quả lạc khổ trong hiện tại, lạc khổ thuộc vô ký tánh nên biến dị mà thục gọi là dị thục (Vipāka). Lại nhơn và quả cách một đời, ở nơi dị thời mà thục nên gọi là dị thục. Do những nghiệp thiện ác đời trước, tùy theo sức mạnh và tánh chất của các nghiệp nên đời nay sinh ra đã có những tánh tình như thế nào. Bảy tâm kể trên không câu hữu với Somanassa (Hỷ) hay Domanassa (Ưu) vì chúng quá yếu ớt và muội lược, nên chỉ có thể câu hữu với Upekkhà (Xả). Tuy vậy, Kāyavinnāna (Thân thức) lại câu hữu với Dukkha (Khổ) vì thân thức cảm xúc mạnh hơn. Do tạo các ác nghiệp đời trước, nên thọ quả hiện tại là khổ.

5 Bất thiện dị thục thức với 5 Thiện dị thục thức này thường được dùng danh từ Dvipancavinnāna. Hai Sampaticchana và Pancadvārāvajjana được gọi là Manodhātu (ý giới). Các tâm khác được gọi là Manovinnānadhātu (y thức giới).

TÁM THIỆN DỊ THỤC TÂM

I. PÀLI VĂN.

- 8) Upekkhā-sahagatam cakkhuvinnānam, tathā sotavinnānam, ghānavinnānam, jivhāvinnānam, sukhasahagatam kāyavinnānam, upekkhāsahagatam sampaticchanacittam, somanassasahagatam santīranacittam, upekkhāsahagatam santìranacittam citi imāni attha pi kusalavipākāhetukacittāni nāma.

II. THÍCH VĂN.

- Sukhasahagatam: Câu hữu với lạc. Attha: Tám. Kusalavipākāhetukacittāni: Những thiện dị thục vô nhân tâm.

III. VIỆT VĂN.

- 8) Nhãn thức câu hữu với xả, cũng vậy nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức câu hữu với lạc, tiếp thọ tâm câu hữu với xả, suy đạc tâm câu hữu với hỷ, suy đạc tâm câu hữu với xả. Tám tâm này gọi là Thiện dị thục vô nhân tâm.

IV. THÍCH NGHĨA.

- Ðoạn này giống với đoạn trên, số 7, chỉ khác là về thân thức, câu hữu với lạc, và có thêm một tâm là suy đạc tâm câu hữu với hỷ.

BA VÔ NHÂN DUY TÁC TÂM

I. PÀLI VĂN.

- 9) Upekkhāsahagatam pancadvārāvajjanacittam, tathā manodvārāvajjanacittam, somanassasahagatam hasituppàdacittam ceti imāni tīni pi ahetukakriyācittāni nāma. Iccevam sabbathā pi atthārasāhetukacittāni samattāni.

II. THÍCH VĂN.

- Pancadvārāvajjanacittam: Ngũ môn hướng tâm. Manodvārāvajjanacittam: Ý môn hướng tâm. Hasituppādacittam: Tiếu sanh tâm. Imāni: Những tâm này. Tìni: Ba. Ahetukakriyācittāni: Vô nhân duy tác tâm. Nāma: Gọi là. Iccevam: Iti + evam: như vậy. Sabbathà pi: Tổng cộng tất cả. Attharasāhetukacittàni: 18 Vô nhân tâm. Samattāni: Tất cả.

III. VIỆT VĂN.

- 9) Câu hữu với xả, ngũ môn hướng tâm; cũng vậy, ý môn hướng tâm; câu hữu với hỷ, tiếu sanh tâm. Ba tâm này gọi là Vô nhân duy tác tâm. Như vậy, tổng cộng có tất cả là 18 Vô nhân tâm.

IV. THÍCH NGHĨA.

- Kriyā nghĩa là duy tác, chỉ có hành động chớ không có quả dị thục. Hai tâm pancadvārāvajjanacitta và Manodvārāvajjanacitta chỉ là những khuynh hướng máy móc của tâm, khi một kích thích được nhận lãnh ở ngoài hay một tư tưởng được thâu nhận từ bên trong. Chúng vừa là Ahetuka (vô nhân) vừa là Kriyā (duy tác), vì không thể gieo quả. Hasituppàda, nụ cười của vị A la hán cũng Ahetuka và Kriyā (vô nhân và duy Tác).

Muốn hiểu các vô nhân tâm, cần phải hiểu lộ trình của tâm. Khi năm căn xúc chạm với 5 trần, thời lộ trình của tâm ngang qua 5 căn khởi lên. Khi ý căn xúc phạm với pháp trần thời lộ trình của tâm ngang qua ý căn khởi lên.

Lộ trình của tâm ngang qua năm căn có thể dùng ví dụ sau đây để diễn tả. Một người nằm ngủ dưới gốc cây xoài. Một trái xoài rơi xuống và lăn đến bên mình người ấy. Người ấy giựt mình ngồi dậy và tìm biết cái gì để làm mình giựt mình thức giấc. Người này thấy trái xoài, lượm lên, ngửi và xem xét trái xoài, khi được biết trái xoài đã chín, người ấy ăn trái xoài.

1. "Người ấy đang ngủ" chỉ cho trạng thái thụ động của tâm thức, trôi chảy không có gì làm xao động. Trạng thái này gọi là Bhavanga, hữu phần hay tiềm thức.

2. "Ngồi dậy và tìm biết cái gì đã làm mình thức giấc" chỉ cho trạng thái muội lược của tâm thức khi tâm thức đang tìm xem ngoại trần kích thích mình thuộc về mắt, tai, mũi, lưỡi hay thân. Tâm này gọi là Pancadvārāvajjana hay ngũ môn hướng tâm.

3. "Thấy trái xoài" chỉ cho sự sanh khởi của thức, hoặc thuộc con mắt, hoặc 4 căn khác. Thức này hoàn toàn thuần túy, không có một suy tư gì. Nếu thuộc con mắt thì gọi là Cakkhuvinnāna (nhãn thức), nếu thuộc tai thì gọi là Sotavinnāna (nhĩ thức), nếu thuộc mũi thì gọi là Ghānavinnāna (tỷ thức), nếu thuộc lưỡi thì gọi là Jivhāvinnāna (thiệt thức), nếu thuộc thân thì gọi là Kāyavinnāna (thân thức).

4. "Lượm trái xoài" chỉ cho trạng thái của tâm thức, lãnh thọ sự kích thích của một ngoại vật. Tâm này gọi là Sampaticchana (tiếp thọ tâm).

"Ngửi và tìm xem trái xoài" chỉ cho trạng thái của tâm thức suy nghĩ đối tượng và tìm hiểu đối tượng với những kinh nghiệm quá khứ của mình. Tâm này gọi là Santìrana hay Suy đạc tâm.

6. "Xác định trái xoài đã chín và tốt" chỉ cho tâm thức xác định vị trí của đối tượng theo sự hiểu biết của mình. Tâm này gọi là Votthapana hay Xác định tâm.

7. "Ăn trái xoài" chỉ cho tâm thức xử sự với đối tượng. Ðây là trạng thái tâm thức quan trọng nhứt và được gọi là Javana hay tốc hành tâm.

Nếu là lộ trình của tâm ngang qua ý thức (Manodvāravīthi), thời đối tượng không phải từ ngoài mà chính tự nội tâm. Lộ trình này bắt đầu từ Manodvārāvajjana (ý môn hướng tâm) tương đương với Votthapana (xác định tâm).

Với ví dụ này, chúng ta thấy rõ ý nghĩa và vị trí các tâm như nhãn thức, tiếp thọ tâm, suy đạc tâm, ngũ môn hướng tâm và ý môn hướng tâm. -- ("Thắng pháp tập yếu luận" của HT. Thích Minh Châu; nguồn: Thư viện điện tử BuddhaSasana của cư sĩ Bình Anson, http://www.budsas.org ) .

Nguồn trích dẫn và tham khảo:

1. Venerable Pa- Auk Sayadaw, Knowing and Seeing, p. 83, 138, 212, 213, 217 (1999).

2. John Ireland, The Itivuttaka, p. 93 ( 1991 )

3. Sayādaw Ashin Kuṇḍalābhivamsa, Dhamma Padetha I, p. 145 ( 1999)

4. Sayādaw U Pandita, On the path to freedom, p. 118 ( 1995 )

5. Acharya Buddharakkhita, Mind overcoming its cankers, p. 26 ( 1994 )

6. Bhikkhu Ñāṇamoli, The Path of Purification, p. 130 ( 1991 )

Quý độc giả có thể tham khảo thêm về như lý tác ý và phi như lý tác ý trong kinh văn Trung bộ kinh thứ hai- kinh Tất Cả Lậu Hoặc và kinh văn Tương ưng bộ kinh V – chương một, IV. Phẩm về hạnh, số 55, 62; chương hai, I. Phẩm núi thứ nhất, số 2. Ngoài ra nên tìm hiểu thêm tiến trình tâm diễn tiến qua các căn môn từ bộ Thắng pháp tập yếu luận tập I của HT. Thích Minh Châu, Vi diệu pháp giảng giải của TT. Giác Chánh và nhiều tác phẩm Vi diệu pháp khác. Tất cả đều có sẵn trong website BuddhaSasana, http://www.budsas.org , của cư sĩ Bình Anson.

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 12-03-2004