THERAVÀDA - PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

Tam Niệm

Cư Sĩ Huỳnh Thanh Long
PL. 2507 - DL. 1963


Phi Lộ

Khi xem qua ba đề mục "Tam Niệm" của cư sĩ Huỳnh Thanh Long, Bần Tăng thấy Ông rất dày công khảo cứu tỉ mỉ kỹ lưỡng và đúng lý theo kinh điển.

Ông không dùng những danh từ hoa mỹ, lố lăng để ru dỗ độc giả, trái lại khéo dùng những danh từ thông thường thật tế đúng theo ý nghĩa của Phật giáo, để cho độc giả đọc qua có thể lĩnh hội ngay ý lý của đoạn kinh.

"Xem kinh không phải chỉ chú trọng đến văn chương lưu loát, mà hiểu rõ lý Kinh là điều cần thiết".

Chính Ông cũng đã từng theo Bần Tăng học môn thiền định một thời gian cũng có được nhiều kết quả tốt đẹp và đã nếm được chút ít hương vị của pháp môn này. Nhưng rất tiếc vì còn bận rộn phận sự nơi chốn quan trường mà thành ra công phu phải gián đoạn, tuy nhiên, mỗi khi có ngày lễ hoặc ngày chủ nhật cũng không quên căn lành vẫn tìm nơi thanh vắng để tiếp tục thực hành.

Do đó mà Ông mới nhận định được hương vị cao siêu quý báu của pháp môn thiền định, vì vậy nên khi rảnh rang mới cố gắng tham khảo biên soạn các pháp môn này.

Quả báo của thiền định rất nhiều nhưng một điều quan trọng là: Dittha dhamma Sukha vihàrànisansà: Người tham thiền, thấy quả báo hiện tại là được sự an vui. Cũng như Ông Pierre Sallet một nhà triết học Âu Châu có nói: Nul bonheur n’est aussi grand que l’esprit en paix: Không có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc mà tinh thần được thanh tịnh.

Quyển "Tam Niệm" ra đời sẽ đem lại ít nhiều sự lợi ích cho nhân loại.

Namo Buddhàya.

Tỳ Khưu Bửu Chơn
(Bhikkhu Nàga Maha Thera)
Tăng Thống G.H.T.G.N.T.V.N
PL. 2507 - DL. 1963

-ooOoo-

Lời của soạn giả

Hàng Phật tử chúng ta, phần đông đều nhận xét rằng trong thời mạt pháp này, chỉ một sự gìn giữ giới luật cho trong sạch thôi cũng đã là một việc khó khăn thay, huống hồ là những pháp cao thượng là Thiền định và Minh sát.

Vi thề, khi đề cập đến vấn đề hành Thiền định, chúng ta thường quan niệm chỉ có những bậc cao tăng ẩn tu nơi thâm sơn cùng cốc hoặc những bậc cư sĩ lão niên xa lánh hẳn những thằng thúc của thế sự, mới có khả năng thực hành được thôi, còn nơi phồn hoa đô hội, hàng Phật tử nào còn bị buộc ràng vì phận sự và gia đình, không dễ gì hành những pháp cao thượng được, dầu cố gắng đi nữa cũng là công dã tràng mà thôi.

Quan niệm ấy cũng đúng phần nào, nhưng không phải hoàn toàn chí lý. Chúng ta không nên quá cố chấp thành kiến mà không thử bắt tay vào việc, thực hành xem có thể gặt hái được quả lành hay không? Chúng ta không nên tự bảo: "Hành không có kết quả thì hành làm chi, luống công vô ích!" Khó khăn cách nào cũng không ngại, chỉ sợ chúng ta không có đủ ý chí, đủ tâm dũng cảm mà thôi!

Vả lại, trong lúc chúng ta cố gắng làm cho tâm được yên lặng thanh tịnh, không cho vọng động theo ngũ trần ngoại cảnh, tâm ấy là thiện tâm có năng lực đè nén những tà tư duy và phiền não, còn hơn là để tâm bận lo về thế sự phù du, lợi danh do mộng không ích lợi chi cho sự giải thoát của chúng ta.

Trong "Pháp - Chánh - Ðịnh" của Ð. Ð. Hộ Tông có câu: "Nếu hành giả tu phép Chánh Ðịnh mà không được kết quả cao thượng trong kiếp này, cũng là duyên sanh quả lành trong kiếp sau". Vì thế, thiết tưởng hành giả không nên quá quan tâm mong mỏi những kết quả của sự hành thiền trong kiếp hiện tại này, chỉ nên ghi nhớ trong tâm rằng trên con đường dài vô định sanh tử luân hồi, công phu hành đạo của ta không phải là công trình vô ích và sẽ là nhân lành quý báu trong những kiếp vị lai.

Huống chi hàng cư sĩ, tuy chưa có thể, như bậc xuất gia, một sớm một chiều cởi bỏ những sự buộc ràng của sự sanh sống, của gia đình, song nếu có tâm quả quyết và trì chí, cũng có thể lựa thời giờ thuận tiện trong đêm khuya canh vắng hoặc nơi tư phòng yên tịnh mà niệm Phật tam thiền được vậy.

Vì mục đích ấy mà quyển "Tam Niệm" nhỏ bé này ra đời, với hoài bảo thiết tha giúp ích trong muôn mộ cho sự tu hành của chư đạo hữu bốn phương.

Chúng tôi cố ý chọn lựa những đề mục thiền định giải tiện, không cần phải dùng những dụng cụ phiền phức như vòng tròn, màu sắc, đèn rọi... cần thiết trong 10 đế Kasina v.v... hầu chư đạo hữu có thể dễ dàng hành đạo bất luận trong thời giờ và trường hợp nào cũng được.

Ba đề mục Niệm Niệm (Niệm Phật, Niệm Sự Chết và Niệm Hơi Thở) đã được trích dịch từ quyển "Thanh Tịnh Ðạo" (Visuddhimagga) và được thêm vô nhiều đoạn cần ích rút trong các quyển Kinh về Thiền định của Ð.Ð. Hộ Tông và Ð.Ð. Bửu Chơn và ngay kinh nghiệm bản thân.

Tuy nhiên, chúng tôi tự nhận xét rằng vì sự hiểu biết thiển cận ít oi và văn chương vụng về kém cỏi, quyển sách này còn nhiều khuyết điểm mặc dầu chúng tôi đã hết sức cố gắng. Xin chư Ðại Ðức Cao Tăng và quý vị đạo hữu bốn phương thông cảm cho tấm lòng chân thành mong phục vụ Phật Pháp mà từ bi xá cho và hoan hỉ chỉ giáo thêm, ân ấy chúng tôi muôn vàn cảm tạ.

Chúng tôi cần thưa thêm rằng quyển sách nhỏ này không có cao vọng thay thế các bậc Thiền Sư trong sự giáo hóa Thiền Ðịnh. Ðạo hữu nào phát tâm trong sạch muốn học một trong ba đề Niệm Niệm giải trong quyển này, cần phải tìm vị Thiền Sư chân chánh có giới hạnh thanh cao mà học hỏi thêm hầu được chỉ dạy chu đáo, lánh xa tà thiền.

*

Cầu xin quả phước do sự biên soạn và ấn tống quyển "Tam Niệm" này, được thành tựu đến Ð.Ð. Bửu Chơn và Ð.Ð. Hộ Tông là hai bậc Thiền Sư chân chánh dồi dào kinh nghiệm, đã từ bi dắt dẫn chúng tôi trên con đường thanh tịnh.

Kế tiếp, chúng tôi xin dâng công đức này đến thân phụ và nhạc mẫu chúng tôi còn hiện tiền tại Phan Thiết được tăng trưởng tuổi thọ và an vui lâu dài, và xin hồi hướng phước báu đến Ông, Bà, Cha, Mẹ của chúng tôi đã quá vãng, nội ngoại hai bên, đều được thoát khổ và thọ sanh nơi nhàn cảnh.

Cầu xin cho tất cả chúng sanh ba giới bốn loài đều được hạnh phúc miên trường!

Với tất cả tấm lòng bác ái và mong mỏi.
Cư sĩ HUỲNH THANH LONG

-ooOoo

Sách đã tham khảo:

1. - "The Path of Purification" (Visuddhimagga: Thanh Tịnh Ðạo) của Ðại Ðức Bhadantàcariya Buddhaghosa, do Ðại Ðức Nànamoli ở Ceylon phiên dịch từ Pàli ra Anh văn.
2. - "Ànàpàna Sati" (Meditation based on Midfulness with Regard to Breathing) của Ðại Ðức Kassapa, trong tạp chí The Light of the Dhamma tháng 7 năm 1954 (Vol. II - No 3).
3. - "Thanh Tịnh Kinh" (Visuddhikathà) của Ðại Ðức Hộ Tông.
4. - "Phép Chánh Ðịnh" của Ð.Ð. Hộ Tông.
5. - "Niệm Thân" của Ð.Ð. Bửu Chơn.
6. - "Nhân Quả Liên Quan" của Ð.Ð. Bửu Chơn
7. - "Ðại Tứ Niệm Xứ Kinh" của Ð.Ð. Hộ Tông
8. - "Chánh Giác Tông" của Ð.Ð. Bửu Chơn.
9. - "Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền" của Thiên Thai Trí Giả Ðại Sư.


NAMATTHU RATANATTAYASSA
Tôi xin hết lòng thành kính làm lễ Tam Bảo tóm tắt.

I. NIỆM PHẬT (BUDDHÀNUSSATI)

Lễ Phật giả, kỉnh Phật chi đức,
Niệm Phật giả, cảm Phật chi ân,
Khán Kinh giả, minh Phật chi lý,
Tọa thiền giả, đăng Phật chi cảnh.
-- MINH TÂM

"BUDDHA" dịch là bậc giác ngộ chân chánh, đã tỉnh giấc vô minh, thông suốt lý nhân quả, là bậc đã phá gãy bánh xe luân hồi và không còn tái sanh lại nữa.

Những bậc giác ngộ và đạt đạo quả Niết Bàn có ba hạng:

1. - Ðức "Phật Toàn Giác" hoặc "Chánh Ðẳng Chánh Giác" (Sammàsambuddha), thường gọi là Phật Tổ, là bậc tự mình giác ngộ chân chánh do sự cố gắng và trí tuệ, không ai chỉ giáo cho trên con đường giải thoát. Sau khi đắc quả vô thượng, Ngài phổ cập Giáo Lý đã tìm được đến tất cả chúng sanh nào muốn tìm Chân Lý để tu hành đến nơi giải thoát như Ngài.

Theo Tam Tạng Pàli, từ thời kỳ quá khứ đã có 28 vị Chánh Ðẳng Chánh Giác ra đời trên những quả địa cầu khác nhau [1]. Ðức Phật Tổ thứ 28 ấy chính là Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni bổn sư của chúng ta, họ là Gotama (Cồ-đàm), lúc còn Bồ Tát đã thực hành tròn đủ 30 pháp Ba La Mật (PÀRAMÌ) [2] trong 4 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp quả địa cầu. Ðến kiếp chót, đêm rằm tháng tư, Ngài liễu chứng Chánh Ðẳng Chánh Giác và trọn 45 năm trường đăng đẵng, Ngài châu du thuyết Pháp, phổ độ chúng sanh hằng hà vô số. Giáo lý của Ngài vẫn còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay.

Ðức Phật Tổ vị lai kế vị Ðức Thích Ca là Phật Di Lạc (SEÀMETTAYA), trong thời kỳ Bồ Tát, thực hành đều đủ 30 pháp Ba-la-mật trong 16 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp quả địa cầu.

2. - Ðức "Phật Ðộc Giác", Tàu âm là "Bích Chi Phật (Pacceka buddha) là bậc tự mình giác ngộ chân chánh do sự cố gắng và tinh tấn của mình, không thầy giáo hóa, song không dắt dẫn ai đến nơi giải thoát bằng các truyền bá các pháp cao thượng tự mình tìm được.

Chư Phật Ðộc Giác chỉ ra đời trong thời kỳ không có Phật Chánh Giác trên thế gian này.

3. - Ðức "Thinh Văn Giác" (Sàvaka buddha) là bậc giác ngộ chân chánh do nhờ được nghe Giáo Pháp của Ðức Phật Toàn Giác mà đắc tuệ giác, diệt tận lòng ái dục và tất cả phiền não trong tâm. Những bậc A-la-hán (Araham) đều thuộc về hạng này.

"ANUSSATI" nghĩa là niệm niệm hay là pháp quán tưởng.

NIỆM PHẬT (BUDDHÀNUSSATI) là phép suy gẫm, chú tâm tưởng nhớ thường thường đến ân đức cao cả trọn lành của Ðức Phật, nhớ không phải hằng ngày đối diện Kim - thân hoặc bàn thờ Phật, cứ gọi hồng danh của của Ngài đâu.

Kinh Kim Cang có câu:

"Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thinh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng Kiến Như Lai".

Nghĩa:

Bằng dùng sắc tướng mong thấy ta
Dùng các tiếng để tìm ta
Người có làm đạo tà
Không bao giờ thấy được Như Lai.

Vì thế, hàng Phật tử chúng ta nên quan tâm đến phép Niệm Phật, thực hành đều đều mỗi ngày, không nên nghĩ lầm rằng trong hai thời công phu sớm tối mình đã đọc tụng 10 hiệu (Ân Ðức) Phật trong quyển NHỰT HÀNH với tất cả tấm lòng thành kính là đủ rồi. Ðọc tụng suông, mặc dầu hiểu nghĩa từng hiệu Phật, không phải là phương pháp chú tâm chiêm ngưỡng tưởng nhớ đến ân sâu đức dày của Ðức Phật, hầu làm cho tâm được trong sạch thanh tịnh, an trụ trong đức trọn lành của Ngài.

Phép niệm Phật là một phép thiền định quý báu, vì người năng niệm Phật thường có sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, không dám làm điều ác dường thể có Ðức Phật luôn luôn trước mặt, như thế, mới dõng mãnh, tinh tấn trên con đường tu hành và đạo đức.

ÂN ÐỨC CỦA PHẬT

Ân đức của Phật vô lượng vô biên, không thể kể xiết hoặc suy xét cho cùng tận, nhưng nói tóm lại Ngài có ba Ân đức trọng đại là:

1. Tuệ Ðức (Panna guna): có trí tuệ hoàn toàn sáng suốt không có chi che án được, thông suốt cả ba giới bốn loài, thấu triệt lý Tứ Diệu Ðế là thấy rõ, biết rõ ái dục phiền não, nguyên nhân sanh ra ái dục phiền não, nơi diệt tận ái dục phiền não và phương pháp diệt trừ ái dục phiền não. Do nhờ trí tuệ hoàn toàn sáng suốt áy nên Ngài tri tỏ nghiệp nào có sự lợi ích, nghiệp nào có sự nguy hại hầu tìm phương tiện giáo huấn chúng sanh xa lánh các điều ác, làm những việc lành để sớm đến bờ giác ngộ.

2. Tịnh Ðức (Visuddhi guna): Ngài đã xa lìa tất cả phiền não thô sơ và vi tế, nên thân, khẩu, ý đều được trọn lành. Trước mặt người hoặc nơi khuất lấp xa tai cách mắt thiên hạ, Ngài không hề làm, nói và tưởng điều tội lỗi.

3. Bi Ðức (Karunà guna): Ngài thấy chúng sanh đang bị nóng nảy lăn lộn trong lửa ngũ dục, đang chìm đắm chơi vơi trong biển trần ai, chịu thống khổ vô cùng vô tận từ đời này sang kiếp khác, nên Ngài phát tâm bi mẫn bao la đối với tất cả chúng sanh chẳng khác nào người mẹ hiền thương xót đoàn con dại, mong mỏi cho con khỏi khổ, được an vui lâu dài. Từ khi con tu hạnh Bồ Tát, Ngài đã từng hy sinh của cải và thân mạng để tìm phương cứu vớt chúng sanh; đến lúc thành Ðạo rồi, Ngài lại châu du phổ độ quần sanh không ngừng nghỉ trọn 45 năm trường.

Do nhờ ba Ân đức ấy, Ðức Phật mới có thể tế độ chúng sanh, luôn cả Chư thiên và nhân loại một cách dễ dàng được.

Vô lượng vô biên Ân đức khác của Phật đều bắt nguồn từ ba Ân đức trọng đại ấy, cũng như muôn loài thảo mộc chỉ do mặt địa cầu mà phát sanh ra vậy.

Nếu kể rộng hơn, những Ân đức cao cả của ngài có thể tóm tắt trong 10 danh hiệu sau đây:

1. Araham: Tàu dịch là Ứng Cúng.
2. Sammàsambuddho: Chánh Biến Tri,
3. Vijjàacaranasampanno: Minh Hạnh Túc,
4. Sugato: Thiện Thệ,
5. Lokavidù: Thế Gian Giải,
6. Anuttaro: Vô Thượng Sĩ,
7. Purisadammasàrathi: Ðiều Ngự Trượng Phu,
8. Satthàdevamanussànam: Thiên Nhơn Sư,
9. Buddho: Phật,
10. Bhagavà: Thế Tôn

(Xin xem quyển "ÂN ÐỨC PHẬT ÐÀ" - Buddha-guna, cùng một soạn giả, vừa xuất bản, có giải rộng từ hiệu Phật trên đây).

Nói chung về cách thiền định:

Hành giả muốn học pháp môn Thiền định, bất cứ một phép nào trong 40 đề mục mà Ðức Thế Tôn đã giảng dạy, nên ghi nhớ những điều đại khái sau đây:

Trì giới. - Trước tiên, hành giả cần phải trau giồi giới hạnh cho trong sạch tinh nghiêm. Giới là nền tảng đầu tiên cần phải thực hành củng cố trước khi bước qua Pháp Thiền Ðịnh, vì "Giới năng sanh Ðịnh, Ðịnh năng sanh Huệ" vậy. Người hành Thiền Ðịnh mà không trì giới, thì chẳng khác nào muốn cất cái nhà xinh đẹp trên một nền móng không kiên cố vững chắc, một trận gió to thổi qua thì cái nhà ấy sẽ bị sụp đổ tan tành. Vì Giới có năng lực làm cho tiêu diệt lần các phiền não (tham lam, sân hận, si mê, tật đố, ngã mạn v.v...) và hằng làm cho tâm ưa mến thỏa thích trong các pháp hành cao thượng. Nói tóm lại, Giới là một cái thang vàng đưa ta đến các cõi trời và Niết Bàn vậy.

Vì thế, hành giả nên trau giồi giới hạnh cho trong sạch tùy theo giới mà mình đã nguyện thọ trì (Ngũ-Giới, Bát-Quan, Trai-Giới, Thập -Giới và Cụ-Túc-Giới).

Xa lánh những điều ràng buộc. - Nếu hành giả là bậc xuất gia thì cần phải dứt bỏ 10 điều quyến luyến buộc ràng (Palibodha) [3], còn hàng cư sĩ thì, nếu có thể, nên xa lánh lần những sự ràng buộc, bận lòng vì gia đình, lợi danh và công việc, nhiên hậu tâm trí mới thảnh thơi và an trụ dễ dàng trong cảnh giới thiền định được.

Thân cận bậc Thiền Sư. - Hành giả cần phải học hỏi phương pháp hành Thiền định nơi một vị Thiền Sư chân chánh, là bực thiện trí thức dồi dào kinh nghiệm, giao phó tánh mạng cho Ngài, hầu được chỉ bảo, dắt dẫn trên con đường Chánh định, lánh xa tà thiền. Ðiều này rất quan trọng, vì nếu hành giả lầm lạc thọ giáo nơi một thiền sư không kinh nghiệm và không có giới hạn tinh nghiêm, thì trên con đường hành đạo cao thượng, hành giả sẽ gặp nhiều sự nguy hại không thể lường được hậu quả.

Lại nữa, ít nhứt là trong buổi sơ đầu, hành già nên ngụ bên cạnh vị Thiền sư để học hỏi lần lần tùy theo giai đoạn tấn triển pháp hành của mình.

Phần thực hành phép Niệm Phật:

Hành giả muốn niệm Ân đức của Phật, trước hết phải trì giới cho trong sạch như đã giải phía trước, rồi nên tìm nơi thanh vắng (ven rừng, đồng vắng, cốc liêu xa nơi đô thị v.v...), hoặc nếu tại gia thì vào tư phòng hay lựa thời giờ nào yên tĩnh dễ cho tâm an trụ.

Sau khi làm lễ Tam Bảo, ngồi kiết già hoặc bán già, nếu tiện day mặt về hướng đông bằng không cũng vô hại, nhắm mắt vừa khít mí, rồi bắt đầu suy xét về "10 tội ngũ trần" như sau đây: [4]

1. - Ðức Thế Tôn ví ngũ trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc) cũng như khúc xương không; người sa mê theo ngũ trần cũng như con chó đói gặm khúc xương không;

2. - Ðức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như cục thịt thúi mà bầy quạ dành nhau ăn;

3. - Ðức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như cây đuốc, rơm, người sa mê theo ngũ trần cũng như người cầm cây đuốc đi ngược gió;

4. - Ðức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như hầm lửa to đang cháy, người sa mê theo ngũ trần cũng như người té vào hầm lửa to đang cháy ấy;

5. - Ðức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như giấc chiêm bao, vì trong giấc mộng thấy đó rồi mất đó, biến đổi vô thường;

6. - Ðức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như vật mượn của người, vì của người thì không được làm chủ lâu dài;

7. - Ðức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như người đi tìm trái cây; người khổ công tìm trái chín ngon ngọt leo lên cây được rồi, ham mê ăn trái và cố chấp làm của riêng, khi ấy có kẻ khác ao ước muốn chiếm đoạt bèn tìm phương kế hãm hại hoặc đốn cây cho ngã xuống làm cho mình phải bán sống bán chết;

8. - Ðức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như lưỡi kiếm và lao, người sa mê theo ngũ trần cũng như người bị phạm nhằm lao và kiếm ấy;

9. - Ðức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như thớt và dao, người sa mê theo ngũ trần cũng như người bị dao bằm xuống tấm thớt vậy;

10. - Ðức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như đầu con rắn độc, người sa mê theo ngũ trần cũng như người bị rắn độc cắn mổ.

"Ngũ trần có nhiều sự tai hại, khổ não, đau thương như thế ấy".

Kế tiếp nên "rải lòng từ bi" để ngăn ngừa sự tai hại, vì các hành giả tham thiền phần nhiều đều ở nơi thanh vắng. Rải tóm tắt như vầy:

"Cầu xin cho tấm lòng bác ái của tôi thấu đến tất cả Chư Thiên và nhân loại, cùng chúa bốn loài rắn là: Virùpakha (Quý-ru-bắc-khắc), Eràpatha (Ế-ra-bắc-thắc), Chabyàputta (Xắp-phya-bút-tắc), Kanhàgotamaka (Canh ha-gô-tam-mắc-cắc), cùng tất cả loài thú không chân, hai chân, bốn chân và nhiều chân. Xin cho tất cả chúng sanh ấy hằng được sự yên vui theo mãi mãi".

Rồi lại suy xét thêm về "Pháp chán nản" như sau đây:

"Tất cả chúng sanh trên thế gian hoặc là cha mẹ anh em thân bằng quyến thuộc cùng những vật vô tri hữu tri nhứt là vàng bạc ngọc ngà châu báu đều không có vật chi để cho ta nương nhờ được khi sự chết sẽ tới cho ta, chỉ có pháp thiền định này ta mới có thể nương nhờ được thôi".

Hành giả phải có tâm quả quyết và tin chắc trong phép thiền định mà mình sắp thực hành, tự nó trong tâm như vầy:

"Ðây là con đàng đi của Chư Phật, Duyên Giác và Thinh Văn. Chắc chắn ta sẽ được an vui trong cảnh giới thanh tịnh, do nhờ phép thiền định này chẳng sai".

Sau khi tự nói như thế rồi, hành giả nên chăm chú ôn lại trong trí 10 hiệu (Ân đức) Phật đã có chỉ trong quyển "NHỰT HÀNH", vừa tiếng Pàli vừa nghĩa, bắt đầu từ: "Itipi So Bhagavà Araham" (Ðức Thế Tôn hiệu Á-rá-hăn bởi Ngài đã xa lìa các tội lỗi v.v...)... đến "Bhagavà" (Ðức Thế Tôn hiệu Bhagavà bởi ngài đã siêu xuất Tam Giới v.v...).

Rồi hành giả chọn một trong 10 hiệu (Ân đức) Phật mà niệm trong tâm, niệm hiệu nào cũng phải hiểu nghĩa cho rõ rệt.

Ví dụ, nếu lựa hiệu "Araham" (Á-rá-hăng) thì trí phải nhớ nghĩa như vầy:

"Ðức Thế Tôn hiệu Á-rá-hăn bởi Ngài:

- Ðã xa lìa các tội lỗi và tiền khiên tật rồi,
- Ðã xa lìa các tội lỗi và tiền khiên tật rồi,
- Ðã phá gãy bánh xe luân hồi,
- Là bậc xứng đáng cho chúng sanh lễ bái cúng dường.
- Và không hề khuất lấp làm điều tội lỗi."

Nếu lựa hiệu "Buddho" (Bút-thô) thì trí phải nhớ nghĩa như vầy:

"Ðức Thế Tôn hiệu Bút-thô bởi Ngài:

- Là bậc hoàn toàn giác ngộ,
- Thông suốt lý Tứ Diệu Ðế và đem ra giáo hóa chúng sanh cùng hiểu biết".

* * *

CÁCH NIỆM.

Ðầu tiên, hành giả thầm niệm như vầy: "Á-rá-hăng, Á-rá-hăng..." và để trí nhớ nghĩa như vừa giải trên, rồi lại niệm "Á-rá-hăng, Á-rá-hăng..." đôi ba chục lần, rồi lại để trí nhớ nghĩa... Cứ tuần tự vừa niệm vừa hớ nghĩa như thế ấy, gom hết tâm trí chăm chú trong phép niệm, đừng xao lãng nghĩ vẩn vơ bên ngoài.

Không nên hình dung đến Kim thân Ðức Phật trong lúc niệm niệm, nghĩa là tưởng tượng có Ngài đang ở trước mặt, vì lẽ dầu trí tưởng tượng của ta dồi dào phong phú đến đâu cũng không thể nào hình dung rõ ràng đúng đắn diện mạo quang minh của Ngài được.

Cũng không nên dùng hồng danh "Thích Ca Mâu Ni Phật" mà niệm, vì hồng danh ấy chỉ có nghĩa là: Ðức Phật dòng "Thích Ca Mâu Ni" thôi. "Thích Ca Mâu Ni" (Sakya Muni) là dòng Sakya, thông thái can đảm (Muni) khi xưa ở bên kia núi Hi Mã Lạp Sơn. Ðức Phật Tổ chúng ta thuộc về dòng đó, vì vậy mà sau này Thái Tử Sĩ Ðạc Ta đã thành Phật rồi, người đồng thời vẫn gọi Ngài là Ðức "Thích Ca Mâu Ni Phật" để phân biệt với các dòng khác.

Như thế, chúng ta nên sáng suốt nhận thức rằng: cứ ngồi gọi đức "Phật Thích Ca" mãi, hoặc giả cứ tưởng tượng mãi đến Kim thân Ngài, là một điều lầm lạc to lớn, không ích lợi chi cho sự giải thoát của chúng ta, vì Ðức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn từ 2.506 năm rồi. Ngài không còn xuống cõi trần này để rửa tâm chúng ta hết Tham, Sân, Si phiền não và cũng không thể nắm tay chúng ta kéo thẳng về Niết Bàn hoặc cứu rỗi "linh hồn" ta khi bao nhiêu phiền não và tội lỗi còn dẫy đầy trong thân tâm ta.

Vì những lẽ ấy, chúng ta nên lấy ngay Ân đức của Ðức Thế Tôn làm phương tiện để hành cho tâm được thanh tịnh, gột rửa lần lần các phiền não, hòa tâm hồn ta trong Ân đức cao cả của Ngài, hầu phát sinh trí tuệ, thấy rõ 3 chân tướng của vạn vật trên thế gian này là Vô Thường, Khổ Não, Vô Ngã và con đường đi đến Niết Bàn. Khi nào thân tâm ta không còn mảy may Phiền não, dầu không cầu khẩn, tự khắc ta cũng sẽ về bên cạnh Ðức Phật.

Nên nói thêm: chẳng những chỉ riêng Ðức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni mới có 10 Ân đức đã kể mà thôi, tất cả chư Phật trong thời quá khứ và vị lai cũng đều có những Ân đức cao cả trọn lành ấy in nhau. Như thế, ta có thể nói: Khi niệm Ân đức của Ðức Phật Tổ chúng ta, đồng thời ta cũng niệm luôn Ân đức của chư Phật trong tam thế nữa.

* * *

Hành giả thâu nhiếp tâm đừng cho vọng động phóng túng, niệm niệm y theo cách chỉ trên 100, 10.00, 10.000 lần v.v... càng nhiều càng tốt.

Khi đã được thuần thục rồi, năm pháp chướng ngại (Nivarana dhamma) là:

1. Kàmacchanda: tham trong ngũ dục.

2. Byàpàda: thù oán, mong hại người.

3. Thinamiddha: hôn trầm (thân tâm lười biếng, dã dượi, buồn ngủ).

4. Uddhaccakukkucca: phóng tâm, là tâm ưa phiên động, nhớ vẩn vơ bên ngoài,

5. Vicikicchà: hoài nghi, lần lần yên lặng. Ðồng thời, hai chi đầu của thiền định là Tầm (Vitakka) và Sát (Vicàra) phát sinh, hướng về Ân đức của Phật, theo hiệu mà hành giả đang niệm. Hành giả tinh tấn niệm niệm Phỉ lạc (Pìti: no vui) sẽ phát sanh trong thân theo một trong năm cách sau đây:

i) Khuddhakà: châu thân đều nổi óc;
ii) Khanika pìti: tuy nhắm mắt nhưng thấy trời chớp hoặc ánh sáng.
iii) Okantikà pìti: dường như làn sóng tạt vào mình;
iv) Ubengà pìti: thân thể nhẹ nhàng dường như bay bổng lên không trung;
v) Phanranà pìti: phỉ lạc thấm nhuần khắp châu thân làm cho mát lạnh và cực kỳ khoan khoái.

Từ khi các triệu chứng Phỉ lạc phát sanh, trí nhớ được vững vàng và tâm được yên lặng, không còn quyến luyến theo thế sự và khắn khít trong Ân đức của Phạt mà vào cảnh giới Cận Ðịnh (Upacàra Samàdhi).

Nhưng Phép Niệm Phật chỉ có thắng lực đem tâm hành giả đến bực Cận Ðịnh thôi, dầu hành giả ráng niệm tinh tấn cách nào đi nữa, cũng không thể nhập vào Sơ Thiền (Appàna Samàdhi) được. Vì Ân đức của Phật rất cao thâm, không thể nào suy xét ghi nhớ cho cùng tột được.

Nhưng nếu hành giả ráng hành thêm Pháp Minh Sát (Tu Huệ) nhứt là trí tuệ biết rõ trong ba chân tướng của vũ trụ là Vô Thường, Khổ Não, Vô Ngã, thì sẽ đạt được các đạo quả và Niết Bàn tùy theo niệm lực và duyên lành của mình.

Ðiều trọng yếu nên nhớ là khi hành giả đã quyết tâm thực hành phép thiền định quý báu là phép Niệm Phật rồi, phải hành cho đều đều mỗi ngày đừng cho gián đoạn, nghĩa là không nên hành một bữa rồi nghĩ hai, ba hôm. Vì tâm hành giả đang an tịnh trong cảnh giới thiền định sẽ bị ngũ trần làm cho hoen ố, xao động nếu hành giả không tiếp tục hành cho đều đều, thì không thể thâu thập được kết quả theo sở nguyện.

Những điều nên nhớ trong khi tịnh tọa và xuất thiền:

Trong khi tịnh tọa, hành giả thường bị năm "pháp chướng ngại" (Nivarana dhamma) phát sanh lên phá hoại thiện căn, ngăn che cái tầm không cho thiền định được kết quả. Như đã kể phía trước, năm pháp ấy là:

- Tham trong ngũ dục,
- Thù oán, mong hại người,
- Hôn trầm,
- Phóng tâm, và Hoài nghi.

(Xin xem nhân sanh 5 pháp chướng ngại và phép giải trừ có kể rõ trong quyển "PHÁP CHÁNH ÐỊNH" của Ð.Ð. Hộ Tông, trang 13 và 14).

Ðây xin sơ lược vài điều có thể xảy đến trong lúc tọa thiền và phương pháp điều trị, nhiên hậu thiền định mới có thể tấn triển được.

1) Buồn ngủ, tâm dã dượi. - Ấy là tướng hôn trầm, phải rửa mặt hoặc nhìn ánh sáng cho tỉnh táo. Nếu sửa trị nhiều lần như thế mà vẫn còn, ấy là tại thân tâm quá mệt mỏi, thì không nên cố gắng nữa, nên ngủ cho khỏe, lúc thức giấc sẽ vào ngồi lại.

Nếu ngồi lâu, cảm thấy hai chân tê cứng, có thể nới chân ra một chút, khi hết tê chân trở lại ngồi bán già hoặc kiết già như cũ. Nếu mỏi lưng, có thể dựa vào gối hoặc thanh giường, nhưng nhớ giữ đầu và thân mình thật ngay thẳng, đừng cúi về phía trước hay ngã về phía sau.

2) Phóng tâm. - là tâm nhớ vẩn vơ bên ngoài không chú vào đề mục là Ân đức của Phật, thì phải biết tâm đang xao lãng, kéo tâm trở về để nơi rún và tiếp tục niệm Phật. Có hành giả phân vân không biết nên để tâm chăm chú vào chỗ nào trong lúc niệm niệm hầu dễ bề an trụ. Xin thưa rõ: nên để tâm ngay nơi rún, không nên để ngay khoảng giữa hai chân mày vì như thế sẽ năng sanh bịnh nhức đầu. Cũng không nên để phía trước mặt (ngoài thân mình) thì tâm sẽ xao lãng theo sự vật bên ngoài.

3) Hình ảnh ghê sợ hoặc vui thích (như thấy cọp, beo, rắn, ma quỷ, thây ma hoặc cảnh giới an vui, cõi trời, Kim Thân Phật v.v...). Không nên sợ hãi hoặc thỏa thích theo các cảnh tượng ấy, giữ tâm bình đẳng thản nhiên, chăm chú niệm niệm và tự nói như vầy: "Hiện tượng ấy là giả chớ không phải thiệt. Ta không sợ (hoặc không vui thích) đâu!", thì chẳng bao lâu, các ảo ảnh ấy sẽ biến mất.

Có thể trong lúc đang niệm tinh tấn, hành giả bỗng thấy trước mặt tối sầm lại. Không nên phát tâm sợ hãi vội xả thiền, trái lại nên bình tĩnh và tiếp tục niệm niệm đừng để ý đến bóng tối, chẳng bao lâu thì tan mất. Có lúc sau khi bức màn tối ấy tan đi, ánh sáng bỗng phát sanh lên như bông cải, như sao sa, như vòng điển v.v... Không nên để ý đến hình dáng, màu sắc của các ánh sáng ấy, cứ thản nhiên cố nhớ đề mục và niệm niệm như thường, nhưng trong thâm tâm nên biết rằng đó là triệu chứng phỉ lạc đã phát sanh.

Hành giả nên ghi nhớ 5 triệu chứng Phỉ lạc đã kể phía trước, ngoài ra chỉ là tà ảnh mà thôi. Ví dụ trong lúc đang niệm Phật, ta thấy Kim thân Phật hiện ra hào quang sáng ngời, thì ta nên nhận thức rằng hình ảnh ấy không phải là thiệt đâu, chỉ là ảo ảnh mà Ma vương hiện ra giả làm Phật để dụ cho tâm ta thỏa thích mê mệt nhìn xem quên cả phép niệm và dắt dẫn ta theo tà đạo có thể lâu ngày làm cho ta loạn tâm mất trí, sự tai hại không thể lường được.

Sơ lược những điều đại khái như trên, còn nhiều hiện tượng ngũ trần khác nữa như: âm thanh êm dịu, mùi thơm ngào ngạt v.v... phát sanh lên làm cho tâm ta dễ quên đề mục thiền định, phá hoại thiện pháp của ta. Bởi những lý do ấy, hành giả cần phải ở cận vị Thiền sư giao phó tánh mạng cho Ngài, hầu được chỉ dạy, dắt dẫn chu đáo trên con đường Chánh Ðịnh, lánh xa tà thiền.

4) Vật thực. - Nên dùng vật thực nào dễ tiêu và hạp với tạng của mỗi hành giả. Theo kinh nghiệm riêng của chúng tôi, trước và sau khi hành thiền, nên dùng một ly sữa là thức uống bổ và tốt nhứt.

Không nên tịnh tọa sau khi thọ thực, vì máu huyết đang dồn vào bộ tiêu hóa, nếu ngồi liền, lâu ngày sau bịnh đau bao tử. Vả lại, khi ăn no thì thân tâm thường uể oải, buồn ngủ, nên nghỉ vài giờ sau mới có thể vào ngồi.

5) Bốn oai nghi. - Trong bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) chỉ có tịnh tọa (ngồi) là tương đối dễ nhứt.

Tịnh tọa lâu ngày được thuần tục và triệu chứng thiền định đã phát sanh rồi, hành giả có thể đổi oai nghi để hành thiền.

Sau khi ngồi được một vài giờ, hành giả có thể hành tiếp bằng cách đi, thường gọi là "đi kinh hành". Ðường đi kinh hành phải bằng thẳng, bề ngang lối một thước tây, bề dài không quá 30 thước và ngắn hơn 5 thước, có đóng cộc phía hai đầu để làm dấu (ban đêm có cắm nhang phía hai đầu để dễ trông thấy). Trong khi đi, mở hé mắt vừa thấy đường đi, tâm chăm chú niệm niệm. Ðến cuối đường, từ từ quay trở lại; nên để ý trong khi xoay mình giữ cách nào cho triệu chứng thiền định vẫn còn trước tâm mục đừng cho tan mất.

Kế tiếp, hành giả cũng nên hành thiền bằng cách đứng và cách nằm:

- Ðứng ngay thẳng, hai tay xuôi theo mình không cử động, nhắm mắt hoặc hé mắt, chú tâm niệm theo cách đã giải.

- Nằm nghiêng mình bên tay mặt tốt hơn vì trái tim không bị đè, tay mặt lót dưới má nhưng không cho bít tai, tay trái để xuôi theo thân mình, chơn trái ngay thẳng còn chơn mặt thì hơi co lại. Niệm Phật theo cách đã giải. Nên để ý nếu nằm hành thiền thì năng sanh buồn ngủ, thiếp đi lúc nào chẳng hay. Vậy cần tập cho quen đừng cho ngủ quên, hầu trong lúc bịnh hoạn, có thể tiếp tục hành thiền được, không cho gián đoạn công phu.

Tập hành thiền cho thuần thục trong bốn oai nghi thì tâm hành giả càng khắn khít, an trú trong cảnh giới thiền định dễ dàng dấu trong trường hợp nào cũng vậy, vì pháp hành Thiền định có tịnh (ngồi, nằm, đứng) mà cũng phải có động (đi), động và tịnh điều hòa thì thân tâm mới được thơ thới an vui.

F. - Khi xả thiền. - Tịnh tọa được một vài giờ, hành giả muốn xuất thiền, trước tiên nên để tâm nghĩ qua việc khác, ví dụ như hồi hướng (thầm) phước báu vừa hành thiền xong đến Chư thiên trong vòng tịnh xá, đến thầy tổ, cha mẹ v.v... Kế tiếp, nên mở miệng thở hơi ra cho thật dài vài lần, xoa hai tay cho nóng dùng hấp lên hai mắt rồi mới mở ra. Từ từ cử động đầu, cổ và thân mình rồi lấy tay xoa khắp tay chơn cho huyết dịch lưu thông, đợi hơi nóng trong châu thân tan hết rồi mới đứng dậy đi ra khỏi phòng hoặc tịnh thất. Nếu không làm đúng như vậy và đứng dậy gấp quá thì năng sanh chứng nhức đầu, xương cốt lâu ngày sẽ cứng như chứng phong lao và tâm cũng sanh dã dượi không an khi xuất thiền.

PHƯỚC BÁU NIỆM PHẬT

Hành giả nào thực hành Phép Niệm Phật cho thường thường, dầu chưa đạt được quả báo bậc cao là tâm an trụ trong cảnh giới Cận Ðịnh, cũng hằng được 13 phước báu sau đây:

1. - Càng có đức tin nơi Phật,
2. - Càng phát tâm tôn trọng sùng kính Phật,
3. - Càng biết rõ ân đức cao thâm của Phật,
4. - Trí nhớ được tăng trưởng,
5. - Phát sanh lòng thỏa thích vui mừng,
6. - Càng nhẫn nại đối với các điều kinh sợ,
7. - Càng nhẫn nại đối với các sự khổ não,
8. - Ðáng cho mọi người tôn kính cúng dường,
9. - Có tâm xu hướng theo cõi Phật, là mong được chứng quả Phật,
10. - Có sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, không dám làm điều ác, như người đang ở trước mặt Phật,
11. - Càng có tâm trong sáng, thanh tịnh,
12. - Ðáng được ở chung cùng Ðức Phật,
13. - Sau khi lâm chung, được thọ sanh nơi nhàn cảnh (trời và người) hưởng hạnh phúc an vui.

Tóm tắt:

Xin tóm tắt nơi đây "Phép Niệm Phật" để giúp hành giả dễ nhớ trong lúc thực hành:

a) Ôn lại trong trí 10 hiệu (Ân đức) Phật vừa tiếng Pàli vừa nghĩa, bắt đầu từ Itipi So Bhagavà Araham ...

b) Lựa một trong 10 hiệu (Ân đức) mà niệm, vừa niệm để trí nhớ nghĩa, càng nhiều lần càng tốt;

c) Triệu chứng thiền định là Tầm, Sát, Phỉ và An phát sanh, tâm vào bậc Cận định;

b) Phép Niệm Phật chỉ có thắng lực đem tâm đến Cận định thôi, không thể vào Sơ thiền được. Nhưng hành giả có thể hành tiếp Pháp Minh Sát Tuệ (Vipassanà) để thấy rõ Ðạo quả và Niết Bàn.

HẾT PHẦN "NIỆM PHẬT"

-ooOoo-

II. NIỆM SỰ CHẾT (MARANÀNUSSATI)

"Còn không bao lâu nữa, thân người sẽ nằm cứng đờ trên mặt đất, ghê tởm và vô tri, giống như một khúc cây khô mục không lợi ích vào đâu!"

"Thân người hiện tại đây ví như chiếc lá úa vàng. Tay sai của Diêm Chúa đang đến tìm người. Người sắp lên đường, nhưng than ôi! lộ phí của người (là các việc lành) chẳng có!" -- (DHAMMAPADA)

Thường thường, ta dùng tiếng "Chết" (Maranam) để định nghĩa mạng sống của chúng sanh bị tiêu diệt hoặc bị cắt đứt; hay ta có thể nói: Sự chết là mức cuối cùng của một kiếp chúng sanh. Lại nữa, sự chết cũng có nghĩa là sự tan rã của ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức).

Có hai thứ chết: - Chết đúng hạn kỳ và chết không đúng hạn kỳ.

Chết đúng hạn kỳ xảy ra:

- vì hết nghiệp hoặc hết phước,
- vì hết tuổi thọ,
- vì cả hai nguyên nhân ấy đồng đến một lúc.

Chết không đúng hạn kỳ xảy đến vì cái nghiệp đã tạo trong kiếp trước hoặc kiếp này, đến trả quả trong kiếp hiện tại (chết vì tai nạn, giặc giã hoặc vì luật pháp; chết vì nghiệp nặng chen vào trả quả).

"Anussati" có nghĩa là niệm niệm hay là pháp quán tưởng.

"Niệm Sự Chết" (Maranànussati) là hằng thẩm xét đến cái chết, hay nói một cách khác là: suy nghĩ, tưởng nhớ thường thường đến mạng sống bị tiêu diệt hay bị cắt đứt.

PHÁP NIỆM SỰ CHẾT

Hành giả muốn niệm "Sự Chết", nên trì giới cho trong sạch, xa lánh những điều ràng buộc như đã có giải phía trước trong phần "NIỆM PHẬT", rồi nên tìm nơi vắng vẻ hoặc lựa thời giờ yên tĩnh thuận tiện chọ sự hành thiền.

Sau khi suy xét "Mười tội của ngũ trần", rải lòng từ bi bằng cách vắn tắt và suy xét thêm về "Pháp chán nản" [5], rồi nên nhiếp tâm chăm chú niệm (thầm) như vầy:

"Sự chết sẽ đến cho ta không sai", hoặc "Ta sẽ chết", hoặc niệm: "Maranam... Maranam... Chết Chết..." cũng được.

Nếu hành giả suy nghĩ, tưởng nhớ đến cái chết của một người thân yêu, thì tâm hành giả trở nên đau khổ buồn rầu, ví như người mẹ tưởng nhớ đến cái chết của đứa con yêu mến. Nếu tưởng nhớ đến cái chết của kẻ không vừa lòng mình, thì tâm hành giả phát sanh thỏa thích vui mừng, ví như người thù tưởng nhớ đến cái chết của kẻ nghịch. Nếu tưởng nhớ đến cái chết của người không quen biết, không yêu không oán, thì tâm hành giả trở nên bình đẳng thản nhiên, ví như người chuyên nghiệp thiêu xác nhìn xác chết họ mướn thiêu. Khi tưởng nhớ đến cái chết của chính mình, thì tâm hành giả phát sanh sợ sệt, kinh khủng, ví như người nhát khi nhìn thấy kẻ sát nhơn cầm gươm bén đến giết mình.

Tất cả những phương pháp quán tưởng vừa kể trên đều không hiệp theo phép niệm niệm "Sự chết", vì thếu sự kinh cảm và chánh kiến, là hai động lực thúc dục ta mau mau tỉnh ngộ trong lẽ "Vô Thường".

Ðầu tiên, hành giả nên suy gẫm, tưởng nhớ đến những người đã bị giết hoặc đã chết, lúc còn sanh tiền đã hưởng được nhiều điều an vui lạc thú tuyệt vời, nay qua đời rồi với hai bàn tay trắng, không đem theo được vật chi của trần gian... Thẩm xét như thế đến khi phát sanh lòng kinh cảm và chánh kiến, khiến cho tâm chán nản thế sự phù du và không còn giải đãi nữa. Rồi hành giả châm chú niệm niệm "Sự chết sẽ đến cho ta không sai", hoặc "Ta sẽ chết", hoặc "Maranam... Maranam... Chết... Chết..." cũng được.

Niệm như thế cho thường thường trong bốn oai nghi, năm "pháp chướng ngại" (Nivarana dhamma) [6] sẽ bị đè nén lần lần, tâm hành giả sẽ được an trụ và vào cảnh giới Cận Ðịnh.

Quán tưởng theo Tám Chi pháp

Nếu niệm như thế mà cũng chưa đạt được kết quả, hành giả nên quán tưởng "Sự chết" theo 8 chi pháp sau đây:

1. Vadhakapaccupatthanato: Sự chết ví như một đao phủ thủ cầm gươm kề ngang cổ ta;
2. Sampattivipattito: Sự chết ví như sự tiêu hoại của vạn vật trên thế gian;
3. Upasamharanato: So sánh sự chết của ta với sự chết của các bậc cao siêu;
4. Kayabahusadharanato: Thân thể ta đây là nơi trú ngụ của nhiều thứ khác và hằng bị nhiều điều tai hại;
5. Àyudubbalato: Mạng sống của chúng sanh rất mỏng manh và yếu ớt;
6. Animittato: Sự chết đến không chừng, ta không thể tiên đoán được;
7. Addhanaparicchedato: Sanh mạng của con người rất ngắn ngủn;
8. Khanaparittato: Mạng sống của chúng sanh chỉ ngắn bằng một sát na.

CHI PHÁP THỨ NHỨT. - Sự chết ví như một đao phủ thủ cầm gươm kề ngang cổ ta.

Hành giả nên suy gẫm như thế này: "Sự chết khoát hình một đao phủ thủ hiện đến với cây gươm bén, nghĩ rằng: "Ta sẽ cắt đầu người nầy" và kề gươm vào cổ hành giả, cái chết đến tức khắc".

Tại sao thế? - Bởi vì trong sự sanh đã có mầm sự chết, nó sẽ tàn sát sanh mạng ta không sai.

Loài nấm từ dưới đất mọc lên luôn luôn dính chút đất trên đầu như thế nào, chúng sanh hằng có sự già và sự chết kề bên từ khi mới thoát thai như thế ấy. Mặt trời mọc hướng đông, từ từ lặn về hướng tây, không bao giờ trở lại hướng đông dầu trong khoảnh khắc. Dòng suối cuồn cuộn chảy từ núi ra đồng bằng, không bao giờ chảy ngược trở lại dầu trong khoảnh khắc. Cũng như thế ấy, từ lúc lọt khỏi lòng mẹ, chúng sanh đi lần đến sự chết, không bao giờ quay đầu trở lại dầu trong khoảnh khắc.

Ngày qua ngày, mạng sống của chúng sanh hao mòn và đi lần đến sự chết, chẳng khác nào: ao ngòi lần lần khô cạn trong mùa hạ; trái cây chín lìa cành trong buổi sáng; nồi đất do tay người thợ gốm nặn ra dầu lớn hoặc nhỏ, nung chín rồi hay chưa, số phận cuối cùng là phải bị bể một ngày kia; giọt sương đọng trên ngọn cỏ tan đi khi vầng thái dương lố mọc buổi ban mai.

Như thế, sự chết theo dính thân ta như bóng với hình, ngay từ lúc ta mới bào thai vào lòng mẹ cho đến lúc sanh ra và khôn lớn, khi ta ngủ, ngủ với sự chết, khi ta lớn lên cũng lớn lên với sự chết kề bên. Sự chết chẳng khác nào một đao phủ thủ kề lưỡi gươm bén vào cổ ta, sẵn sàng đem sanh mạng ta đi, không bao giờ mang trả lại.

CHI PHÁP THỨ NHÌ. - Sự chết ví như sự tiêu hoại của vạn vật trên thế gian.

Vạn vật trên thế gian này như tiền tài, ruộng đất, nhà cửa, danh vọng, oai quyền... chỉ còn trong tay ta là khi nào ta còn hưng thời, sự tiêu hoại chưa đến. Ta đã từng thấy và kinh nghiệm: không có sự phồn vinh nào tồn tại mãi mà không sụp đổ với thời gian. Châm Ngôn Việt Nam ta có câu: "Nhứt khoảnh điền thiên vạn chủ" hoặc "Ruộng dâu hóa bể" v.v... đủ chứng tỏ rằng vạn vật trên thế gian không có chi là bền vững vì hằng bị chi phối bởi lẽ vô thường. Như đức Vua A Dục (Asoka: Vô ưu), khi còn oai quyền cái thế, đánh đông dẹp tây gồm thâu thiên hạ, bố thí hàng trăm triệu, cho xây cất 84.000 ngọn tháp cúng dường Tam Bảo, nhưng đến lúc cuối cùng, phước lụn oai tàn, trên giường bịnh đành nhìn sự chết đến với sự bực tức trong tâm!

Lại nữa, sức khỏe đến đâu rồi cũng bị bịnh hoạn, trẻ trung xinh đẹp thế mấy rồi cũng phải già nua xấu xí, mạng sống chúng sanh có cái chết là nơi cuối cùng. Chúng sanh trên thế gian này đã sanh ra rồi phải chịu khổ đau, khổ già, khổ chết, không sao thoát khỏi được.

Những ngọn núi vĩ đại toàn bằng đá cao ngất từng mây đi lần ra tứ phía, nghiền nát tất cả sanh mạng trên quả địa cầu này, như thế nào; sự già và sự chết chi phối và nghiền nát tất cả chúng sanh không chừa một người nào, dầu là vua chúa, đại thần, chiến sĩ, đạo sĩ, thương gia, thủ công v.v..., như thế ấy. Già trẻ, khôn dại, sang hèn, đẹp xấu... không sớm thì chầy một ngày kia cũng không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần! Và không có tượng binh, xa binh, pháo binh, không binh, mưu thần chước quỷ nào có thể đánh bại được nó. Vàng bạc, ngọc ngà châu báu, cúng tế, hối lộ, than khóc, vái van... cũng chỉ là vô ích không không mà thôi!

CHI PHÁP THỨ BA. - So sánh sự chết của ta với sự chết của những bậc cao siêu.

Hành giả nên so sánh với 7 hạng người như sau:

1. Những bậc hoàng đế, oai quyền trùm cả quốc độ, danh tiếng lẫy lừng kẻ hầu người hạ đông đảo, tiền của đầy kho... nhưng kết cuộc rồi cũng không thoát khỏi tay của tử thần, huống chi ta, chỉ là một kẻ thường dân, của tiền chẳng có oai quyền cũng không!

2. Những người đại phước đức, như các bậc đại phú gia (tích ông Jotika, ông Jatilaka, ông Mendaka, bà Visakha v.v...) [7], vàng bạc chất cao như núi, hưởng phước cùng tột trong kiếp này, rồi cũng phải chết, huống chi ta, chỉ là một kẻ thiếu phước!

3. Những người có sức lực vô song, có thể cử đảnh bạt sơn (tích vua Vasudeva, Baladeva, và Bhimasena v.v...) [8], nhưng cũng không tránh khỏi bàn tay của tử thần, huống chi ta, chỉ là một người yếu đuối!

4. Những bậc đại thần thông, như Ðại Ðức Mục Kiền Liên, biến hóa không cùng, cũng bị rơi vào lưới của tử thần, huống chi ta, chỉ là một kẻ tầm thường!

5. Những bậc đại trí tuệ như Ðại Ðức Xá Lợi Phất mà không chúng sanh nào. Trừ Ðức Thế Tôn, có thể sánh bằng 1 phần 16 (1/16) trí tuệ của Ngài, cũng không thoát khỏi quyền lực của tử thần, huống chi ta, tài hèn trí kém!

6. Chư Phật Ðộc Giác, là những bậc siêu phàm đã tự ngộ lấy lý Tứ Diệu Ðế, diệt tận tất cả phiền não và đắc quả vô thượng, cũng không thoát khỏi tử thần, huống chi ta, đạo quả đều không!

7. Ðức Phật Thế Tôn, Ðức Chánh Biến Tri: có thân mình đẹp đẽ có 32 tướng tốt và 80 tướng phụ, đã hành viên mãn 10 hạnh Bồ Tát, thân khẩu ý hoàn toàn trong sạch, oai lực vô lượng vô biên trong thiên thượng và thiên hạ không ai sánh bì, là đấng hoàn toàn giác ngộ... nhưng sanh mạng Ngài vẫn bị tiêu diệt bởi tử thần ví như đống lửa to bị đám mưa giông dập tắt, huống hồ sanh mạng của ta!

Hành giả nên so sánh sự chết của ta với sự chết của các bậc cao siêu như thế cho thường thường, và nên suy xét rằng: "Những bậc cao siêu như vậy còn bị chết thay, huống chi ta chỉ là một kẻ tầm thường! Chắc chắn ta sẽ chết, không sai!".

CHI PHÁP THỨ TƯ. - Thân thể ta đây là nơi trú ngụ của nhiều thứ khác và hằng bị nhiều điều tai hại.

Trước tiên, thân thể ta là nơi trú ngụ của 80 thứ vi trùng (trong Kinh để: giòi). Có thứ sanh ở ngoài da và sống ở ngoài da, có thứ sanh ở trong da và sống ở trong da, có thứ sanh ở trong thịt và sống ở trong thịt, có thứ sanh ở trong gân và sống ở trong gân, có thứ sanh ở trong xương và sống ở trong xương, có thứ sanh ở trong tủy và sống ở trong tủy. Các thứ vi trùng ấy sanh sản, lớn lên, tiểu tiện, phóng uế và chết trong những nơi ấy; thân thể ta là nhà bảo sanh, là bịnh viện, là nhà cầu, là sân chơi, là mộ địa của chúng vậy. Thân ta có thể bị chúng nổi dậy làm cho chết được. Lại nữa, đồng thời là nơi trú ngụ của 80 thứ vi trùng, thân ta còn là nơi ẩn náu của hàng trăm thứ bệnh khác nhau, chưa kể ngoại thương có thể làm cho ta chết được.

Một tấm bia dựng ở ngã tư đường hằng bị tên, lao, đá v.v... từ tứ hướng phóng đến, như thế nào; thân ta đây hằng bị đủ thứ tai nạn bất ngờ xảy đến có thể tiêu diệt sanh mạng ta, như thế ấy. Ðức Thế Tôn có thuyết rằng: "Này các thầy Tỳ Khưu, khi ánh nắng đã tắt và đêm hầu kề, thầy Tỳ Khưu nên suy nghĩ như vầy: Sanh mạng của ta có thể tiêu hoại bằng nhiều cách. Rắn có thể cắn ta, rít và bò cạp có thể chích ta và ta có thể chết vì nọc độc của chúng. Ta có thể chết vì bị vấp té, hoặc vì vật thực không tiêu, hoặc vì đờm và mật trào ra, hoặc vì gió trong tứ chi quạt lên dường thế lưỡi dao bén".

CHI PHÁP THỨ NĂM. - Sanh mạng của con người rất mỏng manh và yếu ớt.

Thật vậy, sanh mạng của ta liên quan với hơi thở, với bốn oai nghi, với sự lạnh và nóng, với tứ đại và với vật thực.

Ta sống đây là khi nào hơi thở vô ra được điều hòa. Nếu thở ra mà không thở vô, hoặc thở vô mà không thở ra, thì ta phải chết.

Ta sống đây là khi nào 4 oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) được điều hòa. Nếu không thay đổi oai nghi, ví dụ: cứ ngồi hoài, hoặc đi mãi v.v... thì ta phải chết.

Ta sống đây là khi nào thời tiết được điều hòa. Nếu lạnh hay nóng quá độ, thì ta phải chết.

Ta sống đây là khi nào tứ đại (đất, nước, gió, lửa) được điều hòa. Nếu chất đất vượng thì thân ta sẽ cứng đờ, chất nước thạnh thì thân ta sẽ bệu rệu và sình lên, chất gió hưng thì tứ chi sẽ đau nhức rã rời, chất lửa tăng thì thân ta sẽ bị đốt khô vì sốt.

Ta sống đây là nhờ vật thực đầy đủ dùng đúng buổi, nhưng nếu không có vật thực thì ta phải chết.

CHI PHÁP THỨ SÁU. - Sự chết đến không chừng, ta không thể tiên đoán được.

Ta không thể định được tuổi thọ của mỗi người là bao nhiêu. Cái bào thai tượng hình trong bụng mẹ có thể sẩy trong thời kỳ thứ nhứt, thứ nhì, thứ ba và thứ tư (chót) cũng có. Ðứa hài nhi vừa lọt khỏi lòng mẹ chết liền cũng có. Có đứa sống được một tháng, hai tháng, ba tháng... mời tháng, một năm... mười năm v.v.... Có người sống dưới hoặc hơn 100 tuổi, nhưng trước sau gì cũng phải chết.

Ta cũng không thể biết trước được người này sẽ chết vì bệnh này chớ không vì bịnh khác. Người thì chết vì bịnh đau mắt, đau tai, người thì vì bịnh đau gan, đau phổi, hoặc vì các chứng bịnh khác khác.

Ta cũng không thể đoán được người này sẽ chết vào buổi này chớ không vào buổi khác. Người thì qua đời buổi sáng, người thì buổi trưa, hoặc bất cứ giờ nò ban ngày hoặc ban đêm.

Ta cũng không thể đoán được người này sẽ chết ở chỗ này chớ không ở chỗ khác. Có người sanh ở Việt Nam, chết bên Pháp, hoặc, trái lại. Có người sanh trên biển, chết trên đất liền hoặc sanh trên đất liền lại chết trên biển. Có người sanh nơi thành thị, chết ở thôn quê, hoặc sanh ở thôn quê lại chết nơi thành thị v.v...

Ta cũng không thể biết trước được sau khi chết, ta sẽ tái sanh về đâu. Có chúng sanh chết ở cõi trời lại tái sanh trog cõi người, hoặc chết ở cõi người lại tái sanh trong cõi trời v.v... Như thế, chúng sanh chết đi, sống lại không ngừng theo sáu đường ba cõi, trong cái vòng lẩn quẩn là Luân Hồi, như con bò bị thắng vào cái ách đi vòng quanh mãi không ngừng nghỉ vậy.

CHI PHÁP THỨ BẢY. - Sanh mạng con người rất ngắn ngủn.

Thật vậy, mạng sống con người trong thời kỳ này chỉ được 100 tuổi là cùng. Cũng có người sống đến 110, 120 năm, nhưng không bao giờ đến 2 thế kỷ; ấy là không kể mạng sống của con người có thể tính từng năm, từng tháng, hoặc từng ngày, từng giờ, hay từng phút.

Ðức Thế Tôn có thuyết:

Này các thầy Tỳ Khưu, thuở xưa có thầy đạo sĩ tên Araha thuyết pháp, đề cập đến sự chết, đã so sánh mạng sống của chúng sanh như sau đây:

1. Ví như giọt sương đọng trên ngọn cỏ trước khi mặt trời lố mọc;
2. Ví như bong bóng nước, nổi lên rồi lại tan vỡ đó đây;
3. Ví như một lằn vạch trên mặt nước, tan mất liền trước khi ta lấy cánh tay lên;
4. Ví như dòng suối từ trên núi đổ xuống và chảy siết ra đồng bằng;
5. Ví như nước bọt đọng trên đầu lưỡi mà ta nhổ ra;
6. Ví như một lát thịt mỏng bị nướng trên một miếng sắt cháy đỏ;
7. Ví như mạng sống của con bò bị dẫn đến lò sát sinh, mỗi bước đi là một bước nó tiến lần đến cái chết;

Ðem so sánh với 7 cảnh tượng trên đây, ta nhận thức rằng mạng sống của ta rất ngắn ngủn và bị tiêu hoại dễ dàng. Vì thế ta cần suy gẫm, tưởng nhớ đến "Sự Chết" cho thường thường, nên sống một cuộc đời có đức hạnh, nên tìm hạnh phúc cao thượng trong sự tu hành và dứt bỏ, vì hễ có sanh thì có tử, chẳng một ai trong cõi trần gian này có thể thoát khỏi được".

Ðức Thế Tôn lại có thuyết rằng:

"Này các thầy Tỳ Khưu, nếu có thầy Tỳ Khưu nào niệm "Sự Chết", nghĩ như thế này: "Xin cho tôi sống một ngày và một đêm để tôi có thể thính Pháp Ðức Thế Tôn, ấy cũng là nhiều rồi!" hoặc giả nếu có thầy Tỳ Khưu nào nghĩ như thế này: "Này cho tôi sống một ngày để tôi có thể thính Pháp Ðức Thế Tôn, ấy cũng là nhiều rồi!"; hoặc giả nếu có thầy Tỳ Khưu nào nghĩ như thế này: "Xin cho tôi sống một thời gian chỉ bằng một bữa cơm để tôi có thể thính Pháp đức Thế Tôn, ấy cũng là nhiều rồi!"; hoặc giả nếu có thầy Tỳ Khưu nào nghĩ thế này: "Xin cho tôi sống một thời gian chỉ bằng sự nhai và nuốt 4 hay 5 miếng cơm, để tôi có thể thính Pháp đức Thế Tôn, ấy cũng là nhiều rồi!", thì Như Lai cho rằng các thầy Tỳ Khưu ấy niệm "Sự Chết" một cách hững hờ và không được chu đáo.

"Lại nữa, này các thầy Tỳ Khưu, nếu có thầy Tỳ Khưu nào niệm "Sự Chết", nghĩ như thế này: "Xin cho tôi sống một thời gian chỉ bằng sự nhai và nuốt một miếng cơm để tôi có thể thính Pháp đức Thế Tôn, ấy cũng là nhiều rồi!"; hoặc giả nếu có thầy Tỳ Khưu nào nghĩ như thế này: "Xin cho tôi sống một thời gian chỉ bằng một hơi thở ra và thở vô, hoặc thở vô và thở ra, để tôi có thể thính Pháp đức Thế Tôn, ấy cũng là nhiều rồi!", thì Như Lai cho rằng các thầy Tỳ Khưu ấy niệm "Sự Chết" một cách cần mẫn và chu đáo".

Như thế, ta nên nhận thức rằng mạng sống của chúng sanh rất ngắn ngủn, đến nỗi không chắc lâu bằng một thời gian để nhai và nuốt 4 hay 5 miếng cơm. Khi nhận thức như thế rồi, ta không nên giải đãi và nên cần kíp niệm "Sự Chết" với tất cả tấm lòng kính cảm và tinh tấn.

CHI PHÁP THỨ TÁM. - Mạng sống của chúng sanh chỉ ngắn bằng một sát na (khana)

Mạng sống của chúng sanh hết sức ngắn, nói theo triết lý, thì chỉ bằng thời gian của một tư tưởng. Mà thời gian của một tư tưởng hết sức ngắn vì tâm ta thay đổi trong mỗi sát na (khana). Ðức Thế Tôn có thuyết rằng: "Này các thầy Tỳ Khưu! tâm chúng sanh thay đổi rất mau chóng, đến nỗi Như Lai không thấy có pháp nào thay đổi mau lẹ bằng tâm chúng sanh".

Cái bánh xe khi lăn tròn trên mặt đất, vành xe chỉ chạm mặt đất nơi một điểm nào đó, rồi đến điểm khác, cứ tuần tự như thế đến khi giáp trọn một vòng, khi ngừng lăn, bánh xe chỉ ngừng trên mặt đất nơi một điểm của cái vành xe. Cũng như thế ấy, mạng sống chúng sanh chỉ ngắn bằng thời gian của một tư tưởng, nghĩa là bằng khoảnh khắc của sự thay đổi của tâm.

Nói một cách khác, khi mỗi tư tưởng dứt, thì ta cũng chết theo, và khi tư tưởng khác bắt đầu, thì ta lại tái sanh. Như vậy, ta đã sống trong thời gian của tư tưởng vừa qua, và hiện không sống và sẽ không sống. Ta hiện đang sống trong thời gian của tư tưởng hiện thời, ta đã không sống và sẽ không sống. Ta sẽ sống trong thời gian của tư tưởng sắp đến, ta đã không sống và hiện không sống.

Ta nên nhận thức rằng ngũ uẩn là sắc (sắc thân) và danh (thọ, tưởng, hành, thức) ta đây, hòa hợp lại và tồn tại chỉ trong thời gian một tư tưởng hết sức ngắn ngủn, và như thế, xét theo lẽ chánh và Pháp Vô Thường, những lý thuyết sai lầm về một linh hồn bất diệt không thể đứng vững được. Khi ta nói: Ông Xoài sống 45 tuổi, bà Mít 98 tuổi..., ta nên nhiểu rằng chỉ cái thể chất của ông Xoài và bà Mít được tồn tại bao nhiêu năm ấy thôi (mặc dầu có nhiều sự thay đổi), còn ngũ uẩn hiện thời của Ông và Bà ấy không có lúc nào giống ngũ uẩn trong 45 hoặc 98 năm qua.

Quả báo của niệm sự chết

Sau một thời gian niệm "Sự Chết" bằng sự ghi vào tâm thường thường một vài chi pháp vừa kể, năm "pháp chướng ngại" (Nivarana dhamma) là:

- Tham trong ngũ dục,
- Thù oán, mong hại người,
- Hôn trầm,
- Phóng tâm, và
- Hoài nghi,

lần lần yên lặng, hai chi đầu của thiền định là Tầm (Vitakka) và Sát (Vicàra) sẽ phát sanh. Hành giả tinh tấn niệm niệm thì chẳng bao lâu các triệu chứng Phỉ Lạc (Pìti) và An (Sukha) sẽ phát khởi, tâm hành giả không còn quyến luyến theo thế sự và an trú trong đề mục thiền định mà vào cảnh giới Cận Ðịnh (Upacàra Samàdhi).

Nhưng pháp "Niệm Sự Chết" chỉ có thắng lực đem tâm hành giả đến bậc Cận Ðịnh thôi, dầu hành giả rán niệm tinh tấn cách nào đi nữa, cũng không thể nhập vào Sơ Thiền (Appàna Samàdhi) được. Vì pháp "Niệm Sự Chết" phải lấy sự chết của chính mình (tính cách cá nhân) để so sánh với cái chết của kẻ khác, và được phát sanh lên là do nhờ sự kinh cảm thúc giục. Nhưng nếu hành giả rán hành theo pháp Minh Sát (tu Huệ), nhứt là trí tuệ biết rõ trong ba thật tướng (Trilakkhana) là Vô Thường, Khổ Não, và Vô Ngã, thì sẽ đạt được các đạo quả và Niết Bàn tùy theo niệm lực và duyên lành của mình.

Hành giả nào hằng niệm "Sự Chết", nếu chưa đạt được quả báo bậc cao là tâm vào cảnh giới Cận Ðịnh, thì cũng hằng có nơi tâm một pháp quý báu là "Không dễ duôi" (Appamàda) [9] khiến cho phát sanh 9 phước báu sau đây:

1. Chẳng sa mê theo sự sống, nghĩa là không lầm tưởng rằng ta chưa chết vội và còn sống lâu, nhờ vậy ta luôn luôn tinh tấn làm những việc lành;
2. Dứt bỏ tâm ưa thích trong sự sống và chán nản sự tái sanh (làm tròi, người v.v...). nhờ vậy, ta rán hành phạm hạnh để diệt tận phiền não hầu đạt đạo quả và Niết Bàn;
3. Không quyến luyến trong các sự vật mà mình đã thâu thập được;
4. Không dám làm các điều ác;
5. Không tham lam trong của cải, lợi danh v.v...
6. Chẳng phải là người bỏn xẻn rít róng, chỉ để dành dùng một mình không chia sớt cho ai;
7. Biết rõ các pháp Vô Thường, Khổ Não, Vô Ngã trong các sắc tướng;
8. Chẳng kinh sợ và loạn tâm trong lúc chết;
9. Chết rồi được tái sanh trong cõi an vui.

Tóm tắt

Xin tóm tắt dưới đây phép "Niệm Sự Chết" để cho những vị nào muốn hành pháp ấy ghi nhớ dễ dàng và có qui cũ:

A. - Nhớ ân đức Tam Bảo (xem quyển NHẬT HÀNH).

B. - Tưởng nhớ đến sự chết của những người oai quyền, phú quý (mà ta đã quen biết hoặc đã nghe tiếng) nay đã qua đời rồi với hai bàn tay trắng, để phát sanh lòng kinh cảm rồi niệm: "Maranam... Maranam... Chết... Chết..." 100, 1.000, 10.000 lần đến khi sự ghi nhớ được tròn đủ và tâm được an trụ.

C. - Nếu chưa được kết quả, nên quán tưởng theo 8 chi pháp:

1. Sự chết ví như đao phủ thủ luôn luôn ở bên cạnh ta.
2. Sự chết ví như sự tiêu hoại của vạn vật.
3. So sánh ta với các bậc cao siêu (đại hoàng đế, đại phước, sức lực nhiều, Ðức Mục Kiền Liên, Ðức Xá Lợi Phất, Ðức Phật Ðộc Giác, Ðức Phật Thế Tôn).
4. Thân ta là nơi trú ngụ của 80 thứ vi trùng và hằng bị nhiều điều tai hại bất ngờ;
5. Sanh mạng ta rất mỏng manh (liên quan với hơi thở, 4 oai nghi, thời tiết, tứ đại và vật thực);
6. Không thể tiên đoán sự chết (tuổi thọ, bịnh, thời giờ, chỗ, tái sanh);
7. Sanh mạng con người rất ngắn 100 tuổi là cùng; chỉ bằng thời gian hơi thở ra, vô);
8. Mạng sống của chúng sanh ngắn bằng một tư tưởng (nấc tâm).

D. - Quả báo bậc cao: tâm vào Cận Ðịnh

E. - Quả báo bậc thấp.

HẾT PHẦN "NIỆM SỰ CHẾT"

-ooOoo-

III. NIỆM HƠI THỞ (ÀNÀPÀNA SATI)

"Này các thầy Tỳ Khưu! Nếu các thầy Tỳ Khưu nào trong Giáo Pháp của Như Lai, phát tâm sợ sệt vòng sanh tử luân hồi, hành pháp "NIỆM HƠI THỞ" dầu trong một thời gian ngắn ngủn, thầy Tỳ Khưu ấy đang thực hành đúng theo Giáo Pháp của Như Lai và được nếm quả vị an lành. Chỉ hành trong một thời gian ngắn mà được hưởng hương vị như thế ấy, huống chi là hành trong một thời gian lâu dài, thì quả vị lại càng cao thượng biết là dường nào!".

ÀNÀPÀNA SATI là pháp niệm hơi thở ra, thở vô. ÀNÀ nghĩa là thở vô, ÀPÀNA là thở ra. SATI là pháp niệm, hay là: để tâm ghi nhớ, chăm chú trong đề mục cho thường thường.

Pháp "Niệm Hơi Thở" là một pháp thiền định cao siêu mà khi hành giả thực hành đều đều và tinh tấn, thì thân tâm hằng được thơ thới nhẹ nhàng và an lạc không cùng. Lại nữa, pháp hành ấy hằng làm cho yên lặng và diệt tắt những tà tư duy khi vừa phát sanh lên [10].

Theo Kinh "Ðại Tứ Niệm Xứ" (MAHASATIPATTHÀNA SUTTA) thì pháp "Niệm Hơi Thở" do Ðức Thế Tôn thuyết tại thành Guru, gồm có 16 chi pháp căn bản, chia làm 4 đoạn, mỗi đoạn có 4 chi.

Bốn chi pháp thứ nhất thuộc về Niệm Thân (KÀYÀNUPASSANÀ) dành để cho bậc sơ cơ, vắn tắt như sau đây:

"Hành giả chăm chú thở vô và chăm chú thở ra.

1. Khi thở vô dài, biết rõ: "Ta thở vô dài"; khi thở ra dài, cũng biết rõ "Ta thở ra dài";

2. Khi thở vô vắn, biết rõ "Ta thở vô vắn"; khi thở ra vắn, cũng biết rõ "Ta thở ra vắn";

3. Hành giả thầm nghĩ "Ta sẽ thở vô" và chú tâm theo dõi hơi thở vô không gián đoạn; hành giả thầm nghĩ "Ta sẽ thở ra" và chú tâm theo dõi hơi thở ra không gián đoạn."

4. Hành giả thầm nghĩ "Ta sẽ thở vô" và chú tâm làm cho hơi thở vô được tế nhị; hành giả thầm nghĩ "Ta sẽ thở ra" và chú tâm làm cho hơi thở ra được tế nhị".

Còn 12 chi pháp tiếp theo, thuộc về Niệm Thọ (VEDANÀNUPASSANÀ), Niệm Tâm (CITTÀNUPASSANÀ) và Niệm Pháp (DHAMMÀNUPASSANÀ), dành để cho hành giả nào đã đắc thiền do nhờ 4 chi pháp vừa kể trên, tiếp tục hành thêm cho được viên mãn bốn thánh quả: Tu-đà-hườn (SOTÀPANNA), Tư-đà-hàm (SAKIDÀGÀMI), A-na-hàm (ANÀGÀMI), và A-la-hán (ARAHANT).

Phương pháp niệm hơi thở

Phương pháp "Niệm Hơi Thở" sau đây đã được giải rõ trong bộ Kinh "THANH TỊNH ÐẠO" (VISUDDHIMAGGA).

Hành giả muốn niệm đề mục "Hơi Thở", trước hết phải trì giới cho trong sạch, rồi phải học phương pháp hành thiền định nơi vị Thiền sư, theo 5 điều sau đây:

1. Học thông thuộc đều đủ cách niệm đề mục thiền định ấy (UGGAHO);

2. Hỏi vị Thiền sư và nhờ chỉ giải rõ ràng chỗ nào mình còn hoài nghi (PARIPUCCHÀNA);

3. Học cho biết rõ để ghi nhớ, gìn giữ triệu chứng phát sanh lên trong lúc niệm (UPATTHÀNAM);

4. Học cho biết sự nhập định được trong đề mục ấy như thế nào (APPANÀ);

5. Học cho biết cái đặc tính của đề mục ấy, hầu nhận định rõ ràng từng giai đoạn của pháp thiền định trong khi thực hành (LAKKHANA).

Học hỏi mỗi lần một ít và khi đã thống thuộc rành mạch 5 điều trên đây, hành giả sẽ không chán nản và cũng không quấy rầy Ông Thầy. (Học cho biết trước rành rẽ trọn vẹn phương pháp hành đề mục thiền định ấy là ý nói để cho hành giả nào trong khi thực hành, không tiện trú ngụ thường trực gần vị Thiền Sư; chớ trên thực tế thì hành giả, ít nhứt là trong buổi sơ đầu, cần phải ngụ bên cạnh vị Thiền Sư để học hỏi lần lần tùy theo giai đoạn tấn triển pháp hành của mình. Vì lẽ nếu biết trước trọn vẹn từng chi tiết, thì tâm hành giả thường móng trước, chấp trước trong lúc thực hành và như thế, thì hoài nghi hằng phát sanh lên làm cho hư hoại thiền định).

Phương pháp phải ghi nhớ rành rẽ và thứ tự cách niệm đề mục "Hơi Thở" có 8 chi như sau đây:

1. Cách đếm hơi gió thở ra, thở vô (GANANÀ);

2. Cách chú tâm theo dõi hơi gió thở ra, thở vô (ANUBANDHANÀ);

3. Cách chú tâm vào nơi mà hơi gió thở vô, thở ra tiếp xúc nhằm (PHUSANÀ);

4. Cách ghi nhớ rõ ràng hiện tượng lúc nhập định (THAPANÀ);

5. Cách ghi nhớ về cái tướng vô thường của Danh và Sắc là hành theo pháp Minh Sát (SALLAKKHANA);

6. Cách dứt bỏ luân hồi nương theo bốn thánh đạo (VIVATTANÀ);

7. Cách làm cho tâm trong sạch diệt tận phiền não nương theo 4 thánh quả (PÀRISUDDHI);

8. Trí tuệ quan sát theo thứ tự 19 pháp thánh nương theo thánh đạo, thánh quả và niết bàn (PATIPASSANÀ);

Trong 8 chi pháp ghi nhớ ấy, từ chi số 1 đến chi số 4 để cho hành giả bậc sơ cơ; từ chi số 5 đến số 8 về phần hành giả nào đã đắc tứ thiền hoặc ngũ thiền do nhờ 4 chi trên, tiếp tục hành thêm hầu đạt được 4 thánh quả để liễu chứng A-La-Hán, là bậc cao siêu đáng cho chúng sanh lễ bái cúng dường.

Phần thực hành

Hành giả nên tìm nơi thanh vắng, ngồi kiết già hoặc bán già, đầu và lưng thật ngay thẳng, bàn tay mặt để trên lòng bàn tay trái, nhắm mắt hoặc hé mắt nhìn không xa quá một thước.

Hành giả nên ôn lại trong trí nhớ lời giáo huấn của vị Thiền Sư theo thứ tự chẳng nên lầm lộn điều nào, rồi tưởng nhớ ân đức tam bảo [11] cho tâm được thơ thới phấn khởi. Kế tiếp, nên suy xét về "10 tội của ngũ trần", "rải lòng từ bi" và suy xét thêm về "pháp chán nản" đã có chỉ phía trước trong phần "NIỆM PHẬT".

GIAI ÐOẠN ÐẦU TIÊN: CÁCH ÐẾM HƠI THỞ (GANANÀ)

Hành giả bậc sơ sơ nên bắt đầu niệm "Hơi Thở" bằng cách đếm (thầm) hơi gió thở ra, thở vô. Thở bằng mũi, một cách tự nhiên như bình thường, không nên dụng lực ép buộc hơi thở phải theo ý mình.

Phép đếm ấy như vầy:

- Chẳng nên đếm ít hơn 5, vì tâm sẽ bị tồi túng, bực bội, ví như bầy bò bị nhốt trong khoảng đất chật chội;

- Chẳng nên đếm nhiều hơn 10, vì tâm sẽ nương theo phép đếm (thay vì hơi thở);

- Chẳng nên đếm đứt khoảng, vì tâm sẽ bị xao lãng.

Không nên lầm lộn trong 3 phép đếm kể trên.

A. - Ðầu tiên, phải đếm thong thả, chậm rãi, giống như người đong lúa. Sau khi đong đầy giạ lúa, người ấy nói "Một" rồi đổ lúa qua một bên, và trong khi đong giạ khác, vẫn tiếp tục nói "Một, một" vừa lượm rơm, cỏ lẫn lộn trong lúa. Ðổ giạ thứ nhì, người ấy nói "Hai"... "Hai, hai" v.v... và tiếp tục đếm như thế cho đến khi hết lúa.

Nên bắt đầu đếm hơi gió nào tiếp xúc rõ rệt nhằm chót mũi trước, bất luận hơi thở vô hoặc thở ra. (Theo chú giải thì nên đếm hơi thở ra trước, vì đứa hài nhi vừa lọt khỏi lòng mẹ, bắt đầu thở ra rồi sau mới thở vô và hắt hơi).

Phải đếm làm một đôi như vầy: Ví dụ như bắt đầu thở ra, đếm "1", rồi thở vô đếm "1"; thở ra, đếm "2", thở vô đếm "2", v.v... "5 - 5". Trở lại, đếm "1 - 1" "2 - 2"... đến "6 - 6" v.v... Trở lại, đếm "1 - 1"... đếm "10 - 10". Tới đây, phải trở lại đếm "1 - 1" đến "5 - 5" v.v... rồi đến "10 - 10"; như trước.

B. - Sau một thời gian luyện tập thuần thục, hơi gió vô ra càng phát sanh rõ rệt. Ðến khi tự nhiên hơi thở vô, ra càng gấp rút hành giả không nên dụng ý làm cho hơi thở chậm lại. Phải đếm cho mau theo nhịp của hơi thở và không nên để ý hơi gió từ trong thở ra hoặc từ ngoài thở vô, chỉ nên đếm hơi gió nào tiếp xúc nhằm chót mũi thôi. Ðếm như vầy: "1, 2, 3, 4, 5" - "1, 2, 3, 4, 5, 6" - "1, 2, 3, 4, 5, 6, 7" - "1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8" - "1, 2, 3, 4, 5,6 ,7, 8, 9" - "1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10". Tới đây, phải lại đếm "1, 2, 3, 4, 5" v.v....

Ví như người đếm bò. Người chăn bò có nhiều kinh nghiệm, tay cầm roi và túi bọc đầy đá cuội, tảng sáng đi lại chỗ nhốt bò. Ngồi ngay chỗ cửa chuồng, người ấy khẽ đánh trên lưng bò và khi bầy bò chạy ra, người ấy đếm từ con một khi nó vừa đến ngưỡng cửa, như vầy: "Một, hai, ba...", mỗi lần đếm thì bỏ một hòn đá cuội để cho dễ nhớ và không lầm lẫn. Bầy bò bị nhốt suốt đêm trong khoảng đất chật hẹp, chen lấn nhau chạy ra khỏi cửa. Người chăn bò càng đếm mau hơn "1, 2, 3, 4, 5" đến "10" v.v...

GIAI ÐOẠN THỨ NHÌ: CÁCH CHÚ TÂM THEO DÕI HƠI THỞ (ANUBANDHANÀ)

Hành giả nên tiếp tục phép đếm đến chừng nào? - Cho đến khi nào, không cần phải đếm mà tâm được an trụ vững vàng trong đề mục thiền định, không còn phóng túng theo ngoại cảnh. Tâm với hơi thở nương nhau, thì sự tán loan và hôn trầm đều dứt.

Vì phép đếm, dù chậm hay mau đã giải phía trên, chỉ là một phương tiện để giúp cho tâm đừng xao lãng và được yên lặng, ví như một chiếc thuyền trên dòng nước lũ, do nhờ cái bánh lái mà được vững vàng không trôi giạt vậy.

Khi tâm được an trụ vững vàng rồi, hành giả phải ngưng đếm, chỉ cần phải nhiếp tâm, khắn khít chú ý theo dõi hơi gió thở ra, thở vô đừng cho gián đoạn. Ðừng cho gián đoạn là thế nào? - Phải hành như thế này:

a) Khi thở vô, phải chú tâm theo dõi hơi gió một mạch từ chót mũi đến rún, không nên để ý rằng: hơi thở đến đây là chặn đầu, đến đây là chặn giữa, đến đây là chặn cuối cùng.

b) Khi thở ra, phải chú tâm theo dõi hơi gió một mạch từ rún đến chót mũi, không nên để ý rằng: hơi thở đến đây là chặn đầu, đến đây là chặn giữa, đến đây là chặn cuối cùng.

Chặn đầu của hơi gió thở vô là chót mũi, chặn giữa là tim, chặn cuối cùng là rún.

Chặn đầu của hơi gió thở ra là rún, chặn giữa là tim, chặn cuối cùng là chót mũi.

Chót mũi và rún là ranh giới (sìmà) mà tâm hành giả không nên vượt qua, nghĩa là: hành giả không nên chú ý theo dõi hơi gió xa qua khỏi rún khi thở vô và ra phía ngoài chót mũi khi thở ra. Nếu không làm đúng như thế, thì tâm sẽ tán loạn và thân mình rung động. Giai đoạn này giống như phần A của giai đoạn đầu tiên (cách đếm hơi thở) tuy chỉ khác nhau là trong giai đoạn này hành giả chỉ cần dụng tâm chớ không dụng phép đếm.

GIAI ÐOẠN THỨ BA: CÁCH CHÚ TÂM VÀO NƠI MÀ HƠI THỞ TIẾP XÚC NHẰM (PHUSANÀ)

Ðến lúc theo dõi hơi thở vô, ra như cách vừa kể trên được thuần thục rồi, thì sự chú tâm trở nên tự nhiên không cần phải cố gắng. Kế tiếp, hành giả không nên theo dõi hơi thở nữa, chỉ cần buộc cái tâm ngay chỗ hơi gió thở vô, ra tiếp xúc nhằm là ngay chót mũi thôi.

Giai đoạn này giống như phần B của giai đoạn đầu tiên (Cách đếm hơi thở), nhưng chỉ dụng tâm chớ không dụng cách đếm.

Trong lúc buộc cái tâm ngay chót mũi là nơi hơi gió thở vô, ra tiếp xúc nhằm ấy, thì đồng thời tâm cũng nhận thức được rõ ràng những hơi gió ấy từ đầu đến cuối vậy.

Những ví dụ sau đây sẽ giúp hành giả nhạn định dễ dàng hơn.

1. Một người kia bị bịnh tê bại, ngồi buồn đưa một cái đu. Ngồi ngay chỗ cây trụ, người ấy vẫn nhìn thấy dễ dàng phần trước, khoảng giữa và phần sau tấm ván của cái đu mỗi khi đưa qua đưa lại, không cần phải dời chỗ ngồi để xem hai đầu và khoảng giữa của tấm ván mỗi khi cái đu qua lại. Cũng như thế ấy, hành giả chỉ cần buộc cái tâm nơi hơi gió chạm nhằm là chót mũi (cây trụ của cái đu), không cần xê dịch cái tâm theo dõi hơi gió thở vô, ra (cái đu qua, lại) cũng vẫn nhận thức được hơi gió vô, ra rõ ràng từ chặn đầu đến chặn cuối (hai đầu và khoảng giữa của tấm ván).

2. - Người giữ cửa thành không cần để ý đến những người trong hoặc ngoài thành hay hỏi những người ấy như thế này "Ông là ai? từ đâu đến và đi đâu? Cầm vật chi trong tay đó?", vì không phải phận sự của anh ta. Anh ta chỉ cần nhìn xem từng người một khi vừa đến cửa thành thôi. Cũng như thế ấy, hành giả không cần để ý đến hơi thở vô, trong hoặc hơi thở ra ngoài, chỉ cần chú ý đến từng hơi gió một khi vừa đến chót mũi thôi.

3. Một người kia cưa một súc gỗ để trên mặt đất bằng phẳng. Người ấy chỉ cần chú ý vào nơi mà lưỡi cưa chạm vào súc gỗ, không cần nhìn xem lưỡi cưa đưa tới hoặc kéo lui, song vẫn nhận biết lưỡi cưa đưa tới hoặc kéo lui, song vẫn nhận biết lưỡi cưa tới, lui đều đều như thế ấy. Nơi mà lưỡi cưa chạm vào súc gỗ trên đây ví như chót mũi là nơi mà hơi thở tiếp xúc nhằm. Lưỡi cưa tới lui ví như hơi thở vô, ra. Hành giả chỉ cần buộc cái tâm vào nơi chót mũi, không cần xê dịch tâm theo hơi gió cũng vẫn nhận thức được rõ ràng hơi thở vô, ra vậy.

Sau một thời gian luyện tập, hành giả cảm thấy tâm thần thơ thới an vui không thể tả và thân thể nhẹ nhàng dường thể bay bổng lên hư không vậy. Ðồng thời, hơi thở càng yên lặng, tế nhị hơn.

Nguyên do lúc ban đầu, thân thể chưa được an tịnh thì hơi thở cũng theo đó mà thô động và tâm còn phóng túng. Sau khi luyện tập được một thời gian, thân thể càng được điều hòa, thì hơi thở càng yên lặng, tế nhị hơn và tâm càng được an trụ vững vàng trong cảnh giới thiền định. Ví dụ như khi ta đánh một tiếng chuông. Thoạt tiên, tiếng chuông ngân vang trong không khí, tâm thức ta do nhờ nhĩ căn mà nhận biết tiếng chuông rõ ràng. Ðến khi tiếng chuông vang đã ngưng, tâm thức vẫn nhận biết dư âm của tiếng chuông. Khi dư âm đã dứt, tâm thức cũng vẫn còn nhận biết dư âm tế nhị hơn v.v...

Cũng như thế ấy, khi hơi thở thô siển đã dứt, nghĩa là được êm dịu, thì tâm thức vẫn nhận biết hơi thở tế nhị làm đề mục. Ðến khi hơi thở tế nhị dứt, thì tâm thức cũng vẫn còn nhận biết hơi thở tế nhị hơn (nhỏ nhen như đường tơ) làm đề mục, v.v...

Ngược lại những đề mục thiền định khác, là càng tấn triển đến giai đoạn cao hơn thì lại càng rõ ràng hơn, đề mục "Niệm Hơi Thở" này càng phát triển chừng nào thì lại càng vi tế hơn, cho đến lúc hơi thở tựa hồ như tắt hẳn, không còn nhận thức được nữa.

Tấm lụa càng mỏng chừng nào, người thợ dùng cây kim càng nhỏ chừng nấy và khí cụ dùng để khoan lỗ cây kim lại càng vi tế hơn. Cũng như thế ấy, khi đề mục thiền định này (ví như tấm lụa) càng tấn triển, thì hành giả nên dùng trí nhớ (ví như cây kim) càng dõng mảnh hơn và trí tuệ (vì như khí cụ khoan lỗ kim) càng sắc bén hơn nữa.

Ðến lúc không có nhận thức được hơi thở nữa, hành giả không nên phát tâm hoài nghi, xả thiền và đứng dậy với ý định đi hỏi vị Thiền Sư. Nên tiếp tục tịnh tọa và dùng trí tuệ suy xét rằng:

"Hơi thở không có trong bào thai, trong những người lặn xuống nước, trong cõi Phạm Thiên, trong tử thi, trong những bậc đã đắc tứ thiền và những bậc đang nhập diệt thọ tưởng định. Ta không phải là bào thai, là người lặn xuống nước, là Phạm Thiên, là tử thi, và cũng không đắc tứ thiền hoặc nhập diệt thọ tưởng định. Hơi thở vẫn tồn tại trong thân ta, ta không thể nhận thức được chỉ vì ta kém sáng suốt mà thôi!".

Nghĩ như thế rồi, hành giả không nên để tâm tìm xem hơi thở vô, ra chỗ nào khác, chỉ cần nhiếp tâm, chú ý vào nơi mà hơi thở vô, ra thường tiếp xúc nhằm là nơi chót mũi và tiếp tục chú tâm vào nơi ấy.

Ví dụ như người làm ruộng, sau khi cày ruộng buổi trưa, thả bò đi ăn cỏ và ngồi nghỉ dưới bóng cây. Mấy con bò được thong thả vội đi vào rừng kế bên tìm cỏ và nước. Người làm ruộng khôn ngoan, muốn bắt bò lại, không cần phải đi tìm dấu chơn bò trong rừng, chỉ cần lấy sợi dây và cây gậy, đi ngay đến bến nước và ngồi chờ nơi ấy. Mấy con bò, sau khi thả rong ăn cỏ, tìm đến bến nước để uống nước. Chờ bò uống nước xong, người làm ruộng lấy dây xỏ mũi, lấy gậy đánh khẽ vào mông và dắt bò về, thắng vô cái cày và tiếp tục cày ruộng. Cũng như thế ấy, hành giả nên chú tâm vào nơi hơi thở vô, ra thường tiếp xúc nhằm là nơi chót mũi, thì chẳng bao lâu hơi thở sẽ phát sanh trở lại nơi ấy, cũng như mấy con bò tìm đến bến nước vậy. Hành giả chỉ cần lấy sợi dây trí nhớ buộc hơi thở lại, thẳng vào nơi chót mũi, thúc giục bằng cây gậy trí tuệ và tiếp tục hành đề - mục thiền - định.

GIAI ÐOẠN THỨ TƯ: CÁCH GHI NHỚ HIỆN TƯỢNG LÚC NHẬP ÐỊNH (THAPANÀ)

Không bao lâu, thì triệu chứng (hay hiện tượng) thiền định (NIMITTA) phát sanh. Vì tâm tưởng của mỗi hành giả khác nhau. Triệu chứng ấy phát sanh lên cũng khác nhau. Có hành giả thấy như bông gòn, như ngôi sao, như chùm ngọc; có người thấy như chùm hột bông, như cây trụ bằng lõi cây; có người lại thấy như dãy băng hà, như tràng hoa, như luống khói; có người lại thấy như lưới nhện, như làng mây, như hoa sen, như bánh xe, như mặt trăng hoặc mặt trời v.v...

Từ khi triệu chứng thiền định phát sanh lên rồi, năm phát chướng ngại (NÌVARANA) là tham dục, thù oán, hôn trầm, phóng tâm và hoài nghi, và phiền não lần lần yên lặng, trí nhớ được vững vàng và tâm được an trụ trong cảnh giới Cận Ðịnh (UPACÀRA SAMÀDHI), nhưng vẫn còn trong cảnh Dục Giới (KÀMÀVACARA).

Hành giả không nên chú ý nhiều đến màu sắc hoặc hình dáng của triệu chứng, phải gìn giữ cẩn thận chẳng nên để cho hư hoại, bằng cách xa lánh 7 điều nghịch [12] và gần điều thuận.

Hành giả nên luôn luôn giữ triệu chứng thiền định ấy trước tâm mục (mắt của tâm) và tiếp tục hành cho triệu chứng ấy càng rõ rệt và to lớn thêm lên, đến lúc muốn lớn hoặc nhỏ tùy ý (lớn có thể bao trùm cả hư không hoặc nhỏ như đường tơ).

Tiếp tục hành cho tinh tấn như thế không bao lâu, thì tâm có thể nhập định (APPÀNÀ SAMÀDHI) được. Nếu chưa được kết quả, thì phải hành đều đủ 10 "Pháp rành mạch" cho tiền định được kết quả (APPANÀKOSALLAVIDHÌ) [13] mình đã đắc, theo 5 "Phép thuần thục" (VASÌ) [14]. Lúc xả thiền, phải quán tưởng cho thấy tội lỗi trong thiền bậc dưới, phước báu trong thiền bậc trên, rồi:

- Thu cái tâm lại, dút tầm và sát, chỉ còn có 3 chi là Phỉ, An, Ðịnh, đắc Nhị thiền (DUTIYAJJHÀNA);
- Thu cái tâm lại nữa, bỏ Phỉ ra. Chỉ còn có 2 chi là An và Ðịnh, đắc Tâm thiền (TATIYAJJHÀNA);
- Thu cái tâm lại nữa, dứt An, chỉ còn Ðịnh, đắc Tứ thiền (CATUTTHAJJHÀNA). Tâm đắc Tứ thiền hằng trụ trong trạng thái vô ký (Xả) UPEKKHÀ).

Từ lúc nhập vào Sơ thiền (PATHAMAJJHÀNA) gồm đầy đủ cả 5 chi thiền là Tầm (VITAKKA), Sát (VICÀRA), Phỉ (PÌTI), An (SUKHA) và Ðịnh (EKAGGATÀ), thì tâm hành giả đã rời khỏi cảnh Dục Giới mà vào cảnh Sắc Giới (RÙPÀVACARA).

* * *

PHÁP MINH SÁT (VIPASSANÀ)

Pháp "Niệm hơi thở" đến giai đoạn này thuộc về phần thực hành của các bậc các nhân. Xin vắn tắt như sau đây:

Khi hành giả đã đắc từ sơ thiền đến tứ thiền hoặc ngũ thiền rồi, muốn hành thêm "Pháp Minh Sát" (VIPASSANÀ) để phát sanh trí tuệ, thấy rõ chân tướng của vạn vật trên thế gian và diệt tận phiền não hầu đắc đạo quả cao thượng của các bậc thánh nhân, trước tiên phải tập luyện nhuần nhã bậc thiền mà mình đã đắc, theo 5 "phép thuần thục" (VASÌ) vừa giải phía trước. Lúc xảo định, tâm còn trong sạch an tịnh, hành giả nên suy nghiệm rằng: "Hơi thở vô, ra đây có sắc thân và tâm là căn nguyên, ví như khí cụ bơm hơi của người thợ rèn đang quạt lửa, gió quạt vô, ra sở dĩ có là do nhờ cái bao da và sức lực của người thợ rèn; cũng như thế ấy, hơi thở vô, ra có đây là do nhờ sắc thân và tâm vậy".

Kế tiếp, hành giả nên quán tưởng rằng: hơi thở vô, ra và sắc thân này thuộc về "Sắc pháp", tâm Thức cùng các tâm liên hiệp khác là Thọ, Tưởng, Hành thuộc về "Danh pháp". Năm pháp ấy cũng có tên là "Ngũ Uẩn" (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) là những pháp hữu vi dắt dẫn chúng sanh sanh tử luân hồi.

Quán tưởng về "Danh Sắc" như thế rồi, hành giả nên quan sát tìm kiếm nhân duyên của Danh Sắc [15]. Khi tìm thấy rồi, thì dứt khỏi sự hoài nghi (KANKHI) đối với Danh Sắc trong tam thế (quá khứ, vị lai, hiện tại).

Hoài nghi đã dứt, hành giả nên quan sát thêm Danh Sắc theo 3 pháp "Minh Sát Niệm" [16] thì sẽ thấy rõ Danh Sắc luôn luôn bị chi phối bởi 3 tướng là: Vô thường, Khổ não, và Vô ngã.

Ðến bậc này, Minh sát tùy phiền não [17] là điều bất tịnh của phép Minh Sát phát sanh lên làm cho hành giả vui thích, lầm lạc tưởng rằng mình đã đắc đạo quả, không tiến hành phép Minh Sát nữa. Hành giả cần phải sáng suốt nhận thức các tùy phiền não ấy chẳng phải là đạo quả, không mê lầm theo các điều bất tịnh ấy, thì sẽ thấy "Chánh đạo" chẳng sai (MÀGGAMAGGANNÀDASSANA-VISUDDHI).

Kế tiếp, hành giả nên hành 9 phép "Minh Sát Tuệ" (PATIPADÀNÀNADASSANA-VISUDDHI) như sau đây:

1. UDAYÀBBAYANNÀNA: dùng trí tuệ quán tưởng sự sanh và diệt của Danh Sắc;

2. BHANGANNÀNA: dùng trí tuệ quán tưởng sự phân tán của Danh Sắc;

3. BHAYATÙPATTHÀNANNÀNA: dùng trí tuệ quán tưởng cho thấy Danh Sắc đáng ghê sợ như là thú dữ;

4. ÀDINAVANNÀNA: dùng trí tuệ quán tưởng cho thấy rõ tội lỗi của Danh Sắc, như người thấy nhà mình bị lửa cháy, tìm đường thoát ra cho khỏi;

5. NIBBIDÀNNANÀ: dùng trí tuệ quán tưởng cho phát sanh lòng chán nản Danh Sắc;

6. MUNCITUKÀMYATÀ NÀNA: dùng trí tuệ quán tưởng cho phát sanh tâm mong mỏi thoát khỏi Danh Sắc cũng như cá mắc lưới muốn thoát thân, như kẻ tù tội muốn lìa khỏi cùm xích lao tù;

7. PATISANKHÀRANNÀNA: dùng trí tuệ quán tưởng tìm phương thế đặng giải thoát khỏi Danh Sắc.

8. SANKHÀRÙPEKKHÀ NÀNA: trí tuệ xả là không còn chấp Danh Sắc nữa, không vui, không buồn, ví như người đã bỏ hẳn vợ, chẳng còn mến tiếc nữa, dầu người vợ ấy có tư tình với người nào mình cũng thản nhiên;

9. ANULOMANNÀNA: Trí tuệ thấy rõ và dốc lòng thực hành xuôi theo thánh đạo.

Khi hành viên mãn 9 phép "Minh Sát Tuệ" rồi, tâm hành giả sẽ bước lần vào thánh vức, tận diệt từ giai đoạn mười Sử (SAMYOJANA) [18], đắc quả vị Tu-đà-hườn (SOTÀPANNA), Tư-đà-hàm (SAKIDÀGÀMI), A-na-hàm (ANÀGÀMI) và sau cùng là quả thánh A-la-hán (ARAHANT).

Ðoạn tuyệt được 10 Sử, thì được giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, liễu chứng quả vị Niết Bàn, bậc Thánh nhơn cao thượng ấy dùng trí tuệ quan sát lại lần cuối cùng (PACCAVEKKHANA NÀNA) 19 pháp thành [19] nương theo 4 đạo, 4 quả và Niết Bàn, và rất xứng đáng cho chư thiên và nhân loại lễ bái cúng dường.

Thời giờ hành thiền

Sau khi ngủ một giấc cho tâm thần khỏe khoắn, hành giả thức vào lúc 4 giờ sáng và tịnh tọa đến 6 giờ. Buổi chiều, lúc mát trời, nên vào ngồi từ 4 đến 6 giờ. Hành giả nào rảnh rang công việc, có thể hành thêm từ 9 giờ sáng đến 11 giờ.

Ðiều quan trọng nhất là phải hành cho đều đều mỗi ngày đừng cho gián đoạn, nghĩa là không nên hành một bữa rồi nghỉ hai, ba hôm.

Một thỏi sắt đỏ hồng trong lò sẽ trở lại đen như cũ sau một lúc được lấy ra khỏi lò như thế nào, tâm hành giả đang an tịnh trong cảnh giới thiền định sẽ bị ngũ trần làm cho hoen ố, xao động nếu hành giả không tiếp tục hành cho đều đều, như thế ấy.

NHỮNG ÐIỀU NÊN NHỚ TRONG KHI TỊNH TỌA VÀ KHI XUẤT THIỀN

Trong khi tọa thiền, hành giả thường bị 5 pháp chướng ngại (NIVARANADHARMA) phát sanh lên phá hoại thiện căn, ngăn che cái tâm không cho thiền định được kết quả. Năm pháp ấy là:

- Tham trong ngũ dục (KÀMACCHANDA);

- Thù oán (BYAPADA);

- Hôn trầm (thân tâm lười biếng, dã dượi, buồn ngủ) (THINAMIDDHA);

- Phóng tâm: tâm ưa phiên động, nhớ vẩn vơ bên ngoài (UDDHACCAKUKKUCCA);

- Hoài nghi (VICIKICCHÀ);

(Xin xem nhân sanh 5 pháp chướng ngại và phép trừ có giải rõ trong quyển "Pháp Chánh Ðịnh" của Ðại Ðức Hộ Tông, trang 13 và 14).

Ðây xin xơ lược vài điều ngăn ngại có thể xảy đến trong lúc hành giả niệm "Hơi Thở" và phương pháp điều trị, nhiên hậu thiền định mới có thể tấn triển được.

A. - ÐẾM LỘN. Nếu đếm lộn hoặc gián đoạn, là vì trí nhớ chưa được tròn đủ, thì phải bắt đầu đếm trở lại từ "1 - 1"... đến "5 - 5" v.v...

B. - BUỒN NGỦ, TÂM DÃ DƯỢI. - Ấy là tướng hôn trầm, phải rửa mặt hoặc nhìn ánh sáng cho tỉnh táo. Hoặc buộc tâm nơi chót mũi cho tâm an trụ một chỗ. Nếu sửa trị nhiều lần như thế mà vẫn còn ấy là tại thân tâm quá mệt mỏi, thì không nên cố gắng nữa, nên ngủ cho khỏe, lúc thức giấc sẽ vào ngồi lại. C. - PHÓNG TÂM, là tâm nhớ vẩn vơ bên ngoài không chú vào đề mục là Hơi Thở, thì phải biết rõ tâm đang xao lãng, kéo tâm trở về nơi chót mũi, ghi nhớ Hơi Thở vô, ra.

(Xin xem lại mục này trong "PHẦN NIỆM PHẬT" có giải rõ những "hình ảnh ghê sợ hoặc vui thích" "vật thực" "Bốn oai nghi" và cách thức nên hành khi "xuất thiền").

Phước báo niệm hơi thở

Hành giả nào thực hành pháp "Niệm Hơi Thở" cho thường thường, dầu chưa đạt được phước báu cao thượng là đắc A-La-Hán quả, hoặc đắc thiền từ bậc sơ thiền đến ngũ thiền, hoặc tâm chưa nhập vào cảnh giới cận định, cũng hằng hưởng được những phước báu trong kiếp hiện tại, như sau đây:

- Ngủ cũng vui và thức cũng vui;
- Thân và tâm được yên lặng, thơ thới,
- Có tâm hỗ thẹn và ghê sợ tội lỗi;
- Có tâm quả quyết và tinh thần hành đạo bậc cao mà mình chưa đắc;
- Là nơi đáng yêu mến kính nể của mọi người do nhờ giới hạnh trong sạch của mình;
- Khi lâm chung, được tái sanh trong cõi an vui.

Lại nữa, hành giả nên ghi vào tâm rằng:

"Nếu ta tu phép Chánh Ðịnh mà không được kết quả cao thượng trong kiếp nầy, cũng là duyên sanh quả lành trong kiếp sau". Nghĩ như thế rồi, đừng nên ngã lòng thối chí, trái lại nên dõng mãnh tín tâm nơi Tam Bảo và tiếp tục hành cho tinh tấn, vì một ngày kia, hành giả sẽ đắc kỳ sở nguyện chẳng sai.

TÓM TẮT

Xin tóm tắt sau đây phương pháp "Niệm Hơi Thở" để giúp hành giả dễ nhớ trong lúc thực hành.

A. - PHẦN THỰC HÀNH CỦA BẬC SƠ CƠ:

1. CÁCH ÐẾM HƠI THỞ

a) Ðếm làm một đôi từ 1 - 1 đến 5 - 5... từ 1 - 1 đến 10 - 10;
b) Ðếm chiếc từ 1 đến 5... từ 5 đến 10 (chỉ đếm hơi gió nào tiếp xúc nhằm chót mũi thôi.

2. CÁCH CHÚ TÂM THEO DÕI HƠI THỞ

Ngưng đếm, theo dõi hơi thở một mạch từ chót mũi đến rút khi thở vô, và từ rún đến chót mũi khi thở ra.

3. CÁCH CHÚ TÂM VÀO NƠI MÀ HƠI THỞ TIẾP XÚC NHẰM

Ngừng theo dõi hơi thở, buộc tâm ngay chót mũi.
Hơi Thở tựa hồ như tắt hẳn, không còn nhận thức được nữa. Ðến lúc này, nên chú tâm thêm vào nơi chót mũi, thì hơi thở sẽ phát sanh trở lại.

4. CÁCH GHI NHỚ HIỆN TƯỢNG LÚC NHẬP ÐỊNH

Triệu chứng thiền định phát sanh, tâm vào cảnh giới cận định;
Tâm nhập định (sơ thiền) v.v...

B. - PHẦN THỰC HÀNH CỦA BẬC CAO NHÂN: PHÁP MINH SÁT

1. Quán tưởng rằng: hơi thở vô, ra có đây là do nhờ sắc thân và tâm.

2. Quán tưởng về Sắc pháp và Danh pháp, nhân duyên của Danh Sắc và dứt sự hoài nghi về Danh Sắc.

3. Quán tưởng về Danh Sắc theo 3 pháp Minh Sát Niệm (Vô thường, Khổ não, Vô ngã).

4. Minh Sát tùy phiền não phát sanh. Phải sáng suốt đừng mê lầm theo các tùy phiền não ấy và dùng trí tuệ phân biệt đây là thánh đạo, đây là tùy phiền não.

5. Quán tưởng về Danh Sắc theo 9 phép Minh Sát Tuệ.

6. Tâm bước lần vào thánh vức, diệt lần lần 10 Sử và đắc đạo quả Thánh Nhân từ bậc Tu-đà-huờn đến A-la-hán.

7. Dùng trí tuệ quan sát lại lần cuối cùng 19 pháp thành.

(Về Pháp Minh Sát, hành giả nên xem quyển "THANH TỊNH KINH" (VISÙDDHIKATHÀ) của Ðại Ðức Hộ Tông).

- CHUNG -

Soạn xong tại Phnom-Phenh
Mùa Hạ năm NHÂM DẦN
Phật Lịch 2506 - D.L. 1962
Huỳnh Thanh Long

Giấy phép số 220/XB/UBKD/TƯ ngày 24.1.63


Ghi chú:

[1] Xin xem quyển Chánh Giác Tông (Buddhavansa) của Ð.Ð. Bửu Chơn.

[2] Pháp Ba-la-mật (Dasapàramì) dịch là Thập-độ hay đáo bỉ ngạn (tới bờ kia là Niết Bàn), có 10:

1. - Dàna pàramì: bố thí ba-la-mật
2. - Sìla pàramì: trì giới ba-la-mật
3. - Nekkhamma pàramì: xuất gia ba-la-mật
4. - Pannà pàramì: trí tuệ ba-la-mật
5. - Khantì pàramì: nhẫn nhục ba-la-mật
6. - Viriya pàramì: tinh tấn ba-la-mật
7. - Sacca pàramì: chân chánh ba-la-mật
8. - Adhitthàna pàramì: nguyện vọng ba-la-mật
9. - Mettà pàramì: bác ái ba-la-mật
10. - Uppekkhà pàramì: xả ba-la-mật

Mỗi phép trên đây đều chia ra làm 3 bậc là: bậc hạ, bậc trung và bậc thượng, cộng là 30 pháp Ba-la-mật. Ngài mãi, hoặc giả cứ nhắm mắt hình dung 32 tướng hảo, tưởng tượng diện mạo quang minh.

[3] Xin xem quyển "PHÁP CHÁNH ÐỊNH" của Ð.Ð. Hộ Tông, trang 16 và 17.

[4] Ðoạn này trích trong quyển "NIỆM THÂN" của Ð.Ð. Bửu Chơn.

[5] Xin xem phần "NIỆM PHẬT"

[6] Ðã có giải phía trước trong phần "NIỆM PHẬT".

[7] Ðây chỉ kể những nhân vật theo trong kinh. Hành giả có thể thay thế bằng những nhân vật hiện tại mà chính mình đã nghe hoặc thấy để suy gẫm so sánh một cách thật tế và chính xác hơn.

[8] Xem Ghi chú trên.

[9] Xin xem giải rộng về pháp "Không dễ duôi" (Appamadà), trong quyển "ÂN ÐỨC PHẬT ÐÀ" cùng một soạn giả.

[10] Tà tư duy (MICCHÀ VITAKKA) có 9 hoặc 3. Ba tà tư duy là: suy nghĩ đến sự tham muốn ngũ trần, suy nghĩ đến sự oán thù, suy nghĩ đến sự hãm hại kẻ khác. Pháp thiền định ấy là một pháp hành có năng lực cao siêu [*], vì khi tâm hành giả đã được an trụ và được tấn triển đến bậc tứ thiền hoặc ngũ thiền rồi, nếu hành giả hành thêm pháp Minh Sát (VIPASSANÀ) thì sẽ thành tựu đạo quả Niết Bàn chẳng sai. Ðức Thế Tôn đã từng tán dương sự lợi ích của pháp "Niệm Hơi Thở" và khuyến khích các thầy Tỳ Khưu nên hành pháp ấy. Chính Ngài đã tham thiền về Số Tức Quan (Niệm Hơi Thở) và đã đắc quả Chánh Ðẳng Chánh Giác dưới cội bồ đề. Chư Phật Ðộc Giác (PACCEKABUDDHA) và các hàng Ðại A-La-Hán (Mahà arahanta) hằng thực hành pháp thiền định này, mà các Ngài gọi là một pháp nương nhờ quý báu.

[*] Cao siêu về Pháp (DHAMMAGAMBHÌRA) và cao siêu về sự giác ngộ (PATIVEDHAGAMBHÌRA).

[11] Xin xem quyển NHỰT HÀNH.

[12] Xa lánh 7 điều nghịch (RAKKHANÀVIDHÌ) là:

1. AVÀSO: chỗ ngụ không phát sanh triệu chứng thiền định hoặc đã phát rồi hư hoại.
2. GOCARO: chỗ ngụ xa, hoặc gần xóm làng lắm, khiến cho khó bề khất thực, hoặc không được thanh tịnh.
3. BHASSAM: những lời vô ích.
4. PUGGALO: những người hay nói lời vô ích, hay tâm không thanh tịnh.
5. BHOJANAM: thực phẩm ăn vào làm cho tâm khó an trụ.
6. UTU: thời khí nóng quá, khó cho tâm an trụ.
7. IRIYÀPATHO: oai nghi không đếu, khó cho tâm an trụ. Trái lại, là 7 điều thuận.

[13] 10 "pháp rành mạch" cho thiền định được kết quả là:

Nếu muốn đắc các bậc thiền cao hơn, trước tiên hành giả cần phải tập luyện nhuần nhã bậc Sơ thiền mà

1. VATTHUVISADAKỊRIYÀ: dọn mình cho được sạch sẽ (cạo đầu, cắt móng tay).
2. INDRIYASAMATTAPATIPÀDANAM: làm cho ngũ căn là tín căn (SADDHÀ), tuệ căn (PANNÀ), định căn (SAMADHI) cùng tấn căn (VIRIYA) có sức mạnh đồng nhau. Còn niệm căn (SATI) có năng lực đều đủ.
3. NIMITTAKOSALAM: phải thông thuộc phương pháp niệm và gìn giữ triệu chứng thiền định đã phát sanh không cho hư hoại.
4. SAMAYECITTAMPAGGANHÀTI: phải phấn khởi tâm trong lúc nên phấn khởi;
5. SAMAYECITTAMNIGGANHÀTI: phải đè nén tâm trong lúc nên đè nén;
6. SAMAYECITTAMSAMPAHAMSETI: phải đè cho tâm vui thích lúc nào tâm vui thích;
7. SAMAYECITTAMAJJHUPEKKHATI: phải xả tâm trong lúc nên xả;
8. ASAMÀHITAPUGGALAPARIVAJJANÀ: Lánh xa kẻ không có tâm thiền định hay là bị thế sự buộc ràng;
9. SAMÀHITAPUGGALASEVANÀ: thân cận cùng người có tâm an tịnh.
10. TADADHIMUTTATÀ: có tâm quả quyết hướng về sự nhập định.

[14] 5 phép thuần thục (VASÌ) là:

1. Thuần thục trong cách tìm chi của thiền (ÀVAJJANAVASÌ);
2. Thuần thục trong cách nhập thiền (SAMÀPAJJANAVASÌ);
3. Thuần thục trong cách duy trì (án) thiền lâu mau tùy ý (ADHITTHÀNAVASÌ);
4. Thuần thục trong cách xuất thiền (VUTTHÀNAVASÌ);
5. Thuần thục trong cách quan sát tội lỗi của chi thiền bậc thấp (mới có thể đắc bậc cao) PACCEVEKKHANAVASÌ).

[15] Vị nào muốn có đầy đủ chi tiết hơn, xin xem quyển "Thanh Tịnh Ðạo" (VISÙDDHIKATHÀ) của Ðại Ðức Hộ Tông.

[16] Ba phép Minh Sát Niệm là:

a) Minh Sát vô thường niệm (ANICCÀNUPASSANÀ) để diệt Sanh mạng thường tưởng;
b) Minh Sát khổ não niệm (DUKKHÀNUPASSANÀ) để diệt Oai nghi tưởng;
c) Minh Sát vô ngã niệm (ANATTÀNUPASSANÀ) để diệt Kiên cố tưởng.

[17] Minh Sát tùy phiền não có 10:

1) Hào quang phát hiện chung quanh thân thể (OKÀSO);
2) Trí tuệ sáng suốt thấy Danh sắc rõ rệt phát sanh đứng đắn (NÀNAM);
3) Sự phỉ lạc làm cho châu thân thơ thới đều đủ (PÌTI).
4) Sự an tịnh của thân và tâm không còn quyến luyến theo ngoại cảnh (PASSADDHI).
5) Thân tâm an vui trong một cảnh giới quý trọng (SUKHAM);
6) Sự quyết tâm của tâm vương và tâm sở (ADHIMOKKHO);
7) Sự tinh tấn không thái quá, hằng phấn khởi tâm lành trong cảnh giới (PAGGÀHO);
8) Có trí nhớ chắc chắn trong sự gìn giữ cảnh giới được rõ rệt trong trung tâm pháp Minh Sát UPATTHÀNAM);
9) Có xả tâm mạnh mẽ trong tất cả Danh Sắc (UPEKKHÀ);
10) Sự vui thích cực kỳ, tinh vi trong trung tâm phép Minh Sát (NIKANTI).

[18] Sử là phiền não căn bản tiềm tàng trong tâm, hằng khiến cho chúng sanh xoay vần theo bánh xe Luân hồi 10 Sử là:

1. Thân kiến (SAKKÀYADITTHI);
2. Hoài nghi (VICIKICCHÀ);
3. Giới cấm thủ (SÌLABBÀTTAPÀRÀMÀSA), chấp lệ cúng tế thần thánh;
4. Tình dục (KÀMÀRÀGA);
5. Bất bình (PATIGHÀ);
6. Sắc dục (RÙPARÀGA);
7. Vô sắc dục (ARÙPARÀGA);
8. Tự phụ (MÀNA);
9. Phóng dật (UDDHACCA);
10. Vô minh (AVIJJÀ);

[19] 19 pháp thành là:

Bậc Tu-đà-huờn có 5:

1. Tu-đà-huờn đạo; 2. Tu-đà-huờn quả;
3. Sử đã diệt tận; 4. Sử còn trong tâm;
5. Niết Bàn.

Bậc Tư-đà-hàm có 5:

1. Tư-đà-hàm đạo; 2. Tư-đà-hàm quả;
3. Sử đã diệt tận; 4. Sử còn trong tâm;
5. Niết Bàn.

Bậc A-na-hàm có 5:

1. A-na-hàm đạo; 2. A-na-hàm quả;
3. Sử đã diệt tận; 4. Sử còn trong tâm;
5. Niết Bàn.

Bậc A-la-hán có 4:

1. A-la-hán đạo; 2. A-la-hán quả;
3. Sử đã diệt tận; 4. Niết Bàn.

-ooOoo-

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính (05-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-05-2003