PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
SUTTAPIṬAKA - KHUDDAKANIKĀYA
Đạo Vô Ngại Giải
Paṭisambhidāmagga
Bhikkhu Ñāṇamoli dịch từ tiếng Pāḷi sang tiếng Anh:
THE PATH OF DISCRIMINATION
Nguyễn Văn Ngân dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt
2006
[XX - LUẬN VỀ TRỐNG RỖNG]
«Suññakathā»
1. [177] ‘Như vầy tôi nghe. Có một dạo Thế Tôn cư trú ở Sāvatthi ở Vườn Jeta, công viên của Anāthapiṇḍika. Rồi tôn giả Ānanda đi đến chỗ Thế Tôn, và sau khi đảnh lễ Ngài, tôn giả ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống xong, tôn giả hỏi Thế Tôn như vầy: ‘Kính thưa Thế Tôn, ‘‘Thế giới này trống rỗng, thế giới này trống rỗng’’ được nói lên. Thế giới này trống rỗng theo nghĩa nào?’
‘Bởi vì nó không có tự ngã hay không có cái gì thuộc về tự ngã, nên ‘thế giới này trống rỗng’ được nói lên, Ānanda. Và cái không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã là gì? Mắt không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, vật hữu hình không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, nhận thức từ mắt không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, xúc chạm với mắt không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã; bất cứ cảm nghiệm nào phát sinh do xúc chạm với mắt, hoặc dễ chịu hay khó chịu hay không dễ chịu cũng chả khó chịu, đều không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã. Tai không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, âm thanh... Mũi không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, mùi... Lưỡi không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, vị... Thân không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, đối tượng xúc chạm được... Ý không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, đối tượng của ý... nhận thức từ ý... xúc chạm với ý... bất cứ cảm nghiệm nào phát sinh do xúc chạm với ý, hoặc dễ chịu hay khó chịu hay không dễ chịu cũng chả khó chịu, đều không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã. Bởi vì nó không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, nên câu ‘thế giới này trống rỗng’ được nói lên’ (S iv 54).
2. Có trống rỗng như là trống rỗng, trống rỗng của các hành vi tạo tác, trống rỗng trong biến đổi, trống rỗng vô thượng, trống rỗng theo đặc tính.
Có trống rỗng bằng cách đè nén, trống rỗng bằng cách thay thế đức tính đối lập, trống rỗng bằng cách cắt đứt, trống rỗng bằng cách làm cho lắng dịu, trống rỗng bằng cách thoát ly. [178] <so với Luận I đ. 90: năm loại>
Có trống rỗng bên trong, trống rỗng bên ngoài, trống rỗng cả hai phía.
Có trống rỗng tương tự, có trống rỗng dị biệt.
Có trống rỗng trong sự kiếm tìm, trống rỗng trong gìn giữ, trống rỗng trong thành đạt, trống rỗng trong hiểu rõ.
Có trống rỗng trong đồng nhất, có trống rỗng trong sai biệt.
Có trống rỗng trong chọn lựa, trống rỗng trong cương quyết, trống rỗng trong thâm hiểu, và trống rỗng trong nghĩa tối hậu của tất cả các loại trống rỗng, là chấm dứt sự tiếp tục tái diễn trong [vị Arahant], bậc hoàn toàn hiểu thấu đáo tường tận.
3. Trống rỗng như là trống rỗng là gì?
Mắt không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không có cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không có cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi.
Đây là trống rỗng như là trống rỗng.
4. Trống rỗng của hành vi tạo tác là gì?
Có ba loại hành vi tạo tác: hành vi tạo phước, hành vi tổn phước, hành vi tạo bất động.
Hành vi tạo phước không có hành vi tổn phước và hành vi tạo bất động. Hành vi tổn phước không có hành vi tạo phước và hành vi tạo bất động. Hành vi tạo bất động không có hành vi tạo phước và hành vi tổn phước.
Đây là ba loại hành vi tạo tác.
Có ba loại hành vi tạo tác nữa: hành vi tạo tác của thân, hành vi tạo tác của lời nói và hành vi tạo tác của ý.
Hành vi tạo tác của thân không có hành vi tạo tác của lời nói và hành vi tạo tác của ý. Hành vi tạo tác của lời nói không có hành vi tạo tác của thân và hành vi tạo tác của ý. Hành vi tạo tác của ý không có hành vi tạo tác của lời nói và hành vi tạo tác của thân.
Đây là ba loại hành vi tạo tác.
Có ba loại hành vi tạo tác khác nữa: hành vi tạo tác quá khứ, hành vi tạo tác tương lai và hành vi tạo tác đang hiện khởi.
Hành vi tạo tác quá khứ không có hành vi tạo tác tương lai và hành vi tạo tác đang hiện khởi. Hành vi tạo tác tương lai không có hành vi tạo tác quá khứ và hành vi tạo tác đang hiện khởi. Hành vi tạo tác đang hiện khởi không có hành vi tạo tác quá khứ và hành vi tạo tác tương lai.
Đây là ba loại hành vi tạo tác.
Đây là sự trống rỗng của hành vi tạo tác.
5.Trống rỗng trong biến đổi là gì?Vật thể được sanh ra không có tự tánh; [1] vật thể đã biến mất đi [2] bị biến đổi và trống rỗng. Cảm nghiệm được sanh ra không có tự tánh, cảm nghiệm đã biến mất đi bị biến đổi và trống rỗng. Nhận thức được sanh ra... [và cứ thế với 199 của 201 ý niệm liệt kê ở Luận I đ. 5, bỏ đi hai khoen của Sanh Khởi Do Tùy Thuộc, cho đến]... Trở thành được sanh ra không có tự tánh, [179] trở thành đã biến mất đi bị biến đổi và trống rỗng.
6. Trống rỗng vô thượng là gì? Trạng thái này vô thượng, trạng thái này là nhất, trạng thái này tuyệt hảo, đó là sự an tịnh của tất cả các hành vi tạo tác, buông bỏ tất cả bản thể ngầm, sự hủy diệt (diệt tận) khao khát, lòng tham phai nhạt, đoạn diệt, nibbana.
Đây là trống rỗng vô thượng.
7. Trống rỗng theo đặc tính là gì?
Có hai loại đặc tính: đặc tính của người ngu và đặc tính của người trí. Đặc tính của người ngu là không có đặc tính của người trí, đặc tính của người trí là không có đặc tính của người ngu (A i 102).
Có ba loại đặc tính: đặc tính sanh, đặc tính diệt và đặc tính biến đổi khi đang tồn tại. Đặc tính sanh là không có đặc tính diệt và đặc tính biến đổi khi đang tồn tại. Đặc tính diệt là không có đặc tính sanh và đặc tính biến đổi khi đang tồn tại. Đặc tính biến đổi khi đang tồn tại là không có đặc tính sanh và đặc tính diệt. Đặc tính sanh của vật thể không có đặc tính diệt và đặc tính biến đổi khi đang tồn tại. Đặc tính diệt của vật thể không có đặc tính sanh và đặc tính biến đổi khi đang tồn tại. Đặc tính biến đổi của vật thể khi đang tồn tại là không có đặc tính sanh và đặc tính diệt. Đặc tính sanh của cảm nghiệm... [và cứ thế với các ý niệm còn lại của 201 ý niệm liệt kê ở Luận I đ. 5, cho đến]... đặc tính biến đổi khi đang tồn tại của già và chết không có đặc tính sanh và đặc tính diệt.
Đây là trống rỗng theo đặc tính.
8. Trống rỗng bằng cách đè nén là gì?
Ham muốn khoái lạc giác quan bị đè nén và bị hủy diệt nhờ xuất ly. Sân hận bị đè nén và bị hủy diệt nhờ không sân hận... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại của bẩy chướng ngại và các trạng thái đối nghịch với các chướng ngại ấy, bốn jhanas, bốn chứng đắc cõi vô sắc giới, mười tám thiền quán thực tánh chính, và bốn đạo lộ cho đến]..., Tất cả các nhiễm lậu bị đè nén và bị hủy diệt nhờ đạo lộ arahant.
Đây là trống rỗng bằng cách đè nén. [180]
9. Trống rỗng bằng cách thay thế đức tính đối lập là gì?
Nhờ xuất ly, ham muốn khoái lạc giác quan bị hủy diệt bằng cách thay thế đức tính đối lập. Nhờ không sân hận, sân hận bị hủy diệt bằng cách thay thế đức tính đối lập... [và cứ thế như trên, bỏ đi bốn đạo lộ cho đến]... Nhờ quán quay đi, sự giải thích sai lạc vì trói buộc bị hủy diệt bằng cách thay thế đức tính đối lập.
Đây là trống rỗng bằng cách thay thế đức tính đối lập
10. Trống rỗng bằng cách cắt đứt là gì?
Nhờ xuất ly, ham muốn khoái lạc giác quan vừa bị cắt đứt và vừa bị hủy diệt. Nhờ không sân hận... [và cứ thế cho đến]... Nhờ đạo lộ arahant, tất cả nhiễm lậu vừa bị cắt đứt và vừa bị hủy diệt.
Đây là trống rỗng bằng cách cắt đứt.
11. Trống rỗng bằng cách làm cho lắng dịu là gì?
Nhờ xuất ly, ham muốn khoái lạc giác quan vừa được lắng dịu và vừa bị hủy diệt. Nhờ không sân hận... [và cứ thế cho đến]... Nhờ đạo lộ arahant, tất cả nhiễm lậu vừa được lắng dịu và vừa bị hủy diệt.
Đây là trống rỗng bằng cách làm cho lắng dịu.
12. Trống rỗng bằng cách thoát ly là gì?
Nhờ xuất ly, ham muốn khoái lạc giác quan vừa được thoát ly và vừa bị hủy diệt. Nhờ không sân hận... [và cứ thế cho đến]... Nhờ đạo lộ arahant, tất cả nhiễm lậu vừa được thoát ly và vừa bị hủy diệt.
Đây là trống rỗng bằng cách thoát ly.
13. Trống rỗng bên trong là gì?
Ở bên trong, mắt không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không phải là cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi. Ở bên trong, tai... Ở bên trong, mũi... Ở bên trong, lưỡi... Ở bên trong, thân... Ở bên trong, ý không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không phải là cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi.
Đây là trống rỗng bên trong.
14. Trống rỗng bên ngoài là gì?
Ở bên ngoài, vật hữu hình không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không phải là cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi. Ở bên ngoài, âm thanh... Ở bên ngoài, mùi... Ở bên ngoài, vị... Ở bên ngoài, vật xúc chạm được... Ở bên ngoài, đối tượng tâm ý không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không phải là cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi.
Đây là trống rỗng bên ngoài.
15. Trống rỗng cả hai phía là gì?
Ở bên trong mắt và ở bên ngoài vật hữu hình cả hai đều không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không phải là cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi. Ở bên trong tai và ở bên ngoài âm thanh... Ở bên trong mũi và ở bên ngoài mùi... Ở bên trong lưỡi và ở bên ngoài vị... Ở bên trong thân và ở bên ngoài vật xúc chạm được... Ở bên trong ý và ở bên ngoài đối tượng tâm ý cả hai đều không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không phải là cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi.
Đây là trống rỗng cả hai phía.
16. Trống rỗng tương tự là gì?
Sáu giác quan bên trong đều vừa tương tự và trống rỗng. Sáu nền tảng bên ngoài đều vừa tương tự và trống rỗng. Sáu nhóm nhận biết từ giác quan đều vừa tương tự và trống rỗng. Sáu nhóm xúc đều vừa tương tự và trống rỗng. Sáu nhóm cảm nghiệm đều vừa tương tự và trống rỗng. Sáu nhóm nhận thức đều vừa tương tự và trống rỗng. Sáu nhóm chủ ý đều vừa tương tự và trống rỗng.
Đây là trống rỗng tương tự.
17. Trống rỗng dị biệt là gì?
Sáu giác quan bên trong đều vừa dị biệt với và không có sáu nền tảng bên ngoài. Sáu nền tảng bên ngoài đều vừa dị biệt với và không có sáu nhóm nhận biết từ giác quan. Sáu nhóm nhận biết từ giác quan đều vừa dị biệt với và không có sáu nhóm xúc. Sáu [182] nhóm xúc đều vừa dị biệt với và không có sáu nhóm cảm nghiệm. Sáu nhóm cảm nghiệm đều vừa dị biệt với và không có sáu nhóm nhận thức. Sáu nhóm nhận thức đều vừa dị biệt với và không có chủ ý.
Đây là trống rỗng dị biệt.
18. Trống rỗng trong sự tìm kiếm là gì?
Tìm kiếm xuất ly là không có ham muốn khoái lạc giác quan. Tìm kiếm trạng thái đối nghịch, bốn jhanas, bốn chứng đắc cõi vô sắc giới, mười tám thiền quán thực tánh chính, và bốn đạo lộ cho đến]... Tìm kiếm đạo lộ arahant là không có tất cả các nhiễm lậu.
Đây là trống rỗng trong sự tìm kiếm.
19. Trống rỗng trong gìn giữ là gì?
Gìn giữ xuất ly là không có ham muốn khoái lạc giác quan. Gìn giữ không sân hận... [và cứ thế]... Gìn giữ đạo lộ arahant là không có tất cả các nhiễm lậu.
Đây là trống rỗng trong gìn giữ.
20. Trống rỗng trong thành đạt là gì?
Thành đạt xuất ly là không có ham muốn khoái lạc giác quan. Thành đạt không sân hận... [và cứ thế]... Thành đạt đạo lộ arahant là không có tất cả các nhiễm lậu.
Đây là trống rỗng trong thành đạt.
21. Trống rỗng trong hiểu rõ là gì?
Hiểu rõ xuất ly là không có ham muốn khoái lạc giác quan. Hiểu rõ không sân hận... [và cứ thế]... Hiểu rõ đạo lộ arahant là không có tất cả các nhiễm lậu.
Đây là trống rỗng trong hiểu rõ. [183]
22. Trống rỗng trong đồng nhất và trống rỗng trong sai biệt là gì?
Ham muốn khoái lạc giác quan là sai biệt và xuất ly là đồng nhất; không có ham muốn khoái lạc giác quan trong người quyết tâm đồng nhất với xuất ly. Sân hận là sai biệt... [và cứ thế]... Tất cả các nhiễm lậu là sai biệt và đạo lộ arahant là đồng nhất; không có ham muốn khoái lạc giác quan trong người quyết tâm đồng nhất với đạo lộ arahant.
Đây là trống rỗng trong đồng nhất và trống rỗng trong sai biệt.
23. Trống rỗng trong chọn lựa là gì?
Chọn lựa xuất ly là không có ham muốn khoái lạc giác quan. Chọn lựa không sân hận... [và cứ thế]... Chọn lựa đạo lộ arahant là không có tất cả các nhiễm lậu.
Đây là trống rỗng trong chọn lựa.
24. Trống rỗng trong cương quyết là gì?
Cương quyết xuất ly là không có ham muốn khoái lạc giác quan. Cương quyết không sân hận... [và cứ thế]... Cương quyết trong đạo lộ arahant là không có tất cả các nhiễm lậu.
Đây là trống rỗng trong cương quyết.
25. Trống rỗng trong thâm hiểu là gì?
Thâm hiểu xuất ly là không có ham muốn khoái lạc giác quan. Thâm hiểu không sân hận... [và cứ thế]... Thâm hiểu trong đạo lộ arahant là không có tất cả các nhiễm lậu.
Đây là trống rỗng trong thâm hiểu.
26. Trống rỗng trong nghĩa tối hậu của tất cả các loại trống rỗng, là chấm dứt sự tiếp tục tái diễn trong [vị Arahant], bậc hoàn toàn hiểu thấu đáo tường tận là gì?
Ở đây [trong cái gì còn lại của kiếp sống này] nhờ xuất ly, người hoàn toàn hiểu thấu đáo tường tận kết liễu sự tiếp tục tái diễn của ham muốn khoái lạc giác quan; nhờ xuất ly, vị ấy chấm dứt sự tiếp tục tái diễn của sân hận; nhờ nghĩ đến ánh sáng... [và cứ thế]... nhờ đạo lộ arahant, vị ấy chấm dứt tất cả nhiễm lậu.
Hay, nhờ yếu tố nibbana không có [kết quả của] bám níu [quá khứ] còn xót lại, trong người hoàn toàn hiểu thấu đáo tường tận rằng sự tiếp tục tái diễn này của mắt đã chấm dứt và sự tiếp tục tái diễn này của mắt không còn sanh khởi nữa; sự tiếp tục tái diễn này của mũi [3]... của lưỡi... của thân... sự tiếp tục tái diễn này của ý đã chấm dứt và sự tiếp tục tái diễn này của ý không còn sanh khởi nữa.
Đây là trống rỗng theo nghĩa tối hậu của tất cả các loại trống rỗng, vốn là sự chấm dứt tình trạng tiếp tục tái diễn trong [vị Arahant], bậc hoàn toàn hiểu thấu đáo tường tận. [4]
LUẬN THUYẾT VỀ TRỐNG RỖNG
CHẤM DỨT PHẦN THỨ HAI VỀ SÓNG ĐÔI.
Đây
là mục lục của Phần thứ Hai này:
Sóng đôi, các sự thực cao cả, các yếu tố tạo thành giác ngộ,
Tâm từ và hết ham muốn là thứ năm,
Các vô ngại giải, Bánh Xe Giáo Pháp,
Siêu Thế, lực và tánh trống rỗng.
[1] Trong Piṭaka (Đại Tạng), hình như đây là lần đề cập duy nhất đến thuật ngữ sabhāva (tự tánh). ‘Không có tự tánh’: ở đây ‘tự tánh’ (sabhāva) là sayaṁ bhāvo (bản tánh tự nó), nghĩa là tự nó khởi lên (sayam eva uppādo). Hay sabhāva là sako bhāvo (tánh riêng); sanh khởi riêng (attano yeva uppādo). Vì sự hiện hữu phụ thuộc vào các điều kiện (paccayāyattavuttitā) nên trong hiện hữu không có bản tánh tự nó hay tánh riêng, như thế, nó là ‘không có tự tánh’. Điều muốn nói ở đây là nó không có bản tánh tự nó hay tánh riêng. Hay, nó là tánh tự nó có (sakassa bhāvo); bởi vì trong số các ý niệm khác nhau kể từ yếu tố đất «địa đại», mỗi ý niệm là riêng biệt (sako) và ‘tánh’ là danh từ trừu tượng để chỉ cho ý niệm; và từng ý niệm một không có bất cứ thực chất nào được gọi là ‘tánh’, vì thế ngoài nó ra, nó không có bất kỳ tánh nào: nghĩa là nó không có tánh nào khác. Như thế, điều muốn nói ở đây là mọi sự có một tự tánh duy nhất. Hay nói khác đi, ‘không có tự tánh’ (sabhāvena suññaṁ) được coi là trống rỗng vì trống rỗng là tự tánh của nó (suññasabhāvena suññaṁ). Nghĩa là gì? Nghĩa là trống rỗng vì trống rỗng là trống rỗng chứ không phải trống rỗng vì trống rỗng trừu tượng nào khác. Nhưng nếu có ai nói: ‘Tánh riêng là tự tánh; và nó không có tự tánh đó. Nghĩa là gì? Một ý niệm được gọi là một ‘tánh’; [tánh (bhāvo)] đó được phân biệt bằng tiền trí từ ‘tự’ (sa) khi so sánh với bất kỳ cái gì khác và như vậy được gọi là ‘tự-tánh’ (sa-bhāvo). Vì không có sự hiện hữu của bất cứ thực thể nào, sự kiện không hiện hữu của vật thể được diễn tả bằng ‘vật thể được sanh ra không có tự tánh’. Nên lập luận như vầy: vì thế, câu ‘vật thể được sanh ra’ sẽ mâu thuẫn; vì cái gì hễ không sanh khởi thì không thể nói là ‘được sanh ra’. Vì nibbana không sanh khởi nên không được gọi là ‘được sanh ra’. Vậy thì ở đây chỉ cái được sanh ra sẽ không có sanh làm tự tánh, và thay vì tiếp tục nói rằng ‘bởi vì tự tánh, sanh, già và chết là không’, sự diễn đạt này nên kết thúc bằng chữ ‘hiện hữu’. Nếu chữ ‘được sanh ra’ (vijāta) có thể ứng dụng vào cái gì không sanh khởi, thì cũng nói được là ‘‘sanh’ được sanh ra’ và ‘‘già chết’ được sanh ra’. Vì chữ ‘được sanh ra’ không thể ứng dụng vào sanh, già và chết, là những gì không sanh khởi, nên những chữ ‘không có tự tánh có nghĩa là không hiện hữu’ mâu thuẫn với chữ ‘được sanh ra’ vì cái gì hễ không hiện hữu thì không sanh khởi. Và chữ ‘không’ cho cái gì không hiện hữu lại mâu thuẫn với sự sử dụng ngôn ngữ nói trên của Thế Tôn về ‘thế giới’ và cũng mâu thuẫn với sách luận lý học và ngữ học (ñāyasaddagantha); và nó mâu thuẫn với nhiều lập luận. Vì thế, sự khẳng định đó nên bị bác bỏ vì phi lý. Trong nhiều câu Phật dậy như: ‘Này các tỳ kheo, cái gì bậc hiền trí trên thế gian này nói không hiện hữu, Ta cũng nói cái đó không hiện hữu. Cái gì bậc hiền trí nói có hiện hữu, Ta cũng nói cái đó có hiện hữu.... Các bậc hiền trí trên thế gian này nói vật thể vô thường, khổ não, biến đổi, Ta cũng nói vật thể như thế’ (S iii 138-9), và trong nhiều cuộc tranh luận, các hiện tượng hiện hữu trong sát na ngắn ngủi của riêng chúng’ (Sdhp 460-1 Se, đọc ấn bản PTS trang 634-5).
[2] Vigataṁ rūpaṁ - ‘vật thể đã biến mất đi’: về chữ ‘đã biến mất đi, vắng mặt’ (vigata) xin đọc ‘điều kiện khiếm hiện «vắng mặt, ly khứ duyên»’ (vigata-paccaya) (TkP 1).
[3] Viết là ghānapavattaṁ.
[4] Đọc Trsl. Vism. chương XVI chú thích 25 về phần dịch của chú giải đoạn này (ấn bản của PTS trang 638).
-ooOoo-
Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 01c | 01d | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | Bảng tra thuật ngữ
Chân thành cám ơn đạo hữu Nguyễn Văn Ngân đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2006)
[Trở về trang
Thư Mục]
last
updated: 10-10-2006