Phong trào Tân Phật tử tại Ấn Độ
V.G. Nair
Hòa thượngThích Trí Chơn chuyển ngữ
Theo tài liệu kiểm tra năm 1961 tổng số Phật tử tại Ấn Ðộ là 3.025.000 người. Thật là một hiện tượng phát triển, bành trướng mau lẹ của đại gia đình Phật tử thế giới và là một biến cố trọng đại độc nhất vô nhị trong lịch sử Phật Giáo. Một cuộc cải cách, mở đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử Phật Giáo Ấn Ðộ giúp cho sự phục hồi đạo đức và tinh thần của một dân tộc qua bao thế kỷ đã từng bị chà đạp trong một xã hội quá lạc hậu khắt khe, với những tập tục giai cấp bạo tàn và mọi cổ lệ bất công đàn áp. Nó còn sẽ đem lại kết quả tiến bộ xa hơn là đập tan được mọi xiềng xích của một xã hội nô lệ và nâng cao đời sống tinh thần của hàng tân Phật tử thoát khỏi ý tưởng đen tối ban sơ để đạt đến chân trời giác ngộ. Phong trào Phật tử mới ở Ấn Ðộ đã mở đầu một tân thế kỷ của tự do tinh thần và công bằng xã hội đối với hàng dân chúng từng bị ngược đãi giữa lòng đất Ấn Giáo.
Phật tử Ấn Ðộ có thể chia làm hai hạng: hạng mới quy y và hạng theo lâu đời bất chấp cả sự công kích của các tôn giáo ngoại lai cùng các giáo phái Saivaism, Advaitism và Vaishanvism. Số tân Phật tử có đến hơn 2.500.000 người sống ở vùng Maharashtra thành phố của Ấn giáo chính thống, độ vài ngàn tại miền nam Ấn Ðộ, ở các tiểu bang Madras, Kerala, Andhra và khoảng gần 2.900.000 thuộc giai cấp hạ tiện tại những miền Punjap, Bihar và Madhya Pradesh v..v… Còn số cựu Phật tử thì ở rải rác các vùng Assam, Ðông và Tây Bengal kể cả thành phố Calcutta. Những Phật tử mới này đều nằm ở hạng dân chúng hèn hạ để tạo nên giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn giáo. Nhóm cựu Phật tử đa số thuộc thành phần Barua ở vùng Assam, Ðông và Tây Bengal.
Tại Kerala, số tân Phật tử ước độ vài ngàn thuộc đoàn thể Ezhava hoặc Thiyya tạo thành một giai cấp cao hơn. Nhóm Ezhava thuộc thành phần dân trí thức, văn minh và cần mẫn của miền Kerala. Tổ tiên của nhóm dân này gốc ở vùng Sri Lanka. Các học giả cho rằng trước kia họ là những người thuần túy theo Phật giáo, nhưng trải qua nhiều thế kỷ, con cháu họ bị xâm nhập bởi xã hội Ấn giáo. Số tân Phật tử ở miền nam Ấn Ðộ phần đông thuộc nhóm Adi-Dravid. Còn tại các tiểu bang khác, họ đều nằm ở giai cấp bị xã hội bỏ rơi, không tiếp xúc được như Panchamas, Nayadis, Cherumas, Avarnas v.v... Ðây là hạng dân chúng mà mọi người không ai muốn nhìn thấy hoặc tới gần. Tổng số hạng người này vào khoảng 60.000.000 trong số 300.000.000 theo Ấn giáo. Họ phải chịu nhiều bất công và bị tước bỏ mọi quyền như công dân, tín ngưỡng v.v... Họ làm những nghề hèn hạ như đi củi, gánh nước, v. v... để phụng sự quyền lợi cho giai cấp cao hơn trong xã hội.
Nhà lãnh đạo và sáng lập phong trào tân Phật tử này là cố Tiến sĩ Ambedkar (1891-1956), người đã góp phần thảo nên bản hiến pháp của Ấn Ðộ và là cựu bộ trưởng Tư Pháp của chính phủ Ấn. Tiến sĩ Ambedkar là một chính khách lỗi lạc nhất trong các lãnh tụ Ấn Độ ngày nay. Bên cạnh Đại Đức Anagarika Dharmapala, con người từng can đảm đấu tranh cho chánh pháp mở đầu công cuộc phục hưng trùng tu các thánh tích Phật giáo tại Ấn Ðộ, tô bồi nền Phật giáo thế giới.Tiến sĩ Ambedkar xuất hiện như một đại ân nhân đã hướng dẫn đa số dân tộc Ấn trở về với tín ngưỡng Phật Thích Ca và tạo nên sức chuyển mình hồi sinh mạnh mẽ cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại Ấn.
Sinh trưởng trong một gia đình nghèo Ấn giáo tại quận Ratnagiri ở tiểu bang Maharashtra, tiến sĩ Ambedkar đã cố gắng nhiều vào thời tuổi trẻ để theo đuổi hết chương trình trung học và sau ông tiếp tục sang học ở Hoa kỳ. Sau vài năm lưu học tại quê hương của cố tổng thống Lincoln (Mỹ quốc), ông trở về Ấn Ðộ với sự thấm nhuần trong cuộc sống cái lý tưởng dân chủ của Abraham Lincoln (1809-1865) và Booker Washington (1856-1915); nhà lãnh tụ da đen nổi tiếng, đã giải phóng dân tộc ông thoát khỏi xiềng xích nô lệ của xã hội Mỹ quốc bấy giờ. Với trình độ cao học cùng những kinh nghiệm thu lượm được tại Hoa kỳ và Anh quốc, tiến sĩ Ambedkar đã đứng ra hủy bỏ nhiều điều của bộ luật Manu theo Ấn Giáo, vốn trói buộc ông lâu đời trong những cổ lệ giai cấp bất công và ông nghiễm nhiên trở thành nhà lãnh đạo tối cao của đoàn thể ông để đem lại vinh quang cho Ấn Ðộ.
Với bản tánh can đảm chống lại mọi sự ngược đãi và nô lệ, tiến sĩ Ambedkar đi vào chính trường Ấn Ðộ, đã cảm thấy sâu xa cái thực trạng đau thương khủng khiếp mà trong đó chính các bạn bè thân quyến giai cấp của ông đã bị chôn vùi giữa sự nghèo đói thấp hèn, sống dưới những túp lều rách nát với mọi sự khiếm khuyết vệ sinh, tối tàn bẩn thỉu cùng những đe dọa bệnh tật chết chóc của một xã hội dẫy đầy đẳng cấp phân chia. Tình trạng bất hạnh trong cuộc sống của 60.000.000 dân chúng này không những chỉ xuất hiện tại các vùng nghèo khổ do người Anh thống trị mà cả đến các tiểu bang giàu sang của Ấn Ðộ.
Chính bởi bản thân Ambedkar đã từng chịu mọi điều sỉ nhục và lăng mạ của xã hội đầy bất công tàn ác mà ông đã cương quyết hy sinh đời mình cho công cuộc giải phóng và nâng cao đời sống của mọi dân nghèo, dốt nát, bơ vơ bị áp chế tại Ấn Ðộ. Ngoài sự hy sinh phục vụ cho chính phủ Ấn và hạng dân chúng bị ngược đãi, ông còn góp phần xây dựng chánh pháp bằng công việc diễn giảng, viết và phát hành kinh sách Phật Giáo để sau cùng ông lâm bệnh bởi làm việc quá sức cho hàng dân chúng nô lệ, ông bất ngờ từ trần sau những giờ bình tĩnh niệm Phật, để viết nên trang sử huy hoàng cho quốc gia tân tiến Ấn Ðộ.
Tại sao tiến sĩ Ambedkar đã quy y theo Phật cùng với hàng triệu người thuộc giai cấp của ông và đã từ chối mọi sự khuyến khích giúp đỡ của nhiều bạn bè các tôn giáo khác mà nhờ đó, ông có thể thành công dễ dàng trong việc nâng cao hàng dân chúng thấp kém của ông lên bình đẳng với mọi giai cấp ưu đãi khác trong xã hội? Tại sao ông không hành động theo đường lối giải phóng của Gandhi, một Thánh nhân của thời đại, mà lại quay về với đức Phật để tranh đấu cho tự do và hòa bình? Nói tóm, sự thay đổi tín ngưỡng của tiến sĩ Ambedkar không nhằm mong đạt đến bất cứ quyền lợi vật chất hay sự ủng hộ của lực lượng chính trị nào trong quần chúng mà lý do duy nhất khiến ông hành động cải đổi theo Phật Giáo bởi ông muốn có được sự an lành cùng giải thoát tinh thần khỏi cuộc sống hiện hữu khổ đau.
Ông đã nhiều lần tuyên bố rằng ông có thể đạt đến địa vị tột đỉnh trong chính trường, nếu ông bằng lòng đứng mãi ở giai cấp của ông hơn là hành động bỏ Ấn giáo để theo Phật Giáo. Ông không có tham vọng trở thành Phật tử để có nhiều quyền lợi vật chất hay chính trị. Trái lại ông đã từ bỏ mọi nhiều quyền lợi và hy sinh cả thể xác lẫn tiền tài để mong hoàn thành sứ mạng của đời ông là phục hưng Phật Giáo cùng cứu thoát những giai cấp bị đàn áp khỏi cái xã hội đầy bất công tàn bạo. Như chúng ta đã biết rõ, tiến sĩ Ambedkar đã từ chối mọi sự ủng hộ vật chất của nhiều người bạn, với hy vọng ông sẽ theo cùng tôn giáo với họ hoặc giữ ông đừng bỏ tín ngưỡng cũ; nhưng sau những ngày suy nghĩ kỷ càng, cuối cùng ông quyết định hồi đầu theo đức Phật, đấng Ðại Giác và Ðại Từ, hầu cứu dân tộc Ấn thoát khỏi mọi sự áp chế bất công.
Tiến sĩ Ambedkar theo Phật không phải bởi đức tin mù quáng, vì sự ép buộc tuyên truyền hay chỉ dẫn của các nhà sư cùng các lãnh tụ Phật Giáo mà do bởi lòng tin vững chắc của ông đối với đạo lý viên dung của Phật Giáo qua nhiều năm nghiên cứu học hỏi vô số kinh điển và niềm tin sâu xa vào nhân cách toàn vẹn của đức Phật, một tư tưởng gia tiền phong đã cách mạng xã hội; một nhân vật vô song đã cương quyết từ bỏ ngai vàng, vợ đẹp con yêu để xuất gia tầm đạo, diệt hết mọi nguồn gốc khổ đau, vị kỷ và bất bình đẳng cho nhân loại. Tiến sĩ Ambedkar là người đọc khá nhiều sách. Ông có một tủ sách riêng đầy đủ nhất xứ này. Ông là người rất ham thích sách. Ngay vài giờ trước khi sắp từ trần ông cũng đã lấy nhiều sách Phật giá trị để giữ chúng bên cạnh trên gường ông mất.
Ông đã nghiên cứu toàn bộ kinh Phệ Ðà (Vedic), nhiều hệ thống triết học Ðông và Tây Phương, Kỳ Na giáo (Jainism), Thiên Chúa Giáo cùng nhiều tôn giáo lớn khác trên thế giới, nhưng ông thích nhất là Phật Giáo. Ông cũng là giáo sư dạy nhiều thứ tiếng như Phạn (Sanskrit), Pali, Hy Lạp, Ba Tư và Latin. Tiến sĩ Ambedkar không những chỉ là một học giả uyên thâm về kinh Phệ Ðà mà còn là người thực hành những phương pháp Yogi (Du Già) theo tiêu chuẩn của Sri Aurobindo. Tôi đã có lần được gặp ông và đã thảo luận với ông về mọi triết thuyết của các tôn giáo thế giới, tôi nhận thấy ông là người rất nhiệt thành hâm mộ đức Phật như các ngài Jivaka (Kỳ Bà) và Anathapindaka (Cấp Cô Độc) trong lịch sử Phật Giáo.
Tiến sĩ Ambedkar đã đem lại nhiều thành công rực rỡ cho Phật Giáo và nền hòa bình thế giới bằng cách đã cải hóa cho hơn 2.500.000 tâm hồn dân tộc Ấn trở về quy y với đức Phật. Ông đã để lại một gia tài phong phú cho hàng tân Phật tử Ấn Ðộ, một di sản tinh thần cao quý tạo nên sức mạnh đoàn kết và hòa bình; một đức tính ngay thật và can đảm để phụng sự Ấn Ðộ. Ðược ca tụng như một luật gia tài ba qua "Bộ Luật Manu Tân Tiến" hình ảnh cố tiến sĩ Ambedkar sẽ sống mãi trong mọi tâm hồn người dân đất Ấn.
Sự cần thiết của hàng tân Phật tử hiện nay không phải là những pho tượng thờ, những ngôi chùa, những thiền thất to lớn, mà là những đoàn truyền giáo, hội đủ khả năng học vấn trí tuệ và tình thương có thể giảng dạy và bành trướng giáo lý đức Phật để hướng dẫn họ sống đúng theo những đức tính cao cả chân thật, đoàn kết và hòa bình. Nhu cầu hiện hữu của những người tân Phật tử này không chỉ những về phương tiện tinh thần mà cả đến vật chất: thực phẩm, áo quần, và nhà ở.
Họ càng thấy cần thiết hơn đến những cơ quan giáo dục, sự chăm sóc sức khỏe trong gia đình và làng xóm, để dân chúng được sống cuộc đời lành mạnh không bệnh tật; những cư xá cho các học sinh, sinh viên nghèo và nhiều nhà cứu tế xã hội khác. Họ cần thoát khỏi những tự ti mặc cảm và thù hận đối với các giai cấp thượng lưu trong xã hội, được hưởng đời sống hạnh phúc giàu sang hơn họ. Họ cần thoát khỏi có những sách báo rẽ tiền hoặc phát không in bằng tiếng địa phương nói về Phật Giáo và các tôn giáo khác, hầu giúp họ học hỏi và hướng dẫn họ trong đời sống hằng ngày. Họ cũng cần những tu viện Phật Giáo để có nơi cho họ nghiên cứu và đi sâu vào giáo lý cao siêu của Phật đà.
* Trích tạp chí "Phât Giáo Thế Giới" (World Buddhism), số tháng 4 năm 1964, phát hành tại Tích Lan.
-ooOoo-
[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 12-11-2005