Phương Cách Làm Phát Triễn các Thiện Pháp

Thiền sư U Silananda

oOo

Trong Pháp Cú Kinh có câu kệ nỗi tiếng ghi lại một cách tóm tắt lời dạy của chư Phật. Lời dạy của tất cả các vị Phật đều bao gồm trong câu này và có lẽ chúng ta đã nghe nhiều lần: " Kkông làm điều ác, làm điều lành và giữ tâm trong sạch, đây là lời dạy của chư Phật ". Trong suốt 20 năm trời, mỗi lần chư tăng họp lại để cùng nhau làm lễ phát lồ vào ngày rằm và mồng một, Ðức Phật đều có thuyết pháp để khuyên nhủ các vị tỳ kheo cố gắng tu hành; phật ngôn này được thuyết trong những dịp này và có tên gọi bằng tiếng Pali là Ovada patimokkha. Ai trong chúng ta cũng muốn thực hành theo những lời dạy của Ðức Phật, chúng ta đang cố gắng thực hành theo những lời dạy đó và thiền tập là một phương thức thực hành theo lời dạy của Ngài một cách đầy đủ trọn vẹn.

Khi thiền tập chúng ta cố gắng loại trừ những tâm bất thiện, tích trữ càng nhiều càng tốt những thiện tâm và cùng lúc thanh lọc tâm khỏi những ô nhiễm. Như thế khi thiền tập chúng ta đã làm theo phật ngôn trên một cách đầy đủ. Ngoài những buổi thiền tập, trong đời sống sinh hoạt hằng ngày chúng ta cũng muốn cố gắng làm theo phật ngôn trên vì chúng ta hiểu rằng những bất thiện nghiệp hay những hành động ác đã trổ quả xấu đưa đến đau khổ và những việc lành hay thiện nghiệp sẽ tạo quả an vui. Vậy muốn tránh quả xấu ta đừng làm việc ác và muốn được quả lành ta nên tích trử thật nhiều thiện nghiệp.

Dù tâm của ta luôn luôn mong muốn tránh làm các việc bất thiện và cố tạo thiện nghiệp, trong thực tế rất khó tránh những bất thiện nghiệp về tâm, tức là những tư tưởng bất thiện. Ðiều này dễ thấy nếu chúng ta để vài phút để suy gẩm, ta sẽ thấy trong một ngày tâm của chúng ta nghỉ điều xấu nhiều hơn là điều tốt. Có một vài bất thiện tâm tuy không quá xấu nhưng đã bất thiện thì quả chẳng lành, vì thế nên chúng ta phải tránh các tư tưởng bất thiện càng nhiều càng hay và nuôi dưỡng các thiện tâm. Ðể làm điều này trong Chú giải của Vi Diệu Pháp có một đoạn mà ta có thể dựa vào đó làm theo để thực hiện điều chúng ta muốn: tránh bất thiện nghiệp và tạo hay làm cho thiện nghiệp càng lúc càng nhiều thêm lên. Chú giải của Vi Diệu Pháp đặt câu hỏi là làm thế nào để giữ được thiện tâm khi gặp phải một đối tượng mà thông thường khi gặp thì tâm ta phát khởi lòng tham đắm dính mắc. Chú giải này giải thích phương cách làm thế nào để khi gặp một đối tượng như vậy tâm ta không trở nên ô nhiễm. Có 4 phương cách để đạt được mục đích này.

1. Phương cách thứ nhất: Quyết tâm mạnh mẽ.

Quyết định hay sự quyết tâm mạnh mẽ để giữ cho tâm khỏi bị ô nhiễm theo tiếng Pali có nghĩa là giới hạn hay thu hẹp lại, hay giữ cho tâm luôn luôn ở trạng thái thiện. Sự quyết tâm mạnh mẽ có thể thực hiện bằng nhiều cách. Chúng ta có thể nguyện: " Tôi sẽ gìn giữ thân, khẩu, ý trong sạch để cho tâm không bị ô nhiễm và tôi gố gắng để cho thiện tâm luôn luôn phát khởi qua 6 căn (mắt, tai, mủi, lưỡi, thân, tâm gọi là lục căn, bất cứ một tâm thức nào phát khởi cũng qua một trong 6 căn ấy). Hoặc là chúng ta có thể nguyện: " Tôi cố gắng cẩn thận chỉ để cho các tư tưởng thiện phát khởi trong tâm thôi " hoặc " Dù điều kiện hay hoàn cảnh thế nào chăng nữa, tôi luôn luôn biết kham nhẫn chịu đựng, biết tha thứ để cho bất thiện tâm đừng dấy lên " hoặc " Tôi sẽ cố gắng, tự hứa không bao giờ có tư tưởng xấu xa ". Khi có ý định như vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng tâm ta không luôn luôn bị ô nhiễm. Người đã có tâm quyết định vững mạnh như thế, tâm người ấy luôn luôn hướng bề các thiện pháp. Người này cho dù có gặp những vật ưa thích vừa lòng hay vật mình không vừa ý, tâm người ấy không bị các ác pháp đè nén xui đẩy làm những bất thiện nghiệp. Ví dụ một người luôn luôn nguyện giữ một tâm bố thí rộng rãi, khi có một vật gì đẹp đẽ hay đặc biệt, thường nghĩ đến chuyện bố thí hay đem vật ấy cho một người nào. Câu chuyện một bà tín nữ ở Rangoon, luôn luôn có tâm bố thí, có vật gì đẹp, tốt, hiếm có bà cũng tính chuyện đem đến chùa dâng đến các sư. Nếu tâm ta cương quyết hướng về các điều lành thì dù gặp khó khăn bao nhiêu, ta cũng không có những hành vi bất thiện.

Các Sư thuộc hệ phái Nam Tông giữ rất nhiều giới và một trong những giới đó là không ăn gì sau giờ ngọ. Tâm của các vị này được điều kiện hóa nên cho dù buổi chiều có thấy món ăn nào ngon, món gì đặc biệt, tâm cũng không thèm khát quá độ. Bởi vì các Sư hiểu rằng họ không được ăn chiều. Nhờ quyết tâm giữ giới cho trong sạch mà các vị không tạo những bất thiện nghiệp liên quan đến thực phẩm. Trên thực tế, một số Sư vì không ăn buổi chiều nên khi thấy thực phẩm vào buổi chiều tâm không mấy thích. Ðối với các thiền sinh thực tập thiền Tứ Niệm Xứ cũng vậy. Trong các khóa thiền, thiền sinh hiểu là mình không được ăn buổi chiều nên không thấy thèm khác quá độ. Như vậy, vì muốn giữ giới thiền sinh đã tránh được các bất thiện pháp và tạo thêm được các thiện nghiệp. Do đó khi chúng ta quyết tâm mạnh mẽ, không muốn làm những điều xấu, hướng về các việc lành thì bất thiện tâm không có cơ hội phát khởi lên.

2. Phương cách thứ hai: Thay đổi tư tưởng .

Ðó là phương cách thay đổi tư tưởng của mình. Khi tư tưởng xấu đã phát lên, ta có thể thay đổi nó thành tốt bằng cách nhìn hay nghĩ đến đối tượng theo một cách khác hơn, để cho tâm ta không phải bị ô nhiễm. Ví dụ khi một người nhìn một người khác phái của mình,tham dục có thể phát khởi lên trong tâm người ấy. Người này có thể ngăn chận những tà tâm này bằng cách suy nghĩ đến tuổi tác của người khác phái này .Nếu bằng tuổi anh hay chị mình, ta coi họ như anh chị ruột; nếu bằng tuổi cha, mẹ, con, em, ta coi họ như là cha, mẹ, con, em của mình. Thay đổi như vậy tâm tham dục sẽ biến mất, rồi sau đó mình có thể dùng tâm từ hay tâm bi rải đến cho người ấy.

Một cách khác là chúng ta có thể phát triễn sự suy nghiệm về những uế trược của thể xác. Một người dù dáng bề ngoài xinh đẹp, đáng yêu bao nhiêu, ta cũng tìm thấy rằng thân người ấy chứa đựng những vật ô uế đáng nhờm gớm như nước mắt, mồ hôi, phẩn, nước tiểu, đờm, mủ, máu, v.v... Nhờ suy nghiệm quán tưởng như vậy, tham dục sẽ biến mất để thế vào đó thiện tâm.

Nếu đối tượng hay người mà chúng ta gặp là người xấu xa khiến cho tâm sân phát khởi, ta có thể biến nó thành tâm từ hay bi mẫn. Rải tâm từ hay tâm bi đến người này, ta đổi tâm sân hận là bất thiện tâm thành thiện tâm.

Lúc có một vật gì đẹp, tâm ta thường thích thú và dính mắc vào nó. Trường hợp này ta có thể quán tưởng tính cách vô thường giả tạm của vật ấy để giảm bớt lòng tham đắm. Ví dụ khi ta có một cái bình xưa hay các đồ sứ cổ quí giá đắt tiền, chắc là tâm ta ưa thích và dính mắc vào những vật quí này. Ta nên suy nghiệm những vật này sẽ không tồn tại mãi mãi, có ngày sẽ bể hay hủy hoại. Nhờ suy niệm như vậy, nếu ta không dẹp bỏ 100% tâm tham đắm hay dính mắc vào chúng, ít ra chúng ta cũng kiểm soát được một phần nào .

Khi giận ai hay một vật gì, ta có thể suy niệm rằng vật ấy được tạo nên bởi 4 yếu tố đất, nước, gió, lửa. Ta cũng do 4 yếu tố đất, nước, gió, lửa tạo nên. Chẳng lẽ đất giận đất, lửa giận lửa hay gió đi giận gió ...Khi biến vật hay người thành tứ đại, ta sẽ thấy đối tượng giận dữ của ta cũng sẽ mất, không còn... và bất thiện tâm sẽ trở thành thiện tâm.

Chúng ta cũng có thể tránh những bất thiện tâm bằng cách hướng tâm về những sinh hoạt tâm linh khác như đọc sách, kinh, luận đạo, dạy đạo, nghe pháp hay làm công việc nhà. Khi làm những điều này tâm ta bận rộn không còn nghĩ đến những điều bậy, bất thiện tâm biến thành thiện tâm .

3. Phương cách thứ ba: Biến thiện pháp thành thói quen.

Phát triễn các thiện pháp bằng cách gố gắng biến các thiện pháp thành những thói quen. Ví dụ như khi quí vị thường hay đọc kinh, nghe pháp, bàn luận Phật pháp hay dạy Phật pháp cho người khác. Những điều này nếu được làm thường xuyên sẽ rở thành những sinh hoạt quen thuộc. Khi thiện pháp được làm thường xuyên thì khi một tâm thức phát khởi, nó có khuynh hướng nghiêng về thiện hơn là bất thiện. Rất nhiều người nhận xét rằng sau một thời gian thiền tập hay học Phật pháp lâu, nhhững bất thiện tâm ít phát khởi trong tâm, bởi vì những vị này đã biến thiện tâm thành những sinh hoạt quen thuộc của tâm ý. Nhiều người khi đến chùa làm công quả, họ để hết tâm trí vào những công chuyện này nên không còn thì giờ nghĩ đến nhừng điều bất thiện. Như vậy khi làm những gì để cho tâm thiện trở nên một thói quen thì khi phải gặp những trường hợp khó khăn bất thiện tâm cũng không dậy lên một cách dễ dàng. Như vậy nhờ làm các việc lành một cách thường xuyên mà bất thiện tâm không có cơ hội phát triễn và tâm ta có nhiều niệm lành hơn là tư tưởng bất thiện.

4. Phương cách thứ tư: Suy nghĩ chơn chánh (yoniso manasikara)

Yoniso manasikara có nghĩa là sự suy nghĩ chơn chánh, sự chú tâm chơn chánh để cho thiện pháp luôn luôn phát khởi trong tâm.

Ðức Phật dạy: Sự suy nghĩ chơn chánh là nguồn gốc hay là nhân của các thiện pháp. Lúc nào mà sự suy nghĩ chơn chánh có mặt, lúc đó ta thường làm những điều thiện, điều lành. Có hai loại suy nghĩ chơn chánh: loại thứ nhất áp dụng trong đời sống thường ngày và loại thứ hai áp dụng trong khi thiền tập. Ví dụ: Khi bị ai chỉ trích, ta lấy làm giận, ta rất khó chịu, nhưng nếu có sự suy nghĩ chơn chánh, ta có thể suy nghĩ như vâỳ: người này chỉ trích ta vì họ không hiểu những gì đã xẩy ra. Nếu họ biết điều đó, chắc chắn họ sẽ phải xấu hổ và xin lỗi mình. Ngày hôm nay ta bị người này chỉ trích vì trong quá khứ mình đã chỉ trích người khác. Ðây chỉ là quả của một nhân bất thiện ta gieo từ trước, ta hãy hoan hỉ chấp nhận và không còn lý do chính đáng nào để tức giận hay khó chịu. Nếu biết suy nghĩ như vậy ta sẽ tránh được những bất thiện tâm, những phiền não phát khởi trong tâm.

Chúng ta có thể suy gẩm một cách khác nữa: bị chỉ trích là điều mà không ai tránh khỏi; ngay cả Ðức Phật cũng bị chỉ trích nữa. Ngay cả Ðức Phật cũng không tránh khỏi bị chỉ trích thì ta làm sao tránh được. Giận khi bị người khác chỉ trích là phản ứng của người tầm thường. Ngược lại người bị chỉ trích mà tâm bình thản không chao động là điều chỉ có thể làm được bởi các vị thánh nhân như Ðức Phật và các vị đệ tử của Ngài. Vậy ta nên theo gương của các vị thánh nhân, ta không giận vì bị chỉ trích. Nhờ suy nghĩ như thế, chúng ta sẽ tránh được những bất thiện tâm và có được những thiện tâm.

Chúng ta có thể suy gẩm một cách sâu xa hơn khi bị chỉ trích. Ai là người chỉ trích ? Người chỉ trích ta vào lúc đó chẳng là gì khác hơn là bất thiện tâm, tâm sở và thân ( hay sắc ) hay người ấy chỉ là danh và sắc. Danh sắc chỉ trích ấy đã phát khởi và biến mất, được thay thế bởi danh sắc khác vừa mới xuất hiện. Nếu ta giận người ấy bây giờ thì cũng như ta trả thù những đứa con và đứa cháu vì nhũng điều mà cha ông chúng đã làm cho mình. Như vậy là không đúng, không công bình chút nào, vì ta trút cơn giận lên đầu những ngưòi vô tội. Suy nghĩ như vậy chắc chắn cơn giận của ta sẽ nguôi ngoai. Và tương tư như vậy ta nghĩ đến mình: Ta là ai ? ai bị chỉ trích ?. Ta cũng chỉ là danh sắc; danh sắc bị chỉ trích giờ đã biến mất, một cặp danh sắc mới vừa xuất hiện. Nếu ta giận những người chỉ trích mình thì cũng như những đứa con cháu của ta trả thù cho những đau khổ mà cha ông mình đã chịu. Suy nghĩ như vậy chắc chắn chúng ta sẽ bớt giận khi bị chỉ trích.

Như vậy ta có thể áp dụng sự Suy Nghĩ Chơn Chánh vào những gì xảy ra hằng ngày trong đòi sống của chúng ta. Ví dụ có ai đứng dậy bỏ đi ra trong lúc Sư đang thuyết pháp, sư sẽ giận ghê lắm. Sư nghĩ rằng người ấy thiếu lịch sự, thiếu kính trọng Phật pháp, thiếu kính trọng pháp sư và thiếu lịch sự dối với những người đang nghe pháp. Khi nghĩ vậy, bất thiện tâm hay phiền não đang khởi dậy trong tâm sư. Nhưng nếu biết áp dụng sự Suy Nghĩ Chơn Chánh, sư sẽ tự bảo rằng người ấy bỏ đi ra vì người ấy chắc phải đi gặp ai hoặc có chuyện gấp cần làm không thể trì hoãn, nhất là người này đã đén đây tập thiền nhiều lần, một thiền sinh thuần thục chắc không dám có cử chỉ thiếu kính trọng dối với pháp sư hoặc pháp bảo. Như vậy áp dụng sự Suy Nghĩ Chơn Chánh sẽ loại trừ những bất thiện tâm.

Một ví dụ khác: Quí vị đang tham thiền và có ai làm ồn ào gây tiếng động. Nếu không áp dụng sự Suy Nghĩ Chơn Chánh, ta sẽ giận, tâm chao động và không thiền tập được. Nhưng nếu suy nghĩ rằng họ làm ồn ào vì không thể tránh được, không cố ý làm phiền người khác. Thực sự mình nên cám ơn người này đã cho mình một dịp để tập đối đầu với những chuyện bực mình một cách đúng lúc khi thiền tập. Như vậy nhờ áp dụng sự Suy Nghĩ Chơn Chánh, ta tránh được những bất thiện tâm .

Trên đây là bốn phương cách được ghi trong Chú giải (Vi Diệu Pháp) để cho thiện ta được phát khởi dù khi gặp những đối tượng không vừa lòng. Ngài Hòa Thượng Thiền Sư Mahasi nhận xét rằng 4 phương cách này (quyết tâm không làm ác, chuyển tâm, tạo thói quen làm việc thiện và áp dụng sự Suy Nghĩ Chơn Chánh) mới nghe qua thì tuởng rất dễ làm theo. Trong thực tế muốn làm được những điều này ta cần đến thiền tập, cần đến sự huấn luyện tâm hay đào luyện tâm ý. Vì vậy điều chính yếu ở đây là để theo được 4 phương cách trên ta phải dạy dổ tâm nhờ phép thiền định. Khi tâm không được dạy dổ uốn nắn, nó rất ương ngạnh cứng đầu. Tâm khi được huấn luyện bằng thiền tập, tâm trở nên dễ dạy, dễ uốn nắn.

Chúng ta có thể thử áp dụng 4 phương cách trên mà không nhờ thiền tập. Nhưng muốn thực sự đạt được như ý mong muốn, ta cần phải thiền tập. Chỉ nhờ có thiền tập tâm mới được huấn luyện để khi gặp trường hợp phải đối đầu với những phiền não tham sân si có thể phát khởi, ta mới có thể kịp thời ngăn chận và biến chúng thành những thiện tâm. Do đó Ngài Mahasi dạy rằng bí quyết thành công trong việc áp dụng 4 phương cách trên là sự huấn luyện tâm bằng phương pháp thiền.

Cho dù sự thành công hoàn toàn trong việc áp dụng 4 phương cách trên chỉ đạt được nếu có thiền tập, nhưng nếu biết áp dụng sự Suy Nghĩ Chơn Chánh, ta sẽ gặt hái được nhiều lợi ích trong sinh hoạt hằng ngày trong khi cư xử với người khác. Ví dụ: Khi ai lái xe cắt ngang trước mặt quí vị giận lắm, và cơn giận có thể sai khiến ta làm những điều xấu, có hại cho mình và người khác. Nhưng nếu áp dụng sự Suy Nghĩ Chơn Chánh, chúng ta có thể nghĩ rằng ngưòi lái xe kia đang gặp chuyện gấp cần đi mau nên lái bất cẩn như thế. Hoặc quí vị có thẻ dùng lòng bi mẫn thương xót, tội nghiệp cho y vì một người thường lái xe kiêủ đó rất dễ gặp tai nạn do sự bất cẩn ... Nhờ suy nghĩ như vậy ta bớt giận và thay vào đó một thiện tâm và lòng bi mẫn. Trong đời sống gia đình cũng vậy, chúng ta nên xem lại coi thử ta có thể áp sụng sự Suy Nghĩ Chơn Chánh này vào những trường hợp nào dẻ bảo vệ hạnh phúc gia đình, tránh sự đụng chạm, làm cho tình cảm gia đình ngày càng thêm thắm thiết ...Nếu biết áp dụng sự Suy Nghĩ Chơn Chánh một cách khéo léo, mối tương quan của mình và mọi người chung quanh sẽ trở nên tốt đẹp hơn, đời sống chúng ta sẽ được cải thiện, chúng ta sẽ sống an vui hạnh phúc hơn.

Tôi xin đề nghị: để tránh những bất thiện tâm có thể phát khởi lên trong tâm quí vị thúc đẩy làm điều ác, quí vị nên viết chữ " YONISO MANASIKARA " ( hay Suy Nghĩ Chơn Chánh ) dán khắp nơi, trong phòng tắm, trong xe, trên bàn làm việc hay viết trên tấm giấy bìa bỏ trong túi, khi nào sắp sửa nổi giận mình đem ra nhìn vào đó thì sẽ biết nên làm gì.

Loại Suy Nghĩ Chơn Chánh thứ hai áp dụng vào lúc thiền tập. Yoniso manasikara được định nghĩa và giải thích trong Chú giải là: hiểu được những gì Vô thường là Vô thường, Khổ là Khổ, Vô ngã là Vô ngã, Bất thiện là Bất thiện; thấy được bản chất của mọi sự vật là Yoniso manasikara, là sự Chú Tâm Chơn Chánh lúc hành thiền. Ở đây Ngài Mahasi Sayadaw dạy rằng, dù Chú giải chỉ nói Yoniso- manasikara là hiểu những gì Vô thường là Vô thường, Khổ là Khổ, Vô ngã là Vô ngã, nhưng chúng ta phải hiểu là nó bao gồm sự thấy rõ bản chất thực sự của mọi hiện tượng hay của Thân và Tâm. Nếu không hiểu rõ đặc tính riêng biệt của Danh và Sắc, chúng ta sẽ không thấy rõ Vô thường, Vô ngã ... Tóm tắt, phải chú ý vào những gì đang xảy ra trong hiện tại và thấy rõ tính chất thực sự của Thân và Tâm, thấy chúng vô thường, khổ và vô ngã, đó là Yoniso manasikara.

Yoniso manasikara được dịch là sự hiểu, biết; chữ này đồng nghĩa với Panna (Trí tuệ). Khi có Yoniso manasikara, chúng ta hiểu thấu bản chất thực sự của các pháp hữu vi hay của Thân và Tâm, vì vậy Yoniso manasikara được xem là đồng nghĩa với Panna và đối với những phàm tuệ thì tuệ thấy rõ 3 tướng Vô thường, Khổ não và Vô ngã là tuệ cao nhất, nên Chú giải giảng nghĩa Yoniso- manisikara là sự hiểu rõ 3 tướng này.

Vì định nghĩa của chữ Yoniso manasikara là Chú tâm chơn chánh, chánh niệm về những gì đang phát khởi nên sự thất niệm, không hay biết những gì đang xảy ra, gọi là Ayoniso manasikara. Ayoniso manasikara tự nó là bất thiện tâm và nếu không phải là bất thiện tâm, nó cũng tạo cho bất thiện tâm điều kiện để phát khởi. Vậy muốn đạt được sự Suy Nghĩ Chơn Chánh một cách đầy đủ và thâm sâu, ta cần thực tập Thiền Minh Sát Tuệ và ít ra phải đạt được từng tuệ, thấy rõ bản chất riêng biệt của chúng và thấy rõ chúng là vô thường, khô não, vô ngã.

Ðây là bốn phương cách ghi rõ trong Chú giải của Vi diệu pháp, theo đó thiện tâm có thể phát khởi ngay cả khi ta gặp phải những đối tượng có thể làm cho bất thiện tâm hay phiền não dấy lên. Ngài Mahasi Sayadaw nhận xét muốn thực hành được 4 phương cách này, ta cần có sự hổ trợ của thiền tập. Ðiều này rất đúng, nhưng tôi nghĩ thay vì chờ đợi cho tâm ta được thiền uốn nắn dạy dổ một cách thuần thục, ta có thể đồng thời áp dụng song song: một mặt ta hành thiền để huấn luyện tâm, mặt khác ta đem bốn phương cách trên ra áp dụng để tránh những tư tưởng bất thiện và thay vào đó những thiện tâm càng nhiều càng tốt.

Tỳ kheo Trí Dũng chuyễn ngữ,
Liễu Pháp hiệu đính


[Trở về trang Thư Mục]