Maechee (Tu nữ) Pathomwan là một trong những Ni trưởng của Phật giáo Thái Lan. Ni sư xuất gia hơn 38 năm, đã giảng dạy phương pháp Thiền Vipassana (Thiền Minh sát) trong nhiều năm. Sau đây là những điều Ni sư chia sẻ với chúng ta về nhũng kinh nghiệm tu tập của Ni sư.
Tôi xuất gia khi mới được 12 tuổi. Từ lúc còn ấu thơ, tôi đã phát nguyện xuất gia, nên khi vừa được 7 tuổi, tôi đã xin phép cha được đi tu. Nhưng mãi đến năm tôi 12 tuổi, cha tôi mới cho phép tôi được lên ở chùa một tuần lễ, nhưng tôi cứ gia hạn từng tuần một.
Lúc trẻ, tôi đã nhận thấy dầu cuộc đời thế tục cũng sung sướng thoải mái, nhưng tôi vẫn thấy có một cái gì đó rất đặc biệt trong cuộc sống của những người xuất gia. Họ có một vẻ gì đó rất trang nghiêm, trầm tĩnh, làm tôi choáng ngợp. Lúc đầu tôi chỉ muốn thử trong một tuần lễ, như đã hứa với cha tôi.
Tuần lễ đầu tiên, tôi được học tụng kinh công phu sớm chiều; nhưng khi thấy người ta tọa thiền, tôi cũng muốn học. Tôi được dạy phương pháp tu Thiền bằng cách theo dõi hơi thở từ trong bụng. Bạn sẽ cảm nhận được không khí tràn đầy lồng ngực, bụng phồng lên, sau đó bạn thở ra và bụng xẹp xuống. Tôi muốn biết kết quả của việc thực tập này như thế nào?
Năm năm sau, khi đã tốt nghiệp trường Phật học, tôi dời về tu viện Nanachat, nơi tôi được truyền dạy về bốn phương pháp chánh niệm được coi là căn bản của Thiền.
Là một Ni cô trẻ, tôi rất sợ ma, khi phải vào ở trong một thất nhỏ cạnh khu nghĩa trang. Nhiều phen tôi sợ điếng người, nhưng quyết định tiếp tục ngồi thiền để trấn áp sự sợ hãi.
Tu viện nơi tôi dung thân còn nổi tiếng có rất nhiều rắn. Một ngày kia, khi tôi quyết định sẽ ngồi suốt 3 giờ liền, nhưng chỉ sau 10 phút, tôi cảm thấy có gì lành lạnh trên chân. Vì tưởng là ma, tôi mở choàng mắt ra. Tôi thở phào khi thấy đó chỉ là một con rắn độc, vì thế tôi càng ngồi yên hơn theo lời dặn của sư phụ.
Qua thầy tôi, tôi học được cách thiền bằng cách đưa tay lên xuống. Trước tiên trong ba ngày ba đêm tôi nâng tay lên và hạ tay xuống, cho đến khi tôi cảm được sự tỉnh thức nằm trong lòng bàn tay. Sau đó tôi thực tập trong 12 ngày liền để xem coi việc gì sẽ xảy ra. Cuối cùng tôi nhập thất trong 6 tháng liền.
Có lần tôi quyết định ngồi suốt 3 giờ để quan sát sự lên xuống, phồng xẹp của bụng. Tôi rất chú tâm, đến độ tôi cảm thấy người nhẹ lâng lâng. Khi tôi mở mắt ra, sau một lúc tưởng chừng như chỉ mới 10 phút, tôi hỏi Ni cô đến chăm sóc tôi, đã đủ ba giờ chưa, thì cô trả lời là tôi đã ngồi suốt 10 giờ!
Xuyên suốt cuộc đời, tôi cảm thấy mình đã thay đổi tính tình rất nhiều. Lúc còn trẻ, tôi rất cứng đầu. Lúc nóng giận, tôi nói năng thô lỗ, đập phá đồ đạc. Sau khi tôi bắt đầu tu, dần dần những tánh xấu này biến mất, tánh tình tôi trở nên bình tĩnh, dịu dàng hơn. Ðó là một thành quả trọng đại đối với tôi: phát triển được khả năng quan sát cơn giận khi nó phát khởi, rồi chấm dứt nó bằng chánh niệm, hiểu rất rõ ràng nguyên nhân từ đâu ra, và có thể đối mặt với nó mà không cần đến những biện pháp bên ngoài để ngăn chận. Tôi cảm thấy rằng chánh niệm, sự tỉnh thức và cái nhìn thấu đáo, rõ ràng là những yêú tố rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của tôi.
Tôi bắt đầu bằng lòng tin vào Phật giáo và Tam bảo. Và lý do khiến tôi muốn sống cuộc đời tu hành là vì muốn được an trú trong Tam bảo (Phật, Pháp và Tăng). Dần dần qua nhiều năm thực tập với chánh niệm, tất cả không còn chỉ là lòng mến mộ, mà tôi thật sự nhận ra được sự vô thường, có-không của vạn vật. Ðiều đó giúp tôi nuôi dưỡng lòng tin nơi Phật pháp và vững trụ trong đời sống tu hành của mình.
Nhận thấy được kết quả của sự tu tập của mình ngày một tăng trưởng, lòng tin vào Phật Pháp của tôi càng được củng cố. Lòng tin của tôi nhìn dưới một góc độ nào đó không thay đổi, nhưng niềm tin đó đã lớn mạnh thêm trong tôi. Tôi càng phấn khởi thực tập, tin rằng Niết bàn có thể đạt được bằng sự kiên trì nhẫn nại.
Chúng ta bắt đầu thiền định bằng sự chú tâm nơi mũi của mình, chú tâm vào hơi thở vào ra ở mũi. Con người ta cũng như một chiếc xe hơi, chúng ta cần một ống thông hơi để thông thoát tất cả những đau khổ, tiêu cực ta phải chịu đựng. Ta cần học cách hít thở sâu để làm lắng dịu tâm, và thở các tạp khí trong ta ra ngoài, cũng như khi chiếc xe thải ra ngoài các thán khí (carbon monoxide) để tiếp tục chạy máy.
Nhiều vị cư sĩ tìm đến tôi để chia xẻ tình cảm, trao đổi tâm tư. Mỗi khi họ nóng giận, tôi bảo họ thở ra, thở vào ba lần. Một khi họ đã thấy cách thức này có hiệu quả trong việc giúp họ giảm lòng sân, tăng thêm bình tĩnh, thì họ tăng thời gian thực hành lên năm hay mười phút. Tôi tăng dần thời gian cho họ, cho đến khi họ thực sự cảm nhận được những lợi ích của Thiền có thể mang đến cho họ, lúc đó họ thường xin được ngồi thiền lâu hơn.
Sau khi đã có căn bản, ta có thể duy trì chánh niệm lâu hơn, và có thể bắt đầu nhìn thẳng vào tâm. Chúng ta có thể quan sát sự khởi dậy của các cảm thọ. Mỗi cảm thọ đến rồi qua đi như thế nào? Những cảm thọ nào dấy khởi lúc ta đang tọa thiền? Ta cần phải cố gắng nhận biết các cảm thọ đang dấy khởi trong ta.
Vì tâm là nơi ta nhận biết các cảm xúc, đó cũng là nơi dấy khởi các tội lỗi. Ðó là nơi ta có thể quan sát sự dấy khởi của tham ái. Trong mọi lúc ta cần duy trì chánh niệm để có thể hiểu được các cảm thọ khởi lên trong ta, và nguồn gốc của chúng.
Một khi ta biết các tạp nhiễm có thể dấy khởi, biết nguồn gốc nơi xuất phát của chúng, thì ta có thể thực tập bằng cách quán sát chúng cho đến khi chúng qua đi.
Khi ta có thể nhìn thấu rõ các cảm thọ này, chúng sẽ biến mất. Cũng thế khi ta có thể quán sát lòng ham muốn đến, rồi đi, ta giảm bớt được sự bám víu, chấp chặt. Dần dần đối với mọi việc, như một phản xạ, ta sẽ liên tưởng đến vô thường, khổ và vô ngã; mọi việc đến đi như thế nào, trong cuộc đời ta, bao đau khổ đã đến rồi qua đi.
Tôi thường khuyên hàng cư sĩ nên thực hành hạnh Bố thí, không cần nhiều những bố thí ở bên ngoài, có tính cách vật chất, mà cần những sự bố thí tinh thần như tha thứ cho nhau. Ta cần phải biết tha thứ người khác, cần dành cho họ một khoảng thời gian, một không gian nào đó để họ vượt qua những yếu kém của họ.
Nếu bạn không vừa lòng người phối ngẫu hay người thân của mình, điều quan trọng cần làm là nghĩ đến những điều tốt họ đã làm cho ta, để cân bằng với những cái xấu, cái ác họ vừa làm. Với lòng tràn đầy tình thương, ta để phát khởi tâm Từ bi đối với tha nhân. Các xung đột, mâu thuẫn trong gia đình cũng nhờ đó mà được giảm.
Tôi cũng thường khuyên các gia đình hãy quan sát nguồn gốc của khổ đau ngay trong cuộc sống hàng ngày, họ sẽ thấy không phải do các nguyên nhân ở ngoài. Khi bạn cảm thấy giận dỗi, phiền não hay thất vọng, không phải là do lỗi của ai đó. Thường là do chính bạn, người đã phát khởi những tình cảm này; nguyên nhân đến từ bên trong. Hãy cẩn trọng trong lời nói và hành động. Giữ bình tĩnh, hãy hiểu rằng nguyên nhân khiến ta đau khổ là do tình cảm từ bên trong ta; từ đó ta phản ứng dè dặt hơn với những người sống quanh ta.
Lúc bắt đầu hành thiền, tâm ta thường bị động. Vừa bắt đầu ngồi xuống chiếu thiền, thì tâm nói: "Nên đi dạo". Thế là tôi đi. Rồi tâm lại bảo đứng, bảo nằm. Cũng có lúc nó bảo: "Cô chỉ mới 16 tuổi, sao không thụ hưởng cuộc đời trước đã. Ai sẽ lo cho cô lúc tuổi già?" v.v...v.v...
Rõ ràng là những lời khuyên này chẳng đáng nghe theo chút nào. Tôi biết rằng chỉ có một cách để chữa trị những lời nói ám ảnh này là tiếp tục thực hành, cố gắng hết sức mình, kiên nhẫn bền bỉ hành thiền.
Cuối cùng một đêm kia khi đang thiền hành, tôi bỗng cảm thấy mọi thứ đều tĩnh lặng và trong suốt. Tôi linh cảm rõ ràng rằng nếu tôi tiếp tục đi tới, chắc chắn là tôi sẽ hái được quả của công phu tu tập. Một tiếng nói vang lên trong tôi: "Hãy đi tới, rồi con đường đạo sẽ phơi bày trước mặt đẹp đẽ, vẹn toàn". Cho nên, trong ta không chỉ có những lời u mê mà còn có cả những lời đầy trí tuệ, khuyến khích, giúp đỡ ta tiếp tục con đường tu của mình.
(Trích "Serenity and
Stillness")
Nguyệt san Giác Ngộ, số 51 / 2000
-oOo-
Source: LotusNet Production, http://www.lotuspro.net/