Phật giáo và cuộc khủng hoảng môi sinh
Giáo sư Lily De Silva
Đồng Thành dịch
Theo quan điểm của Phật giáo, ô nhiễm môi trường chính là biểu hiện bên ngoài của sự ô nhiễm đạo đức nội tại vốn đang ở mức báo động và có khả năng biến thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Một số kinh trong tạng Pàli như kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Trường Bộ III, 80), kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (Trường Bô III, 58) và một số kinh trong Tăng Chi Bộ (I, 165; II, 70) đã diễn tả rằng khi sự suy thoái đạo đức lan tràn khắp xã hội thì nó sẽ gây ra những thay đổi trái ngược trong bản thân con người và trong môi trường.
Một truyền thuyết trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn đã thuật lại rằng sự băng hoại đạo đức làm mất đi vẻ đẹp trong nhân cách của con người cũng như làm cạn kiệt các nguồn thực phẩm tự nhiên ở thế giới bên ngoài. Những hệ quả trái ngược này luôn tương xứng với mức độ suy đồi đạo đức của con người. Bên cạnh đó, khi nền đạo đức suy đồi thì tội ác trong xã hội cũng gia tăng. Để giải quyết vấn đề này, con người cần phải thiết lập những thể chế xã hội thích hợp để làm cho cuộc sống hiền hòa, thanh bình và thiết thực hơn cho mỗi người và mọi người để làm sao phát huy hết khả năng sẵn có của họ.
Như vậy Phật giáo tin rằng việc ý thức đạo đức, tâm thức, thân thể con người, quần thể động, thực vật trong thế giới bên ngoài và xã hội đều có mối liên hệ mật thiết phức tạp thông qua mối tương quan nhân quả để từ đó tạo nên một hệ sinh thái hàm chứa cả những yếu tố tâm lý và tình cảm của loài hữu tình. Sự thật này đã được Đức Phật tóm tắt trong bài kệ sau:
Chính tâm dắt dẫn đời,
Chính tâm tự não hại,
Chính tâm là một pháp,
Mọi vật đều tùy thuộc. (Tương Ưng Bộ kinh I, 39)
Nếu dịch thoát cụm từ "Chính tâm dắt dẫn đời" (Ci hena myyati loko) là "Thế giới hoạt hiện thông qua tư tưởng con người" thì chúng ta cũng có thể nhận thấy một thực tế là trong tiến trình lịch sử nhân loại, cùng với sự tiến bộ của tư tưởng (tri thức) của con người, bề mặt trái đất đã có nhiều thay đổi. Vào buổi sơ khai của nền văn minh, khi con người chỉ biết săn bắn và hái lượm thức ăn thì thiên nhiên không bị tàn phá bao nhiêu. Bước sang thời kỳ canh tác nông nghiệp, hệ thống thủy lợi được phát triển và bề mặt của thiên nhiên cũng thay đổi khá nhiều. Cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra những biến đổi to lớn hơn từ việc khai thác cạn kiệt các nguồn lợi tự nhiên và từ việc sản xuất hàng hóa với số lượng lớn. Đến thế kỷ XX, một thế kỷ đầy tự hào của 90% các nhà khoa học, thế giới lại bước sang một thời đại mới: thời đại hạt nhân và chinh phục không gian.
Như vậy chúng ta đã thấy được rằng tư tưởng con người đã mang lại những biến đổi to lớn trong thiên nhiên đến nỗi mà khả năng thanh lọc, tái tạo và sinh trưởng của thiên nhiên không đáp ứng được hoạt động khai thác của con người bởi sự khai thác đó đã gây nên tình trạng ô nhiễm và kiệt quệ chưa từng có trong lịch sử. Theo cách lý giải của đạo Phật, nguồn gốc của sự khủng hoảng này chính là lòng tham cầu sự xa hoa, tài sản và quyền lực của con người. Bộ óc của loài người phát triển nhanh đến mức mà trái tim và trách nhiệm đạo đức của con người không sao đuổi kịp. Về lý trí, con người hiện đại có thể là một gã khổng lồ; nhưng về tình cảm thì anh ta chỉ là một chú lùn đang ngoi ngóp trong sự suy sụp tinh thần. Một nhà xã hội học đã đưa ra nhận định rằng con người hiện đại là một người mà một chân bị trói vào chiếc máy bay phản lực và chân kia của anh ta lại bị buộc vào một chiếc xe bò cọc cạch. Như vậy, con người hiện đại đang rơi vào mâu thuẫn giữa tham ái và thực tại. Hơn thế nữa, sự thông minh của con người cũng có giới hạn, con người chưa có được một sự nhìn xa trông rộng để hiểu rõ ngọn nguồn hậu quả của lối sống và những hành vi của họ, và những hậu quả ấy có ảnh hưởng tiêu cực hay là tích cực đến sức khỏe của chính họ và những chu trình vận động vật lý của thiên nhiên ra sao. Giáo lý Duyên khởi của Đức Phật được hình thành dựa trên những nguyên tắc như thế, nghĩa là tâm và pháp, con người và thiên nhiên đều có mối quan hệ tương duyên với nhau.
Trong quá trình tìm kiếm thức ăn, y phục, nơi trú ngụ và thuốc men, con người đã thay đổi môi trường sống theo các kỹ xảo công nghệ. Chẳng hạn như họ dùng phân hóa học, thuốc diệt trùng và chất diệt cỏ trong nông nghiệp để có những mùa bội thu. Chính những hóa chất này đã phá vỡ sự cân bằng lượng vi khuẩn trong thiên nhiên, làm tăng những phản ứng dây chuyền trái ngược và ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ của loài người.
Nguyên lý về sự tương hệ giữa con người và thiên nhiên cũng được trình bày rõ nét trong nhiều bộ luận bàn đến thuyết về năm hệ thống quy luật chi phối đến vũ trụ. Năm hệ thống này gồm có: những quy luật vật lý (luật mùa màng); những qui luật sinh học (luật về giống); những qui luật tâm lý (luật về tâm); những qui luật đạo đức (luật về hành động); và những qui luật nhân quả (luật về thực tại). Riêng về các luật nhân quả, chúng vận hành trong bốn quy luật đầu cũng như trong chính bản thân chúng. Như vậy các quy luật về vũ trụ như quy luật vật lý, sinh học, tâm lý và đạo đức đều tương quan nhau và con người cảm thọ đau đớn hay sầu muộn, hạnh phúc hay khổ đau đều tùy thuộc vào bản chất của nguồn năng lượng đạo đức mà anh ta đã tạo ra. Nếu như nguồn năng lượng đạo đức thuần thiện được tỏa rộng thì xã hội sẽ được thanh bình và rồi cuộc đời sẽ hạnh phúc và thoải mái hơn. Còn nếu nguồn năng lượng phi đạo đức đầy dẫy thì xung đột trong xã hội sẽ lan tràn và cuộc sống ngày một khốn khó hơn.
Thế kỷ thứ VI và thứ V trước TL được xem là một kỷ nguyên hiếm có trong lịch sử bởi vì lúc ấy nguồn năng lượng đạo đức thuần thiện được tuôn chảy dạt dào qua những lời dạy của các bậc thầy tâm linh vĩ đại ở khắp nơi trên thế giới như Đức Phật, Jina Mahavira, Zoroastra, Khổng Tử và Socrates. Nhưng thế kỷ XX dường như lại đối lập với kỷ nguyên trên bởi lẽ tội ác, khủng bố và chiến tranh đã bao trùm khắp thế giới. Sự nghèo khổ, đói kém và tình trạng suy dinh dưỡng đang vây hãm nhiều quốc gia trong thế giới thứ ba. AIDS và những căn bệnh khoái lạc chết người khác thì đầy dẫy ở những quốc gia giàu có. Thực trạng này làm chúng ta nhớ đến một bài kinh nói về số phận của loài người trong một thế giới mà nền đạo đức bị suy đồi. Theo đó, khi con người đắm đuối vào tham, sân và si thì sẽ đưa đến hậu quả tương ứng là đói kém, hỏa hoạn và bệnh tật (Trường Bộ kinh). Trong thế giới hiện đại, ba mầm mống xấu ác trên đang hoành hành và con người phải gánh chịu hậu quả ba chiều tương ứng bởi những hành vi thiếu đạo đức của mình.
Một điểm quan trọng khác được nêu lên trong kinh Khởi Thế Nhân Bổn là con người thường hay có khuynh hướng bắt chước. Do đó, khi có một số người đưa ra những ý tưởng, hành động và lối sống mới lạ thì lập tức chúng trở thành những xu hướng mới trong xã hội, đặc biệt là khi những xu hướng này thiên về dục lạc và kinh tế. Hơn nữa, với các phương tiện truyền thông hiện đại thì những chương trình tuyên truyền quảng cáo, chủ nghĩa khoái lạc, sự đam mê, khao khát về của cải, danh vọng và quyền lực đã trở thành những khuynh hướng xã hội trong thế giới hiện đại. Theo quan điểm của chúng tôi, sự đua đòi, bắt chước này sẽ không phải là nguyên nhân tạo nên những xu thế hiện thời nếu sự đua đòi đó không có ý thức dẫn dắt, ý thức đó chính là thức tổng thể của nhân loại đang bao trùm khắp thế giới này. Cũng vì quan điểm trên mà chúng tôi thường hay suy luận rằng phần đất liền trên địa cầu được bao phủ bởi một thảm thực vật, còn bầu khí quyển thì được hấp thụ bởi yếu tố mà chúng tôi gọi là mảng tâm lý. Sở dĩ có sự suy luận như thế là vì chúng tôi muốn đề cao tư tưởng sau đây:
Kinh Sa Môn Quả (Trường Bộ I, 76) có nói rằng thân và tâm có mối tương hệ mật thiết với nhau cũng ví như một sợi chỉ màu xuyên qua một viên ngọc trong suốt và khi hành giả an trú trong đệ tứ thiền sẽ nhận ra điều ấy. Từ đây ta có thể nghiệm ra rằng tâm cũng gắn liền với yếu tố hư không trong tâm bởi vì nhịp điệu của hơi thở luôn thay đổi theo cảm xúc. Ví dụ như chúng ta thở dài khi cảm thấy buồn, chúng ta ngáp khi biếng nhác, chúng ta thở dồn dập khi giận dữ và thở hổn hển khi đau đớn. Những thay đổi này có thể được xem là những bằng chứng cho thấy tâm và hơi thở có mối tương hợp với nhau. Theo khám phá của các nhà khoa học thì lượng carbon diocid trong hơi thở ra tăng lên khi tâm trạng con người trở nên căng thẳng và tiêu cực. Điều này có thể là do hơi thở đã hấp thụ những tố chất độc hại do các tuyến hormone thải vào máu mỗi khi tâm rơi vào cảm xúc tiêu cực như sân hận và sợ hãi. Khi có rất nhiều người thở ra những hơi độc như thế thì trong một bình diện vi tế nào đó bầu khí quyển sẽ bị ô nhiễm và rất có thể là các loài hữu tình, thậm chí cây cối cũng rất nhạy cảm với loại ô nhiễm này. Với phương pháp thực nghiệm, chúng ta có thể biết rằng cây cối sẽ sinh trưởng tốt trong một môi trường thanh bình và đầy tình thương, nhưng chúng sẽ trở nên cằn cỗi và héo úa khi bị đối xử tồi tệ bởi sự lạm dụng và kích động, dù rằng chúng cũng được cung cấp đủ nước, phân bón, ánh sáng và được chăm sóc tốt.
Theo các nghiên cứu khoa học thì nguyên nhân dẫn đến sự ô nhiễm không khí và gia tăng lượng carbon diocid là do số lượng nhiên liệu lớn bị đốt cháy trong thời gian lâu làm cho quả địa cầu bị nóng lên và từ đó gây ra những hậu quả bi thảm cho sự sống loài người. Ngày nay, người ta phỏng đoán rằng sở dĩ các loại khủng long bị biến mất trên bề mặt trái đất là do lượng oxy bị giảm xuống và ngược lại lượng carbon diocid tăng lên trong bầu khí quyển. Sự ô nhiễm môi trường ngày nay còn nghiêm trọng hơn nữa bởi vì nó gây ra sự tuyệt chủng nhiều loài thú bởi lượng carbon diocid thải ra từ các loại máy móc mà thời kỳ khủng long chưa biết đến. Trong khi các cỗ máy kim loại đang làm cho bầu khí quyển bị ô nhiễm thì cũng có hàng tỷ bộ máy con người cũng góp phần thải ra những tố chất tâm lý độc vào lượng carbon diocid mỗi khi họ thở ra. Do đó chúng ta có thể mạnh dạn khẳng định rằng sự ô nhiễm trong phạm trù tâm lý là một yếu tố quan trọng đối với cuộc khủng hoảng môi trường mà con người đang phải đối mặt. Sự ô nhiễm vật lý do chất thải từ máy móc và việc khai thác kiệt quệ các nguồn lợi tự nhiên đều là kết quả của lòng tham đắm vào sự xa hoa, của cải và quyền lực của loài người. Như thế ta có thể kết luận rằng sự ô nhiễm môi trường thật ra chính là sự biểu hiện bên ngoài của sự ô nhiễm đạo đức bên trong của con người hiện đại.
Bởi vì nền đạo đức của loài người có mối liên hệ trực tiếp và mật thiết với cuộc khủng hoảng môi trường nên thiền quán có thể đưa ra một số phương pháp thực tế để tạo nên một sự thay đổi trong thái độ của con người để từ đó mỗi người có được cảm nhận về định hướng cũng như mục đích của cuộc sống, qua đó giúp họ khôi phục lại những khả năng sẵn có của thiên nhiên.
Khi tìm hiểu các lý thuyết về xã hội của Tiến sĩ Erich Formn, chúng ta có thể nói rằng con người đã thay đổi thái độ sống của mình từ việc "có lối sống" đến "bị lệ thuộc vào lối sống". Khi đã chọn được lối sống, con người lại cố gắng tìm cách thỏa mãn lòng tham đắm của mình đối với thiên nhiên càng nhiều càng tốt, từ đó dẫn tới việc khai thác thiên nhiên quá độ và gây ra những căn bệnh ô nhiễm và suy thoái. Mặt khác, vì bị lệ thuộc vào lối sống, con người đã sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên để làm sao thỏa mãn những nhu cầu của mình và chính thái độ sống này dẫn tới việc cần phải bảo tồn những khả năng sẵn có của thiên nhiên. Thiền quán dạy chúng ta sống một cuộc sống đơn giản khi muốn thỏa mãn các nhu cầu của mình. Tri túc là phương pháp tu tập để giảm bớt những đòi hỏi quá đáng của con người và nếp sống biết đủ này được xem là một đức hạnh có giá trị cao cả. Nếu nhân loại đều biết tu tập hạnh tri túc này và từ bỏ những khuynh hướng chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ thì nguy cơ của cuộc khủng hoảng môi sinh sẽ được giảm thiểu. Tất cả những hậu quả của việc phá rừng trên phạm vi rộng như sự xói mòn, sụt lở đất, những biến cố của thời tiết, hạn hán... về cơ bản đều có mối liên hệ với chủ nghĩa tiêu thụ. Nếu loài người không thay đổi để sống một cuộc sống đơn giản hơn thì họ khó có thể thực hiện được bất cứ một giải pháp hữu hiệu nào đối với những trở ngại đang đe dọa cuộc sống của mình.
Lòng từ là một yếu tố thiết yếu để tạo nên nếp sống thiền. Nếu biết tu tập lòng từ, con người sẽ có thể kiềm chế việc khai thác quá đáng và việc tiêu xài quá độ vì lòng cảm thông cho các thế hệ tương lai và cũng vì thế mà các nguồn lợi thiên nhiên không có khả năng tái sinh nhằm phục vụ cho đời sống tiêu thụ cũng sẽ được giảm thiểu nhanh chóng. Thực hành lòng từ, con người cũng sẽ biết cảm thông với những giống thú và các loại sinh vật khác mà ngày nay đang có nguy cơ tuyệt chủng. Một điều vô cùng quan trọng mang tính toàn cầu mà mỗi chúng ta đều phải ghi nhớ là sự đa dạng của sinh vật trong thiên nhiên rất có ích cho một hệ sinh thái cân bằng và lành mạnh.
Thiền quán gột sạch mọi cáu bẩn trong tâm thức của con người. Thiên nhiên có thể chịu đựng được những ô nhiễm sinh học do con người gây ra, nhưng thiên nhiên không thể giúp đỡ hay chịu đựng được những ô nhiễm trong tâm của loài người. Ngày nay sự lan tràn của tội ác, sự xung đột và chiến tranh cũng giống như một bệnh dịch trong xã hội. Sự ô nhiễm đã tạo ra những căn bệnh đang đe dọa tính mạng con người và nguy cơ của một sự hủy diệt trên phạm vi rộng lớn xuất phát từ sự mất cân bằng trong hệ sinh thái đang là nỗi lo âu của nhân loại.
Chúng ta hãy quay về với lời dạy của Đức Phật "Chính tâm dẫn dắt đời", nghĩa là thế giới hoạt hiện qua tâm thức. Chỉ khi nào tâm thức của nhân loại vận hành theo những định hướng thuần thiện, thấm nhuần luân lý đạo đức thì loài người mới có được một cuộc sống hạnh phúc hơn và thiên nhiên sẽ tỏ ra hiếu khách hơn. Bởi cái ác đang hoành hành khắp nơi và đang tác động đến thiên nhiên, nên thiên nhiên đã đáp lại những tác động đó với vẻ chẳng "hiếu khách" chút nào cả. Cuộc khủng hoảng môi trường được xem như là hậu quả của cuộc khủng hoảng đạo đức, vì thế con người cần phải trau giồi thái độ và lối sống thuần thiện, đầy luân lý đạo đức để thay đổi cuộc sống cho tốt đẹp hơn. Đây là một yêu cầu cấp bách đảm bảo sự sống còn của nhân loại.
(Theo The Relevance of Vipassana for the Environmental Crisis)
Trích: Nguyệt san Giác Ngộ, số 88, 07-2003
-ooOoo-
[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 12-03-2004