BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
|
 |
Pháp hành đưa đến
bình an
Thiền Sư U
Pandita
Tỳ khưu Pháp Luân dịch |
 |
[14]
Tinh Tấn Và Dễ Duôi
Như đã giảng nghĩa, Người Bạn Đạo Lý Tưởng là nguời tu tập Giáo Pháp để
trở thành người có nhân cách tốt đẹp, tâm tư trong sạch, và có minh trí.
Với ba phẩm tính này, Người Bạn Đạo Lý Tưởng là người cao thượng, vượt lên
trên người thường.
Thế nên, sống trong cuộc đời, điều cần thiết là phải trở thành Người
Bạn Đạo Lý Tưởng, và giúp người khác cũng được trở thành Người Bạn Đạo Lý
Tưởng. Nếu tất cả chúng ta đều tu tập thiền Tứ Niệm Xứ để trở thành Người
Bạn Đạo Lý Tưởng, thì thế giới nảy sẽ an vui hạnh phúc. Từng cá nhân tu
tập để trở thành Người Bạn Đạo Lý Tưởng, giống như từng ốc đảo hình thành
riêng rẽ trong sa mạc. Nếu các ốc đảo được liên kết với nhau, sẽ làm cho
đời sống sa mạc dễ chịu hơn. Tương tự, nếu các cá nhân, Người Bạn Đạo Lý
Tưởng, liên kết được với nhau sẽ làm cho thế giới được an vui hạnh phúc.
Do đó, Tứ Niệm Xứ là căn bản làm cho thế giới hòa bình an vui. Pháp thiền
Tứ Niệm Xứ là pháp tu hiệu quả và thực tế nhất, sẽ giúp được bạn thành tựu
để trở nên Người Bạn Đạo Lý Tưởng. Hôm nay, chúng ta tiếp tục bàn về bài
kinh "Phát Triển Tâm Linh".
Chúng ta đã nói qua sự tu tập của Tỳ Khưu so sánh với "việc ấp trứng
của gà" trong bài kinh. Với ý nghĩa: Nếu vị Tỳ Khưu sống thờ ơ, mông lung,
không thiền tập để phát triển tâm, không giữ chánh niệm, mà chỉ ước muốn
suông sao cho tâm thoát khỏi phiền não dục thủ, và tà kiến thủ, thì sẽ
không bao giờ có được. So sánh với gà ấp trứng, nếu gà không lo ấp, ấp
không đúng, mà chỉ mơ trứng nở, thì sẽ không sao có được. Đức Phật thường
giảng dạy bằng cách so sánh hai sự tương phản tốt xấu, lợi hại, đúng sai,
hay chánh tà. Chúng ta đã biết qua thế nào là con đường sai – con đường
không đem an vui lợi lạc. Bây giờ hãy tìm hiểu con đường đúng – con đường
đem an vui lợi lạc.
"Này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu sống chú tâm trong sự tu tập, dầu cho không
khởi lên ước muốn: "Mong rằng tâm ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc,
không có chấp thủ"; tuy vậy, tâm vị ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc
không có chấp thủ."
Đức Phật dạy rằng nếu có tu tập, rèn luyện tâm, thì dù cho bạn không
ước muốn, bạn cũng giải thoát được khỏi sự dính mắc vào dục thủ và tà kiến
thủ. Tại sao được như vậy?
Ngài dạy tiếp:
"Vì cớ sao? Phải nói rằng vì vị ấy có tu tập. Có tu tập cái gì? Có tu
tập Tứ Niệm Xứ, có tu tập Tứ Chánh Cần, có tu tập Tứ Như Ý Túc, có tu tập
Ngũ Căn, có tu tập Ngũ Lực, có tu tập Thất Giác Chi, và có tu tập Bát
Chánh Đạo."
Ở đây Đức Phật nêu lên vấn đề, và chính Ngài trả lời, Ngài không để hội
chúng trả lời, vì họ chưa hiểu biết nên không để họ trả lởi. Đức Phật chỉ
cho chúng ta thấy nhờ thực sự tu tập, tu tập để phát triển 37 Phẩm Trợ
Đạo, chia theo 7 nhóm (/) Tứ Niệm Xứ, (2) Tứ Chánh Cần, (3) Tứ Như Ý Túc,
(4) Ngũ Căn, (5) Ngũ Lực, (6) Thất Giác Chi, và (7) Bát Chánh Đạo.
Trong các nhóm này, một cánh tóm tắt, viên mãn Thất Giác Chi là cốt lõi
của sự tu tập theo Giáo Pháp của Đức Phật. Nếu bạn mới tu tập, hãy cố gắng
làm cho Thất Giác Chi hình thành. Nếu đã biết tu tập, hãy cố gắng làm cho
Thất Giác Chi lớn mạnh và cuối cùng phát triển được toàn vẹn.
Do đó, nếu bạn thật sự tu tập Giới-Định-Huệ, thực hành pháp thiền Tứ
Niệm Xứ, phát triển được Thất Giác Chi, dù cho bạn không ước muốn thoát
khỏi ảnh hưởng của dục thủ và tà kiến thủ, chắc chắn bạn sẽ không còn bị
ảnh hưởng bởi hai loại chấp thủ này. Đây là câu trả lời của Đức Phật.
Người thành đạt được mục đích này được Đức Phật gọi là anuyūttassa
bikkhuno.
Theo nghĩa thông thường, sự tu tập này là "phát triển tâm", bhāvanā,
nhưng theo nghĩa sâu hơn, là sự tinh tấn, viriya, hàm chứa "nỗ
lực dũng mãnh". Do đó Phạn ngữ bhāvanā, được hiểu là "có được sự
tinh tấn dũng mãnh, dám từ bỏ hạnh phúc thế tục, bằng hiểu biết và tín
tâm, quyết chí tu tập để thực chứng hạnh phúc Giáo Pháp." Với tín tâm, nên
có sự hăng hái thực hành Giáo Pháp. Chỉ cần có đức tin là đủ. Nếu có đức
tin mạnh mẽ, bạn sẽ không ngần ngại vận dụng được sự tinh tấn dũng mãnh.
Thí dụ, trong sự giữ giới, tinh tấn dũng mãnh được thể hiện qua sự can đảm
giữ giới cho tròn đầy, và can đảm không phạm giới. Tuy nhiên, trong thực
tế, đức tính can đảm này gần như không hiện hữu mà chỉ có được bằng sự tu
tập Giới học. Sự can đảm không phạm những điều sai trái qua hành động như
sát sanh, tà hạnh hay trộm cắp. Hoặc sự can đảm dám nói sự thật, không nói
lời hung dữ, không nói lời gây chia rẽ hay nói lời vô ích. Do đó, để nâng
cao đời sống đạo đức, bạn cần phải tu tập theo Giới học.
Cũng như trong sự tu tập Định học để rèn luyện tâm, phẩm tính can đảm
thể hiện trong sự thực hành Thiền Chỉ và thiền Minh Sát. Đối với thiền
Minh Sát, can đảm được hiểu là sự tinh tấn dũng mãnh biểu hiện qua các
hình thức: cố gắng duy trì chánh niệm, cố gắng phát triển định tâm để hình
thành sát na định, cố gắng khắc phục dễ duôi, và cố gắng quyết chí tu tập
để chứng đạt bốn tầng thánh Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, và A La Hán.
Trong Phật Giáo Nguyên Thủy, mục tiêu thấp nhất là sự thành đạt tầng thánh
đầu tiên, Tu Đà Hườn.
Người có ý muốn tu tập để giải thoát đặt mục tiêu thành đạt Tu Đà Hườn,
quyết chí can đảm chấp nhận theo đuổi sự tu tập qua nhiều giai đoạn. Người
có phẩm chất như vậy được Đức Phật gọi là anuyūtta. Trong Phạn ngữ,
anuyūtta hay anuyūttassa, gồm chữ yūtta và
payūtta. Theo kinh điển, yūtta là tinh tấn khởi động, thuộc
loại tinh tấn thông thường, trong khi payūtta là tinh tấn triển
khai, thuộc loại tinh tấn mạnh hơn, với đặc tính sức tinh tấn gia tăng
mạnh dần trong nhiều giai đoạn. Tinh tấn khởi động không đủ sức mạnh chế
ngự được sự dễ duôi biếng nhác vốn đã sẵn có trong chúng ta từ vô lượng
kiếp.
Do đó, cần phải khắc phục được sự dễ duỗi biếng nhác bằng cách vận đụng
tinh tấn theo nhiều giai đoạn để vượt qua sự biếng nhác.
Theo kinh điển, có ba loại tinh tấn: (1) Tinh Tấn Khởi Động,
ārambha-dhātu, (2) Tinh Tẩn Triển Khai, nikkhama-dhātu, và (3)
Tinh Tấn Hoàn Thành, parakkama-dhātu.
Anuyūttassa mang nội dung ý nghĩa ba loại tinh tấn này và được diễn
đạt qua Phạn ngữ yūtta và payūtta. Pháp thiền Tứ Niệm Xứ đòi
hỏi hành giả phải có kỷ luật cao trong sự tu tập để rèn luyện tâm và thành
đạt trí tuệ. Ở giai đoạn này, Sư thấy cần nhắc nhở các hành già ý nghĩa
atandito, là sự siêng năng, chuyên cần, ngược với tandito có
nghĩa dễ duôi biếng nhác. Hành giả phải khắc phục sự biếng nhác. Sự biếng
nhác này không phải thuộc loại thông thường, nó thuộc loại biếng nhác cực
độ. Biếng nhác làm hại cho việc hành thiền của bạn. Nó là kẻ thù bên trong
tâm. Người thuộc loại biếng nhác dễ duôi này, được gọi là tandito,
là người không có ý muốn hành thiền để rèn luyện tâm, mở mang trí tuệ. Nếu
có cơ hội hành thiền thì người này hành một cách lơ là, không tinh cẩn, dễ
đuôi, nên không thành đạt trí tuệ. Hành giá hãy vận dụng tinh tấn dũng
mãnh để khắc phục được kẻ nội thù này.
Khi đến đây tham dự khóa thiền, sau khi nghe thiền sư hướng đẫn cách
hành thiền, bạn bắt đầu thực hành bằng cách chú tâm vào các hiện tượng
sinh khởi trong thân, ghi nhận phồng xẹp. Bạn cố gắng để hướng tâm đến
phồng xẹp, ghi nhận liên tục, chú tâm theo dõi đối tượng bằng nỗ lực, tinh
cần và tỉnh giác. Đây là sự vận dụng Tinh Tấn Khởi Động, loại tinh tấn cần
thiết ở giai đoạn đầu tiên trong khi hành thiền. Tuy nhiên, do quen sống
tiện nghi, dễ dãi, nên chúng ta có khuynh hướng dễ duôi, nhất là trong vài
ngày đầu khi khóa thiền mới bắt đầu. Hành giả không vận dụng được tinh tấn
mạnh mẽ cần thiết để chế ngự biếng nhác. Lười biếng phát sinh, xâm nhập
tâm làm ảnh hưởng sức mạnh của sự chú tâm, làm chánh niệm suy yếu không
theo dõi đề mục chặt chẽ. Vì lười biếng, thiếu tinh tấn, dễ duôi, nên
không thể thấy được chi tiết trong khi theo dõi phồng xẹp. Bạn quán sát
phồng xẹp một cách lơ là, dễ duôi, dù theo dõi phồng xẹp mỗi giờ, mỗi
ngày, nhưng không thấy được chi hơn. Bạn trở nên chán nản, không muốn cố
gắng hơn nữa, vì nghĩ rằng dù cố gắng hơn cũng không đến đâu, rồi trở nên
mệt mỏi, ngán ngẫm. Thế là nghĩ ngợi mông lung, rồi cảm thấy buồn ngủ, lắm
khi ngủ trong lúc ngồi thiền. Cũng như trong khi kinh hành, do biếng nhác,
dễ duôi, bạn không hết sức cố gắng chú tâm chánh niệm vào chuyển động của
chân trong khi dở, bước, đạp, nên không thấy chi hơn nữa, bạn trở nên chán
nản, hoài nghi. Vì không vận dụng được tinh tấn đúng mức, biếng nhác xâm
nhập vào tâm làm cho bạn muốn bỏ cuộc. Bạn cần phải vận dụng loại Tinh Tấn
Khai Triển để vượt qua trạng thái này nhờ vào sức mạnh của tinh tấn dần
dần gia tăng nên chế ngự được biếng nhác. Sau đó, trên đường thực hành bạn
áp dụng Tinh Tấn Hoàn Thành để phát triển tuệ Minh Sát và cuối cùng thành
tựu mục tiêu.
Lúc đầu, bạn vận dụng tinh tấn Khởi Động, sau đó bạn vận dụng Tinh Tấn
Khai Triển nhằm khắc phục sự dễ duỗi biếng nhác, loại bỏ được kẻ nội thù
gần nhất. Bạn được gọi là anuyūtta là người có khả năng luôn vận
dụng tinh tấn, không dã dượi buồn ngủ, si mê. Biết được lợi lạc của
pháp hành mang lại, bạn cảm kích Giáo Pháp, nên tu tập phấn khởi. Tiếp tục
tu tập, bạn sang giai đoạn vận dụng loại Tinh Tấn Hoàn Thành để cuối cùng
thành đạt mục tiêu. Người tu tập với phẩm tính vận dụng được ba loại tinh
tấn như vậy gọi là vihārato. Người này luôn luôn giữ được tinh tấn
trong mọi oai nghi, quán sát mọi đối tượng trong chánh niệm, chú tâm theo
dõi từng chi tiết trong các sinh hoạt, không bỏ sót kể cả lúc nhắm mắt hay
mở mắt, hay những lúc thay đổi tư thế từ đi sang ngồi, hay ngồi sang đi.
Nếu không giữ được chánh niệm liên tục trong mọi thời, mọi oai nghi, và
mọi chi tiết, bạn coi như không vận dụng tinh tấn đúng mức. Muốn có được
khả năng vận dụng tinh tấn cao độ như vậy, bạn cần phải có động cơ mạnh mẽ
thiết lập đúng đắn mục tiêu tu tập. Bạn phải có được sự sợ hãi tội lỗi,
otappa, loại sợ hãi tâm linh phát sinh từ trí tuệ. Nhờ sự sợ hãi này
nên bạn có được tinh tấn dũng mãnh. Phạn ngữ bikkhuno nói lên phẩm
tính này. Bikkhu, Tỳ Khưu, là người sợ hãi luân hồi, sợ hãi luồng tâm và
vật chất thể hiện qua sinh hoạt của lục căn. Chỉ với sự sợ hãi này mới làm
cho bạn luôn giữ chánh niệm trong mọi thời, mọi oai nghi, và mọi sinh
hoạt.
Phương tiện thế tục qua tiền tài, danh lợi không giúp nâng cao phẩm
chất cuộc đời bạn, chỉ có tác ý, hay ý muốn ảnh hưởng đến điều này. Nếu có
ý muốn xấu xa, bạn sẽ phạm những hành động sai trái, làm cho phẩm chất đời
sống của bạn bị hạ thấp. Nếu có ý muốn tốt đẹp, bạn sẽ làm điều thiện lành
như tu tập thiền Minh Sát để thành đạt nhân cách tốt đẹp, tâm tư trong
sạch, trí tuệ sáng suốt, với hạnh phúc cao tột có được nhờ sự thành đạt
trí tuệ Minh Sát, giúp cho phẩm chất đời sống bạn được nâng cao.
Làm con người, chúng ta muốn rất nhiều điều nhưng không bao giờ được
toại nguyện. Chúng ta không muốn bịnh, nhưng phải bị bịnh, không muốn già,
nhưng phải già, không muốn chết nhưng phải chết. Bao lâu còn thân và tâm
này, thì bạn còn phải chịu đau khổ cả hai tinh thần lẫn vật chất. Hãy suy
gẫm điều này để thấy rằng luân hồi là đáng sợ. Có thân tâm này là đáng sợ!
Thấy như vậy nên sợ hãi. Sợ hãi sự hiện hữu của thân tâm như vậy mời được
xem là Tỳ Khưu. Cho dù bên ngoài đắp y là Tỳ Khưu, nhưng trong tâm không
có sự sợ hãi thân tâm, thì chỉ là Tỳ Khưu hư danh. Tuy nhiên, dù là cư sĩ,
nhưng có sự sợ hãi này, cũng được xem là Tỳ Khưu. Thế nhưng, sợ hãi suông
thôi không đủ. Phải biết sợ cội nguồn tạo ra phiền não, hiểu được phiền
não là nguyên nhân gây đau khổ, bạn mới có ý muốn quyết chí tu tập, với
mục đích khắc phục phiền não. Bạn thực hành Giới, Định, Huệ, hay tu tập
thiền Minh Sát phát triển tâm để cuối cùng chiến thắng phiền não.
Do đó, vì sợ hãi luân hồi, nên bạn phát sinh ý chí tu tập, làm cho bạn
quyết chí vận dụng tinh tấn trong khi tu tập để chiến thắng phiền não. Và
như vậy, bạn mới xứng đáng mang danh nghĩa Tỳ Khưu, kilese pahinetiti
bikkhu, hay người diệt trừ được cả ba loại phiền não: phiền não tác
động, phiền não tư tưởng và phiền não ngủ ngầm.
-ooOoo-
[15]
Hành Thiền Đúng Phương Pháp
Nếu muốn tu tập để rèn luyện tâm, thành đạt trí tuệ, chỉ cần vận dụng
tinh tấn để duy trì chánh niệm liên tục. Người thực hành như vậy gọi là
thiền sinh, yogi. Thế nên, là thiền sinh, bạn chỉ có nhiệm vụ duy
nhất phải làm là chú tâm ghi nhận vào tất cả hiện tượng, quán sát phồng
xẹp một cách kỹ lưỡng, vận dụng tinh tấn cùng sự hướng tâm đến đề mục,
thiết lập chánh niệm, và duy trì chánh niệm trên đề mục bằng nỗ lực, tinh
cần và tỉnh giác. Nhờ năng lực của chánh niệm, phiền não không chen vào
tâm. Tâm thoát khỏi phiền não. Đúng theo ý nghĩa "chánh niệm chế ngự phiền
não". Tuy nhiên, nếu không thực hành theo tinh thần của một thiền sinh
đúng nghĩa, bạn dễ duôi, mơ mộng, nói chuyện, phân tích, suy tư "tại sao
như vầy, phải như thế này, như thế kia, v.v..." làm mất chánh niệm, không
theo dõi kịp đề mục. Thực hành như vậy thà rằng đừng thực hành chi hết,
tốt hơn đừng hành thiền. Không chánh niệm và thất niệm làm cho phiền não
xâm nhập quấy phá tâm.
Đã hơn hai tuần qua, đầu khóa thiền, Sư đã giảng ý nghĩa, nội dung và
phương pháp hành thiền, cũng như đưa thí dụ cụ thể, dễ hiểu để giúp các
bạn hiểu và hành cho đúng. Tuy nhiên, Sư nhận thấy vẫn còn thiền sinh hành
thiền không đúng cách. Có thể các thiền sinh này vẫn còn ưa suy nghĩ, phân
tách, nên không thể nào chú tâm, quán sát được đề mục, giữ được chánh niệm
ghi nhận kịp thời khi đề mục xuất hiện. Ngoài ra, vẫn còn thiền sinh không
trình pháp đúng cách như đã được chỉ dẫn.
Như đã bàn qua, mục đích của thiền tập là tu sửa để có được một nhân
cách tốt đẹp, tâm tư trong sạch, và trí tuệ sáng suốt. Khi cá nhân tu tập
viên mãn Giáo Pháp có được các phẩm tính cao thượng, được gọi là sāsana
sampatti, sự viên mãn Giáo Pháp. Nếu cá nhân viên mãn Giáo Pháp, sẽ có
nhân cách tốt đẹp, phẩm giá cá nhân được nâng cao. Muốn thực hiện được mục
đích này, cần phải đạt hai yếu tố: (1) Chăm chú lắng nghe Giáo Pháp để
hiểu phương pháp và cách trình pháp, (2) Tinh tấn chú tâm đúng vào đối
tượng, yoniso mānasikāra, để ghi nhận kịp thời và chính xác. Thực
hiện viên mãn hai điều này gọi là sāsana sampatti.
Hai tuần hơn đã qua, nếu thiền sinh thực hành chưa tiến bộ, hay chưa
biết được lợi lạc của pháp hành, thiền sinh coi như không đạt được yêu cầu
của một hoặc cả hai điều này, có nghĩa thiền sinh không hành đúng, hay
không có sự chú tâm đúng, không duy trì được chánh niệm. Đây là câu trả
lời cho các thiền sinh thực hành chưa tiến bộ hay chưa biết được lợi lạc
của pháp hành. Có những thiền sinh khác, khi được hỏi "Ghi nhận phồng xẹp
như thế nào?", "Giữ tâm trên phồng xẹp được bao lâu?". Có thiền sinh nói
"5 phút, 10 phút," có người nói "lâu 45 phút". Thiền sư nói "Tốt, nếu giữ
được như vậy thì tốt!", và hỏi "Bạn hiểu phồng xẹp như thế nào?". Đáp
"Vâng! Tôi theo dõi và hiểu được phồng xẹp". Trình pháp như vậy chứng tỏ
thiền sinh thực hành không cẩn thận, không đúng cách, vì không chăm chú
lắng nghe lời hướng dẫn. Thiền sinh nên biết, tâm rất khó kiểm soát, dù
chỉ trong 1 giây hay 1 phút. Thiền sinh nói giữ tâm được 5, 10, 45
phút là chuyện không thể có được. Tuy nhiên đối với thiền sinh có chăm chú
nghe cẩn thận và hành thiền đúng cách sẽ có khả năng vận dụng được tinh
tấn, chú tâm duy trì chánh niệm trên phồng xẹp, thiền sinh hiểu được bản
chất của đề mục quán sát. Nhờ vậy, thiền sinh có khả năng hay biết khi có
phóng tâm và theo dõi được sự phóng tâm. Thiền sinh hiểu biết cụ thể việc
hành thiền của mình ra sao. Đây là loại thiền sinh thực hành chân thật, và
trình pháp chân thật. Có thiền sinh khác không dám nói thật rằng mình
không có khả năng giữ được chánh niệm trên đề mục. Đây là loại thiền sinh
thiếu chân thật. Những ai thực hành đúng đắn sẽ có khả năng hiểu được sự
hành thiền của mình, nên họ chân thật thú nhận lúc nào có chánh niệm, lúc
nào thất niệm. Thiền sinh thuộc loại chân thật như vậy sẽ thực hành tiến
bộ, và sẽ mau đạt được tuệ Minh Sát.
Nếu thiền sinh vận dụng được tinh tấn, chú tâm quán sát phồng xẹp một
cách cẩn thận, tinh cần, duy trì được chánh niệm liên tục, sẽ làm phát
sinh sát na định, cũng như luôn duy trì chánh niệm trong mọi oai nghi, mọi
nơi mọi lúc. Thực hành như vậy, cho dù chưa phát triển được tuệ Minh Sát,
nhưng nhờ giữ chánh niệm liên tục trên đề mục, nên bảo vệ được tâm không
bị phiền não xâm nhập. Do tâm trong sạch không phiền não, nên không phát
sinh tham ái dính mắc đối với đề mục đang quán sát, cũng như đề mục không
quán sát. Do tham ái không có mặt trong tâm nên tâm không lấm nhơ bởi
phiền não. Kết quả, dù không ước muốn tâm được giải thoát khỏi phiền não,
thiền sinh cũng thực hiện được sự giải thoát. Tiếp tục thực hành đúng cách
như vậy, thiền sinh sẽ đạt được sự phân biệt được tâm và vật chất, hay tuệ
danh sắc, thiền sinh hiểu rõ ràng đối tượng quán sát và tâm ghi nhận, là
hai hiện tượng riêng biệt. Thiền sinh còn hiểu được đặc tướng riêng của
mỗi đối tượng quán sát như căng khi phồng, dãn khi xẹp, chuyển động, hay
cứng mềm, nóng lạnh, v.v...Thấy được như vậy, thiền sinh không còn tin vào
đàn ông, đàn bà, hay cá nhân, tôi ta, tự ngã v.v... nơi đối tượng quán
sát. Thiền sinh bỏ tham ái, thoát được dục thủ và tà kiến thủ. Do dó,
thiền sinh thành tựu được điều mong ước mà không cần phải ước mong. Vì
chính thiền sinh tự tu tập, tự chứng nghiệm kết quả qua sự thực hành, nên
đương nhiên thiền sinh thành đạt đúng như vậy. Do đó, sự thực tiễn của
Giáo Pháp thật rõ ràng: "có tu, có chứng".
Từ sự thực hành có kết quả đúng đắn, thiền sinh hiểu được những lợi ích
như sau:
- Khi giữ được tinh tấn, phiền não sẽ bị đẩy lui. Không tinh tấn, sẽ bị
phiền não tấn công.
- Khi giữ được chánh niệm, chánh niệm sẽ bảo vệ tâm không bị phiền não
quấy phá. Không có chánh niệm tâm bị phiền não quấy phá.
- Khi chánh niệm duy trì liên tục, bám chặt đề mục, xuyên thấu đề mục,
định tâm hình thành. Tâm an trụ trên đề mục. Nhờ vậy, không còn tham ái.
- Khi chánh niệm kịp thời đề mục sinh khởi, sẽ hiểu biết rõ ràng thực
tướng thân tâm của đề mục. Nhờ vậy, buông bỏ tà kiến. Không còn tin vào
đàn bà, đàn ông, tự ngã, tôi ta, linh hồn, Thượng Đế. Ngoài ra, còn loại
bỏ ba bất thiện tâm: Dục Tưởng, Sân Tưởng và Hại Tưởng. Phiền não bị khô
cạn.
Nhờ tinh tấn, chánh niệm, và chánh định sẽ làm cho tâm thiền sinh trở
nên khỏe mạnh, tăng trưởng được các tâm hiền lành, và phát triển trí tuệ.
Đây là kết quả của sự tu tập.
Nếu giữ được tâm khỏe mạnh như vậy liên tục trong 1 giây, mỗi giờ tâm
trong sạch được 3600 lần, kết quả luyện tâm như vậy thật là tốt đẹp biết
bao!
Khi tâm bị phiền não như dục ái, hữu ái bám chặt tâm trở nên nặng nề,
trì trệ. Khi tâm thoát phiền não, tâm trở nên nhẹ nhàng, linh hoạt, tươi
mát. Nhờ sự hiểu biết thực tướng của các pháp tâm trong sáng, an tịnh.
Thiền sinh không còn vô minh tức không hiểu biết hay hiểu biết sai.
Vì tâm ảnh hưởng đến vật chất, nên khi tâm được thanh tịnh, linh hoạt,
tươi mát, thân được thoải mải, khỏe mạnh, nhẹ nhàng.
Các kết quả đem lại từ sự hành thiền đúng phương pháp sẽ làm tăng
trưởng tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, và tuệ lực. Thiền sinh phát
triển được Ngũ Lực mà không cần phải ước mong. Đây là những kết quả đương
nhiên thiền sinh gặt hái được nhờ thực hành một cách tinh cần, cẩn trọng.
Nhờ đâu thiền sinh có được tâm thanh tịnh, trong sạch, khỏe mạnh, giải
thoát khỏi phiền não dục thủ, tà kiến thủ, không còn vô minh? Đức Phật dạy
rằng, thiền sinh đạt các kết quả này, chính vì tự thiền sinh tu tập, tu
tập những gì cần phải tu tập và tự chứng nghiệm.
Do tu tập bằng pháp nào đem lại các kết quả này? Chính 1à sự tu tập
theo pháp thiền Tứ Niệm Xứ.
-ooOoo-
[16]
Tỳ Khưu Và Thiền Sinh
Hôm qua, chúng ta đề cập kệ ngôn bhāvanā anuyūtassa bikkhāve
bikkhuno vihārato, mang hàm ý "bằng sự vận dụng ba loại Tinh Tấn,
Tinh Tấn Khởi Động, Tinh Tấn Khai Triển, và Tinh Tấn Kiên Trì, để giữ
chánh niệm trong tất cả bốn oai nghi đi, đúng, nằm, ngồi." Trong thực
hành, đó là sự vận dụng sức mạnh của tỉnh giác, tinh cần, và năng động để
giữ chánh niệm trong tất cả bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, chánh niệm
trong tất cả những gì xảy ra nơi lục căn, cũng như chánh niệm trong tất cả
sinh hoạt hàng ngày, một cách tỉ mỉ, kể cả khi nhắm hay mở mắt, trong suốt
từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ.
Thực tập chánh niệm như vậy được gọi là Tỳ Khưu. "Bikkhuno", là
người có khả năng hành thiền để đạt mục tiêu giải thoát. Danh nghĩa "Tỳ
Khưư" không phải chỉ gọi suông. Tỳ Khưu được hiểu bằng hai ý nghĩa: (1)
người sợ hãi luân hồi (2) người diệt tận phiền não.
Khi hành thiền, bạn thấy sự tuôn chảy liên tục không ngừng nghỉ của các
hiện tượng tâm và vật chất. Vì thấy như vậy, nên phát sinh sự sợ hãi. Bạn
hiểu rằng, dù làm điều thiện hay ác, đều đưa tới hậu quả là sự tuôn chảy
không ngừng nghỉ này. Chính sự tuôn chảy không ngừng nghỉ này mới hình
thành tâm và vật chất mới, hay tạo điều kiện tái sinh, làm cho bạn có một
thân tâm mới, để tiếp tục trở thành đối tượng của già, bệnh, chết. Hiểu
như vậy nên bạn sợ hãi. Sợ hãi tạo nghiệp ngay trong kiếp hiện tại.
Bạn trở nên sợ hãi bất thiện nghiệp qua thân, khẩu, ý. "Duccarita",
là sự tạo nghiệp bất thiện. Có mười bất thiên nghiệp: ba bất thiện nghiệp
qua thân như sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, bốn bất thiện nghiệp qua khẩu
như nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời dữ, nói lời vô ích, và ba bất thiện
nghiệp qua tư tưởng như mang lý tưởng chiếm đoạt, hãm hại, và tà kiến về
nhân quả. Tà kiến nhân quả gồm hai loại: (1) không tin nhân tốt quả tốt,
nhân xấu quả xấu, và (2) không tin có quả, chết là chấm dứt.
Vì hiểu thế nào là ác nghiệp, nên có sự sợ hãi không muốn phạm ác
nghiệp. Người Tỳ Khưu là người sợ hãi ác nghiệp, vì ác nghiệp đưa tới hậu
quả xấu. Tuy nhiên, hậu quả thuộc về tương lai chưa xảy ra, nên không đáng
sợ bằng tạo nguyên nhân trong hiện tại. Do đó, sợ hãi tạo điều ác trong
hiện tại, quan trọng hơn sợ hãi quả ác trong tương lai. Hiểu như vậy nên
tránh xa không làm điều ác, cố gắng giữ giới, thu thúc thân khẩu ý. Đây là
sự hỗ thẹn tội lỗi, hi ri. Sự hỗ thẹn tội lỗi dẫn đến sự sợ hãi bị
bậc trí nhân, hay xã hội chê trách, là sự ghê sợ tội lỗi, otappa.
Chính hai tâm sở thiện lành hỗ thẹn tội lỗi, và ghê sợ tội lỗi tạo sức
mạnh cho ý chí giữ giới. Đây là hai pháp trắng, pháp chống lại ác nghiệp,
pháp mang đặc tính không tiếp nhận ác nghiệp, tương tự như đặc tính không
hấp thụ nhiệt của màu trắng. Vì không tạo ác nghiệp nên bạn sẽ không bị
khổ. Theo ý nghĩa này, hỗ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi còn được gọi là
pháp hạnh phúc, sukha-dhamma. Ngoải ra, do ảnh hưởng sức mạnh của
hỗ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi, bạn bảo vệ mình không tạo ác nghiệp,
nên thiện pháp này còn được gọi, "người bảo vệ thế giới",
lokapalā. Bao lâu bạn bảo vệ được mình thì bấy lâu thế giới xung quanh
bạn cũng được bảo vệ. Ảnh hưởng của hai thiện pháp hỗ thẹn tội lỗi và ghê
sợ tội lỗi còn giúp cho phẩm giá bạn sáng ngời, nên còn được gọi "pháp
sáng ", deva-dhamma.
Thực hành thiền Tứ Niệm Xứ giúp chấm dứt nguyên nhân gây đau khổ. Hiệu
quả của pháp tu này là khả năng diệt tận phiền não. Do phiền não nên có
đau khổ. Không còn phiền não nên không còn đau khổ. Do đó, pháp thiền Tứ
Niệm Xứ làm chấm dứt nguyên nhân khổ. Bạn nên tin tưởng vào lợi ích của sự
thực hành Tứ Niệm Xứ. Thực hành pháp này tạo cho bạn tự thắng. Do tự bảo
vệ mình nên bảo vệ được người khác. Xã hội nhờ vậy được thanh bình. Nếu
bạn có ý định tự thắng để bảo vệ mình, giữ không làm điều tội lỗi, bạn sẽ
quyết chí tinh tấn tu tập để diệt trừ phiền não, diệt trừ kẻ nội thù của
bạn. Giống như chiến sĩ ngoài mặt trận, luôn luôn tỉnh giác, cẩn thận,
năng động. Là hành giả cũng phải như vậy. Bạn luôn luôn cẩn thận giữ chánh
niệm trong bốn tư thế đi, đứng, nằm, ngồi, trong các hiện tượng sinh khởi
nơi lục căn, và trong các sinh hoạt, sao cho ô nhiễm không tấn công được
tâm bạn. Chánh niệm giúp cho bạn tự bảo vệ không làm điều sai trái, nên
bạn bảo vệ được người khác.
Nếu không tu tập giữ chánh niệm, thì dù cho Tỳ Khưu hay cư sĩ cũng đều
bị phiền não chế ngự. Tâm bị xâm chiếm bởi ba loại phiền não thô, trung và
tế, hay phiền não tác động, phiền não tư tưởng, và phiền não ngủ ngầm.
Ngược lại, nếu tu tập, thì dù Tỳ Khưu hay Cư Sĩ cũng đều chiến thắng được
phiền não, không bị chúng chiếm thượng phong.
Khi hạ quyết tâm giữ giới, thì dù trong hoàn cảnh nào cũng không phạm
giới. Cũng như cho dù không có hoàn cảnh đưa đến sự phá giới, bạn vẫn luôn
luôn có ý định giữ giới. Nhờ sự quyết tâm giữ giới nên bạn khắc phục được
phiền não tác động, loại phiền não tạo nên hành động và lời nói bất thiện.
Theo định nghĩa Tỳ Khưu, kilese pahinetiti bikkhu là người diệt trừ
phiền não. Và do giữ giới nên có giới hạnh trong sạch. Dựa theo ý nghĩa
này, người Tỳ Khưu được xem là Tỳ Khưu có Giới, hay Chánh Hạnh Tỳ Khưu,
silā-bikkhu. Nếu là cư sĩ giữ giới trong sạch, cũng được gọi là Chánh
Hạnh Cư Sĩ.
Khi hành thiền Tứ Niệm Xứ, bạn vận dụng tinh tấn, duy trì chánh niệm,
phát triển được tâm định. Tâm bạn được chánh niệm bảo vệ không bị ô nhiễm
xâm nhập. Chánh niệm giúp ngăn chận được phiền não. Nếu có xuất hiện trong
tâm, bạn dùng chánh niệm diệt trừ phiền não khi chúng vừa sinh khởi. Do
đó, chánh niệm giúp ngăn chân và diệt tận phiền não tư tưởng. Nhờ sức mạnh
của Chánh Tinh Tấn, Chánh niệm, Chánh Định trong Định Học, bạn giữ tâm
được trong sạch. Do vậy, bạn được gọi là Tỳ Khưu có Định, hay Chánh Định
Tỳ Khưu, samādhi bikkhu.
Tiếp tục duy trì chánh niệm, tâm định phát triển mạnh hơn giúp cho bạn
thấy được bản chất của hiện tượng, phát triển được tuệ minh sát, và cuối
cùng thành đạt thánh tuệ. Nhờ trí tuệ, bạn tận diệt phiền não ngủ ngầm. Do
vậy, bạn được gọi là Tỳ Khưu có Tuệ, hay Trí Tuệ Tỳ Khưu, paññā-bikkhu.
Thực hành Tam Học Giới-Định-Huệ sẽ giúp bạn tận diệt được ba loại phiền
não: phiền não tác động, phiền não tư tưởng, và phiền não ngủ ngầm. Giới
học, tận diệt phiền não tác động, Định học, tận diệt phiền não tư tưởng,
và Tuệ học, tận diệt phiền não ngủ ngầm.
Nếu không tu tập Giới-Định-Huệ, dù cho là Tỳ Khưu, Cư Sĩ hay thiền
sinh, cũng chỉ là hư danh.
Khi có được hai tâm sở thiện, hỗ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi, bạn có
sự thu thúc không làm bất thiện nghiệp, và thực hành Tam Học
Giới-Định-Huệ, tận diệt được ba loại phiền não. Nếu có thực hành
Giới-Định-Huệ, bạn mới là Tỳ Khưu có tu hành, hay là Cư Sĩ, Thiền Sinh có
tu hành. Như thế, bạn mới xứng gọi là Tỳ Khưu, Cư Sĩ, Thiền sinh theo đúng
nghĩa.
Tỳ Khưu, Cư Sĩ hay Thiền Sinh nêu tu tập Giới-Định-Huệ viên mãn, sẽ trở
nên người có nhân cách, tâm tư, và thánh trí xứng đáng là người cao thượng
hơn người bình thường. Đây cũng là ý nghĩa sâu xa của kệ ngôn, "bhāvanā
anuyūtassa bikkhāve bikkhuno vihārato".
Trong kinh điển thường hay dùng "Này chư Tỳ Khưu.." nên có người nghĩ
Đức Phật thường quan tâm đến Tỳ Khưu, mà không thấy nhắc đến Tỳ Khưu Ni,
Sa Di, Sa Di Ni, hay Thiện Nam, Tín Nữ, hay chư thiên hoặc Phạm Thiên.
Thời đó, vì Tỳ Khưu là những người ngồi hàng đầu, nên khi giảng pháp, Đức
Phật thường hay nhắc đến Tỳ Khưu. Theo Chú Giải, khi Đức Phật giảng pháp,
ngài quan tâm đến tất cả chúng sanh, chứ không chỉ quan tâm đến một nhóm
người riêng biệt nào. Khi Ngài giảng pháp, tất cả mọi người đều hưởng được
lợi ích.
Giáo Pháp của Đức Phật không thể chỉ lãnh hội bằng đức tin suông không
trí tuệ. Nếu tu tập theo Giáo Pháp, phẩm giá của cá nhân được nâng cao,
nhờ đó đem an vui hạnh phúc cho mọi người xung quanh. Tuy nhiên, sự thành
đạt này không thể tạo bằng phương tiện thế tục như kinh tế, xã hội, hay
chánh trị, v.v..., mà chỉ chính bằng sự tu tập thực sự của cá nhân. Giáo
Pháp giúp cá nhân tu tập để đạt được nhân cách, tâm tư xứng đáng, cùng
thánh trí, là phẩm tính của người cao thượng.
Không phân biệt tôn giáo, ai cũng có thể thực hành Tam Học,
Giới-Định-Huệ. Bất kỳ ai, nếu tu tập Tam Học, diệt tận được phiền não, đều
được gọi là Tỳ Khưu hay thiền sinh. Theo kinh điển, bhāvanāya yutta
payuttā taya yogi, mang hàm ý "Thiền Sinh", có nghĩa người tu thiền,
có minh sát tuệ, và thực hành ba loại Tinh Tấn: Tinh Tấn Khởi Động, Tinh
Tấn Khai Triển, và Tinh Tấn Kiên Trì. Theo nội dung này, Tỳ Khưu và Thiền
Sinh đều giống nhau. Cả hai đều là người tu tập Giới-Định-Huệ, để diệt tận
phiền não.
Do đó, bất kỳ ai tu tập Giới-Định-Huệ, đều xứng danh là Tỳ Khưu hay
Thiền Sinh. Tỳ Khưu là thiền sinh; thiền sinh là Tỳ Khưu. Dù tên gọi có
khác, nhưng ý nghĩa không khác nhau.
-ooOoo-
[17]
Bốn Pháp Quán Niệm
Đối với thiền sinh mới, khi theo dõi phồng xẹp, nhận thấy trong sự
phồng có các cảm giác chuyển động, căng, cứng, và trong sự xẹp, có các cảm
giác chuyển động, dãn, nhẹ. Các cảm giác này là đặc tánh riêng của yếu tố
gió. Khi chú tâm vào chuyển động của bụng, bạn nhận thấy khi thở vào, bụng
phồng, bạn ghi nhận hay niệm "phồng"; khi thở ra, bụng xẹp, bạn ghi nhận
hay niệm "xẹp". Sự chuyển động, căng dãn được nhận biết trong khi quán sát
phồng xẹp là biểu hiện của yếu tố gió. Gió là một trong bốn nguyên tố
chính hay Tứ Đại gồm đất, nước, gió và lửa. Sự quán sát Tứ Đại thuộc về
niệm thân, kayānupassāna. Phạn ngữ kayā dùng để chỉ nhóm sắc
pháp bao gồm nhiều loại vật chất khác nhau như: Đất biểu hiện qua sự nặng
nhẹ, Nước biểu hiện qua sự dính chặt, ướt, Lửa biểu hiện qua sự nóng lạnh.
Gió biểu hiện qua sự chuyển động, căng dãn. Trong Tứ Đại, gió biểu hiện rõ
nhất. Trong nhóm vật chất còn bao gồm phần nhạy ứng của mũi, mắt, tai v.v.
trong sự ngửi, thấy, nghe, v.v.
Trong lúc quán sát phồng xẹp, thiền sinh ghi nhận sự căng dãn đồng thời
cũng nhận biết được các cảm giác khác nhưng có thể bỏ qua vì chúng không
vượt trội hơn sự phồng xẹp. Thiền sinh giữ sự chú tâm các hiện tượng sinh
khởi nơi thân bằng chánh niệm gọi là niệm thân. Các hiện tượng thuộc nhóm
vật chất diễn ra lập đi lập lại nhiều lần và thay đổi không ngừng. Phạn
ngữ, nupassanā, có nghĩa thấy nhiều lần, lập đi lập lại.
Trong pháp niệm thân cũng có liên hệ đến danh từ "satipaṭṭhāna"
gồm "sati" và "paṭṭhāna". Sati, có nghĩa là chánh niệm, hay
ghi nhớ. Upa, chặt chẽ. Paṭṭhāna, có nghĩa thiết lập. Tóm
tắt, satipaṭṭhāna, có nghĩa sự thiết lập chánh niệm chặt chẽ. Trong
thực hành, satipaṭṭhāna, có nghĩa "tâm ghi nhận gắn chặt vào đề
mục", hay "chánh niệm (được thiết lập) chặt chẽ nơi đề mục".
Đây không phải là loại chánh niệm hời hợt, thông thường. Khi quán sát
đề mục, chánh niệm được thiết lập liên tục và gắn chặt nơi đề mục, không
trượt khỏi đề mục. Thay vì bỏ quên đề mục, chánh niệm bắt giữ đề mục, ghi
nhớ đề mục liên tục. Thực hành theo cách như vậy chính là sự "tu niệm".
Trong kinh Đại Niệm Xứ, Phẩm Quán Thân, kāyekāyānupassi, sắc
pháp, kāye, biểu hiện rõ rệt nhất, vượt trội nhất. Quán sát sắc
pháp là sắc pháp, hay quán thân trên thân, kāyekāyānupassi, trong
đó kāye, là đề mục quán sát, và anupassati, là phương pháp
quán sát. Nói cách khác, khi thấy đề mục thuộc vật chất, hãy niệm theo vật
chất, đừng niệm tâm hay cảm giác. Kinh nghiệm thế nào, hãy ghi nhận đúng
như vậy. Thực hành theo Vi Diệu Pháp, khi có đề mục thuộc về sắc pháp, như
sự căng niệm "căng", dãn niệm "dãn", cứng niệm "cứng", mềm niệm "mềm",
v.v...đừng ghi nhận như một cảm thọ. Khi kinh nghiệm như thế nào, hãy ghi
nhận đúng như thế ấy. Khi kinh nghiệm vật chất hay sắc pháp, hãy ghi nhận
là vật chất. Đây là phương pháp dùng đặc tính riêng của đề mục, để niệm
trong khi quán sát đề mục. Phương pháp thực hành này không phải dễ đối với
mọi người.
Kinh Tứ Niệm Xứ chỉ dẫn cách niệm đơn giản hơn, ai cũng có thể hiểu
được. Khi thấy sự phồng nơi bụng xuất hiện, ghi nhận phồng, hay khi sự xẹp
nơi bụng xuất hiện, ghi nhận xẹp. Bạn có thể dùng từ ngữ thông thường, đơn
giản để ghi nhận hiện tượng, không cần suy nghĩ. Chẳng hạn khi thấy phồng,
ghi nhận phồng, hay khi thấy xẹp, ghi nhận xẹp, dùng chữ thông thường theo
tiếng nói riêng của mỗi xứ. Khi ngồi, niệm ngồi; khi đứng, niệm đứng. Khi
kinh hành, dở chân, ghi nhận dở; khi đưa chân tới, ghi nhận đưa v.v...,
hay lúc nhắm mắt, ghi nhận nhắm, lúc mở mắt, ghi nhận mở. Hãy ghi
nhận, và niệm bằng từ ngữ thông thường. Thực hành một cách đơn giản sao
cho từ thiếu nhi bảy tuổi, cho đến người trung niên, hay lão niên đều hiểu
được. Đây là cách thực hành theo kinh điển, trong đó Đức Phật dùng lối chỉ
dẫn đơn giản để ai cũng hiểu được.
Lúc mới thực tập, thấy bụng phồng, bạn niệm phồng; thấy bụng xẹp niệm
xẹp. Sự quán sát như vậy còn mang hình tướng, hay vẫn còn thấy tính chất
tục đế của đề mục. Bạn còn thấy hình trạng của bụng, và tư thế, ākarā,
bụng đang phồng, xẹp, hay đứng yên. Dần dà, bạn thấy được đặc tánh
riêng, sabhāva lakkhana, của Tứ Đại qua cảm giác cứng, mềm, nặng,
nhẹ, nóng, lạnh, v.v.. Tương tự như trong sự ăn, bạn thấy hình ảnh của món
ăn và biết được vị của món ăn như mặn ngọt, chua chát, v.v... là đặc tánh
riêng, sabhāva lakkhana. Trong sự quán sát bụng, thấy hình tướng và
tư thế của bụng, không phải là thấy bản chất thực, hay chân đế,
paramattha, của đề mục. Thấy được đặc tính cứng mềm, căng dãn, chuyển
động, v.v...mới là sự biểu hiện đặc tính riêng, sabhāva lakkhana.
Do đó khi bạn quán sát phồng xẹp, bạn thấy điều gì? Thấy hình dáng của
phồng xẹp, hay tư thế bụng, hoặc đi xa hơn, bạn thấy được đặc tính riêng
như đất, nước, gió, và lửa v.v.. Do đó, khi quán sát đề mục, bạn
thấy cả hai tục đế lẫn chân đế.
Trong kinh Đại Niệm Xứ, câu kinh kāyekāyānupassi viharati ātāpi
sampājāno satimā. Chữ ātāpi, gốc từ ātāpa, có nghĩa "làm
khô bợn nhơ phiền não", thường được phiên dịch là "tinh cần" trong thực
hành. Có nghĩa trong khi quán sát đề mục, bạn cần phải có nỗ lực tinh cần,
hay tinh tấn, tỉnh giác, và năng động, tức "nỗ lực tinh cần"chứ không quán
sát một cách dễ duôi, buông lung, lười biếng, cẩu thả. Người có phẩm tính
ātāpi, "nỗ lực tinh cần" là người làm khô bợn nhơ của phiền não. Do
đó bạn cần thực hành với tinh tấn, tỉnh giác, và năng động mới đáp ứng
được với tinh thần của chữ anupassanā, ghi nhận liên tục sao cho
chánh niệm được thiết lập chặt chẽ trên đề mục quán sát. Đây không phải
loại chánh niệm thông thường, nhưng là loại chánh niệm gắn chặt theo sát,
không vuột mất đề mục, phản ảnh ý nghĩa quán sát, anupassanā.
Khi chánh niệm được duy trì chặt chẽ trên đề mục, làm hình thành sự
định tâm, tâm an trụ trên đề mục, tạo nên sự định tĩnh, samatha. Sự
định tĩnh hình thành vì với sự duy trì chánh niệm bằng nỗ lực tinh cần,
chánh niệm không rời khỏi đề mục, nên không có sự giao động. Tâm trở nên
an tịnh vì vắng bóng phiền não, theo như theo ý nghĩa satimā.
Sự định tâm càng sâu sẽ làm tăng sự hiểu biết về thực tánh của đề mục.
Chẳng hạn, khi quán sát sự phồng, bạn sẽ thấy đặc tính riêng biểu hiện qua
sự căng, cứng, hay chuyển động. Cũng như trong sự xẹp, bạn sẽ thấy sự dãn,
mềm, hay chuyển động. Như vậy, bạn có sự hay biết hoàn toàn về đề mục. Bao
lâu bạn có được sự hướng tâm về đề mục và duy trì chánh niệm liên tục trên
đề mục, bạn sẽ có sự hiểu biết về đề mục. Sự hiểu biết này không phải bằng
sách vở, nhưng là sự hiểu biết từ kinh nghiệm bản thân. Bạn hiểu sự thật
về đề mục như bản chất của nó là vậy–sự cứng, mềm, nóng, lạnh v.v.., không
thể sai lầm. Bạn hoàn toàn ý thức về đề mục. Nếu thực hành tinh cần
sẽ thấy đúng như vậy. Phạn ngữ sampajañña, là ý thức hoàn toàn
(tỉnh giác). Trong sự phồng, bạn thấy rằng không chỉ là một sự phồng độc
nhất, mà là có nhiều sự phồng nhỏ, hay ở dạng gợn sóng li ti, hay chuyển
động nhấp nhô một cách vi tế, theo như thiền sinh diễn tả khi trình pháp.
Đây là sự hiểu biết hoàn toàn từ kinh nghiệm thực hành, không phải từ sách
vở. Một sự hiểu biết biện biệt phi thường, pajñña. Chữ sampajñña
diễn tả sự hay biết hoàn toàn, hàm ý sự hiểu biết rõ ràng, thấu đáo.
Đây là ý nghĩa thiết yếu của anupassanā.
Khi chánh niệm được duy trì trong sự quán sát đề mục, tâm định phát
triển, tạo nên sự hiểu biết thực tánh của đề mục, tâm tạm thời vắng bóng
phiền não như tham, sân, buồn rầu, lo âu, chiếm đoạt, mưu hại, ghen
ghét... Phiền não được ngăn chận không xâm nhập tâm. Do đó, trong
lúc quán sát đề mục, tâm bạn tạm thời loại trừ được phiền não. Đây là lợi
ích tức thời của sự tu tập.
Tiếp tục quán sát đề mục, bạn thấy rằng sự cứng, mềm, căng, dãn, nóng,
lạnh v.v... không tồn tại mãi, chúng sinh khởi rồi biến đi, hết hiện tượng
này sang hiện tượng khác. Tất cả đều có bản chất chung hết sinh rồi diệt.
Đây là bản chất vô thường của sắc pháp. Hiểu được bản chất vô thường, bạn
buông bỏ ngã mạn. Thấy sự đến đi, sinh diệt liên tục của các pháp, bạn
thấy bản chất bất toại nguyện của các pháp, bạn không còn coi chúng là
đáng ưa, đáng vui thích, như trước đây bạn có sự luyến ái, dính mắc vào.
Bây giờ, thấy chúng chỉ là khổ, bạn buông bỏ, không còn dính mắc, không
còn tham ái. Hiểu rằng tất cả chỉ là tiến trình sinh diệt, không
thực chất, bạn loại bỏ phiền não dục thủ, và tà kiến thủ, không còn chấp
giữ dục ái và hữu ái. Vì bạn thấy sự thật nên bạn có chánh kiến, không còn
mang tà kiến về các pháp. Bạn không còn vô minh nơi sự vật đang quán sát,
cũng như nơi sự vật không quán sát. Do đó, bằng sự tu tập, bạn phát triển
và tăng trưởng được các tâm thiện lành. Đây chính là ý nghĩa của phát
triển tâm, bhāvanā.
Do đó, qua thực hành sự quán sát thân nơi thân, bạn phát triển được
chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định và chánh kiến, khắc phục phiền não
và loại bỏ vô minh.
Trong khi quán sát phồng xẹp, hay các đề mục khác, đôi khi bạn kinh
nghiệm cảm giác dễ chịu, hay khó chịu nơi thân hay tâm, hoặc cảm giác đau,
nhức, ngứa, tê v.v...Bạn theo dõi, quán sát các cảm giác này. Sự quán sát
này được gọi là quán thọ trong thọ, vedanānupassanā satipaṭṭhāna.
Có lúc bạn chỉ có quán sát vào cảm giác, mà không thấy nơi chốn phát sinh
cảm giác. Bạn chỉ chánh niệm theo dõi cảm giác mà không phát sinh ưa ghét.
Tâm không dính mắc vào cảm giác, nên vắng bóng tham sân.
Khi theo dõi cảm giác, có lúc chánh niệm yếu, hay thất niệm, tâm phát
sinh sự ưa thích đề mục, bạn hãy niệm "thích, thích", hay "ham
muốn"..v.v..bạn thực hành sự quán tâm trên tâm, cittānupassanā
satipaṭṭhāna. Do chánh niệm kịp thời vào các trạng thái ưa thích, nên
tâm không còn ham muốn, ưa, ghét.
Ngoài ra, trong khi nghe, thấy, ngửi, ăn, đụng chạm, có thể sinh khởi
sự ưa ghét, hoặc sinh khởi dã dượi buồn ngủ, phóng dật, hối tiếc, hay hoài
nghi. Quán sát các hiện tượng này, được gọi là quán pháp trên các pháp,
dhammānupassanā satipaṭṭhāna.
Tóm lại, hành thiền Tứ Niệm Xứ là sự thực hành chánh niệm, quán sát đề
mục sinh khởi trong bốn lãnh vúc: thân, thọ, tâm và pháp. Sự quán sát này
đưa đến sự hiểu biết thực tánh của đề mục hay sự hình thành tuệ minh sát.
Bạn hiểu được bản chất vô thường, bất toại nguyện và vô ngã của đề mục. Sự
hiểu biết này có được nhờ chính bạn kinh nghiệm khi quán sát đề mục. Bạn
có sự tỉnh giác hoàn toàn, đúng đắn, và cao tột. Bạn thành đạt trí tuệ
trên đường tu tập mà không cần phải mong ước. Và đây là sự thật không thể
chối cãi được.
-ooOoo-
[18]
Gà Ấp Trứng
Trong bài kinh "Phát Triển Tâm Linh", bài kinh số 149, Phẩm VII, thuộc
Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật so sánh sự hành thiền Minh Sát với sự ấp trứng
của gà. Ngài giảng bài kinh này nhằm mục đích giúp cho hội chúng là những
người sống ở thôn quê hiểu được bản chất sự tu tập. Đối với những ai sống
ở thôn quê sẽ hiểu dễ dàng việc gà ấp trứng, nhưng đối với người sống thị
thành thì khó hiểu thấu đáo được việc này. Tuy nhiên bài kinh diễn tả rất
đầy đủ chi tiết sống động, rất dễ hiểu.
Muốn trứng nở đúng thời hạn và gà con được chào đời mạnh khỏe, gà không
thể chỉ ước muốn suông. Gà phải làm tròn ba bổn phận: ấp đủ thời gian đòi
hỏi, cung cấp thân nhiệt truyền sang cho trứng, và cung cấp mùi để bảo vệ
trứng. Chỉ một việc ấp trứng, nhưng tạo nên hai kết quả: hơi nóng và mùi.
Ngoài ra, việc ấp trứng còn tạo thêm năm lợi ích: (1) ấp đủ lâu theo thời
gian đòi hỏi, (2) cung cấp thân nhiệt đầy đủ, (3) cung cấp mùi để trúng
không bị hư, (4) hơi nóng từ thân giữ trứng được khô ráo, không bị ẩm ướt,
nhờ vậy vỏ trứng trở nên mỏng dần và (5) giúp điều kiện cho sự tượng hình,
chân, cánh, mỏ... phát triển trọn vẹn. Đúng thời gian đòi hỏi chừng đôi ba
tuần, gà con lớn mạnh, chân mỏ đủ cứng cát, phá được vỏ trứng, sanh ra
mạnh khỏe an toàn.
Việc hành thiền cũng tương tự như việc gà ấp trứng liên tục. Thiền sinh
phải giữ chánh niệm liên tục vào phồng xẹp, quán sát các hiện tượng tâm và
vật chất. Thiền sinh quán sát vật chất qua sự biểu hiện đặc tính riêng của
Tứ Đại. Yếu tố gió thể hiện bằng sự thở ra vô, rất dễ thấy. Vì yếu tố gió
thể hiện rõ ràng nhất, dễ theo dõi nhất trong sự hít thở, nên hơi thở được
dùng làm đề mục hành thiền trong pháp thiền chỉ và thiền minh sát. Trong
kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật dạy rằng trong Tứ Đại, yếu tố gió biểu hiện rõ
ràng nhất. Thiền sinh quán sát yếu tố gió thể hiện trong chuyển động phồng
xẹp của bụng, hay trong chuyển động dở, bước, đạp của chân, cũng như khi
đứng lên hay ngồi xuống.
Giống như khi gà ấp trứng, gà phải ngồi vào ổ một cách thận trọng,
không làm vỡ trứng, và phải xòe cánh bao phủ trọn vẹn tất cả trứng, không
để hơi lạnh len vào làm hư trứng. Bằng sự tinh tấn, vận dụng nỗ lực hướng
tâm về đối tượng, chánh niệm, cẩn thận quán sát đối tượng bằng sự chuyên
cần, tỉnh giác và năng động luôn luôn, giống như gà luôn luôn cung cấp hơi
nóng cho trứng. Chánh niệm ghi nhận không bỏ sót hiện tượng, không để
phiền não xâm nhập vào tâm, giống như gà cung cấp hơi nóng liên tục, bao
phủ trọn vẹn ổ trứng, không để hơi lạnh len vào.
Định tâm phát triển giúp cho trí tuệ hình thành, bắt đầu là tuệ phân
biệt được thân tâm, hay danh sắc, kế đến tuệ phân biệt nhân duyên, và sau
đó là tuệ thấy được tam tánh: vô thường, bất toại nguyện, và vô ngã của
các pháp. Khi thấy rằng tất cả các pháp đều sinh diệt, không có gì thường
còn, thiền sinh bỏ ngã mạn. Khi hiểu được đặc tánh khổ nơi các pháp, thấy
không có sự vui thích nào trong các pháp, thiền sinh bỏ sự dính mắc tham
ái nơi các pháp. Khi thấy rằng chỉ đơn thuần là một tiến trình sinh diệt
của tâm và vật chất, thiền sinh hiểu rằng chẳng có thực chất, có tôi ta,
hay tự ngã, linh hồn trong tiến trình này, thiền sinh buông bỏ tà kiến về
ngã. Tương tự với sự cung cấp hơi nóng bảo vệ cho trứng không hư, thiền
sinh khi đã hiểu ba đặc tánh của các pháp, tâm không còn mang tà kiến,
giống như trứng không bị hư, trứng tiếp tục phát triển. Cũng vậy, thiền
sinh tiếp tục hiểu ngày một sâu sắc hơn, trí tuệ không còn bị thoái hóa,
thái độ tu tập trở nên tích cực hơn, tinh tấn hơn, không muốn bỏ thiền
tập. Thiền sinh trở nên chuyên cần trong chánh niệm bằng cách niệm ngay
khi sự phồng xẹp xuất hiện, và niệm liền theo với sự phồng hay xẹp khác
xuất hiện kế tiếp, thiền sinh liên tục niệm không ngừng nghỉ vào đối tương
quán sát.
Sự quán sát càng ngày càng rõ dần, chánh niệm trở nên bén nhạy, làm cho
tâm định ngày càng sâu sắc hơn. Thiền sinh có sự tỉnh giác hoàn toàn nơi
đối tượng quán sát, sampajañña, hay minh sát tuệ. Có nghĩa thiền
sinh hiểu trọn vẹn, chính xác, phân biệt thân và tâm, tương quan nhân
duyên rõ ràng, thấy sự sinh diệt của đối tượng biện biệt, hiểu được ba đặc
tánh Vô Thường, Bất Toại Nguyện, và Vô ngã trong từng đề mục. Hết đề mục
này biến đi, nối tiếp theo là đề mục mới, thiền sinh quán sát hên tục cùng
với sự hiểu biết trọn vẹn đề mục. Như vậy, thiền sinh quán sát sự lập đi
lập lại của đối tượng và có sự hiểu biết đề mục hoàn toàn, theo đúng như ý
nghĩa, anupassanā. Khi quán sát các hiện tượng vật chất sinh khởi
nơi thân, thiền sinh thực hành đầy đủ theo ý nghĩa "quán thân trong thân",
nói cách khác, thiền sinh thực hành đúng đắn pháp Tứ Niệm Xứ. Ở giai đoạn
này, thiền sinh không còn muốn pháp hành bị thoái bộ, cũng như trí tuệ bị
đình trệ. Thiền sinh chỉ muốn sự thực hành của mình tiến bộ nhiều hơn nữa,
mở mang sự hiểu biết sâu rộng hơn nữa.
Trở lại tiến trình ấp trứng của gà. Nhờ hơi nóng cung cấp, trứng được
giữ khô ráo, làm cho vỏ trứng mỏng dần. Bằng cách giữ chánh niệm liên tục
nơi đề mục, thiền sinh hiểu được ba đặc tánh của các pháp, nên buông bỏ
tham ái và tà kiến, có được chánh kiến. Nhờ có chánh kiến, nên không còn
vô minh. Sự vô minh ngày càng bớt dần theo công phu tu tập, giống
như vỏ trứng trở nên mỏng đần do ảnh hưởng của hơi nóng. Vì không còn tham
ái, nên không còn dính mắc, do đó không còn muốn tiếp tục hiện hữu, không
muốn tái sinh. Phiền não tham ái, tanhā, làm bợn nhơ tâm bớt dần,
giống như vỏ trứng mỏng dần. Vì không còn tà kiến về ngã nên không còn ham
muốn tái sinh hay hiện hữu. Phiền não ngã kiến làm bợn nhơ tâm giảm dần,
tương tự như vỏ trứng mỏng dần. Giống như những kết quả đạt được từ bổn
phận ấp trứng của gà, thiền sinh đạt được sự hiểu biết, loại bỏ tà kiến,
khắc phục phiền não, làm "mỏng vỏ" vô minh, là những kết quả mang lại từ
sự hoàn thiện bổn phận giữ chánh niệm của thiền sinh. Phiền não bị khô cạn
dần theo tiến trình thiền tập một cách tự nhiên, không cần phải mong ước.
Thiền sinh làm đầy đủ bổn phận đòi hỏi là vận dụng tinh tấn, cố gắng hướng
tâm đến đề mục, thiết lập chánh niệm, duy trì chánh niệm liên tục, gắn
chặt vào đối tượng quán sát. Kết quả là sát na định hình thành làm khai mở
trí tuệ, khắc phục được vô minh và phiền não. Tất cả được thành tựu một
cách tự nhiên không cần mong cầu. Đây là điều không thể phủ nhận được. Do
đó, thực hành đúng chắc chắn sẽ đem lại kết quả, là đặc điểm thực tiễn của
pháp hành.
Không còn vô minh, có nghĩa trước đây không hiểu biết, bây giờ có hiểu
biết, và trước đây hiểu sai, bây giờ hiểu đúng. Trước đây không hiểu sự
thật về khổ, bây giờ hiểu thế nào là khổ, nên không nghĩ rằng khổ là vui.
Trước đây không hiểu tham ái là nguyên nhân khổ, bây giờ hiểu tham ái mới
đúng là nguyên nhân khổ, nên không còn nghĩ rằng tham ái là nguyên nhân
của sự vui sướng. Trước đây không hiểu sự chấm dứt khổ là hạnh phúc, bây
giờ hiểu sự chấm dứt khổ mới đúng là hạnh phúc, nên không còn nghĩ rằng đó
là sự chấm dứt hạnh phúc. Trước đây không hiểu thế nào là con đường diệt
khổ, bây giờ hiểu thế nào là con đường diệt khổ, nên không còn nghĩ rằng
đó là con đường chấm dứt hạnh phúc.
Khi thiền sinh phân biệt được thân và tâm, vô minh giảm dần; phân biệt
được tương quan nhân duyên, vô minh giảm dần; thấy được sự sinh diệt, và
tam tánh, vô minh giảm dần. Đặc biệt khi đến tuệ Xả hành,
sankhārupekkhāñāṇa, thiền sinh thấy sự sinh diệt tức thời, vô cùng mau
lẹ, vô minh chấm dứt. Trên đường thực hành, sự tu tập làm cho màn vô minh
từ dày đặc sang mỏng dần. Giống như gà con theo thời gian phát triển chân,
móng, ngày càng cứng cáp, vỏ trứng mỏng dần. Hành thiền ngày càng tiến bộ,
thiền sinh phát triển tuệ minh sát càng ngày càng sâu sắc, vô minh theo đó
giảm dần.
Có câu "Thực hành thiền Tứ Niệm Xứ là thực hành tất cả các pháp" hay
"Tất cả các pháp đều nằm trong thiền Tứ Niệm Xứ". Điều này có nghĩa, thực
hành Tứ Niệm Xứ là thực hành Thất Giác Chi, hay Thất Giác Chi được thành
tựu do sự tu tập Tứ Niệm Xứ như đã được bàn trước đây.
Do sự cố gắng duy trì chánh niệm, làm ngăn chận không cho phiền não
sinh khởi, phản ảnh yếu tố thứ nhất của Tứ Chánh Cần là tinh tấn ngăn chận
bất thiện pháp chưa sinh khởi, không làm cho sinh khởi. Do sự cố gắng duy
trì chánh niệm tiêu diệt phiền não đang sinh khởi, phản ảnh yếu tố thứ hai
của Tứ Chánh Cần là tinh tấn tiêu diệt bất thiện pháp khi đã sinh khởi,
không cho tiếp tục phát triển. Tương tự, đối với hiệu quả của sự duy trì
chánh niệm giúp phát triển các tâm thiện được sinh khởi, và làm phát triển
tốt đẹp các tâm thiện đã sinh khởi, phản ảnh yếu tố thứ ba và thứ tư của
Tứ Chánh Cần. Do đó, bằng sự thực hành Tứ Niệm Xứ, thiền sinh thực hành
được luôn Tứ Chánh Cần.
Trong sự thực hành, có lúc thiền sinh dựa vào sức mạnh ý muốn (Dục)
thành công, có lúc dựa vào sức mạnh tinh tấn (Tinh Tấn) để vượt qua trở
ngại, có lúc tùy thuộc vào sức mạnh của tâm kiên định (Tâm Lực) không rút
lui, và có lúc tùy thuộc vào sức mạnh của trí tuệ (Trí). Đây là phản ảnh
nội dung của Tứ Như Ý Túc: Dục, Tinh Tấn, Tâm Lực và Trí Tuệ. Do đó, bằng
sự thực hành Tứ Niệm Xứ, thiền sinh thực hành được luôn Tứ Như Ý Túc.
Khi thiền sinh kinh nghiệm được sự sinh diệt mau lẹ của các pháp, Ngũ
Căn và Ngũ Lực bắt đầu phát triển. Các yếu tố Tín, Tấn, Niệm, Định, và Tuệ
phát triển trên đường tu tập. Như vậy, Ngũ Căn, Ngũ Lực cũng được phát
triển trong khi thực hành Tứ Niệm Xứ.
Ngoài ra, khi hành thiền Tứ Niệm Xứ, thiền sinh thực hành trọn vẹn Tam
Học: Giới, Định, Huệ, do đó thực hành trọn vẹn Bát Chánh Đạo.
Tóm lại, thực hành Tứ Niệm Xứ là thực hành trọn vẹn 37 Phẩm Trợ Đạo.
Thực hành tốt đẹp, chánh niệm càng bén nhạy, tâm định càng sâu sắc,
tỉnh giác càng biện biệt, tuệ minh sát càng mạnh mẽ. Chánh niệm ghi
nhận một đối tượng, nhưng có sự hay biết nhiều đối tượng khác. Ghi nhận
một sự phồng, nhưng hay biết nhiều sự phồng khác. Cũng như khi quán sát có
sự căng dãn trong phồng xẹp, dù không có chú tâm ở nơi khác, thiền sinh
đồng thời cũng hay biết sự nóng lạnh, cứng mềm, v.v... xuất hiện ở
nơi khác. Tầm quán sát trở nên rộng rãi, bao quát hơn. Dù ghi nhận
một đối tượng, nhưng không bỏ sót các đối tượng khác. Trí tuệ ngày càng mở
mang sâu sắc. Ở giai đoạn này, thiền sinh có thể dính mắc vào các chướng
ngại vi tế, nikanti, xuất hiện như ánh sáng, phỉ lạc, trạng thái
thân tâm an tịnh v.v..Sự dính mắc này là hình thức vi tế của tham ái, tạo
thành chướng ngại cho tâm. Nếu tiếp tục niệm vào những chướng ngại vi tế
này sẽ làm cho tâm càng thêm trong sạch. Tín tâm tăng trưởng càng mạnh mẽ
hơn, trí tuệ càng lúc càng trong sáng hơn. Đến giai đoạn này, thiền sinh
cần nương tựa vào người thầy thích nghi có khả năng hướng dẫn để đạt tiến
bộ trong pháp hành. Các yếu tố thích nghi khác cũng trợ giúp cho sự tu tập
tiến bộ như: thích nghi về khí hậu, thực phẩm, nghe Pháp, v.v...Nếu đạt
được đầy đủ các yếu tố này, thiền sinh sẽ chứng nghiệm Giáo Pháp trong vài
ngày.
Từ lúc thấy sự sinh diệt của tâm và vật chất, tiếp tục tu tập tiến bộ,
thiền sinh sẽ chứng nghiệm được sự diệt tận của tâm và vật chất, và cuối
cùng thành đạt Đạo Quả. Giống như gà ấp trứng thành công, cuối cùng trứng
nở, gà con chào đời mạnh khỏe an toàn. Thiền sinh chứng đạt Đạo.
Quả thoát ra khỏi cái vỏ tối tăm tù túng, giống như chú gà con sung
sướng tung tăng trong thế giới mới lạ. Thiền sinh cảm thấy tràn đầy hạnh
phúc, sung sướng, hoan hỉ cho sự tu tập thành công.
-ooOoo-
Hồi Hướng
Nguyện cho tất cả chúng sanh
Cùng chia trọn vẹn phước lành này đây
Nguyện cho tất cả từ rày
Luôn luôn an lạc, duyên may mọi miền
Nguyện cho chư vị Long, Thiên
Trên trời dưới đất oai thiêng phép mầu
Cùng chia công đức dầy sâu
Hộ trì Chánh Pháp bền lâu muôn đời.
-ooOoo-
Ðầu trang | Mục lục | 01
| 02 | 03 |
|
Chân thành cám ơn đạo hữu Hồ Trung Mỹ
đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2005).
[Trở về
trang Thư Mục]
last updated:
30-08-2005