|
Hương Vị Pháp Bảo
Thiền sư U Silananda
(4)
Lợi ích của Thiền Hành
Trong các khóa thiền tập của
chúng ta, các thiền sinh phải tập chú niệm trong cả bốn tư thế đi,
đứng, ngồi, nằm. Họ phải duy trì chánh niệm trong mọi thời khắc,
ở mọi tư thế của họ. Tuy nhiên, tư thế chính trong khi thực
tập quán niệm là tư thế ngồi với chân xếp chéo. Bởi vì thân
thể con người không thể nào chịu đựng được cách ngồi nầy trong
nhiều giờ, nên chúng ta xen kẽ các suất ngồi thiền với các suất đi
kinh hành. Vì pháp Thiền Hành, hay đi kinh hành, là một pháp thiền quan
trọng, tôi muốn thảo luận ở đây về bản thể, tầm quan trọng,
và các lợi ích của pháp thiền nầy.
Việc thực hành thiền quán niệm có thể
ví như việc đun nước. Khi đun nước, ta đổ nước vào nồi, đặt nồi lên
bếp, rồi vặn lửa lên. Nếu ta tắt lửa dù chỉ một thời gian ngắn,
nước sẽ không bao giờ sôi, cho dù sau đó ta lại vặn lửa lên nữa. Nếu ta
cứ tắt và vặn lửa nhiều lần như thế, nước sẽ không bao giờ sôi.
Cũng như thế, nếu có những khoảng hở giữa các thời khắc chánh
niệm thì ta sẽ không thể tạo được một xung lực và sẽ không đạt
được Chánh Ðịnh. Vì vậy trong các khóa thiền, hành giả được hướng
dẫn thực tập chánh niệm liên tục khi họ tỉnh thức, từ lúc mở mắt
thức giấc vào buổi sáng cho đến khi bắt đầu ngủ vào ban đêm. Từ đó,
pháp thiền hành được dung hợp vào công phu phát triển chánh niệm
liên tục của mỗi hành giả.
Một điều đáng buồn mà Sư thường nghe người ta
chỉ trích pháp thiền kinh hành, cho rằng qua pháp thiền nầy, hành giả
không thể thu lợi ích hoặc thành quả tốt đẹp nào. Tuy nhiên, chính Ðức
Phật là người đầu tiên dạy dạy pháp thiền hành. Trong kinh Ðại Tứ
Niệm Xứ, Ðức Phật đã dạy về pháp đi kinh hành hai lần. Trong đoạn
"Các Oai nghi", Ngài giảng rằng vị tỳ kheo phải biết "Tôi
đang đi" khi người ấy đi, phải biết "Tôi đang đứng" khi
người ấy đứng, phải biết "Tôi đang ngồi" khi người ấy ngồi,
và phải biết "Tôi đang nằm" khi người ấy nằm.
Trong đoạn "Tỉnh giác", Ðức Phật dạy,
"Vị tỳ kheo phải biết áp dụng tỉnh giác khi đi tới và khi đi
lui". Tỉnh giác ở đây có nghĩa là thông hiểu chính xác những gì ta
đang quán sát. Ðể hiểu đúng những gì đang quán sát, hành giả phải
đạt chánh định, và muốn có chánh định, hành giả phải biết quán
niệm. Vì vậy, khi Ðức Phật nói, "Nầy các tỳ kheo, hãy áp dụng tỉnh
giác," thì ta phải hiểu rằng không phải chỉ áp dụng tỉnh giác, mà
còn phải áp dụng quán niệm và chánh định.
Như thế, Ðức Phật đã dạy các thiền sinh áp
dụng chánh niệm, chánh định, và tỉnh giác khi bước đi, khi "đi tới
và đi lui." Do đó, đi kinh hành là một phần quan trọng trong tiến
trình thực tập thiền định.
Ði kinh hành như thế nào?
Mặc dù kinh Ðại Niệm Xứ không có ghi lại các chỉ
dẫn chi tiết của Ðức Phật về pháp thiền hành, chúng ta tin rằng
Ngài đã dạy cho các vị đệ tử thực hành pháp nầy khi Ngài còn tại
thế. Các hướng dẫn đó hẳn đã được các môn đệ của Ngài học,
hành và truyền lại từ đời nầy sang đời khác. Hơn nữa, các thiền sư
thời xưa hẳn phải thiết lập các công thức giảng dạy dựa vào sự thực
tập của các ngài ấy. Ngày nay, chúng ta đã được thừa hưởng một bộ các
lời chỉ dẫn chi tiết về phương cách thực tập pháp thiền kinh
hành.
Bây giờ, ta hãy nói chi tiết về cách thực tập
đi kinh hành. Nếu bạn hoàn toàn là người mới bắt đầu, vị thiền sư
sẽ dạy cho bạn sự chánh niệm về một điều duy nhất khi đi kinh
hành: phải chánh niệm về động tác bước chân bằng cách ghi nhận thầm
lặng trong tâm là "bước, bước, bước," hoặc là "trái, phải,
trái, phải." Trong lúc thực tập nầy, có thể là bạn sẽ bước chậm
hơn thường ngày.
Sau vài giờ thực tập, hoặc sau một hay hai ngày
thiền tập, bạn sẽ được chỉ dẫn đặt chú niệm vào hai động tác: (i)
bước, và (ii) đặt chân xuống, cùng lúc ấy ghi nhận trong tâm là "bước
đi, đặt xuống", hoặc "bước, đạp". Bạn phải gắng chú tâm vào
hai giai đoạn của một bước: "bước đi, đặt xuống; bước đi, đặt
xuống". Sau đó, bạn sẽ được dạy đặt chú niệm vào ba giai đoạn:
(i) dở chân lên; (ii) đưa chân đến trước; và (iii) đặt chân xuống. Sau
đó nữa, bạn sẽ được dạy chú niệm vào bốn giai đoạn: (i) dở chân lên;
(ii) đưa chân đến trước; (iii) đặt chân xuống; và (iv) chạm hoặc ấn
bàn chân xuống đất (hay đạp xuống). Lúc đó, bạn sẽ được chỉ dẫn là
phải ghi nhận trong tâm về bốn giai đoạn của động tác chân: "dở
lên, bước tới, đặt xuống, ấn xuống đất."
Ban đầu, thiền sinh sẽ cảm thấy khó bước chậm
lại. Tuy nhiên, sau khi họ được hướng dẫn để tâm theo dõi vào
mọi cử động của chân, và khi họ thực sự chú tâm theo dõi chặt chẽ,
thì tự nhiên họ sẽ bước chậm lại. Họ không cần phải cố gắng bước
chậm, nhưng khi họ chú tâm thật kỹ, các cử động chậm rãi sẽ tự động
đến với họ. Khi ta lái xe trên đường cao tốc, ta có thể phóng
với tốc độ 100 km/giờ. Với tốc độ như thế, ta không thể nào quán
sát được tất cả các dấu hiệu bên đường. Nếu ta muốn đọc
được các dấu hiệu đó thì ta phải lái xe chậm lại. Không cần phải có
ai ra lệnh, "Chạy xe chậm lại!", người tài xế sẽ tự động
lái chậm lại nếu người ấy muốn đọc các dấu hiệu bên đường.
Cũng như thế, khi thiền sinh theo dõi bám sát các cử động dở chân
lên, đưa chân ra trước, đặt xuống, và ấn chân xuống đất, họ sẽ tự
động bước chậm lại. Khi bước chậm lại, họ mới có thể có chánh
niệm và hoàn toàn nhận thức được các động tác nầy.
Mặc dù thiền sinh theo dõi bám sát và bước chậm
lại, có thể họ cũng vẫn chưa thấy rõ tất cả các động tác và các
giai đoạn của bước đi. Các giai đoạn nầy có thể chưa được minh định
trong tâm, và họ tưởng như là chúng kết tạo thành một động tác
liên tục. Khi sự định tâm gia tăng mạnh hơn, thiền sinh sẽ dần dần thấy
rõ hơn về các giai đoạn khác nhau của một bước đi; và sẽ phân biệt
được bốn giai đoạn của động tác đó. Thiền sinh sẽ nhận biết rõ
ràng rằng cử động dở chân không trộn lẫn với cử động đưa chân ra phía
trước, và họ sẽ biết rõ là cử động đưa chân ra trước không có
lẫn lộn với cử động đặt chân xuống hoặc cử động ấn bàn chân xuống đất.
Họ sẽ nhận biết rõ ràng và phân biệt được các cử động nầy.
Những gì họ quán niệm và tỉnh thức theo dõi sẽ trở nên rõ ràng trong
tâm thức của họ.
Nhận thức được Tứ đại
Khi thiền sinh tiếp tục hành trì pháp kinh hành,
họ sẽ quán sát được nhiều sự kiện hơn. Khi họ dở chân lên,
họ thực nghiệm tánh thể nhẹ nhàng của bước chân. Khi đưa chân ra
trước, họ thực nghiệm được sự chuyển động từ nơi nầy sang nơi
khác. Khi đặt chân xuống, họ thực nghiệm được tánh thể nặng
nề của bàn chân, bởi vì bàn chân sẽ trở nên nặng nề hơn khi nó từ
từ đưa hạ xuống đất. Khi bàn chân chạm đất, họ cảm nhận được sự
chạm xúc của gót chân với mặt đất. Do đó, cùng lúc với quán sát sự dở
chân, đưa ra trước, đặt xuống, và ấn xuống đất, thiền sinh cũng sẽ
cảm nhận được tánh thể nhẹ nhàng của bàn chân đưa lên, chuyển
động của chân, tánh thể nặng nề khi hạ chân xuống, và sự chạm xúc
của bàn chân, sự cứng mềm của bàn chân trên nền đất.
Khi thiền sinh cảm nhận được các tiến trình
nầy, là họ đang cảm nhận được bốn yếu tố cơ bản (tứ đại, dhatu).
Bốn yếu tố cơ bản đó là: đất, nước, lửa, gió. Bằng cách
thật sự theo dõi bốn giai đoạn của bước đi kinh hành, bản chất của bốn
yếu tố nầy được cảm nhận, không phải chỉ là các khái niệm, mà là
các tiến trình thật sự, như là các thực tại tối hậu (chân đế).
Bây giờ, chúng ta hãy đi vào chi tiết hơn về
về đặc tính của các yếu tố nầy khi đi kinh hành. Trong động tác thứ
nhất, khi dở bước chân lên, thiền sinh cảm nhận được sự nhẹ nhàng; và
khi họ cảm nhận được sự nhẹ nhàng, họ hầu như cảm nhận được
yếu tố lửa. Một đặc tính của yếu tố lửa là làm cho sự vật nhẹ
nhàng hơn, vì khi nhẹ nhàng hơn thì chúng sẽ bay lên. Trong khi cảm nhận
được sự nhẹ nhàng của động tác đưa lên, thiền sinh cảm nhận được
bản chất của yếu tố lửa. Tuy nhiên, ngoài sự nhẹ nhàng cũng còn có sự
chuyển động khi dở chân lên. Chuyển động là một đặc tính của
yếu tố gió. Tuy nhiên, sự nhẹ nhàng của yếu tố lửa thì bao trùm hơn.
Cho nên ta có thể nói rằng trong giai đoạn dở chân lên, yếu tố lửa
là chánh và yếu tố gió là phụ. Hai yếu tố nầy được thiền sinh
cảm nhận khi họ chú tâm theo dõi động tác dở chân lên.
Giai đoạn kế tiếp là đưa chân ra trước. Khi di
chuyển bàn chân ra trước, yếu tố bao trùm là yếu tố gió, bởi vì
chuyển động là một trong các đặc tính chủ yếu của yếu tố gió.
Vì vậy, khi thiền sinh chú tâm vào sự chuyển động đưa chân ra trước
trong khi đi kinh hành, họ hầu như sẽ cảm nhận được bản chất của
yếu tố gió.
Giai đoạn tiếp theo là sự chuyển động đặt
chân xuống. Khi thiền sinh đặt chân xuống, có một sự nặng nề nơi bàn
chân. Tính nặng nề là một đặc tính của yếu tố nước, như thể
đang nhỏ giọt và sền sệt. Khi một chất lỏng có tính nặng nề,
nó trở nên sền sệt, dính nhờn. Như thế, khi thiền sinh cảm
nhận tính nặng nề của bàn chân, họ hầu như cảm nhận được thể
tính của yếu tố nước.
Khi ấn bàn chân xuống đất, thiền sinh cảm nhận
được tính chất cứng hoặc mềm của bàn chân trên mặt đất. Ðiều nầy
đưa đến thể tính của yếu tố đất. Bằng cách chú tâm vào sự
đè ấn của bàn chân xuống đất, thiền sinh hầu như cảm nhận được
thể tính của yếu tố đất.
Như vậy, chỉ trong một bước đi, thiền sinh nhận
thức được nhiều tiến trình. Họ cảm nhận được bốn yếu tố
đất, nước, lửa, gió và thể tính của chúng. Chỉ có những thiền sinh
nào chịu khó thực tập như thế mới có hy vọng nhận thấy được các
điều nầy.
Danh-Sắc và tuệ giác đầu tiên
Khi thiền sinh tiếp tục hành trì pháp thiền
kinh hành, họ sẽ nhận thức được rằng cùng với mỗi cử động, sẽ có
một tâm ghi nhận, một sự tỉnh giác về cử động đó. Có một chuyển
động dở bước chân lên và cũng có một cái tâm để nhận thức sự dở
bước đó. Trong thời khắc kế tiếp, có một chuyển động đưa chân
ra trước và cũng có một cái tâm nhận thức sự chuyển động. Hơn nữa,
thiền sinh sẽ thấy rằng cả sự chuyển động và sự nhận thức cùng sinh
khởi và hủy diệt trong thời khắc đó. Qua giai đoạn kế tiếp, có
một chuyển động đưa chân xuống và cũng có một tâm nhận thức sự
chuyển động; và cả hai cùng sinh khởi và hoại diệt ngay khi đặt chân
xuống đất. Một tiến trình tương tự xẩy ra khi ấn chân xuống đất: có
sự đè ấn và sự nhận thức về đè ấn. Bằng cách nầy, thiền sinh
hiểu rằng song song với sự chuyển động của chân là có các thời khắc
của sự nhận thức.
Sự nhận thức trong các lúc như thế gọi là Danh
(nama) hay Tâm, và sự chuyển động của chân gọi là Sắc (rupa) hay Vật
chất. Như thế, thiền sinh sẽ cảm nhận được tâm và vật chất khởi
sinh và hoại diệt trong mỗi thời khắc. Thời khắc nầy có sự dở bước
chân và sự nhận thức về dở chân lên, và thời khắc kế là có sự
chuyển động đưa chân ra trước và sự nhận thức về chuyển động
đó, và cứ tiếp tục như thế. Ðiều nầy được cảm nhận như là
một cặp, danh và sắc, khởi sinh và hoại diệt trong từng thời khắc. Như
thế, nếu thiền sinh theo dõi chặt chẽ, họ sẽ tiến đến
sự cảm nhận về sự hiện diện của cặp danh-sắc, tâm và vật chất,
trong mỗi lúc quán sát.
Một điều khác nữa mà thiền sinh sẽ khám phá ra
là vai trò của ý định, chi phối từng động tác. Họ sẽ trực nhận
được rằng họ dở chân lên là vì họ muốn như thế, họ đưa
chân ra trước là vì họ muốn như thế, họ đặt chân xuống là vì
họ muốn như thế, họ ấn bàn chân xuống đất là vì họ muốn
như thế. Có nghĩa là họ sẽ trực nhận rằng có một ý định xẩy ra
trước mỗi động tác. Sau khi có ý định dở chân, là dở chân xẩy ra.
Từ đó họ thông hiểu được tíng "duyên sinh" của mọi sự
kiện -- các động tác nầy không thể tự xẩy ra nếu không có những
điều kiện. Các động tác nầy không tạo ra bởi thần linh hay một
quyền lực nào, và các động tác nầy không bao giờ xẩy ra nếu không
có nguyên nhân. Có một nguyên nhân hay một điều kiện cho mỗi
động tác, và điều kiện đó chính là ý định tiên khởi xẩy ra
trước mỗi động tác. Ðây là điều mà thiền sinh sẽ khám phá
được khi họ chuyên chú quán sát.
Khi thiền sinh thông hiểu được tính duyên sinh
của mọi động tác, và các động tác nầy không do thần linh hay quyền
lực nào tạo ra, họ sẽ thông hiểu được rằng các động tác đó là do
ý định. Họ thông hiểu được rằng ý định là điều
kiện để động tác được xẩy ra.
Từ đó, sự liên hệ giữa cái tạo điều kiện
và cái bị điều kiện, giữa nguyên nhân và hậu quả, được hiểu
rõ. Trên cơ sở của sự hiểu biết nầy, thiền sinh sẽ gỡ bỏ các
nghi ngờ về Danh và Sắc qua sự nhận thức rằng danh và sắc không thể
khởi sinh nếu không có điều kiện. Với sự thông hiểu rõ ràng
về tính duyên sinh của vạn vật, và với sự vượt thoát các nghi ngờ
về danh và sắc, người thiền sinh được xem như là đã đạt đến
giai đoạn của một vị "cận Tu Ðà Hoàn" (tiểu Tu Ðà Hoàn,
cula-sotapanna, lesser Sotapana) .
Tu Ðà Hoàn là người "nhập dòng" (dự lưu),
người đã đạt được quả vị đầu tiên của sự Giác ngộ. Vị "cận Tu
Ðà Hoàn" không phải là một người "dự lưu" thực thụ, nhưng
được xem như là sẽ được tái sinh trong các cõi tương đối an nhàn sung
sướng, như là cõi người và cõi tiên. Người "cận Tu Ðà Hoàn"
không thể tái sinh trong bốn cõi đau đớn như là địa ngục, thú, cõi
a-tu-la, ngạ quỉ.
Mức độ "cận Tu Ðà Hoàn" nầy có thể đạt
được bằng cách hành trì pháp thiền kinh hành, luôn luôn chú tâm vào
các động tác của bước đi. Ðây là lợi ích lớn nhất của pháp thiền
kinh hành. Tầng Giác ngộ nầy cũng không phải dễ đạt được, nhưng một khi
thiền sinh đã đạt đến đó, họ biết chắc rằng họ sẽ
được tái sinh trong một cõi sung sướng, trừ phi họ lại tạo nghiệp ác
mà sa đọa.
Tam pháp ấn
Khi thiền sinh thông hiểu danh và sắc được sinh
khởi và hủy diệt trong mỗi thời khắc, họ sẽ thông hiểu được
sự vô thường của các tiến trình bước đi, và họ cũng thông hiểu
được sự vô thường của nhận thức về bước đi đó. Sự hiện hữu của
hoại diệt tiếp theo sinh khởi là dấu hiệu hoặc đặc tính của một
sự vật gì đó mà ta biết rằng nó không thường tồn. Nếu ta muốn xác
định một vật gì đó là thường tồn hay vô thường, ta phải cố gắng xem xét
-- qua năng lực của thiền định -- rằng vật đó có phải là đối tượng
của một tiến trình sinh khởi rồi hoại diệt hay không. Nếu khả năng
thiền định của ta có đủ năng lực giúp ta thấy được sự sinh diệt
của hiện tượng, thì lúc đó ta mới có thể quyết định hiện
tượng được quán sát đó là vô thường. Bằng cách đó, thiền sinh quán
sát được sự hiện hữu của chuyển động dở chân và sự nhận thức của
chuyển động đó, rồi chúng lại biến mất đi, nhường chỗ cho
chuyển động đưa chân ra trước và nhận thức về chuyển động đưa
chân ra trước. Các động tác nầy sinh rồi diệt, sinh rồi diệt, và
thiền sinh tự mình thông hiểu được tiến trình nầy -- họ không
cần phải chấp nhận hay tin tưởng điều nầy qua một quyền lực ngoại vi
nào, mà cũng không cần phải dựa vào báo cáo của một người nào khác.
Khi thiền sinh thông hiểu danh và sắc khởi sinh
rồi hoại diệt, họ thông hiểu danh và sắc là vô thường. Khi họ
thấy chúng là vô thường thì tiếp theo là họ sẽ thấy chúng là những
gì bất toại ý bởi vì chúng luôn luôn bị trạng thái sinh diệt áp bức
và đè nén. Sau khi thông hiểu tính vô thường và bất toại ý của vạn
vật, thiền sinh thấy rằng họ không thể làm chủ được chúng; có
nghĩa là họ trực nhận rằng không có một bản ngã hay linh hồn nào bên
trong để ra lệnh cho chúng được thường tồn. Sự vật chỉ sinh khởi
rồi hoại diệt theo luật thiên nhiên. Nhờ thấu hiểu như thế,
thiền sinh thấu hiểu được đặc tính thứ ba của các hiện tượng
hữu vi -- tùy thuộc điều kiện, đặc tính của vô ngã, một đặc tính
của mọi vật vốn không có bản ngã. Một ý nghĩa khác của vô ngã là
không có chủ nhân -- nghĩa là không có một thực thể nào, một linh hồn
nào, một quyền lực nào có thể làm chủ được bản thể của vạn
vật. Như thế, đến lúc đó, thiền sinh đã thông hiểu được ba
đặc tính của mọi hiện tượng hữu vi -- Tam Pháp Ấn: vô thường
(anicca), khổ (dukkha), và vô ngã (anatta).
Thiền sinh có thể thông hiểu được ba đặc
tính nầy qua cách theo dõi bám sát các động tác bước đi và các nhận thức
của động tác. Khi chuyên tâm chú niệm vào các chuyển động nầy,
họ sẽ thấy vạn vật khởi sinh và hoại diệt, và từ đó, họ sẽ tự
mình nhận thức được tính vô thường, khổ, và vô ngã của tất cả mọi
hiện tượng hữu vi.
Tâm Xả Ly
Bây giờ chúng ta hãy khảo sát chi tiết về các
động tác của đi kinh hành. Giả sử ta quay phim, thu hình các bước chân dở
lên. Giả sử thêm rằng khi dở chân lên thì mất một giây đồng hồ, và giả
sử rằng máy quay phim có thể chụp được 36 ảnh trong mỗi giây. Sau khi
quay phim, ta nhìn lại từng tấm ảnh trong cuộn phim. Ta seõ thấy rằng mặc dù
dở bước chân lên có vẻ chỉ là một động tác, nhưng thực ra là 36 sự
chuyển động. Mỗi tấm ảnh cho ta thấy các cử động khác nhau, mặc dù
sự khác biệt nầy rất nhỏ mà ta thường không để ý đến.
Nếu máy quay phim đó có thể chụp được một ngàn tấm ảnh trong một
giây thì sao? Lúc đó, ta lại sẽ thấy có một ngàn động tác trong một
chuyển động dở bước chân, cho dù các động tác nầy hầu như khó mà
phân biệt được. Nếu máy quay phim có thể chụp một triệu tấm
ảnh trong một giây -- điều nầy chưa xẩy ra, nhưng một ngày nào đó sẽ
có như thế -- thì lúc đó, ta sẽ thấy có một triệu động tác trong
một hiện tượng mà ta cho rằng chỉ có một chuyển động duy nhất.
Nỗ lực trong pháp thiền kinh hành là để
thấy các chuyển động của ta như là máy quay phim, từng tấm ảnh một. Ta
cũng muốn quán sát sự nhận thức và ý định trước mỗi chuyển
động. Như thế, ta mới khâm phục quyền lực trí tuệ minh sát của
Ðức Phật, qua đó Ngài đã thấy được tất cả mọi chuyển động. Khi
chúng ta dùng chữ "thấy" hay "quán sát" trong tình huống của
chúng ta thì chỉ có nghĩa là ta có thể thấy một phần qua lối trực
tiếp và một phần qua lối suy diễn; ta không thể nào thấy trực tiếp
cả triệu chuyển động như Ðức Phật đã thấy.
Trước khi thiền sinh thực tập pháp đi kinh hành,
họ tưởng rằng một bước đi chỉ là một động tác. Sau khi thiền quán
về động tác đó, họ thấy có ít nhất là bốn động tác. Nếu
họ quán sát sâu xa hơn, họ sẽ hiểu rằng mỗi một động tác
nầy lại bao gồm cả triệu động tác nhỏ khác. Như thế họ thấy Danh
và Sắc, tâm và vật chất, khởi sinh rồi hoại diệt, như là vô thường.
Bằng cảm nhận thông thường, chúng ta không thể thấy tính vô thường của
vạn vật vì tính vô thường đó bị che phủ bởi một ảo tưởng của sự liên
tục. Ta tưởng rằng ta chỉ thấy có một động tác liên tục, nhưng nếu ta
nhìn kỷ hơn, ta sẽ thấy rằng cái ảo tưởng về liên tục đó có
thể bị phá vỡ. ảo tưởng đó bị phá vỡ bằng cách quán sát trực
tiếp các hiện tượng vật lý, từng phần, từng chút, khi chúng khởi
sinh và hoại diệt. Giá trị của thiền quán là ở khả năng của ta
để gỡ bỏ màn liên tục và khám phá thực chất của vô thường. Thiền
sinh có thể khám phá trực tiếp bản chất của vô thường nầy qua nỗ
lực của chính họ.
Sau khi trực nhận rằng mọi vật được cấu tạo bởi
các phần nhỏ, rằng chúng xẩy ra rời rạc, và sau khi quán sát từng mảnh vụn
một, thiền sinh sẽ trực nhận được rằng không có gì trên đời để
họ tham thủ, để họ thèm muốn. Nếu ta thấy vật gì mà ta đã
tưởng là đẹp nhưng lại có nhiều lỗ trống, đang bị băng hoại và
hủy diệt thì ta không còn chú ý đến nó nữa. Thí dụ như khi ta
xem một bức tranh sơn dầu thật đẹp. Ta nghĩ rằng nước sơn và tấm vải
dường như là một thực thể rắn chắc, đồng nhất. Nhưng nếu ta đưa
bức tranh qua một kính hiển vi cực mạnh, ta sẽ thấy bức tranh có nhiều
lỗ hỗng và khoảng trống. Sau khi thấy bức tranh được cấu tạo bởi các
khoảng trống, ta không còn chú ý đến nó và không còn tham luyến
nó nữa. Các nhà vật lý học hiện đại biết rất rõ ý
tưởng nầy. Họ đã quan sát, với các dụng cụ cực mạnh, để thấy rằng
vật chất chỉ là sự giao động của các hạt tử và năng lượng thay đổi luôn
-- không có một bản thể nào trong đó cả. Bằng cách trực nhận sự vô
thường bất tận đó, thiền sinh thông hiểu rằng không có gì đáng
để thèm muốn, không có gì đáng để chấp thủ trong thế giới
hiện tượng nầy.
Kết luận
Giờ đây chúng ta đã hiểu được các lý do của
pháp thiền kinh hành. Ta hành trì thiền quán vì ta muốn gỡ bỏ mọi
chấp thủ và luyến ái vào sự vật. Qua sự thông hiểu ba đặc tính của
hiện hữu -- vô thường, khổ, và vô ngã của vạn vật -- ta gỡ bỏ được
sự luyến ái. Ta bỏ luyến ái vì ta không muốn phiền não. Khi nào
còn chấp thủ và luyến ái, thì luôn luôn còn sự hoạn khổ. Nếu ta
không muốn hoạn khổ thì ta phải loại trừ chấp thủ và luyến ái. Ta phải
thông hiểu rằng mọi vật đều chỉ là danh và sắc khởi sinh rồi
hoại diệt, và chúng đều không có tự thể. Khi ta thực chứng được
điều nầy, ta sẽ có thể từ bỏ được lòng chấp thủ vào mọi vật.
Nếu ta không thực chứng được như thế -- cho dù chúng ta đọc
nhiều sách, đi nghe nhiều buổi thuyết giảng hoặc bàn luận về
sự từ bỏ tham thủ -- ta sẽ không thể nào thoát khỏi được lòng chấp
thủ. Ðiều cần thiết là chính ta phải có một kinh nghiệm trực
tiếp để thật sự thấy rằng vạn vật hữu vi đều mang dấu hiệu
của vô thường, khổ và vô ngã.
Vì thế, ta phải chú tâm quán niệm khi ta đi,
cũng như khi ta ngồi hoặc khi nằm xuống. Tôi không có chủ tâm cho rằng chỉ
có thiền kinh hành là đưa đến thực chứng tối hậu và khả năng hoàn
toàn từ bỏ lòng tham thủ. Tuy nhiên, pháp đi kinh hành là một pháp thiền
có giá trị như là pháp tọa thiền và các pháp thiền minh sát
(vipassana) khác. Ði kinh hành khuyến khích phát triển tâm ý. Pháp
nầy có nhiều sức mạnh như là pháp quán niệm hơi thở hoặc pháp quán
niệm sự phồng xẹp của bụng. Ðây là một dụng cụ hữu hiệu để
giúp ta loại bỏ các tâm bất thiện. Ði kinh hành giúp ta được minh
triết để thấy thực chất của vạn vật, và ta phải nỗ lực hành trì
pháp nầy cũng như ta hành trì pháp tọa thiền và các pháp thiền
khác.
Qua sự hành trì pháp thiền minh sát trong mọi tư
thế, kể cả trong lúc bước đi, Sư cầu mong bạn và tất cả các
thiền sinh đạt được sự thanh tịnh viên mãn ngay trong kiếp sống nầy.
SADHU! SADHU! SADHU!
NLTV, 1995
(Bình Anson lược dịch, 1997)
[Chương trước][Mục
lục][Chương kế] |