Thiền -- Sự Tỉnh Thức Với Người Thầy Giáo

Hữu Huy


Tôi sanh ra trong một gia đình theo đạo Phật, và do đó tôi theo đạo Phật với tính cách "cha truyền con nối". Trên thực tế tôi rất ít chú ý tới vấn đề tôn giáo, nói chung. Một phần vì tôi thấy đa số người theo một tôn giáo nào đó thường đi lễ, đi chùa với mục đích để cầu phước lành cho kiếp sống hiện tại và để được lên thiên đường hay cõi cực lạc sau khi lìa bỏ cõi đời. Phân tích kỹ sự kiện này, tôi thấy có nhiều điều phi lý, mơ hồ, hoặc thậm chí còn "mê tín" nữa. Một lý do khác nữa khiến tôi thờ ơ với tôn giáo là vì tôi vốn là người trọng khoa học. Ngay từ lúc còn trẻ, tôi đã say mê với những thành tựu kỳ diệu của khoa học, coi khoa học như một cứu cánh có thể đem lại hạnh phúc cho con người; và tôi thấy tôn giáo có vẻ như đối lập với khoa học.

Mãi cho tới cách đây vài năm, khi đã bước vào tuổi ngũ tuần, tôi mới chú ý đến tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, cũng do một sự tình cờ. Tôi là một giáo viên dạy ngoại ngữ, và một hôm một Ni cô trong lớp học Anh văn buổi tối đưa cho tôi đọc quyển "The Buddha and his teachings" (Ðại đức Narada). Ðọc xong, tôi khen hay, và ni cô đưa tiếp cho tôi cuốn "What the Buddha taught" (Ðại đức W. Rahula). Sau khi đọc xong 2 quyển sách trên, tôi như bừng tỉnh và thấy triết lý nhà Phật không phải là thần bí, viễn vông mà rất thực tiễn, có thể đem lại niềm an lạc thực sự cho con người. Tôi bắt đầu đi nghe giảng, đọc sách Phật, và đặc biệt chú ý đến thiền. Tôi có tham dự khóa hướng dẫn tu thiền và tới nay tôi mới chỉ hành thiền được hơn 1 năm, tôi đã có những biến chuyển tích cực mà bản thân tôi và những người xung quanh đều cảm nhận được.

Trước hết là sức khỏe tôi được ổn định tốt. Bằng phương pháp theo dõi hơi thở kết hợp với thư giãn tôi không còn bị bệnh vặt, và nhất là những trục trặc về tim đã giảm nhiều. Những trục trặc này có lẽ là do tôi bị stress quá mức (có khi tôi dạy học chạy "sô" tới hơn 10 giờ/ngày).

Thứ hai, tinh thần tôi rất phấn chấn. Với trên 25 năm trong nghề, lúc chưa hành thiền, tôi đã cảm thấy chán và mệt mỏi. Thường thì cứ lúc ngủ dậy tôi đã hình dung ra những hoạt động quá quen thuộc của những giờ sắp tới. Cũng những bài học ấy sẽ được nhai đi nhai lại nhiều lần. Cũng lại sẽ gặp những khuôn mặt học sinh tương tự nhau, có cá tính như nhau. Một số ít học sinh khá làm tôi hài lòng; một số không hiểu bài, ngơ ngác làm tôi khó chịu; một số khác thì lười biếng, quậy phá làm tôi tức giận... Về đến nhà thì mệt lả, nhìn mâm cơm không muốn ăn... Rồi còn phải lo nhiều việc khác như chấm bài, soạn bài, giải quyết nhiều việc gia đình v.v... Ðối với tôi quả là một gánh nặng, một sự căng thẳng phải gồng mình chịu đựng.

Bây giờ tôi đã thay đổi thái độ. Thức dậy, tôi không nhìn vào tương lai với vẻ ngao ngán như trước, mà chỉ ý thức viện hiện tại mình đang làm. Trong khi tập thể dục, tôi tận hưởng cái khí trời trong mát của buổi sớm mai, tưởng chừng nó thấm vào từng làn da thớ thịt. Ði tắm sau khi tập, tôi tận hưởng niềm sảng khoái khi được nước mát tẩy rửa những dơ bẩn trên cơ thể. Trong bữa ăn sáng đạm bạc, tôi chú ý đến từng miếng cơm, từng động tác nhai, từng vị ngọt của thức ăn tiết ra... Bất cứ lúc nào tôi có những ý tưởng viễn vông, tôi dùng phép quán hơi thở để trở về với thực tại. Trong lúc đi đường tới trường, tôi không đi một cách máy móc, hấp tấp cho mau tới nơi như mọi khi, mà đi với một tư thế thoải mái, không nôn nóng cho mau tới đích, không bực bội khi bị kẹt xe.

Tôi luôn luôn tâm niệm và cố gắng ở trong tình trạng mà sách thiền gọi là "Tỉnh thức": ý thức từng giờ từng phút mình đang làm cái gì. Trong lớp học, tôi chú ý đến việc giảng dạy. Hòa mình với các em, tôi thấy không còn sự ngăn cách giữa thầy và trò; giữa các em và tôi là một, và tự nhiên tôi hiểu các em một cách lạ lùng; ở mỗi em, dường như tôi đều có một sự khám phá mới... Chính nhờ thế mà sự truyền đạt của tôi có phần sinh động, "có hồn", và các em dường như cũng tìm được sự hứng thú nên rất chú ý nghe giảng. Mỗi giờ mỗi phút trong lớp đều có một cái gì mới mẻ, một cái gì kỳ diệu chứ không phải là những hoạt động đều đều, nhàm chán được sao chép lại hàng ngày như xưa kia. Chú ý đến từng động tác, từng lời nói, từng ý tưởng... tôi thấy mình tự nhiên sáng ra, nhớ thêm được nhiều chi tiết, nhờ vậy bài học được phát triển và trình bày phong phú, mạch lạc hơn xưa nhiều.

Triết lý Phật giáo, trong đó có thiền, đã thổi một làn gió mát vào cuộc đời tôi, mang cho tôi sự an lạc trong cuộc sống quay cuồng của thời đại khoa học, vật chất ngày nay. Mới tu ở trình độ "sơ cấp" mà tôi đã đạt được kết quả đáng mừng như vậy, khiến tôi có suy nghĩ: tu rốt ráo theo Phật giáo sẽ đạt tới cảnh giới "an lạc trong hiện tại".

Hữu Huy
Sài Gòn, 1997


Chân thành cám ơn anh Nguyễn Quang Trung đã có thiện tâm giúp đánh máy lại bài viết nầy (10/97)