Thiền là sự tỉnh thức và luôn ý thức được những gì đang diễn ra trong cơ thể bạn, trong tâm trí bạn và trong cuộc sống hàng ngày. Sự thực hành quan trọng nhất của đạo Phật chính là sự hành thiền. Tốt hơn chúng ta nên hành thiền với một nụ cười trên môi và với một tâm lý thật cởi mở, nhẹ nhàng.
Giả sử gia đình bạn có một cậu con trai khó dạy bảo, bạn sẽ cảm thấy khó yêu người con của mình. Ðiều này là một điều thật tự nhiên. Ðể được yêu thương, trước tiên người ấy phải là một người con đáng yêu. Nếu con trai bạn trở nên không đáng yêu, bạn sẽ không được hạnh phúc. Bạn rất mong là bạn có thể thương yêu đứa con ấy, nhưng cách duy nhất để có thể thương yêu nó là bạn phải thật sự hiểu con trai của mình. Trong các giờ hành thiền, bạn có thể xem con trai mình là một đề mục để hành thiền. Ðầu tiên, bạn nên dừng lại sự lan man của tình cảm và ý nghĩ, chúng có thể làm giảm thiểu năng lực tập trung của bạn trong việc hành thiền. Một đứa trẻ khi muốn làm bài tập tốt, chúng phải dừng ăn quà và nghe nhạc. Nếu muốn hiểu con trai của mình, bạn nên học cách làm dừng lại những ý nghĩ làm chuyển hướng sự chú ý của bạn. Khi thắp một ngọn đèn, nếu muốn ánh sáng tập trung trên trang sách, bạn phải cần một cái chao đèn để ngăn ánh sáng khỏi phân tán và tập trung trên trang sách. Trong việc hành thiền cũng vậy, sự ngăn lại các ý nghĩ lan man sẽ giúp bạn tập trung được vài điều cần tập trung. Với năng lực của sự tập trung ấy, bạn có thể nhìn sâu hơn vào vấn đề, hiểu được bản chất của vấn đề. Trong trường hợp này, đó là sự khó dạy bảo của con trai bạn.
Bạn đừng nên trách mắng con trai bạn. Bạn chỉ muốn biết tại sao nó lại như vậy. Qua phương pháp hành thiền này bạn sẽ tìm được các nguyên nhân mà đã đưa con trai bạn đến tình trạng như vậy. Càng nhìn sâu vào vấn đề, bạn càng hiểu. Càng hiểu, bạn sẽ càng dễ dàng thương yêu và cảm thông hơn đói với con trai bạn. Hiểu biết chính là cội nguồn của thương yêu. Hiểu biết chính là thương yêu. Hiểu biết là tên khác của thương yêu; thương yêu là tên khác của hiểu biết. Thật hữu ích nếu chúng ta thực hành giáo lý của đức Phật theo phương pháp này.
Khi bạn trồng một cây non, nếu cây ấy không lớn khỏe, bạn đừng trách cây non ấy. Bạn hãy tìm hiểu nguyên nhân tại sao nó không được lớn khỏe. Có thể nó cần thêm phân bón, ánh sáng hay sự tưới tẩm săn sóc của bạn. Cũng vậy, bạn đừng nên vội trách mắng con cái của mình. Nếu chúng ta biết cách chăm sóc dạy dỗ con cái, chúng sẽ lớn khôn và nên người. Trách cứ chẳng đưa đến kết quả tích cực nào cả ngoài sự bực bội và bất mãn. Nếu bạn hiểu biết và biểu hiện sự hiểu biết đó đói với con cái bạn thì tình trạng sẽ thay đổi.
Kinh cơ bản về thiền là kinh Satipatthana (kinh Niệm Xứ). Kinh này đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Trung Hoa, Anh, Pháp ... Theo kinh này, thực hành thiền là ý thức được những gì đang diễn ra trong cơ thể, trong tâm, trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Nếu chúng ta ý thức được những gì đang diễn ra trong tâm của chúng ta, chúng ta có thể ngăn không cho những tâm niệm xấu biểu hiện ra bên ngoài và do đó ngăn ngừa được rất nhiều những điều không hay xảy ra. Nếu không, khi mọi việc đã xảy ra thì có muốn ngăn ngừa cũng đã quá muộn. Cách cư xử các vấn đề trong đời sống hàng ngày là rất quan trọng. Cách cư xử của chúng ta đói với mọi người trong cuộc sống hàng ngày cần phải khéo léo và tế nhị. Ðiều này sẽ ngày càng trở nên tinh tế nếu ta biết hành thiền trong đời sống hàng ngày.
Có rất nhiều việc dễ làm. Chẳng hạn, trước khi ăn tối, mọi người có thể ngồi quanh bàn và tập thở, thở 3 hơi thật chậm, thật sâu. Bạn thở để tự hồi phục, để trở nên là con người của chính bạn. Rồi trước khi ăn bạn có thể nhìn mọi người và mỉm cười. Tất cả cũng chỉ mất có vài phút. Chúng ta hàng ngày ít có thời gian để gặp gỡ, trò chuyện và mỉm cười với nhau. Thật tuyệt vời nếu chúng ta biết tạo nên không khí hiểu biết, thông cảm và tin yêu trong chính gia đình chúng ta và cả ngoài xã hội. Bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái và an vui khi tập thở và mỉm cười. Ðiều kiện luôn luôn sẵn sàng. Bạn có thể thực tập trong thiền đường, ở phòng riêng hay trong công viên, dọc bờ sông ... bất cứ ở đâu. Tôi cho rằng mỗi nhà nên có một phòng riêng để tập thở và tập mỉm cười. Chúng ta có phòng ngủ, phòng tắm và nhà bếp, thế thì tại sao không có được một phòng nhỏ để thực hành thiền và hồi phục sức khỏe, làm lành mạnh thân tâm? Tôi biết có nhiều gia đình có những căn phòng như vậy. Tôi có một người bạn, khi nào cảm thấy mệt mỏi, bực bội anh ta thường bước vào phòng dành riêng để tập thở, ngồi xuống và nhẹ nhàng thư giãn. Trong khi vợ anh ta chuẩn bị bữa tối, cô ấy cũng giữ im lặng và làm việc trong chánh niệm. Những lúc như vậy, họ hiểu và cảm thông lẫn nhau thật sâu sắc. Cô ấy nói rằng: "Anh ấy thật tuyệt, không như những người khác. Anh ấy biết chuyển hóa cơn giận và sự bực bội của chính mình". Ðôi khi cảm thấy mệt mỏi, cô cũng bước vào phòng, ngồi xuống bên anh và nhẹ nhàng hít thở. Cảnh tượng ấy thật dễ thương, đẹp hơn cả một bức họa đắt tiền. Ðây là một phương pháp sống rất hay để tạo sự hòa bình và hạnh phúc trong gia đình. Và cũng thật là đẹp để bắt đầu một ngày của bạn với nụ cười an lành trên môi như chính nụ cười của đức Phật.
Nguyên Hạnh dịch
(Theo "Being Peace")