Phần đông những người hành Thiền hay thực tập Yoga, sống trong hai thế giới khác nhau.
Thế giới của giây phút hành Thiền -- khoảng tiếng đồng hồ khi chúng ta có thể tạm hoãn cuộc đời rộn rịp lại. Trong thế giới này, chúng ta có thể tạm dừng các giác quan, không cho chúng lăng xăng chạy đuổi theo các đòi hỏi và quyến rủ của cuộc sống để chú tâm vào hơi thở, thân và ý. Chúng ta có thể cảm nhận và thưởng thức sự tuyệt vời của giây phút hiện tại. Thay vì phải chạy đuổi hết hơi vào việc "kiếm sống", chúng ta có thể dừng lại để nhận ra thực tế là chúng ta đang sống.
Nhưng việc gì xảy ra khi chúng ta rời khỏi chiếu Thiền? Dĩ nhiên là chúng ta lại trở về với thế giới thứ hai. Trở về với những dòng xe cộ kẹt lối trên các ngã đường. Trở về với văn phòng nơi có bao nhiêu công việc đang chờ chúng ta giải quyết, điện thoại, fax, thư điện tử (e-mail) thúc giục... Rồi lại phóng ra đường đi rước con, mua sắm, nấu nướng, ăn uống, nghe tin tức và cuối cùng nằm vật ra giường, quá mệt mỏi để làm gì khác hơn là nằm trước TV bấm đài này đài kia, không kiên nhẫn xem những quảng cáo với các sản phẩm hứa hẹn sẽ làm cuộc đời ta đáng sống hơn, làm ta lại muốn chạy ra đường mua thứ này, sắm thứ kia. Và trong thế giới thứ hai này, hình như chúng ta không bao giờ có đủ. Ngay cả thì giờ dành cho đời sống tâm linh của chúng ta góp phần làm cho chúng ta thêm bận rộn, thời gian chúng ta thêm co hẹp. Ðã có bao nhiêu lần bạn bắt gặp mình hối hả chạy đến chùa nghe thuyết pháp hay đến Thiền viện để tập Thiền?
Vậy chúng ta phải làm gì đây? Có lẽ câu trả lời nằm trong những điều chúng ta "không phải làm". Câu trả lời nằm trong điều kiện là chúng ta phải sống chậm lại và đơn giản hóa đời sống của chúng ta. Dẹp bỏ những vướng mắc. Phải chọn lựa trong cuộc sống chúng ta những gì thật cần thiết, hữu ích và thật sự làm cho cuộc đời chúng thêm ý nghĩa. Hảy giảm mua sắm những thứ xa xỉ. Hãy tiêu xài ít lại. Hãy tiết kiệm. Tránh mắc nợ. Hãy trả nợ đã mượn. Hãy dùng lại những thứ vứt bỏ. Hãy chạy chiếc xe cũ thay vì cứ vài năm lại đổi model một lần. Hãy tránh xa những cám dỗ bên ngoài. Một bữa ăn đàng hoàng ở nhà sẽ rẻ hơn bữa ăn ở hàng quán. Hãy tắt TV để bạn được sống tĩnh lặng.
Kết quả, theo các nhà hiền triết, các nhà thông thái từ nhiều thế kỷ, không phải là cuộc đời chúng ta bị giới hạn, nghèo nàn đi, chính thực ra đời sống tâm linh của chúng ta sẽ tràn trề, giàu có hơn. Ý hướng tìm đến một cuộc sống đẹp hơn, đơn giản hơn không có gì mới mẻ. Phật, Chúa, Lão Tử, Gandhi và các triết gia Hy Lạp đã sống cuộc đời mình như thế. Ðiều mới là càng ngày càng có nhiều người nam nữ bình thường sống trong các nước công nghiệp tiên tiến nhất thế giới lại tìm cách trở về với những cuộc sống đơn giản bằng cách làm ít đi và hưởng thụ ít hơn. Theo một cuộc thăm dò ý kiến gần đây ở Mỹ, đã có đến 72% những người ở lứa tuổi 40 đến 49 tỏ ý "Tôi muốn đơn giản hóa đời sống của mình".
Sống giản đơn tạo cho con người một cách nhìn mới về những thói quen trong quá khứ của họ, giúp họ thay đổi thói quen của mình. Con người sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn vì sự tự do tìm được, vì cảm thấy mình không còn bị lệ thuộc.
Sống giản đơn cũng là một tất yếu để sinh tồn trong một thế giới mà nguồn của cải vật chất không phải là vô tận. John Robbins, tác giả quyển "Diet For A New America" nói "Chúng ta đang hủy hoại trái đất. Sự phồn vinh dẫn đến ô nhiễm, không phải là phồn vinh thực sự. Ðó là cái lợi nhỏ trước mắt, nhưng tai hại lâu dài về sau". Ernest Callenbach, tác giả quyển "Living Cheaply With Style" đã đưa ra lý thuyết "Tam Giác Xanh -- Green Triangle" về Môi trường, Sức khỏe và Tiền bạc. Ông nói "Khi bạn làm tốt cho một thứ, hai thứ còn lại cũng được lợi". Lý thuyết này được cho là đúng đến 96-98% các trường hợp. Ông thí dụ "Nếu bạn có một chế độ ăn uống kiêng cữ, sức khỏe bạn sẽ tốt hơn, bạn sẽ dễ dàng được tiền và dĩ nhiên tốt cho môi trường vì việc chăn nuôi gia súc ăn thịt làm hại môi trường". Hay nếu bạn đi bộ hoặc đi xe đạp thay vì lái xe hơi thì không khí đỡ ô nhiễm, phổi bạn tốt hơn, thể dục được cơ thể và tiết kiệm tiền xăng dầu, bảo quản xe.
Ngoài việc giản đơn đời sống vật chất, đời sống nội tâm cũng cần được giản lược. Hãy dẹp bỏ những suy nghĩ cũ không còn lợi ích gì cho ta, những vết thương tình cảm, lòng hối hận, ghen tương, hờn giỗi ... Hãy bắt đầu bằng sự chú tâm theo dõi mọi hành động, mọi vọng tưởng của chúng ta.
Theo Janet Luhrs, biên tập của báo Simple Living Journal, bước ban đầu để đi đến cuộc sống đơn giản là theo dõi, chú tâm vào tất cả những việc làm, hành động của chúng ta suốt cả ngày. "Chỉ có sự chú tâm mới dắt chúng ta đi đúng đường".
Sống đơn giản, thật ra chỉ giản đơn là áp dụng thực tập Thiền hay Yoga vào mỗi giây phút của đời sống. Ðó là phương cách để tập trung lại những phân tán, chia rẽ trong cuộc sống của chúng ta. Áp dụng vào đời sống những đặc tính chúng ta đã học được khi ngồi Thiền, hay tập Yoga như sự theo dõi, chú tâm, kỷ luật vào thế giới thứ hai khi chúng ta đã rời chiếu Thiền, một cách chuyên cần, sẽ giúp chúng ta sống an bình trên cõi đời đầy bất trắc và đầy nguy hiểm này.
(NSGN, 12-96)
Special thanks to anh Nguyen Quang Trung for kindly retyping this article .