Thiền Minh Sát Tuệ và
sự quay về Phật Giáo ở Ấn Ðộ

Tấn Lộc dịch


Nhờ vào sự đau khổ của con người, những lời giảng dạy của đức Phật lại một lần nữa được đề cao tại Ấn Ðộ, nơi cách đây hơn 2500 năm "nhà lãnh đạo tinh thần toàn cầu" đã lập nên nền Phật giáo của thế giới. Mặc dù kỹ thuật thiền định Vipassana được đức Phật giảng dạy từ lâu, nhưng hiện tại việc áp dụng này để hóa giải các đau khổ và nội kết trong đời sống thực tiễn là do công lao của S.N. Goenka - một cựu kỹ nghệ gia người Miến Ðiện, hiện là một đạo sư nổi tiếng trên thế giới về thiền định với sứ mạng cao cả là phục hồi nền Phật giáo ở Ấn Ðộ.

I. Sự Phục Hồi Phật Giáo ở Ấn Ðộ

Sau khi các khoá thiền cho người Ấn Ðộ đạt kết quả mỹ mãn, Ðạo sư SN. Goenka muốn cứu vãn nền Phật giáo Ấn Ðộ bằng cách hóa giải sự hiểu lầm của người Ấn về đức Phật và đạo Phật. Từ lâu các giảng sư đạo Hindu dạy cho người Ấn rằng đức Phật là hóa thân của thần Vishnu xuống trần gian để tiêu diệt ma quái. Nhiệm vụ của ông là làm cho người Ấn phải nhìn nhận đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật với những sự hướng dẫn về tâm linh một cách thực tiễn và hiệu quả.

Từ khi kinh điển của Phật giáo ở Ấn Ðộ bị mất, Viện khảo cứu Vipassana của Goenka đã và đang xuất bản toàn bộ 14 bộ kinh "Tipitaka" (Tam Tạng) chứa đựng tất cả những lời giảng dạy của đức Phật (cùng những lời bình luận và phụ chú) bằng tiếng Pali. Bước kế tiếp của ông là dịch các bộ kinh quan trọng sang tiếng Hindu - một ngôn ngữ chính của Ấn Ðộ.

Viện cũng xuất bản vài quyển sách về thiền pháp bằng ngôn ngữ đơn giản để Phục vụ quảng đại quần chúng. Với các phần mềm máy vi tính hiện đại, viện sẽ chuyển ngữ các bộ kinh Devanagiri của người Ấn sang tiếng Ý, Thái, Miến Ðiện, Singhalese và Kampuchia để giúp cho Phật tử tham khảo được nguồn pháp bảo vô giá nầy. Những kinh điển nầy cũng sẽ được lưu trữ trên CD-ROM để tiện việc khảo cứu. Một dự án lớn khác là xây dựng ngôi chùa cao 100 mét gần Bombay, một trung tâm thương mãi của Ấn Ðộ. Không giống như các ngôi chùa bình thường theo phương thức lễ nghi tụng niệm, cơ sở nầy lập ra để cho mọi người đến học hỏi và thực tập thiền định. Ðây cũng là nơi triển lãm về đời sống và sự giảng dạy của đức Phật bằng những phương tiện nghe nhìn hiện đại. Goenka giải thích : "Món quà pháp là món quà tốt hơn cả. Tôi hy vọng rằng việc hoàn thành hai dự án nầy sẽ thúc đẩy việc giáo dục công chúng Ấn Ðộ về Phật giáo và giáo pháp của Ngài ".

II. Khóa Thiền Minh Sát Tuệ (Vipassana) 10 Ngày Ðể Tịnh Thân - Khẩu - Ý

Khởi đầu từ nơi cắm trại đầu tiên, hiện giờ có tới 30 trung tâm Vipassana: 14 ở Ấn Ðộ và 16 tại nhiều nơi trên thế giới. Ngoài ra còn có một trung tâm ở Thái Lan và 20 trung tâm khác đang được xây dựng. Thiền đường trung tâm điều hành các hoạt động toàn cầu là Học viện quốc tế Vipassana (hay Dhamma Giri) tọa lạc trên một ngọn đồi ở Igatpuri, bang Maharashtra, có sức chứa đến 500 người.

Suốt khóa thiền 10 ngày, những người tham dự không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, lẳng lặng quay vào bên trong, và nghiêm trì các giới luật cơ bản, bao gồm sự kiêng cữ tất cả các chất kích thích và gây nghiện. Ước lượng có từ 300.000 đến 400.000 người đã tham dự các khóa thiền Vipassana ở các nơi trên thế giới. Những người tham dự bao gồm các tù nhân, trẻ bụi đời đường phố, học sinh phổ thông quậy phá thường được xem là bất trị và không thể cải tạo.

Nội dung khoá thiền

Thiền sinh bắt đầu tập môn "anapanasati " (sổ tức quán) trong 3 ngày đầu để tập trung ý. Họ chỉ quán sát hơi thở khi nó đi vào và đi ra cơ thể một cách tự nhiên. Ðây không phải là một bài tập thở và thiền sinh không được chỉ định kiểm soát tâm ý. Họ chỉ quán sát hơi thở. Sau 3 ngày tâm ý trở nên bình thản, phẳng lặng. Bốn ngày sau thiền sinh sẽ thực tập Vipassana. Bắt đầu là sự quán sát toàn bộ cơ thể: từ đỉnh đầu cho đến ngón chân cái và ngược lại. Thiền sinh sẽ quán sát tất cả những cảm giác không thú vị do ngồi thiền không quen như đau đớn, mệt mỏi và tê cóng. Vào ngày thứ 8, họ sẽ bắt đầu cảm nhận các giác quan. Thiền sinh sẽ học cách tự huấn luyện cho tâm giữ được bình thản trước mọi cảm giác và chú ý vào những phản ứng bên trong giữa cơ cấu thể xác và tinh thần. Sự Hiểu biết về luật vô thường giúp các học viên phát triển sự bình thản và xóa bỏ các phản ứng manh động, thô lỗ và các tập quán xấu.

Khi đã thấu hiểu sự thực bên trong, những cơ cấu của tập quán cũ bắt đầu thay đổi và người ta sẽ lần lần hóa giải được sự tham lam, giận giử và si mê. Ðến ngày thứ 10, tâm trí sẽ được thanh lọc rất nhiều ở một mức độ sâu hơn. Sau đó các học viên sẽ được dạy về "Mettabhavana" (Thiền Từ Bi) để phát triển tâm từ và yêu thương đến tất cả mọi loài.

Sau khóa thiền để duy trì sự cân bằng tâm linh khi trở lại đời sống thường ngày, người cư sĩ phải thiền định mỗi ngày ít nhất là một tiếng đồng hồ.

III. S.N. Goenka và Các Kinh Nghiệm về Thiền Minh Sát Tuệ (Vipassana)

Nếu không bị đau khổ và buồn bực triền miên, hẳn S.N. Goenka đã không nỗ lực tu tập thiền định và trở thành một trong những đạo sư nổi tiếng thế giới về phương pháp thiền định Vipassana. Hơn nữa sứ mạng của ông là giới thiệu lại một kỹ thuật đơn giản và hiệu quả.

Sau 27 năm tu tập, Goenka đã thành công trong việc khơi dậy cho mọi người một sự thích thú quan trọng cả trong kỹ thuật thiền định Vipassana lẫn việc học Phật pháp.

Với đầu bạc và đôi kính lão, cụ Goenka 72 tuổi trông không có vẻ khắc kỷ và khuôn mẫu. Ăn mặc như một thường dân Miến Ðiện - Sà-rông và sơ-mi dài tay - con người ông tỏa ra một vẻ khiêm cung, cởi mở.

Trầm ngâm một chút trước khi trả lời câu hỏi tại sao ông từ bỏ tài sản giàu có của một kỹ nghệ gia thành công và vai trò lãnh đạo một cộng đồng người Ấn tại Miến Ðiện để trở thành một vị thầy dạy thiền, ông nói : "Tất cả những tiện ích của đời sống, tất cả những thứ đem lại thỏa mãn, khoái lạc mà tôi đã tạo tác không thể đem lại cho tôi an bình ở nội tâm. Trước đây tôi là một người rất xấu, đầy tự ái và cực kỳ nóng nảy. Vì tôi không có hạnh phúc nên tôi cũng không làm cho người khác hạnh phúc. Là một nhà kinh doanh, nếu ban ngày tôi gặp thất bại thì đêm đó tôi sẽ mất ngủ. Thậm chí. lúc tôi thành công, tôi cũng bị mất ngủ vì mãi tính toán để kiếm được nhiều tiền hơn. Càng ngày thần kinh càng căng thẳng, rồi nội kết tạo ra sự bị nhức đầu kinh niên rồi dùng morphine để trấn an. Khi được bác sĩ cảnh cáo nếu tiếp tục dùng morphine sẽ dẫn đến nghiện ngập, tôi liền sang Âu châu và Hoa kỳ để điều trị. Nhưng thật là vô ích. Năm 31 tuổi, theo lời khuyên của một người bạn, tôi ghi danh dự khóa thiền 10 ngày. Thật kỳ diệu, sau một thời gian ngắn thực tập thành khẩn, bệnh nhức đầu kinh niên đã được chữa lành. Nhức đầu chỉ là một sản phẩm phụ, khi tâm bạn trở nên lành mạnh., mọi thứ bệnh thần kinh đều biến mất" .

"Vipassana hay thiền nội quán (*) là một kỹ thuật làm giảm bót ngã chấp bằng cách quán sát hơi thở, những cảm xúc cơ thể và những cảm tưởng biến hiện, nhằm mục đích giúp người ta hiểu rõ luật vô thường. Nếu đi sâu vào thiền định Vipassana, bạn sẽ nhận ra thực tướng của mọi sự. Thân thể, máu thịt mà chúng ta rất yêu mến và quan tâm chăm sóc chỉ là một dòng năng lượng lưu chuyển và biến hiện không ngừng của những cấu trúc nguyên tử. Tất cả những tình cảm, cảm tưởng, cảm giác, cảm xúc và cảm nhận (như thích và không thích, ưa và ghét ...) chỉ là những phản ứng tâm linh đối với những ghi nhận từ sáu căn đối với sáu trần. Chúng khởi lên và biến mất một cách vô thường. Qua thực tập về Vipassana, bạn sẽ thể nghiệm trực tiếp một chân lý tối cao bên trong rằng nếu con người cứ ôm giữ "cái tôi và của tôi" họ sẽ còn phải chịu khổ. Không có thực thể của cái tôi mà chỉ có một dòng tương tục và lưu chuyển của phát khởi, trở thành và biến mất khi mọi dòng biến hiện được gom lại, tập trung và được chuyển hóa, bạn sẽ đạt được sự bình thản nội tâm và lòng từ bi đối với tất cả".

Sau 14 năm nổ lực và rèn luyện, Goenka đã quán triệt và có đủ kinh nghiệm để giảng dạy kỹ thuật nầy. Sau đó U Ba Khin, vị thầy khả kính của ông, yêu cầu ông trả món nợ pháp mà Miến Ðiện đã nợ Ấn Ðộ bằng cách trao lại kỹ thuật thiền nầy cho dân Ấn. Năm 45 tuổi, ông về Ấn Ðộ để thực hiện sứ mạng của mình, mà bắt đầu là việc dạy cho gia đình ông tập thiền.

Goenka nhớ lại: "Kỹ thuật hiệu quả như lời đồn đại. Ngày càng có nhiều người đến tìm tôi mở thêm những khóa mới "

Các khóa thiền ở trung tâm Vipassana đều miễn phí. Goenka và 400 giáo viên phụ tá đều làm việc không công. Tuy có nhiều trở ngại do sự hiểu lầm về Phật giáo ở Ấn Ðộ, kỹ thuật Vipassana có những hiệu quả nổi bật đối với những ai có đủ can đảm vượt qua thành kiến. Goenka không bao giờ ép buộc người ta làm theo mình. Ông nói: "Tôi khẳng định là trong 10 ngày thành khẩn luyện tập, nếu bạn nhận thấy nó lô-gíc, tự nhiên, khoa học, có kết quả như định hướng thì bạn có thể chấp nhận học tiếp. Bằng không thì bạn có thể từ chối và ra về ."

Những năm tháng miệt mài giảng dạy đã cho ông biết rằng đàn ông, đàn bà có học thức hay không đều có khả năng bình đẳng để luyện tập thiền định.

"Mục tiêu của sự quán sát là quay về với tâm. Sự quán sát bắt đầu bằng hơi thở, sau đó là những giao tiếp giữa tâm và thể xác mà bắt đầu là những cảm giác của cơ thể. Những điều nầy rất tự nhiên và phổ biến mà ai cũng thể nghiệm được. "

Khi được hỏi tại sao ông không giống như một nhà sư xuất gia, ông trả lời: "Nếu tôi đóng vai một nhà sư thì chẳng ai đến với tôi. Tại Ấn Ðộ nhiều người hiểu lầm những lời dạy của quý sư chỉ đem lại khổ hạnh hay những điều chẳng liên quan đến cuộc sống bình nhật của thường dân. Nhiệm vụ của tôi là hóa giải sự hiểu lầm nầy. Tôi mặc quần áo cư sĩ, nhưng sống như một nhà sư trai giới phạm hạnh. Vợ tôi cũng đi giảng dạy, làm cho dân chúng thêm tin tưởng rằng họ không phải từ bỏ cuộc sống bình thường. Phật giáo dành cho mọi người, nhưng đối với cư sĩ nó là cả một vấn đề vì họ phải luôn luôn đối phó với bao nổi lo toan, thăng trầm của cuộc sống. Ngoài ra, họ phải luôn điều chỉnh lại sự mất cân bằng của nội tâm."

Ông mĩm cười hiền lành và nói tiếp: "Tôi không phải là một gu-ru hay một A-La-Hán. Tôi chỉ là một người bạn tốt của tất cả. Những gì tôi có được là niềm hạnh phúc khi nhìn thấy người ta đến với mình bằng những buồn lo rồi ra đi bằng một nụ cười hồn nhiên thơ thới ".

Lược dịch bài "Mind over Matter"
Bangkok Post, bản ra ngày 13-7-1996

(*) insight meditation (thông thường được dịch là "thiền minh sát" hay "thiền quán") -- B. Anson


Source:
Nguyệt san Phật Học, Kentucky, USA, http://www.win.net/phathoc/