Bốn dịp may để thực chứng Pháp
Ashin Kuṇḍalābhivaṃsa
Tỳ khưu Giác Lộc dịch
Nguyên tác: "Four Good Opportunities to Realize Dhamma" (Dhamma Padetha I)
Vì Phật lịch đã qua hai mươi lăm thế kỷ, một số người nghĩ rằng không phải thời cho con người trở thành những thánh nhân (ariya puggala) như những bậc dự lưu (sotāpanna) v.v... và chứng thánh pháp. Tuy nhiên nhóm khác tin rằng mặc dù Phật lịch đã qua hai mươi lăm thế kỷ, có thể có bậc thánh nhân như (dự lưu) v.v... và sẽ chứng thánh pháp. Trường phái tư tưởng nào đúng đã được soi sáng trong những tác phẩm của các nhà chú giải.
Những nhà chú giải này do biết tâm nguyện của Đức Phật đã nêu ra bốn dịp may để thực chứng pháp:
1) Buddhuppādakkhaṇo: Sống vào thời gian giác ngộ của Đức Phật, có dịp may
tiếp cận giáo pháp.
2) Majjhimadeseuppattikhaṇo: được sanh làm loài người ở trung quốc độ
(majjhimadesa) là nơi giáo pháp hưng thịnh.
3) Sammādiṭṭhiyāpatiladdhakhaṇo: dịp may có chánh kiến.
4) Channaṃāyatanānaṃavekallakhaṇo: dịp may có các căn tròn đủ không khuyết tật,
như căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Đây là bốn dịp may để thực chứng thánh pháp mà các nhà chú giải đã nói đến (Dhammapadaṭṭha 2 / 304).
1) Khi không có sự giác ngộ của Đức Phật và không có giáo pháp, nếu mọi người muốn thực hành pháp, họ không thể thực hiện bởi vì hoàn toàn không có sự thực hành thiền quán niệm xứ để chứng thánh pháp. Do vậy, họ không thể thực hành và chứng thánh pháp.
Những ai sanh làm loài người, khi có sự giác ngộ của Đức Phật và giáo pháp họ có thể lắng nghe những bài giảng pháp và có cơ hội để thực hành thiền quán niệm xứ, họ sẽ trở thành thánh nhân như sotāpanna (dự lưu), v.v… và thực chứng thánh pháp theo pāramī (ba la mật) của họ. Đó là lý do tại sao, vào thời giác ngộ của Đức Phật và giáo pháp này là một dịp may để thực chứng thánh pháp.
Châm ngôn: Gặp thời giác ngộ của Đức phật và giáo pháp này là một dịp may.
2) Mặc dù có sự giác ngộ của một vị Phật và giáo pháp của ngài, những ai sanh ở một nơi giáo pháp không hưng thịnh, họ không thể nghe pháp và không thể thực hành thiền quán niệm xứ. Do đó họ không thể chứng thánh pháp.
Những ai sanh vào nơi giáo pháp hưng thịnh, họ có thể làm các công đức liên hệ với lời dạy của Đức Phật. Họ có thể lắng nghe và thực hành thiền quán niệm xứ để chứng thánh pháp. Nhờ vậy, họ có thể trở thành thánh nhân như sotāpanna, v.v... và thực chứng thánh pháp. Do đó, được sanh làm loài người ở một nơi giáo pháp hưng thịnh là một dịp may để thành tựu thánh pháp.
Thuở Đức Phật còn tại tiền, người ta gọi Ấn độ là Majjhimadesa là nơi mà giáo pháp hưng thịnh. Ngày nay một xứ như Myanmar [1] sẽ được coi như là một nơi giáo pháp hưng thịnh.
Châm ngôn: Sống nơi nào giáo pháp hưng thịnh là một dịp may.
3) Những ai không tin rằng việc tạo các thiện nghiệp như bố thí có thể khiến ta thịnh vượng và cho nhiều loại lợi ích trong mỗi kiếp; các bất thiện nghiệp như sát sanh, trộm cắp v.v... sẽ dẫn ta đến apāya (đọa xứ) và sẽ phải thọ khổ - họ nghĩ rằng chỉ có một kiếp, không có đời sống tương lai. Những người tà kiến này (micchādiṭṭhi) sẽ không bố thí hoặc tạo bất cứ thiện nghiệp nào. Họ sẽ không thực hành thiền quán niệm xứ là nền tảng có thể giúp họ chứng thánh pháp. Như vậy họ sẽ không bao giờ chứng thánh pháp.
Những ai tin rằng việc tạo các thiện nghiệp như bố thí sẽ khiến họ thịnh vượng và cho nhiều loại lợi ích trong mỗi kiếp cho đến khi chứng đạt niết bàn; ai sát sanh, trộm cắp và phạm những tà hạnh khác sẽ dẫn đến đọa xứ (apāya) và sẽ phải thọ tất cả nổi khốn khổ. Họ sẽ làm các thiện nghiệp bởi vì họ có chánh kiến. Để chứng thánh pháp, họ sẽ thực hành thiền quán niệm xứ. Như vậy, theo ba la mật hạnh đã tạo họ sẽ trở thành thánh nhân như dự lưu v.v... và chứng thánh pháp. Vì thế, có chánh kiến là một dịp may để thực chứng pháp.
Châm ngôn: Có chánh kiến là một dịp may.
4) Những ai mù lòa, không thể thờ tượng Phật và không thể có tâm niệm bằng cách ghi nhận "thấy, thấy". Những ai điếc, không thể nghe những bài giảng pháp và không thể có tâm niệm bằng cách ghi nhận "nghe, nghe". Những ai mà tỷ căn, thiệt căn và thân căn của họ bị khuyết tật và những kẻ tâm trí rối loạn không thể thực hành thiền.Vì thế, họ không thể thành đạt thánh pháp.
Những ai mà sáu căn như nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn và thân căn lành lặn và những kẻ không bị thương tổn tâm thần có thể thờ tượng Phật, nghe pháp, thực hành thiền quán niệm xứ và theo ba la mật hạnh của họ sẽ thành bậc thánh như dự lưu, v.v... và tỏ ngộ thánh pháp. Đó là lý do tại sao, có tất cả sáu căn không bị thương tổn là một dịp may để thành tựu thánh pháp.
Châm ngôn: Có sáu quan năng lành lặn thật sự là một dịp may.
*
Nếu những ai khi có bốn dịp may này thực hành thiền quán niệm xứ đúng đắn chắc chắn sẽ chứng thánh pháp.
Những ai thực hành thiền quán niệm xứ đúng phương pháp, mặc dù họ không thể thực hành toàn thời gian nhưng chỉ thực hành bán thời gian cũng sẽ biết bản chất của pháp. Những ai biết bản chất của pháp sẽ trở nên quan tâm về việc thực hành pháp. Họ sẽ có sự tin tưởng nhiều hơn trước rằng họ có thể thành đạt pháp y theo ba la mật hạnh.
Vì sự tin tưởng rằng họ có thể tỏ ngộ pháp trong chính đời sống này, họ sẽ có quyết tâm, nỗ lực và chuyên cần nhiều hơn, những điều này lại sẽ đưa đến niệm lực. Vì niệm lực được củng cố, định (samādhi) sẽ được củng cố. Nếu định sâu sắc thì tuệ quán (vipassanā) sẽ được chứng đắc. Khi tuệ quán trở nên vững mạnh và (các duyên thiết yếu) được tròn đủ, họ sẽ chứng đạo và quả trí (magga phala ñāṇa) và thực chứng tối thượng pháp niết bàn.
[1] Lời người dịch: Majjhimadesa (Trung quốc độ) là Ấn độ vào thời Đức Phật, Phật pháp nơi đó hưng thịnh. Ngày nay không riêng gì Myanmar, những nơi khác như Việt Nam v.v... Phật Pháp cũng hưng thịnh. Nơi nào chánh pháp được truyền đến và có nhiều người thực hành theo thì giáo pháp (lời dạy của Đức Phật) sẽ hưng thịnh.
-ooOoo-
[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 15-04-2005