Từ đọc kinh tới nhìn tâm

Cư sĩ Nguyên Giác


Bắt đầu một năm mới, khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh trẻ em mặc áo mới rủ nhau đi mừng tuổi người lớn, cũng là lúc chúng ta nhìn thấy trận gió vô thường cụ thể hơn, thấy trứơc mắt những chùm tóc trắng hiện lên không gì ngăn cản nổi, thấy những tháng ngày trôi qua lạnh lùng không gì chụp bắt được. Vô thường biến hiện, cuộc sống lưu chảy không ngừng, hết đông rồi xuân. Và chúng ta đang đứng trong dòng chảy thời gian bất tuyệt này, cảm nhận ngọn gió lạnh buốt trong xương thịt từng giây phút, từng khỏanh khắc không ngừng. Hãy tự nhắc nhở rằng đừng để trôi qua một ngày vô ích, hãy làm những gì tốt đẹp nhất trong đời này, và lợi ích nhất cho mọi người – trong đó, tu sửa tâm mình vẫn là pháp tối thắng nhất để biến cõi đầy kham nhẫn này trở thành tịnh độ an lành.

Năm Bính Tuất đã tới. Hình ảnh con chó đã từng được xuất hiện qua những chuyện nào trong kinh luận nhà Phật? Xin mời, hãy mở ra từng trang Kinh luận, đọc lại trong những ngày xuân.

*

Trong Tạng Pali, Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikàya), Tập V, bản Việt dịch thực hiện bởi Hòa thượng Thích Minh Châu và Giáo sư Trần Phương Lan, truyện thứ 142 nhan đề “Chuyện Con Chó Rừng (Tiền thân Sigàla)" được kể như sau.

"Câu chuyện này, khi trú ở Trúc lâm, bậc Đạo Sư kể về Đề-bà-đạt-đa âm mưu sát hại Phật. Khi nghe câu chuyện các Tỷ-kheo họp ở Chánh pháp đường bàn luận, bậc Đạo Sư nói:

- Này các Tỷ-kheo, không phải chỉ nay Đề-bà-đạt-đa mới âm mưu sát hại Ta. Trong quá khứ kẻ ấy cũng đã âm mưu như vậy rồi. Nhưng nó không thể giết Ta được, nó chỉ tự làm cực nhọc mình thôi.

Nói vậy xong, bậc Đạo Sư kể câu chuyện quá khứ.

Trong thời quá khứ, khi vua Brahmadatta trị vì nước Ba-la-nại, Bồ-tát sinh ra làm con chó rừng rồi trở thành chó rừng chúa, với đàn chó rừng vây quanh, sống tại một ngôi rừng dùng làm bãi tha ma. Lúc bấy giờ, ở Vương Xá có ngày hội lớn. Phần đông người ta đều uống rượu. Tại đây, một số người ăn chơi, cho đem nhiều rượu và thịt, mặc áo quần đẹp, uống rượu ăn thịt. Vào canh một, họ ăn hết thịt và còn lại nhiều rượu. Một người trong đám ấy nói:

- Hãy cho tôi thịt.

Khi nghe nói là thịt hết rồi, anh ta nói:

- Khi ta còn đứng ở đây thì thịt không thể hết được. Ta sẽ giết các con chó rừng đến ăn xác chết trong nghĩa địa này và đem thịt về.

Nói vậy, anh ta lấy một cái vồ, theo con đường ống cống, đi ra khỏi thành, đến bãi tha ma, cầm cái vồ và nằm xuống giả bộ chết. Lúc bấy giờ Bồ-tát với các con chó rừng đến vây quanh người ấy. Thấy người ấy, Bồ-tát nói:

- Người này không chết. Ta sẽ quan sát kỹ lưỡng hơn.

Bồ-tát đi đến phía dưới gió, ngửi mùi thân thể, biết đúng sự thật là người ấy chưa chết, liền suy nghĩ: "Ta sẽ làm cho nó xấu hổ", liền đi đến, cắn đầu cái vồ và kéo. Kẻ ăn chơi ấy không thấy Bồ-tát đến, cứ nắm chặt cái vồ lại! Bồ-tát liền đến gần anh ta và nói:

- Hỡi ông kia, nếu ông đã chết thì khi ta kéo cái vồ, ông sẽ không nắm chặt lấy. Chính vì vậy, ta biết ông chưa chết.

Rồi Bồ-tát đọc bài kệ:

Như vậy, khó biết ngươi,
Khi ngươi nằm giả chết,
Khi ta kéo gậy ngươi,
Ngươi không thả chiếc gậy,
Do vậy ta biết được,
Nhà ngươi chưa thật chết!

Nghe nói vậy, kẻ ăn chơi ấy đứng dậy, lấy gậy ném Bồ-tát và nói:

- Con vật này biết ta chưa chết.

Cây gậy ném không trúng. Người ăn chơi ấy nói:

- Hãy đi đi, lần này ngươi thoát khỏi tay ta.

Bồ-tát quay lại và nói:

- Này con người kia, phải, ta thoát tay ngươi. Nhưng ngươi không thể thoát được mười sáu địa ngục nhỏ trong đại địa ngục.

Nói vậy xong, Bồ-tát bỏ đi. Kẻ ăn chơi ấy không được một chút gì, đi ra khỏi bãi tha ma. Sau khi tắm trong một vũng nước, anh ta đi vào thành theo con đường đã đi tới trước.

Sau khi kể pháp thoại này, bậc Đạo Sư nhận diện Tiền thân:

- Lúc bấy giờ, kẻ ăn chơi là Đề-bà-đạt-đa, còn con chó rừng chúa là Ta vậy."

*

Đọc truyện trên, cũng như đọc các truyện khác trong Tiểu Bộ Kinh, chúng ta mới biết thâm cảm được ơn của Đức Phật, người tu hạnh Bồ Tát qua vô lượng kiếp để tìm độ chúng sinh. Và Ngài cũng giữ tâm bình đẳng, nhìn người oán kẻ thân với cùng một lòng đại bi, tìm cứu độ ngay cả những kẻ nghịch duyên. Chúng ta nhân truyện này cũng thấy một phần của hiện tượng nhân quả trùng trùng, dù là người thân hay kẻ thù thì nhiều kiếp sau rồi chúng ta cũng sẽ gặp lại họ vì các nhân duyên đã khởi dù có cố ý xô ra hay đẩy vào thì cũng là buộc vào nhau. Nhưng cái vừa được gọi là "chúng ta" và cái vừa được gọi là "họ" thì cũng đã biến hiện thành các tập hợp chúng sinh khác rồi – trong khi các mối phiền não ân óan vẫn trùng trùng buộc vào nhau. Trong cõi kham nhẫn này.

Chỉ Là Một Cội Cây Thôi

Ngày xưa, Đức Phật và các đệ tử thường sống ở ven rừng. Và sau đây là một câu truyện về một con chó rừng, nhân đó Phật mới dạy cho các đệ tử về pháp an tâm, để đừng lăng xăng khổ đau nữa.

Trong cuốn sách "Chỉ Là Một Cội Cây Thôi" của đại sư Ajahn Chah, bản Việt dịch của Tỳ khưu Khánh Hỷ, có truyện thứ 36 nhan đề “Con Chó Chóc” kể rằng.

"Một lần nọ Đức Phật và các học trò thấy một con chó chóc, đó là một loại chó sống trong rừng. Con chó chạy ra khỏi rừng, nơi cư ngụ của nó. Nó đứng một lát lại chạy vào bụi rậm. Sau đó lại chạy ra, rồi lại chạy vào một bộng cây. Sau đó lại chạy ra khỏi bộng cây, đứng một lát, chó lại chạy, rồi lại nằm, nằm một lát, nó lại nhảy đi. Thì ra con chó chóc này bị lác. Lác làm nó ngứa ngáy khó chịu, bởi thế nó chạy cho đỡ ngứa, nhưng rồi vẫn không hết ngứa nó bèn đứng lại. Vẫn cảm thấy khó chịu, nó bèn nằm xuống, rồi lại nhảy vào bụi rậm, vào bộng cây. Chẳng bao giờ nó chịu ngừng nghỉ. Đức Phật thấy thế dạy các đệ tử rằng: Này các thầy tỳ khưu, các thầy có thấy con chó chóc lúc chiều không? Lúc đứng, nó đau khổ; lúc chạy, nó đau khổ; lúc ngồi, nó đau khổ; lúc nằm, nó đau khổ. Nó than trách: đứng làm nó khổ, ngồi làm nó khổ... nó than trách chạy, nó than trách nằm, nó than trách bộng cây, nó than trách bụi rậm.

Thật ra không phải những điều trên làm nó bất an. Cái làm cho nó bất an chính là bệnh lác. Chúng ta chẳng khác nào một con chó chóc. Sự bất mãn, sự không hài lòng của chúng ta phát sinh từ tà kiến hay sự hiểu biết sai lầm của chúng ta. Bởi vì không thực hành pháp thu thúc lục căn nên ta than trách sự đau khổ bên ngoài. Dầu sống ở Thái Lan, ở Mỹ hay ở Anh quốc, chúng ta đều không hài lòng. Tại sao không hài lòng? Bởi vì chúng ta có sự hiểu biết sai lầm. Chỉ có vậy thôi. Thế nên, bất kỳ đi đến đâu ta cũng không hài lòng. Khi con chó chóc lành bệnh lác thì đi đâu nó cũng thoải mái, cũng hài lòng. Cũng vậy, khi không còn tà kiến, không còn hiểu biết sai lầm, thì đi bất kỳ nơi đâu, ta cũng cảm thấy thoải mái, cũng thấy hài lòng."

Truyện trên cho thấy, căn để vấn đề chính là bệnh bất an trong mỗi người, chứ không phải là bệnh ngòai tâm thân này. Vậy thì an tâm ra sao? Đại sư Ajahn Chah nói rằng chỉ cần thu thúc lục căn thì xong. Nói thì chỉ có vài chữ, nhưng diễn giải chi tiết thì thành ra cả ngàn trang kinh luận. Thế mới biết, đường tu đơn giản nhưng cực kỳ là khó.

Hư Hư Lục

Mượn tích truyện để giáo hóa cũng là một truyền thống của các tăng ni tại Việt Nam. Một trong những vị có tài kể truyện là Ni Sư Thích Nữ Như Thủy, và một cuốn truyện nổi tiếng của Ni Sư là Hư Hư Lục. Điều tình cờ là hai truyện liên hệ về con chó ghi sau đây cũng được Ni Sư sọan vào năm Nhâm Tuất.

Cần chú thích rằng chữ "Thầy" trong truyện là chỉ cho Thiền Sư Thanh Từ, và chữ "PC" là viết tắt chữ "Phụ Chú," ghi lời bình luận của Ni Sư.

Truyện đầu như sau.

HƯ HƯ LỤC - Thích Nữ Như Thủy; Thiền viện VIÊN CHIẾU; 6-8 Nhâm Tuất, 1982

Con Chó Vô Ơn

Thầy kể chuyện:

"Tu viện có nuôi một con chó tên là Tiểu Bạch, nó bị xà mâu ăn lỡ loét cùng mình. Sư khám bệnh thấy vậy động lòng trắc ẩn, chế thuốc bôi cho nó, thuốc thật công hiệu nên chỉ mới xức có một lần mà ghẻ đã khô mặt. Nhưng cũng từ dạo đó, mỗi lần thấy bóng “ân nhân” Tiểu Bạch bèn hậm hực bỏ đi nơi khác.”

Xong, thầy kết luận:

"Mấy đứa tụi con, khi có lỗi được huynh đệ nhắc nhở, đâm ra tức tối, tìm cách trả đũa lại... thì coi chừng giống con Tiểu Bạch."

PC: Chúng sanh trong cõi này dù là nhân đạo hay súc sanh đạo cũng giống nhau chỗ này. Nhớ ân và đáp ân là một điều thật khó, trong khi đem oán trả ân là một chuyện dễ ợt. Có lẽ vì thế mà chúng thường thắp hương đảnh lễ những kẻ biết ghi ân chăng? Và trong kinh, Đức Phật cũng thường tán thán tôn giả Xá Lợi Phất là người mà "một chút ân nhỏ xíu cũng không quên!"

Cũng trong sách Hư Hư Lục, một truyện khác như sau:

Dê Hóa Chó

Thuở xưa, có một tu sĩ Bà La Môn ra chợ mua dê về tế thần. Nhìn con dê béo tốt, một bọn lưu manh rắp tâm đánh cắp. Sau một hồi bàn tính, một tên bước ra, giả bộ ngạc nhiên hỏi ông Bà La Môn:

- Ủa, sao ngài cõng chó lên lưng mà đi như thế kia? Nó bị đau chân hả?

Tu sĩ nổi cáu quát:

- Mắt với mũi, dê mà mi dám bảo là chó à?

Tên lưu manh bỏ đi sau cái nhún vai bất cần. Chập sao, một tên khác lại chận đường hỏi tu sĩ:

- Thưa ông Bà La Môn, chó là một con vật khả ố, sao ông lại để nước miếng nó dây vào người thế kia?

Tu sĩ cãi:

- Này cậu, đây là dê chớ không phải là chó.

Gã lưu manh lắc đầu, mỉm cười bỏ đi. Ông Bà La Môn bắt đầu nao núng, đặt con dê xuống đất buộc vào cổ nó rồi kéo đi. Tên lưu manh thứ ba bước đến hỏi:

- Thưa ngài, chắc ngài chuẩn bị dắt chó đi săn?

Vị tu sĩ cãi:

- Đây là con dê mà!

Gã lưu manh bỏ đi sau một chuỗi cười dòn dã. Ông Bà La Môn ngơ ngẩn đứng dụi mắt hồi lâu vẫn nom thấy rõ ràng là mình đang dắt một con dê.

Tên lưu manh thứ tư lại đến, chào ông và hỏi:

- Ngài mua con chó này giá bao nhiêu thế?

Vị tu sĩ vô cùng hoang mang nghĩ bụng:

- Có lẽ đây là con chó thật. Tên lái buôn phù thủy đã làm mù mắt ta. Một vị Bà La Môn cao cả như ta mà dắt chó đi thì còn ra cái thể thống gì.

Ông bèn quăng dây, thả rong con dê và bương bả đi tìm gã lái buôn để ăn thua đủ. Gặp cơ hội bằng vàng, bọn lưu manh tóm lấy con dê và chuồn mất.

Em thân mến!

Sự giả dối được lập đi lập lại nhiều lần lại hóa thật. Ông Bà La Môn trên đây bị lừa mất con dê là tại vì "quý lỗ tai mà khinh con mắt." Mà nào có mỗi mình ông ta đâu! Tôi và em cùng tất cả những ai trên thế gian này đều bị lừa, tự lừa và lừa gạt lẫn nhau cả.

Từ cái "bản lai vô ngã," nghĩa là trong những lúc ở một mình, quán chiếu lại mình, ta thấy rõ ràng, thân và tâm ta đều là những tổ hợp nhân duyên tạm bợ, rất đỗi mong manh và vô thường. Không có cái gì là ta, thường tồn, bất biến… vậy mà, vừa gặp mặt nhau, chúng ta đã tay bắt mặt mừng:

- Ồ, sao lúc này bạn đẹp ra thế? Trẻ hơn lúc trước nhiều (trong khi sự thật thì càng ngày càng già càng xấu thì có!)

Có lẽ vì thế mà kinh điển thường ca tụng chữ TÍN: “Tín là cội nguồn và đạo, là cha mẹ chư Phật!" Tín đây là niềm tin vững chắc nơi mình, không bị những trò giả dối của trần cảnh lường gạt đến độ “thấy dê hóa chó" đó em ạ!

Nghiệp ác chưa thuần thục
Người ngu tưởng ngọt ngon
Nghiệp ác đã thuần thục
Người ngu chịu khổ sầu. -- (Pháp Cú 69 )

Những dòng Pháp Cú kết thúc truyện cho chúng ta thấy rằng nhân quả không hề sai chạy. Và muốn thóat khỏi nghiệp ác chỉ có cách duy nhất là đừng để cho các pháp hư vọng lừa gạt mình. Thấy dê mà nhìn ra chó là bình thường thôi, vì không dễ mà thấy được thực tứơng của các pháp trên trần gian này. Nhưng nên thấy, cả tướng dê và tứơng chó – dù gọi là có hay không, dù gọi là sắc hay không, dù gọi là hữu hay vô… -- cũng đều là y báo trong cõi này, theo nghiệp trùng trùng biến hiện, hiển lộ theo cái chánh báo thân tâm đầy nghiệp lực của chúng ta.

Hình ảnh con chó còn được dùng trong Thiền Tông để chỉ cho cái lanh lợi trật chìa.

Trong cuốn "Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền" của Thiền Sư Duy Lực, nơi tiểu mục "Phải Ngộ Tự Tánh," có hướng dẫn người tu Thiền như sau:

"Hàn lu trục khối, sư tử giảo nhân" (Chó Hàn đuổi cục xương, sư tử thì cắn người). Đây là hai câu thí dụ của Tổ Sư, nghĩa là: Một người quăng cục xương, con chó đuổi theo cục xương mà cắn, còn con sư tử thì không ngó tới cục xương cứ cắn ngay người đó. Người đó dụ cho tự tánh, cục xương dụ cho lời nói của Tổ, của Phật. Nếu hướng vào lời nói của Tổ, của Phật mà ngộ là con chó, hướng vào tự tánh mà ngộ là con sư tử.

Cổ Đức nói: "Tử ư cú hạ (chết trong ngữ cú), hướng cử khởi xứ thừa đương (hướng vào chỗ lời nói mà nhận lấy)", nghĩa là lời nói của Tổ vừa nói ra, vừa nghe hiểu liền cho đó là ngộ, nhưng sự hiểu ngộ đó còn nằm trong ý thức phân biệt, mặc dù đúng lý thế gian rất lô-gích, nhưng vì chẳng biết cần phải lìa ý thức mới chứng ngộ được. Cho nên bị Tổ chê là Hàn lu (loại chó mực rất thông minh ở nước Hàn).

Đọc lời dặn dò trên của Thiền Sư Duy Lực, chúng ta mới thấy rằng cái thông minh lanh lợi thế gian cũng làm cho nhiều người tu bị kẹt. Nhưng làm sao để làm sư tử, thì lại là cả một nan đề.

Hình ảnh con chó còn được Thiền Sư Vân Môn dùng một cách mạnh bạo hơn: Ngài sẵn sàng vác gậy đánh chết những kẻ làm/nói sai chánh pháp để cho chó ăn…

Trong cuốn "Đại Thừa Tuyệt Đối Luận” của Nguyệt Khê Thiền Sư, bản Việt dịch của Thầy Duy Lực, có các đọan viết như sau:

"Tổ sư ngộ đạo Thiền Tông đối với ngụ ngôn trong kinh đều dùng thái độ tuyệt đối để quét sạch nghi hoặc của con người. Hiện nay đề ra một chuyện để dẫn chứng: Như trong Thích Ca Phả nói Thích Ca ra đời, Đông Tây Nam Bắc mỗi phương bước đi bẩy bước, mắt nhìn bốn phương một tay chỉ trời một tay chỉ đất rằng: “Trên trời dưới đất duy ngã độc tôn”, ấy là biểu thị Phật tánh từ thể khởi dụng "đứng cùng tam thế ngang khắp mười phương", nghĩa là cùng khắp thời gian và không gian, cũng là tuyệt đối chẳng hai.

Kẻ không hiểu ý nghĩa ngụ ngôn thường cho là thần thoại do bày đặt mà ra, hoặc cho Phật Thích Ca là chúa tể kiêu mạn hoặc độc tài không có bình đẳng, kẻ ngu dại lại cho Phật Thích Ca là sinh ra có thần tánh đặc dị, ấy đều là không rõ cách diễn tả về văn học của ngụ ngôn Ấn Độ và trong đó có ám thị lý tuyệt đối.

Có người đem truyện trên hỏi Vân Môn Thiền Sư, Vân Môn nói: "Khi ấy nếu tôi gặp thấy, một gậy đánh chết cho con chó ăn để mong thiên hạ được thái bình". Sau này Lăng Nha Thiền Sư bình phẩm Vân Môn về công án này rằng: "Hết lòng phụng sự vô số cõi, ấy mới gọi là đền ơn Phật.”

Vậy mới biết thái độ của Tổ Sư Thiền Tông đều là sáng tỏ chính xác mà không thoả hiệp với kẻ khác, bởi vì đã tiến vào tuyệt đối nên chẳng có kẻ nào làm lay động được (Phật Thích Ca ám thị nghĩa bất nhị, Vân Môn cũng ám thị nghĩa bất nhị)…"

Thực sự là khó mà yên thân khi gặp Thiền Sư Vân Môn. Tới ngay như Đức Phật kể chuyện hiển lộng thần túc, để làm ngụ ngôn, mà vẫn còn bị Thiền Sư này chê, thì nói gì tới người thường như chúng ta. Nhưng có mạnh bạo như thế, ngài Vân Môn mới đẩy học trò tới chỗ không dùng được lý luận nào nữa. Chỗ mà chúng ta vẫn đang đi đứng nằm ngồi, đang nói cười đùa giỡn, mà vẫn an trụ vốn hằng tịch diệt không lời, không tới không lui, không sinh không diệt…

Một hình ảnh về chó được ghi nhiều nhất trong Thiền Tông là trong công án "Vô."

Thiền Sư Triệu Châu Tùng Thẩm xuất hiện trong một công án nổi tiếng và tất nhiên là bí hiểm cực kỳ. Công án này được ghi ở chương nhất, mở đầu của tập “Vô Môn Quan,” một tuyển tập 49 công án trong Thiền Tông Trung Hoa.

Có một tăng nhân thỉnh giáo Triệu Châu thiền sư (777-897): “Thưa thiền sư, con chó có Phật tánh không?” Triệu Châu thiền sư đáp: “Vô!”

Được đặt ở đầu tập "Vô Môn Quan," tất nhiên công án chữ "Vô" này được coi như có tầm quan trọng lớn với Thiền Tông. Chữ "Vô" trong tiếng Trung Hoa có nghĩa là "Không."

Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ đơn giản rằng con chó không có Phật Tánh. Nếu chúng ta nhớ lại phần đầu bài này, nơi trích Tiểu Bộ Kinh, Phật kể rằng ngài đã từng tu hạnh Bồ Tát và mang thân chó rừng chúa để tạo cơ duyên độ chúng, thì câu nói của ngài Triệu Châu hiển nhiên là sai.

Nhưng cũng đừng nên hấp tấp nói rằng "Có, rằng con chó có Phật Tánh…" thì lại không đúng ý Thiền Tông, mà lại trái ý ngài Triệu Châu.

Nhưng tất nhiên, không thể vừa có vừa không, hay không có và không không.

Chữ "Vô" mang sức mạnh khác hơn.

Chúng ta nơi đây cũng nên nhắc chuyện Đức Phật trả lời du sĩ Vacchagotta trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya), bản Anh dịch “The Connected Discouses of the Buddha” của Bikku Bodhi, NXB Wisdom, ấn bản năm 2000, trang 1393-1394.

Lúc đó, du sĩ Vacchagotta tới hỏi Phật:

"Thưa Thầy Gotama, có ngã hay không?"

Đức Phật im lặng.

Chúng ta nên phụ đề nơi đây rằng “ngã" đây có nghĩa là một cái "tôi, ta, mình" nào đó trong thân và tâm của chúng ta.

Sau đó, du sĩ hỏi thêm.

"Thưa Thầy Gotama, không có ngã phải không?"

Lần thứ nhì, Đức Phật im lặng.

Du sĩ Vacchagotta rời chỗ ngồi và ra đi.

Ngài Ananda mới hỏi Đức Phật vì sao không trả lời.

Phật nói, nếu Phật trả lời có "một ngã" thì là đứng chung một phe với các thầy Bà La Môn thuộc phái thường kiến (tin có ngã trường tồn).

Phật thêm, còn nếu Phật trả lời là không có "ngã" thì sẽ đứng chung phe với các thầy Bà La Môn thuộc phái đọan kiến (hư vô chủ nghĩa).

Sau đó, Phật nói thêm, nếu Phật trả lời "có ngã" thì là trái với lời Phật dạy trứơc giờ là "tất cả hiện tượng đều vô ngã."

Và kết bản kinh là lời Phật giải thích:

"Và nếu, khi ta được du sĩ đó hỏi, ‘Có phải không có ngã?’ Nếu ta trả lời, ‘Không có ngã,’ thì du sĩ Vacchagotta, vốn đã lẫn lộn mơ hồ rồi, sẽ còn rơi vào sâu thêm lẫn lộn mơ hồ nữa, nghĩ là, ‘Như dừơng rằng cái ngã mà tôi trứơc đây đã có bây giờ không hiện hữu nữa."

*

Hiển nhiên, cực kỳ là khó, khi chúng ta đứng giữa có và không. Nhưng đó không chỉ là chuyện kinh điển, mà thực sự còn là đời thực mỗi ngừơi chúng ta. Bây giờ, bạn thử thí nghiệm điều này: bạn hãy ra bờ biển, nhìn các lượn sóng chập chùng. Bạn thấy rằng bọt sóng khởi rồi tan, liên tục như thế. Và cả bạn nữa, ngừơi đang đứng nhìn đó, cũng là hàng triệu tế bào trong người đang khởi rồi diệt. Biến hiện liên tục như thế. Mặt biển (cái được nhìn) mà bạn đang nhìn đều biến diệt trùng trùng, và chính bạn (người nhìn) cũng biến diệt trùng trùng. Ngọn gió vô thường đang thổi buốt xương bạn, cùng lúc cũng thổi gợn lên vô lượng sóng biển trứơc mặt bạn.

Đứng nhìn như thế, thì bạn sẽ thấy, vừa mới nói "có ngã" thì thân tâm lập tức đã biến sang một tập hợp nhóm khác rồi.

Mặt khác, vừa mới nói "vô ngã" thì lại thêm nan đề: cái thấy vô ngã, cái nghĩ vô ngã và cái nói vô ngã đó là gì.

Công án "Vô" khi dịch ra tiếng Anh thường không dịch là "No" (Không), mà nhiều Thiền Sư, trong đó có Ngài Philip Kapleau, dịch theo âm Nhật Bản là "Mu." Lý do chính là để thiền sinh không trả lời vướng vào câu "Có" hay "Không."

*

Nhưng tại sao lại thắc mắc chuyện con chó có Phật Tánh hay không. Các thiền sư vốn thực tế, không bận tâm chuyện lý luận mà.

Vậy thì, bạn hãy sống thực tế, hãy hít thở cái "Vô" đó, để nó thành tòan thân của mình. Chỉ "Vô" thôi, mà không phải là có hay là không. Xa lìa cả hai thứ có và không đi. Nhìn vào mặt biển tâm mình, nơi những ngọn sóng niệm khởi lên rồi diệt, để ngó xem cái “Vô” đó như thế nào – Vô sắc, vô thọ, vô tưởng, vô hành, vô thức… Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý… Vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp… Đúng vậy, Bát Nhã Tâm Kinh đó. Không hề có ngã gì trong ngũ uẩn này, vừa mới nói tới nó, là nó biến dạng liền.

Bạn hãy nhìn tâm xem. Lặng lẽ nhìn hòai thôi. Hít thở cái "Vô" đó xem. Đừng rời. Và rồi, sẽ tới lúc, ngày nào của bạn cũng là ngày xuân.

(Ghi chú: Một số truyện trích dẫn trên lấy từ các trang web Phật Học: http://thuvienhoasen.org/ , http://quangduc.com/ , http://www.budsas.org/ )

-ooOoo-


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-08-2006