Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. Tổng quan về Khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam

Về Khởi nguyên của Phật giáo Việt Nam, các sử gia Phật giáo đang tiếp tục nghiên cứu để có một cái nhìn ổn định về niên đại Phật giáo du nhập, và về các bước phát triển Phật giáo trong các thế kỷ đầu Tây lịch. Hiện có hai nguồn sử liệu tương đối thu hút được nhiều sự chú ý nhất, đó là:

- Nguồn từ "Việt Nam Phật Giáo Sử Luận" của Nguyễn Lang, Tập I, Nhà Xuất Bản Văn Học-Hà Nội, 1994.

- Nguồn từ "Lịch sử Phật Giáo Việt Nam", Lê Mạnh Thát, Tập I, Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, Huế, 1999.

Cả hai nguồn sử liệu nầy nổi bật nét "sử luận" hơn là các sự kiện thuộc "chính sử". Vì thế, lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung, giai đoạn khởi nguyên, giai đoạn thế kỷ thứ V, VI, giai đoạn thế kỷ XVIII nói riêng, đang chờ đợi các công trình biên khảo có thêm nhiều phát hiện mới, đặc biệt là từ sự khai quật vùng quần thể được xem là quần thể Luy Lâu, địa bàn của Trung tâm lớn khởi nguyên của Phật giáo Việt Nam.

Hai nguồn sử liệu nêu dẫn trên đều chứng tỏ rằng Trung tâm Luy Lâu của Phật giáo Giao Chỉ được thành lập trước các Trung tâm Phật học ở Lạc Dương (Loyang) và Bành Thành (Peng Cheng) ở Trung Quốc, và xuất hiện vào thế kỷ đầu - chậm là vào cuối thể kỷ thứ II T.L. - Tây lịch. Lập luận ấy đáng được ghi vào chính sử, rất xác đáng.

Nếu nhìn sang lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Miến Điện và Thái Lan ta có thể phát hiện thêm sử liệu ủng hộ cho lập luận của Nguyễn Lang và Lê Mạnh Thát. Sử liệu Ấn ghi có chín phái đoàn truyền giáo mà đại đế Asoka đã gởi ra hải ngoại, trong đó có phái đoàn đi về vùng Viễn Đông, có phái đoàn qua Miến Điện, nhưng không có phái đoàn nào gửi đến Việt Nam (Giao Chỉ), Thái Lan và Trung Hoa (gồm luôn Lào, và Campuchia). Nhưng, sử liệu Thái thì ghi phái đoàn đến Miến Điện do Sona dẫn đầu đã đến truyền bá Phật giáo tại Thái Lan; và gần đây phát hiện một số sử liệu cho thấy rằng đại đế Asoka đã gởi phái đoàn truyền bá Phật giáo đến Hy Lạp và đến tận châu Phi. Điều nầy chứng tỏ sự thiếu sót về sử liệu trong nguồn sử liệu Phật giáo Ấn. Điều nầy cũng gợi ý cho các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam nghĩ rằng đoàn truyền đạo do Thượng tọa Sona dẫn đầu, hay một đoàn khác, có thể đã đến Lào, Campuchia và Giao Chỉ bằng đường bộ và đường biển, như các đoàn đã đến Thái Lan và Viễn Đông.

Một sử liệu khác từ Cao Tăng Truyện, và từ tập Phật Giáo Trung Quốc của Zurcher, cho biết nhà học giả Phật giáo thời danh An Thế Cao, người An-Tức, ở trung tâm Phật Học Lạc Dương (Loyang), đã sai cư sĩ, đệ tử, Trần Huệ đem bản dịch An Ban Thủ Ý đến tận Luy Lâu nhờ sư Khương Tăng Hội ghi chú và đề tựa. Sự việc nầy nói lên rằng có mối liên hệ trao đổi học thuật Phật giáo giữa Lạc Dương và Luy Lâu, và tại Luy Lâu cũng có mặt nhiều Tăng thông thạo Phạn, Hán và Phật học.

Sử liệu về việc Đàm Thiên trình vua Tùy Văn Đế (chừng gần năm 241 TL, năm Tăng Hội đến Đông Ngô) rằng:

"Giao Châu có con đường thẳng thông với Tây Trúc. Khi Phật Pháp vừa tới Giang Đông, thì ở thủ đô Luy Lâu của Giao Châu đã có tới 20 ngôi bảo-sát (chùa), hơn 500 Tăng sĩ và đã dịch được 15 tập kinh rồi."

cũng nói lên rằng Học thuật, giáo dục Phật giáo bấy giờ ở Giao Chỉ đã thịnh đạt. Kết qủa nầy hẳn là được sự ủng hộ tích cực của cấp lãnh đạo người Việt ở Giao Chỉ mà thời gian khởi động ít nhất là từ đầu thế kỷ thứ II T.L.

Nay trong phạm vi giới thiệu về Thiền học Khởi nguyên của Phật giáo Việt Nam, bài khảo luận này chỉ khảo sát qua "Lý Hoặc Luận" của Mâu Bác và "An Ban Thủ Ý" mà Khương Tăng Hội chú thích, đề tựa và giới thiệu.

II. Mâu Bác và "Lý Hoặc Luận"

Mâu Bác theo mẹ đến tị nạn ở Giao Chỉ từ trẻ, chuyên học tập, mê đọc các loại sách, thông Lão và Nho. Học Phật tại Giao Chỉ và chọn Phật giáo làm tín ngưỡng, con đường sống của tự thân. Mâu Bác viết ở lời tựa của Lý Hoặc Luận rằng:

"... Bèn mài chí theo đạo Phật, cùng nghiên cứu Lão Tử, lấy huyền diệu làm rượu ngon, lấy Ngũ Kinh (Nho) làm đàn sáo..." (VNPGSL, Nguyễn Lang, Tập I,...,tr.60)

Từ Lý Hoặc Luận, Mâu Bác định nghĩa về Phật rằng:

"Phật là nguyên tổ của Đạo (Tao) và Đức (Te), nguồn gốc của thần minh. Phật là đấng thức tỉnh (giác ngộ)..." (Ibid.,tr.74)

Đạo (Tao), theo Lão Tử, đã là suối nguồn của vạn hữu. Nay Phật là nguyên Tổ của Đạo, hẳn là chân thể của hiện tượng giới.

Định nghĩa về Pháp hay Đạo (đạo đế):

"Đạo là dẫn dắt. Đạo dẫn dắt người tới vô-vi (asannikhàram hay Nirvàna)... Đạo là lời dạy về vô thường, vô ngã, giới luật, cách giữ tâm, gìn ý và tu chứng Niết bàn." (Ibid., tr.75)

Định nghĩa về Tăng:

"... 250 giới luật, cạo đầu, mặc áo vàng, xả bỏ tài sản, đi khất thực và hóa đạo, nhắm tới sự chứng nhập vô vi..." (Ibid.,tr.76)

Định nghĩa về Niết bàn:

"Niết bàn được dịch là vô vi, mục đích của người Phật tử xuất gia. Nhưng vô vi của Phật khác vô vi của Lão..." (Ibid., tr.76)

Lê Mạnh Thát, trong " Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam", nhà xuất bản Thuận Hóa - Huế, 1999, thì giới thiệu Lý Hoặc Luận gồm 37 điều, và xác định con số 37 ấy không phải là con số 37 trong Đạo Đức Kinh, mà là 37 của Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, thưộc Đạo đế của Phật giáo, qua lời Mâu Bác để lại cho Khương Tăng Hội trong chú giải An Ban Thủ Ý rằng:

"Mười hai bộ Kinh thảy đều nằm trong 37 phẩm Kinh trợ đạo, ví như muôn suối, sông đều đổ về biển lớn". (LSPGVN, Tập I,..., tr.293)

Trong 37 điều ấy,

- Từ điều 1 đến điều 3: giới thiệu cuộc đời đức Phật; Ngài đã thuyết giảng đến 84.000 quyển (mỗi quyển nhỏ thì hơn 1000 chữ, mỗi quyễn lớn thì chừng 10.000 chữ)
- Từ điều 4 đến điều 28: đối chiếu giữa Phật giáo và Nho giáo.
- Từ điều 29 đến điều 37: phê bình Lão giáo. (Ibid., tr.288)

Do bởi mục tiêu của Lý Hoặc Luận là trừ hoặc,giới thiệu các hiểu biết sai lạc về đạo Phật (vốn Phật toàn vẹn hơn Lão và Nho) nên không giới thiệu các yếu pháp tu hành ở đây. Dù vậy, Lý Hoặc Luận cũng gợi lên được các nét giáo lý về đạo đức và trí tuệ Phật giáo, cùng con đường dẫn đến trí tuệ ấy, đủ làm sống dậy sức sống của Phật giáo.

- Riêng về 15 bộ kinh, mà Đàm Thiên đề cập, được dịch và truyền bá, giảng dạy ở Luy Lâu không được liệt rõ tên, nhưng theo nguồn sử liệu mà Edwards Conze, tác giả dịch và chú Kinh Kim Cương (Diamond Sùtra) cung cấp thì trong hơn 30 Kinh Đại thừa truyền bá rộng rãi ở các nước Tây Tạng, Mông Cổ, Cao Ly, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam, có ba bản kinh phổ biến nhất là: Bát Nhã Tâm Kinh, Kim Cương, và Pháp Hoa (Pháp Cú cũng được đề cập vào danh sách phổ biến nầy). Chỉ cần giảng dạy một trong ba kinh ấy và Lục Độ Tập Kinh mà Khương Tăng Hội dịch và chú thì cũng đủ làm bung dậy sức mạnh của tâm và tuệ giải thoát trong văn học Phật giáo Luy Lâu, bung dậy trí tuệ vô ngã tỏa sáng nền văn hóa tự chủ, tự cường của Giao Chỉ.

Nền giáo lý của thời Mâu Bác, với 15 bộ kinh trên, là cận duyên và hổ trợ cho nguồn tâm tỏa chiếu từ pháp môn An Ban Thủ Ý mà Khương Tăng Hội dịch, chú và truyền bá tiếp theo.

III. Khương Tăng Hội và Kinh An Ban Thủ Ý

1. Về Khương Tăng Hội:

Khương Tăng Hội được sinh ở đất Giao Chỉ; bố là người Khương Cư (Sogdian) sang Giao Chỉ buôn bán một mình và định cư tại đây; dòng dõi nhiều đời qua lại Ấn Độ; có lẽ mẹ là người Giao Chỉ. Tăng Hội lớn lên và học tập rồi xuất gia ở Giao Chỉ. Năm 247 sang truyền bá Phật giáo ở Đông Ngô, đất Kiến Nghiệp, ở chùa Kiến Sơ, đến năm 280 TL thì tịch. (VNPGSL, Nguyễn Lang, Tập I, ..., tr. 85-86)

- Trong lời tựa của "Xuất Tam Tạng Ký Tập" 1 ĐTK.2145 tờ 1a 16-17, Tăng Hựu viết:

"Xưa vào đời Châu, Phật giáo nổi lên, nhưng bến thiêng còn cách, đời Hán tượng pháp diệu điển mới đưa vào, giáo pháp phải đợi cơ duyên mới rõ... Đến cuối Hán, An Thế Cao tuyên dịch rõ dần, đầu đời Ngụy, Khương Tăng Hội chú thích thông thêm..." (LSPGVN, Lê Mạnh Thát, tập I,..., tr.323)

Tăng Hựu, và Huệ Hạo, nói về Tăng Hội rằng:

"Hiểu rõ ba tạng (Kinh, luật, luận), xem khắp sáu kinh (Thi, thơ, Lễ, Nhạc, Dịch và Xuân Thu), thiên văn đồ vĩ phần lớn biết hết, giỏi việc ăn nói, nhanh việc viết văn." (Ibid., tr.316)

Qua các tài liệu sử kể trên, Khương Tăng Hội biểu lộ thực sự sự thông rõ nội và ngoại điển, Phạn và Hán ngữ. Điều nầy gián tiếp giới thiệu buổi hưng thịnh về văn hóa, giáo dục của Luy Lâu, và hé mở cho thấy, cạnh Khương Tăng Hội, còn có nhiều vị giáo thọ thông thái. Đáng tiếc là sử liệu, qua thăng trầm của lịch sử Việt Nam, đã bị thất lạc hầu hết, rất khó để vẽ lại bức tranh sáng sủa của văn hóa Phật giáo Giao Chỉ vào các thế kỷ đầu Tây lịch.

2. Về Kinh An Ban Thủ Ý mà Tăng Hội đề tựa, chú giải:

a/. Thích Đạo An đã có lời nhận định liên hệ đến Khương Tăng Hội như sau:

"Ngụy sơ Khương Tăng Hội vì kinh làm chú nghĩa.
Song có đôi chỗ chưa rõ, an tôi trộm không tự lượng,
dám nhân người trước, làm giải thích ở dưới."

và:

"Người trọng đạo ta là cư sĩ Trần Huệ,
Người truyền kinh thiền là tỳ kheo Tăng Hội" (Ibid., tr.351)

b/. Theo các nguồn sử liệu liên hệ đến An Thế Cao, bao gồm các điểm mà Khương Tăng Hội đề cập, sinh thời An Thế Cao ngoài khả năng uyên bác của một học giả và dịch giả Phật học, còn có sở đắc các định, có thể nhìn thấy xa về tương lai của nhiều sự việc, qua đó người đã báo trước rằng Khương Tăng Hội - ngoài khả năng bác học của một học giả - sẽ là người truyền bá thiền học (gồm thiền thực nghiệm).

c/. Trước khi đi vào tìm hiểu lời tựa An Ban Thủ Ý và nội dung tổng quát của An Ban Thủ Ý Kinh, tưởng nên nhớ lại một lời dạy của đức Thế Tôn, từ Nikàya rằng: có bốn đối tượng tư duy không bàn đến, nghĩ đến được - nếu nỗ lực tư duy thì có thể vỡ tim, óc - đó là: Tâm của Phật, Tâm của thế giới, qủa dị thục của nghiệp, và cảnh giới thiền của các thiền giả. Chỉ có Phật trí mới thấy được. Từ đó để các nhà nghiên cứu về Thiền sẽ không ngạc nhiên khi thấy Khương Tăng Hội trình bày "Lục diệu pháp môn"(sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn,tịnh) và Tứ sắc định có nhiều chỗ khác với Trí Khải đại sư (Pháp Hoa Tông) và khác với sự trình bày trong kinh tạng, khác với kinh nghiệm về Thiền của các tổ sư Thiền về sau.

d/. "An Ban Thủ Ý" là tên kinh dịch âm từ tên Pàli là Ànàpànasati (có nghĩa là giữ chánh niệm theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra). Bản kinh nầy là phần thu gọn, giản dị hơn một ít so với Kinh Niệm Xứ hay Đại Niệm Xứ, và được giới thiệu trong Tương Ưng Bộ Kinh V, Pàli Text Society. Bản tương đương ở văn học Sanskrit và về sau được chuyển dịch qua Hán ngữ thuộc kinh tạng Àgama là "An Ban Thủ Ý". Đây chính là bản mà về sau các vị Tăng sĩ đã dịch riêng lẻ và truyền bá riêng lẻ qua các nước Phật giáo ở Đông Á, Đông Nam Á.

e/. Có bốn đối tượng giữ chánh niệm theo dõi hơi thở ra là:

1 - Đối tượng thân: đường hơi thở và toàn thân vật lý.
2 - Đối tượng cảm thọ: các cảm thọ hỷ, lạc, không hỷ không lạc và an tịnh.
3 - Đối tượng tâm hành: cảm nhận về tâm ý, về sự hân hoan của tâm ý, về sự yên tịnh dừng nghĩ của tâm ý, và về tâm giải thoát.
4 - Đối tượng về pháp: giác sát về biểu hiện vô thường, tan rã, hoại diệt của thân và tâm (ngũ uẩn) và về tâm từ bỏ, không dính mắc bất cứ gì.

Đấy là nội dung tổng quát. Nhưng khi thực hành thì mỗi thiền giả có các bước đi, các tác ý vận dụng có sự khác biệt nhau. Do vậy mà các thiền sư truyền đạt lại cho các kẻ hậu lai theo các kinh nghiệm đi ra khỏi các vọng tâm, cấu uế tâm, và đi vào các tâm giải thoát và tuệ giải thoát khác nhau. Từ nhận thức như thế, người viết sẽ tuần tự đi vào tìm hiểu và giới thiệu lời tựa kinh An Ban Thủ Ý của Khương Tăng Hội.

g/. Khương Tăng Hội có những định nghĩa về thiền và về pháp môn An Ban Thủ Ý rất riêng và rất đặc biệt.

- "Pháp An Ban, hay niệm hơi thở vào hơi thở ra, là đại thừa của chư Phật dùng để tế độ chúng sanh đang lênh đênh chìm nổi". Đây là phát biểu cá nhân, rất sáng tạo mà rất phù hợp với lời dạy của Thế Tôn được kiết tập trong Nikàyà rằng:" Pháp Niệm Xứ là con đường độc nhất đi đến giải thoát". Vì thế nên chư Phật đều dạy pháp ấy, và mọi thiền giả muốn vào giải thoát đều phải hành pháp ấy. Pháp An Ban Thủ Ý đã được Khương Tăng Hội giới thiệu ở Luy Lâu, Giao Chỉ từ thế kỷ thứ III: Vậy là khởi nguyên Thiền học Việt Nam, hay khởi nguyên của Phật giáo Việt Nam, là Thiền học truyền thống của chư Phật trong ba đời, rất truyền thống vậy, mà không phải là thiền tông Trung Hoa sáng tạo về sau. (đời Trần, Lý đã tiếp tục con đường nầy ở mức độ bén nhạy hơn, trí tuệ giác tỉnh mạnh hơn).

- Từ ngữ đại thừa trong lời mở đầu có nghĩa là cỗ xe lớn chở được đông đảo căn cơ vào giải thoát, mà không có ý nghĩa là pháp cao thượng hơn, vĩ đại hơn. Lối hiểu của An Thế Cao và Khương Tăng Hội về An Ban Thủ Ý vì vậy không khác nhau. Nếu hiểu đại thừa theo nghĩa ba-la-mật (paramità) - đến bờ bên kia - thì ba-la-mật ấy có nghĩa là vô thủ trước, hoàn toàn vô chấp thủ: pháp An Ban Thủ Ý tự nó sẽ dẫn đến tuệ giải thoát là ba-la-mật vậy: định và tuệ của tâm không dính mắc bất cứ gì ở đời của hành giả là định và tuệ ba-la-mật.

- Pháp đối trị của Thiền:

Khương Tăng Hội viết:

"An ban có sáu loại nhằm đối trị sáu tính. Tính có trong và ngoài: sáu tính bên ngoài là sắc, thinh, hương, vị, xúc và tà niệm". (VNPGSL,..., tr.107)

Sự thật, mọi chuyện cuốn hút vào sinh tử của con người đều do sự tác động của sáu căn, sáu trần và sáu thức (khi căn và trần gặp nhau thì thức liền hiện khởi) = sự gặp gỡ của chúng gọi là xúc; tiếp diễn theo tức thì là thọ, ái, thủ. Đây là vận hành của vô minh dẫn đến sầu, bi, khổ, ưu, não. Thiền là chế ngự và chuyển đổi dòng vận hành ấy: hành giả cần giác tỉnh chế ngự từ xúc. Cách chế ngự của An Ban Thủ Ý là lục diệu pháp: sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh. Theo dõi và đếm hơi thở gọi là sổ; trú niệm theo dòng hơi thở vào, ra gọi là tùy. Tu tập sự theo dõi nầy cho đến khi chế ngự ngũ cái (trào cử, hôn trầm, dục, sân và nghi). Chế ngự ngũ cái là chế ngự được toàn thể cấu uế tâm khiến tâm lắng tỉnh, chế ngự cả tầm và tứ = đây gọi là nhị thiền.

Rời khỏi cách đếm hơi thở, dừng tâm để sự chú ý trên đầu chót mũi= đây gọi là chỉ; hành cho đến khi tâm lý rất lắng đọng, chế ngự cả cảm thọ hỷ thì vào tam thiền (đệ tam sắc định). Từ sự lắng tỉnh đó, hành giả tác quán, giác sát các thân phần cơ thể cho đến lúc tâm tỏa sáng thấy rõ sự thật của mọi hiện hữu thân, tâm(thấy sự thật Duyên Khởi) là đắc tứ thiền (tứ sắc định).

Nhiếp tâm trở về chánh niệm (xả, nhất tâm) - đây gọi là hoàn - để cắt đứt các ngăn che tâm. Hành cho đến lúc vọng tưởng tiêu sạch: đây gọi là tịnh pháp.

Từ sự chứng đắc tứ thiền (tứ sắc định), hành giả quán chiếu để cắt lìa các kiết sử để vào Tam minh, Lục thông - đắc Tam minh hay Lục thông là đắc tâm và tuệ giải thoát. Đây là thành tựu của công phu tu tập An Ban Thủ Ý.

Với nội dung tu tập như vừa giới thiệu mà Khương Tăng Hội đề cập, An Ban Thủ Ý biểu hiện tương tự pháp Niệm hơi thở vào hơi thở ra giới thiệu ở Tương Ưng bộ kinh V, Pàli Text society, rất truyền thống.

- Định nghĩa về Thiền của Tăng Hội:

Khương Tăng Hội viết: "Thiền có nghĩa là loại trừ" (Ibid., tr.108)

Đây là định nghĩa tương tự định nghĩa "Thiền có nghĩa là bối xả" của tổ sư thiền, hay thiền là ly dục (của Nikàya), từ bỏ (Nikàya).

Cứ theo quá trình tu tập sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh để đi vào sơ thiền đến tứ thiền và quán chiếu để đắc tâm và tuệ giải thoát như được trình bày ở phần trên, thì rõ là hành giả đang đi theo một lộ trình từ bỏ, hay loại trừ: loại trừ các cấu uế của tâm (ngũ dục lạc và các tâm lý bất thiện); loại trừ các lự (tầm, tứ); loại trừ các cảm thọ để tâm hoàn toàn lắng tịnh (xả, nhất tâm của tứ sắc định); bước sau cùng là rời khỏi sự an trú vào sự lắng tịnh, hành giả quán chiếu để cắt đứt các kiết sử, lậu hoặc (loại trừ các lậu hoặc).

Đặc biệt trong pháp An Ban Thủ Ý, Khương Tăng Hội không giới thiệu các công phu đi vào Tứ không định; cũng không giới thiệu công phu thực hành Tứ vô lượng tâm từ Tứ thiền sắc định; hay từ Vô sở hữu xứ định, để vào chánh trí giải thoát (hay Tam minh, đắc từ Diệt thọ tưởng định). Nhưng nội dung được giới thiệu ấy lại tương đương với rất nhiều kinh mà Thế Tôn đã dạy trong Nikàya: dừng lại từ Tứ sắc định để hành thiền quán.

Theo nội dung lời tựa, Tăng Hội ghi:

"Cư sĩ Trần Huệ làm việc chú giải và thích nghĩa, còn tôi thì giúp đỡ bằng cách gạn lọc, thêm bớt chỗ này chỗ kia. Tuy nhiên những điều mà đại sư không truyền thừa thì chúng tôi không dám tự do thêm thắt. Nói bao nhiêu cũng không cạn được ý Phật, vì vậy chúng tôi kính mời các bậc hiền giả minh triết cùng nhau tham cứu. Hễ thấy có điểm nào còn sơ sót, xin vui lòng bổ chính để cùng nhau làm sáng tỏ thêm ra thánh ý của Phật." (ibid., tr. 112)

Theo đoạn vừa trích dẫn, thì Thiền định buổi sơ khởi ở Lạc Dương cũng hệt với Thiền định ở Luy Lâu qua sự hoằng truyền của An Thế Cao và Khương Tăng Hội. Riêng kinh nghiệm của Tăng Hội về phát triển định, tuệ thì hầu như có khác, nhưng không dám góp ý vào bản dịch và chú của An Thế Cao: chính đây là điểm chứng tỏ trí tuệ sáng tỏ về Thiền và Kinh nghiệm về Thiền của Tăng Hội rất sâu và rất thực khi Tăng Hội viết: " Nói bao nhiêu cũng không cạn được ý Phật.", từ điểm nầy có thể triển khai phong phú hơn về các bước thực hành sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh mà Tăng Hội sẽ làm ở Luy Lâu và ở Kiến Nghiệp (Đông Ngô).

- Bàn qua về cái Tâm mà Tăng Hội đề cập:

Tăng Hội viết:

"Tâm chúng sanh bị tà niệm đi vào như biển cả tiếp nhận nước từ các dòng sông, như một kẻ đói ăn hoài mà không no. Tâm chứa đầy mọi thứ, không một pháp vi tế nào mà tâm không tiếp nhận. Hiện tượng ra vào và qua lại của tâm lý xẩy ra như chớp nhoáng, không lúc nào gián đoạn.

... Tâm ấy thâm sâu và vi diệu, không chút tóc tơ hình tướng cả đến Phạm Thiên, Đế Thích và các Tiên, Thánh cũng không thấy rõ được sự hóa sinh của các hạt giống ẩn tàng ở trong ấy, huống hồ là kẻ phàm tục...

... trong thời gian búng ngón tay, tâm có thể trải qua tới 960 chuyển niệm..." (Ibid., tr. 107 - 108)

Trong phần khảo sát nầy, người viết không đối chiếu quan điểm về cái tâm nói trên với Pháp tướng Duy thức tông, bởi thời đại Tăng Hội Duy Thức chưa được thành lập. Người viết cũng không nỗ lực tìm hiểu tâm là gì, bởi vì nó là một trong bốn đối tượng mà tư duy không thể với tới như lời Thế Tôn đã dạy.

Lời phát biểu của Tăng Hội giới thiệu cái tâm hệt như là dòng tâm thức Bhavanga trong Luận tạng Pali trôi chảy mãi từ sự có mặt nầy đến sự có mặt khác; nó là dòng chảy của các niệm (hay tâm niệm) miên tục chảy, ở đó không có mặt các cá thể gọi là tâm, mà chỉ có các niệm, hệt như không thật sự có dòng nước chảy, mà chỉ cóù các hạt nguyên tử, hay các lượng tử nước. Cái thấy nầy giúp hành giả không chấp thủ thân sắc hay tâm lý của mình. Khương Tăng Hội hẳn là đã dựa vào một tài liệu Phật học nào ấy ở Luy Lâu khi bảo trong thời gian búng tay thì đã có đến 960 lần chuyển niệm (tương tự 960 sát-na), bởi sự việc nầy rất giống với cái tâm được bàn trong Luận tạng Pali: chỉ trong nháy mắt là đã có 15 đến 17 sát na đi qua, và đã có đến hơn 10 niệm sinh, diệt: điều nầy giúp Thiền giả giác tỉnh về sự thật của dòng chảy duyên sinh, mà không có mặt một ngã tướng thân mình hay tâm mình, hoặc mình nào ở đó cả. Thấy rõ điều nầy bằng quán là tuệ của hành giả đã chiếu và đang chiếu tỏa: hành giả đang thật sự an trú vào định và tuệ giải thoát, hay tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

IV- Tổng quan về Thiền học Khởi nguyên của Luy Lâu

- Phật giáo Việt Nam, qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đã mất đi hầu hết nhiều sử liệu về lịch sử và văn học Phật giáo rất quý giá, có thể nói là mất gần trọn một gia tài Phật học và văn học Phật giáo rất đồ sộ, đáng tự hào - từ khởi nguyên cho đến Lý, Trần và cho đến cận đại.

- Dù chỉ với vài sử liệu nhỏ nhoi liên hệ đến Mâu Tử trong "Lý Hoặc Luận" và Khương Tăng Hội trong lời tựa của "An Ban Thủ Ý, ta cũng có thể hình dung ra được nền Phật học, văn học và giáo dục thời ấy của Phật giáo Việt Nam nói riêng, và của Giao Chỉ nói chung. Khương Tăng Hội được sinh ra và lớn lên ở Giao Chỉ, mồ côi cha mẹ từ thuở 10 tuổi, đã sống trong nhà chùa, hưởng thụ nền giáo dục nhà chùa của Luy Lâu và đã rất trưởng thành, trưởng thành hơn cả những Tăng sĩ được đào tạo ngày nay: đã rất thông thái Phạn ngữ, Hán ngữ, nội điển và ngoại điển; đã học và hành rất nghiêm chỉnh, đi đến những thành tựu rất đáng trân trọng; đã được các nhà học giả và hành giả Trung Quốc, trung tâm Phật học Lạc Dương kính trọng, tin tưởng, nễ vì, và đã sang Đông Ngô làm vị khai tổ truyền bá chánh pháp cho vua, tôi và dân chúng ở đất Kiến Nghiệp. Thật đáng tự hào.

Phật giáo Việt Nam rất đáng tự hào về Tăng Hội, và rất đáng tự hào về trung tâm Phật học Luy Lâu. Giá mà gia tài văn hoá Phật giáo ấy được giữ gìn, trân trọng giữ gìn và phát huy, thì hẳn Việt Nam và Phật giáo Việt Nam ngày nay có biết bao nhiêu tự hào. Giá mà đất nước không bị ngoại xâm cả quân sự lẫn văn hoá bảo thủ từ phương Bắc ngày ấy, thì Luy Lâu, Thăng long thành đã là một trung tâm Phật học tỏa sáng như Trung tâm Nalandà ở Ấn Độ - đã sản sinh ra những đại luận sư lỗi lạc cho thế giới.

- Thiền học Luy Lâu không còn, và nên không còn được hiểu là khởi nguyên của Thiền học Việt Nam, mà là suối nguồn của Thiền học Việt Nam. Có lẽ Phật giáo Việt Nam cần trở về cội nguồn của Luy Lâu và Yên Tử để tìm thấy mình và bắt gặp lại niềm tin và tự hào lịch sử trước khi có thể mở ra hướng phát triển cho hiện tại.


Tỷ Kheo Thích Chơn Thiện
Trúc Lâm Thiền Viện-Paris
Ngày 8/4/2003

-ooOoo-

Source: Người Cư Sĩ, France, http://cusi.free.fr


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 08-08-2003