Phật giáo và dân chủ: Cách tiếp cận của Phật giáo Nguyên thủy
Tỳ khưu Mettanando
Bangkok,Thái Lan
(Thích Minh Thành dịch)
Dẫn nhập
Trên 2500 năm nay tôn giáo của Sĩ-đạt-ta Gotama, một vị thánh xuất thân từ giai cấp chiến sĩ thuộc dòng họ Thích-ca ở Bắc Ấn mà thế giới đã biết đến; tôn giáo này một cách hòa bình đã lan tỏa vào nhiều vùng đất xa xôi của châu Á. Từ trước thế kỷ thứ 12, Phật giáo đã hòa nhập vào nền văn minh Á châu, đến ngày nay đã có hàng trăm triệu người trên thế giới theo Phật giáo, từ những hải đảo xa xôi của Nhật Bản, Bắc Hàn và Nam Hàn, Trung Quốc, Mông Cổ đến những quốc gia Nam Á và Tích Lan. Số lượng Phật tử ở những quốc gia phương Tây như Hoa Kỳ, Canada, những quốc gia Âu Châu càng lúc càng tăng theo thống kê hàng năm.
Một điểm độc đáo của Phật giáo là không có vị trí dành cho Thượng đế, đấng Sáng tạo tối thượng. Hệ thống giáo lý của đạo Phật dựa trên quan niệm về một nền đạo đức vũ trụ trong đó mỗi cá nhân đều tiềm tàng năng lực phát huy đạo đức và trí tuệ đến chỗ hoàn thiện bằng chính nổ lực của mình.
Tuy nhiên Phật giáo không phải là một tôn giáo nhất thể, ngược lại Phật giáo rất đa dạng và ngay cả trong một dòng truyền thừa đã có thể có những cách lý giải và hành trì khác nhau của các chi phái. Để tu tập sự bình an cho bản thân và xã hội điều cần thiết là hành giả phải nhận thức được thế giới quan độc đáo của Phật giáo.
Thế giới quan Phật giáo
Đức Phật miêu tả vũ trụ là một không gian lớn, xung động nhưng không do ai sáng tạo gồm hàng ngàn thái dương hệ, mỗi thái dương hệ có mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao, và cảnh giới của chư thiên, ma quỷ thuộc nhiều chủng loại khác nhau. Như vậy thì quả địa cầu không phải là hành tinh duy nhất có loài người, thú vật và cây cỏ. Nhiều lần và nhiều lần mỗi sinh thể được sinh ra và chết đi trong vòng chuyển kiếp bất tuyệt gọi là samsara. Cách nhìn không lấy địa cầu làm trung tâm là cách nhìn phổ biến, thể hiện trong nhiều tông phái Phật giáo. Theo mỗi thời kỳ lớn đều có một sinh linh khi tích tập đầy đủ đức hạnh và trí tuệ mà trở thành bậc giác ngộ, một vị Phật. Vị Phật này sẽ tuyên bố giáo pháp và thành lập hội chúng tu học như Đức Phật lịch sử Thích-ca Gotama đã làm. Bất cứ thời kỳ nào nào cũng có nhiều vị Phật hóa độ ở nhiều quốc độ khác nhau trong vũ trụ mênh mông này. Một số bộ phái Phật giáo không tín ngưỡng Đức Phật Thích-ca của lịch sử bằng những vị Phật trong vũ trụ, đặc biệt là Tông Tịnh độ, tông phái tín ngưỡng Đức Phật Vô lượng thọ (hay Vô lượng quang). Vị Phật này đã tạo lập quốc độ riêng ở phía Tây của địa cầu làm trung tâm của niềm tin Phật giáo.
Cùng với Đức Phật Thích-ca của lịch sử, tất cả những tông phái Phật giáo đều hoàn toàn đồng ý rằng một cá nhân cuối cùng có thể sáng suốt như một vị Phật. Một chúng sinh quyết định thành tựu trạng thái sáng suốt cao nhất trong kiếp sống sau cùng của mình được gọi là bồ-tát. Đặc biệt truyền thống Bắc truyền hầu như xác lập rằng tất cả mọi người đều phải dũng mãnh phát nguyện to lớn như vậy trong khi truyền thống Nam truyền gìn giữ quan điểm cho rằng người ta có thể khác biệt nhau và vì vậy có quyền quyết định sự giải thoát tối hậu theo ý của mình.
Theo Đức Phật thì không có sự trừng phạt vĩnh viễn dù tội nhân phạm phải tội lỗi nghiêm trọng như thế nào đi nữa. Tuy nhiên một người có thể phải chịu quả báo đau khổ và rất là lâu dài trong những cảnh giới giải nghiệp để đền trả những tội ác mà mình đã gieo tạo, có thể rơi vào những cảnh giới bất hạnh trong kiếp sống sau này. Tuy nhiên sau khi đền trả tất cả những tội lỗi do mình gây ra người ấy được sinh trở lại vào cảnh giới loài người. Niết bàn chỉ là một trạng thái tịch tĩnh vĩnh hằng, là một thực tại khi tất cả những nghiệp quả của một người được đền trả hoàn mãn.
Đức Phật từ chối thảo luận vấn đề nguyên nhân đầu tiên, ngày tận thế, và sự hiện hữu của một cái ngã sau trạng thái niết bàn chỉ vì lý do là những vấn đề này vượt ngoài tầm nhận thức của con người và vì vậy không thể chứng minh. Tuy nhiên Phật xác nhận rằng pháp mà Đức Phật tìm ra là khả chứng và dành cho tất cả mọi người tự chứng nghiệm. Một khi đã giải thoát rồi thì tâm thức con người sẽ được tự do để mặc sức tìm tòi những bí ẩn của vũ trụ. Sự sáng suốt của Phật về phương thức chứng đạt thì một người có thể truyền dạy và người khác có thể học tập. Vì vậy theo Đức Phật tôn giáo không phải là để tin mà là để thể nghiệm và tự chứng nghiệm ngang qua những nổ lực của bản thân.
Những cách biện giải khác nhau trong Phật giáo Nam Truyền
Những vị chuyên tu và giảng sư thuộc Phật giáo Nam truyền đã có những quan điểm khác nhau về thứ bậc quan trọng của giới luật và các pháp thực hành trong việc tu tập theo Phật giáo. Những người tin Phật đứng trên lập trường xem Phật giáo là giáo thuyết của giải thoát tâm linh thì sẽ đặt nặng việc chứng đạt giải thoát niết bàn vì vậy mà xuất hiện danh xưng ‘Phật giáo của Niết-bàn’. Phật giáo của Niết bàn có mục tiêu duy nhất của kiếp sống là giải thoát tâm linh mà thôi; giải thoát tâm linh được thực hiện ngang qua con đường Thánh đạo tám nghành, thành phần của Bốn thánh đế. Như vậy họ cho rằng cuộc sống đầy những đau khổ và con đường duy nhất để thực sự tiến hóa trong cuộc sống là không chấp thủ bất cứ điều gì, kể cả phước và không phải phước, vì mục tiêu của những vị này là không còn phải tái sinh dù là sinh vào cảnh giới nào đi nữa.
Tuy nhiên một nhóm Phật tử khác lại tranh luận rằng chí hướng như trên có thể là khiếm khuyết và cho rằng năng lực của nghiệp chi phối tất cả. Theo đó, mục tiêu cuộc sống của những vị này là tích tạo tối đa phước nghiệp để đạt được thành tựu lớn cho kiếp này và những kiếp sau. Phước và tội chính là tài sản tâm linh mà thật sự người ta có thể mang qua kiếp sau và vì vậy ý nghĩa cuộc sống là tích tạo phước đức cho mình. Hầu hết những Phật tử thuộc hệ thống tư tưởng này thích giới hạn ruộng phước trong phạm vi Tăng bảo chớ không phải là người nghèo khổ hay người thiếu thốn; người nghèo thiếu không phải là ruộng phước tốt nhất.
Một nhóm Phật tử khác nữa lại có niềm tin căn bản đối với vị Phật thứ năm sẽ giáng trần trong tương lai, đức Phật Di lặc. Trong Trường Bộ kinh Phật Thích ca đã thọ ký rằng đức Di lặc sẽ chứng đạt giác ngộ khi thế giới này trải qua một thời kỳ tai kiếp toàn cầu. Theo bản kinh này Di lặc là danh hiệu Đức Phật thứ năm và cũng là Đức Phật cuối cùng của thế giới này. Ngài sẽ giảng thuyết một giáo pháp giống y như Đức Phật Gotama và sẽ làm cho thế giới thật sự bình an khi thọ mạng của con người đạt đến 80 ngàn tuổi.
Những người Phật tử này tin rằng tiến trình vận hành của thế giới đã được định trước rồi và không có thay đổi. Tuy nhiên mỗi cá nhân có thể ra công tìm kiếm một phương dược ngỏ hầu giữ gìn sức sống để gặp Phật Di-lặc.
Cả ba cách nhận thức đạo Phật trên đây đều có cơ sở từ thánh điển Phật giáo Nam truyền. Cả ba cùng xem tam tạng là nguồn tư liệu khả tín, cùng quy y một Đức Phật. Sự khác biệt ở đây là do mỗi nhóm Phật tử chọn lựa, xem trọng một bộ phận nào đó trong thánh điển để làm nền tảng cho cách nhận thức của mình. Nhưng tất cả đều đồng tình về tướng trạng của thực tại và những phẩm tính của Đức Phật.
Theo cách nhìn của Đức Phật: Căn bản thì mọi người đều bình đẳng
Kinh Aggannasutta, một trong những bài kinh chủ yếu và rất hàm súc của Trường Bộ Kinh, là mảng tư liệu rất tốt khi nói về nguồn gốc siêu nhiên của loài người. Từ cội nguồn này loài người phát triển thành xã hội và hệ thống giai cấp của nước Ấn Độ cổ đại. Nội dung ý nghĩa được lồng vào mẫu đối thoại biểu trưng giữa Đức Phật và hai vị Bà-la-môn đang có ý nguyện gia nhập vào giáo hội tăng-già.
Theo Đức Phật thì loài người là hậu duệ của một dạng thiên thần phi giới tính và tự thân tỏa ra ánh sáng. Vì bị cám dỗ mà những vị thiên thần mắc kẹt lại trần gian. Khi đã đánh mất năng lực siêu nhiên, những thiên thần phải chịu đựng hàng loạt những suy thoái của môi trường do chính sự bất công đối với đồng loại mà tạo nên. Để phòng ngừa những sa sút nặng hơn nữa họ bầu chọn ra vị vua đầu tiên gọi là Mahasammata hay Người-được-dân-tuyển-chọn để làm nhà cai trị cầm quyền bảo vệ công lý và trừng phạt những người đáng trừng phạt. Người ta thấy rằng bài kinh này tác động vào nền văn hóa Phật giáo qua chữ sammata hình thức viết tắt của từ Người-được-dân-tuyển-chọn. Ngày nay, trong ngôn ngữ Miến-điện từ sammata vẫn còn được sử dụng để chỉ cho chức vụ tổng thống dân cử của quốc gia.
Dựa trên câu chuyện này thì tất cả những thành viên của nhân loại đều bình đẳng và không có một độc quyền nào dành cho nam giới đối với nữ giới hay ngược lại. Hơn nữa, quyền lực của nhà vua hay của chính quyền đều do người dân trực tiếp tạo dựng. Bất công dựa trên màu da thì không thể chấp nhận vì bất công chính là nguyên nhân đã gây nên nạn suy thoái môi trường và được xem là một trong những tội lỗi đầu tiên mà tổ tiên của loài người đã phạm phải.
Những học giả về Phật giáo đã lý giải và xem câu chuyện trên là một dị bản của bài tụng ca sáng thế ký nổi tiếng trong RgVeda. Trong bài tụng ca này sáng tạo ra giai cấp được xem là việc cơ bản trong công trình sáng tạo ra vũ trụ. Cơ chế bầu chọn được ghi lại trong câu chuyện Sammata đã được những thành viên của giáo hội tăng già vận dụng và vì vậy mà ý kiến của mỗi thành viên đều được tôn trọng ngang nhau. Nói chung toàn bộ câu chuyện Sammata đã được biện soạn dựa trên nếp văn hóa tự viện Phật giáo và giới luật của tăng sĩ. Về mặt lịch sử thì bài kinh Aggannasutta cho chúng ta thấy phương thức mà những cộng đồng Phật giáo xa xưa vận dụng để hóa giải những vấn đề mà họ gặp phải, tức là, hóa giải thông qua những buổi họp mà mỗi vị Tỷ-kheo đều có quyền như nhau trong việc trình bày những ý tưởng của mình.
Tuy nhiên, trong nền văn hóa Phật giáo thì lòng tín nhiệm đối với kinh điển là rất lớn như trường hợp Miến Điện nơi mà kinh điển là nguồn tư liệu được trích dẫn thường xuyên nhất để nêu lên những nguyên lý dân chủ trong nền văn hóa Phật giáo Nam truyền. Những nguyên lý trong kinh điển cho chúng ta thấy do đâu mà người dân được bình đẳng và do đâu mà chính quyền có quyền lực. Mặc dầu Đức Phật không hề miêu tả mô hình của một xã hội lý tưởng của những người tin Phật nhưng bài kinh vẫn ủng hộ cho quyền bình đẳng của mỗi cá nhân đồng thời chống lại chủ trương phân chia con người thành những giai cấp, hay thành những tộc người. Thông điệp của Đức Phật nêu lên một cách rõ ràng rằng thuở đầu chúng ta đều là thành viên của cùng một chủng loại người và tất cả chúng ta đều xứng đáng được tôn trọng và đương nhiên có những quyền lợi như là một thành phần của thiên nhiên.
Hướng đến một xã hội hòa bình: Xây dựng một xã hội của mọi người
Mặc dầu Phật giáo có phong phú những lời dạy về một nền văn hóa hòa bình từ nội tâm và tự lực thăng hoa nhưng trong tam tạng thánh điển Đức Phật chưa bao giờ đề cập đến một cơ chế điều hành lý tưởng hay một mô hình xã hội lý tưởng; chưa có những lý giải truyền thống dù theo dạng Phật giáo niết bàn hay dạng Phật giáo phước nghiệp hay dạng Phật giáo của thiên niên kỷ mới chú ý nhiều đến những vấn đề xã hội và toàn cầu. Những người Phật tử tu tập theo Phật giáo Nam truyền có chiều hướng lơ là đối với những vấn đề xã hội và những xung đột phi tôn giáo.
Vì vậy tôi sẽ chuyển sang bàn thảo về một trong những bài kinh cổ xưa tên là Mangalasutta hay bài cách ngôn về những điềm lành. Tôi tin rằng bài kinh này nói chung có thể sử dụng như một phương pháp khác để giảng thuyết về Phật giáo và liên quan trực tiếp đến vấn đề xây dựng một xã hội hòa bình. Theo truyền thống đây là bài kinh rất phổ biến trong giới Phật giáo, là thành phần của bài kinh Paritta mà các vị tăng ni thường đọc tụng trong những dịp cúng kính, lễ hội cầu phúc trọng đại nhất.
Trong bài kinh, Đức Phật đối thoại với một vị thiên. Vị thiên đặt câu hỏi về bản chất của điềm lành, một vấn đề gây tranh luận nhiều năm tại thế gian và trên thiên giới. Nhân đó, Đức Phật giảng giải về 38 điềm lành; một cách nhìn bao biện giúp cho chúng ta nhận thức được đạo đức xã hội Phật giáo, nền tảng xã hội của mọi người.
Bài kinh Mangalasutta
Từ "Mangala" vừa là từ Sanskrit vừa là từ Pali. Bài kinh này trực tiếp nói đến một niềm tin từ lâu đã được lưu truyền trong xã hội cho rằng những biến cố lớn trước khi xảy ra thì phải có những điềm báo. Ngay cả trong đời sống hiện đại, niềm tin này cũng rất phổ biến, tuy nhiên mỗi hệ tín ngưỡng có mỗi cách giảng giải khác nhau về ‘điềm lành’. Cụ thể một số cộng đồng người rất tin tưởng vào màu sắc của y phục đang mặc, hay những đặc điểm nhân tướng, hay vị trí và hướng nhà sẽ làm thay đổi tương lai của chủ nhân.
Kinh Mangalasutta ghi lại cuộc đối thoại bằng 12 bài kệ. Trong bài kệ thứ nhất vị thiên nói lên mục đích của cuộc tham vấn. Mười một bài kệ còn lại là phần trả lời của Đức Phật, bắt đầu với việc không thân cận với người ngu (điềm lành thứ nhất); thân cận với người trí (điềm lành thứ hai); kính lễ bậc đáng kính (điềm lành thứ ba). Mỗi câu kệ trừ bài kệ chót đều kết thúc bằng điệp ngữ: “Đây chính là điềm lành tối thượng"
Tóm tắt bài kinh Mangalasutta theo những câu kệ:
Kệ 1:
Câu chuyện ngắn
Vị thiên thưa hỏi PhậtKệ 2:
Chớ thân cận người ngu
Hãy thân cận người trí
Kính lễ người đáng kínhKệ 3:
Sống trong môi trường tốt
Đã làm những việc phước
Có định hướng đúng cho kiếp sốngKệ 4:
Học nhiều hiểu rộng
Biết nghệ thuật, có tay nghề
Biết tự chủ
Nói lời đẹpKệ 5:
Phụng dưỡng cha mẹ
Săn sóc con cháu
Quan tâm vợ/chồng
Vững vàng nghề nghiệpKệ 6:
Biết bố thí
Có đức hạnh
Giúp cho thân quyến
Hành xử chu toànKệ 7:
Tránh xa điều ác
Tránh xa tập nhiễm
Hoàn thành nhiệm vụKệ 8:
Biết kính cẩn
Biết khiêm cung
Biết tự tại
Biết ơn
Biết nghe phápKệ 9:
Biết tự chế
Có nhạy bén
Viếng thăm người có tu tập
Đúng thời bàn luận chuyện tu tậpKệ 10:
Biết sống đơn giản
Biết sống cao thượng
Nhận thức Bốn sự thật cao thượng
Chứng đạt Niết-bànKệ 11:
Không giao động giữa thăng trầm
Không bị sầu lo
Không bị uế nhiễm
Tâm hồn thanh thảnKệ 12:
Người đã thực hiện tất cả những điều trên sẽ vượt qua tất cả, thành công trong mỗi lúc; đây là điềm lành tối thượng.
Triết học của bài kinh Mangala sutta: Một mô hình phát triển tổng thể
Kinh Mangalasutta có lẽ là một bài giảng giải về Phật giáo có hệ thống duy nhất. Bài kinh cho thấy mối liên hệ chặt chẻ giữa những khái niệm và pháp tu tập trong Phật giáo để đạt được sự thăng tiến tâm linh, đồng thời cũng cho chúng ta thấy rằng Đức Phật đã sống một cuộc đời như bài kinh và thực hành những điều mà Ngài giảng thuyết.
Mười hai bài kệ trong kinh Mangalasutta chuyển tải một hình ảnh tròn trịa của Phật giáo. Những điềm lành trong kinh không phải bị sắp xếp một cách tùy tiện mà liên quan hệ thống với nhau bắt đầu với những việc có tính vật chất và ngoại vi nhất. Rồi dần dần bài kinh giới thiệu cho chúng ta những nguyên lý đạo đức và những lời chỉ dạy về nếp sống của một người tốt sau cùng là những phẩm chất thanh cao nhất của tâm thức (một tâm thức không còn lo âu, không còn uế nhiễm và an tĩnh).
Khái niệm điềm lành có mối liên hệ trực tiếp với sự thịnh vượng trong tương lai. Có một lý giải cho rằng bài kinh có tính chất cách ngôn này là một dị bản đậm đà tính đạo đức của một chuyện mê tín của người Ấn Độ; bài kinh này từng bước phát triển khi những giáo đoàn tăng ni đầu tiên dấn thân hòa nhập một cách tích cực vào nền văn hóa địa phương.
Bài kinh cũng cho chúng ta thấy mối liên hệ thực tế giữa một nguyên lý này với một nguyên lý khác trong Phật giáo, cho phép chúng ta thấy được toàn bộ tiến trình phát triển tâm thức. Đồng thời mỗi một điềm lành khi chúng ta tu tập được thì có thể dẫn dắt cho chúng ta đến việc tu tập những điềm lành cao hơn. Có điềm lành có liên quan đến đạo đức xã hội, cụ thể như trách nhiệm đối với cha mẹ, con cháu, người hôn phối, bạn hữu và quyến thuộc giúp chúng ta nhận thức được mối liên quan giữa mỗi thành viên trong xã hội.
Vì điềm lành có tác dụng nối kết giữa cuộc sống hiện tại với cuộc sống tương lai ngay sau đó nên chúng ta có thể thấy đạo đức cá nhân và đạo đức quan hệ có mối liên quan với sự khang lạc chung của xã hội. Nói cách khác, những cá nhân trong kinh Mangalasutta không hề tách biệt mà gắn bó với nhau bằng chuẩn mực đạo đức; một chuẩn mực khi được tu tập sẽ mang lại an vui chung cho tất cả mọi người. Ngang qua lăng kính của kinh Mangalasutta thì sự tà ác trong xã hội là một điềm không lành; nó sẽ làm suy thoái xã hội và gây ra những vòng xoáy đổ vỡ. Trách nhiệm của mọi thành viên trong xã hội là hành động và chuyển hóa điềm không lành xấu thành điềm lành.
Cách giảng giải này dựa theo mô thức duyên sinh. Cuộc sống của chúng ta có tiền đề là những người khác, những thành công và những thất bại của chúng ta có tiền đề là đạo đức hành xử của chúng ta. Khi mà một điềm lành được thực hiện thì điềm lành đó cũng sẽ tạo điều kiện cho một điềm lành khác xuất hiện. Và khi mà tất cả điềm lành đều được tu tập thì hạnh phúc và thành công trong cuộc sống là điều chắc chắn. Vì vậy mà bài kinh có tính chất cách ngôn này là hệ thống những lời dạy về đạo đức xã hội của Phật giáo, mở ra cho chúng ta một chiều kích khác trong không gian tương quan xã hội: hạnh phúc và thành công trong cuộc sống dựa vào chuẩn mực đạo đức của một cá nhân. Có đạo đức chung của những thành viên xã hội rồi thì chắc chắn mỗi người trong xã hội đó đều có hạnh phúc và thành công.
Hình ảnh đức Phật ngang qua lăng kính của bài kinh Mangalasutta: tác nhân cho sự chuyển hóa của thế giới
Ngang qua lăng kính của kinh Mangalasutta, Đức Phật có thể được xem là mẩu mực lý tưởng, Ngài đã hoàn thiện tất cả những điềm lành trong cuộc sống và thật sự là ân phước đầu tiên của thế giới. Chuyện cổ Phật giáo kể lại rằng Đức Phật trước kia là một vị Bồ-tát đã tích tập vô lượng phước đức trong những kiếp quá khứ, đủ để Ngài chứng đạt quả vị vô thượng trong điềm lành thứ năm [đã làm những việc phước] của bài kinh có tính chất cách ngôn Mangala.
Về phương diện đạo đức, Ngài quyết định từ bỏ đời sống của một thái tử chính là một phước lành giúp cho Ngài hoàn thành chí nguyện tâm linh của mình. Đời sống của Đức Phật cho chúng ta thấy tất cả 38 điềm lành mà Ngài đã thực hiện trong những trường hợp khác nhau. Nơi Ngài, mỗi một quyết định phước lành nào đều cũng góp phần xây dựng cho những điềm lành khác. Tổng thể những điềm lành khiến cho xã hội được chuyển hoá.
Giáo đoàn Phật giáo đã được thành lập trong nổ lực hoằng truyền những lời Đức Phật dạy nhằm thúc đẩy nền văn minh tâm linh của nhân loại. Sự kiện Thái tử Sĩ-đạt-ta ra đi tìm cầu giác ngộ cũng được xem là một điềm lành, mặc dầu một số người có thể chỉ trích rằng Ngài không phải là một người chồng tốt hay một người cha tốt. Thật ra Đức Phật không hề hoàn toàn chối bỏ trách nhiệm người chồng, người cha. Ngài đã trở về gia đình sau khi thành tựu được mục đích của mình. Trong ý nghĩa này, Đức Phật đã hoàn thành tất cả những điều lành mà Ngài đã giảng giải trong bài kinh có tính chất cách ngôn Mangalasutta và những nơi khác trong thánh điển Pali. Dựa trên nội dung của bài kinh chúng ta khẳng quyết rằng Đức Phật thực hiện những gì Ngài giảng thuyết và không hề hành động theo hướng khác. Vì vậy Ngài là vị đạo sư tâm linh chân chánh, cuộc đời của Ngài là biểu hiện cụ thể của những lời Ngài giảng dạy.
Bài kinh Mangalasutta và nền dân chủ
Mặc dầu trong thánh điển Đức Phật chưa bao giờ nêu lên một định nghĩa cho xã hội hay phác họa ra hình dáng của một xã hội lý tưởng nhưng rõ ràng rằng khi mà những thành viên trong xã hội thực hành những điềm lành thì họ đã tích cực làm cho xã hội thăng tiến. Những lời Đức Phật dạy không chỉ hướng đến niết bàn mà thôi mà còn đem đến phước lạc chung cho mọi người trên đời vì xã hội được cải thiện khi những thành viên trong đó dấn thân vào việc làm giảm đi nỗi khổ đau hiện hữu.
Vì những điềm lành là dấu hiệu báo trước tương lai, điềm lành gợi lên trong chúng ta ý thức về tính chuyển biến và tính năng động của xã hội. Xã hội thăng tiến hay suy thoái tùy thuộc vào sự khang lạc chung của mọi thành viên trong đó. Nói cách khác, xã hội chính là khối thịnh vượng chung về đạo đức của những cá nhân. Phẩm chất đạo đức mà một người đã thành tựu có tác dụng duy trì và thúc đẩy xã hội theo chiều hướng tốt đẹp.
Hơn nữa, ba mươi tám điềm lành trong bài kinh không đề cập riêng một giới tính nào hay giới hạn trong một vị thế xã hội nào. Ba mươi tám điềm lành có thể áp dụng chung cho mọi thành phần xã hội. Những điềm lành dành cho người tại gia cũng vẫn tốt khi áp dụng cho người xuất gia, những điềm lành cho người nam cũng vẫn tốt khi áp dụng cho người nữ và ngược lại.
Ngang qua lăng kính của bài kinh Mangalasutta, xã hội không phải là một tập hợp gồm những cá nhân biệt lập và riêng lẽ; mọi người đều tương quan với nhau và với môi trường thiên nhiên. Một xã hội thường dân là một xã hội biết tôn trọng luật pháp và trật tự, trong đó tất cả thành viên là bạn tốt của nhau, tích cực dấn thân vào nhiều nghành hoạt động, học đường, nghệ thuật và khoa học, văn chương, triết học, tôn giáo... Mỗi người đều chịu trách nhiệm với nhau, với môi trường sinh thái và sự khang lạc chung của toàn xã hội.
Kết luận
Tâm của những cá nhân chưa giác ngộ thì có ‘dukkha’, có xung đột và bất thỏa ý nội tại; nguyên nhân chính là ba loại khao khát. Theo Đức Phật thì hòa bình nội tâm không phải là do ân điển hoặc do tình cờ. Không ai có thể một mình tiến bước trên con đường tịnh hóa nội tâm; chúng ta phải dựa vào những người khác và môi trường chung quanh. Con đường này yêu cầu chúng ta phải có ý muốn cống hiến và có nguồn cảm hứng hoạt động với niềm tin rằng đời sống có nhiều chiều kích khác nhau; những chiều kích này có thể được cải thiện và thăng tiến dần dần và đồng bộ thông qua việc xây dựng một hệ thống khái niệm cốt lõi để bản thân và xã hội cùng phát triển.
Phật giáo đã đề cập đến bản chất siêu thoát và bản chất bình đẳng trong từng thành viên loài người, đồng thời đề cập đến việc bầu chọn ra nhà cầm quyền đầu tiên của thế giới với chức danh là Người-được-dân-chọn-lựa. Đây chính là nền tảng vững mạnh để xây dựng nền dân chủ ở những nước Phật giáo.
Theo bài kinh Mangalasutta, một cá nhân không hề độc lập đối với xã hội mà phải tiến triển trong vị trí là một phần tử của xã hội. Ngang qua tình thân hữu và những lời khuyên hữu ích mà một người có thể có được những hiểu biết tốt hơn về thế giới và tiếp nhận được trí tuệ cao hơn ngang qua những cuộc đối thoại một cách nghiêm túc với môi trường, với gia đình và thân hữu, với nền giáo dục, nghệ thuật, văn hóa, pháp luật và kỷ cương, với những người có tu tập cho đến khi tâm thức trở nên an tĩnh và thanh lọc được tất cả những cấu uế.
Trong kinh Mangalasutta, cũng như trong tất cả những dòng truyền thừa Phật giáo, sự chuyển hóa luôn luôn khởi động từ ý thức của con người, ý thức đầy đủ rằng mình cần phải tiến hóa, cần phải liên tục tự cải thiện ngang qua tình thân hữu và những mối quan hệ sáng tạo đối với môi trường và con người. Khi một người sống theo điềm lành thì cuộc sống của người ấy chính là hiện thân của điềm lành. Sự tiến hóa mang tính song phương và toàn phương. Xã hội tiến bộ ngang qua sự tiến bộ của những con người. Phúc lợi của xã hội gia tăng với sự gia tăng lợi lạc nơi những con người. Những điềm lành có tác dụng đối với cả hai: cá nhân và xã hội.
Thích Minh Thành dịch
-ooOoo-
Nguồn: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, http://www.vinabri.org
[Trở
về trang Thư Mục]
last updated: 31-07-2006