Thiền trong đời sống hằng ngày

Nguyên Hạnh chuyển dịch


Thiền cần phải được thực tập ngay trong mọi hoạt động của cuộc sống hàng ngày - trong khi chúng ta săn sóc trẻ con, làm vườn, lái xe, đi chợ, sinh hoạt...

Ở phương Đông, đặc biệt là trước đây, các thiền sinh thường dành cả đời mình cho việc học Thiền bằng cách trở thành một tu sĩ. Họ từ bỏ tài sản và đời sống thế tục để đi trọn con đường của họ dưới sự chỉ dẫn của một thiền sư và sống giam mình trong các tu viện.

Ở phương Tây hiện nay, Thiền đã trở thành một phong trào mang tính quần chúng và đối với những thiền sinh vừa muốn thực hành Thiền lại muốn duy trì đời sống xã hội của họ thì sự thay đổi về phương pháp và mục tiêu Thiền tập là rất cần thiết. Sự chuyên tâm để đạt giác ngộ tối thượng đã nhường chỗ cho những phương pháp thực hành phong phú phù hợp với những nhu cầu và điều kiện của cuộc sống hiện đại. Những phương pháp ấy có khả năng đem tinh hoa của Thiền truyền thống vào những hoạt động của cuộc sống hàng ngày và ngược lại, có thể đem những kinh nghiệm sống để kiểm nghiệm lúc hành Thiền. Lực ma sát tạo nên trong quá trình trao đổi này có thể tạo những thay đổi giúp Thiền phát triển.

Thiền sư Robert Aitken thường dạy rằng: Thực hành Thiền trong đời sống hàng ngày cũng giống như thực hành Thiền ngay trên chiếc bồ đoàn (đệm ngồi Thiền) của bạn - bạn quan sát những hành động có động cơ tham, sân, si hàng ngày của mình rồi quay trở về với bản tâm thanh tịnh của bạn.

Thiền sư Albert Low - một bậc thầy người Canada - thì lại dạy: Bằng cách sống đầy đủ, trung thực, sống hết mình với vai trò của một người cha (hay một người mẹ) của một người chồng (hay một người vợ) với đầy đủ tình thương yêu và trách nhiệm, người ta cũng có thể hướng đến đạo lộ giác ngộ. Tuy nhiên, sự tận tuỵ ấy vẫn đòi hỏi sự theo dõi thường xuyên. Cũng giống như một người điều khiển con thuyền vượt đại dương, người ấy không thể chỉ quay hướng bánh lái một lần rồi để yên; anh ta phải thường xuyên quan sát và thay đổi hướng bánh lái.

Về cơ bản, Thiền không chỉ bày chúng ta cư xử trong xã hội như thế nào, tuy nhiên một kết quả tất yếu của việc hành thiền là sự phân biệt giữa chính ta và người khác sẽ dần dần tan biến. Sự thay đổi này trong nhận thức được đánh dấu bởi một ý thức không ngừng gia tăng về sự tương hệ của tất cả hiện tượng trong vũ trụ. Và điều này cũng dẫn đến sự phát triển ý thức xã hội, cộng đồng và phát triển tình thương đối với mọi người, mọi loài. Chính cuộc sống lúc ấy sẽ trở thành một công án Thiền và chúng ta phải tìm câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để cân bằng những nhu cầu sống của chúng ta với mọi người và với các loài khác xung quanh chúng ta.

Sự nhận thức rằng chúng ta không tồn tại biệt lập với vạn vật sẽ giúp mỗi người có ý thức trách nhiệm không chỉ cho những hành động của mình mà còn cho những gì chúng ta cảm nhận. Chúng ta sẽ không còn phát biểu một cách hời hợt như: "cô ta làm cho tôi phát ghen lên" mà chúng ta sẽ tự trách mình "tôi làm cho chính tôi ghen tỵ". Lúc này nếu có vấn đề gì xảy ra, bạn sẽ không còn quay ra ngoài để tìm đối tượng trách cứ mà bạn tự nhìn vào bên trong, đối mặt với chính mình và tự tìm ra điều gì trong chính bạn đã tạo nên vấn đề. Dĩ nhiên muốn sống được như vậy cũng đòi hỏi bạn phải có nỗ lực và khả năng giữ tâm bình tĩnh, trong sáng đối với mọi rối rắm của cuộc sống.

Không thiên nặng về tọa thiền, thường xuyên tiếp xúc với các bậc thầy, bạn sẽ được cung cấp những lời chỉ dẫn hữu ích và rất thực tiễn qua việc áp dụng 8 thánh đạo, 10 giới truyền thống của Phật giáo kết hợp với sự nhấn mạnh ở con đường Trung đạo Phật giáo.

Đức Thế Tôn được công nhận là một Con Người thông minh, khả ái, dịu dàng và đặc biệt rất từ bi. Những lời dạy của Ngài rất thực tiễn. Ngài chỉ dạy con đường vượt thoát khổ đau, đi đến một cuộc sống an bình, hạnh phúc, không vị kỷ, đầy tình thương và trí tuệ. Từ chính kinh nghiệm bản thân mà Đức Thế Tôn đã dạy rằng con đường đạt đến hạnh phúc, diệt trừ khổ đau là phải chấp nhận 4 sự thật (Tứ Thánh đế) và theo con đường Thánh 8 ngành (Bát Thánh đạo).

Bốn sự thật ấy là:

1. Vì bản chất vô thường của vạn vật nên chúng ta thường cảm nhận khổ đau.

2. Khổ đau không phải do tính chất vô thường của vạn vật mà do khát vọng của chúng ta mong muốn sự vật không biến đổi.

3. Cách diệt trừ khổ đau chính là diệt trừ khát vọng ấy của chúng ta.

4. Con đường để diệt trừ các dục vọng là con đường Thánh 8 ngành.

Mới nhìn qua thì giáo lý về Bốn sự thật này trông rất chán nản và đầy bi quan nhưng giáo pháp của Đức Thế Tôn chỉ cung cấp cho chúng ta, hy vọng khi chúng ta biết chấp nhận sự thật về khổ - rằng khổ đau là mang tính phổ biến và tự nhiên chứ không phải là một điều ngẫu nhiên và điều này được minh chứng rõ trong câu chuyện về một phụ nữ đến gặp Đức Thế Tôn với một đứa con nhỏ đã chết trên tay bà. Đức Thế Tôn dạy theo con đường Thánh 8 ngành là theo con đường từ bỏ dục vọng và hướng đến giải thoát. Con đường ấy bao gồm 8 ngành như sau:

1. Chánh tri kiến
2. Chánh tư duy
3. Chánh ngữ
4. Chánh nghiệp
5. Chánh mạng
6. Chánh tinh tấn
7. Chánh niệm
8. Chánh định.

Có rất nhiều cách giảng giải về chữ "chánh" và cách thức nó được áp dụng trong mỗi nhánh của Thánh đạo. Điều này đã dẫn đến nhiều trường phái tư tưởng khác nhau nhưng đối với Thiền tông thì nhấn mạnh Trung đạo và sự trau dồi chánh niệm qua tọa thiền. Do vậy mà đối với Thiền, sự điều độ là rất quan trọng và được đánh giá cao. Tuy nhiên cũng cần nhớ rằng vượt trên cả sự điều độ bình thường là điều mà chúng ta thường bắt gặp qua lịch sử Thiền tông, qua các câu chuyện về những thiền sư say sưa rượu chè... Và Trung đạo được Đại sư Gudo Nishijima dạy như sau:

Giáo lý căn bản nhất của Đức Phật là "Đừng làm sai, hãy làm đúng". Vì vậy, Ngài đã dạy đệ tử tám con đường chân chánh. Tám con đường chân chánh này được đặt cơ sở trên sự cân bằng giữa chủ quan và khách quan, giữa lạc quan và bi quan, giữa hợp lý và phi lý... Chẳng hạn, "Chánh tri kiến" (hiểu biết đúng) liên quan đến việc nhìn cuộc đời như thật và không quá lạc quan cũng không quá bi quan với cuộc đời. "Chánh tư duy" là những suy nghĩ, những dự tính, những lý thuyết không quá phi thực tiễn cũng không quá thiên nặng vật chất. "Chánh ngữ" thường được hiểu là không nói dối nhưng sâu xa hơn nó còn ám chỉ lời nói dịu dàng và hài hòa đối với cả người nghe và người nói. "Chánh nghiệp" là hành động phải luôn phù hợp với mỗi tình huống, mỗi hoàn cảnh. "Chánh tinh tấn" là sự nỗ lực trong sự hài hòa và cân bằng nội tâm, nội lực. "Chánh niệm" là giữ tâm không dao động, không bối rối. "Chánh mạng" là hãy sống đừng quá cứng nhắc, đừng quá yếu đuối, phụ thuộc...

Những cách hiểu này có vẻ rất đơn giản, tuy nhiên mục tiêu của Thiền là làm trong sáng và đem chúng ta đến hài hòa, trở về sự cân bằng tốt mà chúng ta thường cảm nhận khi còn là trẻ con. Chúng ta cũng có thể nói rằng mục tiêu của Thiền là đưa chúng ta trở về chỗ bình thường nhất, đơn giản, bình dị nhất.

Ý tưởng này cũng được nhấn mạnh trong câu chuyện của một vị thiền sư. Khi được đệ tử hỏi đạo, ngài đã trả lời: "Khi con mang trà đến, ta đâu có chối từ?! Khi con chào, ta đâu có làm ngơ?! Có bao giờ ta lơ là không chỉ dạy cho con đâu? Nếu con muốn thấy con hãy nhìn vào đó; khi con gắng suy nghĩ về nó, nó sẽ biến mất".

Ngoài ra, 10 cấm giới truyền thống cũng trợ giúp rất nhiều trong đời sống hàng ngày và trong cách hành Thiền hàng ngày:

1. Không sát sinh
2. Không trộm cắp
3. Không tham dục
4. Không nói dối
5. Không si mê
6. Không nói lỗi người khác
7. Không đề cao mình bằng cách gièm chê người
8. Không nói lươn lẹo
9. Không sân hận
10. Không phỉ báng Tam bảo.

Mười giới này cung cấp cho chúng ta một hướng sống tốt nhưng theo quan điểm Thiền thì chúng ta không nên cố chấp vào giới điều. Chúng cung cấp cho chúng ta những cách cư xử tốt mà một người đạo đức cần cư xử. Chúng không phải là những mệnh lệnh hay những điều lệ cứng nhắc. Chúng chỉ ra phương hướng để khám phá Phật tính của mỗi người. Thiền sư Philip Kapleau thường ví giới luật giống như các giàn khung trong xây dựng; chúng thật sự cần thiết để xây dựng một ngôi nhà to lớn nhưng chúng cần phải được tháo bỏ khi ngôi nhà hoàn thành. Do đó, một bậc giác ngộ không phải cố tình giữ giới nhưng vị ấy chỉ hành xử một cách tự nhiên như là kết quả tất yếu khi đã thực chứng được Phật tính của tự thân. Có lẽ vì vậy mà Thiền đôi khi được đánh giá là vượt trên tất cả đạo đức bình thường. Thiền sư Philip Kapleau nói về Thiền như sau: "Thiền vượt trên đạo đức nhưng đạo đức không ở bên dưới Thiền". Một người đạo đức biết đúng từ sai nhưng anh ta không biết ai đang nghĩ đúng và sai. Hiểu biết sâu sắc này đòi hỏi phải thực hành và có thực chứng về Thiền.

(Theo "Zen in Daily Life")

-ooOoo-

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 85, 2003)

Chân thành cám ơn anh Pháp Đăng đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 04-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-05-2003