PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
SUTTAPIṬAKA - KHUDDAKANIKĀYA

Đạo Vô Ngại Giải
Paṭisambhidāmagga

Bhikkhu Ñāṇamoli dịch từ tiếng Pāḷi sang tiếng Anh:
THE PATH OF DISCRIMINATION

Nguyễn Văn Ngân dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt
2006

 

[XXVI - LUẬN VỀ KỲ DIỆU (BIẾN HÓA)]
«Paṭihāriyakathā»

1. [227] ‘Này các tỳ kheo, có ba loại kỳ diệu (biến hóa). Ba kỳ diệu nào? Kỳ diệu về thần thông, kỳ diệu về biết tâm ý, kỳ diệu về giảng dạy.

‘Này các tỳ kheo, kỳ diệu về thần thông là gì? Ở đây, này các tỳ kheo, một tỳ kheo kinh nghiệm các loại thần thông (năng lực siêu nhiên) khác nhau; là một vị ấy biến thành nhiều,... [và cứ thế như ở Luận I đ. 527 cho đến]... vị ấy điều thân mình bay xa đến cõi trời Phạm Thiên. Này các tỳ kheo, đây được gọi là kỳ diệu về thần thông.

‘Này các tỳ kheo, kỳ diệu về biết tâm ý * là gì? Ở đây, này các tỳ kheo, nhờ dấu hiệu [như dáng điệu chẳng hạn], một người nói: ‘Ý của ông như vậy, ý của ông như thế, tâm của ông là như vậy’ và dù vị ấy nói nhiều đến đâu, vị ấy nói nó đúng như vậy và không gì khác. Ở đây có người không nhờ dấu hiệu, mà nhờ nghe giọng người hay giọng không phải của người, hay của chư thiên, [1] vị ấy nói rằng: ‘Ý của ông như vậy, ý của ông như thế, tâm của ông là như vậy’ và dù vị ấy nói nhiều đến đâu, vị ấy nói nó đúng như vậy và không gì khác. Ở đây có người không nói nhờ nhìn dấu hiệu, không nhờ nghe giọng người hay giọng không phải của người, hay của chư thiên, mà sau khi nghe [2] lời nói rõ ràng của người suy tư hiểu biết 2*, vị ấy nói rằng: ‘Ý của ông như vậy, ý của ông như thế, tâm của ông là như vậy’ và dù vị ấy nói nhiều đến đâu, vị ấy nói nó đúng như vậy và không gì khác. Ở đây có người không nhờ dấu hiệu, không nhờ nghe giọng người hay giọng không phải của người, hay của chư thiên, không nhờ lời nói rõ ràng của người suy tư hiểu biết, [228] mà nhờ thấu rõ tâm ý của người đạt định không hướng tâm và suy xét đối tượng, vị ấy biết rằng ‘người này khi suy nghĩ về đối tượng nào, sẽ lập tức hướng tâm đến đối tượng ấy’ vị ấy nói rằng: ‘Ý của ông như vậy, ý của ông như thế, tâm của ông là như vậy’ và dù vị ấy nói nhiều đến đâu, vị ấy nói nó đúng như vậy và nó không gì khác. Này các tỳ kheo, đây được gọi là kỳ diệu về biết tâm ý.

* nđ: nói ra tâm ý kẻ khác.

2* ‘lời nói rõ ràng của người suy tư hiểu biết’ dịch theo Woodward, sđd, trang 154. Vitakka-vicāra ở đây có nghĩa là ‘khi chú ý đến đối tượng của nó, tâm bắt đầu suy tư về đối tượng ấy’. Woodward, sđd, chú thích số 6, trang 154.

‘Và này các tỳ kheo, kỳ diệu về giảng dạy là gì? Ở đây, này các tỳ kheo, có người khuyên như vầy: ‘Sử dụng hướng tâm như thế này, chớ như thế khác; suy xét thế này, chớ như thế khác; từ bỏ cái này, làm điều này, sống trú trong cái này’. Này các tỳ kheo, đây được gọi là kỳ diệu về giảng dạy.

Này các tỳ kheo, đây là ba loại kỳ diệu.* (A i 170).

* trong ba loại này, đức Phật nhàm chán, bác bỏ và ghê tởm hai loại đầu vì có những kẻ không tin cũng biết dùng chú thuật GandhāraMaṇika để trổ thần thông và đọc được tâm ý kẻ khác. Đức Phật chỉ coi trọng kỳ diệu về giảng dạy. Đọc kinh Kevaddha, D i 214.

2. Xuất ly * thành công (ijjhati): đây là thần thông (iddhi). Nó biến thái (paṭiharati) ham muốn khoái lạc giác quan: như vậy nó là sự biến hóa (pāṭihāriya). Tất cả những ai thành tựu được sự xuất ly đó đều trong sạch trong tâm và tư tưởng không huyên náo: đây là biến hóa nhờ biết tâm ý. Sự xuất ly ấy phải được trau giồi như vậy, phải được phát triển như vậy, phải được làm cho phong phú như vậy: đây là biến hóa nhờ giảng dạy.

* Nekkhamma: không còn ái dục. Tuy bắt nguồn từ nir + vkram có nghĩa là xuất gia, chữ này luôn được dùng là chữ phản nghĩa với kāma. Đọc Nyanatiloka, Buddhist Dictionary, trang 105.

Không sân hận thành công... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại của 7 chướng ngại và các đức tính đối nghịch, bốn cõi thiền, bốn chứng đạt vô sắc giới, mười tám tuệ quán thực tánh chính, bốn đạo lộ, (nhưng không có bốn quả) - Đọc Luận I các đ. từ 36 đến 40]...

Đạo lộ arahant thành công (ijjhati): đây là thần thông (iddhi). Nó biến thái (paṭiharati) tất cả nhiễm lậu: như vậy nó là biến hóa (pāṭihāriya). Tất cả những ai thành tựu được đạo lộ arahant ấy đều trong sạch trong tâm và tư tưởng không huyên náo: đây là biến hóa nhờ biết tâm ý. Đạo lộ arahant ấy phải được trau giồi như vậy, phải được phát triển như vậy, phải được làm cho phong phú như vậy, quán niệm phải được thiết lập đúng với đạo lộ ấy như vậy: đây là biến hóa nhờ giảng dạy.

3. Xuất ly thành công: đây là thần thông. Nó biến thái ham muốn khoái lạc giác quan: như vậy nó là sự biến hóa. Thần thông ấy (iddhi) và biến hóa ấy (paṭihāriya) tạo nên cái gọi là biến hóa nhờ thần thông (iddhi-paṭihāriya).

Không sân hận thành công... [và cứ thế như trên cho đến]...

Đạo lộ arahant thành công: đây là thần thông. Nó biến thái tất cả nhiễm lậu: như vậy nó là sự biến hóa. Thần thông ấy và biến hóa ấy tạo nên cái gọi là biến hóa nhờ thần thông.

CHẤM DỨT LUẬN THUYẾT VỀ KỲ DIỆU (BIẾN HÓA).


[1] ‘của người đã hiểu được tâm đó’ (PsA 516 Se). «parato ghosaṁ: thiên nhĩ thông. Chú thích số 5 của F. L. Woodward, Gradual Sayings I, trang 154».

[2] ‘Sau khi nghe câu ai nói nhảm khi đang buồn ngủ hay khi bất ý, khởi lên vì tâm hướng về âm thanh đó (PsA 516 Se, ấn bản của PTS 693). «Nhưng theo Woodward, câu truyện này muốn nói ‘tình cờ nghe lời phẩm bình’, như vậy ngụ ý khả năng ‘nhìn ra vấn đề như hai với hai là bốn’. Chú thích số 6 của F. L. Woodward, sđd, trang 154».

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 01c | 01d | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | Bảng tra thuật ngữ

Chân thành cám ơn đạo hữu Nguyễn Văn Ngân đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2006)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-10-2006