Mười hai nhân duyên
Thích Trí Châu
Hôm nay tôi sẽ trình bày về đề tài Mười Hai Nhân Duyên dựa theo kinh Trường Nikaya (Digha Nikaya) do Maurice Walse dịch ra từ tiếng Pali. Bài trình bày này dựa vào quan niệm của Maurice Walse và kiến giải riêng của tác giả, cộng thêm một số từ ngữ tiếng Anh và tiếng Pali để dễ bề tham khảo.
Chuỗi mười hai nhân duyên nổi tiếng này được tìm thấy ở nhiều nơi trong các tạng kinh. Tiếng Pali gọi là paticca-samuppada, tiếng Phạn là pratitya-samutpada được dịch là nhân duyên hoặc duyên khởi mà tiếng Anh dịch là 'dependent origination' và Edward Conze dịch là 'conditioned co-production. Có nhiều tranh luận về đề tài này bởi các học giả Tây phương trong đó một số vị đưa ra các thuyết minh lạ lùng. Chuỗi mười hai nhân duyên được liệt kê theo thứ tự như sau:
1. Vô Minh duyên cho Hành (avijia-paccaya sankhara)
2. Hành duyên cho Thức
(sankhara-paccaya vinnanam)
3. Thức duyên cho Danh Sắc (vinnanam-paccaya nama-rupam)
4. Danh Sắc duyên cho Lục Nhập (nama-rupam-paccaya salayatanam)
5. Lục Nhập duyên cho Xúc
(salayatanam-paccaya phasso)
6. Xúc duyên cho Thọ (phassa-paccaya vedana)
7. Thọ duyên cho Ai (vedana-paccaya tanha)
8. Ai duyên cho Thủ (tanha-paccaya upadanam)
9. Thủ duyên cho Hữu (upadanam-paccaya bhavo)
10. Hữu duyên cho Sanh
(bhava-paccaya jati)
11. Sanh duyên cho (jati-paccaya)
12. Lão Tử
(jara-maranam)
Vì vô minh trong quá khứ nên có những hành động và suy nghĩ tạo ra nghiệp, nghiệp này khi chín mùi dẫn đến sự thành hình một loài chúng sanh mới trong kiếp kế tiếp khi kiếp sống này chấm dứt. Hành là danh từ Phật học chỉ cho sự tạo tác và cấu kết thành nghiệp lực mà tiếng Anh tạm dịch là "Karma formation'.
Nghiệp lực này làm sanh khởi một cái tâm thức mới gọi tắt là Thức (Consciousness).
Khi kiếp sống quá khứ đã tới thời kỳ hủy diệt thì tâm thức mới này bị cuốn hút và nhập vào một một bào thai của một trong sáu loài chúng sanh trong một thế giới mới tương ưng với những tánh chất của nó. Thế là đã đắc được báo thân mới trong kiếp hiện tại. Báo thân này gồm có hai phần là 'Tâm và Thân' (Mind and Body) gọi là Danh Sắc (Name and Form).
Khi có thân và tâm thì có sự thành hình của sáu giác quan tức là sáu cửa ngõ để tiếp xúc với thế giới xung quanh. Sáu cửa ngõ đó danh từ Phật học gọi là Lục Nhập (Six Sense-Bases). Lục Nhập là các giác quan của sự thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm cộng với một cái tâm thức gọi là thức thứ sáu. Các giác quan đó gọi là lục căn gồm có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và bộ óc.
Nhờ Lục Nhập đó mà ta có thể cảm nhận được các sắc tướng, âm thanh, mùi hương, vị nếm, sự xúc chạm và ý thức phân biệt khi tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài. Sự tiếp xúc đó gọi là Xúc (Contact) khiến ta có cảm giác ưa thích hay không ưa thích và có khi trung tính. Cảm giác đó danh từ Phật học gọi là Cảm Thọ hay là Thọ (Feeling). Khi cảm giác thích thú thì sanh ra yêu thích tức tham ái mà danh từ Phật học gọi là Ái (Craving). Khi đã tham ái rồi thì sinh ra lưu luyến muốn nắm giữ lấy, không muốn để cho mất đi mà danh từ Phật học gọi là Thủ (Clinging).
Khi muốn nắm giữ là đã khởi lên một dòng nghiệp lực dẫn đến một kiếp sống mới khi kiếp này chấm dứt. Tiến trình này gọi là Hữu (Becoming).
Sau đó khi nghiệp lực chín muồi thì sanh một báo thân mới trong kiếp kế tiếp gọi là Sanh (Birth). Khi đã có sanh là có sự tăng trưởng, biến đổi, suy thoái và hủy diệt (Sanh-Trụ-Dị-Diệt hoặc Sanh-Lão-Bệnh-Tử). Tiến trình biến đổi, suy thoái và hủy diệt còn gọi là Lão-Bệnh-Tử, tức Lão Tử (Ageing and Death).
Chuỗi nhân duyên Thọ-Ái-Thủ khiến ta bị mê mờ trong vô minh và tạo ra nghiệp, nguyên nhân của sự hình thành một kiếp sống mới trong thời vị lai gọi là Hữu cũng tương tự như Vô Minh và Hành trong quá khứ đã nói ở phần đầu.
Tiến trình Sanh cũng như tiến trình Danh Sắc, là sự hiện khởi một báo thân mới. Và khi có Sanh là phải có Lão Tử.
Như vậy trong chuỗi mười hai nhân duyên, ta thấy có ba thời kỳ:
1. Thời quá khứ vì Vô Minh nên tạo nghiệp là nguyên nhân hình thành (Hành) một chúng sanh trong kiếp hiện tại khi chấm dứt sự sống trong quá khứ.
2. Thời hiện tại có một đời sống mới do quả báo dị thục (chín muồi) của kiếp quá khứ. Lại tiếp tục tạo nghiệp do tham dục dẫn đến sự sanh thành một kiếp sống mới trong thời vị lai sau khi chấm dứt kiếp sống hiện tại.
3. Thời tương lai lại tiếp tục tạo nghiệp do vô minh và tham đắm cho đến chết để rồi miên viễn trở lại cái chu kỳ bất tận của Vô Minh cho đến Lão Tử .
Các chuỗi nhân duyên bắt đầu từ vô minh, hình thành cho dến sanh và lão tử cứ tiếp tục vận hành miên viễn từ quá khứ cho đến hiện tại và tương lai, không bao giờ chấm dứt trong cái vòng quay gọi là Sanh Tử Luân Hồi.
Hãy từ từ đi ngược lại chuỗi nhân duyên, bắt đầu suy tư, quán chiếu về những chuỗi câu hỏi và trả lời thì ta sẽ thấy rõ ràng muốn chấm dứt được Sanh Tử Luân Hồi thì phải chấm dứt được Vô Minh. Hãy thử hỏi và quán chiếu:
Làm sao chấm dứt được Lão Tử? Phải chấm dứt Sanh. Vì khi không có Sanh thì có gì đâu để già chết.
Làm sao chấm dứt Sanh? Phải chấm dứt Hữu. Vì không có tạo nghiệp thì không có gì để có thể thành lập sự hiện khởi của đời sống kế tiếp tức là không có Sanh.
Người ta thường nói đến danh từ đầu thai (reincarnation) hay là tái sanh (rebirth). Nếu nghĩ rằng có một linh hồn cứ liên tiếp đầu thai hoặc tái sanh vào hết loài này đến loài khác thì không đúng với tư tưởng Phật giáo. Phật giáo quan niệm tâm thức chúng sanh là sự tích tập những nghiệp đã tạo tác trong đời quá khứ. Khi hết một kiếp thì lại có một tâm thức khác được sanh ra do sự tích tập những nghiệp đã tạo tác trong kiếp đã qua cộng với những nghiệp dư trong các đời quá khứ chín mùi và hiện khởi trong một báo thân mới.
Chúng ta lại tiếp tục tư duy như trên:
Làm sao chấm dứt Hữu? Phải chấm dứt Thủ.
Làm sao chấm dứt Thủ? Phải chấm dứt Ái.
Làm sao chấm dứt Ái? Phải chấm dứt Thọ.
Làm sao chấm dứt Thọ? Phải chấm dứt Xúc.
Làm sao chấm dứt Xúc? Phải chấm dứt Lục Nhập.
Làm sao chấm dứt Lục Nhập? Phải chấm dứt Danh Sắc.
Làm sao chấm dứt Danh Sắc? Phải chấm dứt Thức.
Làm sao chấm dứt Thức? Phải chấm dứt Hành.
Làm sao chấm dứt Hành? Phải chấm dứt Vô Minh.
Ta sẽ thấy chỉ có một cách thoát khỏi Sanh Tử là phải chấm dứt Vô Minh. Mà muốn chấm dứt vô minh chỉ có một cách là tu hành cho đến giác ngộ cứu cánh Giải Thoát.
Hãy suy ngẫm về lời nói của đức Phật dạy A Nan trong phẩm thứ 15 Đại Duyên Phương Tiện (Mahanidana) trong kinh Digha Nikaya:
- Nếu ngươi được hỏi: "Phải chăng Lão Tử duyên cho sự Hiện Hữu?" ngươi phải trả lời: "Chính thế." Nếu được hỏi: "Cái gì duyên cho Lão Tử?" ngươi phải trả lời: "Lão Tử bị duyên bởi Sanh" và cứ như thế tiếp tục theo thứ tự ngược lại của chuỗi nhân duyên, đức Phật dạy A Nan, nếu được hỏi: "Cái gì duyên cho Hành?" ngươi phải trả lời: "Hành bị duyên bởi Vô Minh."
Ở lời kinh này ta thấy rằng khi chấm dứt một kiếp sống là lại có sự bắt đầu của kiếp sống mới và ngược lại khi đã có một kiếp sống mới là sẽ có sự chấm dứt của kiếp sống đó để rồi lại tiếp tục cái chu kỳ Hiện Hữu (Existence) và Lão Tử (Death). Đây là một cách nói ngắn gọn lại của mười hai nhân duyên. Vì sự Hiện Hữu bị duyên bởi Vô Minh nên muốn chấm dứt hiện hữu thì phải chấm dứt Vô Minh như đã nói ở trên.
Nhân đây cũng diễn giải rộng ra vì quan niệm thường tình vẫn có những suy nghĩ sai lầm rằng ta có thể làm phước và chịu đau khổ thay cho người khác. Từ đó dẫn đến một sự sai lầm khác là mình có thể tu giùm cho người khác. Chẳng hạn như thấy cha mẹ hay người thân yêu không chịu tin và tu hành theo chánh pháp hoặc đang đau khổ vì già nua và bệnh hoạn nên mình phát nguyện tu giùm để những người thân yêu thoát khỏi nghiệp chướng của khổ đau hầu báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục và để tỏ lòng hiếu nghĩa.
Quan niệm này hoàn toàn sai lầm và không đúng với quan niệm của Phật giáo vì như vậy còn gì là nhân duyên và nghiệp báo, triết lý căn bản của đạo Phật. Đức Phật thị hiện tu hành đến Giác Ngộ với hoài bão chỉ cho chúng ta đường lối tu hành dẫn đến giác ngộ như ngài. Ngài chỉ dạy chúng ta đường lối tu trì theo Giới-Định-Huệ để phá trừ Vô Minh được sự Giác Ngộ, nhờ đó thoát khỏi sự khổ đau của Sanh-Tử-Luân-Hồi. Chúng ta phải tự đốt đuốc dấn thân tu hành chứ đức Phật không thể tu giùm cho chúng ta. Nhà Thiền nói ai ăn nấy no, ai uống nấy đỡ khát. Tôi không thể ăn no giùm anh được và anh uống nước không thể làm tôi đỡ khát được.
Ngoài ra còn có những vị tu sĩ muốn tạo được sự tôn kính, đã tự xưng là bồ tát, nói mình có khả năng chịu khổ thay cho chúng sanh, nói rằng khi có mặt mình ở đâu là ở đó không thể nào xẩy ra các ách nạn như chiến tranh, tật ách và thiên tai. Có việc gì nan giải cứ cầu nguyện ngài và tụng chú là mọi việc đều tiêu tan.
Thế mà trong khi các vị này còn sống thì chiến tranh, thiên tai thảm khốc vẫn xảy ra và sau đó tiếp tục tăng trưởng một cách khốc liệt như chiến tranh Kosovo, Palestine, Do Thái, Iraq, Lebanon, những trận động đất tại Iran, sóng thần tại Indonesia. Các tật ách như viêm phổi cấp tính, bệnh cúm gà, bò điên, HIV, Aids và nhiều dịch bệnh lạ lùng vẫn tiếp tục hoành hành khắp nơi trên mặt đất.
Chính các vị đó cũng bị hành hạ bởi những căn bệnh trầm kha, đau đớn dai dẳng trong nhiều năm tháng rồi mới chết. Đích thân chứng kiến sự rên la đau đớn của vị thầy trước khi chết như thế mà các vị đệ tử vẫn ngoan cố ngụy biện tuyên bố rằng thị hiện chết đau đớn thống khổ như vậy mới chứng tỏ lòng từ bi vô lượng, chịu những đau đớn dằn vặt thay cho chúng sanh, chứ ra đi nhẹ nhàng như ngồi thiền thị tịch như các vị thiền sư từng làm thì quá dễ. Không những thế họ còn rao giảng là chỉ có thực hành các nghi lễ, lễ lạy và tụng chú v.v... thì mới có linh ứng và khi chết mới được siêu thoát. Thật là mê mờ đáng thương. Chúng ta không đi sâu vào đề tài này ở đây.
Đức Phật nói Ngài không thể độ cho những kẻ có định nghiệp, những kẻ ngoan cố nhất xiển đề không tin lời nói của Ngài. Ngài cũng không chịu khổ thay cho chúng sanh hay là gánh hết nghiệp cho chúng sanh đuợc. Ngay cả dòng họ Thích của Ngài cũng bị dòng Lưu Ly giết chết hết để trả các nghiệp ác đã tạo ra trong kiếp quá khứ. Mục Kiền Liên là một đệ tử thần thông bậc nhất của ngài cũng bị tà phái lăn đá đè bẹp chết. Đức Phật nói tất cả nghiệp báo, ân oán đều phải để cho chúng tự trang trải lẫn nhau. Cuộc đời là khổ đau, chỉ có sự tu hành giải thoát là Tịch Tĩnh An Vui.
Trước khi kết thúc bài này, xin đọc phẩm 14 Đại Bổn Duyên Mahapadaya trong kinh Digha Nikaya lúc đức Phật Thích Ca nói về sự thành đạo của vị Phật quá khứ Tỳ Bà Thi (Vipassi) cách đây 91 A tăng kỳ kiếp. Đức Phật Thích Ca nói:
'Này các vị Sa môn, bồ tát Tỳ Bà Thi tự hỏi: "Khi Hiện Hữu thì Lão Tử có thể xẩy ra được không?" Và sau đó, các vị Sa môn, với tuệ giác phát sanh do sự quán chiếu thâm sâu, ngài nhận ra rằng: "Khi có Sanh thì có Lão Tử, Sanh duyên cho Lão Tử"
'Và ngài lại tự hỏi: "Cái gì duyên cho Sanh?" Và sự giác ngộ đến với ngài: "Hữu duyên cho Sanh" ... "Cái gì duyên cho Hữu?" ... "Thủ duyên cho Hữu" ... "Ai duyên cho Thủ" ... "Thọ duyên cho Ai" ... "Xúc duyên cho Thọ" ... "Lục Nhập duyên cho Xúc" ... "Danh Sắc duyên cho Lục Nhập" ... "Thức duyên cho Danh Sắc." ...
'Và bồ tát Tỳ Bà Thi tiếp tục quán chiếu và ngài tự hỏi: "Có cái gì không hiện khởi làm cho Lão Tử không xẩy đến không? Cái gì chấm dứt làm cho Lão Tử chấm dứt?" Và do tuệ giác phát sanh bởi sự quán chiếu thâm sâu, ngài nhận ra rằng: "Sanh mà không có thì Lão Tử không xẩy ra. Với sự chấm dứt của Sanh thì dẫn đến sự chấm dứt của Lão Tử." ... "Cái gì chấm dứt làm cho Sanh chấm dứt?" ... "Với sự chấm dứt của Hữu thì dẫn đến sự chấm dứt của Sanh." ... Và cứ tiếp tục quán chiếu ngược lại, do tuệ giác phát sanh, ngài nhận ra: "Với sự chấm dứt của Thức dẫn đến sự chấm dứt của Danh Sắc." ... Rồi ngài cứ không ngớt quán chiếu tới lui như vậy và bồ tát Tỳ Bà Thi thấu suốt được điều ngài chưa từng thấu suốt...
'Và rồi, các vị Sa môn, một lần khác bồ tát Tỳ Bà Thi quán chiếu sự thành hoại của ngũ uẩn: "Nào là sắc thân, sự sanh thành của nó, sự hoại diệt của nó; nào là thọ ... ; nào là tưởng ... ; nào là hành... ; nào là thức, sự hiện khởi của nó, sự hoại diệt của nó."
Cứ tiếp tục quán chiếu và sau cùng bồ tát Tỳ Bà Thi đã xả bỏ được tất cả nguồn cội của cấu nhiễm, lậu hoặc vi tế nhất, đắc lậu tận thông, đạt quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngay khi đó đức Phật Tỳ Bà Thi thốt lên lời kệ chưa từng có:
"Những gì ta đã đạt được, làm sao tuyên thuyết?
Kẻ đầy tham ái và sân hận không thể nắm bắt
Ngược dòng, Pháp này thật vi diệu và khó thấy
Không một kẻ mê muội nào có thể thấy được."'
Câu chuyện thành đạo của đức Phật Tỳ Bà Thi không khác gì sự thành đạo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Chính vì thế khi nào còn kinh điển của Phật trên thế gian thì mọi sự tuyên bố chứng đắc Đạo Quả Vô Thượng đều là lời giả dối vì không thể có lời chỉ dạy nào khác hơn những lời kinh Phật để có thể nói đó là Chân Lý Giải Thoát.
Chỉ khi nào kinh Phật không còn xuất hiện trên thế gian thì bồ tát Di Lặc (Maitreya Bodhisattva) mới thị hiện từ cung trời Đâu Xuất (Tushita Heaven) đản sanh nơi thế gian, xuất gia tu hành đắc đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội Long Hoa để Phật Pháp được tiếp tục hoằng truyền.
Thích Trí Châu
Santa Ana, California, Hoa Kỳ
-ooOoo-
Nguồn: http://www.vietbao.com
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 31-07-2006