Thích Thánh Thành
1. Giải thích mười hai chi nhân duyên
2. Những Cách Trình Bày Khác về Duyên Khởi
2.1. Duyên khởi được trình bày với mười chi phần:
III. Phương pháp quán chiếu lý duyên khởi
Tất cả mọi loài đều ưa thích lạc và chán ghét khổ. Vì lý do đó, tất cả chúng sanh luôn luôn tìm cách chống chọi với khó khăn, trở ngại, với cái bất như ý… và tìm kiếm cái như ý, cái dễ chịu, cái ngọt ngào, cái tươi mát… Tuy nhiên, như ý hay bất như ý, lạc hay khổ đều là những cảm giác ở nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý khi được tiếp xúc với hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, và ý nghĩ mà có, nhưng khi không xúc nữa thì chúng không có. Mà tất cả các sự vật hiện tượng là luôn luôn vận động biến đổi tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, thân xúc, ý nghĩ luôn luôn sanh rồi diệt nên cảm xúc không thể tồn tại mãi được.
Tiếc thay, hầu hết chúng sanh đều bị vô minh che lấp, tham ái trói buộc, không nhìn thấy được thật tướng của các pháp đang sinh diệt, biến hoại, mà chỉ thấy tất cả đều có một ngã tướng đang tồn tại miên viễn nên khởi lên tham đắm, rồi muốn nắm giữ mà sanh ra chiến tranh, đấu tranh, cạnh tranh, chấp trượng, chấp kiếm, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, ác khẩu… tạo vô số ác nghiệp, nhưng vẫn bị thất vọng và khổ đau. Cứ như vậy, chúng sanh phải chịu đựng từ thất vọng này tới thất vọng khác, từ khổ đau này đến khổ đau khác và vẫn không tìm thấy con đường đi ra. Trái lại, như con thiêu thân họ cứ lao vào tìm kiếm cái hỷ lạc hạ tiện nơi vật chất của sắc, thanh, hương, vị, xúc, để rồi chết thảm như những con ruồi bên chén mật.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những con người với tư tưởng cao thượng hơn, nhìn thấy được cái hạ liệt nơi những thú vui dục lạc liền từ bỏ chúng để tu tập khổ hạnh, thiền định với hy vọng sẽ tìm được một hạnh phúc chân thật, thanh thoát hơn vượt ra ngoài sanh, già, bệnh, và chết. Tuy vậy, rất hiếm người đạt được mục đích cao thượng này, ngoại trừ những vị Phật. Và sau khi chứng đạt quả vị giải thoát, không phải tất cả chư Phật đều có thể thấy rõ con đường mình đã đi qua, để hướng dẫn lại cho những người khác, mà chỉ có những vị Phật là Bậc A-la-hán chánh đẳng giác mới làm được đều đó.
Cách đây chín mươi mốt kiếp về trước, có hoàng tử Vipassì, con của vua Bandhumà, sau khi nhìn thấy cảnh người dân phải chịu khổ đau của sanh già bệnh chết, biết rằng số phận của mình rồi cũng như vậy, nên đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Lúc bấy giờ, tại kinh đô Bandhumatì có một đại chúng hàng ngàn người nghe tin: “Hoàng tử Vipassì đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Khi nghe tin, các vị ấy suy nghĩ: “Pháp luật như vậy không phải tầm thường, xuất gia như vậy không phải tầm thường, vì hoàng tử Vipassì trong pháp luật ấy đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Nay hoàng tử Vipassì đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình tại sao chúng ta lại không?” rồi đại chúng hàng ngàn người ấy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, dưới sự lãnh đạo của hoàng tử Vipassì.
Nhưng sau đó, trong khi yên lặng tịnh cư hoàng tử Vipassì suy nghĩ “Sao Ta lại sống bị bao vây bởi đồ chúng này. Tốt hơn là Ta sống một mình, lánh xa đồ chúng này!”. Sau một thời gian hoàng tử Vipassì sống một mình, lánh xa đồ chúng, trong khi yên lặng tịnh cư tại chỗ thanh vắng, Hoàng tử Vipassì suy nghĩ: “Thế giới này thật rơi vào cảnh khổ não, phải sanh rồi già, rồi chết, rồi từ bỏ thế giới này để tái sanh thế giới khác. Không một ai biết một con đường giải thoát khỏi sự đau khổ này, thoát khỏi già và chết”. Y cứ vào vấn đề khổ đau sanh tử này, hoàng tử Vipassì bắt đầu quán chiếu dòng sanh khởi của nó:
“Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Cái gì có mặt, già chết mới có mặt? Do duyên gì, già chết sanh?”. Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do sanh có mặt, nên già, chết có mặt. Do duyên sanh, già chết sanh”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Cái gì có mặt, sanh mới có mặt? Do duyên gì, sanh phát khởi?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến sau đây: “Do hữu có mặt nên sanh mới có mặt. Do duyên hữu, nên sanh phát khởi”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Cái gì có mặt, hữu mới có mặt? Do duyên gì, hữu phát sanh?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do thủ có mặt nên hữu mới có mặt. Do duyên thủ, hữu phát sanh”. Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Cái gì có mặt thủ mới có mặt? Do duyên gì, thủ phát sanh?”. Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do ái có mặt, thủ mới phát sanh”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Cái gì có mặt, ái mới có mặt. Do duyên gì, ái phát sanh?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do thọ có mặt, ái mới có mặt. Do duyên thọ, ái phát sanh”. Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Cái gì có mặt, thọ mới có mặt. Do duyên gì, thọ mới phát sanh?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do xúc có mặt, thọ mới có mặt. Do duyên xúc, thọ mới phát sanh”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Cái gì có mặt, xúc mới có mặt. Do duyên gì xúc mới phát sanh?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do lục nhập có mặt, xúc mới có mặt. Do duyên lục nhập, xúc mới phát sanh”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Cái gì có mặt, lục nhập mới có mặt. Do duyên gì, lục nhập mới phát sanh?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do danh sắc có mặt, lục nhập mới có mặt. Do duyên danh sắc, lục nhập mới phát sanh”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Cái gì có mặt, danh sắc mới có mặt? Do duyên gì, danh sắc mới phát sanh?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do thức có mặt, danh sắc mới có mặt. Do duyên thức, danh sắc mới phát sanh”. Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Cái gì có mặt, thức mới có mặt. Do duyên gì, thức mới phát sanh?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do danh sắc có mặt, thức mới có mặt. Do duyên danh sắc, thức mới phát sanh”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ như sau: “Thức này xoay trở lui lại, từ nơi danh sắc, không vượt khỏi danh sắc. Chỉ như thế này, con người được sanh ra hay trở thành già, hay bị chết, hay từ biệt cõi này, hay sanh lại ở cõi khác, nghĩa là do duyên danh sắc, thức sanh; do duyên thức, danh sắc sanh; do duyên danh sắc, lục nhập sanh; do duyên lục nhập, xúc sanh; do duyên xúc, thọ sanh; do duyên thọ, ái sanh; do duyên ái, thủ sanh; do duyên thủ, hữu sanh; do duyên hữu, sanh sanh; do duyên sanh, lão, tử, sầu bi, khổ ưu não sanh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này”.
“Tập khởi, tập khởi”. Này các Tỷ-kheo, từ nơi Bồ-tát Vipassì, khởi sanh pháp nhãn từ trước chưa từng được nghe, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, ánh sáng sanh.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Do cái gì không có mặt, già chết không có mặt? Cái gì diệt, già chết diệt?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do sanh không có mặt, già chết không có mặt, do sanh diệt, già chết diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Do cái gì không có mặt, sanh không có mặt? Cái gì diệt, sanh diệt?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do hữu không có mặt, sanh không có mặt, do hữu diệt, sanh diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Do cái gì không có mặt, hữu không có mặt? Cái gì diệt, hữu diệt?”. Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do thủ không có mặt, hữu không có mặt, do thủ diệt, hữu diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Do cái gì không có mặt, thủ không có mặt? Cái gì diệt, thủ diệt?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do ái không có mặt, thủ không có mặt, do ái diệt, thủ diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Do cái gì không có mặt, ái không có mặt? Cái gì diệt, ái diệt?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do thọ không có mặt, ái không có mặt, do thọ diệt, ái diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Do cái gì không có mặt, thọ không có mặt? Cái gì diệt, thọ diệt?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do xúc không có mặt, thọ không có mặt, do xúc diệt, thọ diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Do cái gì không có mặt xúc không có mặt? Cái gì diệt, xúc diệt?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do lục nhập không có mặt, xúc không có mặt, do lục nhập diệt, xúc diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Do cái gì có mặt, lục nhập không có mặt? Cái gì diệt, lục nhập diệt?”. Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do danh sắc không có mặt, lục nhập không có mặt, do danh sắc diệt, lục nhập diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Do cái gì không có mặt, danh sắc không có mặt? Cái gì diệt danh sắc diệt?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do thức không có mặt, danh sắc không có mặt, do thức diệt, danh sắc diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Cái gì không có mặt, thức không có mặt? Do cái gì diệt, thức diệt?” Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ phát sanh minh kiến sau đây: “Do danh sắc không có mặt, thức không có mặt, do danh sắc diệt, thức diệt”.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì suy nghĩ: “Ôi, Ta đã chứng được con đường đưa đến Bồ-đề, nhờ pháp tu quán. Nghĩa là, do danh sắc diệt, thức diệt; do thức diệt, danh sắc diệt; do danh sắc diệt, lục nhập diệt; do lục nhập diệt, xúc diệt; do xúc diệt, thọ diệt, do thọ diệt, ái diệt; do ái diệt, thủ diệt; do thủ diệt, hữu diệt; do hữu diệt, sanh diệt; do sanh diệt, già, chết, ưu, bi, khổ, sầu, não diệt. Như vậy, toàn bộ khổ uẩn diệt”.
“Diệt, diệt”. Này các Tỷ-kheo, từ nơi Bồ-tát Vipassì, khởi hành pháp nhãn từ trước chưa từng được nghe, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, ánh sáng sanh.
Này các Tỷ-kheo, rồi Bồ-tát Vipassì, sau một thời gian sống quán sự sanh diệt trong năm uẩn: “Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi, đây là thọ diệt. Ðây là tưởng, đây là tưởng tập khởi, đây là tưởng diệt. Ðây là hành, đây là hành tập khởi, đây là hành diệt! Ðây là thức, đây là thức tập khởi, đây là thức diệt”.
Và đối với Ngài, sau khi sống quán pháp sanh diệt trong năm thủ uẩn, chẳng bao lâu các lậu hoặc được tiêu trừ và Ngài được giải thoát.”[1]
Sau khi đoạn tận tất cả lậu hoặc, chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Đức Thế Tôn Vipassì suy nghĩ: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Ðối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý “Y tánh duyên khởi pháp” (ida-paccayata paticca samuppàda); thật khó mà thấy được định lý tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được trừ bỏ, ái được đoạn tận, ly dục, ái diệt, Niết-bàn.”[2]
Trong hiện kiếp, Đức Phật bổn sư của chúng ta, sau khi ra đời và chứng Vô thượng Chánh đẳng giác, ngài tư duy trên giáo lý Duyên khởi và cũng nhận thấy như vậy nên tâm của Đức Thế tôn hướng đến thụ động, không muốn nói Pháp. Vì nếu nói ra mà chúng sanh không hiểu thì thật là mệt mỏi cho ngài, rồi những kệ bất khả tư nghì, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Đức Thế tôn:
Sao Ta nói Chánh pháp,
Ðược chứng ngộ khó khăn?
Những ai còn tham sân,
Khó chứng ngộ pháp này.
Ði ngược dòng, thâm diệu,
Khó thấy, thật tế nhị,
Kẻ ái nhiễm vô minh,
Không thấy được pháp này”[3].
Vì tính chất vi diệu, sâu kín khó tin, khó hiểu của giáo lý Duyên khởi, một giáo lý chỉ được thấy ở Phật giáo và chỉ xuất hiện khi có bậc A-la-hán chánh đẳng giác ra đời, nên nó là một điều hết sức quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu đạo Phật, nghiên cứu, quán chiếu và tu tập để thấy pháp, chứng pháp, thể nhập pháp, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này. Đó là lý do khiến chúng tôi nghiên cứu toàn bộ Tạng kinh nguyên thủy để tập hợp thành bài Giáo Lý Duyên Khởi này.
Trong toàn bộ kinh tạng Nguyên thủy, giáo lý Duyên khởi được đề cập đến rất nhiều lần, trong những bài kinh khác nhau, và dưới nhiều hình thức khác nhau: có khi đuợc giải thích theo mười hai chi nhân duyên, nhưng có khi chỉ đề cập mười chi hay tám chi, hay chỉ một vài chi. Và trong mỗi hình thức của nó, đều đưa cho hành giả một cái nhìn mới, hết sức nhân bản về vũ trụ và nhân sinh trong thế giới hữu vi. Tuy nhiên, giáo lý duyên khởi với mười hai chi phần sẽ được trình bày dưới đây là hình thức đầy đủ nhất của giáo lý đặc biệt này.
Khi giảng dạy về pháp duyên khởi đức Phật bắt đầu bằng định nghĩa vắn tắt như sau:“Này các Tỷ-kheo, thế nào là lý Duyên khởi? Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là tập khởi.
Nhưng do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là đoạn diệt.”[4]
Với định nghĩa vắn tắt như vậy chắc chắn là khó để cho chúng ta thấu hiểu. Vì vậy dựa trên định nghĩa đó chúng tôi sẽ đi vào chi tiết của từng chi phần, với những định nghĩa rõ ràng và tương đối chính xác từ nguồn tài liệu đáng tin cậy nhất đó là kinh Nikaya. Cùng với những định nghĩa đó là giải thích lý do về mối tương quan giữa chúng như: tại sao do duyên vô minh có hành, hay tại sao vô minh diệt thì hành diệt… để những ai tham khảo hiểu được một cách chính xác giáo lý này.
Là một chúng sanh với trí tuệ chưa được tu tập hoàn hảo, thì bóng tối vô minh vẫn luôn hiện hữu và len lỏi trong tâm thức. Từ vô thỉ kiếp về trước, khi con người còn là những sinh vật nhỏ bé vô minh đã có mặt, “điểm đầu tiên của vô minh không thể nêu rõ để có thể nói: Trước điểm này, vô minh không có, rồi sau mới có”[5], và trong quá trình tiến hóa vô minh dần dần biến đi để nhường chỗ cho ánh sáng trí tuệ. Khi thành người, mặc dù nhận thức của chúng ta đã tiến bộ rất nhiều, đã phân biệt được giữa cái thiện và bất thiện, có tội và không có tội, nhưng vẫn phải dựa trên những sự vật hiện tượng có ngã tướng như: phong tục tập quán, văn hóa, pháp luật… mà hình thành những tư duy và suy nghĩ, nên vẫn còn rất hạn chế, chỉ cảm nhận được khổ đau trên bình diện thô, khi chúng xuất hiện quá rõ ràng, còn những nỗi khổ vi tế thì đa phần không thấy được, nên không thấy được sự thật của khổ, nguyên nhân của nó, sự chấm dứt khổ, và con đường đưa đến hết khổ, do đó vẫn còn bị trói buộc, chưa thể thoát khỏi khổ đau. Để vượt qua rào cản cuối cùng này, con người cần phải phát triển trí tuệ thêm một bước nữa. Đây là bước đột phá đi ngược lại với lối nhận thức vốn có từ trước, cái mà trong nhà Phật gọi là nghiệp thức, lối nhận thức theo thói quen, chịu nhiều sự tác động của môi trường bên ngoài. Bước tiến này đòi hỏi con người phải độc lập hoàn toàn trong lối nhận thức để đạt đến trí tuệ toàn hảo.
Vì vậy, thông thường vô minh có nghĩa là kém trí tuệ, không thông minh, không phân biệt được cái gì thiện là thiện, cái gì bất thiện là bất thiện, cái gì có tội là có tội, cái gì không có tội là không có tội. Tuy nhiên, nghĩa quan trọng của vô minh liên hệ đến sự nghiệp giải thoát khổ đau được ghi rõ trong kinh tương ưng bộ II, Chương tương ưng nhân duyên, Phẩm Phật đà, II, như sau: Này các Tỷ-kheo, thế nào là vô minh? Này các Tỷ-kheo, không rõ biết Khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết Con đường đưa đến Khổ diệt. Này các Tỷkheo, đây gọi là vô minh.
Đối với nghĩa thông thường của vô minh có thể ai đọc qua cũng hiểu, nhưng còn ý nghĩa cốt lõi của nó tức là không hiểu được Khổ, Nguyên nhân của khổ, sự Diệt khổ, và Con đường đưa đến khổ diệt thì có vẻ hơi khó hiểu. Tại sao? Vì phần nhiều chúng ta không dám nhìn sâu vào khổ, không dám đối mặt với nó mà luôn chạy trốn khổ bằng cách này hay cách khác như: khi chúng ta có nỗi buồn nào đó, chúng ta muốn quên nó đi bằng cách uống rượu cho thật say, nằm ngủ suốt ngày, hay xem tivi, đọc báo, mua sắm, đi sàn nhảy, quán bar… Khi chúng ta không dám đối diện với những nỗi khổ ở trong ta thì chúng ta không thể hiểu được nó, không biết được nguyên nhân tại sao ta khổ/buồn, khổ đó được chấm dứt như thế nào, và cũng không biết làm sao để hết khổ. Do đó chúng ta cứ bị khổ đau triền miên, hết khổ đau này rồi đến khổ đau khác, không bao giờ thoát khỏi. Khi con người tìm cách này hay cách khác để trốn tránh cái khổ, họ sẽ tạo thêm nhiều nghiệp và như vậy họ phải bị sanh tử luân hồi. Trong Kinh Tương Ưng Bộ V, chương tương ưng sự thật, phẩm Kotigàma thứ III, đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt bốn Thánh đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải rong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn? Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, nên Ta và các Ông lâu ngày phải rong ruổi, lưu chuyển như thế này... Thánh đế về Khổ tập... Thánh đế về Khổ diệt... Do không giác ngộ, do không thông đạt Thánh đế về Con Đường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, nên Ta và các Ông lâu ngày phải rong ruổi, lưu chuyển như thế này.
Nhưng nay, này các Tỷ-kheo, Thánh đế về Khổ này đã được giác ngộ, đã được thông đạt Thánh đế về Khổ tập đã được giác ngộ, đã được thông đạt Thánh đế về Khổ diệt đã được giác ngộ, đã được thông đạt Thánh đế về Con Đường đưa đến Khổ diệt đã được giác ngộ, đã được thông đạt. Được chặt đứt là hữu ái, được đoạn tận là những gì đưa đến tái sanh (bhavanetti). Nay không còn tái sanh nữa.
“Những ai không rõ biết,
Khổ và Khổ tập khởi,
Không rõ như thế nào,
Khổ đoạn tận không dư,
Không biết Con Đường ấy
Đưa đến chỉ tịnh Khổ.
Những vị ấy không có
Tâm và tuệ giải thoát,
Họ không thể chấm dứt,
Phải đi đến sanh già.
Những vị nào rõ biết,
Khổ và Khổ tập khởi,
Và rõ như thế nào,
Khổ đoạn tận không dư,
Rõ biết Con Đường ấy
Đưa đến chỉ tịnh khổ.
Tâm giải thoát thành tựu,
Và các tuệ giải thoát,
Họ có thể chấm dứt,
Không đi đến sanh già.”[6]
Ngoài ra, không hiểu rõ Bốn sự thật cũng có nghĩa là không thấy được sự vô thường, vô ngã của các pháp hữu vi. Đối với người bị vô minh che lấp, nhìn thấy các pháp là thường hằng, thường còn, bất biến, có ngã tướng, nên tìm cầu hỷ lạc ở trong đó, tạo thêm bao nhiêu nghiệp mà không lúc nào chịu nhàm chán, mặc dù bị sanh, già, bệnh chết không biết bao nhiều lần mà vẫn không tỉnh thức. Vì vậy đến khi nào chúng sanh nhìn thấy được sự thật vô thường, khổ, vô ngã của các pháp hữu vi thì vô minh diệt, và dòng luân hồi sanh tử cũng diệt: “Này Tỷ-kheo, do biết, do thấy mắt là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi. Do biết, do thấy các sắc là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi... nhãn thức... nhãn xúc... Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; do biết, do thấy cảm thọ ấy là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi.”[7]
Sự thật về Khổ, Nguyên nhân của khổ, sự Chấm dứt khổ, và Con đường đưa đến diệt khổ tương ứng với năm uẩn, sự tập khởi của năm uẩn, sự đoạn diệt của năm thủ uẩn, và con đường đưa đến sự đoạn diệt năm thủ uẩn. Cho nên có khi định nghĩa vô minh đức Phật dùng đến năm uẩn để định nghĩa: “Vô minh, vô minh”, bạch Thế Tôn, như vậy được nói đến. Bạch Thế Tôn, thế nào là vô minh? Cho đến như thế nào, một người là vô minh?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không biết rõ sắc, không biết rõ sắc tập khởi, không biết rõ sắc đoạn diệt, không biết rõ con đường đưa đến sắc đoạn diệt, không biết rõ thọ... không biết rõ tưởng... không biết rõ các hành... không biết rõ con đường đưa đến thức đoạn diệt. Này Tỷ-kheo, đây gọi là vô minh. Và cho đến như vậy, một người là vô minh.”[8]
Như vậy, khi nào vô minh vẫn còn thì chúng sanh cứ tiếp tục tạo nghiệp tức là Hành để đưa đến sanh tử luân hồi. “Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-lamôn nào không như thật rõ biết: "Ðây là Khổ"... không như thật rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt". Họ hoan hỷ với các hành đưa đến sanh, họ hoan hỷ với các hành đưa đến già, họ hoan hỷ với các hành đưa đến chết, họ hoan hỷ với các hành đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não. Vì họ hoan hỷ với các hành đưa đến sanh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, họ tạo dựng các hành đưa đến sanh, họ tạo dựng các hành đưa đến già... đưa đến chết,... do họ tạo dựng các hành đưa đến sanh... đưa đến già... đưa đến chết... đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não, nên họ rơi vào vực thẳm sanh, họ rơi vào vực thẳm già, họ rơi vào vực thẳm chết, họ rơi vào vực thẳm sầu, bi, khổ, ưu, não. Họ không liễu thoát khỏi sanh, khỏi già, khỏi chết, khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, họ không liễu thoát khỏi đau khổ.”[9] Cho nên đức Phật dạy chính do vô minh mà có hành, và vô minh diệt thì hành cũng diệt. Vì khi một người đã thấy được sự giải thoát của vô hành (tức là thấy được Tứ đế, vô minh diệt) rồi thì họ sẽ cố gắng để đạt đến đó và không dám tạo nghiệp nữa. Như vậy là:“Vô minh duyên hành. Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?- Bạch Thế Tôn, vô minh duyên hành. Như vậy đối với chúng con (nghĩa) ở đây là vậy: Vô minh duyên hành”[10].
Là hành động, những hoạt động của thân và tâm, gồm có thân hành, khẩu hành, và ý hành (Tương ưng bộ kinh II, chương Tương ưng nhân duyên, Phẩm Phật đà, II. Phân biệt). Trong ba hành này, ý hành là chủ, chi phối thân hành và khẩu hành cho nên trong một số bài kinh khi đưa ra định nghĩa về hành, đức Phật chỉ đề cập đến ý hành: “Và này các Tỷ kheo, thế nào là hành? Có sáu tư thân hành này: sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, và pháp tư. Này các Tỷ kheo, đây gọi là hành. Do xúc tập khởi nên các hành tập khởi.”[11]
Hành còn có nghĩa là hiện hành, biểu hiện, làm cho xuất hiện các uẩn, các pháp hữu vi: “Này các Tỷ kheo, thế nào gọi là hành? Làm cho hiện hành pháp hữu vi nên gọi là hành. Làm cho hiện hành pháp hữu vi gì? Làm cho hiện hành sắc với sắc tánh, làm cho hiện hành thọ với thọ tánh, làm cho hiện hành tưởng với tưởng tánh, làm cho hiện hành các hành với hành tánh, làm cho hiện hành thức với thức tánh. Làm cho hiện hành pháp hữu vi, này các Tỷ kheo, nên gọi là hành.”[12]
Như vậy, hành là tư niệm, tư duy, làm cho xuất hiện các uẩn gọi là hành. Do xúc tập khởi nên hành tập khởi, xúc đoạn diệt nên hành đoạn diệt. Khi tư niệm, tư duy tức là ý căn tiếp xúc với pháp trần, vì thông thường khi tư duy phải tư duy về một vấn đề nào đó. Đối với người đó, ngay lúc đó, vấn đề đó là có thật và tâm thức của người đó đang bị trói buộc vào vấn đề đó mà được hiện hành và tăng trưởng, cho nên nói chính do duyên hành có mặt nên thức có mặt, đây là ý nghĩa có mặt của thức: “Chư Hiền, sao gọi là thức đối với (ngoại) trần, bị tán loạn, bị tản rộng? Ở đây, này chư Hiền, khi vị Tỷ-kheo thấy sắc với con mắt, thức truy cầu sắc tướng, bị trói buộc bởi vị của sắc tướng, bị cột chặt bởi vị của sắc tướng, bị triền phược bởi kiết sử vị của sắc tướng, như vậy gọi là thức đối với ngoại (trần) bị tán loạn, tản rộng. Khi vị Tỷ-kheo nghe tiếng với tai... ngửi hương với mũi... nếm vị với lưỡi... cảm xúc với thân... nhận thức pháp với ý, thức truy cầu pháp tướng, bị trói buộc bởi vị của pháp tướng, bị cột chặt bởi vị của pháp tướng, bị triền phược bởi kiết sử vị của pháp tướng; như vậy gọi là thức đối với ngoại (trần) bị tán loạn, tản rộng. Như vậy, này chư Hiền, gọi là thức bị tán loạn, tản rộng.”[13]
Khi tâm thức đang bị trói buộc vào một đối tượng nào đó, tức là khi chúng ta đang tư lương về chúng, nếu mạng căn chấm dứt thì sự tái sanh diễn ra tùy theo đối tượng đó. Ở đây ý nghĩa hành duyên thức là nó giúp cho thức có chỗ đứng để tồn tại và di chuyển qua đời sau: “Này các Tỷ-kheo, cái chúng ta tư niệm, tư lường, có thầm ý, cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt thời thức có an trú. Do thức ấy an trú, tăng trưởng, nên trong tương lai, tái hữu sanh khởi. Do sanh khởi tái hữu có mặt trong tương lai, nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.”[14]
Tất cả thế giới này đều bị chi phối bởi quy luật nhân quả hết sức công bằng và nhân bản. Vì khi một hành động được cố ý tạo ra, đều gieo vào trong tâm thức một nhân tố lành hay dữ tùy theo ý định của hành động đó. Khi nhân tố đó chín muồi sẽ đưa đến kết quả tương ứng. Đối với một người phàm phu, tâm thức luôn luôn bị trói buộc vào điều phước thiện hoặc phi phước thiện. Nếu tâm thức an trú vào điều thiện thì sẽ được tái sanh vào cảnh giới thiện, nếu tâm thức bị trói buộc vào điều bất thiện thì sẽ bị tái sanh vào cảnh giới bất thiện. Đối với bậc thánh lậu tận, không còn dự tính làm phước lành hay phi phước lành nên tâm họ tịch tịnh giải thoát không còn tái sanh nữa: “Này các Tỷ-kheo, nếu người nào bị vô minh chi phối, dự tính làm phước lành, thức (của người ấy) đi đến phước. Nếu người ấy dự tính làm phi phước hành, thức (của người ấy) đi đến phi phước. Nếu người ấy dự tính làm bất động hành, thức (của người ấy) đi đến bất động.
Này các Tỷ-kheo, khi nào vị Tỷ-kheo đoạn tận vô minh, minh được sanh khởi.
Vị ấy do vô minh đoạn tận, minh sanh khởi, không dự tính làm phước hành, không dự tính làm phi phước hành, không dự tính làm bất động hành. Không có dự tính, không có dụng ý, vị ấy không chấp thủ một sự gì ở đời. Không chấp thủ, vị ấy không sợ hãi. Không sợ hãi, vị ấy hoàn toàn tịch tịnh. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này
nữa”…
- Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc có dự tính làm các phước hành, hay có dự tính làm các phi phước hành, hay có dự tính làm các bất động hành? - Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Hay nếu các hành không có mặt một cách trọn vẹn, do các hành đoạn diệt, thời thức có hiện hành không?- Thưa không, bạch Thế Tôn.”[15]
Thấy được quy luật của sự tái sanh và sự nguy hiểm trong sanh tử luân hồi, nên đức Phật thường khuyên các đệ tử đừng suy nghĩ về mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đừng suy nghĩ chúng là ta, là của ta, hay tự ngã của ta. Vì khi suy nghĩ như vậy, tâm sẽ chấp thủ đối với tướng chung, tướng riêng của các sắc do mắt nhận thức, các tiếng do tai nhận thức… các pháp do ý nhận thức. Thức có thể vững trú, kiên trú, bị trói buộc đối với vị ngọt của tướng chung tướng riêng đó. Trong thời gian ấy, nếu mệnh chung, thời sự kiện này xảy ra: Đi thác sanh vào một trong hai sanh thú này: địa ngục hay bàng sanh[16] (Tương ưng bộ kinh IV, Tương Ưng Jambukhàdaka): “Chớ có nghĩ đến mắt, chớ có nghĩ đến trong mắt, chớ có nghĩ đến từ mắt, chớ có nghĩ đến: “Mắt là của tôi”. Chớ có nghĩ đến các sắc, chớ có nghĩ đến trong các sắc, chớ có nghĩ đến từ các sắc, chớ có nghĩ đến: “Các sắc là của tôi”. Chớ có nghĩ đến nhãn thức, chớ có nghĩ đến trong nhãn thức, chớ có nghĩ đến từ nhãn thức, chớ có nghĩ đến: “Nhãn thức là của tôi”. Chớ có nghĩ đến nhãn xúc, chớ có nghĩ đến trong nhãn xúc, chớ có nghĩ đến từ nhãn xúc, chớ có nghĩ đến: “Nhãn xúc là của tôi”. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; chớ có nghĩ đến cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến trong cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến từ cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến: “Cảm thọ ấy là tôi”.
Chớ có nghĩ đến tai... Chớ có nghĩ đến mũi... Chớ có nghĩ đến lưỡi... Chớ có nghĩ đến thân... Chớ có nghĩ đến ý, chớ có nghĩ đến trong ý, chớ có nghĩ đến từ ý, chớ có nghĩ đến: “Ý là của tôi”. Chớ có nghĩ đến các pháp, chớ có nghĩ đến trong các pháp, chớ có nghĩ đến từ các pháp, chớ có nghĩ đến: “Các pháp là của tôi”. Chớ có nghĩ đến ý thức, chớ có nghĩ đến trong ý thức, chớ có nghĩ đến từ ý thức, chớ có nghĩ đến: “Ý thức là của tôi”. Chớ có nghĩ đến ý xúc, chớ có nghĩ đến trong ý xúc, chớ có nghĩ đến từ ý xúc, chớ có nghĩ đến: “Ý xúc là của tôi”. Do duyên ý xúc, khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; chớ có nghĩ đến cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến trong cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến từ cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến: “Cảm thọ ấy là của tôi”. Chớ có nghĩ đến tất cả, chớ có nghĩ đến trong tất cả, chớ có nghĩ đến từ tất cả, chớ có nghĩ đến: “Tất cả là của tôi”.
Vị ấy do không nghĩ đến nên không chấp thủ một vật gì ở đời. Do không chấp thủ, vị ấy không có dao động (paritassati). Do không dao động, vị ấy tự mình tịch tịnh một cách hoàn toàn. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”[17]
Như vậy, bắt đầu từ vô minh, không thấy được sự thật vô thường, vô ngã, khổ đau nên chúng ta đi tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia, tạo ra hành nghiệp do đó thức bị trói buộc khiến đưa đến sanh tử luân hồi. Cho nên đức Phật dạy chính hành làm sở duyên cho thức, và nếu hành diệt thì thức diệt, vì nếu hành giả không có tư niệm tư duy thầm ý thì thức không có chỗ để an trú nên cũng diệt luôn:“Hành duyên thức: Này các Tỷ-kheo, hành duyên thức có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? - Bạch Thế Tôn, hành duyên thức. Như vậy, đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Hành duyên thức.”[18]
Theo định nghĩa trong Tự điển Phật học Đạo uyển do Chân Nguyên biên soạn, thức có nghĩa là sự nhận biết. Trong Kinh trung bộ I, Đại kinh phương quảng số 43, vị đại đệ tử trí tuệ đệ nhất của Phật, Tôn giả Sàriputta định nghĩa “thức” như vậy: “Thức, thức, này Hiền giả, được gọi là như vậy, Này Hiền giả, như thế nào được gọi là thức? Này Hiền giả, vì thức tri, thức tri, này Hiền giả nên được gọi là thức. Thức tri gì? Thức tri lạc, thức tri khổ, thức tri bất khổ bất lạc. Vì thức tri, thức tri, này Hiền giả, nên được gọi là thức”[19]. Như vậy, thức là sự thấy biết, phân biệt. Sự nhận biết này có nhiều mức độ đúng sai, sâu cạn khác nhau. Ví dụ một đứa bé chưa biết lửa là gì, khi thấy một cục than lửa cho là một cái gì đó có thể ăn được liền bốc ăn, đây là sự nhận thức sai lầm. Nhưng khi vừa đụng vào cục than lửa, thấy nóng quá liền bỏ xuống, và lần sau thấy cục than tương tự, cái cảm giác nóng lần trước đã được ghi sâu trong tâm thức bây giờ lại hiện lên, tạo ra một cảm giác sợ khiến đứa bé đó không dám đụng vào nữa, nhưng khi thấy một ngọn đèn trông rất đẹp em liền chụp lấy, ở đây nhận thức của đứa bé về lửa còn rất hạn chế. Khi đứa bé lớn lên, thu thập được nhiều thông tin về lửa trong tâm thức, bé có thể nhận diện được lửa dưới nhiều hình dạng khác nhau mà không bị sai lầm như trước, mức độ cao của nhận thức.
Như vậy, nhận thức được hình thành qua một quá trình tiếp xúc giữa sáu giác quan của sinh vật với các đối tượng bên ngoài. Thức là hoạt động tâm lý sau khi giác quan (căn) tiếp xúc với đối tượng (trần), thức được sinh ra. “Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên… Do duyên lỗ tai và các tiếng, nên nhĩ thức sanh khởi… do duyên mũi và các hương, nên tỷ thức sanh khởi… do duyên lưỡi và các vị nên thiệt thức sanh khởi… do duyên thân và các xúc nên thân thức sanh khởi… do duyên ý và các pháp nên ý thức sanh khởi…”[20]. Như vậy thức là vô thường, biến đổi, không có tự ngã, sanh khởi theo sự tác động của điều kiện. Khi điều kiện ấy biến đổi thì thức cũng biến đổi theo. “Này các Tỷ-kheo, do duyên mà thức sanh, và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy. Do duyên mắt và các sắc, thức sanh, và thức ấy có tên là nhãn thức. Do duyên tai và các tiếng, thức sanh, và thức ấy có tên là nhĩ thức. Do duyên mũi và các hương, thức sanh, và thức ấy có tên là tỷ thức. Do duyên lưỡi và các vị, thức sanh, và thức ấy có tên là thiệt thức. Do duyên thân và các xúc, thức sanh và thức ấy có tên là thân thức. Do duyên ý và các pháp, thức sanh, và thức ấy có tên là ý thức. Này các Tỷ-kheo, do duyên nào lửa sanh và lửa ấy có tên tùy theo duyên ấy: duyên củi, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa củi. Duyên vỏ gỗ bào, lửa sanh, lửa ấy gọi là vỏ bào. Duyên cỏ, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa cỏ. Duyên phân bò, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa phân bò. Duyên trấu, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa trấu. Duyên đống rác, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa đống rác”.[21]
Ngoài ra, thức ở đây còn được hiểu là nghiệp thức, mặt nổi của tâm, được hình thành do thói quen nhìn nhận sự vật với ngã tướng nên khiến tâm bị chi phối và tác động của môi trường bên ngoài. Để hiểu rõ ý nghĩa này, chúng ta hãy lấy một ví dụ khi chúng ta sinh ra trong những bộ tộc da đen, tiếp xúc và sinh sống với người da đen, thì đối với những người đó, người da đen là đẹp, và họ thích người da đen hơn da trắng, ngược lại người sanh ra và lớn lên trong tộc da trắng thì thích màu da trắng hơn. Hay đối với người sanh ra ở Ấn độ, từ nhỏ đã được nuôi lớn bởi những cách ăn uống của người Ấn, thì họ thích những món ăn được nấu theo kiểu Ấn, nhưng người dân ở nơi khác đến như người Việt nam thì không thích món ăn của Ấn. Tuy vậy, khi chúng ta ở với người Ấn một thời gian và chịu khó ăn những món ăn của họ, hay tiếp xúc với người da đen thì dần dần chúng ta trở thành thích nghi với những món ăn ở đó, thậm chí cảm thấy thèm khi không còn ăn những món đó nữa, và cũng cảm thấy thích những người da đen đó. Đó là nhận thức theo thói quen được gọi là nghiệp thức. Khi sự vật hiện tượng được nhìn nhận với ngã tướng theo thói quen như vậy, ngay lúc đó tâm thức liền bị trói buộc bởi vị ngọt của của đối tượng, nếu ngay lúc đó mạng chung thì sự tái sanh liền xảy ra và danh sắc được hình thành: “Này các Tỷ-kheo, ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, thức được sanh khởi. Do duyên thức, nên danh sắc sanh khởi... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi”[22]. Và đây là ý nghĩa mà đức Thế Tôn của chúng ta đã dạy, chính do nhận thức sai lầm mà tâm bị trói buộc đưa đi đến sự tái sanh trong một đời sống mới, cho nên gọi thức làm sở duyên cho danh sắc được hình thành, nếu thức diệt thì tâm được giải thoát và không bị trói buộc vào đâu để đi đến một thân mới để mà tạo ra danh sắc. Đó là lý do tại sao thức làm sở duyên cho danh sắc hình thành và nếu thức diệt thì danh sắc diệt: “Thức duyên danh sắc. Này các Tỷ-kheo, thức duyên danh sắc có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào? - Bạch Thế Tôn, thức duyên danh sắc. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Thức duyên danh sắc”.[23]
Trong một cơ thể sống bao giờ cũng gồm đủ hai yếu tố đó là vật lý và tâm lý. Trong thuật ngữ Phật giáo gọi đó là danh và sắc. Trong đó sắc là yếu tố vật chất gồm đất, nước, không khí, và hơi ấm tạo thành, danh là những hoạt động của tâm lý gồm có xúc, tác ý, thọ, tưởng, và tư. Trong kinh Tương ưng bộ II, chương Tương ưng nhân duyên, phẩm Phật đà, trang 13, đức Phật định nghĩa danh sắc như sau: “Và này các Tỷ kheo, thế nào là danh sắc? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý: đây gọi là danh. Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo ra, đây gọi là sắc. Như vậy đây là danh, đây là sắc. Đây gọi là danh sắc.”
Do vô minh che lấp, tham ái trói buộc, tâm thức bị trói buộc vào vị ngọt của các pháp chấp thủ, nên có sự tái sanh xảy ra và danh sắc được hình thành. Sự hình thành này xảy ra khi chấm dứt kiếp sống cũ và bắt đầu một kiếp sống mới theo nghiệp được tạo ra trong các kiếp sống đã qua. Nếu chúng sanh mới này là con người, thì danh sắc mới được hình thành do sự kết hợp giữa nghiệp thức với tinh cha huyết mẹ: “Trước đã nói: “Do duyên thức, danh sắc sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên thức, danh sắc sanh”? Này Ananda, nếu thức không đi vào trong bụng của người mẹ, thời danh sắc có thể hình thành trong bụng bà mẹ không?- Bạch Thế Tôn, không!
- Này Ananda, nếu thức đi vào trong bụng bà mẹ rồi bị tiêu diệt, thời danh sắc có thể hình thành trạng thái này, trạng thái khác không?- Bạch Thế Tôn, không!
- Này Ananda, nếu thức bị đoạn trừ trong đứa con nít, hoặc là đồng nam hay đồng nữ, thời danh sắc có thể lớn hơn, trưởng thành và thành mãn được không? - Bạch Thế Tôn, không!
- Do vậy, này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của danh sắc, tức là thức.”[24]
Qua đoạn trích cho thấy, khi một chúng sanh được xuất hiện các uẩn, thì phải có thức đi vào bụng mẹ, thức này có khi được gọi là hương ấm (gandhabba). Đối với loài thai sanh, danh sắc được hình thành khi có sự giao hợp giữa cha mẹ và người mẹ phải trong thời kì có thai, và có sự có mặt của hương ấm tức là thức: “Này các Tỷ-kheo, có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình: ở đây, cha mẹ có giao hợp và người mẹ không trong thời có thể thụ thai, và hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Ở đây, cha và mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, nhưng hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Và này các Tỷ-kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình.”[25]
Tất cả chúng hữu tình đều có danh và sắc được duy trì bởi thức, khi còn là một chúng sanh thức ở đây thường được gọi là nghiệp thức, một dạng năng lượng được tạo ra từ nhiều đời trước, có công năng duy trì mạng sống của mỗi hữu tình, khi một chúng sinh được sinh ra nhờ một sanh nghiệp thiện hay ác nào đó, và khi năng lượng của sanh nghiệp đó hết thì mạng sống của chúng sanh đó kết thúc. Và ý nghĩa này được chứng nghiệm bởi một nữ đệ tử của Phật vào thời còn tại thế, vị Tỷ kheo ni này tên là Patàcàrà, vốn con của một vị quan thủ ngân khố của nhà vua ở Sàvatthi, sau khi cha mẹ và chồng con đều mất trong một cơn hoạn nạn, nàng đau khổ đi lang thang đây đó rồi gặp được đức Phật và được đức Phật độ cho chứng được quả Dự lưu, “Một hôm lấy nước trong bát rửa chân, khi nàng đổ nước, thời nước chảy đến một khoảng đường ngắn rồi biến mất. Nàng đổ thêm nước, và con đường nước chảy dài hơn, và lần thứ ba, nàng lại đổ nước và con đường nước chảy còn dài hơn trước khi biến mất. Dựa trên sự kiện này làm nền tảng suy tư, nàng nghĩ: “Cũng vậy là loài Người, chết trẻ, chết nửa chừng và chết già”. Và đức Phật ở tại hương phòng của Ngài phóng hào quang, hiện lên trước mặt nàng và dạy rằng: “Hỡi nàng Patàcàrà, như vậy là cuộc sống của loài Người, cuối cùng cũng phải mạng chung. Vậy tốt hơn là sống như thế nào để thấy sự sanh diệt của năm uẩn, dầu cho chỉ thấy được một ngày, hay chỉ một sát-na, còn hơn sống một trăm năm mà không thấy được sự thật ấy: Người sống một trăm năm,
Không thấy pháp sanh diệt,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp sanh diệt.”[26]
Và, khi danh sắc được hình thành thì tức nhiên sáu xứ cũng xuất hiện, nếu danh sắc không có thì sáu xứ cũng không nhờ vào đâu mà có được, cho nên nói: “… ai sống thấy vị ngọt trong các pháp kiết sử, danh sắc được sanh khởi. Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi…”[27]
Tức là sáu căn, sáu nội xứ hay sáu giác quan gồm có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, phẩm Phật đà, trang 13 định nghĩa sáu xứ như vậy: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu xứ? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sáu xứ”. Ngoài sáu nội xứ ra còn có sáu ngoại xứ tức là sắc xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ, và pháp xứ:
“Khi được nói đến “sáu nội xứ cần phải biết”, do duyên gì, được nói đến như vậy? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Khi được nói đến: “sáu nội xứ cần phải biết”, chính do duyên này, được nói đến như vậy. Khi được nói đến “sáu ngoại xứ cần phải biết”, do duyên gì, được nói đến như vậy? Sắc xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ, pháp xứ. Khi được nói đến: “sáu ngoại xứ cần phải biết”, chính do duyên này, được nói đến như vậy.”[28]
Khi đã có sáu nội xứ và sáu ngoại xứ rồi cùng với thức, kết hợp lại tạo ra xúc: “do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này hợp lại có xúc… Do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp này hợp lại có xúc.”[29.0] Như vậy, đức Phật dạy đã có sáu xứ thì có xúc, nếu sáu xứ không có thì lấy gì mà xúc, cho nên sáu xứ diệt thì xúc cũng diệt: “Sáu nhập duyên xúc. Này các Tỷ-kheo, sáu nhập duyên xúc có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?Bạch Thế Tôn, sáu nhập duyên xúc. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Sáu nhập duyên xúc”.[29]
Thông thường được nói đến là sự tiếp xúc giữa sáu giác quan với các đối tượng bên ngoài, hay còn gọi là giữa sáu nội xứ và sáu ngoại xứ và chúng được đặt tên liên hệ đến sáu nội xứ: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc: “Này các Tỷ kheo, khi được nói đến “Người này có sáu xúc xứ”, do duyên gì được nói đến như vậy? Nhãn xúc xứ, nhĩ xúc xứ, tỷ xúc xứ, thiệt xúc xứ, thân xúc xứ, ý xúc xứ. Khi được nói đến “Người này có sáu xúc xứ”, chính do duyên này được nói đến như vậy.”[30]
Tuy nhiên, nếu chỉ có sáu nội xứ và sáu ngoại xứ không thì chưa đủ, cần phải có thêm sáu thức thì sự tiếp xúc mới có kết quả tức là đưa đến cảm thọ. Nếu không có thức thì chỉ là sự tiếp xúc giữa vật chất với nhau mà không có một tác động nào đến quá trình tâm lý cả, ví như khi một người đang xem truyền hình một cách say mê, có một người khác gọi người đó mãi, nhưng người ấy vẫn không nghe, mặc dù âm thanh của tiếng gọi vẫn đang tác động rất mạnh lên màng nhĩ lỗ tai người đó. Vì vậy khi nói đến sáu xúc xứ tức là sự kết hợp của sáu căn, sáu trần và sáu thức: “Khi được nói đến “Sáu xúc thân cần phải được biết”, do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là nhĩ xúc. Do duyên mũi và do duyên các hương khởi lên tỷ thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là tỷ xúc. Do duyên lưỡi và do duyên các vị khởi lên thiệt thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là thiệt xúc. Do duyên thân và do duyên các xúc khởi lên thân thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là thân xúc. Do duyên ý và do duyên các pháp khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là ý xúc. Khi được nói đến “sáu xúc thân cần phải được biết”, chính do duyên này được nói đến như vậy.”[31]
Như vậy xúc là kết quả tất yếu của thân năm uẩn này, bởi vì khi có thân năm uẩn này tức là có sáu xứ nên phải chịu sự xúc chạm với lửa, xúc chạm với trượng, xúc chạm với kiếm, xúc chạm với những tiếng bất như ý… (Kinh tăng chi bộ IV, trang 400). Vì vậy có thể nói do danh sắc nên xúc sanh: “Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên danh sắc, xúc sanh"? Này Ananda, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo, nhờ đó mà danh thân và sắc thân thi thiết; nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có, thời danh mục xúc trong sắc thân có thể hiện hữu được không?- Bạch Thế Tôn, không!
Này Ananda, những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy nhờ đó mà sắc thân được thi thiết, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có, thời hữu đối xúc trong danh thân có thể hiện hữu được không?- Bạch Thế Tôn, không!
Này Ananda, những hình, những sắc, những tướng, những mạo nhờ đó mà danh thân và sắc thân được thi thiết, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có, thời danh mục xúc hay hữu đối xúc có thể hiện hữu được không?- Bạch Thế Tôn, không!
Này Ananda, những hình, những sắc, những tướng, những mạo nhờ đó mà danh sắc được thi thiết, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có thì xúc có thể hiện hữu được không?- Bạch Thế Tôn, không!
Do vậy, này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của xúc, tức là danh sắc.”[32]
Còn là một phàm phu, thì khi có xúc thì cảm thọ khổ, lạc hay bất khổ bất lạc khởi lên ngay lập tức. Như vậy, do duyên xúc nên có thọ, nếu không có xúc thì thọ không thể tồn tại được, tức là xúc diệt là thọ diệt: “Xúc duyên thọ. Này các Tỷkheo, xúc duyên thọ có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?- Bạch Thế Tôn, xúc duyên thọ. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Xúc duyên thọ.”[33]
Là cảm giác khởi lên khi giác quan tiếp xúc với đối tượng, hay nói cách khác tức là khi căn tiếp xúc với trần. Theo đó sẽ có sáu thọ tức là thọ do mắt khi nhìn thấy cảnh, thọ khi tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý biết pháp. Trong Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, phẩm Phật đà, trang 13 đức Phật định nghĩa thọ như vậy: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỷ-kheo, có sáu thọ thân này: thọ do nhãn xúc sanh; thọ do nhĩ xúc sanh; thọ do tỷ xúc sanh; thọ do thiệt xúc sanh; thọ do thân xúc sanh; thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thọ”.
Như vậy, căn cứ vào nhân (xúc) để thọ sanh khởi thì có sáu thọ, nhưng dựa vào tính chất của thọ thì chỉ có ba đó là cảm thọ dễ chịu, cảm thọ khó chịu, và cảm thọ trung tính tức là không dễ chịu cũng không khó chịu: “Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Đây, này các Tỷ-kheo, là ba thọ.”[34] Vì thọ do duyên xúc mà có nên khi xúc diệt thì thọ cũng diệt, khi xúc biến đổi thì thọ cũng biến đổi tức là khi xúc với đối tượng khả lạc thì cho ra lạc thọ, khi xúc với đối tượng bất lạc thì cho ra cảm thọ bất lạc, hay khi xúc với đối tượng bất khổ bất lạc thì cho ra cảm thọ bất khổ bất lạc: “Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ, nên lạc thọ sanh khởi. Do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, nên lạc thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, lạc thọ ấy được chấm dứt. Này các Tỷ-kheo do duyên xúc đưa đến cảm giác khổ thọ, nên khổ thọ sanh khởi. Do duyên xúc đưa đến cảm giác khổ thọ ấy diệt, nên khổ thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến khổ thọ ấy diệt, khổ thọ ấy chấm dứt. Này các Tỷ-kheo, do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ, nên bất khổ bất lạc thọ sanh khởi. Do xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ ấy diệt, nên bất khổ bất lạc thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc ấy diệt, bất khổ bất lạc thọ ấy chấm dứt.
Ví như, này các Tỷ-kheo, do hai khúc cây cọ xát hòa hợp nên sức nóng được sanh, lửa được khởi lên. Do hai khúc cây ấy xa lìa tách biệt, nên sức nóng ấy đoạn diệt, sức nóng ấy chấm dứt.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ nên lạc thọ sanh khởi. Do xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, nên lạc thọ được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác lạc thọ ấy diệt, lạc thọ ấy chấm dứt. Do duyên xúc đưa đến cảm giác khổ thọ... Do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ, nên bất khổ bất lạc thọ sanh khởi. Do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ ấy diệt, nên bất khổ bất lạc thọ ấy được khởi lên do duyên xúc đưa đến cảm giác bất khổ bất lạc thọ ấy diệt, bất khổ bất lạc thọ ấy chấm dứt.”[35]
Khi có thọ thì tâm tìm cầu hỷ lạc trong đó liền bị dính mắc, gọi là ái. Như vậy, do thọ nên có ái, nếu không có thọ thì sẽ không có ái, tức là thọ diệt thì ái diệt “Thọ duyên ái. Này các Tỷ-kheo, thọ duyên ái có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?- Bạch Thế Tôn, thọ duyên ái. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Thọ duyên ái.” [36]
Như một cái đinh đính vào một vật, nó dính chặt, ghim chặt vào vật đó. Ái cũng giống vậy, một người với tâm đầy ái dục sẽ dễ bị dính mắc vào bất cứ vật gì hấp dẫn con mắt, tiếng dịu dàng, mùi thơm tho, vị ngọt ngào, xúc mềm mại. Ái có nhiều cấp độ khác nhau: ái năm món dục, ái cha mẹ, bà con, bạn bè, nhà cửa, quê hương đất nước, ái pháp… Tóm lại, có ba ái tức là dục ái, sắc ái, và vô sắc ái. “Khát ái, khát ái”, này hiền giả Sàriputta, được nói đến như vậy. Này Hiền giả, thế nào là khát ái? Có ba ái này, này Hiền giả, dục ái, hữu ái, vô hữu ái. Này Hiền giả, đây là ba khát ái này.”[37]
Bên cạnh ba cấp độ của ái, có khi đức Phật dựa vào đối tượng của nó mà đưa ra sáu loại ái: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ái? Này các Tỷ-kheo, có sáu ái thân này: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Này các Tỷ- kheo, đây gọi là ái”[38]
Ái có nguồn gốc từ thọ, tức là khi người nào thấy những gì ở đời khả ái, hấp dẫn là thường còn, thấy là lạc, thấy là vô bệnh, thấy là an ổn, thấy là tự ngã, nên tâm liền tìm cầu vị ngọt trong các đối tượng của sáu giác quan, tâm mới bị đắm nhiễm, nên làm cho ái tăng trưởng (Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, đại phẩm thứ bảy, xúc chạm, trang 194-200). Nếu không có hỷ lạc trong các đối tượng thì tâm sẽ không thể đắm nhiễm được. Vì vậy, ái là kết quả tất yếu của thọ liên hệ đến tâm: “Do duyên thọ, ái sanh”. Này Ananda, nếu thọ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như nhãn xúc sở sanh thọ, nhĩ xúc sở sanh thọ, tỷ xúc sở sanh thọ, thiệt xúc sở sanh thọ, tỷ xúc sở sanh thọ, ý xúc sở sanh thọ. Nếu không có thọ cho tất cả, nếu thọ diệt thời ái có thể hiện hữu không?- Bạch Thế Tôn, không! - Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của ái, tức là thọ.”[39]
Mặc dù trong pháp duyên khởi, tất cả mười hai chi phần đều có tầm quan trọng như nhau, và là những mắt xích đáng gờm, nhưng mắt xích ái vẫn thường được nhắc tới nhất, vì nó là hiện tượng rõ ràng, dễ nhận ra, và biểu hiện rất nổi bật trong mối liên hệ với đời sau:“Những ai làm ái tăng trưởng, những người ấy làm sanh y tăng trưởng. Những ai làm sanh y tăng trưởng, những người ấy làm đau khổ tăng trưởng. Những ai làm đau khổ tăng trưởng, những người ấy không thể giải thoát sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng họ không thể giải thoát khỏi đau khổ.”[40]
Trong Tứ diệu đế, ái được xem là nguyên nhân chính của khổ, là nguồn gốc tạo ra thân ngũ uẩn này: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã đào lên khổ căn trước kia chưa được đào? Mụn nhọt, này các Tỷ-kheo, là một danh từ chỉ cho cái thân do bốn đại tạo thành này, sanh ra từ cha mẹ, do cơm cháo nuôi dưỡng, tự tánh là vô thường, biến hoại, mai một, hủy hoại, hủy diệt. Gốc rễ của mụn nhọt, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với khát ái. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đoạn tận khát ái, chặt đứt đến gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không có thể sanh khởi trong tương lai; như vậy, này các Tỷ-kheo, là
Tỷ-kheo đã đào lên khổ căn từ trước chưa được đào lên.”[41]
Trong dòng chảy của duyên khởi, chính ái là nguyên nhân trực tiếp gây ra bao đau thương cho nhân loại: “Do duyên ái nên cầu tìm; do duyên cầu tìm nên có được; do duyên có được nên có quyết định; do duyên quyết định nên có dục tham; do duyên dục tham nên đắm trước; do duyên đắm trước nên có chấp trước; do duyên chấp trước nên có xan tham; do duyên xan tham nên có thủ hộ, chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ, rất nhiều các ác, bất thiện pháp khởi lên.”[42]
Vì ái luyến nên ai cũng muốn nắm giữ lấy cho mình cái mà mình yêu thích, bảo vệ nó, sẵng sàng bỏ đi cả tính mạng để đánh đổi nó. Vì vậy cho nên nói chính ái sanh ra thủ, nguyên nhân của sự nắm giữ và chiếm đoạt, nếu không có ái thì ai muốn nắm giữ làm gì, cho nên nói ái duyên thủ: “Ái duyên thủ. Này các Tỷ-kheo, ái duyên thủ có phải không? Hay ở đây, (nghĩa) như thế nào?- Bạch Thế Tôn, ái duyên thủ. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Ái duyên thủ.”[43]
Là nắm bắt, nắm giữ, bám chặt những đối tượng khả ái như sắc, thanh, hương, vị, xúc (dục thủ); kiên chấp, cố chấp một quan kiến nào đó như các chủ nghĩa duy tâm, duy vật… (kiến thủ); bảo thủ những hình thức lễ nghi tế tự vô bổ như tắm buổi sáng trên các dòng sông cho hết tội, dùng nước để rửa tội… chấp thủ những giáo điều không liên hệ đến mục tiêu giải thoát (giới cấm thủ); chấp chặt vào những luận thuyết cho rằng có một tự ngã thường hằng bất biến, hay tất cả đều diệt mất không còn gì nữa sau khi chết… (ngã luận thủ). Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, phẩm Phật đà, trang 13, “thủ” được định nghĩa như sau: Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thủ? Này các Tỷ-kheo, có bốn thủ này: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Này các Tỷ- kheo, đây gọi là thủ.
Chấp thủ cũng như khi ta nhìn ra cửa sổ thì chỉ thấy những gì phía trước cửa sổ đó thôi, còn xung quanh và phía sau thì không thể thấy được. Người bị chấp thủ vào một tư tưởng nào rồi thì không bao giờ thấy được những sai lầm trong những tư tưởng đó, càng không thể thấy được những cái hay nơi những điều khác. Trong thế giới của chúng ta bao nhiêu là tai họa đều được gây ra do chấp thủ, vì họ sẵn sàng chà đạp lên những cái của người khác để bảo vệ của mình, như chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa tư bản, đấu tranh tôn giáo... Trong kinh Đại duyên có nói:
“Do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp, như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp, như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ”? Này Ananda, nếu thủ hộ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có thủ hộ cho tất cả, nếu thủ hộ diệt thời một số ác, bất thiện pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ có thể hiện hữu được không? - Bạch Thế Tôn, không!
- Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của một số ác, bất thiện pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ, tức là thủ hộ.”[44]
Khi bị chấp thủ trói buộc, chúng ta luôn cho rằng cái này là mình, cái này là của mình, là tự ngã của mình, tôi có cái này, tôi có cái kia, đây gọi là hữu. Khi chúng ta chấp thủ vào một điều gì đó, đối với chúng ta điều đó là có, còn những điều khác là không có. Cho nên gọi do thủ mà có hữu, ngược lại nếu ta không nắm bắt cái gì thì chẳng có cái gì tức là thủ diệt thì hữu diệt: “Thủ duyên hữu. Này các Tỷ-kheo, thủ duyên hữu có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?- Bạch Thế Tôn, thủ duyên hữu. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Thủ duyên hữu.”[45]
Tại sao thủ duyên hữu? Trước đã nói do duyên thủ nên có hữu nghĩa là vì nắm bắt, nắm giữ một cái gì đó thì mới gọi là có còn không thì không thể gọi là có. Ví dụ khi chúng ta muốn nói tôi có một chiếc xe thì người đó phải đang sở hữu chiếc xe đó, đang giữ gìn nó, bảo vệ nó, với ý nghĩ rằng nó là của mình. Như vậy do duyên sở hữu, nắm giữ cho nên mới “có” (hữu). Đó là về mặt thô của hữu, về mặt tế của nó là khi chúng ta có lòng tham đối với một sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nào đó, tâm chúng ta bị trói buộc bởi cái đó, và cái đó hiện hữu trong tâm ta, và đối với ta cái đó là có thật, không sai. Như vậy tâm bị dính mắc đối với sự vật là thủ, sự vật hiện hữu trong tâm là có. Do đó chính do thủ mới có hữu, nếu thủ không có mặt thì hữu không có mặt, vì rằng dù sự vật vẫn đang hiện hữu giữa cuộc đời với muôn ngàn hình thức, nhưng với tâm của bậc giải thoát thì không dính mắc vào bất cứ cái nào, thì cái nào cũng giống cái đó, đẹp cũng vậy mà xấu cũng vậy, giàu cũng vậy mà nghèo cũng vậy, sang hèn đều như nhau… tất cả đều do tâm dính mắc (thủ) phân biệt mà có (hữu) cả.
Là có (ngã tướng), sanh hữu, sanh y, cõi, là hiện hữu, một trạng thái tâm bị trói buộc. Do vô minh che lấp tham ái trói buộc nên chúng ta không thể thấy được thật tánh duyên sanh, vô thường, khổ, vô ngã của vạn vật mà luôn thấy chúng có một thật tánh miên viễn nên tham đắm. Vì thấy đây là tiền, đây là người nam, đây là người nữ, đây là xe cộ, nhà cửa… nên khởi lên ham muốn mà không biết rằng tất cả những thứ đó đều do chất rắn, chất lỏng, chất khí, và hơi ấm kết hợp với nhau tạo ra, khi chúng không còn kết hợp nữa thì những thứ đó cũng sẽ bị hoại diệt. Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, phẩm Phật đà, trang 13, định nghĩa hữu như sau: Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu? Này các Tỷ-kheo, có ba hữu này: Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu.
Tất cả sự vật hiện tượng trong vũ trụ này luôn trôi chảy theo sự biến chuyển của duyên sanh một cách hết sức tự nhiên. Tuy nhiên, khi tâm thức của chúng ta bị trói buộc vào chúng (thủ), biến chúng thành cái hình dạng này hình dạng khác, tên gọi này tên gọi khác, lớn nhỏ, đẹp xấu… (hữu). Do đó chúng quay ngược lại quấy rối tâm thức chúng ta, làm cho chúng ta phiền não bởi những tư tưởng rằng: cái này đẹp, cái kia xấu, ta thấp người kia cao, người này giàu kẻ kia nghèo, người khen ta, kẻ chê ta… Tương tự như vậy, đối với một hành giả thiền định lấy đất (kasina đất) làm đề mục thiền, khi chứng đắc thiền này trong tâm của hành giả này chỉ có (hữu) đất thôi mà không có gì khác, vì vậy vị ấy chỉ bị quấy nhiễu bởi ý tưởng về đất thôi mà không bị quấy nhiễu bởi những tư tưởng như tiền bạc, hơn kém, đẹp xấu như chúng ta: “Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không tác ý nhân tưởng, không tác ý lâm tưởng, chỉ tác ý sự nhất trí do duyên địa tưởng. Tâm vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến địa tưởng. Ví như, này Ananda, tấm da con bò đực được căng thẳng trên một trăm cọc gỗ, đặc tánh tấm da được đoạn trừ (vigatavasika?); cũng vậy, này Ananda, Tỷ-kheo, không tác ý đối với tất cả vật gì trên đất này: đất khô và vùng lầy, sông và vùng lầy, các cây có thân và có gai, núi và đất bằng, vị ấy tác ý sự nhất trí do duyên địa tưởng. Tâm vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến địa tưởng. Vị ấy tuệ tri như sau: “Các ưu phiền do duyên nhân tưởng không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên lâm tưởng không có mặt ở đây. Và chỉ có một ưu phiền này, sự nhất trí do duyên địa tưởng”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có nhân tưởng”. Vị ấy tuệ tri: “Loại tưởng này không có lâm tưởng, và chỉ có một cái này không phải không, tức là sự nhất trí do duyên địa tưởng”. Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy tuệ tri: “Cái kia có, cái này có”. Này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh.”[47]
Vì thấy có cái này, có cái kia, có cái nọ nên tâm thức bị trói buộc vào đó mà có sự tái sanh. Vì thấy đây là hình bóng đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, thân xúc êm dịu nên tâm thức bị trói buộc vào đó mà sanh vào cõi dục (dục hữu), vì thấy có cảnh giới bằng đất, nước, không khí, và hơi nóng, cao thượng vượt ra ngoài những ham muốn dục lạc thấp kém nên tâm thức bị trói buộc vào đó mà sanh vào cõi sắc (sắc hữu), có người lại thấy có sắc là còn chướng ngại nên họ muốn một thế giới không sắc nên tâm thức bị trói buộc vào đó mà sanh vào cảnh giới vô sắc (vô sắc hữu). Như vậy ý nghĩa của sanh hữu tức là thế giới để đưa đến tái sanh, sanh y là nơi y cứ cho sự tái sanh diễn ra, nó cũng có nghĩa là nghiệp năng nơi hạt giống thức rơi vào để đi đến tái sanh, và hiện hữu nghĩa là sự biểu hiện của cái tôi ở hình thức này hay hình thức khác.“Hữu, hữu, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được xem là có hữu?- Này Ànanda, nếu không có hành động (nghiệp) và sự chín muồi của dục giới thời dục hữu có thể trình bày được không?- Thưa không, bạch Thế Tôn. - Như vậy, này Ànanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới thấp kém. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ànanda, hữu có mặt. Và này Ànanda, nếu không có hành động và sự chín muồi của sắc giới, thời sắc hữu có thể trình bày được không?- Thưa không, bạch Thế Tôn. - Như vậy, này Ànanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới bậc trung. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ànanda, hữu có mặt.
Và này Ànanda, nếu không có hành động và sự chín muồi của vô sắc giới, thời vô sắc hữu có thể trình bày được không?- Thưa không, bạch Thế Tôn. - Như vậy, này Ànanda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới bậc thù thắng. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ànanda, hữu có mặt.”[48]
* Với ý nghĩa là sanh y, chỗ y cứ để cho sự tái sanh được thực hiện, chúng ta có thể hiểu sanh ở đây như là sống, nếu không có chỗ đất thì chúng ta không thể sống được. Cũng vậy nếu không có hữu là chỗ để cho sự tái sanh diễn ra, thì sự tái sanh không thể diễn ra được. Khi ngài Sàriputta vừa được giải thoát rốt ráo, ngài liền tuyên bố sự chứng đắc của mình và được Thế Tôn vặn hỏi, ngài liền trả lời rất khéo léo với những ý nghĩa dựa vào dòng duyên khởi này một cách chính xác như sau: “Nếu họ có hỏi ông, này Sàriputta: “Ông biết như thế nào, này Sàriputta, ông thấy như thế nào mà ông tuyên bố trí đã được chứng đắc? “Ta biết sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui lại trạng thái này nữa”? Được hỏi vậy, này Sàriputta, ông trả lời như thế nào?
- Nếu họ có hỏi con, bạch Thế Tôn: “Hiền giả biết như thế nào, này hiền giả Sàriputta, hiền giả thấy như thế nào mà tuyên bố trí đã được chứng đắc: “Ta đã biết, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa”? Được hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau: “Vì rằng này Hiền giả, trong (danh từ) tận diệt, ta hiểu được là sự tận diệt của nhân, chính do nhân ấy sanh sanh khởi. Sau khi hiểu được nghĩa tận diệt trong (danh từ) tận diệt, ta mới biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.”- Được hỏi như vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: “Này Hiền giả Sàriputta, sanh lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?” Được hỏi như vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?
- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: “Này Hiền giả Sàriputta, sanh lấy gì làm nhân... (như trên)... lấy gì làm hiện hữu?” Được hỏi vậy, Bạch Thế Tôn, con trả lời như sau: “Sanh lấy hữu làm nhân, lấy hữu tập khởi, lấy hữu tác sanh, lấy hữu làm hiện hữu”. Được hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.”[49]
Như vậy, hữu ở đây cũng có nghĩa như là hành nhưng nó mang ý nghĩa của một khái niệm bị nhận thức sai lầm khiến tâm thức bị trói buộc đưa đến tái sanh, trong khi đó “hành” là một hành động của tâm tác ý sai, khiến tạo ra nghiệp dẫn tâm thức đi đến tái sanh. Tuy nhiên, hai nhân tố này đều có chung một công năng đưa đến sự tái sanh trong tương lai. Do đó hữu cũng duyên cho sanh: “Do duyên hữu, sanh sanh ra”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên hữu, sanh sanh ra?” Này Ananda, nếu hữu không có bất cứ loại nào giới nào, bất cứ chỗ nào xứ nào, như dục hữu, sắc hữu hay vô sắc hữu. Nếu không có hữu cho tất cả, do hữu diệt thời sanh có thể hiện hữu không?- Bạch Thế Tôn, không!
- Này Ananda, như vậy là nhân, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhân duyên của sanh, tức là hữu.”51
Tại sao do duyên hữu có sanh? Hay sanh do đâu mà có là câu hỏi thứ hai mà một hành giả tu Phật nào muốn giải thoát giác ngộ đều phải thật sự hiểu rõ. Căn cứ vào dòng duyên khởi, thì trên sanh tức là hữu, tức là do hữu mới có sanh. Và nếu không có hữu thì sẽ không có sanh, vì muốn sanh ra thì phải có chỗ, có nơi mới sanh ra được, nếu không có chỗ có nơi thì phải sanh ra ở đâu? Cũng như cây phải mọc trên đất, nếu không có đất thì cây không thể sống được. Cho nên nói hữu là sanh y là chỗ y cứ để cho sự tái sanh được thực hiện. Vì vậy khi hữu diệt thì sanh cũng diệt. Hữu còn có nghĩa là cõi hay cảnh giới bao gồm cõi dục giới, cõi sắc giới, và cõi vô sắc giới. Với tâm liên hệ đến dục thì cảnh dục giới hiện hữu và có trong tâm người đó, và đối với người đó dục giới là có. Với tâm liên hệ đến sắc giới, thì cảnh sắc giới sẽ hiện hữu và có trong tâm người đó, và đối với người đó sắc giới là có. Với tâm liên hệ đến vô sắc giới thì cảnh vô sắc giới sẽ hiện hữu và có trong tâm người đó, và đối với người đó vô sắc giới là có. Tuy nhiên dù là cảnh giới nào nếu tâm dính mắc vào đó đều bị trói buộc và khổ đau cả, chỉ có tâm không dính mắc vào bất cứ cảnh giới nào mới thật sự an lạc giải thoát Niết bàn (Hữu diệt): “Những Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Không thể có một sự hữu diệt toàn diện”, thời quan điểm này của các vị ấy gần với tham ái, gần với kiết sử, gần với ái lạc, gần với chấp trước, gần với chấp thủ. Còn những Sa-môn, Bà-la-môn nào có lập thuyết như sau, có quan điểm như sau: “Có thể có sự hữu diệt toàn diện”, thời quan điểm này của những vị ấy là gần với ly tham, gần với không kiết phược, gần với không ái lạc, gần với không chấp trước, gần với không chấp thủ”. Do suy tư như vậy, vị ấy thành tựu sự yếm ly, sự vô tham, sự diệt tận đối với các hữu.”[50]
Đến đây chúng ta lại thấy rõ nguyên nhân trực tiếp của sự tái sanh là hữu, và có hữu là còn khổ đau dù nó là cảnh giới nào đi nữa. Thấy được như vậy rồi thì chúng ta không nên cầu sanh vào cảnh giới nào nữa cả mà chỉ hướng tâm đến “hữu diệt tức là Niết bàn.”[51]
Chỉ đơn giản là sự sanh ra, sự xuất hiện thân năm uẩn này. Và ý nghĩa của từ sanh này được đức Phật định nghĩa rất rõ trong Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, phẩm Phật đà, trang 13 như sau: Và này các Tỷkheo, thế nào là sanh? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác bị sanh, xuất sanh, giáng sanh, đản sanh, sự xuất hiện các uẩn, sự thành tựu các xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sanh.
Rõ ràng đức Phật nói sanh chỉ có nghĩa đơn giản là sự sanh ra, sự xuất hiện các uẩn. Và sanh là khổ đau chứ không hề sung sướng chút nào cả, nhưng vì nó diễn ra lúc chúng ta còn quá nhỏ, nên không thể nhớ nổi, đã nhận thức sai lầm về nó. Để ý nghĩa này thêm chắc chắn, trong Kinh thiên sứ, khổ đau của sanh được xem như một báo hiệu để cảnh tỉnh chúng sanh chớ có phóng dật:“Này các Tỷ-kheo, vua Yama, chất vấn người ấy, cật vấn, thẩm vấn người ấy về Thiên sứ thứ nhất: “Này người kia, Ngươi có thấy Thiên sứ thứ nhất đã hiện ra giữa loài Người không?” Người ấy nói: “Thưa Ngài, không thấy”. Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy: “Này Người kia, Ngươi có thấy giữa loài Người có đứa con nít nhỏ, yếu ớt, nằm ngửa, nằm rơi vào giữa phân và nước tiểu của nó hay không?” Người ấy đáp: “Thưa Ngài, có thấy”. Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, tuy Ngươi là người có ý thức và lớn tuổi, nhưng Ngươi không có nghĩ: “Ta bị sanh chi phối, ta không thoát khỏi sanh; ta hãy làm điều thiện về thân, khẩu và ý”. Người ấy đáp: “Thưa Ngài, tôi không có thể làm, vì tôi phóng dật”. Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, nếu vì phóng dật nên Ngươi không làm điều thiện về thân, khẩu, ý; chắc chắn chúng sẽ làm cho Ngươi, này Người kia, tùy theo sự phóng dật ấy của Ngươi. Vì rằng đây là một ác nghiệp của Ngươi, không phải do mẹ làm, không phải do cha làm, không phải do anh làm, không phải do chị làm, không phải do bạn và thân hữu làm, không phải do bà con huyết thống làm, không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm, không phải do chư Thiên làm. Ác nghiệp ấy chính do Ngươi làm, chính Người phải cảm thọ quả báo việc làm ấy”.[52]
Như vậy, rõ ràng sanh là sự xuất sanh, tái sanh, sự đi đến một thân khác. Và nguyên nhân của nó chính là vô minh, nhìn thấy sự vật có ngã tướng (hữu), tâm sanh tham đắm nên bị sanh ra với một thân khác: “Này các Tỷ-kheo, bị vô minh che đậy và bị tham ái hệ phược, thân này của người ngu được sanh khởi. Vô minh ấy, người ngu không đoạn tận. Tham ái ấy, người ngu không tận trừ. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người ngu sống Phạm hạnh không phải vì chân chánh đoạn trừ khổ đau. Do vậy người ngu, khi thân hoại mạng chung, đi đến một thân khác. Do đi đến một thân khác, người ấy không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng: “Người ấy không thoát khỏi đau khổ”[53]
Vì đi đến một thân khác nên gọi là sanh, và cái gì đã bị sanh ra thì phải chịu sự già, bệnh, và chết. Và đây là điều chắc chắn không có gì để tranh cãi nữa, tức là do sanh nên có già chết: “Sanh duyên già, chết (Do duyên sanh nên già, chết hiện khởi). Này các Tỷ-kheo, sanh duyên già, chết có phải không? Hay ở đây (nghĩa) như thế nào?
Bạch Thế Tôn, sanh duyên già, chết. Như vậy đối với chúng con, (nghĩa) ở đây là vậy: Sanh duyên già, chết.”[54]
Tại sao do duyên sanh có già chết? Đó là câu hỏi của không biết bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ, nhưng vẫn không có câu trả lời. Và cứ như vậy con người vẫn cứ tiếp tục bị già chết ám ảnh, đến nỗi hễ ai nhắc đến già chết là hoảng sợ, run sợ, khiếp sợ, ai cũng sợ bị chê là già, ai cũng lo lắng trước cái chết. Vì không biết câu trả lời cho nên không ai tìm ra được con đường giải thoát khỏi già chết cả, ngoài những bậc A la hán Chánh đẳng giác. Tuy nhiên, già chết là một quy luật tự nhiên của vũ trụ, vì đã có sanh ra là phải có già chết. Thử hỏi, trên đời này có gì sinh ra mà không bị già chết không?- kể cả vật vô tri vô giác như đất, đá, cây, cỏ… đều phải bị hoại diệt cả. Như vậy thì câu hỏi tại sao chúng ta bị già và chết? Ở đây ta lại có câu trả lời rất tự nhiên là do sanh cho nên mới có già chết. Thế thì muốn không bị già chết thì sao? Câu trả là đừng có sanh ra nữa. Câu trả lời rất đơn giản và rất chính xác, thực tế mà hết sức logic, không hề mâu thuẫn chút nào cả, tuy nhiên ít ai có thể lường được câu trả lời như vậy, vì sao? Vì ai cũng muốn sanh nữa, muốn mình hiện hữu như thế này, thế khác, mà bây giờ nói không sanh nữa thì sợ quá, vì nghĩ rằng như vậy thì mình bị diệt mất không còn gì nữa hay sao? Tất cả những phân vân lo lắng như vậy đều do vô minh, tham ái, và chấp thủ hữu ngã, muốn mình có mặt thế này, thế khác, như mọi người ở đời vẫn thường suy nghĩ mình phải là người như thế này, như thế khác, có chức vụ này, khác, có giọng nói này, có hình hài thế khác… Vì với những tham chấp như vậy thì không thể chấp nhận được một sự thật không hiện hữu cái mà chỉ có bậc thánh Dự lưu trở lên mới thấy được. Cho nên trong kinh thường thấy khi có một vị chứng quả Tu đà hoàn thì họ sẽ thấy được sự sanh diệt của các pháp hữu vi:“Khi Thế Tôn biết gia chủ Upali tâm đã sẵn sàng, tâm đã nhu thuận, tâm không triền cái, tâm được phấn khởi, tâm được hoan hỷ, Ngài mới thuyết những pháp được chư Phật tán dương đề cao: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng như một tấm vải thuần bạch, các chấm đen được gột rửa rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy, chính tại chỗ ngồi ấy, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên với gia chủ Upali: “Phàm pháp gì được khởi lên, tất cả pháp ấy đều bị tiêu diệt”. Rồi gia chủ Upali, thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, đạt được vô sở úy, không y cứ người khác đối với các pháp bậc Đạo sư.”[55]
Và điều này trong kinh điển bắc truyền gọi là “Ngộ vô sanh” tức là thấy được và chấp nhận sự thật không tái sanh của những vị A la hán: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác nữa.”[56] Và sự chứng ngộ này có thể thực hiện được ở đây chứ không phải ở một cõi nào khác mà phải cần “Hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh”. Vì muốn chấp nhận sự vô sanh này thì hành giả phải thấy được Tứ diệu đế, trong đó phải thấy được sắc là khổ, thọ là khổ, tưởng là khổ, hành là khổ, và thức là khổ,hì mới thấy được cái hạnh phúc an lạc vô sanh, hữu diệt của Niết bàn (diệt đế) vượt thoát sanh tử, ra ngoài năm uẩn đó.
Như vậy, nguyên nhân trực tiếp của già chết chính là sanh, tại vì có sanh cho nên có già chết và nếu muốn không có già chết thì phải tu tập để không bị sanh nữa.
Không giống như sanh điều mà ai cũng mừng vui, không hề nghĩ là khổ, già chết lại hoàn toàn ngược lại cái mà ai cũng sợ hãi và chán ghét. Và nghĩa của già chết cũng dễ hiểu, rất khó bị hiểu lầm. Do đó đức Phật định nghĩa già chết cũng không khác với những gì mọi người thường hiểu: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là già chết? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị già, yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ tàn lụi, các căn chín muồi. Đây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, sự từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn hư hoại, thân thể vứt bỏ. Đây gọi là chết. Như vậy đây là già, đây là chết. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là già chết”[57].
Trong Kinh thiên sứ, Kinh Trung bộ III, nói về khổ đau của già chết như những điều báo trước số phận của kiếp sống con người để từ đó họ bớt phóng dật: “Này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn và thẩm vấn người kia về Thiên sứ thứ nhất, vua Yama mới chất vấn, cật vấn, thẩm vấn về Thiên sứ thứ hai: “Này người kia, Ngươi có thấy giữa loài Người, Thiên sứ thứ hai hiện ra không?” Người ấy đáp: “Thưa Ngài, không thấy”. Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người kia: “Này Người kia, Ngươi có thấy người đàn bà hay người đàn ông tám mươi tuổi, hay chín mươi tuổi, hay một trăm tuổi, già yếu, cong như nóc nhà, lưng còng, chống gậy, vừa đi vừa run, bệnh hoạn, tuổi trẻ đã qua mất, răng rụng, tóc sói, da nhăn, run rẩy, với tay chân bạc màu?”
Này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, thẩm vấn người kia về Thiên giới thứ tư, vua Yama mới chất vấn, cật vấn, thẩm vấn về Thiên giới thứ năm: “Này Người kia, Ngươi có thấy giữa loài Người Thiên sư thứ năm hiện ra không?” Người ấy đáp: “Thưa Ngài, không thấy”. Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy: “Này Người kia, Ngươi có thấy giữa loài Người, người đàn bà hay người đàn ông chết đã được một ngày, hai ngày hay ba ngày, sưng phồng lên, xanh xám lại, rữa nát ra?” Người ấy nói: “Thưa Ngài, có thấy”. Rồi này các Tỷkheo, vua Yama nói với người ấy: “Này Người kia, tuy Ngươi là người có ý thức và lớn tuổi, nhưng Ngươi không có nghĩ: “Ta bị chết chi phối, ta không thoát khỏi chết; ta hãy làm điều thiện về thân, khẩu và ý”. Người ấy đáp: “Thưa Ngài, tôi không có thể làm, vì tôi phóng dật, thưa Ngài”. Rồi này các Tỷ-kheo, vua Yama nói với người ấy: “Này Người kia, nếu vì phóng dật nên Ngươi không làm điều thiện, về thân, khẩu ý; chắc chắn chúng sẽ làm cho Ngươi, này Người kia, tùy theo phóng dật của Ngươi. Vì rằng đây là một ác nghiệp của Ngươi, không phải do mẹ làm, không phải do cha làm, không phải do anh làm, không phải do chị làm, không phải do bạn bè thân hữu làm, không phải do bà con huyết thống làm, không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm, không phải do chư Thiên làm. Ác nghiệp ấy chính là Ngươi làm, chính Ngươi phải cảm thọ quả báo việc làm ấy”[58]
Như vậy dòng luân chuyển của mười hai nhân duyên bắt đầu từ vô minh cho đến già chết là dòng trôi chảy của tự nhiên sanh diệt. Còn là một phàm phu phải chịu sự chi phối bởi sự sanh già bệnh chết, thì cũng phải chịu sự chi phối bởi dòng duyên khởi đó.
Trước đã trình bày pháp duyên khởi một cách đầy đủ với mười hai chi phân, tiếp theo là một số cách trình bày khác về pháp duyên khởi.
Có khi pháp duyên khởi chỉ được đức Phật hay các vị thánh đệ tử trình bày chỉ với mười chi phần, bắt đầu từ già chết cho đến thức rồi quay lại, trong đó thức và danh sắc được giải thích là thức duyên danh sắc và danh sắc duyên thức: “Này Hiền giả Kotthita, danh sắc không phải do tự mình làm ra, danh sắc không phải do người khác làm ra, danh sắc không phải do tự mình làm ra và do người khác làm ra, hay danh sắc cũng không phải không do tự mình làm ra, không do người khác làm ra, không do tự nhiên sanh. Danh sắc do duyên thức.
Này Hiền giả Sàriputta, có phải thức do tự mình làm ra, thức do người khác làm ra, thức do tự mình làm ra và do người khác làm ra, hay có phải thức không do tự mình làm ra, không do người khác làm ra, do tự nhiên sanh?
Này Hiền giả Kotthita, thức không do tự mình làm ra, thức không do người khác làm ra, thức không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, hay thức cũng không phải không do tự mình làm ra, không do người khác làm ra, không do tự nhiên sanh. Thức do duyên danh sắc.”[59]
Khi được ngài Sàriputta trả lời như vậy, Tôn giả Kotthita không hiểu ý nghĩa của nó và hỏi lại thì ngài Sàriputta trả lời với ví dụ một bó lau, trong đó có nhiều cây lau nương tựa vào nhau để tồn tại, nếu bị rút một cây này thì cây kia sẽ ngã và nếu rút cây kia thì cây này sẽ ngã. Cũng vậy chính nhờ thức đi vào bụng mẹ mà danh sắc được hình thành và khi danh sắc được hình thành rồi thì có sáu xứ, xúc, thọ, ái, thủ và hữu tạo ra nghiệp thức mới đưa đến sự tái sanh cho đời sau nữa tức là sanh, và già chết vì “Do danh sắc tập khởi nên thức tập khởi. Do danh sắc đoạn diệt nên thức đoạn diệt”[60] Ngoài ra danh sắc và thức luôn đi đôi với nhau nếu có thức thì danh sắc mới được duy trì và ngược lại khi danh sắc được duy trì thì nghiệp thức mới có chỗ an trú và đưa đến tăng trưởng để lưu chuyên luân hồi: “Này Ananda, trong giới hạn con người được sanh, con người được già, con người được chết, con người được diệt, hay con người được tái sanh, trong giới hạn ấy là danh mục đạo, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ đạo, trong giới hạn ấy là thi thiết đạo, trong giới hạn ấy là tuệ giới, trong giới hạn ấy là lưu chuyển luân hồi hiện hữu trạng thái này trạng thái khác nghĩa là danh sắc và thức.”[61]
Là một bài pháp rất quan trọng tuy nhiên cũng rất dễ bị hiểu sai, vì nó rất sâu sắc và cốt yếu liên quan đến sanh tử luân hồi. “Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thức ăn, tuệ tri tập khởi của thức ăn, tuệ tri đoạn diệt của thức ăn, và tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn, chư Hiền khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này. Chư Hiền, thế nào là thức ăn, thế nào là tập khởi của thức ăn, thế nào là đoạn diệt của thức ăn, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn? Chư Hiền, có bốn loại thức ăn này, khiến các loài chúng sanh đã sanh được an trú hay các loài hữu tình sẽ sanh được hỗ trợ cho sanh. Thế nào là bốn? Đoàn thực, loại thô hay loại tế, xúc thực là thứ hai, tư niệm thực là thứ ba, thức thực là thứ tư. Từ tập khởi của ái có tập khởi của thức ăn, từ đoạn diệt của ái có đoạn diệt của thức ăn. Thánh Đạo Tám Ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn, tức là: Chánh Tri kiến, Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thức ăn như vậy, tuệ tri tập khởi của thức ăn như vậy, tuệ tri đoạn diệt của thức ăn như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “Tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư
Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này.”[62]
Như vậy khi nào hành giả hiểu rõ bốn món ăn này mới có lòng tin pháp tuyệt đối và mới mong thành tựu được diệu pháp. Tại sao vậy? Pháp của đức Phật là pháp đưa đến giải thoát sanh tử luân hồi, và muốn giải thoát sanh tử luân hồi thì trước hết phải biết được nguyên nhân đưa đến sanh tử luân hồi là gì? Trong đoạn văn trên đã khẳng định rõ chính bốn loại thức ăn này khiến cho các loài chúng sanh đã sanh được an trú, hay các loài hữu tình sẽ sanh thì hỗ trợ cho sanh. Rõ ràng, khi mới đọc ta nghĩ chính các món ăn này giúp cho chúng sanh duy trì mạng sống này, nhưng khi nói khiến cho loài hữu tình sẽ sanh hỗ trợ cho sanh thì sao? Làm thế nào bốn món ăn này lại hỗ trợ cho sanh? Thật ra bốn món ăn này là món ăn cho nghiệp thức, nó duy trì sự tồn tại của nghiệp, cái mà có chức năng đưa chúng sanh đi trong lục đạo sanh tử luân hồi. Vì bốn món ăn này bao gồm đoàn thực tức là sắc thuộc về vật chất, xúc thực, tư niệm thực, và thức thực thuộc về danh. Và ở phần trên đã nói rõ do duyên danh sắc thức sanh khởi.
Ngoài ra, đa số trong chúng ta khi nghe nói đến bốn món ăn này đều liên tưởng đến có một loài nào đó ăn món ăn này, ví dụ như người và súc sanh thì ăn đoàn thực, ngạ quỷ thì ăn xúc thực… và chính vào thời đức Phật, Tôn giả MoliyaPhagguna cũng nghĩ như vậy và ngài đã hỏi Phật:
-Bạch Thế Tôn, ai ăn thức thực? Thế Tôn đáp: Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có ai ăn”. Nếu Ta nói: “Có kẻ ăn”, thời câu hỏi: “Có ai ăn” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, thức thực là cho ai?”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau: “Thức thực là duyên cho sự sanh thành, cho sự tái sanh trong tương lai. Khi cái ấy hiện hữu, có mặt thời sáu xứ có mặt. Do duyên sáu xứ, xúc có mặt”[63].
Rõ ràng đức Phật dạy các món ăn là cho sự tái sanh trong tương lai, không phải là món ăn như chúng ta vẫn thường nghĩ. Tuy nhiên cũng như những món ăn thông thường có chức năng là duy trì mạng sống của sinh vật, nếu món ăn chấm dứt thì sự sống sinh vật đó cũng chấm dứt, đối với nghiệp thức có chức năng đưa đến sanh tử luân hồi này cũng lấy bốn món ăn để duy trì, nếu bốn ăn bị đoạn diệt thì nghiệp thức cũng bị diệt và vòng sanh tử luân hồi này cũng bị chấm dứt.
Thân năm uẩn này là sản phẩm của nghiệp thức, được sanh thành do nghiệp thức, duy trì bởi nghiệp thức. Vì nó bị sanh ra cho nên phải chịu sự già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Vậy muốn chấm dứt sự hiện hữu của nghiệp thức này thì phải đoạn tận nghiệp thức, muốn đoạn diệt nghiệp thức thì phải chấm dứt các món ăn của nó, khi món ăn bị diệt mất thì nghiệp thức diệt và sanh, già, bệnh, chết cũng diệt theo. Điều này được ngài Sàriputta giải thích rất rõ khi được Phật hỏi: “Này Sàriputta, Ông có thấy cái này được sinh thành? Này Sàriputta, Ông có thấy cái này được sinh thành?
- Cái này được sinh thành. Bạch Thế Tôn, vị ấy với chánh trí tuệ thấy như chân cái này được sinh thành. Sau khi thấy như chân với chánh trí tuệ, lại thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với cái được sinh thành, vị ấy thấy với chánh trí tuệ, sự tục sanh do một loại đồ ăn. Sau khi thấy như chân với chánh trí tuệ sự tục sanh do một loại đồ ăn, vị ấy lại thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt sự tục sanh do một loại đồ ăn.
- Do sự đoạn diệt của một loại đồ ăn, cái được sinh thành ấy phải bị sự đoạn diệt, vị ấy thấy như chân với chánh trí tuệ. Do sự đoạn diệt một loại đồ ăn, cái được sinh thành ấy phải bị đoạn diệt. Sau khi thấy như chân với chánh tri tuệ, vị ấy thực hành sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sự vật phải bị đoạn diệt. Như vậy, bạch Thế Tôn là bậc hữu học.
- Và bạch Thế Tôn, như thế nào là thuần thục pháp hữu vi? Bạch Thế Tôn, vị ấy thấy như chân với chánh trí tuệ cái này được sinh thành. “Cái này được sinh thành”; sau khi thấy như chân với chánh trí tuệ, do sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với cái được sinh thành, vị ấy được giải thoát không có chấp thủ. Vị ấy thấy như chân với chánh trí tuệ sự tục sanh do một loại đồ ăn. Sau khi thấy như chân với chánh trí tuệ sự tục sanh do một loại đồ ăn, do sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sự tục sanh do một loại đồ ăn, vị ấy được giải thoát, không chấp thủ.”[64]
Để sáng tỏ hơn về ý nghĩa rằng chính bốn món ăn là duyên cho thức an trú và đi đến tái sanh, chúng ta sẽ xét thêm một ý nghĩa nữa trong đoạn trích ở đầu về sự tập khởi, và sự đoạn diệt của bốn món ăn là do duyên ái. Vì sao vậy? Trong cuộc sống sung túc hiện nay con người ta ăn không chỉ để duy trì sinh mạng mà còn ăn để thỏa mãn cái ham muốn của mình, và nguyên nhân của ăn như vậy chính do tham ái, và ăn với tâm tham ái thì thức bị trói buộc bởi vị ngọt của món ăn làm cho tăng trưởng đưa đến tái sanh. Đối với thức thực, xúc thực, và tư niệm thực cũng vậy, nếu bị ái trói buộc thì đó là thức ăn cho nghiệp đưa đến tái sanh: “Này các Tỷkheo, nếu đối với đoàn thực… nếu đối với xúc thức… tư niệm thực… thức thực, có tham, có hỷ, có ái, thời có thức được an trú, tăng trưởng. Chỗ nào thức được an trú, tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sanh. Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy hữu được tái sanh trong tương lai. Chỗ nào hữu được tái sanh trong tương lai, chỗ ấy có sanh, già chết trong tương lai. Chỗ nào có sanh, già chết trong tương lai, Ta nói chỗ ấy có sầu, có khổ, có não.”[65] Để đoạn diệt ái đối với các pháp, đức Phật dạy chúng ta khi ăn thức ăn phải quán chiếu, xem việc thọ dụng đoàn thực là một điều khổ đau, là một việc bất đắc dĩ như cặp vợ chồng đi qua sa mạc vì thiếu lương thực nên phải ăn thịt con mình. Khi ăn như vậy thì không thể có tham được, ngược lại ăn rất khổ sở để duy trì thân mạng mà vượt qua sa mạc. Đối với người muốn cầu giải thoát luân hồi sanh tử này cũng vậy, cuộc đời này là một sa mạc hoang vu đầy nguy hiểm, nên chỉ xem việc ăn uống là để duy trì thân mạng mà vượt qua biển khổ này thôi. Nếu không thì tâm thức sẽ bị tham đắm trong đó ngay. Đối với xúc thực được ví như “một con bò cái bị lở da, nếu nó đứng dựa vào tường, thời các sanh vật sống ở tường cắn nó. Nếu nó đứng dựa vào cây, thời các sanh vật sống ở cây cắn nó. Nếu nó đứng ở trong nước, thời các sanh vật sống ở trong nước cắn nó. Nếu nó đứng giữa hư không, thời các sanh vật giữa hư không cắn nó. Này các Tỷ-kheo, con bò cái ấy đứng dựa vào chỗ nào, thời các sanh vật trong các chỗ ấy cắn nó. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói xúc thực cần phải được nhận xét.
Này các Tỷ-kheo, khi xúc thực được hiểu biết, thời ba cảm thọ được hiểu biết. Khi ba cảm thọ được hiểu biết, thời Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không có gì cần phải làm thêm nữa.
Và này các Tỷ-kheo, tư niệm thực cần phải nhận xét như thế nào?
Này các Tỷ-kheo, ví như một hố than hừng, sâu hơn một thân người, chứa đầy than cháy đỏ rực, hừng cháy không có khói. Rồi một người đi đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, chán ghét khổ. Rồi hai người lực sĩ đi đến, nắm chặt hai cánh tay người ấy, kéo người ấy đến hố than hừng ấy. Này các Tỷ-kheo, người ấy quyết chí muốn lánh xa, tinh cần muốn lánh xa, phát nguyện muốn lánh xa (hố than hừng ấy).
Vì sao? Này các Tỷ-kheo, người ấy chỉ nghĩ như sau: “Nếu ta rơi vào hố than hừng này, do nhân duyên ấy, ta đi đến chết, hay đi đến khổ gần như chết”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng tư niệm thực cần phải nhận xét. Này các Tỷ-kheo, khi tư niệm thực được hiểu biết, thời ba ái được hiểu biết. Khi ba ái được hiểu biết, Ta nói rằng vị Thánh đệ tử không có gì cần phải làm thêm nữa.
Và này các Tỷ-kheo, thức thực cần phải nhận xét như thế nào?
Ví như, này các Tỷ-kheo, người ta bắt một người ăn trộm, một người phạm tội, dẫn đến vua và thưa: “Thưa Đại vương, người này là người ăn trộm, một người phạm tội. Hãy trừng phạt người ấy nếu như Ngài muốn”. Vị vua nói như sau về người ấy: “Các Ông hãy đi và đánh người này với một trăm hèo vào buổi sáng”. Và họ đánh người ấy với một trăm hèo vào buổi sáng.
Rồi vị vua vào buổi trưa nói: “Này các Ông, người ấy như thế nào?”- “Thưa Đại vương, người ấy vẫn còn sống”. Rồi vua nói về người ấy: “Này các Ông, các
Ông hãy đi và đánh người này một trăm hèo vào buổi trưa”. Và họ đánh người ấy một trăm hèo vào buổi trưa.
Rồi vị vua vào buổi chiều nói: “Này các Ông, người ấy như thế nào?”- “Thưa Đại vương, người ấy vẫn còn sống”. Rồi vua nói về người ấy: “Này các Ông, các Ông hãy đi và đánh người này một trăm hèo vào buổi chiều”.
Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy trong ngày bị đánh đến ba trăm hèo, do nhân duyên ấy có cảm thọ khổ ưu không?
Bạch Thế Tôn, chỉ bị đánh một hèo, do nhân duyên ấy có cảm thọ khổ ưu, còn nói gì bị đánh đến ba trăm hèo!
Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói thức thực cần phải nhận xét.”[66]
Vì tính chất quan trọng của giáo lý Duyên khởi là không thể nói được, nên nghiên cứu tìm hiểu, quán chiếu để hiểu rõ giáo lý này là điều rất thiết yếu đối với một hành giả tu tập, cầu giải thoát sanh tử luân hồi. Khi hiểu rõ được định lý Duyên khởi này rồi, tức là trí tuệ đã thành tựu cho còn đường giải thoát, đã bước được vào Dòng thánh, chứng được quả Tu Đà hoàn: “Này các Tỷ-kheo, do vị Thánh đệ tử biết duyên như vậy, duyên tập khởi như vậy, duyên đoạn diệt như vậy; biết rõ con đường đưa đến đoạn diệt như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử ấy được gọi là đạt tri kiến, đạt kiến, đã đạt đến diệu pháp này, thấy được diệu pháp này, đã đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ, đã đứng gõ vào cửa bất tử”.[67]
Ngược lại nếu không hiểu rõ định lý duyên khởi này, tâm thức vẫn còn bị màn vô minh che lấp, chúng ta càng làm bao nhiêu chỉ là tạo nghiệp để rồi những nghiệp đó trở lại trói buộc chúng ta, ví như con người tạo ra vũ khí giết người hàng loạt, những thứ ấy trở lại giết con người, chúng ta tạo ra công nghệ cao trở lại chúng ta làm nô lệ cho nó, chúng ta tạo ra món ăn ngon trở lại bị tham đắm vào những món ăn đó… cũng như con tằm làm ra kén để nhốt mình trong đó. Vì không hiểu rõ giáo lý Duyên khởi nên con người cứ lòng vòng tìm kiếm trong năm uẩn này mà không thể ra khỏi, thế giới bị rối loạn và trở nên vô cùng phức tạp. Điều này đã được đức Phật xác định như vậy: “ Này Ananda, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy. Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử.”[68]
Một người xuất gia tu Phật, muốn cầu giải thoát được gọi là Sa môn. Nhưng để xứng đáng với danh hiệu này người đó cũng phải hiểu được giáo lý Duyên khởi, nếu không thì cũng không xứng đáng được gọi là Sa môn, không thể tiến bộ trên con đường giải thoát sanh tử: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-lamôn nào không hiểu rõ già chết, không hiểu rõ già chết tập khởi, không hiểu rõ già chết đoạn diệt, không hiểu rõ con đường đưa đến già chết đoạn diệt, không hiểu rõ sanh... (như trên)... Hữu... thủ... ái... thọ... xúc... sáu xứ... danh sắc... thức... không hiểu rõ hành, không hiểu rõ hành tập khởi, không hiểu rõ hành đoạn diệt, không hiểu rõ con đường đưa đến hành đoạn diệt;
Những Sa-môn hay Bà-la-môn ấy không được chấp nhận là Sa-môn giữa các hàng Sa-môn, hay Bà-la-môn giữa các hàng Bà-la-môn. Và những Tôn giả ấy cũng không có thể ngay trong đời sống hiện tại, tự mình chứng ngộ với thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh hay mục đích Bà-la-môn hạnh”.[69]
Như vậy, việc hiểu rõ pháp Duyên khởi này là một điều hết sức cần thiết để một hành giả tu tập chứng đạt những gì mình mong muốn, không còn nghi ngờ do dự đối với pháp giải thoát của Thế Tôn. Cho nên đức Phật thường dạy các đệ tử của Ngài luôn quán chiếu, suy tư về pháp duyên khởi này: “Ở đây, này các Tỷkheo, Tỷ-kheo trong khi nắm giữ nội xúc, nắm giữ nội xúc như sau: “Sự đau khổ đa loại, đa dạng này khởi lên ở đời với già chết; sự đau khổ này lấy cái gì làm nhân, hay lấy cái gì làm tập khởi, lấy cái gì làm tác sanh, lấy cái gì làm hiện hữu? Cái gì có mặt, già chết hiện hữu? Cái gì không có mặt, già chết không hiện hữu?”.
Vị ấy nắm giữ nội xúc, biết như sau: “Sự đau khổ đa loại, đa dạng này khởi lên ở đời với già chết. Sự đau khổ này lấy sanh y làm nhân, lấy sanh y làm tập khởi, lấy sanh y làm tác sanh, lấy sanh y làm hiện hữu. Do sanh y có mặt, già chết hiện hữu. Do sanh y không có mặt, già chết không hiện hữu”. Vị ấy biết già chết. Vị ấy biết già chết tập khởi. Vị ấy biết già chết đoạn diệt. Vị ấy biết con đường thích ứng đưa đến già chết đoạn diệt. Và nhờ thực hành như vậy, vị ấy trở thành một vị tùy pháp hành”.[70]
Khi suy tư quán chiếu duyên khởi như vậy, trí tuệ dần dần sẽ sáng rõ, và chúng ta sẽ hiểu được một cách rốt ráo định lý này. Mặc dù phương pháp quán chiếu rất đơn giản như vậy nhưng vì thói quen, tham ái, thích nắm giữ nội xúc với những đối tượng khả ý, khả lạc nên khi tư duy về giáo lý này trông có vẻ nhàm chán và vô vị. Nhưng nếu kiên trì trong một thời gian, cho đến khi thấy được giáo lý này rồi hành giả sẽ có được hỷ lạc tràn ngập, thắng xa những dục lạc tầm thường. Đa phần chúng ta thích cái gì đó cầu kỳ, khó khăn, phức tạp để cho có vẻ linh thiêng huyền bí, nên chúng ta ít có niềm tin đối với phương pháp quán chiếu đơn giản như vậy. Tuy nhiên, đây là phương pháp quán chiếu do chính chư Phật tu tập và dạy lại cho chúng ta, được ghi lại trong những bản kinh đáng tin cậy nhất. Hơn nữa khi so sánh pháp quán chiếu này với những phương pháp tâm lý trị liệu trong tâm lý học phương Tây cho những người bị bệnh tâm thần do lệch nhận thức, về hình thức rất giống nhau, tuy nhiên phương pháp trị liệu nhận thức (cognitive therapy) còn bị hạn chế trong nhận thức hữu ngã, trong khi đó phương pháp quán chiếu của Phật đưa đến giải thoát không còn chấp thủ.
Như vậy phương pháp quán chiếu về duyên khởi chủ yếu là suy tư theo như cách mà chư Phật đã thực hành, bắt đầu bằng già chết đi ngược lên vô minh rồi xuống lại, theo chiều tập khởi sau đó theo chiều đoạn diệt. Để cho vấn đề tu tập sâu sắc hơn, hành giả dựa theo nội dung duyên khởi ở phần hai, tự đặt những câu hỏi rồi trả lời như sau: Già chết là gì? Do đâu có già chết? Già chết là sự biến đổi và hoại diệt của năm uẩn, do sanh cho nên có già chết, nếu ta không sanh ra thì làm gì bị già chết. Nhưng sanh là gì và do đâu mà có? Sanh là sự xuất hiện thân năm uẩn, do hữu mà có sanh. Hữu là gì? Tại sao do hữu mà có sanh? hữu là sanh hữu, là sanh y, vì có chỗ cho thức y cứ thì ta mới bị sanh ra. Vậy hữu do đâu mà có và tại sao? Hữu do thủ mà có, vì nắm giữ thì mới có, không nắm giữ thì làm sao có… Hành giả cứ quán chiếu như vậy cho đến vô minh rồi quay ngược trở lại từ vô minh đến hành, rồi thức… lão tử. Đồng thời tham khảo phương pháp quán chiếu của chư Phật qúa khứ ở phần giới thiệu và đoạn kinh sau: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đang tư lường, tư lường như sau: “Sự đau khổ nhiều loại và đa dạng này khởi lên trên đời như già và chết; sự đau khổ này lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu? Do cái gì có mặt, già chết hiện hữu? Do cái gì không có mặt, già chết không hiện hữu?”
Tư lường như vậy, vị ấy biết như sau: “Sự đau khổ nhiều loại và đa dạng này khởi lên trên đời như già và chết, sự đau khổ này lấy sanh làm nhân, lấy sanh làm tập khởi, lấy sanh làm tác sanh, lấy sanh làm hiện hữu. Do sanh có mặt, già chết hiện hữu. Do sanh không có mặt, già chết không hiện hữu”. Và vị ấy biết già chết, biết già chết tập khởi, biết già chết đoạn diệt, và vị ấy biết con đường thích ứng đưa đến già chết đoạn diệt. Do thực hành như vậy, vị ấy trở thành vị Tùy pháp hành. Này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị Tỷ-kheo đã thực hành một cách trọn vẹn để chân chánh đoạn tận khổ đau và đoạn diệt già chết.
Tư lường thêm nữa, vị ấy tư lường như sau: “Còn hữu này, do cái gì làm nhân? Còn thủ này, do cái gì làm nhân? Còn ái này, do cái gì làm nhân? Còn thọ này, do cái gì làm nhân? Còn xúc này... Còn sáu xứ này... Còn danh sắc này... Còn thức này... Còn các hành này, do cái gì làm nhân, cái gì tập khởi, cái gì tác sanh, cái gì làm hiện hữu? Do cái gì có mặt, các hành hiện hữu? Do cái gì không có mặt các hành không hiện hữu?”
Tư lường như vậy, vị ấy biết như sau: "Các hành lấy vô minh làm nhân, lấy vô minh làm tập khởi, lấy vô minh làm tác sanh, lấy vô minh làm hiện hữu. Do vô minh có mặt, các hành hiện hữu. Do vô minh không có mặt, các hành không hiện hữu”.
Và vị ấy biết các hành, biết các hành tập khởi, biết các hành đoạn diệt, và vị ấy biết con đường thích ứng đưa đến các hành đoạn diệt. Do thực hành như vậy, vị ấy trở thành vị Tùy pháp hành. Này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị Tỷ-kheo đã thực hành một cách trọn vẹn để chân chánh đoạn tận khổ đau và đoạn diệt các hành”.[71]
Đến đây, định lý Duyên khởi đã được khai triển tương đối đầy đủ với nhiều khía cạnh khác nhau được ghi lại trong kinh Nikaya, bản kinh đáng tin cậy nhất hiện nay. Điều này giúp chúng ta có một cái nhìn thiết thực đối với pháp Duyên khởi như một định lý, một quy luật bất di bất dịch về sự vận hành của vũ trụ chứ không phải là một giáo điều, hay là một triết lý mang tính chất tôn giáo cao siêu huyền bí do suy tư tác thành. Và chính đức Thế Tôn đã khẳng định như vậy: “Do duyên sanh, này các Tỷ-kheo, nên có già, chết. Do duyên hữu, này các Tỷ-kheo, nên có sanh. Do duyên thủ, này các Tỷ-kheo, nên có hữu. Do duyên ái, này các Tỷkheo, nên có thủ. Do duyên thọ, này các Tỷ-kheo, nên có ái. Do duyên xúc, này các Tỷ-kheo, nên có thọ. Do duyên sáu xứ, này các Tỷ-kheo, nên có xúc. Do duyên danh sắc, này các Tỷ-kheo, nên có sáu xứ. Do duyên thức, này các Tỷ-kheo, nên có danh sắc. Do duyên các hành, này các Tỷ-kheo, nên có thức. Do duyên vô minh, này các Tỷ-kheo, nên có hành. Dầu cho Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp trú tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt tánh ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, tường thuyết, khai hiển khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị.”[72]
Khi đã hiểu rõ giáo lý duyên khởi, chúng ta không còn băn khoăn do dự gì nữa đối với pháp giải thoát của đức Từ Phụ, vì lúc đó hành giả đã thành tựu niềm tin pháp tuyệt đối và có thể ngay trong hiện tại tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú pháp Sa môn hạnh. Ngoài ra định lý Duyên khởi là giáo lý nguồn cội để từ đó những pháp khác được mở rộng, được trình bày chẳng hạn như Ngũ uẩn, Tứ đế, Tứ niệm xứ, Bát thánh đạo… trong đó năm uẩn cũng là năm chi phần trong số mười hai chi Nhân duyên, Sự thật về khổ là năm thủ uẩn, Nguyên nhân của khổ là ái (chi thứ 5 từ dưới lên trong duyên khởi), ái diệt là Diệt đế, và bát Thánh đạo là Con đường diệt dòng chảy mười hai Nhân duyên trong đó Chánh kiến và Chánh tư duy thuộc về tuệ để diệt vô minh, Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng thuộc về giới để diệt thân hành, khẩu hành, diệt xúc, thủ, và hữu, còn Chánh niệm, Chánh định để diệt ý hành và danh. Đó chỉ là nói tổng quát thôi, còn nếu nói chi tiết thì còn rất rộng, vì mười hai nhân duyên được giải thích với ý nghĩa khác nhau nhưng chúng có một sự hỗ tương qua lại với nhau, mỗi cái đều có mặt trong mười một cái kia và mười một chi kia đều có mặt trong mỗi chi, cho nên nói một trong tất cả và tất cả trong một.
Trong bối cảnh hiện nay chánh pháp bị pha tạp bởi ngoại giáo rất nhiều, đối với hành giả đã thông hiểu giáo lý Duyên khởi này rồi, việc xác định đâu là chánh pháp và đâu là phi pháp là một vấn đề rất đơn giản, vì chánh pháp chỉ được thuyết để diệt già chết, sanh… vô minh, nếu pháp không có liên quan đến việc diệt già chết, sanh, hữu, thủ,… vô minh thì không phải chánh pháp: “Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về yếm ly, ly tham, đoạn diệt già và chết, như vậy là đủ để được gọi là Tỷkheo thuyết pháp… Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về sự yếm ly, ly tham, đoạn diệt sanh... hữu... thủ... ái... thọ... xúc... sáu xứ... danh sắc... thức... hành... (như trên)... Nếu Tỷ-kheo thuyết pháp về yếm ly, ly tham, đoạn diệt vô minh, như vậy là đủ để được gọi là Tỷ-kheo thuyết pháp.”[73]
Những chánh pháp được Như Lai khéo thuyết giảng để đoạn tận sanh tử luân hồi là những pháp cao thượng, đáng để chúng ta tinh tấn tu tập mà không có gì cần phải hối tiếc. Mong rằng khi đã hiểu chánh pháp này rồi, tất cả chúng ta đều có thể cố gắng để đoạn trừ những gì chưa được đoạn trừ, và chứng đắc những gì chưa được chứng đắc vì lợi ích và an lạc cho muôn loài, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư thiên và loài người: “Như vậy, này các Tỷ-kheo, với Pháp được Ta khéo thuyết, hiển thị, khai thị, hiển lộ, các buộc ràng được cắt đoạn, thật là đủ cho Thiện nam tử do lòng tin xuất gia có thể bắt đầu tinh tấn (hành trì và nguyện). Như vậy, này các Tỷ-kheo, với Pháp được Ta khéo thuyết, hiển thị, hiển lộ các buộc ràng được cắt đoạn. Chắc chắn dầu chỉ còn lại da, gân và xương trên thân, dầu thịt, máu trở thành khô cạn, mong rằng tinh tấn lực, sẽ được kiên trì để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ trượng phu lực, nhờ trượng phu tinh tấn, nhờ trượng phu cần dõng.
Khổ thay, này các Tỷ-kheo, là người sống biếng nhác, dính đầy các pháp ác, bất thiện và mục đích lớn bị suy giảm! An lạc thay, này các Tỷ-kheo, là người sống tinh cần, tinh tấn, viễn ly các ác, bất thiện pháp, và mục đích lớn được viên mãn!
Này các Tỷ-kheo, không phải với cái hạ liệt có thể đạt được cái cao thượng. Này các Tỷ-kheo, phải với cái cao thượng mới đạt được cái cao thượng. Đáng được tán thán, này các Tỷ-kheo, là Phạm hạnh này với sự có mặt của bậc Đạo Sư. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy tinh tấn lên để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.
Có vậy, sự xuất gia này của chúng ta sẽ không phải trống không, có kết quả, có thành tích (Sa udrayà). Và những vật dụng chúng ta thọ dụng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc trị bệnh, dầu cho những thứ này là khiêm tốn (vokàrà), đối với chúng ta sẽ có quả lớn, có lợi ích lớn.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập. Này các Tỷ-kheo, thấy được tự lợi là vừa đủ để tinh tấn không phóng dật. Hay này các Tỷ-kheo, khi thấy lợi tha là vừa đủ để tinh tấn, không phóng dật. Hay này các Tỷ-kheo, thấy lợi cả hai, là vừa đủ để tinh tấn, không phóng dật.”[74]
-oOo-
[1] Kinh trường bộ I, Kinh đại bổn, số 14
[2] Kinh trường bộ I, kinh đại bổn, số 14
[3] Kinh trung bộ I, Kinh thánh cầu, số 26
[4] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 2, trang 10
[5] Tăng chi bộ kinh IV, chương 10 pháp, phẩm song đôi, kinh 61
[6] Tương ưng bộ kinh V, chương tương ưng sự thật, kinh 22, trang 628
[7] Tương ưng bộ kinh IV, Chương tương ưng sáu xứ, kinh 53, trang 67
[8] Kinh tương ưng bộ, Tương ưng uẩn, kinh 113
[9] Kinh tương ưng bộ, chương tương ưng sự thật, kinh số 42
[10] Kinh trung bộ I, Đại kinh đoạn tận ái số 38, trang 564
[11] Tương ưng bộ kinh III, Chương tương ưng uẩn, kinh 56, trang 114
[12] Tương ưng bộ kinh III, Chương tương ưng uẩn, kinh 79, trang 162
[13] Trung bộ kinh III, kinh tổng thuyết và biệt thuyết số 138, trang 513
[14] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 38, trang 119-123
[15] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 51, trang 152
[16] Xem thêm Kinh trung bộ III, kinh hành sanh số 120, trang 283
[17] Tương ưng bộ kinh IV, chương tương ưng sáu xứ, kinh 90, trang 289
[18] Kinh trung bộ I, Đại kinh đoạn tận ái số 38, trang 564; Tương ưng bộ kinh II, tương ưng nhân duyên, kinh 4, trang 11,…
[19] Kinh trung bộ I, Đại kinh phương quảng số 43
[20] Kinh tươn ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 44, trang 132
Kinh tương ưng bộ IV, chương tương ưng sáu xứ, kinh 60, trang 60-
[21] Kinh trung bộ I, Đại kinh đoạn tận ái, trang 564
[22] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 59, trang 164
[23] Kinh trung bộ I, Đại kinh đoạn tận ái số 38, trang 564
[24] Kinh trường bộ I, Kinh đại duyên, trang 524
[25] Trung bộ kinh I, đại kinh đoạn tận ái, trang 564
[26] Tiểu bộ kinh III, chương trưởng lão ni kệ, phẩm năm kệ, Patàcàrà
[27] Tương ưng bộ kinh II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 58, trang 163. Kinh trung bộ I, Đại kinh đoạn tận ái số 38, trang 564
[28] Trung bộ kinh III, Kinh phân biệt sáu xứ, trang 500; Kinh sáu sáu, trang 630.
[29.0] Tương ưng bộ kinh IV, chương tương ưng sáu xứ, kinh 60, trang 60.
[29] Kinh trung bộ I, Đại kinh đoạn tận ái số 38, trang 564
[30] Trung bộ kinh III, Kinh phân biệt sáu xứ, trang 501; Kinh giới phân biệt, trang 544
[31] Kinh trung bộ III, Kinh sáu sáu, trang 631
Kinh tương ưng bộ IV, chương tương ưng sáu xứ, kinh 60, trang 60-62
[32] Trường bộ kinh I, kinh đại duyên, số 15
[33] Kinh trung bộ I, Đại kinh đoạn tận ái số 38, trang 564
[34] Kinh tương ưng bộ IV, chương tương ưng thọ, kinh 1, trang 331
[35] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 62, trang 173-174
[36] Kinh trung bộ I, Đại kinh đoạn tận ái số 38, trang 564
[37] Kinh tương ưng bộ IV, chương tương ưng Jambukhadara, kinh 10, trang 412
[38] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 2, trang 13
[39] Trường bộ kinh I, kinh đại duyên, số 15
[40] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 66, trang 194-200
[41] Kinh tương ưng bộ IV, chương tương ưng sáu xứ, kinh 103, trang 147
[42] Kinh tăng chi bộ IV, chương chín pháp, kinh 23, trang 113-116
[43] Kinh trung bộ I, Đại kinh đoạn tận ái số 38, trang 564
[44] Trường bộ kinh I, kinh đại duyên, số 15
[45] Kinh trung bộ I, Đại kinh đoạn tận ái số 38, trang 564
[46] Hữu: bhava(Pali), English: Being; coming into existence, birth, production, origin; worldly existence, the world, often translated as 'feeling, emotion, mood, devotional state of mind', denotes the continuity of life and death, the mood of ecstasy, self-surrender, and the karmic agent which leads every new sentient being to be born in this or another mode of existence in the trailokya(babylon).
[47] Kinh trung bộ III, Kinh tiểu không, số 121
[48] Kinh tăng chi bộ I, chương ba pháp, phẩm Ananda, kinh 76, trang 405
[49] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 32, trang 95-97 51 Trường bộ kinh I, Kinh đại duyên, số 15
[50] Kinh trung bộ I, kinh không gì chuyển hướng, số 60
[51] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 68, trang 207
[52] Kinh trung bộ III, Kinh thiên sứ, số 130, trang 427
[53] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 19, trang 52
[54] Kinh trung bộ I, Đại kinh đoạn tận ái, sô 38, trang 564
[55] Trung bộ kinh II, Kinh Ưu Ba Ly, số 56
[56] Trung bộ kinh II, Kinh hạnh con chó, số 57
Xem thêm “Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời! Ta là bậc cao nhất ở trên đời! Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa" trong Kinh trung bộ III, kinh hy hữu vị tằng hữu, số 123, Trường bộ kinh I, kinh đại bổn số 14
[57] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 2, trang 13
[58] Kinh trung bộ III, Kinh thiên sứ, số 130, trang 428-432
[59] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 67, trang 200-204
[60] Kinh tương ưng bộ III, Thiên uẩn, phẩm tham luến, kinh 56
[61] Kinh trường bộ I, kinh đại duyên, số 22
[62] Kinh trung bộ I, Kinh chánh tri kiến, số 9
Kinh tương ưng bộ II, thiên nhân duyên, kinh 11, trang 27-
[63] Kinh tương ưng bộ II, tương ưng nhân duyên, kinh 12, trang 30
[64] Kinh tương ưng bộ II, tương ưng nhân duyên, kinh 31, trang 89
[65] Kinh tương ưng bộ II, tương ưng nhân duyen, kinh 64, trang 187
[66] Kinh tương ưng bộ II, tương ưng nhân duyên, kinh 63, trang 177-179
[67] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 27, trang 80
[68] Kinh trường bộ I, Kinh đại duyên, số 15
[69] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 29, trang 83
[70] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, đại phẩm thứ bảy, kinh 66, trang 192
[71] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 51, trang 147-50
[72] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 20, trang 55-56
[73] Tương ưng bộ kinh II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 16, trang 38
[74] Kinh tương ưng bộ II, chương tương ưng nhân duyên, kinh 22, trang 56-57